fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Trưởng thành về Chính trị

Michael Oakeshott

 

Trong số các dân tộc trên thế giới, một số được gọi là ‘trưởng thành về chính trị’ còn những dân tộc khác được gọi là ‘lạc hậu về chính trị’. Không phải lúc nào người ta cũng đồng ý về nhận định dân tộc nào trưởng thành dân tộc nào lạc hậu, nhưng thường chấp nhận rằng những phán xét kiểu này không phải là vô nghĩa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những phán xét này thường mang tính đạo đức; và như vậy thì trước hết chúng ta phải biết sở thích đạo đức của những người đưa ra nhận định để chúng ta có thể hiểu các phán xét của họ. Tuy nhiên, các phán xét đó không phải lúc nào cũng là những phán xét đạo đức; và, thực ra, hiếm khi là thuần túy đạo đức.

Dùng những từ như ‘lạc hậu’ và ‘trưởng thành’ ngụ ý rằng không chỉ thay đổi mà còn phát triển. Và các từ đó cũng có thể thường giả định rằng các giai đoạn sau phát triển tốt hơn so với giai đoạn trước; nhưng giả định không tiềm ẩn trong việc sử dụng đơn thuần của các từ. Các từ đó có thể có ý nghĩa trung lập về đạo đức, và tôi sẽ sử dụng các từ đó theo ý nghĩa này.

Khi chúng ta nói rằng một sự vật phát triển, chúng ta có thể không có ý gì khác hơn là nó thay đổi dần dần, hoặc chúng ta có thể muốn nói rằng nó thay đổi theo cách bình thường đối với những sự vật thuộc loại này. Nếu chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đó thì có nghĩa là nó thay đổi dần dần. Hiển nhiên là chúng ta không ngụ ý rằng khi thay đổi, nó cũng trở nên trưởng thành. Trưởng thành ngụ ý một trật tự thay đổi bình thường; và ta có thể nghi ngờ một cách hợp lý là thể chế xã hội có thay đổi theo cách này hay không.

Tuy nhiên, do uy tín hiện nay của các học thuyết châu Âu và sự lan rộng của chủ nghĩa công nghiệp, một số định chế có nguồn gốc châu Âu gần như được coi là trưởng thành hơn, và thường cũng được mong ước hơn những định chế khác. Niềm tin vào sự tiến bộ mạnh ở khắp mọi nơi, ở châu Á và châu Phi cũng như châu Âu và châu Mỹ; mọi nơi đều hiểu tiến bộ theo cùng một nghĩa như vậy. Khi người châu Á và châu Phi đòi bình đẳng với người châu Âu, họ thường không cho là các định chế của họ — trước khi người châu Âu xâm chiếm — không tốt hơn và cũng không tệ hơn bất cứ thứ gì được thấy ở châu Âu. Đúng hơn họ muốn nói là họ có khả năng đạt được cái mà châu Âu gọi là tiến bộ như người châu Âu. Sự trưởng thành về chính trị đã, hoặc ít nhất là đang đạt được, một ý nghĩa phổ quát; và ý nghĩa đó là khả năng tự cai trị theo nghĩa của châu Âu.

Trưởng thành về chính trị rõ ràng không có nghĩa là có khả năng tự quản, dù hiểu theo bất cứ nghĩa nào. Tất cả các bộ lạc ở châu Phi quản lý công việc của họ hàng thế kỷ trước khi người châu Âu đến cai trị họ; và người châu Âu biện minh cho uy quyền tối cao của họ ở châu Phi vì lý do rằng người châu Phi vẫn chưa có khả năng tự quản. Nếu điều này có nghĩa nhiều hơn rằng người châu Phi không thể tự quản như người châu Âu nghĩ, thì điều đó là một quan điểm thuần túy châu Âu. Và quan điểm đó cũng không hay hơn quan điểm của người châu Phi cho rằng người châu Âu không thể tự cai quản như người châu Phi nghĩ là họ nên làm. Tuy nhiên, người châu Âu không chỉ đơn thuần áp đặt sự cai trị của họ đối với người châu Phi; họ cũng đã làm cho người châu Phi không thể giành lại độc lập, và không có khả năng cai trị chính họ, trừ khi họ học cách thiết lập các định chế như châu Âu. Người châu Phi và châu Á— không biết là điều tốt hay xấu — càng ngày càng nhiều người, chấp nhận huyền thoại tiến bộ của châu Âu. Không còn nghi ngờ gì nữa, uy quyền tối cao của châu Âu dựa trên vũ lực; đó một thực tế không thể chối cãi và hậu quả của nó phải được mô tả chính xác. Vì người châu Á và người châu Phi cực kỳ bất mãn về quyền lực tối cao của châu Âu nên phải sử dụng phương pháp của châu Âu để loại bỏ nó, nhưng họ phải chấp nhận các thể chế và tư tưởng của châu Âu. Nhưng vì khả năng của họ để điều hành các thể chế đó đã bị nghi ngờ dựa trên những cơ sở không phải là không hợp lý nên nhận định đó không chỉ là sự xấc xược mà lại vô nghĩa khi nói về các dân tộc ‘lạc hậu về chính trị’ và ‘trưởng thành về chính trị’. Và tất nhiên, trong số những dân tộc ‘lạc hậu về chính trị’, cần phải nói tới một số dân châu Âu.

