fbpx

Giáo Dục

Vài Suy nghĩ về Tuyên ngôn Giáo dục của Nhóm Paideia

LGT: NHÓM PAIDEIA[1] là một tổ chức quy tụ những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ như những viện trưởng, khoa trưởng, của những đại học nổi tiếng của Mỹ như Columbia, Notre Dame, Harvard, hiệu trưởng trung học, và một số thành viên ban quản trị các “think tank”có tầm vóc như Carnegie Foundation, Aspen Institute, v.v…

Nông Duy Trường

Nhập đề

Giáo dục phổ thông của Mỹ đang “có vấn đề,” vì là cường quốc số một trên thế giới, nhưng theo báo cáo năm 2012 của tổ chức Pearson,[2] một tổ chức chuyên nghiên cứu về giáo dục toàn cầu, thì học sinh phổ thông của Mỹ chỉ đứng hạng thứ 17 trong tổng số 34 nước phát triển (OECD-Organization for Economic Cooperation and Development). Sự suy thoái về phẩm chất giáo dục của học sinh Mỹ, tuy đáng lo ngại, nhưng nếu ta so sánh với kết quả của những năm trước như 2009, Mỹ đứng hạng 25 trên tổng số 34 nước về hai môn toán và khoa học, và năm 2006, chỉ có 6% là có trình độ ngang với các nước khác, thì kết quả này còn khá hơn một chút.[3] Những con số này cho thấy nước Mỹ đã và đang tiến hành những chương trình cải cách về giáo dục phổ thông. Những chương trình cải cách giáo dục phổ thông của Mỹ bắt đầu từ thập niên 1960 sang đến 1970. Học sinh tiểu học và trung học của Mỹ bị đưa ra làm thí nghiệm cho những kế hoạch cải cách không tưởng, phá bỏ mọi nguyên tắc cơ bản về giáo dục.[4] Cho đến thập niên 1980, một báo cáo mang tựa đề A Nation At Risk (ANAR) đã gióng lên tiếng chuông báo động về sự suy thoái của nền giáo dục phổ thông và đề nghị phải cải cách khẩn cấp. Một số những biện pháp đã được đề nghị, nhưng kết quả cũng khiêm nhượng như thành quả của học sinh Mỹ thu được qua những kỳ thi quốc tế.

Còn Việt Nam của chúng ta thì sao? Theo Giáo sư Hoàng Tụy thì Việt Nam đã tiến hành cải cách giáo dục từ năm 1991, nhưng hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Ông đề nghị bốn đề xuất cải cách giáo dục. [5]Gần đây nhất (2012) là phát biểu của Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng giáo dục Việt Nam hiện đang mắc bốn “trọng bệnh.”[6] Ta cần nhớ là cải cách, tu bổ là công việc cần phải được thực hiện định kỳ, không những chỉ trong lãnh vực giáo dục mà còn ở trong mọi lãnh vực khác của xã hội. Lý do đơn giản là vì xã hội và kỹ thuật ngày nay đã tiến quá mau. Nếu không theo kịp với đà tiến này, một nước sẽ bị rơi vào tình trạng lạc hậu.

Sau những thất bại của những chương trình cải tổ giáo dục, một số học giả của Mỹ đã phân tích và nhận ra những chương trình này đã, vì lý do này hay lý do khác, bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng của giáo dục: đó là dạy gì và học như thế nào.[7] Giáo sư Hoàng Tụy cũng nêu lên trong bốn đề xuất: “Cần thay đổi cơ bản cách học và thi.”[8] Ai cũng thấy cần phải sửa đổi, cải thiện, nhưng làm như thế nào, thì vẫn còn có nhiều tranh luận. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu những đề nghị cải cách giáo dục trong Tuyên ngôn Giáo dục, còn được biết đến là “Đề xuất về Sư phạm” (the Paideia Proposal), cuả Mortimer Adler,[9] một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ, và phân tích tính khả thi của những phương thức này để xem có thể áp dụng trong những chương trình cải cách giáo dục không những tại Mỹ mà còn để xem có thể áp dụng tại Việt Nam được không.

