fbpx

Những Bài Diễn Văn Kinh Điển

Viết Từ Ngục Birmingham

Martin Luther King

Lời Giới Thiệu: Đây là lá thư Mục sư Martin Luther King (MLK) viết từ nhà tù tại Birmingham để trả lời những mục sư da trắng trong Giáo hội Tin Lành về chủ trương và hành động “đấu tranh bất bạo động” cho dân quyền của người Da Đen tại Mỹ. Lá thư viết từ Ngục Birmingham có đầy đủ tính chất của một bài diễn văn tuyệt tác, dù MLK không trình bày bài diễn văn này trước công chúng.

*

Ngày 16 tháng Tư, năm 1963

Quý vị Mục sư thân mến,

Trong lúc này đây, khi tôi đang ngồi trong phòng giam của thành phố Birmingham, tôi đọc được bản tuyên bố gần đây nhất của quý vị cho rằng những hoạt động hiện nay của tôi là “thiếu khôn ngoan” và “không đúng lúc.” [Trong công việc hàng ngày,] rất ít khi tôi dừng lại để trả lời những lời chỉ trích về công việc tôi đang làm hay những ý tưởng của tôi. Nếu tôi mà trả lời tất cả những thư từ chỉ trích, thì có lẽ cô thư ký của tôi sẽ chẳng còn thì giờ làm việc gì khác ngoài việc đánh máy thư trả lời suốt ngày, và tôi cũng chẳng còn thì giờ để làm những công việc có tính cách xây dựng. Nhưng vì tôi cảm thấy rằng quý anh em là những người thực sự có thiện ý và những lời chỉ trích của anh em là những lời lẽ chân thành, tôi muốn trả lời thư của anh em bằng những lời lẽ chừng mực và có tình có lý.

Tôi nghĩ rằng tôi phải nêu lên lý do tại sao tôi lại có mặt ở Birmingham, vì quý anh em đã bị ảnh hưởng bởi cái quan điểm chống lại “những người ngoài xía vô.” Tôi được vinh dự làm chủ tịch của Hội đồng Lãnh đạo Giáo hạt miền Nam, một tổ chức hoạt động trên mọi tiểu bang miền Nam, có trụ sở trung ương tại thành phố Atlanta, bang Georgia. Chúng tôi có khoảng 85 các chi hội trải khắp miền Nam, và một trong những tổ chức này là Phong trào Cơ đốc Đòi Nhân quyền tại Alabama. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với các chi hội những phương tiện tài chánh, giáo dục, và cả nhân sự nữa. Cách đây vài tháng, chi hội Birmingham đã yêu cầu chúng tôi chuẩn bị tham gia vào một chương trình hành động trực tiếp bất-bạo động, nếu tình hình đòi hỏi. Chúng tôi đã sẵn lòng đồng ý tham gia, và khi thời điểm đến, thì chúng tôi thực hiện như đã hứa. Như vậy, tôi, và vài thành viên trong văn phòng của tôi tới đây, vì chúng tôi được mời tới đây. Tôi có mặt ở đây vì tôi có mối quan hệ về tổ chức với chi hội ở đây.

Nhưng căn bản hơn, tôi có mặt tại Birmingham bởi vì sự bất công đang diễn ra ở đây. Cũng giống như những nhà tiên tri vào thế kỷ thứ tám trước Thiên Chúa giáng sinh đã bỏ làng mạc của họ và mang theo lời tiên tri “Chúa đã phán rằng” để rao giảng ra ngoài biên giới quê hương của họ, và cũng giống như Thánh tông đồ Phao-lô đã rời bỏ làng Tarsus của mình để rao truyền phúc âm của Chúa Jesus tới tận cùng biên giới của thế giới Hy-La, tôi bị thôi thúc phải rao truyền phúc âm của tự do ra bên ngoài làng mạc của tôi. Cũng như Thánh Phao-lô, tôi phải luôn luôn đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của anh em ở Macedonia.

Hơn nữa, tôi biết rõ mối quan hệ hỗ tương giữa tất cả mọi cộng đồng và tiểu bang. Tôi không thể ngồi rỗi ở Atlanta và chẳng hề bận tâm gì đến những chuyện đang xảy ra tại Birmingham. Một sự bất công ở bất cứ nơi nào cũng là mối de dọa đến công lý ở mọi chốn. Chúng ta khi sinh ra đã bị mắc míu vào một mạng lưới hỗ tương không thể nào tránh được, bị dệt chung vào trong cùng một tấm vải của định mệnh. Bất cứ điều gì xảy đến trực tiếp cho một ai cũng đều có ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người. Trong thời đại này, chúng ta không thể sống với cái tư tưởng địa phương, hẹp hòi phân biệt “kẻ khuấy động bên ngoài” với người trong một xứ nữa. Bất cứ ai đang sống trong nước Mỹ không thể bị coi là kẻ lạ tại bất kỳ nơi nào nằm trong vòng biên giới của quốc gia.