Trưởng thành về chính trị, nghĩa là có khả năng tự trị, không chỉ đơn thuần là có thể duy trì sự độc lập mình. Thật vậy, trong điều kiện hiện đại, hoàn thành độc lập là điều không thể có, ngay cả đối với một cường quốc như Vương quốc Anh. Tự quản nghĩa là dân chủ, tức là chính quyền chịu trách nhiệm trước nhân dân.Dân chủ được những người cộng sản cũng như chúng ta hiểu theo nghĩa này; họ có thể khác với chúng ta về những phương pháp làm cho dân chủ có thể thực hiện được, nhưng họ không bao giờ phủ nhận rằng đó là chính phủ có trách nhiệm. Và, tất nhiên, thậm chí họ còn ít do dự hơn chúng ta, tin vào sự tiến bộ và sẵn sàng gọi một số dân tộc là ‘lạc hậu’ và một số khác là ‘trưởng thành’.

Tôi sẽ không thảo luận về những phương pháp làm cho nền dân chủ trở nên khả thi; tôi sẽ cho rằng những người theo chủ nghĩa tự do là đúng Cộng sản là sai khi họ có nhận định khác về vấn đề này. Tôi chỉ chú trọng tới việc làm sáng tỏ khái niệm trưởng thành chính trị; nghĩa là, trong việc nhận ra những gì là những đức tính mà một dân tộc phải có để có một hệ thống chính quyền mà quyền lực cuối cùng thuộc về những người do họ tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm cuối cùng trước họ.

Hãy để tôi bắt đầu bằng cách xóa bỏ một số hiểu lầm có thể xảy ra. Dân chủ không được thực hiện bởi người dân có cái được gọi là ‘ý nguyện’ mà chính phủ có thể thực hiện, hoặc bởi sự thành công của chính phủ trong việc tăng phúc lợi chung, hoặc bởi sự ổn định của chính phủ. Nếu thực sự cần thiết để có dân chủ, thì người dân nên có một ‘ý nguyện’, nghĩa là phải quyết định về các vấn đề lớn do chính phủ của họ quyết định, và không thể có bất kỳ nền dân chủ có quy mô lớn nào. Nước Anh là một nền dân chủ, mặc dù hầu hết mọi người ở Anh không biết những chính sách gì mà họ muốn chính phủ của họ theo đuổi. Nói rằng nền dân chủ hoạt động trong nước này tốt hơn trong một nước khác không có nghĩa là nơi nào có hoạt động dân chủ tốt hơn, chính phủ sẽ gần hơn trong việc cung cấp cho mọi người những gì họ muốn. Ai có thể biết những gì mọi người dân muốn? Nhiều yêu cầu mơ hồ đến nỗi khó có thể biết điều gì sẽ khiến cho dân chúng thỏa mãn; trong khi đó ở khắp nơi những yêu cầu đủ chính xác để biết làm thế nào có thể được thỏa mãn lại được đưa ra bởi các đoàn thể có tổ chức và bởi các nhóm áp lực. Nhưng các nhóm áp lực cũng có trong các nước phi dân chủ; và ngay cả trong những nền dân chủ cũng có thể hoạt động để phục vụ lợi ích của chỉ một phần của cộng đồng trong khi đó các cộng đồng khác phải chịu thiệt thòi. [Theo tôi biết, chưa có ai cho thấy rằng những yêu cầu như vậy gần như được đáp ứng nhiều hơn ở các quốc gia có nền dân chủ hoạt động tốt hơn ở những quốc gia kém hoặc không có dân chủ.] Những lý do tương tự khiến khó có thể nói rằng chính phủ này tiến bộ hơn một chính phủ khác trong việc mang lại cho người dân những gì họ muốn và do đó cũng gây khó khăn khi nói rằng chính phủ này thúc đẩy phúc lợi hiệu quả hơn.

Mặt khác, chúng ta cũng không thể nói rằng nền dân chủ hoạt động tốt hơn ở những nơi mà các chính phủ dân chủ tồn tại lâu hơn. Ổn định không có nghĩa là hiệu quả, và thậm chí không phải là bằng chứng về sự ủng hộ của dân chúng. Chính phủ Anh tồn tại lâu hơn chính phủ Pháp, không nhất thiết vì được dân chúng ưa thích hơn, mà vì các đảng của Anh, không giống như của Pháp, được tổ chức để đảm bảo rằng một chính phủ thường được giữ chính quyền từ cuộc tổng tuyển cử này sang cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nếu hiệu quả có nghĩa là mang lại cho mọi người càng nhiều càng tốt những gì họ muốn với chi phí thấp nhất thì không có bằng chứng nào cho thấy các chính phủ tồn tại lâu dài hiệu quả hơn các chính phủ tồn tại trong thời gian ngắn. Nói chung các chính phủ ở nước Anh được dân chúng ủng hộ hơn so với các chính phủ trong nước Pháp có lẽ không phải do họ thành công hơn trong việc mang lại cho người dân những gì họ muốn, mà là vì họ là loại chính phủ mà người dân muốn có, ổn định hơn, đàng hoàng hơn, và có lẽ ít tham nhũng hơn.

