fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Cần Xác Định Lại Tự Do Kinh Tế Là Gì?

Năm Nguyên Tắc Không Thể Thiếu Sót

Jeffrey Tucker

Khi được phỏng vấn, tôi nhận được câu hỏi này khá thường xuyên, “Ý nghĩa chính xác của chủ nghĩa tư bản là gì?” Đó là một câu hỏi xuất sắc. Cuộc tranh luận lớn giữa “chủ nghĩa tư bản,” “chủ nghĩa phát xít” và “chủ nghĩa xã hội,” có một khuyết điểm là những từ này không được định nghĩa rõ ràng.

Ví dụ như, mức tăng trưởng thấp kém ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã thúc đẩy vô số chuyên gia tuyên bố có một cuộc “khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.” Có thật vậy không? Đã hơn một thế kỷ kể từ khi các chính phủ để nền kinh tế tự do phát triển, không bị áp chế bởi các luật lệ, thuế má, cướp của công, lũng đoạn hệ thống tài chính với tiền giấy, thành lập những tập đoàn sản xuất, gia tăng trợ cấp xã hội, cấm đoán và phương hại nhiều đến mức sản xuất và tiêu thụ, cấm trao đổi lao động và tài trợ cho những công trình công cộng khổng lồ.

Những thỏa thuận pháp lý và kinh tế đã thay đổi Hoa Kỳ và Châu Âu trong thế kỷ 19 nay đã bị hủy bỏ và được thay thế vào đầu thế kỷ 20 bởi chính phủ của những quốc gia lớn và đang phát triển. Các chính quyền này không chấp nhận có sự giới hạn quyền lực. Đây là thực tế khủng khiếp mà không một ứng cử viên tổng thống nào dám đặt nghi vấn.

Chắc chắn có một số người ủng hộ thị trường tự do tin rằng từ ngữ “chủ nghĩa tư bản” phải bị đào thải vĩnh viễn vì nó gây ra nhiều nhầm lẫn. Thiên hạ có thể nghĩ rằng bạn ủng hộ quan điểm dùng nhà nước chống lưng cho những đại công ty chống lại công đoàn, hoặc dựa vào những chính sách công cộng nhằm giúp các nhà sản xuất lớn hơn là người tiêu thụ.

Một số người thích phân biệt giữa ”chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa tư bản phe đảng.” Ví dụ như, nhiều nhà bán lẻ Hoa Kỳ lúc này đang hy vọng chính phủ tăng thuế và hạn ngạch nhập khẩu nhằm bảo vệ sản phẩm của họ chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài. Đó là, họ muốn dựa vào quyền lực của chính phủ để đảm bảo lợi nhuận cho họ. Theo thiển ý ví dụ này thể hiện tính chất hoàn toàn phe đảng và không liên quan gì đến “chủ nghĩa tư bản.”

Thật là tuyệt vời nếu một từ ngữ làm sáng tỏ một ý tưởng đúng mức. Nhưng nếu nó gây nhiều nhầm lẫn, hãy thay đổi nó. Ngôn ngữ không ngừng phát triển. Không có một lối xếp chữ đặc thù trong một nhóm chữ nào có thể mang một ý nghĩa bất di bất dịch. Điểm chính trong cuộc tranh luận về “tự do thị trường” (hoặc chủ nghĩa tư bản hoặc tự do kinh tế hay thả lỏng hoặc thị trường tự do) có một tầm quan trọng sâu sắc.

Ta nên quan tâm đến nội dung, chứ không chú tâm vào từ ngữ.

Dưới đây là năm yếu tố cốt lõi cho ý tưởng thị trường tự do này, (hoặc bất cứ kiểu gì bạn muốn gọi nó.) Đó là bản tóm tắt ngắn gọn của tôi về quan điểm tự do cổ điển của xã hội tự do và chức  năng của nó. Các yếu tố này không chỉ liên quan về kinh tế, mà bao gồm toàn bộ cuộc sống. Gọi đó là chủ nghĩa tư bản nếu bạn muốn.

I. Ý chí

Thị trường liên quan tới sự lựa chọn của con người ở mọi tầng lớp xã hội. Những lựa chọn này mở rộng đến mọi lĩnh vực và mọi cá nhân. Bạn có thể chọn công việc của bạn. Không ai có thể ép bạn lao động. Đồng thời, bạn không thể áp đặt mình lên bất cứ chủ hãng nào. Không ai có thể ép bạn mua bất cứ thứ gì, nhưng bạn cũng không thể ép ai đó bán cho bạn. Lựa chọn có nghĩa là thỏa thuận giữa tất cả những bên tham gia trao đổi.