Quý anh em chê trách cuộc biểu tình diễn ra tại Birmingham. Nhưng trong tuyên bố của anh em, tôi rất tiếc phải nói rằng, đã không thể hiện mối quan tâm một cách tương xứng với điều anh em chê trách; đó là những điều dẫn đến những cuộc biểu tình này. Tôi chắc chắn rằng không một ai trong anh em lại hài lòng với những phân tích xã hội hời hợt chỉ nhìn tới hậu quả mà không chú trọng đến những nguyên nhân cơ bản. Rất tiếc là đã có những cuộc biểu tình diễn ra ở Birmingham, nhưng điều đáng tiếc hơn là hệ thống chính quyền thành phố nằm trong tay những người Da trắng đã khiến cho cộng đồng Da đen không còn lựa chọn nào khác.

Trong bất kỳ một chiến dịch bất bạo động nào cũng có bốn bước: thứ nhất, thu thập dữ kiện nhằm xác định quả thật đang có những bất công; thứ hai, đàm phán; thứ ba, tự thanh tẩy; và cuối cùng, hành động trực tiếp. Chúng tôi đã tuần tự đi qua hết bốn bước vừa kể tại Birmingham. Một sự thật không thể chối cãi được là sự bất công chủng tộc đang bao trùm cộng đồng này. Birmingham có lẽ là một trong những vùng có sự tách biệt chủng tộc triệt để nhất tại Mỹ. Cái hồ sơ xấu xí về sự tàn bạo của Birmingham ai ai cũng biết. Những người Da đen đã chịu những sự đối xử cực kỳ bất công nơi tòa án. Rất nhiều vụ ném bom vào nhà và nhà thờ của dân Da đen mà không biết ai là thủ phạm đã xảy ra tại Birmingham nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trong nước. Đó là những sự thật tàn bạo và vững chắc của sự bất công [đang diễn ra tại đây]. Trên căn bản của những điều này, những nhà lãnh đạo Da đen đã tìm cách thương thuyết với các nhà lãnh đạo của thành phố. Nhưng họ đã một mực từ chối thương thảo với thành ý.

Thế rồi tháng Chín vừa rồi chúng tôi có cơ hội nói chuyện với những nhà lãnh đạo kinh tế của Birmingham. Trong quá trình đàm phán, những nhà buôn này đã hứa một số điều, thí dụ như là dẹp bỏ những tấm bảng có tính chất lăng mạ sắc tộc treo trước cửa tiệm của họ. Trước những hứa hẹn này, Mục sư Fred Shuttlesworth và các vị lãnh đạo Phong trào Cơ đốc Alabama Đòi Nhân quyền đã đồng ý ngưng tất cả những cuộc biểu tình. Nhưng những tuần và tháng trôi qua, chúng tôi mới thấy mình là nạn nhân của một sự bội ước. Một vài tấm bảng được tháo xuống trong chốc lát, rồi lại được treo lên. Những tấm bảng khác vẫn còn nằm nguyên trước cửa tiệm. Cũng giống như bao nhiêu kinh nghiệm trong quá khứ, niềm hy vọng của chúng tôi bị vỡ tan, và bóng tối của sự thất vọng sâu xa bao trùm lên tất cả mọi người. Chúng tôi không còn cách nào khác hơn là chuẩn bị cho những hành động trực tiếp, để qua đó, dùng chính thân xác chúng tôi làm phương tiện trình bày nguyện vọng của mình trước lương tâm của cộng đồng địa phương và lương tâm của cả nước. Biết trước những khó khăn chờ đợi, chúng tôi quyết định thực hiện một tiến trình tự thanh tẩy. Chúng tôi bắt đầu học tập về đấu tranh bất bạo động, và liên tục tự hỏi chính mình là “Tôi có sẵn sàng chịu sự đánh đập mà không phản ứng không?” “Tôi có sẵn sàng chấp nhận tù đầy chăng?” Chúng tôi quyết định chọn ngày cho chiến dịch hành động trực tiếp vào dịp Lễ Phục Sinh vì ngoài Lễ Giáng Sinh, đây là mùa lễ và dịp mua sắm lớn trong năm. Chúng tôi biết rằng chương trình hành động trực tiếp sẽ có ảnh hưởng phụ đến việc mua bán, cho nên đây là thời điểm tốt nhất để tạo áp lực lên những chủ tiệm nhằm đòi hỏi những đổi thay cần thiết.

Nhưng rồi chúng tôi biết được là sẽ có cuộc bầu cử thị trưởng Birmingham vào tháng Ba, thế là chúng tôi quyết định ngưng các hoạt động lại cho đến sau ngày bầu cử. Khi chúng tôi biết được Chủ tịch Ủy ban An ninh Công cộng, ông Eugene “Bull” Connor, có đủ số phiếu để vào vòng bầu cử kỳ hai, chúng tôi lại quyết định dừng các cuộc biểu tình cho đến sau kỳ bầu cử lần thứ hai để khỏi ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Cũng như nhiều người khác, chúng tôi chờ kết quả ông Connor bị thất cử, và chúng tôi đã phải đình hoãn hết lần này sang lần khác. Vì đã tham gia giúp đỡ cho nhu cầu của cộng đồng ở đây, chúng tôi cảm thấy rằng chiến dịch hành động trực tiếp không thể bị đình hoãn nữa.