Nguyên tắc Căn bản về dạy và học

Những nhà giáo dục theo trường phái của Socrates cho rằng giáo dục là một nghệ thuật hợp tác. Trong số những nghệ thuật có ích cho con người chỉ có ba loại được coi là nghệ thuật hợp tác. Đó là nghề nông, nghề y, và nghề dạy học. Aristotle gọi nghề thuốc và nghể nông là nghệ thuật hợp tác, bởi vì những nghề này phụ với thiên nhiên để tạo ra những gì mà thiên nhiên có thể tự tạo ra được. Adler lập luận:

Giày dép và nhà cửa không thể thành hình được nếu không có bàn tay của con người; nhưng cơ thể con người vẫn đạt được sự khỏe mạnh mà không cần đến y sĩ; cây cỏ và thú vật vẫn lớn được mà không cần có bàn tay của nông gia. Tay nghề của y sĩ và của nông gia chỉ giúp cho sức khỏe và sự tăng trưởng được chắc chắn và đều đặn mà thôi. Giảng dạy, giống như làm ruộng và chữa bệnh, là một nghệ thuật hợp tác giúp cho thiên nhiên làm những điều “tự nhiên,” và khi có sự hợp tác này thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta đã học được nhiều điều mà không có thầy nào dạy hết. Có những cá nhân kiệt xuất đã có được sự hiểu biết sâu rộng mà chỉ được đi học rất ít. Nhưng đối với đa số chúng ta, tiến trình học sẽ chắc chắn hơn, bớt nhọc nhằn hơn nếu được người thầy giúp đỡ. Sự hướng dẫn có phương pháp của thầy cô giúp cho việc học của ta–nhấn mạnh là của ta và do ta–dễ dàng và có hiệu quả hơn. [10]

Quan niệm giảng dạy này chú trọng vào người học (learner-centered), và giúp cho học viên “khám phá” ra kiến thức. Theo Socrates những kiến thức này tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người khi sinh ra và sẽ được khám phá ra chỉ cần qua phương pháp mà ngày nay ta gọi là phương pháp vấn-đáp Socrates. Cách dạy khám phá (discovery) và chú trọng vào người học hiện đang là một phương pháp thời thượng và được nhiều phong trào cải cách giáo dục đề nghị áp dụng. Nhưng không thể áp dụng một cách máy móc, vì kết quả của sự áp dụng mù quáng này đã được thực tế chứng minh là “quá đắt” về thời giờ, tiền bạc, và chất lượng, nếu không muốn nói là thất bại.[11] Cho nên, nếu giáo dục là một nghệ thuật hợp tác thì người thầy phải tùy theo lứa tuổi và trình độ trưởng thành của học sinh cùng những phương pháp thích hợp để giúp cho việc học đỡ vất vả nhất. Và học sinh trung, tiểu học chính là đối tượng này.

Mục đích của Giáo dục Phổ thông

Sự quan trọng của giáo dục đối với tương lai của một nước là một sự thật hiển nhiên; cho nên, hầu hết các nước trên thế giới ngày nay đều áp dụng cưỡng bách giáo dục phổ thông. Quan niệm cưỡng bách giáo dục hiện đại bắt nguồn từ phong trào Cải cách Tôn giáo năm 1524 do Martin Luther cổ xúy. Mục đích chính của Martin Luther là muốn cho giáo dân có khả năng tự mình đọc được Kinh Thánh. Phong trào này lan rộng khắp Âu châu và mô hình do nước Phổ (nước Đức dưới thời quân chủ) đề xướng được các nước khác tại Âu châu và ngay cả Nhật mô phỏng. Mục đích chính của giáo dục phổ thông trong thời kỳ tiền-hiện đại (pre-modern era) dạy cho học sinh biết đọc, biết viết, có đạo đức (theo tiêu chuẩn và tín điều của tôn giáo), và trở thành công dân tốt.

