fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Trung quốc đối đầu với sự cạnh tranh sắp tới với Mỹ, đối phó với Coronavirus, và nhược điểm của Tập Cận Bình

LGT: Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là Giáo sư Chính trị tại Đại học Claremont McKenna. Bài phân tích này là một phần của dự án của Trung tâm John W. Kluger thuộc Thư viện Quốc hội và được tài trợ bởi Công ty Carnegy tại New York.

 Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Trong vòng vài năm qua, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung quốc đã chuyển sang hướng cứng rắn, cộng với sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh trong quan hệ Mỹ-Hoa nghiêng hẳn về phía cạnh tranh. Hầu hết những nhà thiết lập chính sách và bình luận của Mỹ đều xem chiến lược đối đầu mới này là một phản ứng trước sự gia tăng khẳng định vị thế của Trung quốc, được thể hiện một cách đặc biệt qua nhân vật đang được dư luận quan tâm, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình.[1]

[Mặc dù] nước Mỹ có những phương tiện hạn chế trong việc tạo ảnh hưởng đến hệ thống chính trị đóng kín của Trung quốc, nhưng những áp lực ngoại giao, kinh tế, và quân sự mà Washington có thể áp đặt lên Bắc Kinh sẽ khiến cho Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung quốc (CSTQ) do Tập lãnh đạo một sự căng thẳng lớn lao. Thật vậy, một giai đoạn đối đầu chiến lược kéo dài với Mỹ, như giai đoạn hiện nay, sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho những thay đổi lớn có tính chất bất ngờ tại Trung quốc.

Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, đã có những cuộc tranh luận gay gắt về những điểm tương đồng và, có lẽ quan trọng hơn, sự khác biệt giữa cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay và cạnh tranh giữa Mỹ-Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Dù sự so sánh này có những giới hạn nào đi chăng nữa, các nhà lãnh đạo Trung quốc đã suy nghĩ rất cặn kẽ về những bài học của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên-xô. Trớ trêu thay, Bắc Kinh cũng có thể lập lại những sai lầm hệ trọng của chế độ Xô-viết.

Suốt trong cuộc cạnh tranh trải qua nhiều thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, sự cứng nhắc của chế độ Xô-viết và của cả những người lãnh đạo chế độ đó đã được xem là lợi điểm đáng giá nhất của Mỹ. [Sự cứng nhắc đó là] Kremlin tiếp tục gia tăng nỗ lực vào những chiến lược đã thất bại—bám víu vào một hệ thống kinh tế đang dãy chết, theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang làm cho phá sản, và duy trì một đế quốc toàn cầu quá khả năng—thay vì chấp nhận những sự mất mát mà những cuộc cải cách triệt để có thể tạo ra. Những người lãnh đạo Trung quốc cũng bị bó buộc trong sự cứng ngắc của chính hệ thống của họ và, do đó, hạn chế khả năng chỉnh sửa những sai lầm trong chính sách.

Năm 2018, Tập quyết định huỷ bỏ nhiệm kỳ của chủ tịch nước, một dấu hiệu cho thấy ý định “muôn năm trường trị.”[2] Tập mặc sức thi hành những cuộc thanh trừng nặng tay,[3] khai trừ những cán bộ đảng viên cao cấp dưới chiêu bài chống tham nhũng. Chưa hết, Tập còn đàn áp những cuộc biểu tình ở Hong Kong, bắt giam hàng trăm các luật sư bảo vệ nhân quyền và những nhà hoạt động, và áp đặt một sự kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ nhất của thời kỳ hậu-Mao Trạch Đông. Chính quyền của Tập đã thiết lập nhiều “trại cải tạo” tại Tân Cương,[4] nơi mà hơn một triệu người Duy ngô nhĩ, Kazakh, và các sắc dân thiểu số khác theo Hồi giáo bị giam giữ. Và chính quyền Trung quốc đã tập trung các quyết định về chính trị và kinh tế về trung ương,[5] dồn nguồn lực của chính quyền vào các công ty quốc doanh và cải tiến công nghệ giám sát quần chúng.[6] Tuy thế, có gồm tất cả những biện pháp này lại, thì chúng chỉ làm cho CSTQ trở nên yếu hơn mà thôi: sự phát triển của xí nghiệp quốc doanh làm biến dạng nền kinh tế, và sự theo dõi, giám sát người dân tạo ra sự phản kháng. Sự lây lan của Coronavirus chỉ làm cho sự bất mãn của dân chúng đối với chính quyền sâu đậm thêm.

Sự căng thẳng kinh tế và chỉ trích chính trị phát xuất từ sự cạnh tranh Mỹ-Hoa có thể sẽ trở thành “giọt nước làm tràn ly.” Nếu Tập tiếp tục trên con đường này, làm xói mòn nền tảng kinh tế và chính trị của Trung quốc và tập trung quyền lực, Tập sẽ đưa đảng Cộng sản Trung quốc tới một sự thay đổi thảm khốc.