Quyền lựa chọn này thừa nhận sự đa dạng vô hạn trong xã hội con người (trong khi chính sách của nhà nước lại cho rằng cá nhân là những đơn vị có thể hoán đổi được.) Có một số người cảm nhận được lời kêu gọi để sống một cuộc sống với cầu nguyện và chiêm niệm trong một cộng đoàn tôn giáo. Có những người khác lại có tài quản lý những quỹ đầu tư có rủi ro cao. Có những người lại thích nghệ thuật, kế toán, hay bất kỳ nghề nghiệp nào mà bạn có thể tưởng tượng. Bất kể sở thích của bạn là gì, bạn có thể tự do theo đuổi “bất cứ điều gì miễn là ôn hoà” như Leonard Read, người sáng lập FEE, thường nói.

Bạn có quyền chọn lựa, nhưng trong mối quan hệ của bạn với những người khác, “Đồng Ý” là một chữ cần để ý tới. Chữ này hàm ý sự tự do tối đa cho mọi người trong xã hội. Nó cũng bao hàm một vai trò tối đa cho những gì được gọi là “quyền tự do căn bản.” Nó có nghĩa là tự do ngôn luận, tự do tiêu dùng, tự do mua bán, tự do quảng cáo, tự do thuê một người từng sống ở quốc ngoại, v.v. Không có một số lựa chọn nào trên mặt pháp lý có đặc quyền hơn các số khác.

II. Quyền sở hữu

Trong một thế giới với tài nguyên vô tận, sẽ không cần sự tư hữu. Nhưng khi chúng ta sống trong thế giới vật chất, sẽ xẩy ra những tiềm năng xung đột từ những nguồn lực khan hiếm. Những xung đột này có thể được giải quyết bằng chiến tranh hoặc qua việc công nhận quyền sở hữu. Nếu chúng ta chuộng hòa bình hơn chiến tranh, ý chí hơn bạo lực, năng suất hơn nghèo đói, thì tất cả những nguồn lực khan hiếm này, với không ngoại lệ – cần có sở hữu chủ.

Mọi người đều có thể sử dụng tài sản của mình một cách ôn hoà. Không có sự cưỡng ép hay giới hạn vấn đề tích lũy của cải. Xã hội không thể tuyên bố những ai quá giàu, cũng không cấm ai khổ hạnh tự nguyện bằng cách tuyên bố họ quá nghèo. Không ai có thể lấy những gì thuộc về bạn mà không có sự cho phép của bạn. Bạn có thể nhượng lại quyền sở hữu cho những người thừa kế sau khi bạn chết.

Chủ nghĩa xã hội không thực sự là một lựa chọn trong một thế giới vật chất. Không thể có quyền sở hữu tập thể đối với bất cứ thứ gì khan hiếm về mặt vật chất. Một phe hoặc một phái khác sẽ dành phần kiểm soát nhân danh xã hội. Không tránh khỏi thực tế là sẽ có một phe nhóm có thế lực mạnh nhất trong xã hội – đó là nhà nước. Đây là lý do tại sao tất cả những nỗ lực để tạo ra chủ nghĩa xã hội cho những hàng hóa hoặc nhu cầu kham hiếm đều chuyển thành một hệ thống toàn trị của quy hoạch từ trên xuống (Mises gọi nó là sự hỗn loạn có kế hoạch).

III. Hợp tác

Ý chí và quyền sở hữu cho phép bất cứ ai đều có quyền sống trong trạng thái tự lập hoàn toàn. Mặt khác, như vậy bạn không tiến xa được. Bạn sẽ nghèo đói, và cuộc sống của bạn sẽ ngắn ngủi. Con người cần có nhau để có được một cuộc sống tốt hơn. Chúng ta giao dịch để giúp lẫn nhau. Chúng ta hợp tác khi làm việc. Chúng ta phát triển mọi hình thức liên kết với nhau như: thương mại, gia đình, huynh đệ và tôn giáo. Cuộc sống của tất cả chúng ta được cải thiện nhờ khả năng hợp tác dưới một hình thức nào đó với những người khác.

Trong một xã hội dựa trên ý chí, quyền sở hữu và hợp tác, những mạng liên kết/mối liên hệ của nhân loại phát triển theo thời gian và không gian (và đặc biệt là xuyên biên giới quốc gia) để tạo một trật tự kinh tế và xã hội. Không ai là chủ nhân của bất cứ người nào khác. Để thành công trong cuộc sống, chúng ta coi trọng việc phục vụ cho nhau theo những cách tốt nhất mà ta có thể làm. Doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng. Người quản lý phục vụ nhân viên, như nhân viên phục vụ doanh nghiệp….

Một xã hội tự do là một xã hội của tình bạn mở rộng. Đó là một xã hội của phục vụ và lòng nhân ái.

IV. Học tập 

Không ai sinh ra trên thế gian này mà biết nhiều về bất cứ điều gì. Chúng ta học hỏi từ cha mẹ và thầy của mình, nhưng quan trọng hơn, chúng ta học được từ những thông tin vô tận hằng đến với chúng ta trong suốt cuộc đời. Chúng ta quan sát thành công và thất bại ở những người khác, và chúng ta có thể tự do chấp nhận hoặc từ chối những bài học này nếu thấy không phù hợp. Trong một xã hội tự do, chúng ta có thể tự do bắt chước người khác, tích lũy và áp dụng sự khôn ngoan, đọc và tiếp thu ý tưởng và gạn lọc thông tin từ bất kỳ nguồn nào để thích nghi với mục đích của chúng ta.