Quý anh em sẽ hỏi rằng: “Tại sao lại hành động trực tiếp? Tại sao lại diễn hành, tại sao lại biểu tình ngồi lì tại chỗ, vân vân? Chẳng phải thương thảo là con đường tốt đẹp hơn chăng?” Các anh em rất có lý khi kêu gọi thương thuyết. Thực ra, đó chính là mục đích của hành động trực tiếp. Hành động trực tiếp bất bạo động là nhằm tạo ra một tình trạng căng thẳng và tạo ra một bước ngoặt khiến cho một cộng đồng đã từng liên tục từ chối thương thuyết phải đối phó và giải quyết vấn đề. Hành động trực tiếp nhằm gây ấn tượng và xúc động mạnh mẽ khiến vấn đề của chúng tôi không còn tiếp tục bị bỏ qua. Khi nói tạo căng thẳng là một mục tiêu của những người tranh đấu bất bạo động, tôi biết có một số anh em sẽ khó chịu. Nhưng tôi phải thú thật là tôi không e ngại gì hết khi dùng đến từ “căng thẳng.” Tôi đã từng nhiệt liệt chống lại sự căng thẳng của bạo động, nhưng cũng có một loại căng thẳng bất bạo động có tính chất xây dựng rất cần thiết cho sự trưởng thành. Điều này cũng giống như khi Socrates thấy rằng cần phải tạo ra sự căng thẳng trong tâm trí để người ta có thể vượt lên khỏi sự trói buộc của những điều hoang tưởng và những sự thật nửa vời hầu tiến tới một tâm tư được giải phóng bởi những phân tích sáng tạo và đánh giá khách quan. Vì thế chúng tôi thấy có nhu cầu tạo ra những khó chịu bất bạo động để tạo ra một sự căng thẳng trong xã hội hầu giúp cho ta vượt lên khỏi trũng tối tăm của thành kiến và kỳ thị chủng tộc để tiến tới được đỉnh vinh quang của cảm thông và tình huynh đệ. Mục đích của chiến dịch hành động trực tiếp là tạo ra một tình trạng chứa đầy tiềm năng gây ra khủng hoảng để rốt cuộc sẽ mở ra được cánh cửa thương thảo. Tôi nhất trí với lời kêu gọi thương thảo của anh em. Đã quá lâu rồi miền Nam thân yêu của chúng ta bị sa vào một vũng lầy thê thảm phải sống trong độc thoại chứ không được đối thoại.

Một trong những điểm căn bản trong bản tuyên bố của quý anh em là hành động mà tôi cùng những cộng sự viên của tôi đã làm tại Birmingham là không đúng lúc. Có người đã hỏi: “Tại sao các anh không để cho chính quyền mới của thành phố có đủ thì giờ để trả lời?” Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể đưa ra là cái chính quyền mới này cũng phải bị hối thúc liên tục như chính quyền tiền nhiệm, trước khi nó có một hành động nào đó. Chúng tôi đã lầm lẫn một cách tội nghiệp khi cảm thấy rằng sự đắc cử thị trưởng của ông Albert Boutwell sẽ mang lại một kỷ nguyên mới cho Birmingham. Dù ông Boutwell là một người được xem là hòa nhã hơn ông Connor nhiều, cả hai đều là những người theo chủ nghĩa phân cách [chủng tộc], cùng dùng hết sức mình để bảo vệ cho cái tình trạng phân chủng hiện nay. Tôi đã hy vọng là ông Boutwell sẽ là người biết điều để thấy được tính vô vọng của những nỗ lực, dù rất lớn lao, nhằm chống lại tiến trình xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Nhưng ông ấy sẽ không nhận thức được điều này nếu không có áp lực từ phía những người đấu tranh cho dân quyền. Thưa quý anh em, tôi phải thưa với quý anh em rằng chúng tôi chưa đạt được một thành quả đơn độc nào về dân quyền mà lại không sử dụng đến áp lực bất bạo động và những hành động pháp lý kiên quyết. Tiếc thay, có một sự thật lịch sử là những nhóm đặc quyền sẽ chẳng bao giờ tự ý từ bỏ những đặc quyền của họ. Những cá nhân có thể thấy được ánh sáng của đạo đức và tự nguyện từ bỏ địa vị bất công của họ, nhưng cũng như Reinhold Niebuhr đã từng nhắc nhở chúng ta, những nhóm người được hưởng đặc quyền lại thường tỏ ra vô lương hơn những cá nhân rất nhiều.