Con Hổ Giấy

Kể từ khi cầm quyền năm 2012, Tập đã thay thế lãnh đạo tập thể bằng lãnh đạo cá nhân.[7] Trước khi Tập lên nắm quyền, chế độ cộng sản Trung quốc luôn luôn thể hiện một sự uyển chuyển giữa ý thức hệ và thực dụng chính trị, qua đó chế độ tránh được những sai lầm nhờ dựa vào tiến trình đưa ra quyết định đặt trên sự đồng thuận bao gồm quan điểm của những phe phái đối kháng và dung hợp những quyền lợi đối nghịch. Đảng CSTQ cũng tránh những xung đột ở ngoài nước bằng cách tránh những tranh chấp gây tranh cãi, như ở Trung Đông, và kiềm chế các hoạt động có thể xâm phạm các lợi ích quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ. Ở trong nước thành phần cầm quyền duy trì sự bình ổn bằng cách chia nhau của cải rút ra từ chính quyền. Một chế độ như vậy, hiển nhiên không phải là chế độ hoàn hảo. Tham nhũng tràn lan, và chính quyền thường trì  hoãn những quyết định quan trọng và đánh mất nhiều cơ hội quý giá. Nhưng cái chế độ trước khi Tập thu tóm quyền hành có một lợi điểm đặc biệt: một khuynh hướng cân bằng giữa thực dụng và thận trọng.

Trong bảy năm qua, hệ thống chính trị đó đã bị triệt phá và thay thế bằng một chế độ với phẩm chất khác biệt—một chế độ thể hiện tính chất cứng rắn về ý thức hệ cao độ, chính sách trừng phạt đối với các dân tộc thiểu số và những người chống đối chính trị trong nước, và một chính sách đối ngoại bốc đồng được thể hiện bởi Đề án Nhất Đái Nhất Lộ (Belt and Road Initiative–Một Vành đai Một Con đường),[8] một dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lên tới một ngàn tỷ đô-la cho tiềm năng kinh tế mơ hồ đã khiến cho Tây phương không khỏi gia tăng sự hoài nghi.

Dưới quyền của Tập, thực tế cho thấy thật khó để thay đổi những sai lầm chính sách, bởi vì đảo ngược những quyết định được chính cá nhân lãnh tụ, (mẫu người mà Tây phương vẫn gọi là “cường nhân”– strongman) đưa ra sẽ làm giảm đi hình ảnh bất khả sai lầm của lãnh tụ. (Xét về phương diện chính trị, đảo ngược những quyết định sai lầm do tập thể lãnh đạo đưa ra thì dễ hơn do cá nhân lãnh tụ đưa ra vì cả tập thể chịu trách nhiệm về sự sai trái, chứ không phải một cá nhân nào). Sự đòi hỏi trung thành với Tập đã dập tắt mọi sự thảo luận và ngăn chặn những sự bất đồng quan điểm trong đảng. Vì những lý do này đảng CSTQ đã mất tính linh hoạt cần thiết để tránh và sửa đổi những sai lầm trong tương lai trong cuộc đối đầu với Mỹ. Kết quả là khả năng chia rẽ gia tăng trong nội bộ chế độ. Một số những lãnh đạo đảng khác hiển nhiên là nhận thức được những rủi ro này và càng ngày càng cảm thấy hốt hoảng trước sự những chính sách tạo ra nguy hiểm một cách không cần thiết cho uy tín của đảng. Sự sứt mẻ về quyền uy của Tập gây ra bởi những hành động sai lầm sẽ khuyến khích những đối thủ—nhất là Thủ tướng Lý Khắc Cường và các uỷ viên Bộ chính trị như Uông Dương và Hồ Xuân Hoa (tất cả những người này đều có quan hệ mật thiết với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào—thách thức vị thế của Tập. Dĩ nhiên, việc loại bỏ “cường nhân” trong chế độ độc đảng là chuyện bất khả thực hiện vì lãnh tụ đã nắm chặt quyền kiểm soát quân đội và lực lượng an ninh, Nhưng sự bất hoà gia tăng, ít ra cũng tạo cho Tập một cảm giác bất an và ấn tượng có những kẻ muốn làm loạn, những động thái này khiến cho khả năng vạch ra một hướng đi chắc chắn bị giảm sút.

Một cường nhân khi đã bị thất bại—như Mao Trạch Đông sau chiến dịch Đại Nhẩy Vọt,[9] một chương trình hiện đại hoá tập trung vào sản xuất thực phẩm, đưa đến cái chết của 30 triệu người vì nạn đói trong đầu thập niên 1960—đương nhiên e ngại những đối thủ nắm lấy cơ hội này mà âm mưu chống lại y. Để chặn trước những mối hoạ này, cường nhân dùng đến biện pháp cố hữu là thanh trừng, như Mao đã tiến hành bốn năm sau cuộc Đại Nhẩy Vọt bằng cuộc Cách mạng Văn hoá, một phong trào nhằm tiêu diệt những “phần từ tư sản” trong xã hội và trong chính quyền. Trong những năm sắp tới, Tập có thể phải dùng đến thanh trừng nhiều hơn như đã và đang làm; những cuộc thanh trừng càng làm tăng thêm sự căng thẳng và nghi ngờ trong hàng ngũ cai trị.

