Năm 1819, Benjamin Constant[1], nhà hoạt động chính trị chủ trương tự do, đọc một diễn văn tại Paris tựa đề “The Liberty of the Ancients Compared with that of the Moderns.” Ông lưu ý cử tọa tới sự kiện là trong thế giới cổ Hy Lạp “mục đích của người thời xưa là chia sẻ quyền lực [chính trị] giữa các công dân của tổ quốc: điều này được họ gọi là tự do. [Nhưng] người công dân, tuy hầu như luôn luôn có thẩm quyền tối cao trong các việc công, lại là người nô lệ trong các quan hệ riêng tư. Với tư cách là công dân, họ quyết định chiến tranh và hòa bình, nhưng với tư cách cá nhân họ bị gò bó, theo dõi và áp bức trong tất cả mọi hành động của mình; với tư cách là một thành phần của tập thể, họ chất vấn, bãi nhiệm, kết tội, bần cùng hóa, đầy ải, hay xử tử các thủ hiến hay thượng cấp của họ; với tư cách là thần dân của một tập thể họ có thể bị tước đoạt địa vị, lấy hết quyền lực, lưu đầy, xử tử theo quyết định tùy tiện của tập thể mà họ lệ thuộc…Như Condorcet[2] nói người xưa không có ý niệm gì về quyền cá nhân. Nghĩa là con người chỉ là cái máy, các bộ phận vận chuyển đều theo pháp luật… Trong tình trạng đó con người thời xưa chỉ là một cá nhân bị lạc lõng trong quốc gia, một công dân cô độc trong một thành phố.”
Constant hỏi cử tọa so sánh “một người Anh, một người Pháp và một công dân Hoa Kỳ ngày nay hiểu từ “tự do” như thế nào. Người nào cũng nói đó là quyền được chi phối bởi luật pháp, không bị tước đoạt, bắt giữ, sát hại hay đối xử tàn nhẫn bởi ý muốn võ đoán của bất cứ cá nhân hay tập thể nào. Đó là quyền của mọi người phát biểu ý kiến, lựa chọn và hành nghề theo ý muốn, quyền thanh lý, và ngay cả lạm dụng, tài sản riêng; quyền tự do đi, đến không cần xin phép và không cần phải giải thích lý do cho động cơ hay hành động của mình. Ai cũng có quyền liên hệ với những người khác để hoặc thảo luận điều quan tâm của họ, hoặc để bầy tỏ tín ngưỡng mà họ và những người thân cận họ thích, và ngay cả việc dùng hết cả ngày giờ của họ tùy theo ý thích và ý muốn của họ. Constant nói, tự do bao gồm “các thú vui hòa bình và sự độc lập riêng tư.”
Constant giải thích, mỗi con người hiện đại “đều hưởng các quyền của mình, phát triển khả năng của mình theo hướng mình thích nhất mà không làm hại đến ai…. Tôi xin nhắc lại, tự do cá nhân là sự tự do hiện đại thực sự.” Hậu quả là, tuy có sự quan tâm phải bảo vệ tự do chính trị là điều cốt yếu đối với việc bảo vệ tự do cá nhân, nhưng Constant tin rằng chính trị đi lạc hướng đối với các công việc riêng của con người tự do, và các công việc riêng đó là sự theo đuổi trong hòa bình và gây dựng những mối quan hệ tự nguyện có tính cách gia đình, thương mại và xã hội của cá nhân.
Ngày xưa, cuộc sống riêng tư phải chịu phụ thuộc và phục tòng vào chính trị. Cuộc sống của mỗi cá nhân đều được ấn định, xoay quanh—và đứng trong—quan hệ của cá nhân đó với trật tư chính trị. Nhưng trong “thế giới hiện đại” của Benjamin Constant vào đầu thế kỷ 19 trật tự chính trị bị đặt vào một góc càng ngày càng trở nên không quan trọng của sinh hoạt xã hội. Cá nhân được giải phóng khỏi tình trạng thần phục chính trị và tự gắn mình vào một mạng càng ngày càng mở rộng gồm các mối liên lạc tự nguyện của quyền lợi đa dạng và có tính cách cá nhân.