Chính sách cưỡng bách giáo dục thay đổi tùy theo từng nước và phụ thuộc vào hoàn cảnh, phương tiện, và nhất là sự xác định mục đích của giáo dục phổ thông là gì; thí dụ, tại những nước chậm phát triển trong thế kỷ 20, mục đích chính của giáo dục phổ thông chỉ đơn giản là dạy cho người dân biết đọc và biết viết. Sang đến thời kỳ hiện đại, nhu cầu phát triển và kỹ nghệ hóa đòi hỏi một lực lượng lao động có khả năng và trình độ cao hơn là chỉ biết đọc biết viết. Mục đích này trở thành mục đích chính của giáo dục phổ thông. Quan niệm này dẫn đến hai hệ luận. Thứ nhất là những môn học dạy nghề (vocational) đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Và thứ hai là môn giáo dục công dân bị đưa xuống hàng thứ yếu sau những môn học về kiến thức.

Mortimer Adler và Nhóm Paideia quan niệm mục đích của giáo dục phổ thông (từ mẫu giáo tới lớp 12), nhất là trong thời hiện đại, như sau: phát triển mỗi người trở nên một công dân độc lập về tư tưởng, độc lập về kinh tế, và có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Thế nào là một công dân độc lập về tư tưởng? Ngoài khả năng biết đọc và biết viết, một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải có được những kiến thức căn bản và khả năng lý luận, phân tích, và đối chiếu để tự chính mình rút ra được những kết luận trong những thông tin đa chiều của thời đại hiện nay. Thế nào là một công dân độc lập về kinh tế? Một công dân độc lập về kinh tế là người có một nghề lương thiện–mà nghề đó không cần tới bằng đại học–để sinh sống bằng khả năng của chính mình. Và thế nào là một công dân có trách nhiệm với bản thân và xã hội? Ngoài kiến thức và khả năng nêu trên, một công dân có trách nhiệm sẵn sàng tham gia vào sinh hoạt chính trị của quốc gia như bầu cử, ứng cử,…và những sinh hoạt cộng đồng khác tùy theo khả năng. Mục đích chính và tối hậu của giáo dục phổ thông là đào luyện cho học sinh có những kỹ năng để trở thành người học-suốt-đời hầu có thể phát triển chính bản thân mình và hữu dụng cho xã hội đang tiến bộ nhanh chóng như hiện nay. (xem thêm và đối chiếu với “Mục tiêu của giáo dục phổ thông của VN” trong chú thích cuối bài.[12])

Chương trình Giáo dục Phổ thông

Nhằm đạt được những mục đích nêu trên, Nhóm Paideia đề nghị một chương trình giáo dục phổ thông cơ bản có tính chất tổng quát cho tất cả mọi học sinh, không phân biệt thành phần xã hội (giàu/nghèo). Chương trình này gồm có ba phần như sau:

  • những môn học thuộc về lãnh vực ngôn ngữ, như ngữ văn, văn chương, và mỹ nghệ;
  • những môn học thuộc về lãnh vực toán học và khoa học, và
  • những môn học thuộc về lãnh vực nhân văn-xã hội, gồm có những môn học như lịch sử, địa lý, văn hóa, đức dục và công dân giáo dục về các định chế chính trị và cơ cấu xã hội, vân vân.

Tại sao chương trình giáo dục phổ thông lại chỉ cần có ba phần này? Bởi vì đó là những kiến thức căn bản không thể thiếu được về thiên nhiên và văn hóa, về thế giới cùng các định chế mà chúng ta sinh sống, và về bản thân mỗi người trong tương tác với xã hội.

Những môn học trong từng lãnh vực được sắp xếp theo tuổi tác, theo trình độ từ dễ đến khó theo cấp lớp. Điều này đã được áp dụng hầu như tại mọi nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong chương trình đề nghị này, hoàn toàn không có những môn nhiệm ý và chuyên môn, tức là những môn đã khiến cho chương trình học, nhất là ở bậc trung học trở nên nặng nề (tại Mỹ). Những môn này chỉ thích hợp với trình độ ở cao đẳng chuyên ngành hay đại học mà thôi. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng nên được giảng dạy trong lãnh vực ngôn ngữ (môn này hầu hết nước nào cũng áp dụng rồi).