Thời kỳ khó khăn trước mặt

 Một thành phần quan yếu trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh của Washington là “tách rời kinh tế,” (giải ngẫu: decouple), làm suy giảm đáng kể các mối quan hệ thương mại rộng lớn mà Mỹ và Trung quốc đã xây dựng trong hơn bốn thập niên vừa qua. Những người ủng hộ chiến lược giải ngẫu—như Tổng thống Donald Trump của Mỹ, người đã phát động cuộc thương chiến với Trung quốc năm 2018—tin rằng tách rời Trung quốc khỏi thị trường rộng lớn và công nghệ tinh vi của Mỹ, Washington có thể làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng quyền lực của Trung quốc rất nhiều. Mặc dù đã có một cuộc ngưng chiến trong cuộc chiến thương mại sau khi Trump và Tập đạt được một thoả thuận tạm thời vào tháng Giêng 2020,[10] sự giải ngẫu kinh tế Mỹ-Hoa chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới, bất kể ai sẽ ở trong toà Bạch ốc, vì giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế của Mỹ vào Trung quốc và chế ngự sự gia tăng quyền lực của nước này hiện là mục tiêu chung của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Vì nền kinh tế của Trung quốc hiện nay ít lệ thuộc vào xuất cảng như một động cơ tạo tăng trường—xuất cảng năm 2018 chỉ chiếm 19.5% GDP,[11] giảm từ 32.6% năm 2008—giải ngẫu có thể không làm giảm sút nhiều sự tăng trưởng kinh tế của Trung quốc như những người ủng hộ giải ngẫu đã hy vọng. Nhưng nó chắc chắn sẽ có một tác động tiêu cực thực sự trên nền kinh tế của Trung quốc, một điều có thể bị phóng đại bởi sự suy thoái kinh tế trong nước;[12] sự suy thoái đó là sản phẩm của khối nợ công đang bành trướng,[13] sự kiệt sức của sự tăng trưởng dựa vào đầu tư,[14] và dân số đang lão hoá nhanh chóng. Sự giảm tốc sản xuất có thể trở nên xấu hơn bởi toan tính giữ vững sự tăng trưởng ngắn hạn bằng những chính sách không thể duy trì lâu dài, như gia tăng số tiền cho vay từ ngân hàng và đầu tư vào những dự án hạ tầng phí phạm.[15]

Khi nền kinh tế bị suy yếu, đảng CSTQ có thể phải đối phó với sự mất ủng hộ của người dân khi họ đối diện với sự suy giảm hay trì trệ tiêu chuẩn sống. Vào thời hậu-Mao, đảng CSTQ đã phải lệ thuộc nặng nề vào những thành quả kinh tế để duy trì tính chính danh của đảng.[16] Thật vậy, những thế hệ sinh sau cuộc Cách mạng Văn hoá đã được lớn lên khi các tiêu chuẩn sống được cải thiện đều đặn. Tăng trưởng kinh tế èo uột mà bị kéo dài—một vài năm chẳng hạn, trong đó mức tăng trưởng chỉ xấp xỉ ba hay bốn phần trăm, con số trung bình lịch sử của những nước đang phát triển—có thể làm giảm thiểu đáng kể mức độ ủng hộ của dân chúng đối với đảng CSTQ, khi người dân thường phải vật lộn với sự thất nghiệp gia tăng và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém.

Trong môi trường kinh tế bất lợi như vậy, những dấu hiệu bất ổn xã hội, như bạo loạn, biểu tình số đông, và đình công, sẽ trở nên [một hiên tượng] phổ thông. Mối hoạ sâu xa nhất đối với sự ổn định của chế độ đến từ thành phần trung lưu. Những người tốt nghiệp đại học, có ăn học và có ước muốn thăng tiến trong xã hội sẽ cảm thấy ngày càng khó tìm được những việc làm ưng ý trong những năm sắp tới vì nền kinh tế của Trung quốc cũng đang bị “thiếu máu.” Khi mức sống bị chững lại, giai cấp trung lưu sẽ quay lại chống đảng. Giai cấp trung lưu lúc đầu sẽ không trực tiếp ra mặt có thái độ phản kháng: phần tử trung lưu theo truyền thống vẫn tránh dính líu đến chính trị. Nhưng ngay cả khi những phần tử thuộc giai cấp này không trực tiếp tham gia những cuộc phản kháng chống chế độ, họ cũng có thể biểu đạt sự bất mãn một cách gián tiếp, được thể hiện qua những vấn đề như bảo vệ mội trường, y tế cộng đồng, giáo dục, và an toàn thực phẩm. Giai cấp trung lưu cũng có thể bỏ phiếu bằng chân bằng cách di cư hàng loạt ra nước ngoài sinh sống.