Chắc chắn là có cái gọi là sự hữu hiệu trong chính phủ, và sự ổn định là quan trọng. Khi mục tiêu của chính sách là sản xuất cái gì đó với chi phí thấp nhất, cả cái đó và chi phí có thể đo lường được, có thể quyết định rằng có một phương pháp sản xuất có hiệu quả hơn phương pháp khác. Theo nghĩa này, việc thực thi luật pháp tại Anh và Pháp hiệu quả hơn so với hai trăm năm trước. Tội phạm thường bị bắt hơn, nhanh hơn và đưa ra xét xử, các tranh chấp dân sự được giải quyết kịp thời hơn. Chế độ dân chủ, có lẽ hơn các hệ thống chính trị khác, phụ thuộc vào sự hữu hiệu của chính phủ trong bất kỳ lĩnh vực nào có thể thực hiện được sự hữu hiệu đó. Muốn tồn tại dân chủ cần phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Nhưng trong chính trị mức hữu hiệu là một khái niệm khó áp dụng một cách khác thường, và thường là không thể áp dụng được; và trong mọi trường hợp, nó chỉ là một một phần nhỏ của những gì làm cho chính phủ có trách nhiệm được chấp nhận và vững chắc. Hữu hiệu cả một khái niệm vừa hẹp hơn và khó khăn hơn so với sự trưởng thành về chính trị và lại không thể giải thích được bằng mức độ trưởng thành.

Đôi khi người ta nói rằng sự trưởng thành về chính trị bao gồm một số phẩm chất đạo đức được cho là giúp cho hoạt động của các thể chế dân chủ trở nên dễ dàng hơn – những đức tính như ý thức mạnh mẽ về công lý, khoan dung và thiện chí. Chắc chắn là những đức tính này tồn tại trong số những dân tộc ‘trưởng thành về chính trị’, nhưng không hẳn là nhiều hơn so với những dân tộc khác. Tôi tin rằng những đức tính này thường được tìm thấy trong số những người nông dân bình thường ở Balkan hơn là trong số những người nửa tây hóa của giai cấp thống trị tại các nước trong vùng Balkan. Một mặt, những tầng lớp này thiếu khoan dung hơn và bất công hơn so với nông dân của họ, và còn hơn các giai cấp thống trị phương Tây. Họ như vậy, bởi vì nỗ lực đưa các thể chế phương Tây vào các quốc gia sơ khai, ít nhất là trong một thời gian, chú trọng đặc biệt đến sự không khoan dung và bất công.

Để trưởng thành về mặt chính trị, một người dân cũng không cần phải hiểu cách thức các thể chế giúp cho chế độ tự quản có thể hoạt động được. Ít người hiểu như vậy, và một số nhỏ người hiểu thì rất ít hoặc không tham gia tích cực vào chính trị; vì họ thường say mê đọc sách và ít hoạt động. Thông thường, ít nhất là kể từ thời Montesquieu và Burke, một dân tộc hoặc một giới cầm quyền để điều hành thành công các thể chế (có nghĩa là, theo cách họ vừa lòng), không cần hiểu các thể chế hoạt động như thế nào. Các thể chế hoạt động tốt khi mọi người biết phải làm gì vào những lúc thích hợp; và đây là đa số các người hoạt động chính trị – ngay cả ở các nước tiên tiến – hiểu về chính trị. Một hệ thống chính quyền giống như một vở kịch lớn với vô số diễn viên nhưng không có tác giả hay người đạo diễn. Mỗi diễn viên đóng vai của mình, và vở kịch diễn ra tốt đẹp trong khi mọi người đều biết phần vai trò của mình. Tuy nhiên, không một ai cần biết tất cả các vai khác, ngay cả các vai quan trọng nhất; và không cần biết toàn bộ vở kịch.

Điều đó không có nghĩa là không cần có một số người trong cộng đồng hiểu hệ thống chính trị nói chung hoạt động như thế nào. Vì có những người như vậy thì việc thích ứng các thể chế với các điều kiện mới sẽ dễ dàng hơn. Khả năng thích ứng là một hiệu ứng của trí thông minh, chứ không phải là tôn trọng các quy tắc đã được chấp nhận. Rất hiếm hoi có được loại trí thông minh có thể chẩn đoán những căn bệnh xã hội và đề xuất những phương pháp điều trị ôn hoà nhưng hiệu quả. Không có thể và cũng không cần thiết, là phải có nhiều người nên có trí thông minh như vậy. Chỉ cần những người có trí thông minh nên được tham khảo ý kiến và nghe theo.