Chúng tôi đã biết qua những kinh nghiệm đau thương rằng tự do chẳng bao giờ được những kẻ đàn áp tự nguyện trao trả mà phải do những người bị đàn áp đòi hỏi. Thực ra, đối với những ai chưa từng bị đau khổ quá mức từ căn bệnh phân biệt chủng tộc, thì chưa bao giờ có một chiến dịch hành động trực tiếp nào mà tôi đã tham gia được xem là “đúng lúc” cả. Hàng bao nhiêu năm qua, tôi đã nghe lời kêu gọi “Đợi đã!” Lời kêu gọi này vang vọng trong tai của mỗi một người Da đen với âm thanh nhức nhối. Lời kêu gọi “Đợi đã” hầu như luôn luôn có nghĩa “Không bao giờ.” Chúng tôi phải đến, cùng với một trong những nhà luật học của chúng tôi, đến để thấy rằng “công lý bị đình hoãn quá lâu tức là công lý đã bị phủ nhận.”

Chúng tôi đã đợi để có cái quyền mà hiến pháp và Thượng Đế ban cho chúng tôi hơn 340 năm qua. Những nước Á và Phi châu đang nhanh chóng giành được độc lập chính trị với vận tốc phản lực, còn chúng tôi vẫn ì ạch bò với tốc độ của chiếc xe thổ mộ ngõ hầu có được một chỗ ngồi uống cà phê tại quầy bán cơm trưa. Có lẽ đối với những người chưa từng chịu những mũi tên nhức nhối của phân chủng thì rất dễ dàng cho họ thốt lên câu “Hãy đợi đã.” Nhưng khi quý anh em thấy cha mẹ của mình bị đám côn đồ ác ôn treo cổ bất cứ khi nào chúng thích; thấy anh chị em của mình bị chúng dìm chết dưới nước tùy theo hứng; thấy những cảnh sát viên lòng chứa đầy thù hận chủi bới, đánh đập và ngay cả giết những người anh em da đen của mình; thấy đa số trong số 20 triệu anh em da đen đang bị bóp nghẹt trong cái cũi nghèo khó ngột ngạt của một xã hội giàu có; thấy lưỡi mình líu lại không nói nên lời khi phải giải thích cho đứa con gái sáu tuổi của mình tại sao cháu không được vào khu giải trí công cộng đang được quảng cáo trên TV, và  nhìn thấy mắt lệ đoanh tròng của cháu khi biết là khu hội chợ không cho trẻ em da màu vào chơi, và thấy đám mây tự ti mặc cảm làm vẩn đục trí óc ngây thơ, rồi thấy cháu bóp méo nhân cách của mình vì trong vô thức đã trở nên thù hận và cay đắng đối với người da trắng; thấy mình phải bịa ra câu trả lời đứa con trai năm tuổi khi cháu hỏi, “Bố ơi, sao người da trắng đối với người da màu lại ác độc như thế?”; thấy mình phải ngủ lại qua đêm trên băng ghế chật hẹp trong xe trong những chuyến viễn hành vì không một quán trọ nào chịu chứa; thấy mình bị lăng nhục hết ngày này qua ngày khác bởi những tấm bảng “da trắng” và “da màu;” thấy mình bị gọi là “thằng mọi đen” họ “John” và vợ và mẹ của mình không bao giờ được gọi bằng “bà;” thấy mình bị xách nhiễu ngày đêm chỉ vì là người da đen, luôn luôn bất an vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra và bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi tự nội tâm và phẫn uất đối với hoàn cảnh bên ngoài; thấy mình luôn luôn phải chiến đấu với cảm giác mình chỉ là những kẻ thấp hèn, vô dụng–thì quý anh em mới hiểu được tại sao chúng tôi thấy khó mà chờ đợi thêm nữa. Sẽ có lúc khi chén chịu đựng đã đầy tràn và người ta không còn chịu được cảnh bị dìm vào đáy vực của tuyệt vọng. Tôi hy vọng, thưa quý anh em, rằng quý anh em thông cảm được sự thiếu kiên nhẫn hợp pháp và tất yếu phải xảy ra của chúng tôi.  Quý anh em đã tỏ ra rất lo âu khi thấy chúng tôi sẵn sàng vi phạm luật pháp. Đó là nỗi lo âu hợp lý. Vì chúng tôi cố gắng khuyên nhủ mọi người tuân theo phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1954[1] ngăn cấm sự phân cách chủng tộc trong học đường, thành thử bảo chúng tôi cố tình vi phạm luật pháp là một điều có vẻ mâu thuẫn. Quý anh có thể hỏi rằng: “Các anh làm thế nào để vừa kêu gọi vi phạm một số luật lệ này, vừa tuân theo một số luật khác?” Câu trả lời nằm trong một sự thật hiển nhiên là đã có hai loại luật pháp: công bằng và bất công. Tôi sẽ là người đầu tiên kêu gọi mọi người hãy tuân phục những điều luật công bằng. Và ngược lại, ta có trách nhiệm đạo đức để bất tuân những luật lệ bất công. Tôi đồng ý với Thánh Augustine khi cho rằng “một đạo luật bất công thì không phải là luật pháp.”