Suy thoái kinh tế sẽ phá vỡ cấu trúc bảo trợ của đảng CSTQ, những đặc quyền đặc lợi mà chính quyền ban cho những kẻ thân cận và cộng sự viên. Trong thời kỳ vừa qua, nền kinh tế phát triển đã cung ứng cho chính quyền một nguồn lợi tức dồi dào—tổng thu nhập ròng đã gia tăng gấp ba lần từ 2008 đến 2018[17]—cung cấp cho đảng những tài nguyên để bảo đảm sự trung thành của những đảng viên trung cấp, những lãnh đạo cao cấp thuộc các tỉnh, và quản lý các xí nghiệp quốc doanh. Khi phép lạ kinh tế của Trung quốc bị dao động, đảng CSTQ sẽ thấy khó lòng thoả mãn những đặc quyền đặc lợi mà cán bộ đã quen được hưởng. Thành phần lãnh đạo trong đảng cũng sẽ phải cạnh tranh dữ dội với nhau để nhận được sự chuẩn thuận và tài trợ cho những dự án riêng của họ. Sự bất mãn trong hàng ngũ lãnh đạo có thể gia tăng khỏi tầm kiểm soát nếu những kế hoạch ưu tiên của Tập, như Đề án Nhất Đái Nhất Lộ, tiếp tục chiếm vị trí ưu tiên và những người khác phải tiết kiệm.

Cuối cùng, trong trường hợp có một sự giảm tốc kinh tế trầm trọng, chính quyền Trung quốc hầu như chắc chắn sẽ phải đối phó với những sự phản kháng mạnh mẽ hơn từ những vùng lãnh thổ ngoại vi như Tây Tạng và Tân Cương, hai vùng đất có những sắc dân thiểu số vẫn từng lớn tiếng chống đối, và ở Hong Kong, một thuộc địa của Anh quốc cho tới năm 1997 và duy trì một hệ thống chính trị có nhiều quyền tự do dân sự hơn với lục địa. Chắc chắn rằng sự gia tăng căng thẳng tại những vùng ngoại vi sẽ không thể làm sụp đổ đảng CSTQ, nhưng cũng có thể là những sự nhiễu loạn tốn kém. Nếu đảng CSTQ dùng những biện pháp mạnh tay để tái lập kiểm soát, một khả năng rất có thể xảy ra, thì Trung quốc sẽ phải chịu sự chỉ trích kịch liệt của cộng đồng quốc tế và những biện pháp chế tài mới khắc nghiệt hơn. Sự gia tăng vi phạm nhân quyền ở Trung quốc cũng sẽ đẩy Âu châu lại gần hơn với Mỹ, và như thế tạo điền kiện thuận tiện cho việc thiết lập một liên minh chống Trung quốc lớn rộng, một điều mà Bắc Kinh đang nỗ lực tránh không cho xảy ra.

Mặc dù sự bất mãn của giai cấp trung lưu, sự phản kháng của sắc tộc thiểu số, và những cuộc phản kháng đòi dân chủ sẽ không làm mất quyền lực của Tập, nhưng những sự bất ổn lan toả đó sẽ làm xói mòn thêm quyền lực và tạo sự nghi ngờ về khả năng cai trị hữu hiệu của ông ta. Sự yếu kém về kinh tế cộng với sự mất tinh thần của thành phần ưu tú lãnh đạo có thể đẩy Bắc Kinh tới miệng vực, đưa đảng CSTQ tới thảm hoạ.

Khua tiếng trống Chủ nghĩa Dân tộc Trung quốc

Trên lý thuyết, đảng CSTQ vẫn có khả năng để tránh hay làm giảm nhẹ sự thiệt hại từ sự giảm tốc kinh tế. Một chiến lược hữu hiệu sẽ là kết hợp một số những bài học quý giá mà các người tiền nhiệm của Tập đã học được từ sự sụp đổ của Liên-xô: Moscow tiếp tục cung cấp một khối lượng viện trợ đáng kể cho Cuba, Việt Nam, và một số nước chư hầu khác ở Đông Âu mãi cho đến những năm hoàng hôn của Xô-viết.[18] Liên-xô cũng đã theo đuổi một sự can thiệp rất tốn kém bằng quân sự vào Afghanistan và tài trợ cho các nước đàn em tại Angola và Đông Nam Á. Để tránh những sai lầm như thế, Bắc Kinh nên ưu tiên bảo tồn các nguồn tài chính hạn chế của mình để duy trì cuộc xung đột quyền lực giữa các cường quốc mà không biết bao giờ mới kết thúc. Cụ thể, Trung quốc nên giảm các chi tiêu khỏi các dự án bành trướng của mình, trên hết là Nhất Đái Nhất Lộ và các chương trình hỗ trợ nước ngoài khác, như các khoản tài trợ và các khoản vay ưu đãi mà nó đã cung cấp cho Campuchia, Cuba, Venezuela và một số nước đang phát triển ở châu Phi. Bắc Kinh có thể phải chịu những tổn phí ngắn hạn một cách đáng kể, cụ thể là mất uy tín và thiện chí, nhưng về lâu dài, Trung Quốc sẽ tránh được những nguy cơ “vươn tay quá trán” và bảo toàn đủ tiền để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng của mình, vốn đã cạn kiệt do cho vay quá mức trong thập kỷ qua.