Đối với tôi, dường như sự trưởng thành về chính trị không bao gồm khả năng phổ biến rộng rãi để hiểu những gì có thể được gọi là ý tưởng dân chủ, chẳng hạn như, nên có tự do và giới cầm quyền phải chịu trách nhiệm. Tôi không biết liệu có nhiều người trên thế giới bình thường đến mức không hiểu được câu châm ngôn của Lord Acton cho rằng tất cả quyền lực đều làm cho hủ bại và quyền lực tuyệt đối làm cho hủ bại tuyệt đối. Đó là bởi vì họ thấy điều Acton cảm thấy rằng những người nông dân mù chữ không tin tưởng vào chính quyền và tin chắc là chính quyền thù địch với họ; họ biết rằng họ không kiểm soát được những người có quyền lực, và vì vậy không mong đợi công lý từ giới cầm quyền. Người nghèo và mù chữ thường có một cảm giác rất mạnh mẽ về bình đẳng, một cảm giác không được khơi dậy bởi những kẻ mị dân mà bởi những gì họ nhìn thấy trong xã hội xung quanh họ. Họ có thể nghĩ rằng không thể thay đổi trật tự hiện có, nhưng họ hiếm khi chấp nhận nó là đúng. Ước vọng  bình đẳng này khiến họ thích ý tưởng về dân chủ, khi dân chủ mới đến với họ. Tôi nghĩ rằng có một ý nghĩa trong đó dân chủ là dễ được nhiều người chấp nhận nhất bởi vì họ cảm thấy là hình thức cai trị công bằng nhất về bản chất. Đó là lý do tại sao lập luận cho dân chủ thường đơn giản nhất; những người biện minh cho các hình thức cai trị khác có nhiệm vụ phải đưa ra các phản biện hợp lý hơn. Những tình cảm thuận lợi cho chế độ dân chủ lẽ dĩ nhiên là được củng cố bởi nền dân chủ; nhưng những tình cảm đó không phải là một phần của những gì cấu thành sự trưởng thành về chính trị. Vì vậy mà những tình cảm đó quá đơn giản và quá phổ biến. Có một sự khác biệt lớn giữa những tình cảm ủng hộ dân chủ và những tình cảm cho sự hoạt động của những thể chế thuận lợi cho dân chủ.

Sự trưởng thành về chính trị, được gọi cho đúng, đối với tôi dường như chủ yếu bao gồm bốn đức tính này: trình độ chuyên nghiệp cao trong giới chính trị và hành chính; khả năng gần như phân tán đều giữa những người xuất phát từ tất cả các tầng lớp và các thành phần của cộng đồng, theo nghĩa của các từ về chính trị dân chủ; nhiều loại người ở mọi từng lớp xã hội của các giới chuyên gia, văn hóa và các tổ chức hoạt động phi chính trị độc lập với nhà nước, độc lập với tất cả các đảng phái chính trị, độc lập với nhau; và khả năng thích ứng cao.

Trong bất kỳ xã hội lớn nào, trong đó phải có sự phân biệt rõ ràng giữa những người có chuyên môn về cai trị và những người khác, điều cần thiết–để mọi người tôn trọng và tin tưởng vào chính quyền–là trong mọi ngành của chính phủ, phải có các tiêu chuẩn nghề nghiệp cao và các quy tắc chính xác thực sự được tuân thủ. Một hệ thống chính quyền ổn định và được chấp nhận khi những người thực sự tham gia vào hệ thống đó nghĩ rằng điều quan trọng là họ phải tôn trọng tất cả các quy tắc đó. Nếu, bất cứ khi nào các quy tắc bị vi phạm, họ phản ứng mạnh chống lại người vi phạm, họ duy trì hệ thống mặc dù họ không hiểu nó. Không ai biết tất cả các quy tắc; nhưng mọi quy tắc đều được một số người biết, vì vậy mọi hành vi vi phạm một quy tắc quan trọng đều nhanh chóng bị phát hiện. Nơi nào có tiêu chuẩn nghề nghiệp cao, người dân biết rằng các viên chức theo tiêu chuẩn đó sẽ hành động một cách nhất quán, rằng dân có thể khiếu nại được lắng nghe, điều sai lầm có thể được sửa.

Lẽ dĩ nhiên đề cao kỷ luật đi đôi với việc sẵn sàng lắng nghe những lời khiếu nại, thậm chí ngay cả trong số những viên chức ít quan tâm hoặc không quan tâm gì đến dân chủ. Dân chủ có lẽ bị suy yếu hơn do các tiêu chuẩn chuyên nghiệp thấp trong số các viên chức hơn là bởi các viên chức thích chế độ chuyên quyền. Người có tinh thần kỷ luật sẽ chấp nhận sự lãnh đạo cứng rắn từ cấp trên hợp pháp của họ ngay cả khi họ không thích những cấp trên này về mặt chính trị. Dân chủ thất bại ở Đức, không phải vì các viên chức và thẩm phán Đức, được nuôi dưỡng dưới Đế chế, không thể phục vụ trung thành cho chế độ cộng hòa và các dân chủ, mà bởi vì các chính phủ đó yếu kém quá đáng. Nếu trong Quốc hội (Reichstag) đã có một người như Churchill hoặc Clemenceau được hỗ trợ bởi đa số vững chắc, thì các viên chức, thẩm phán và binh sĩ có lẽ đã hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội giao cho như họ đã làm cho hoàng đế (Kaiser) và Hitler. Những người như vậy thích được bận rộn phục vụ một nhà nước có vẻ mạnh và ổn định đối với họ. Thật sai lầm khi cho rằng bản tính họ không cho họ có khả năng phục vụ một nền dân chủ.