Ngoài những môn học thuộc về tri thức, chương trình giáo dục phổ thông còn cần có môn thể dục (cùng với môn sức khỏe phổ thông). Học sinh học thể dục qua sự tham gia những bộ môn thể thao và chơi cho những đội banh của trường (tại Mỹ). Thêm vào đó, học sinh những năm cuối bậc trung học cũng nên được giảng dạy về những nghề nghiệp khác nhau cùng những yêu cầu của những nghề này để chuẩn bị.

Phương pháp Giảng dạy

Nhóm Paideia đề nghị một mô hình về phương pháp giảng dạy theo biểu đồ sau:

I

II

III

 

Mục Tiêu

THU THẬP KIẾN THỨC ĐÃ ĐƯỢC HỆ THỐNG HÓA

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TƯ DUY & KỸ NĂNG HỌC

KHAI TRIỂN SỰ THẤU HIỂU VỀ TƯ TƯỞNG VÀ GIÁ TRỊ

 

Phương Pháp

Thầy/cô giảng bài và truyền đạt kiến thức qua sách vở hoặc những trợ
huấn cụ khác.

Huấn luyện qua thao tác và thực tập có giám sát.

Hỏi-Đáp, Thảo luận, và Trực tiếp Tham gia.

 

 

Lãnh Vực

Ngôn ngữ, Văn chương, và Mỹ thuật

 

Đọc, Viết, Nghe, Nói.

 

Thảo luận về những tác phẩm (không phải sách giáo khoa) và những tác phẩm nghệ
thuật khác.

 

Lãnh Vực

 

Toán & Khoa Học

Tính toán, giải quyết vấn đề, quan sát, đo lường, ước tính.

Học sinh được khuyến khích tham
gia
vào những hoạt động nghệ thuật, như vẽ, nhạc, kịch,…

 

Lãnh Vực

Lịch sử, Địa lý và Nhân văn-Xã hội

Thực tập tư duy phê phán

Dựa trên chương trình đề nghị, mục tiêu của Cột I là giúp cho học sinh thu thập những kiến thức đã được hệ thống hóa theo trình độ (những kiến thức rời rạc không được hệ thống hóa sẽ khiến cho học sinh khó thu nhận, nhất là đối với các lớp nhỏ). Phương pháp giảng dạy nhằm đạt được mục tiêu này là phương pháp truyền thống mà ta đã biết, tức là thày giảng, trò nghe, ghi chép, và học thuộc (rote memory) cho tất cả các môn học thuộc ba lãnh vực ngôn ngữ, toán-khoa học, và nhân văn.

Tuy nhiên, dạy và học không chỉ hạn chế trong việc truyền đạt và học thuộc lòng kiến thức mà học sinh còn cần phát triển những kỹ năng quan trọng khác, những kỹ năng mà sẽ giúp cho sự học của học sinh sau khi hoàn tất chương trình phổ thông. Đó là lý do ta cần đến Cột II. Nói cách khác là học sinh phải thực tập tới mức độ thành thạo (proficiency) những kiến thức đã thu thập được. Về lãnh vực ngôn ngữ chẳng hạn, học sinh không những đã biết đọc, còn phải phát âm cho đúng; về viết học sinh cần học cách viết những câu đơn, câu kép, câu phức hợp gồm nhiều mệnh đề, v.v…, rồi tiến dần lên viết luận văn và các thể loại khác. Về lãnh vực toán và khoa học cũng vậy, học sinh ngoài khả năng tính toán còn phải có thêm kỹ năng giải quyết vấn đề, quan sát, đo lường, và ước lượng, cùng việc sử dụng những thiết bị điện tử như máy tính (calculator) và máy vi tính (computer), tùy theo cấp lớp. Về lãnh vực nhân văn-xã hội, học sinh cần phát triển kỹ năng tư duy phê phán, biết phân biệt những thông tin đa chiều và phản biện nếu cần. (tư duy phê phán, critical thinking,sẽ được phân tích trong bài khác).