Bắc Kinh cũng nên xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các đồng minh của Hoa Kỳ để ngăn Washington tuyển mộ họ vào một liên minh chống Trung quốc rộng lớn. Để làm như vậy, chế độ sẽ phải đưa ra những nhượng bộ kinh tế, ngoại giao, quân sự và chính trị to lớn, như mở cửa thị trường Trung quốc cho Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu; cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ; thực hiện những cải tiến đáng kể về quyền con người; và từ bỏ một số yêu sách lãnh thổ nhất định. Chính phủ Tập đã thực hiện các bước để sửa chữa quan hệ với Nhật Bản. Nhưng để thực sự ve vãn các đồng minh của Hoa Kỳ và ngăn chặn sự giảm tốc kinh tế, Tập hoặc những người kế nhiệm sẽ cần phải đi xa hơn, thực hiện các cải cách theo định hướng thị trường để bù đắp tổn thất kinh tế do giải ngẫu gây ra. Tư nhân hóa trên quy mô lớn các doanh nghiệp nhà nước là một nơi khởi đầu thích hợp. Những công ty quốc doanh đồ sộ kềnh càng không hiệu quả này kiểm soát gần 30 nghìn tỷ đô la tài sản và tiêu thụ khoảng 80% tín dụng ngân hàng có sẵn của đất nước, nhưng họ chỉ đem về từ 23 đến 28% GDP. Những lợi ích hiệu quả được giải phóng bằng cách kiểm soát vai trò trực tiếp của nhà nước trong nền kinh tế sẽ là quá đủ để bù đắp cho sự mất mát của thị trường Hoa Kỳ. Nhà kinh tế học Nicholas Lardy đã ước tính rằng những cải cách kinh tế thực sự, đặc biệt là những mục tiêu nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước, có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc lên tới hai điểm phần trăm trong thập kỷ tới.

Rủi thay, có nhiều khả năng là Tập sẽ không nắm lấy chiến lược này. Bởi vì, nó đi ngược lại quan điểm tư tưởng được giữ vững của ông. Hầu hết các sáng kiến chính sách đối ngoại và an ninh gần đây của Trung quốc đều mang dấu ấn cá nhân của ông. Cắt giảm hoặc từ bỏ chúng sẽ được coi là một sự thừa nhận thất bại. Do đó, đảng CSTQ có thể bị giới hạn trong các điều chỉnh chiến thuật: thúc đẩy quan hệ đối tác công tư trong nền kinh tế, bãi bỏ một số lĩnh vực nhất định hoặc giảm chi tiêu của chính phủ. Các bước như vậy sẽ thể hiện sự cải thiện nhưng có lẽ sẽ không tăng đủ doanh thu cũng như không đủ sức hấp dẫn đối với các đồng minh của Hoa Kỳ để thay đổi quyết định tiến trình của cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung quốc.

Thay vào đó, Tập có thể sẽ khua tiếng trống của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ. Kể từ cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989,[19] biến cố đã làm rung chuyển đảng CSTQ tận cốt lõi và dẫn đến một cuộc đàn áp của chính phủ đối với phe bất đồng chính kiến, đảng CSTQ đã không ngừng lợi dụng tình cảm dân tộc để củng cố tính hợp pháp của nó. Trong trường hợp giải ngẫu và suy thoái kinh tế, đảng có thể sẽ tăng cường những nỗ lực đó. Điều này ban đầu không khó lắm: hầu hết người Trung Quốc đều tin rằng Hoa Kỳ bắt đầu cuộc xung đột hiện tại để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung quốc. Nhưng trớ trêu thay, việc thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc cuối cùng có thể khiến đảng khó chuyển sang chiến lược linh hoạt hơn, vì lập trường chống Mỹ mạnh mẽ sẽ khóa chặt cuộc xung đột và hạn chế các lựa chọn chính sách của Bắc Kinh.

