fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Lời Giới Thiệu

John Locke sinh ngày 29 tháng 8, 1632 gần thành phố Bristol, Anh Quốc. Ông theo học tại trường Westminster, nơi mà Dresden học cùng thời với ông, và tại Christ Church, đại học Oxford. Nhà lý luận về giáo dục tương lai không có một ý niệm tốt nào về các môn học thịnh hành vào hồi đó ở cả hai trường như ông ám chỉ trong cuốn sách này; tuy nhiên, sau khi đậu bằng Cao Học vào năm 1658, ông trở thành giáo sư phụ giảng tại Oxford, và giảng viên về tiếng Hy Lạp và thuật hùng biện. Sau một chuyến viếng thăm lục địa Âu Châu vào năm 1665 với tư cách là thư ký cho một toà đại sứ, ông trở về Oxford và theo học ngành y khoa. Vừa là bạn, vừa là bác sĩ riêng, ông trở nên gắn bó với Lord Ashley (sau trở thành Bá Tước Shaftesbury thứ nhất); và sau khi nhà qúy tộc này trở thành quan Chưởng Ấn, Locke được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Liên lạc Tôn giáo.

Bá Tước Shaftesbury rời chức vụ trên vào năm 1673 và hai năm sau đó Locke qua định cư tại Pháp vì lý do sức khoẻ; ông sinh sống bằng nghề làm gia sư cho con trai của Sir John Banks và làm bác sĩ riêng cho phu nhân của vị Sứ Thần Anh tại Paris. Năm 1679, Shaftesbury tham chính trở lại và gọi Locke trở về Anh Quốc. Locke miễn cưỡng tuân lệnh người đỡ đầu mình; ông giúp đỡ Shaftesbury trong các vấn đề chính trị và giám thị việc học hành của đứa cháu ông ta (đứa cháu này sau là tác giả của cuốn “Characteristics”). Khi sự nghiệp chính trị của Shaftesbury sụp đổ, cả hai đều trốn qua Hoà Lan tị nạn.

Trong hai năm đầu ở Hà Lan, Locke đi du lịch và giao du với các học giả ở Âu Châu. Nhưng vào năm 1685 chính phủ Anh Quốc xem ông như là một tên phản quốc và yêu cầu chính phủ Hoà Lan dẫn độ. Và ông bị bắt buộc phải lẩn trốn cho đến khi được Vua James II xá tội, dù không có chứng cớ nào cho biết ông đã phạm tội gì ngoài việc là bạn của Shaftesbury.

Mãi đến năm Locke 54 tuổi ông mới bắt đầu cho ấn hành các kết quả của cả một đời suy tư và nghiên cứu của ông. Bản tóm tắt tác phẩm vĩ đại của ông “Luận văn về Sự Hiểu Biết của Con Người” (Essay Concerning Human Understanding) được bạn ông là Le Clerc ấn hành trong bộ “Bibliothèque Universelle” và toàn bộ tác phẩm ra đời năm 1690. Cũng chính từ Hoà Lan mà ông viết những lá thư để khuyên bảo một người bạn trong cách nuôi dạy con. Các lá thư này về sau đã được ấn hành thành cuốn “Vài Suy Nghĩ Về Giáo Dục” (Some Thoughts Concerning Education).

Trong thời gian lưu đày Locke có dịp làm thân với William và Mary, hai vị mà sau này trở thành Vua và Hoàng Hậu của Anh Quốc. Sau khi cách mạng thành công, Locke trở về Anh Quốc với Hoàng Hậu Mary năm 1689. Ông đuợc đề nghị làm Sứ Thần Anh Quốc tại Đức; tuy vậy, ông từ chối lấy lý do là kém sức khỏe, nhưng chính vì ông cho rằng tửu lượng ông quá kém để làm Sứ Thần tại Triều Đình Brandenburg. Ông ở lại Anh Quốc để ấn hành cuốn “Tiểu Luận.”

Ông sống cuộc đời còn lại tại nhà các người bạn của ông, các gia đình Cudworths và Mashams tại Oates, vùng Essex. Ông giữ chức vụ Ủy Viên Tòa Thượng thẩm (Commissioner of Appeals) và trong vài năm là thành viên của Hội Đồng Mậu dịch và Đồn điền (Council of Trades and Plantations), một chức vụ đã giúp ông tiếp xúc với các vấn đề kinh tế. Tại Oates, ông có dịp thực hành các lý thuyết giáo dục của ông trong khi dạy dỗ đứa cháu của chủ nhà; các kết qủa xác nhận rằng các lý thuyết của ông là đúng. Ông từ trần tại Oates ngày 27 tháng 10 năm 1704.

Việc đáng lưu ý là khi còn học tại trường Westminster và đại học Oxford, Locke không đồng ý với các phương pháp giáo dục thời đó; và tính cách suy tư độc lập đã trở thành đặc tính nổi bật trong suốt cuộc đời của ông. Trong lãnh vực y khoa, ông tố cáo cách học từ chương còn thịnh hành; Bacon và Hobbes cũng đã đả kích cách học này trong nhiều lãnh vực giáo dục khác. Ông tán thành các phương pháp thực nghiệm đã được bạn ông, bác sĩ nổi tiếng Sydenham, áp dụng. Trong lý thuyết về phương pháp giáo dục, Locke đưa ra những ý kiến tiến bộ, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự lập thành thói quen; ông cho rằng mục đích chính của giáo dục là sự huấn luyện về tính khôn ngoan và đức hạnh hơn là sự thu thập kiến thức. Những ý kiến của ông hiện nay vẫn là những mục tiêu được nhắm đến nhưng các nhà cải cách giáo dục vẫn chưa thực hiện được. Ta nên lưu ý rằng các “suy nghĩ” sau đây có mục đích chính là sự giáo dục trẻ em của từng người chứ không phải sự hình thành của một hệ thống giáo dục.

Nhưng chính nhờ vào triết học mà Locke được người đời biết đến. Được xem là ông tổ của trường phái chủ nghĩa duy nghiệm của Anh Quốc, Locke đã ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng triết lý toàn Âu Châu. Hầu như tất cả các dòng chính về hoạt động tri thức của Anh Quốc vào thế kỷ 18 đều xuất phát từ Locke và chủ nghĩa hoài nghi của Hume là sự phát triển hợp lý của các nguyên tắc đã được nêu ra trong cuốn “Tiểu Luận về Sự Hiểu Biết của Con Người” của Locke.

Tiểu luận Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục được dịch từ nguyên tác đăng trên trang web Modern History Sourcebook, tại địa chỉ:http://www.fordham.edu/halsall/mod/1692locke-education.html