Thế thì đâu là sự khác nhau giữa hai đạo luật này? Ta làm thế nào để xác định thế nào là một luật lệ công bằng hay bất công? Luật pháp công chính là những quy phạm con người đặt ra mà phù hợp với quy luật đạo đức và luật của Thượng Đế. Luật pháp bất công là những điều không hòa hợp với quy luật đạo đức. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Thomas Aquinas: Luật pháp bất công là những luật do con người làm ra mà không xuất phát từ luật tự nhiên và luật của vĩnh cửu. Bất cứ luật lệ nào nâng cao nhân cách của con người là luật công chính. Bất cứ luật lệ nào làm mất phẩm giá của con người là luật pháp bất công. Tất cả những đạo luật về phân cách chủng tộc đều bất công vì phân cách chủng tộc làm biến dạng tâm hồn và hư hoại nhân cách. Những đạo luật đó tạo cho kẻ phân cách một cảm tưởng sai lầm là họ cao cả và những người bị phân cách một cảm giác sai lầm là họ thấp hèn. Sự phân cách chủng tộc, nói theo thuật ngữ của triết gia Do Thái Martin Buber, đã thay thế quan hệ “Tôi và Anh” bằng quan hệ “Ta và Nó,” và cuối cùng đưa đến sự thay thế nhân vị bằng vật vị. Như thế sự phân cách chủng tộc không những không chính đáng về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, nó còn là sự sai lầm mang tính đạo đức và là tội lỗi nữa. Paul Tillich[2] đã nói rằng tội lỗi chính là sự phân cách. Chẳng phải sự phân cách chủng tộc là sự thể hiện bi thảm của sự phân cách của con người, sự xa rời Thượng Đế, và là một tội lỗi kinh khủng của con người hay sao? Chính vì thế mà tôi kêu gọi mọi người hãy tuân theo phán quyết 1954 của Tối cao Pháp viện, vì đó là phán quyết đúng đắn về đạo lý, và tôi kêu gọi anh em hãy bất tuân những điều luật phân cách chủng tộc vì chúng là những điều sai trái về đạo lý.

Hãy xét một thí dụ cụ thể hơn về luật lệ công chính và bất công. Một đạo luật bất công là một đạo luật mà một nhóm đa số hay có quyền lực buộc một nhóm thiều số phải tuân theo nhưng chính mình thì lại không bị điều luật đó ràng buộc. Đó là sự khác nhau đã được hợp pháp hóa. Tương tự như thế, một đạo luật công chính là một đạo luật mà đa số buộc thiểu số phải tuân theo và đa số cũng sẵn lòng tuân theo đạo luật ấy. Đó là sự đồng nhất đã được hợp pháp hóa. Hãy xem một thí dụ nữa. Một đạo luật bất công là đạo luật gây thương tổn cho một thiểu số, khiến cho họ không có quyền bầu cử, và kết quả là không được dự phần vào việc làm luật và thi hành luật pháp. Ai dám bảo rằng cơ quan lập pháp của Alabama, cơ quan đã ban hành luật phân cách chủng tộc, là một cơ quan được bầu ra một cách dân chủ? Trong toàn tiểu bang Alabama đủ mọi mánh khóe đã được sử dụng để ngăn không cho người da đen ghi danh trở thành cử tri, và ngay cả ở một số quận mà người da đen chiếm đa số, không có được một cử tri người da đen. Ta có thể cho rằng những luật lệ được ban hành trong những tình trạng như vậy là dân chủ không?

Cũng có khi một đạo luật trên bề mặt thì công chính nhưng khi áp dụng thì bất công. Thí dụ, tôi đã bị bắt về tội đi biểu tình không có giấy phép. Không có điều gì sai trong việc đòi hỏi phải có giấy phép đi biểu tình hết. Nhưng một điều luật như vậy trở nên bất công khi nó được sử dụng để duy trì tình trạng phân chủng và để phủ nhận quyền được phản đối và hội họp ôn hòa của công dân, một quyền đã được Tu chính án thứ Nhất ghi nhận.

Tôi hy vọng quý anh em thấy được sự khác biệt tôi vừa nêu ra. Tôi chưa hề bao giờ cổ võ cho sự tránh né hay bất tuân luật pháp như những người chủ trương phân chủng điên cuồng đang cáo buộc. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Những ai muốn chống lại một đạo luật bất công phải công khai thực hiện với tấm lòng yêu thương và sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Tôi trịnh trọng thưa rằng bất cứ một cá nhân nào chống lại một đạo luật mà lương tâm cho là bất công, và sẵn sàng chấp nhận đi tù để đánh thức lương tâm của cả cộng đồng về sự bất công của đạo luật đó, thì người đó mới thực sự là người thể hiện tinh thần trọng pháp cao độ nhất.