Đảng CSTQ sau đó sẽ phải chuyển sang kiểm soát xã hội và đàn áp chính trị. Nhờ bộ máy an ninh rộng lớn và hiệu quả của mình, nên đảng sẽ không khó khăn lắm để ngăn chặn những thách thức nội bộ đối với chính quyền của mình. Nhưng đàn áp sẽ tốn kém. Đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng do kinh tế trì trệ, đảng sẽ phải dành nguồn lực đáng kể cho sự ổn định, chủ yếu bằng chi phí cho các ưu tiên khác. Kiểm soát xã hội nghiêm ngặt cũng có thể làm tha hóa một số giới thượng lưu, chẳng hạn như doanh nhân tư nhân và các học giả và nhà văn có tiếng. Việc đàn áp mạnh mẽ có thể tạo ra sự kháng cự lớn hơn ở Trung Quốc ngoại vi, Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, và khơi gợi sự chỉ trích quốc tế, đặc biệt là từ các nước châu Âu mà Trung Quốc cần ve vãn.

Sau Cơn Hồng thuỷ

Đảng CSTQ vẫn còn lâu mới chết. Trừ phi bị thua trong một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ, đảng vẫn còn có thể giữ được quyền lực. Trong trường hợp này, một chế độ bị bao vây bởi sự trì trệ kinh tế và ở trong nước thì bất ổn xã hội gia tăng, ở ngoài nước thì phải cạnh tranh với cường quốc, là một chế độ vốn đã dễ vỡ. Đảng CSTQ có lẽ sẽ như một tấm vải bị bung ra theo từng đợt. Sự mục nát sẽ diễn ra từ từ nhưng rồi sẽ lan mau.

Sự bất mãn gia tăng trong chế độ có thể thúc đẩy những cán bộ cao cấp tổ chức một cuộc đảo chánh thay thế Tập là một điều có thể xảy ra nhưng với xác suất rất thấp. Đảng CSTQ, tuy thế, đã thiết lập những kỹ thuật chống đảo chánh tinh vi: Văn phòng Tổng cục Trung ương, cơ quan duy nhất có thể thay thế Tập, giám sát việc liên lạc giữa các uỷ viên. Những đàn em trung thành với Tập chiếm đa số trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, và quân đội thì hoàn toàn do Tập kiểm soát. Trong hoàn cảnh như vậy, một âm mưu chống lại nhà lãnh đạo cao nhất sẽ cực kỳ khó khăn để thực hiện.

Một kịch bản khác có thể xảy ra là một cuộc khủng hoảng tạo ra sự chia rẽ giữa các tầng lớp thượng lưu hàng đầu của Trung Quốc, do đó làm tê liệt chế độ đàn áp đáng sợ của chế độ. Một sự kiện như vậy có thể được thúc đẩy bởi các cuộc biểu tình lớn mà lực lượng an ninh không thể ngăn chặn. Cũng như các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, các bộ phận có thể nổi lên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu về cách đối phó với người biểu tình, do đó cho phép phong trào đạt được động lực và thu hút sự ủng hộ trên toàn quốc. Nhưng kịch bản này, mặc dù hấp dẫn, khó có thể thành hiện thực, vì đảng đã đầu tư rất nhiều vào giám sát và kiểm soát thông tin và đã phát triển các phương pháp hiệu quả để đàn áp các cuộc biểu tình lớn.

Kịch bản có khả năng xảy ra nhất để có sự thay đổi căn bản là một cuộc đấu tranh để xem ai sẽ thay thế  nếu Tập phải qua đời hoặc từ chức vì bệnh tật. Thông thường, cuộc đấu tranh giành quyền lực sau khi chấm dứt sự cai trị của cường nhân tạo ra một nhà lãnh đạo lâm thời yếu kém: Thủ tướng Liên Xô Georgy Malenkov, người thay thế Stalin, hoặc Chủ tịch đảng CSTQ Hoa Quốc Phong,[20] người kế vị Mao. Những nhà lãnh đạo như vậy thường bị đẩy ra bởi một đối thủ mạnh hơn với viễn kiến chuyển hoá mới: hai nhân vật ta nghĩ tới ngay là Nikita Khrushchev ở Liên Xô và Đặng Tiểu Bình[21] ở Trung Quốc. Với nhà lãnh đạo mới này, ông ta cần phải khẳng định quyền lực của mình và đưa ra một chương trình nghị sự khác, hấp dẫn hơn, cho nên không chắc rằng chủ nghĩa độc đoán cứng rắn của Tập sẽ tồn tại khi đã hết nắm quyền.

Điều đó sẽ khiến nhà lãnh đạo mới chỉ có hai lựa chọn. Ông ta có thể quay lại chiến lược sinh tồn mà đảng đã có trước Tập bằng cách khôi phục vai trò lãnh đạo tập thể và chính sách đối ngoại tránh rủi ro. Nhưng ông có thể thấy đây là một việc khó làm, vì đảng và tất cả các chiến lược sinh tồn trước đây của nó có thể đã bị mất uy tín vào thời điểm này. Vì vậy, thay vào đó, ông có thể lựa chọn cải cách triệt để hơn để cứu đảng. và thúc đẩy cải cách kinh tế,[22] giống như Liên Xô đã làm từ năm 1985 đến khi sụp đổ năm 1991. Một hành động như vậy có thể hấp dẫn hơn đối với thành phần ưu tú trong đảng bị tổn thương bởi hai thập kỷ cai trị mạnh mẽ, nó cũng có thể cộng hưởng với giới trẻ Trung Quốc khao khát một hướng đi mới.