Cột II này nhằm đào luyện kỹ năng cho học sinh, nên phương pháp dạy không thể là phương pháp thầy giảng trò chép mà người dạy chỉ đứng trên bục giảng. Trong phạm vi này, người thầy cũng giống như một huấn luyện viên huấn luyện và uốn nắn cho vận động viên những thao tác đúng đắn, theo một tiến trình đã được chứng minh là hữu hiệu, thí dụ vận động viên bóng bàn hay quần vợt khi đánh cú “rờ-ve” phải theo tiến trình và tay cầm vợt như thế nào thì cú đánh mới hữu hiệu. Giảng dạy theo Cột II không thể chỉ có đứng nói suông. Dĩ nhiên, những kỹ năng này sẽ mỗi năm mỗi tiến lên trình độ phức tạp hơn.

Việc dạy và học không ngừng ở chỗ chỉ tiếp thu kiến thức, có kỹ năng và biết cách ứng dụng, đạt đến trình độ thông thạo, mà còn với mục tiêu giúp cho học sinh mở rộng sự hiểu biết về tư tưởng và giá trị (thế nào là chân, thiện, và mỹ), Cột III đề nghị phương pháp giảng dạy theo kiểu vấn-đáp và thảo luận của Socrates. Theo phương pháp này, học sinh được giới thiệu đến những tư tưởng mới qua những tác phẩm nghệ thuật, văn chương, và mỹ thuật (không phải sách giáo khoa) trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Phương pháp vấn-đáp và thảo luận theo Socrates là một phương pháp được xem là rất hữu hiệu để mở rộng sự hiểu biết và rèn luyện tư duy độc lập và cải thiện tư duy phê phán. Ngoài ra, học sinh cấp phổ thông cũng được khuyến khích để tham gia trực tiếp vào những sinh hoạt nghệ thuật có liên quan đến những tác phẩm được thảo luận. Thí dụ, cách thức hay nhất để hiểu thấu đáo một vở kịch là tham gia đóng một vai trong vở kịch đó.[13] Một điều cần lưu ý là cả ba phương pháp này đều có thể áp dụng được cho những môn học thuộc cả ba lãnh vực nêu trên.

Áp dụng vào thực tế hiện nay như thế nào?

Mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông (Chương Trình) do Adler và Nhóm Paideia đề nghị là những mục đích mà mới thoạt nghe ta thấy đầy cao vọng, hơi có vẻ lý tưởng nữa. Nhưng như đã trình bày ở trên, mục đích của giáo dục phổ thông tiến hóa theo thời đại và nhu cầu của xã hội. Những mục đích này, do đó, phản ánh đúng nhu cầu của xã hội, không những chỉ về phương diện khoa học, kỹ thuật, mà còn đào luyện những người công dân có kỹ năng và ý thức trách nhiệm để có thể tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị và xã hội của quốc gia. Cho nên, giáo dục phổ thông là thành tố hệ trọng của quốc gia, và học sinh phải được đào luyện để đạt được những mục đích này.

Chương Trình do Adler và Nhóm Paideia đề nghị là một chương trình tổng quát, chứ không “kê toa” và liệt kê những môn nào phải được giảng dạy, theo từng lãnh vực. Mỗi nước, tùy theo hoàn cảnh của mình mà chọn lựa những môn học cho thích hợp. Thực ra, chương trình này đã và đang được hầu hết các tiểu bang (tại Mỹ) và hầu hết các nước trên thế giới áp dụng (kể cả Việt Nam trước và sau 1975). Đặc điểm của Chương Trình là chú trọng vào những môn học thuộc ba lãnh vực cốt lõi hầu bớt đi những những môn nhiệm ý hay những môn dạy nghề trong chương trình phổ thông, hay những môn khác làm quá tải chương trình. Những mục đích của giáo dục phổ thông do Nhóm Paideia đề nghị và được những nhà cải cách giáo dục hiện nay đồng ý là những mục đích lý tưởng mà một nước phải nhắm tới.