Cái điều đã thay thế trật tự chính trị hóa của xã hội ngày xưa là xã hội dân sự. Như nhà xã hội học của Đại học University of Chicago, Edward Shils, đã nhắc nhở chúng ta trong bài: “Điều hay của Xã hội Dân sự” trong số Mùa Đông năm 1991 của tập san Government and Opposition, “Tư tưởng xã hội dân sự là một phần tư tưởng của xã hội, nó có sức sống riêng của nó, nó hoàn toàn khác biệt với nhà nước, và phần lớn tự trị đối với nhà nước … Đặc điểm của xã hội dân sự là sự tự trị của các hội tư và các định chế tư cũng như sự tự trị của các xí nghiệp tư … Nền kinh tế thị trường là một mẫu mực sinh hoạt thích hợp với một xã hội dân sự.” Và vai trò quan trọng của nền kinh tế thị trường trong xã hội dân sự, như Benjamin Constant nêu ra năm 1819, là “thương mại tạo cảm hứng cho con người say mê sự độc lập của cá nhân. Thương mại đáp ứng nhu cầu của con người, làm thỏa mãn điều mong muốn của họ, mà không có sự can thiệp của chính quyền.”
Trong xã hội dân sự không còn một tiêu điểm duy nhất của trật tự xã hội, như trong một xã hội chính trị hóa trong đó nhà nước thiết kế, hướng dẫn và áp đặt một nghị trình trong đó và theo đó mọi người phải tuân hành. Thay vào đó, trong xã hội dân sự mọi cá nhân đều có những tiêu điểm do họ tự đặt ra để hình thành và hướng dẫn cuộc sống của họ theo với ý thích, lý tưởng và niềm say mê của họ.
Nhưng xã hội gồm những cá nhân tự do không phải là một xã hội gồm những cá nhân đơn độc thiếu liên kết – “con người nguyên tử” như các nhà phê bình về tự do đôi khi nói về họ. Như một nhà chủ trương tự do cổ điển khác là Công tước Destutt Tracy[3] đã giải thích một cách súc tích: “Tình trạng xã hội … là tình trạng tự nhiên của chúng ta… Xã hội là … một chuỗi liên tục các sự trao đổi … trong đó cả hai bên trao đổi đều có lợi; do đó xã hội là một chuỗi liên tiếp những điều có lợi, và lúc nào cũng đổi mới cho tất cả thành viên.”
Tuy nhiên, sự trao đổi các mối quan hệ xuất hiện giữa các người tự do trong xã hội dân sự không nên được coi chỉ là những mối quan hệ liên quan tới sự trao đổi theo nghĩa hẹp là sự trao đổi về “hàng hóa và dịch vụ” bên trong cái định chế gọi là thị trường. Mạng lưới trao đổi quan hệ bao gồm các nỗ lực cộng đồng, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và hội họp, các tổ chức chuyên nghiệp và hoạt động từ thiện. Thực vậy, bất cứ một sự quan hệ nào trong đó người ta có chung sự quan tâm, mục đích,và tin tưởng đều là nền tảng làm nẩy sinh sự trao đổi. Và các sự trao đổi này bao gồm các điều đã thỏa hiệp để liên kết và cộng tác có lợi ích chung và nâng cao phẩm chất, đặc tính và ý nghĩa của mọi người tham gia.
Mỗi người tự do đều thuộc vào nhiều hiệp hội và định chế tự nguyện trong xã hội dân sự. Họ thành lập hay gia nhập hội mới khi nẩy sinh sự quan tâm hay lý tưởng mới trong cuộc sống của họ, và rút lui khỏi các hội khác khi có thay đổi về xu hướng và hoàn cảnh, những tổ chức và định chế mà họ đã gia nhập thay đổi mục đích và cơ cấu qua thời gian; và khi các thành viên xét lại mục đích của họ hay tìm ra các luật lệ hữu hiệu hơn để thực hiện mục đích của tổ chức.
Do đó, mỗi cá nhân đồng thời tham gia vào một số “thế giới xã hội” khác nhau với nhiều người khác nhau, và mỗi mối quan hệ xã hội này lại có các mục đích và nhu cầu khác nhau trong cuộc sống của họ. Tất cả các mối quan hệ khác nhau này trong xã hội dân sự tích lũy lại, kết nối, ràng buộc với nhau và tạo thành cái mà nhà kinh tế người Áo Friedrich Hayek gọi là trật tự xã hội tự phát. Ông gọi trật tự xã hội đó là tự phát bởi vì các định chế, các hiệp hội và hoạt động giữa con người – những thành phần của trật tự xã hội – không phải là kết quả của một kế hoạch có sẵn hay một sự sắp xếp cố ý. Thay vào đó các mối quan hệ này phát sinh, tiến hóa và tự duy trì do các hành động độc lập và tương tác của các thành viên trong xã hội.