Dĩ nhiên, dân sự bất phục tùng không phải là điều gì mới lạ. Một thí dụ hùng hồn là sự từ chối của ba anh em Shadrach, Meshach và Abednego khi họ không tuân theo luật lệ của vua Nebuchadnezzar,[3] vì làm như vậy là phạm vào một điều luật đạo đức cao hơn. Những con chiên của Chúa từ thưở xa xưa đã thực hiện những hành vi dân sự bất phục tùng một cách hiên ngang trước hàm sư tử và trước cọc xử trảm chứ không khuất phục trước những luật pháp bất công của Đế quốc La Mã. Ta có thể so sánh, sự tự do trong học thuật trở thành một thực thể hôm nay là bởi vì Socrates đã thực thi dân sự bất phục tùng. Trong đất nước của chúng ta, Nhóm Phản đối Thuế Trà ở Boston đại diện cho một hành vi dân sự bất phục tùng vĩ đại.[4]

Chúng ta cũng không bao giờ nên quên là mọi điều Hitler làm ở nước Đức đều “hợp pháp” và mọi điều những người Hung tranh đấu cho tự do đang thực hành tại Hungary đều bị xem là “bất hợp pháp.” Giúp đỡ và cưu mang một người Do Thái trong nước Đức của Hitler là “bất hợp pháp.” Dù vậy, tôi dám chắc rằng nếu tôi sống tại nước Đức vào thời đó, tôi cũng sẽ giúp đỡ và cưu mang những người anh em Do Thái. Nếu ngày hôm nay tôi sống trong một nước Cộng sản, nơi mà những nguyên tắc chính yếu, thiết thân đến đức tin Ky-tô bị đàn áp, thì tôi cũng sẽ công khai kêu gọi bất phục tùng những đạo luật phi tôn giáo của nước đó.

Tôi có hai điều phải thú thật với quý anh em tín hữu và Do thái. Trước hết, tôi phải thú nhận rằng trong vài năm qua tôi đã thất vọng cực độ với những người Da trắng ôn hòa. Có lúc gần như tôi đã phải đi đến một kết luận đáng tiếc là vật chướng ngại lớn nhất trên bước đường tiến tới tự do của người Da đen không phải là Ủy ban Công dân Da trắng hay nhóm Ku Klux Klan, mà chính là những người da trắng ôn hòa, những người quan tâm nhiều đến “trật tự” hơn là công lý; những người đó thích sự yên ổn tiêu cực hơn, một sự yên ổn trong đó không có những căng thẳng của một sự yên ổn tích cực tức là có sự hiện hữu của công lý; những người đó luôn nói rằng: “Tôi đồng ý với mục đích của các anh, nhưng không đồng ý với phương thức hành động trực tiếp;” những người đó là những người có thái độ “kẻ cả” nghĩ rằng họ có thể sắp đặt thời biểu ban phát tự do cho người khác; những người đó sống trong một khái niệm thời gian hoang tưởng và luôn luôn khuyên nhủ người Da đen hãy đợi “một lúc nào thuận tiện hơn.” Sự hiểu biết nông cạn của những người có thiện tâm còn làm cho ta uất ức hơn là sự hiểu lầm tuyệt đối của những người có ác ý. Sự chấp nhận hời hợt còn gây hoang mang nhiều hơn là sự cự tuyệt thẳng thừng.

Tôi đã hy vọng là những người da trắng ôn hòa hiểu rằng mục đích của luật pháp và trật tự là để tạo ra công lý và khi thất bại trong mục đích này, thì luật pháp và trật tự lại trở thành một con đê nguy hiểm ngăn chặn dòng tiến hóa của xã hội. Tôi đã hy vọng những người da trắng ôn hòa hiểu rằng sự căng thẳng hiện nay tại miền Nam là một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết từ một sự bình an tiêu cực và xấu xa, một sự bình an mà những người Da đen đành chấp nhận số phận bất công của họ, sang một sự bình an tích cực và có thực, một sự bình an mà nhân cách và phẩm giá của mọi người đều được tôn trọng. Thực sự mà nói, chúng tôi, những người tham gia đấu tranh bất bạo động không phải là những người tạo ra căng thẳng. Chúng tôi chỉ phơi bầy ra cho mọi người thấy một sự căng thẳng đang bị che dấu. Chúng tôi phơi bày sự căng thẳng này ra ánh sáng để mọi người cùng thấy và phải cùng giải quyết. Giống như một mụt nhọt sẽ không bao giờ được chữa lành nếu ta cứ giấu giếm nó mà phải được phơi bày ra với đầy đủ những ung thối của nó để được liều thuốc thiên nhiên là ánh sáng và không khí chữa lành, sự bất công cũng phải được phơi bày ra trước ánh sáng của lương tâm con người và không khí của công luận, dù sự phơi bày này có tạo ra rất nhiều căng thẳng, trước khi căn bệnh này được chữa lành.