Một guồng máy công vụ vô kỷ luật và tham nhũng làm suy yếu nền dân chủ bằng cách làm cho cho nó khó khăn và tồi tệ hơn trong việc xây dựng và thực hiện một chính sách. Nguyên tắc của đảng quá mơ hồ không thể được gọi là chính sách; các nguyên tắc phải được khai triển chi tiết hơn thành các chính sách để được thực thi. Ở một quốc gia dân chủ, những đề xuất đó phải đáp ứng càng nhiều càng tốt, những bất công cụ thể và đáp ứng nhu cầu chính xác của các nhóm và những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi các chính sách đó. Bằng cách giúp xây dựng và thi hành chính sách, công chức giúp thỏa mãn không phải ý dân (vì không có ý dân), mà đáp ứng vô số nhu cầu của vô số nhóm, ngành nghề và giới chuyên nghiệp. Không một nền dân chủ rộng lớn nào có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người dân trừ khi nó được phục vụ bởi những cán bộ có tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức và trí tuệ cao. Trong nhiều nước Balkan, nhiều bộ trưởng có khả năng và thiện chí đã thấy không thể chuẩn bị và thực hiện một chương trình cải cách chỉ vì thiếu nhân viên tốt dưới quyền mình.

Những công dân bình thường, ngay cả ở phương Tây, có thể ít coi trọng những đề xuất được các đảng phái chính trị đưa ra cho họ trong các cuộc tổng tuyển cử. Điều này không thể tránh được, không phải vì con người ngu xuẩn, nhưng bởi vì những lời hứa chính trị phải mơ hồ nếu muốn thu hút đông đảo số người có nhu cầu và ý kiến rất khác nhau. Người dân không mất niềm tin

vào nền dân chủ bởi vì, tại các cuộc tổng tuyển cử, những lời hứa rõ ràng và chính xác được đưa ra cho họ, nhưng sau đó không được thực hiện. Họ mất niềm tin vì không có gì hoặc quá ít được thực hiện hiệu quả để khắc phục sự bất bình của họ. Người ta thường mơ hồ hoặc nhầm lẫn về những gì nên được thực hiện cho họ, nhưng họ sớm mất niềm tin vào các chính trị gia không làm, không thể làm  hay không  giúp đỡ họ. Ở Đông Âu, nông dân đã rất bất mãn nhiều năm; và vẫn chưa thực sự biết những gì họ muốn làm cho họ. Nếu có một guồng máy công quyền đủ thông minh và có tinh thần phục vụ công ích để nghiên cứu cẩn thận và báo cáo trung thực  những bất mãn của nông dân thì đã có thể tìm ra biện pháp khắc phục.

Người nông dân sau đó sẽ cảm thấy rằng một điều gì đó đã được thực hiện cho họ. Lẽ dĩ nhiên,  người ta không kỳ vọng cán bộ công chức sẽ khởi xướng những cải cách lớn lao; nhưng không có sự hợp tác thông minh của họ, nhất là ở các nước chưa phát triển, ít khi có thể nhận ra những vấn đề phải được giải quyết chứ đừng nói đến việc giải quyết .

Điều quan trọng nữa là, nếu có thể tự quản lý, thì nên phổ biến rộng rãi ngôn ngữ thông thường của chính trị. Tôi không muốn nói là ngôn ngữ được sử dụng bởi các người nghiên cứu về chính trị mà bởi các người hoạt động chính trị. Cần có những người thông thạo về chính trị trong mọi giai cấp và giữa các nhóm trong xã hội. Để biết cách sử dụng ngôn ngữ này không nhất thiết phải biết các thể chế chính trị hoạt động như thế nào, vì đó là lý thuyết chứ không phải kiến thức thực tế. Nhưng nó giúp người ta tham gia tích cực vào chính trị. Nó là ngôn ngữ dùng trong việc thực hiện các hoạt động trong lãnh vực công, mặc dù nó không phải là ngôn ngữ mô tả đầy đủ làm thế nào để thực hiện được. Ai dùng được ngôn ngữ đó thì có đủ trình độ để giao tiếp ngang hàng với những người khác. Một trăm năm trước ngôn ngữ chính trị bằng tiếng Anh, với một vài ngoại lệ, chỉ được sử dụng thành thạo bởi những người giàu có và có học thức; ngày nay nó được sử dụng, không kém phần thành thạo, bởi hàng chục ngàn người tự cho mình thuộc tầng lớp lao động. Ngôn ngữ chính trị này không cần thiết (và trên thực tế không bao giờ cần thiết) được sử dụng thành thạo bởi công chúng; nhưng trong một nền dân chủ, những người có thể sử dụng nó phải xuất phát từ tất cả các giới trong cộng đồng. Những người thông thạo về chính trị không được dựa trên năng lực này để tạo thành một giai cấp tách biệt với xã hội; họ phải là các chính trị gia đàm phán hoặc cạnh tranh với nhau theo những quy ước rằng nếu họ tự đặt mình vào một giai cấp riêng biệt thì đó là điều rất nguy hiểm. Họ phải là đối thủ của nhau, và do đó phải thận trọng để ý tới những lời chỉ trích hành vi của nhau.