Nhưng điều không kém quan trọng là các định chế xã hội tự phát này nâng đỡ con người suốt đời và bảo vệ con người chống lại quyền lực của nhà nước. Nhà sử học người Ý, Guglielmo Ferrero, trong tác phẩm của ông năm 1926 Words to the Deaf, giải thích là các định chế và các sự liên kết này trong xã hội dân sự “cũng là nơi trú ẩn an toàn chống lại quyền lực của nhà nước.” Nhưng trong thế kỷ 20, nhà nước, trong khi gia tăng quyền lực đã lấn áp nhiều tổ chức tư nhân và tự nguyện của xã hội dân sự. Ferrero nói, cá nhân do đó “thấy mình đã đơn độc trực diện với nhà nước …. [Các chính quyền] bắt buộc người dân phải học, phải làm việc, phải chiến đấu. Chính quyền không còn cho người dân ngủ yên, mà đã đè nén và bóc lột không thương tiếc người dân, nhân danh tổ quốc, tiến bộ … và xã hội chủ nghĩa cho tất cả mọi người. Biết bao mỹ từ để làm đẹp một bổn phận duy nhất: tuân lệnh, lao động, đóng góp.”
Và trong khi các mối quan hệ và các quan hệ của xã hội dân sự giảm thì xã hội chính tri và chính trị hóa đã bành trướng. Nói một cách khác, chúng ta đã mở rộng thế giới của người xưa, xã hội mà Benjamin Constant đã đối chiếu với xã hội hiện đại của ông vào thế kỷ 19. “Tự do” của chúng ta trong trật tự chính trị là lựa chọn trong số các lãnh tụ chính trị có cùng một viễn kiến chính trị. Sau khi đã làm công việc đó, chúng ta lại trở lại là thần dân càng ngày càng lệ thuộc vào những người chúng ta đưa lên nắm quyền chính và những người có ảnh hưởng lớn nhất về những quyền lợi đặc biệt trong việc ấn định các chiều hướng của chính sách quốc gia.
Trong khi thế kỷ mới đang nhanh chóng tiến tới thì chúng ta lại tiếp tục hành trình trở lại thế giới chính trị của ba nghìn năm trước. Chúng ta tiếp tục từ bỏ lý tưởng hiện đại về tự do để đổi lấy lý tưởng ngàn xưa về chuyên chế tập thể.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân Sept 2018
Tác giả: Tiến sĩ Richard M. Ebeling là BB&T Distinguished Professor of Ethics and Free Enterprise Leadership at The Citadel [The Military College of South Carolina] . Trước đó ông là giáo sư về Kinh tế học tại Northwood University, chủ tịch Foundation for Economic Education (2003–2008), giáo sư Ludwig von Mises Professor of Economics at Hillsdale College (1988–2003) tại Hillsdale, Michigan, và là phó chủ tịch phụ trách về học vụ tại Future of Freedom Foundation (1989–2003).
Nguồn: https://www.fff.org/explore-freedom/article/individual-liberty-civil-society/
[1] Henri-Benjamin Constant de Rebecque (thường được biết tới là Benjamin Constant)– là người Pháp – Thụy sĩ. Ông là người tranh đấu chính trị chủ trương tự do vào đầu thế kỷ 19. [https://en.wikipedia.org/wiki/Benjamin_Constant]
[2] Marie Jean Antoine Nicolas de Caritat, Marquis of Condorcet, triết gia và nhà toán học người Pháp thế kỷ 18, thường được biết là Nicolas de Condorcet. Ông chủ trương kinh tế tự do, giáo dục công bình đẳng và miễn phí, chế độ cai trị theo hiến pháp. [https://en.wikipedia.org/wiki/Marquis_de_Condorcet]
[3] Antoine Louis Claude Destutt, công tước de Tracy, nhà quý tộc và triết gia trong thời kỳ Khai Sáng của Pháp (thế kỷ 18). Ông là người đầu tiên nghĩ ra từ “ideology”. [https://en.wikipedia.org/wiki/Antoine_Destutt_de_Tracy]