Trong lời tuyên bố, quý anh đã xác quyết rằng hành động của chúng tôi, dù mang tính chất hòa bình, cũng phải bị lên án vì những hành động đó sẽ dẫn đến bạo động. Nhưng sự xác quyết này có hợp lý không? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án người bị cướp vì tiền bạc của anh ta dẫn đến hành vi xấu xa của kẻ cướp? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án Socrates vì sự kiên định trên đường tìm chân lý và những thắc mắc triết học của ông dẫn đến hành động mù quáng của đám đông khi bắt ông phải uống thuốc độc? Chẳng phải lý luận này cũng giống như lên án Jesus vì thiên tính của Người và sự hiến thân không ngừng nghỉ để phụng sự ý chỉ Thiên Chúa của Người lại dẫn đến kết quả bị đóng đinh trên thập giá? Chúng ta phải thấy rằng, như toà án liên bang đã liên tục khẳng định, đó là một điều sai trái khi ép buộc một người ngừng nỗ lực đòi hỏi những quyền hiến định căn bản của mình chỉ vì sự đòi hỏi này sẽ dẫn đến bạo động. Xã hội phải bảo vệ nạn nhân và trừng trị kẻ cướp.

Tôi đã hy vọng rằng những người da trắng ôn hòa sẽ từ khước thẳng thừng cái huyền thoại cho rằng sự đấu tranh cho tự do phải đợi đúng thời điểm. Tôi nhận được một lá thư từ một người anh em da trắng ở Texas. Lá thư viết như thế này: “Tất cả Ky-tô hữu biết rằng những người da màu rồi ra sẽ nhận được quyền bình đẳng, nhưng có lẽ anh đã quá hấp tấp trong đức tin. Thiên Chúa giáo đã phải mất gần hai ngàn năm mới đạt đến trình độ ngày hôm nay. Những điều đức Jesus dạy không đến với trần gian này trong một sớm một chiều.” Thái độ của người anh em này phát xuất từ một sự ngộ nhận về thời gian, từ một ý niệm phi lý một cách lạ lùng là trong dòng chảy của thời gian, rốt cuộc sẽ có một điều gì đó chữa lành mọi tật bệnh. Thực ra, thời gian tự nó không thiên về đâu hết; nó có thể được dùng để xây dựng hay phá hoại. Càng ngày tôi càng cảm thấy rằng những người có ác ý sử dụng ý niệm thời gian một cách hữu hiệu hơn những người có thiện tâm. Ta phải thay đổi thế hệ này không phải chỉ vì những lời lẽ hận thù hay vì hành động của những người xấu, nhưng vì sự im lặng đáng kinh ngạc của những người tốt. Sự tiến bộ của con người chưa bao giờ lăn trên bánh xe tất yếu của lịch sử mà trên những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người sẵn lòng trở thành những người thợ đồng lao với Thiên Chúa, và nếu không có những nỗ lực này, thì thời gian, chính nó sẽ trở thành đồng minh của những lực cản xã hội. Ta phải sử dụng thời giờ một cách sáng tạo, với ý thức rằng làm việc phải thì luôn luôn đúng lúc. Bây giờ là lúc để thể hiện lời hứa của dân chủ và chuyển hóa khúc bi ca của quốc gia chúng ta thành khúc thi thiên của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc phải vực dậy cái chính sách của quốc gia chúng ta ra khỏi vũng lầy của bất công chủng tộc và đặt nó lên trên hòn đá tảng của phẩm giá của con người.

Quý anh em cho rằng hoạt động của chúng tôi ở Birmingham là cực đoan. Trước hết phải nói là tôi khá thất vọng khi thấy có những anh em tu sĩ cho là những nỗ lực bất bạo động của tôi là những hoạt động của một kẻ cực đoan. [Điều này khiến tôi] phải suy nghĩ về một sự kiện là tôi đang đứng ở giữa hai lực đối nghịch trong cộng đồng người da đen. Một bên là sự tự mãn, một phần tạo nên bởi những người da đen mà sau những năm dài bị đàn áp đã bị “xuất huyết” hết lòng tự trọng và ý thức nhân vị của mình và đã tự điều chỉnh để sống với sự phân cách chủng tộc; một phần khác tạo nên bởi những người da đen trung lưu, những người nhờ vào học vị và có sự bảo đảm về kinh tế, và một cách nào đó thủ lợi nhờ sự phân chủng, đã trở nên dửng dưng trước những vấn nạn của đa số người da đen. Bên kia là lực của lòng thù hận và cay đắng đã dâng lên gần đến mức nguy hiểm của bạo động. Nguồn lực này được thể hiện qua những nhóm quốc gia da đen đang mọc lên trên khắp nước. Nhóm lớn nhất và nhiều người biết đến nhất là Phong trào Hồi giáo Elijah Muhamad.