Ở Serbia trước năm 1914, cũng như ở Nam Tư sau năm 1918, khả năng đặc biệt sử dụng ngôn ngữ của các chính trị gia đã tách rời họ với mọi người. Một người có thể là một gốc nông dân, nhưng một khi trở nên thông thạo chính trị, người đó rời khỏi giai cấp gốc của mình để chuyển sang giai cấp của lớp người Tây phương hóa được cho là có khả năng thảo luận về các vấn đề xã hội và tham gia tích cực vào chính trị. Thật vậy, khả năng này, khiến những người đó trở nên khác biệt với những người khác, có lẽ đó là sự phân biệt xã hội quan trọng nhất. Nó không thuộc về những người có quyền lực với tư cách là người phát ngôn có trách nhiệm của các nhóm và các giai cấp đối thủ, mà là với những người mà chính họ đã tạo thành giai cấp quyền lực nhất trong xã hội vì họ có khả năng này. Ở trong những môi trường mà ngôn ngữ hoạt động chính trị, ngôn ngữ thực hiện việc công, được sử dụng thành thạo bởi người phát ngôn của nhiều các giai cấp và nhóm, và khi sự thông thạo này không tạo ra một giai cấp mới mạnh hơn so với những giai cấp cũ, thì chẳng bao lâu nó trở thành sở hữu độc quyền của giới chính trị có quyền lực. Mọi giai cấp đều hiểu nó ở một mức độ đáng kể; không phải như các chính trị gia hiểu nhưng ít nhất cũng đủ để cho các cử tri đưa ra quyết định thực sự trong sự lựa chọn giữa các phe phái đang xin phiếu bầu của họ. Sự lựa chọn là chính thực bởi vì các cử tri có một ý tưởng sơ sơ về những gì các đảng chủ trương, họ sẽ có thể ủng hộ giai cấp hoặc nhóm nào nhất, và những vấn đề mà các nhóm đó sẽ cố gắng giải quyết.

Để trưởng thành về chính trị, một dân tộc cũng phải có nhiều cơ quan độc lập hành động thay cho tất cả các thành phần quan trọng trong xã hội. Chính từ các cơ quan này xuất phát các đòi hỏi chính xác mà các chính trị gia không thể làm ngơ. Người dân không có quyết tâm theo sự hiểu biết của các phe cấp tiến lỗi thời. Người dân chỉ có nhu cầu và nguyện vọng, và phải được xác định trước khi bản thân họ có thể biết nhu cầu và nguyện vọng đó là gì. Những nhu cầu này rất nhiều và mâu thuẫn, và không thể thỏa mãn tất cả. Trong một nền dân chủ lớn, phải có, ở mọi cấp chính quyền, các cuộc đàm phán thường xuyên giữa các chính trị gia và công chức, một mặt, và mặt khác với những đoàn thể này. Các cuộc đàm phán này có hai mục đích: cho chính phủ biết những nhu cầu và mong muốn cụ thể của mọi thành phần trong cộng đồng, và cũng nói rõ cho các cộng đồng này biết rằng có những giới hạn đối với những gì chính phủ có thể làm cho họ. Chính quá trình đàm phán giúp mọi người nhận ra chính xác những gì họ muốn, và cũng giúp họ điều chỉnh mong muốn của họ với nguyện vọng của những người khác. Mọi người càng biết chính xác những gì họ muốn, thì càng có thể làm được nhiều điều hơn cho họ; và càng dễ dàng thuyết phục họ, bằng cách cho họ biết về những đòi hỏi rõ ràng và hợp lý của những người khác, và không phải mọi việc đều có thể được thực hiện như họ mong muốn. Mọi người trở nên ôn hòa, không phải vì hiểu sự phức tạp của vấn đề mà chính phủ gặp quá nhiều bằng cách hiểu được sự phức tạp của các vấn đề trực diện với chính phủ của họ, mà bằng cách khiến họ cảm thấy rằng những người khác cũng có yêu sách thích đáng đối với chính phủ đó như yêu sách của chính họ. Chính vì thấy những giới hạn trong những trường hợp cụ thể, những gì có thể được thực hiện cho họ mà họ ý thức được có thể làm được gì; và như vậy lòng tin của họ vào chính phủ cũng được củng cố.

Người ta đã nói đúng rằng các nhà lãnh đạo của mọi đoàn thể có tổ chức đều có tham vọng và lợi ích khác với lợi ích của những người ủng hộ họ. Các nhà lãnh đạo luôn tự nói cho mình cũng như cho những người ủng hộ họ, và chính những đặc tính đó khiến người lãnh đạo luôn luôn tách rời với những người mà họ lãnh đạo. Tổ chức càng lớn thì điều này càng hay xảy ra. Nhưng các tổ chức lớn là cần thiết cho một nền dân chủ lớn. Tuy nhiên, các tổ chức đó cũng nguy hiểm cho nền dân chủ, trừ khi chúng được kiềm chế bởi nhiều tổ chức dân chủ nhỏ hơn, theo dõi, phê bình và hỗ trợ họ. Rồi các tổ chức này lại phụ thuộc, không chỉ đơn thuần vào những người ủng hộ bình thường không hay phát biểu và thiếu hiểu biết, mà còn dựa trên sự ủng hộ của những người là lãnh đạo của các tổ chức khác nhỏ hơn, những người có thể, nếu cần, nhận sự hỗ trợ từ tổ chức lớn này sang tổ chức lớn khác, hoặc thậm chí bắt đầu lập tổ chức mới. Các tổ chức lớn, và điều này đặc biệt đúng với các đảng phái chính trị, là nguy hiểm cho nền dân chủ trừ khi họ phải làm hài lòng nhiều tổ chức nhỏ.