Phương pháp giảng dạy (Phương Pháp) của Nhóm Paideia cũng không phải là những phương pháp mới mẻ gì, nhưng là phương pháp nên theo vì đó là những phương pháp nhằm bổ túc những điều thiếu sót hay bị bỏ qua trong phương pháp giảng dạy trong quá khứ, tỷ như phương pháp vấn-đáp. Tuy nhiên, Phương Pháp đưa vào thực tế áp dụng thực cũng không phải dễ dàng, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, tình trạng quá tải học sinh trong một lớp học vì thiếu phòng ốc. Với sĩ số học sinh đông cho mỗi lớp,[14] người dạy không thể lưu tâm đến từng học sinh để rèn luyện những kỹ năng cần thiết, chứ đừng nói đến việc mở rộng thêm sự hiểu biết của học sinh. Vì hạn chế này, người dạy chỉ có thể truyền đạt kiến thức bằng phương pháp truyền thống sơ đẳng nhất là thầy đọc, trò chép. Lâu dần, phương pháp truyền thống trở thành phương pháp chính sử dụng trong giảng dạy. Thứ hai, để có thể huấn luyện những kỹ năng thiết yếu trong Cột II và III, chính bản thân người dạy phải được đào luyện thành thạo những kỹ năng này. Thứ ba, giả sử là sĩ số học sinh không đông quá và người dạy được đào tạo với đầy đủ kiến thức và khả năng, thì vẫn còn một giới hạn nữa khi áp dụng Phương Pháp vào giảng dạy; đó là thời lượng dành cho mỗi tiết học (tại Mỹ mỗi tiết học dài 55 phút hay 90 phút) không đủ để người dạy có thể áp dụng cả ba phương pháp cho mỗi lớp.

Những giới hạn này, tuy vậy, không phải là không thể giải quyết được, nếu sự cải tổ giáo dục được quan niệm một cách nghiêm túc và được cung cấp đầy đủ ngân sách hầu xây dựng thêm trường lớp để giảm sĩ số học sinh. (Một điều oái oăm là ngân sách dành cho giáo dục của mỗi nước không phải là nhỏ, như VN là nước trong nhóm những nước chi cho ngân sách giáo dục cao nhất thế giới).[15] Ngân sách giáo dục của Chính quyền Liên bang Mỹ dành cho giáo dục năm 2013 là 69,8 tỷ Mỹ kim, tăng 1,7 tỷ so với năm 2012.[16] Ngoài ra nguồn tài trợ chánh cho giáo dục tại mỗi tiểu bang là từ tiền thuế thổ trạch và bất động sản của mỗi tiểu bang. Nói một cách khác, sự quá tải học sinh trong mỗi lớp sẽ không trở thành vấn nạn, nếu bộ máy hành chánh của giáo dục được tinh giản và tiết kiệm để dành tiền cho những điều thiết yếu như cơ sở, trường lớp, huấn luyện và đào tạo giáo chức, v.v…Giới hạn thứ hai là nâng cấp chương trình huấn luyện và đào tạo cho thầy/cô tại những trường  đại học hoặc cao đẳng sư phạm hầu cho họ không những có đủ kiến thức, mà còn có khả năng cao để giảng dạy môn học họ phụ trách. Thêm vào đó, thầy/cô cũng cần phải tham gia những khóa huấn luyện bổ túc mang tính chất bắt buộc hàng năm (tại Mỹ thầy/cô phải theo học những khóa “professional development” thường vào mùa hè, chứ không phải là chương trình chuyên tu hay tại chức của VN).