Tất cả những thông tin chúng ta biết trong cuộc sống, miễn là không bị ép buộc phải biết, là hàng hóa miễn phí, không bị giới hạn bởi sự khan hiếm, bởi vì nó có thể được sao chép vô hạn. Bạn có thể sở hữu nó, và tôi có thể sở hữu nó, và mọi người đều có thể sở hữu nó mà không bị giới hạn và không bị cạn kiệt.

Ở đây, chúng ta tìm thấy một khía cạnh “xã hội chủ nghĩa” của hệ thống tư bản. Những công thức cho sự thành công và thất bại ở khắp mọi nơi và có sẵn cho những ai muốn. Đây là lý do tại sao khái niệm về “sở hữu trí tuệ” đi ngược với khái niệm tự do. Vì nó luôn có ngụ ý ép buộc mọi người và do đó vi phạm những nguyên tắc của ý chí, quyền sở hữu đích thực và hợp tác.

V. Cạnh tranh

Khi ta nghĩ về chủ nghĩa tư bản, cạnh tranh có lẽ là ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu. Nhưng ý tưởng này lại thường bị hiểu lầm. Cạnh tranh không có nghĩa là phải có nhiều cơ sở cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc danh sách những nhà sản xuất phải đạt tới một con số nào đó. Cạnh tranh có nghĩa là cách thức chúng ta được phép dùng để phục vụ lẫn nhau không bị bắt buộc hạn chế bởi luật pháp. Và trên thực tế cạnh tranh có muôn ngàn cách thức.

Trong thể thao, cạnh tranh chỉ có một mục tiêu: thắng. Cạnh tranh cũng có một mục tiêu trong kinh tế thị trường: mức độ phục vụ người tiêu dùng ngày càng xuất sắc. Điều này có thể đạt được từ việc cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt và rẻ hơn, hoặc từ việc đưa những sáng kiến đáp ứng nhu cầu của thiên hạ tốt hơn những sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có. Nó không có nghĩa là “tiêu diệt” [đối thủ] cạnh tranh, nó có nghĩa là cố gắng làm hay hơn bất cứ ai khác.

Mỗi hành động cạnh tranh là một rủi ro, một bước nhảy vọt vào một tương lai vô định. Việc phán đoán đúng hay sai được phê chuẩn bởi hệ thống lãi và lỗ, nó là những dấu hiệu đánh giá khách quan xem cách sử dụng tài nguyên có khôn ngoan hay không. Những dấu hiệu này xuất phát từ sự định giá tự do trên thị trường – và có nghĩa là chúng thực sự phản ánh những thỏa thuận trước đây từ những cá nhân có quyền lựa chọn.

Không giống như trong thể thao, cạnh tranh không có điểm dứt. Nó là một quá trình không bao giờ kết thúc. Không có người chiến thắng cuối cùng; luôn luôn có hiện tượng xoay vần giữa những đối thủ trên phương diện xuất sắc. Và bất cứ ai cũng có thể tham gia trò chơi này, miễn là họ tham gia một cách công bằng.

Kết Luận

Chúng ta vừa bàn đến năm yếu tố chính: ý chí, quyền sở hữu, hợp tác, học tập và cạnh tranh. Đó là chủ nghĩa tư bản như tôi hiểu, như được mô tả theo truyền thống tự do và được cải thiện từ nhiều nhà tư tưởng lớn vào thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Nó không phải là một hệ thống mà là một lối xếp đặt xã hội cho mọi thời đại và môi trường thuận lợi cho sự hưng thịnh của nhân loại.

Không khó để nhận ra quan điểm chính trị của tôi, nếu nó phù hợp với những điểm then chốt trên, tôi sẽ theo đuổi nó; nếu không, tôi sẽ chống lại nó. Và bây giờ, bạn hãy cho tôi biết: cuộc khủng hoảng ở Mỹ và Châu Âu có thật là sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản không? Trái lại, một chủ nghĩa tự do đích thực (chủ nghĩa tư bản) là giải pháp cho những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới hiện nay đang đối mặt.

© Học Viện Công Dân, June 2020

Nguyễn Quốc Chính chuyển ngữ, June 2020

Tác giả: Jeffrey Tucker:

Giám đốc Phát triển Kỹ thuật điện toán tại FEE và CLO của công ty khởi nghiệp Liberty.me  Tác giả của năm cuốn sách và hàng ngàn bài báo. Ông thuyết trình tại những hội thảo mùa hè của FEE và những hội thảo khác.

Nguồn: http://fee.org/articles/again-what-is-economic-freedom/?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_campaign=fee_daily&mkt_tok=3RkMMJWWfF9wsRokvqnOZKXonjHpfsX87ukoXa6g38431UFwdcjKPmjr1YEFRMF0aPyQAgobGp5I5FEBS7TYRKtst6cMUw%3D%3D