Tại sao người công nhân Anh bỏ phiếu cho Đảng Lao động hay doanh nhân bỏ phiếu phiếu bầu cho Đảng Bảo thủ lại hài lòng hơn, chẳng hạn như, người dân làng Balkan đã bỏ phiếu cho đảng Nông dân trước cuộc chiến trước đây? Lẽ dĩ nhiên, ở một mức độ nào đó, bởi vì người đó hiểu hơn về đảng của mình và về sự khác biệt của đảng với các đảng đối lập. Người ấy am hiểu về chính trị hơn người nông dân. Nhưng điều đó chỉ giải thích một phần nào tại sao người đó cảm thấy tin vào đảng của mình. Kiến thức của người ấy vẫn còn thiếu rất nhiều so với những gì cần thiết để khiến người đó có phán quyết hợp lý về hầu hết các vấn đề về chính sách. Dù một ly có mười giọt nước trong đó và ly khác có mỗi một giọt, trên thực tế cả hai ly đều trống rỗng như nhau.

Điều khiến cử tri Anh tin tưởng hơn vào đảng của mình là niềm tin, dựa trên kinh nghiệm, rằng đảng phải làm điều gì đó có lợi cho ông ta. Giữa người đó và đảng, thường có nhiều tổ chức quan tâm đến phúc lợi của những người như người đó. Người ấy có nhiều sự hỗ trợ, nhiều người phát biểu cho nhu cầu của người ấy; và những người phát biểu này không nhất thiết phải là trong cùng một đoàn thể. Có người nói thay ông ta về các vấn đề địa phương hoặc chuyên môn đủ để ông ta hiểu, còn những người khác tham gia vào các cuộc tranh luận vượt quá khả năng hiểu biết của người ấy; nhưng anh ấy vẫn đặt lòng tin vào họ. Họ bị cuốn vào một hệ thống phức tạp khó khăn đến nỗi khó có thể phục vụ chính họ nếu không phục vụ người kia. Họ thấy ôn hòa và có hiệu quả là cách hoạt động tốt, để càng được lợi càng nhiều càng tốt cho ông ta và những người tương tự của ông ta, khi họ thương lượng, mà không cư xử đến nỗi gây khó khăn cho các cuộc thương lượng trong tương lai. Những đức tính này không phải là những đức tính thường được gọi là khoan nhượng và công bằng. Đó là những đức tính phù hợp với sự khéo léo của người thương lượng. Theo kinh nghiệm của tôi, ít người khoan dung hơn nông dân, và những người ít nói thường có một ý thức rất tốt về công lý. Tuy nhiên, họ không có khả năng làm cho nhu cầu của họ được cảm nhận trong bất kỳ cộng đồng nào ngoại trừ cộng đồng đơn giản nhất.

Những người thường xuyên làm việc với nhau có xu hướng đối xử với nhau một cách ôn hòa. Họ làm như vậy ở làng tại Balkan và tại chợ ở Á đông cũng như tại Đồi Capitol và ở Cung điện Westminster. Thiếu ôn hòa phần lớn là ảnh hưởng của việc thiếu giao tiếp. Đó là hậu quả của sự bực bội, không biết mình muốn gì, ghen tị và của cảm giác bị bỏ rơi. Trong một chế độ chuyên quyền kiểu cũ, người thường dân sợ những người cai trị và mong đợi rất ít điều tốt từ người cai trị; họ chỉ muốn cho yên thân. Khi những ý tưởng phương Tây lần đầu tiên được đưa đến với họ, họ sớm trông đợi nhiều hơn nữa từ những người cai trị của họ, nhưng họ vẫn không có ý tưởng rõ ràng về những gì họ muốn hoặc làm thế nào để có được nó. Họ than phiền và bất mãn, nhưng họ vẫn câm lặng và không có tổ chức. Kết quả là khai thác họ dễ dàng hơn là phục vụ họ. Họ không thụ động cũng không trưởng thành về mặt chính trị. Hướng sự thù hận của họchống lại chính phủ dễ hơn là nhận ra nhu cầu của họ và các phương tiện để đáp ứng các nhu cầu đó. Dân chúng không bao giờ có thể nói cho mình; nhưng họ có thể có những người phát ngôn mà họ có thể tin tưởng, ngay cả khi họ không hiểu đầy đủ về người phát ngôn cho họ. Tuy nhiên, họ sẽ không có lý do chính đáng để tin tưởng người phát ngôn trừ khi những người này là lãnh đạo của nhiều tổ chức độc lập, mỗi tổ chức tranh đấu cho lợi ích riêng của một nhóm. Người ta không thể thực sự biết họ muốn gì cho đến khi họ được để ý tới, được nghĩ đến và được lên tiếng. Nói theo  ngôn ngữ của dân chủ, họ không thể có quyết tâm cho đến khi có phương tiện để thực hiện quyết tâm đó. Nhưng những người tuyên bố nói thay cho người dân phải có quan hệ gần gũi với người dân và với nhau đến mức họ thực sự quan tâm đến việc nói cho mọi người chứ không chỉ cho bản thân họ.