Giới hạn thứ ba là thời lượng dành cho mỗi tiết học cũng không phải là vấn đề nan giải. Thông thường mỗi môn học gồm vài tiết học trong một tuần; thí dụ môn toán trình độ lớp 12 gồm có ba tiết học một tuần (mỗi tiết hai giờ vào những ngày chẵn hay lẻ). Thầy/cô có thể áp dụng mỗi phương pháp riêng cho từng tiết học: một tiết thu thập kiến thức, một tiết dành cho kỹ năng, và một tiết dành cho mở rộng kiến thức; hoặc là gồm cả ba phương pháp trong cùng một tiết học (mô hình giảng dạy của Robert Gagné là một mô hình rất hữu hiệu có thể gồm cả ba phương pháp trong cùng một bài /tiết học), tùy theo đề tài của bài học. Nói cách khác, người dạy cần phải biết uyển chuyển để áp dụng một cách hữu hiệu những phương pháp giảng dạy này.

Vì thời lượng hạn chế nên người dạy không thể quan sát và uốn nắn kỹ năng cho người học chỉ trong một tiết học; do đó, người học phải thực tập thêm qua bài tập ở nhà. Kinh nghiệm của người viết cho thấy bài tập ở nhà rất quan trọng và cần được người dạy chấm bài cẩn thận để thấy những lỗi học sinh phạm phải mà sửa đổi kịp thời. Nếu chỉ quan niệm hời hợt rằng bài tập ở nhà là để học sinh “trả nợ” và chấm qua loa, thì đã phản lại mục đích chính của việc đào luyện kỹ năng cho học sinh.

Kết luận

Đề xuất Giáo dục theo Nhóm Paideia, ngoài việc xác định cho rõ mục đích của giáo dục phổ thông là đào tạo mọi người dân trong nước trở thành những công dân có đạo đức và trách nhiệm đối với xã hội, độc lập về kinh tế, và độc lập về tư tưởng, còn đề nghị một chương trình tổng quát bao gồm những môn học cốt lõi thuộc ba lãnh vực ngôn ngữ, toán-khoa học, và nhân văn-xã hội; một chương trình hoàn toàn không có những môn nhiệm ý hoặc dạy nghề. Phương pháp giáo dục là điểm nổi bật của Đề xuất: giảng dạy, đào luyện kỹ năng, và khai triển sự hiểu biết. Người dạy áp dụng phương pháp tùy theo trình độ tuổi và cấp lớp của học sinh cho thích hợp.

Nước Mỹ cần phải cái cách giáo dục, Việt Nam cũng vậy; nhưng hai nước có những phương thức giải quyết khác nhau. Về giáo dục, Mỹ theo chế độ tản quyền, Việt Nam theo chế độ tập quyền. Mọi biện pháp cải cách của Mỹ phải được sự đồng ý và chấp thuận của tiểu bang, nên những chương trình cải tổ giáo dục phổ thông khó thực hiện được đồng bộ và nhất quán. Ngược lại tại Việt Nam, giáo dục nằm trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục-Đào tạo mà mọi ban ngành liên quan đến
giáo dục phải tuân theo chỉ thị của Bộ. Vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện của chính quyền, theo một tiến trình hợp lý.

Nông Duy Trường

© Học Viện Công Dân 2013

Tài liệu Tham khảo

Adler, M. (1982). The Paideia proposal: An educational manifesto. New York: Simon & Schuster.          

 


[1] Paideia (đọc là pai-DEE-a) là một thuật ngữ Hy-lạp có ngữ căn pais, hay paidos, có nghĩa là sự giáo dục một đứa trẻ (ngữ căn này được dùng trong pedagogy, tức là khoa sư phạm, và pediatrics-ngành nhi khoa). Hiểu theo nghĩa rộng, paideia tương đương với từ humanitas của tiếng Latinh. Humanitas (tạm dịch là nhân văn) là một chương trình giáo dục bao gồm trí dục, đức dục, và bổn phận công dân, được Cicero phát huy tại La-mã. Các nhà tư tưởng thuộc phái Khai Sáng cũng cổ xúy cho những chương trình giáo dục nhân văn: phát triển con người toàn diện.

