fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Trang Tử đã giải thích thuyết Trật tự Tự phát trước Adam Smith 2000 năm

Nhà triết học Trung Hoa Trang Tử đuợc cho là đã tìm ra một trong những khái niệm về kinh tế quan trọng nhất trên thế giới: đó là thuyết trật tự tự phát.

Jon Miltimore

Trong phim The Matrix có một cảnh nổi tiếng khi nhân vật Neo (do Keanu Reeves đóng) đến thăm Oracle, một nhân vật thông thái, bí ẩn, đầy quyền lực và có thể thấy được tương lai.

Ở đó anh ta gặp một đứa trẻ thần đồng có thể bẻ cong cái muỗng bằng cách dùng ý tưởng của nó. Sau khi thực hiện xong cái việc không thể nào làm đuợc đó, đứa trẻ đầu trọc đưa cái muỗng cho Neo và bảo anh ta như sau.

Spoon Boy: Đừng cố gắng bẻ cong cái muỗng. Điều đó không thể làm được. Thay vì làm vậy, chỉ cần cố gắng nhận ra sự thật.

Neo: Sự thật gì?

Spoon Boy: Không có cái muỗng.

Neo: Không có cái muỗng ư?

Spoon Boy: Đúng vậy, khi đó anh sẽ thấy rằng, không có cái muỗng nào cong, chỉ có anh thôi.

 

Khi tôi xem phim này 20 năm về trước, tôi không hiểu đứa bé Spoon Boy đang nói gì.

Tôi giống như là…

Nhưng đến một lúc nào đó sau này thì tôi bắt đầu hiểu ra. (Google rất tiện lợi để tìm biết những cảnh khó hiểu trong phim muốn nói gì nếu bạn không thể tự mình nghĩ ra được).

Cảnh trong phim có liên quan đến bài thơ của một triết gia Trung Hoa sống ở thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Tên ông là Trang Châu (hay còn gọi Trang Tử) và bài thơ “Hồ Điệp Mộng (Giấc Mơ Bướm)” như sau:

 

Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm

vui phận làm bướm, tự thấy thích chí,

không còn biết có Châu nữa.

Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu.  

Không biết Châu chiêm bao là bướm,

hay bướm chiêm bao là Châu?

 (Theo Nam Hoa Kinh của Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Chủ đề thực và mộng xuyên suốt cuốn phim The Matrix, và bài thơ của Trang Tử đề cập đến một câu hỏi tương tự, câu hỏi mà các triết gia đã cố tìm câu trả lời suốt cả ngàn năm qua: đó là làm sao ta có thể biết cái gì là thật sự là thực khi mà các giác quan của chúng ta đang đánh lừa chính mình?

Spoon Boy diễn tả một phiên bản của ý tưởng này: điều duy nhất chắc chắn có thật với chúng ta là những trải nghiệm trong tâm trí.

Hai ngàn năm trăm năm sau, ngoại trừ các triết gia và những người yêu thích lịch sử ra thì Trang Tử hầu như đã bị quên lãng trong công chúng, nhưng những ý tưởng của ông vẫn còn sống mãi, và đi xa hơn là các đề cập ba hoa trong các phim hành động nhiều.

Thật vậy, Trang Tử được cho là đã khám phá ra một trong những khái niệm về kinh tế quan trọng nhất trên thế giới: trật tự tự phát.

Một thẩm quyền không ai khác hơn là Murray Rothbard[1] đã cho rằng Trang Tử (Rothbard gọi là Trang Châu) là người đầu tiên đã giải thích ý tuởng này, và ông đã làm điều đó cách đây gần 2500 năm trước khi trường phái kinh tế Áo quốc lấy ý tưởng đó làm tiêu điểm cho lý thuyết về kinh tế và xã hội của họ.

Đầu tiên, điều quan trọng là phải hiểu trật tự tự phát là gì. Liberty Fund mô tả trật tự tự phát là một trật tự “xuất phát từ những hoạt động tự nguyện của các cá nhân chứ không phải được tạo ra bởi chính phủ.”

Nói tóm tắt là, người ta không cần phải bị ép buộc để tạo ra một xã hội hài hoà và thịnh vượng. Việc đó sẽ đến một cách tự nhiên dưới những điều kiện thích hợp, nghĩa là những điều kiện cho phép người ta có thể tự do làm những điều họ muốn, miễn là họ không làm hại ai hay lấy đi từ nguời khác.

Cách mô tả này nghe có vẻ quen thuộc với độc giả của tạp chí này (FEE) mà châm ngôn là “bất cứ thứ gì miễn là ôn hoà.” Nhưng điều nàycó liên quan gì đến Trung Hoa cổ đại?

Vâng, tin hay không, thì từ xưa ở Trung Hoa đã có một truyền thống trí thức theo chủ nghĩa tự do rất phát triển.

Tuy nhiên Trang Tử không phải là người sáng lập ra phong trào đó. Rothbard cho rằng truyền thống này bắt đầu từ Lão Tử (500 năm trước Công Nguyên), một triết gia được cho là cha đẻ của Lão Giáo, người đã khước từ Khổng Giáo, một triết thuyết được xem là độc đoán, để ủng hộ cho các quyền cá nhân.