Nếu các nhà cải cách chiếm thế thượng phong và dấn thân vào con đường như vậy, thì vấn đề quan trọng nhất là liệu họ có thể tránh được “nghịch lý Tocqueville,”[23] được đặt theo tên của nhà lý luận chính trị Alexis de Tocqueville, người đã quan sát rằng những cải cách mà chế độ độc tài suy yếu theo đuổi có xu hướng kích hoạt một cuộc cách mạng mà cuối cùng lật đổ chế độ độc tài cải cách.

Tuy nhiên, cải cách vừa phải có thể hiệu quả hơn ở Trung Quốc so với ở Liên Xô, bởi vì một nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ không phải đối phó với một đế chế bên ngoài đang sụp đổ, như nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã làm ở Đông Âu. Một nhà lãnh đạo mới cũng không phải đối mặt với sự tan rã của quốc gia, như Liên Xô đã làm vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi tất cả 15 nước cộng hòa Xô viết bung ra từ trung tâm, bởi vì các dân tộc thiểu số không phải là người Trung Quốc chiếm chưa đến mười phần trăm[24] dân số Trung Quốc. Họ có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở Tây Tạng và Tân Cương, nhưng các dân tộc thiểu số không gây ra mối đe dọa thực sự đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Dù kết quả chính trị của Tập là gì đi nữa, đảng CSTQ có thể sẽ trải qua những thay đổi mạnh mẽ. Trong trường hợp tốt nhất, đảng có thể thành công trong việc biến mình thành một chế độ “tử tế hơn,” một chế độ ủng hộ cải cách kinh tế và chính trị và tìm kiếm một sự hoà giải địa-chính trị với Mỹ. Nếu như vậy, đảng CSTQ sẽ biến thể không còn nhận ra được nữa. Trong trường hợp xấu nhất, sự thối rữa thể chế sâu sắc, lãnh đạo không có khả năng và các phong trào chống chế độ nổi lên rất có thể gây ra một cuộc “hạ cánh” khó khăn. Nếu điều đó xảy ra, đó là một trong những điều trớ trêu lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù những bài học mà đảng CSTQ đã học được từ sự nội phá của Liên Xô và các bước đã được thực hiện từ năm 1991 để tránh số phận tương tự, việc chấm dứt chế độ độc đảng ở Trung Quốc có thể theo một kịch bản tương tự.

Đông Á Bệnh phu

Những kịch bản như vậy có thể sẽ bị coi thuần túy là ảo mộng bởi những người tin vào sự bền bỉ và kiên cường của sự cai trị của đảng CSTQ. Nhưng phản ứng vụng về ban đầu của nhà nước Trung Quốc đối với sự bùng nổ của coronavirus-mới và sự phẫn nộ sau đó của cộng đồng sẽ khiến họ nghĩ lại. Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung quốc đã bộc lộ một số điểm yếu đáng kể. Khả năng thu thập, xử lý và hành động về thông tin quan trọng của chế độ xem ra chẳng tạo ấn tượng gì hơn so với dự đoán. Cứ xem khoản đầu tư[25] khổng lồ vào việc kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh mà Trung Quốc đã thực hiện kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002, và việc thực thi luật về quản lý khẩn cấp vào năm 2007, thật đáng kinh ngạc khi thấy chính phủ Trung Quốc ban đầu đã thất bại trong việc xử lý dịch coronavirus mới. Chính quyền địa phương ở Vũ Hán, trung tâm của vụ dịch bùng nổ đã che giấu[26] thông tin quan trọng từ công chúng ngay cả sau khi các chuyên gia y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, giống như Tương Ngạn Vĩnh, một bác sĩ quân đội kỳ cựu, đã làm vào năm 2003 về SARS. Hầu hết các thành viên của lãnh đạo cấp cao không nghiêm túc hành động trong hai tuần đầu tiên, mặc dù họ đã nhận được báo cáo từ Vũ Hán về sự lây lan của virus vào đầu tháng 1,

Cuộc khủng hoảng cũng đã tiết lộ sự mong manh của sự cai trị theo phong cách “cường nhân” của Tập. Một lý do khả tín có thể giải thích cho Bắc Kinh không thực hiện hành động mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát từ sớm là ít có những quyết định quan trọng mà không cần sự chấp thuận trực tiếp của Tập, và ông ta phải đối mặt với những yêu cầu của công việc khó khăn mà thời giờ và sự chú tâm bị hạn chế. Một người mạnh mẽ độc quyền ra quyết định cũng có thể dễ bị tổn thương về mặt chính trị trong cuộc khủng hoảng như vậy. Một loạt các quyết định mà Tập đưa ra sau khi Vũ Hán bắt đầu đóng cửa, như gửi Lý Khắc Cường, thủ tướng, đến trung tâm của virus thay vì tự mình đến,[27] và vắng mặt ở nơi công cộng trong gần hai tuần, làm suy yếu hình ảnh của một nhà lãnh đạo quyết đoán vào lúc mà hệ thống cầm quyền dường như không có bánh lái. Ông khẳng định lại quyền kiểm soát chỉ vài tuần sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng cách sa thải[28] các thủ lĩnh đảng phụ trách thành phố và tỉnh nơi dịch bệnh bắt đầu và áp đặt các quy tắc kiểm duyệt chặt chẽ trên báo chí và truyền thông xã hội.