[2] Trang nhà của Pearson tại http://thelearningcurve.pearson.com/the-report

[3] Theo Huffington Post: http://www.huffingtonpost.com/2012/11/27/best-education-in-the-wor_n_2199795.html

[4] Ravitch, D (2010). The Death and life of the great American school system. Philadelphia: Basic Books.

Các mô hình cải cách phương thức dạy tại Mỹ gồm có: hướng dẫn học sinh tự khám phá (inquiry-based, exploration), đặt trọng tâm vào người học (learner-centered), và toán học fuzzy (fuzzy math). Những phương thức này được áp dụng cho học sinh bậc tiểu học khiến cho học sinh bị “mất căn bản” và phí phạm thì giờ.

[5] Bốn đề xuất cải cách của GS Hoàng Tụy: http://giaoduc.net.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=60121

[6] Bốn trọng bệnh của nền giáo dục Việt Nam: http://giaoduc.net.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=60121

[7] Ravitch, tài liệu dẫn thượng.

[8] Hoàng Tụy, tài liệu dẫn thượng.

[9] Mortimer Adler (1902-2001) là một trong những nhà giáo dục và triết gia hàng đầu của Mỹ, tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học và giảng dạy tại Đại học Columbia, ông đặc biệt chú trọng vào những tác phẩm cổ điển vĩ đại (Great Books) của Tây phương. Adler đồng thời cũng là Chủ Biên của Bách khoa Đại Từ điển Britanica. Adler đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách giáo dục phổ thông (từ mẫu giáo tới lớp 12).

[10] Mortimer Adler, “Nghệ thuật Giảng dạy,” http://www.icevn.org/vi/node/1266

[11] Ravitch, tài liệu dẫn thượng.

[12] Mục tiêu của giáo dục phổ thông VN: “Điều 27 luật Giáo dục 2005 ghi: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,”  theo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130130/nhung-quyet-sach-thieu-thuyet-phuc-ky-3-nen-giao-duc-nang-ve-ung-thi.aspx.

Mục đích của giáo dục phổ thông tại VN so với đề nghị của Nhóm Paideia cũng tương tự như nhau và đầy tham vọng. Nhưng có lẽ sự khác biệt lớn nhất là phương pháp giảng dạy và chương trình vẫn còn bị quá tải khiến cho giáo viên phải “nhồi nhét” kiến thức vàođầu học sinh kẻo bị “cháy giáo án.”

[13] Trường học phổ thông tại Mỹ từ tiểu học đến trung học đều có những sinh hoạt như thế này. Hầu hết trung học tại Mỹ (từ lớp 9 đến lớp 12) đều có ban kịch và ban nhạc hòa tấu hay ca đoàn.

[14] Sĩ số học sinh tiểu học tại HCMC, niên khóa 2010-2011, ở ngưỡng 50-52/lớp (http://www.baomoi.com/Giao-duc-tieu-hoc-lai-doi-mat-qua-tai-si-so/59/4978733.epi). Sĩ số học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội , niên khóa 2012-2013 là 45/lớp (http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/581087/ha-noi-giam-si-so-trung-binh-o-moi-lop-cap-thpt). Học sinh tiểu học ở Texas, mẫu giáo đến lớp Tư, là 22/lớp, 2012-2013, (http://www.tea.state.tx.us/index2.aspx?id=2147502952). Học sinh trung học ở Texas là 28-30/lớp, niên khóa 2010-2011 (http://www.huffingtonpost.com/2011/08/23/texas-class-size-teachers-blame-rick-perry_n_934202.html)

[15] Theo Dân Trí: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-thuoc-nhom-nuoc-co-ty-le-chi-cho-giao-duc-cao-nhat-the-gioi-392976.htm

[16] Thông báo của White House về ngân sách 2013: http://www.whitehouse.gov/sites/default/files/omb/budget/fy2013/assets/education.pdf