Lão Tử đã phát triển cái mà Rothbard mô tả là “một tín điều theo chủ nghĩa tự do cấp tiến,” cho rằng quyền cá nhân và hạnh phúc là mục tiêu căn bản của xã hội. Lão Tử xem các thể chế cầm quyền, với các “luật lệ và quy định nhiều hơn cả lông của con bò” là một thế lực áp bức cá nhân tự nhiên, một thế lực còn “đáng sợ hơn cả hổ dữ.”

Trang Tử tiếp bước theo Lão Tử, trong công trình nổi tiếng nhất của ông là “Nam Hoa Kinh,” đã chia sẻ những thứ mà Rothbard cho là dấu vết lịch sử đầu tiên của ý tưởng về “trật tự tự phát.”

Trang Tử nhắc lại và tôn vinh sự cống hiến của Lão Tử cho việc “hãy để tự nhiên” (laissez faire) và việc chống lại các quy tắc của nhà nước: “Xưa giờ chỉ có việc để yên cho thiên hạ. Chưa bao giờ có việc trị thiên hạ (lại thành công).” Thật vậy, thế giới “không cần phải được cai trị; mà đúng là không nên được cai trị.” Trang Tử cũng là người đầu tiên thực hiện ý tưởng “trật tự tự phát,” sau này được phát triển bởi Proudhon vào thế kỷ 19 và bởi F. A. Hayek của Truờng Phái Áo vào thế kỷ 20.

Nghiên cứu về Nam Hoa Kinh cho thấy quan niệm của Trang Tử về “trật tự tự phát” không thể nào có thể rõ hơn nữa: “Trật tự tốt đẹp sẽ tự phát sinh khi vạn vật được để yên.”

Trang Tử dành hẳn một chương bàn về sự “để yên không gượng ép” hay “vô vi.” Trong chương này Trang Tử viết rằng những điều kiện tự nhiên cho nhân loại tồn tại không cần đến “những sự giúp đỡ nhân tạo.” Triết gia đề cập đến sự xấu xa của chính phủ, chỉ ra những thất bại trong việc ép buộc, và mô tả hành động bắt nguồn từ sự không hành động như thế nào (sự không hành động của chính phủ).

Nhiều người có khuynh hướng cho rằng những khái niệm về chính phủ hạn chế và trật tự tự phát là những ý tưởng của “Phương Tây,” nhưng thật ra không phải như vậy.

Những ý tưởng của Trang Tử cho thấy chúng rất phổ quát. Hai ngàn năm sau khi Trang Tử qua đời, Adam Smith, trong công trình “The Theory of Moral Sentiments” có đề cập đến một “bàn tay vô hình” nào đó có mặt trong thị trường tự do hoạt động nhằm đem lợi ích cho tất cả mọi người. Trong công trình này, Smith giải thích sự liên đới của con người vào các hệ thống và sự ép buộc làm trở ngại sự hoà hợp của thị trường như thế nào.

Người giàu chỉ lựa những thứ quý giá và hợp ý nhất. Họ tiêu thụ nhiều hơn người nghèo một chút, và dù cho có sự ích kỷ tự nhiên và tham lam, dù cho họ chỉ lo cho sự tiện lợi của bản thân, dù cho chung cuộc duy nhất mà họ đề xuất từ sức lao động của hàng ngàn người khác mà họ mướn để làm việc, là sự thoả mãn những khao khát vô vọng và không chán của chính họ, họ vẫn chia sẻ với nguời nghèo những thành quả đạt được từ sự cải tiến. Họ đuợc dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để phân phối những thiết yếu của đời sống, mà đáng lẽ ra cũng được phân phối như vậy nếu trái đất này được chia đều ra cho tất cả các cư dân, và dù không cố ý và không hay biết, đã thúc đẩy lợi ích xã hội, và tạo điều kiện cho muôn loài cùng sinh sản.

Không có bằng chứng nào (ít nhất là tôi có thể tìm thấy) cho thấy Smith có đọc Trang Tử. Thế nhưng cả hai đều quan sát thấy sự ảnh hưởng của “trật tự tự phát,” từ ngữ do nhà bác học người Anh-Hungary Michael Polanyi đã đặt ra và dùng trong tiểu luậnSự Phát Triển của Tư Tưởng trong Xã Hội.”

Khi được phép làm việc, trật tự tự phát là một trong những ảnh hưởng mạnh nhất trên thế giới. Nó là nguồn gốc của sự thịnh vượng của nhân loại, là động cơ thúc đẩy cho sự hưng thịnh của nhân loại chưa từng có.

Vâng rất mạnh, còn mạnh hơn cả bẻ cong một cái muỗng bằng ý nghĩ.

Dương Thanh Phong chuyển ngữ.

© Học Viện Công Dân, November 2020

Tác giả: Jonathan Miltimore là Phó Chủ bút của FEE.org. Ông viết và tường thuật về nhiều đề tài cho các tạp chí TIME, Wall Street Journal, CNN, Forbes, Fox News, và the Star Trinune.

Nguồn: https://fee.org/articles/zhuang-zhou-the-chinese-philosopher-who-explained-spontaneous-order-2-000-years-before-adam-smith/?utm_source=email&utm_medium=email&utm_campaign=2020_FEEDaily

[1] Murray Rothbard là một kinh tế gia chuyên về lý thuyết kinh tế phi-chính thống của trường phái Kinh tế Áo quốc. Ông cũng là một trong những nhà kinh tế quan trọng của thế kỷ 20 theo trường phái kinh tế duy tự do (libertarianism)