Tuy chỉ có một thời gian ngắn trong đó phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc và thậm chí cả báo chí chính thức nổ ra trong sự phẫn nộ cho thấy sự kiểm soát thông tin của đảng CSTQ đã trở nên khó khăn như thế nào và làm nổi bật sức mạnh tiềm ẩn của xã hội dân sự Trung quốc. Vì một lý do nào đó không rõ, hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc hoạt động kém[29] trong khoảng hai tuần sau khi phong toả ở Vũ Hán được công bố. Trong thời gian đó, mọi người đã có thể tìm hiểu chính phủ đã bịt miệng các chuyên gia y tế, những người đã cố gắng để cảnh báo công chúng như thế nào. Sự chỉ trích chính phủ lên đến đỉnh điểm khi Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa, vào cuối tháng 12 là một trong những người đầu tiên cảnh báo chính quyền Trung Quốc về sự nguy hiểm của COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra, và sau đó bị thẩm vấn và cảnh sát bịt miệng[30] và đã chết vì coronavirus vào ngày 7 tháng 2, cho thấy đảng CSTQ có thể mất sự hỗ trợ công khai nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng.

Các sự kiện trong vài tháng qua đã cho thấy sự cai trị của ĐCSTQ dễ vỡ hơn nhiều so với sự tin tưởng của nhiều người. Điều này củng cố trường hợp cho một chiến lược của Hoa Kỳ duy trì áp lực để gây ra thay đổi chính trị. Washington nên tiếp tục chiến lược này; cơ hội thành công của nó chỉ ngày càng tốt hơn.

Nông Duy Trường chuyển ngữ, May 2020

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2020-04-03/chinas-coming-upheaval

[1] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-08-14/party-man

[2] https://www.npr.org/sections/thetwo-way/2018/03/11/592694991/china-removes-presidential-term-limits-enabling-xi­jinping-to-rule-indefinitely

[3] https://chinapower.csis.org/can-xi-jinpings-anti-corruption-campaign-succeed/

[4] https://www.nytimes.com/interactive/2019/11/16/world/asia/china-detention-directive.html

[5] https://journals.openedition.org/chinaperspectives/7605

[6] https://www.journalofdemocracy.org/articles/the-road-to-digital-unfreedom-president-xis-surveillance-state/

[7] https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10670564.2016.1245505?src=recsys&journalCode=cjcc20

[8] https://www.cfr.org/backgrounder/chinas-massive-belt-and-road-initiative

[9] https://digitalarchive.wilsoncenter.org/collection/210/china-s-great-leap-forward-1958-1961

[10] https://www.nytimes.com/2020/01/15/business/economy/china-trade-deal-text.html

[11] https://data.worldbank.org/indicator/NE.EXP.GNFS.ZS?locations=CN

[12] https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=CN

[13] https://data.worldbank.org/indicator/DT.DOD.DECT.CD?locations=CN

[14] https://www.wsj.com/articles/chinas-state-driven-growth-model-is-running-out-of-gas-11563372006

[15] https://www.reuters.com/article/us-china-economy-loans/chinas-new-bank-loans-hit-record-in-2019-more-stimulus­expected-idUSKBN1ZF0QN

[16] https://core.ac.uk/reader/87131480

[17] https://data.worldbank.org/indicator/GC.REV.XGRT.CN?locations=CN

[18] https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP85T00287R000400450002-9.pdf

[19] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-05-30/new-tiananmen-papers

[20] https://www.theguardian.com/world/2008/aug/21/china

[21] https://www.washingtonpost.com/news/monkey-cage/wp/2018/12/19/40-years-ago-deng-xiaoping-changed-china­and-the-world/

[22] http://www.coldwar.org/articles/80s/glasnostandperestroika.asp

[23] https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3202013

[24] https://guides.lib.unc.edu/china_ethnic/statistics

[25] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK92479/

[26] ] https://www.nytimes.com/2020/02/07/world/asia/china-coronavirus-doctor-death.html

[27] https://www.businessinsider.com/analysis-xi-jinping-invisible-china-fight-coronavirus-2020-2

[28] https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3050372/coronavirus-beijings-purge-over-virus-takes-down-top­communist

29 https://www.nytimes.com/2020/02/07/world/asia/china-coronavirus-doctor-death.html

[30] https://www.nytimes.com/2020/02/01/world/asia/china-coronavirus.html