Khả năng thích ứng, đức tính thứ tư tạo nên sự trưởng thành về chính trị, cần ít bình luận nhất. Trong xã hội hiện đại, điều đó có nghĩa là không biết phải làm gì trong một tình huống không lường trước được, như biết tìm đến ai để xin lời khuyên. Nó có nghĩa là đặt giá trị cao cho kiến thức chuyên môn, kiến thức rộng, và vô tư. Trong các xã hội lạc hậu về chính trị, nơi các chính trị gia thường tham nhũng và các đối thủ chính trị gay gắt, lời khuyên của các chuyên gia và những người vô tư thường không được tìm kiếm, hoặc nếu được tìm kiếm, thì hiếm khi được thực hiện. Lời khuyên như vậy có vẻ không hữu ích cho tham vọng cá nhân hoặc cho các đảng đang tiến hành một cuộc đấu tranh gay gắt để giành quyền lực. Thực là một trong những điều đáng buồn nhất trên thế giới mà những gì tạo ra sự nhiệt tình lại làm giảm khả năng thích ứng. Thường thì những người sẵn sàng vượt qua khó khăn lớn nhất, lại là những người thấy lời khuyên vô tư là vô ích. Tuy nhiên khi các lời khuyên đó được thực hiện nghiêm túc thì các chính trị gia và công chức sớm nhận ra những hạn chế của họ. Họ trở nên ôn hòa hơn và hiểu biết rõ hơn. Lẽ dĩ nhân, các chính trị gia, vẫn đóng vai trò chơi chính trị một cách cuồng nhiệt, luôn luôn cố gắng làm cho đối phương mất điểm nhưng họ cũng hiểu cách đứng ngoài cuộc tranh chấp một chút không coi nó hoặc bản thân họ là quá quan trọng. Họ học cách khoa trương mà không thái quá. Khả năng thích ứng của một công dân  thường ít hơn là của một chính trị gia và công chức.

Tôi không nói rằng sự trưởng thành về chính trị chỉ bao gồm bốn đức tính mà tôi đã thảo luận, nhưng chỉ muốn nói các đức tính đó là những thành phần chính của sự trưởng thành. Có thể phản đối rằng người Đức có những đức tính này, nhưng lại dễ dàng trở thành nạn nhân của Hitler. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng tôi không coi người Đức là những người chưa trưởng thành về mặt chính trị. Trước kia tôi đã nghĩ là họ trưởng thành , nhưng đó là lúc tôi đang tìm hiểu thế nào là sự trưởng thành về chính trị . Đối với tôi người Đức dường như không khoan nhượng và bất công hơn người Anh; nhưng họ cũng có vẻ không khoan nhượng và bất công hơn trong thế kỷ hai mươi so với thế kỷ mười tám. Mặt khác, tôi không thể thấy rằng người Anh khoan dung hơn và công bằng  hơn người Montenegro trong thời vua Nicholas, trước khi quá trình được gọi là ‘tây phương hóa’ thực sự bắt đầu. Có thể có sự khoan dung thực sự và mối quan tâm sâu sắc đối với công lý trong số các dân tộc nguyên thủy hoàn toàn không có khả năng  thành lập một nền dân chủ hữu hiệu.

Tôi có xu hướng tin rằng nền dân chủ ở Đức thất bại do nhiều nguyên nhân khác hơn bất cứ tình trạng có thể được mô tả là sự non nớt về chính trị. Các nguyên nhân đó có thể đã phá hủy một nền dân chủ lâu đời hơn nhiều so với thời Cộng hòa Weimar Đức, nhưng các nguyên nhân đó đã đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ. Thất bại trong cuộc chiến tranh toàn diện, nỗi nhục của một giai cấp thống trị kiêu hãnh, sự hủy hoại của một phần lớn tầng lớp trung lưu do lạm phát , và cuối cùng, nạn thất nghiệp trên một quy mô chưa từng thấy: những nỗi kinh hoàng này đã vượt ngoài khả năng chịu đựng của nền dân chủ rất non trẻ. Nó đã tạo ra những cơn cuồng nhiệt và hận thù nguy hiểm cho dân chủ vì những kẻ mị dân có thể dễ dàng khai thác chúng. Nền dân chủ Đức năm 1932 đã không kéo dài đủ lâu để truyền cảm hứng cho lòng trung thành mà mọi hệ thống chính quyền phải truyền cảm hứng để được vững mạnh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức kém trưởng thành hơn về mặt chính trị so với các nền dân chủ lâu đời hơn. Nền dân chủ củng cố những đức tính làm cho dân chủ có thể thực hiện được. Một nước Anh bị trải qua những thời kỳ hỗn loạn như nước Đức thời Cộng hòa có thể  không bao giờ trao quyền lực cho một người như Hitler. Tuy nhiên sự thất bại của nền dân chủ ở Đức ít do những đức tính làm cho nền dân chủ có thể thực hiện được hơn là do các nguyên nhân khác phá hoại nó; các nguyên nhân này có thể  mạnh trong các nước tiên tiến hơn trong các nước lạc hậu. Nó thất bại vì những lý do khác với những lý do khiến nó thất bại , chẳng hạn như ở Balkan ; và chính những lý do này, vì nó tạo ra những hậu quả tiêu cực, đúng hơn được gọi là sự thiếu trưởng thành về chính trị.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân July 2023

 

Tác giả: Michael Oakeshott (1901-1990) là một triết gia, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Cambridge, London School of Economics, Anh quốc, và Harvard.

 

Nguồn: https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&cad=rja&uact=8&ved=2ahUKEwiw186Ww5uAAxVpIkQIHZUhA7EQFnoECBEQAQ&url=http%3A%2F%2Fwww.michael-oakeshott-association.com%2Fpdfs%2Fmo_political_maturity.pdf&usg=AOvVaw3zjRaQVADw9KCCnezyKchx&opi=89978449