Tôi đã cố gắng đứng giữa hai thế lực đối nghịch đó, và nói với hai phe rằng chúng ta không cần bắt chước thái độ “vô cảm” của những kẻ tự mãn hay sự thù hận và tuyệt vọng của thành phần quốc gia da đen quá  khích. Bởi vì có một phương cách tuyệt hảo hơn, phương cách của lòng yêu thương và phản đối bất bạo động. Tôi cảm tạ ơn Chúa, vì nhờ ảnh hưởng của Giáo hội Da đen mà con đường bất bạo động đã trở thành bộ phận chính yếu trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Nếu triết lý này không nổi bật lên thành tư tưởng chủ đạo, thì cho đến giờ này, tôi tin rằng máu đã đổ ra trên rất nhiều những con đường ở miền Nam. Và tôi cũng tin rằng, nếu những người anh em da trắng tiếp tục xem chúng tôi, những người áp dụng những hành động trực tiếp bất bạo động, là những kẻ “gây rối” và từ khước yểm trợ những nỗ lực bất bạo động của chúng tôi, thì hàng triệu người da đen sẽ, vì tuyệt vọng hoặc bực tức, tìm kiếm sự yên ủi và an ninh từ những tư tưởng quốc gia da đen quá khích. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một cơn ác mộng chủng tộc thật là khủng khiếp.

Những người bị đàn áp không thể mãi mãi chịu đàn áp. Sự khao khát tự do cuối cùng rồi cũng sẽ tự thể hiện, và đó là những gì đang xảy ra cho người Mỹ Da đen. Đã có một điều gì đó trong thâm tâm nhắc cho họ nhớ về quyền được hưởng tự do từ thuở lọt lòng, và một điều gì đó ngoài xã hội nhắc cho họ nhớ rằng đó là quyền mà họ có thể thủ đắc được. Dù do ý thức hay vô thức, người Mỹ Da đen đã chịu ảnh hưởng của trào lưu tự do hiện đại, và cùng với những người anh em da đen từ Phi châu, anh em da vàng, da nâu từ Á châu, Nam Mỹ châu, và vùng biển Caribbê, đang mạnh mẽ tiến bước về vùng đất hứa của công bằng chủng tộc. Nếu ta nhận ra được sự thôi thúc đòi hỏi tự do mang tính chất sinh tử này, một sự thôi thúc đang bao trùm lấy cộng đồng Da đen, thì ta sẽ hiểu được tại sao lại có những cuộc biểu tình đang diễn ra trên đường phố. Người Da đen đã có những sự bất mãn bị dồn nén cùng với những nỗi thất vọng tiềm tàng từ lâu đời, và họ phải tìm cách giải tỏa những uất ức này. Cho nên, xin hãy để cho người da đen tuần hành; hãy để cho người da đen đi hành hương đến tòa thị chính; hãy để cho người da đen tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến tự do, và xin hãy hiểu cho tại sao họ phải làm như vậy. Nếu những thôi thúc tình cảm bị dồn nén đó không được giải tỏa qua những phương cách bất bạo động, họ sẽ tìm cách giải tỏa bằng bạo động. Đây không phải là điều đe dọa mà là một sự thật của lịch sử. Vì thế, tôi đã không bảo những người anh em của tôi là “hãy dẹp bỏ những điều anh em bất mãn.” Thay vào đó, tôi đã cố gắng thuyết phục rằng sự bất mãn bình thường và lành mạnh này có thể được chuyển dòng qua những lối thoát đầy sáng tạo của những hành động trực tiếp bất bạo động. Và bây giờ phương cách này lại bị “chụp mũ” là quá khích. Nhưng mặc dù lúc đầu tôi có thất vọng vì bị coi là kẻ quá khích, nhưng khi tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này, dần dà tôi cũng có đôi phần thỏa mãn vì bị chụp mũ quá khích. Chẳng phải đức Jesus là đấng có lòng yêu thương quá khích hay sao: “Hãy yêu kẻ thù của các con, chúc phước cho những kẻ chửi bới các con, làm những điều lành cho kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ xấu xa đã lợi dụng và bách hại các con.” Chẳng phải Amos[5] là người có lòng công chính quá khích hay sao: “Hãy để cho sự công bình như nước chảy xuôi và sự chính trực như suối nguồn trôi chảy mãi.” Chẳng phải tông đồ Paul là kẻ giao truyền phúc âm quá khích hay sao: “Tôi mang trên thể thân thể tôi dấu ấn của Chúa Jesus.” Chẳng phải Martin Luther là kẻ quá khích: “Tôi đứng ở nơi đây. Tôi không thể làm khác được. Xin Chúa hãy giúp đỡ tôi.” Và John Bunyan: “Tôi sẽ ở tù cho đến ngày tôi chết trước khi tôi tôi phải bán đứng lương tâm.” Và Abraham Lincoln: “Đất nước này không thể tồn tại với một nửa dân chúng tự do và một nửa nô lệ.” Và Thomas Jefferson: “Chúng tôi công nhận đây là những sự thật hiển nhiên, rằng người ta sinh ra được bình đẳng…” Do đó, câu hỏi được đặt lại là liệu chúng tôi có trở thành những kẻ cực đoan hay không mà là sẽ trở thành những kẻ cực đoan loại nào. Liệu chúng tôi sẽ trở thành những kẻ cực đoan vì thù hận hay vì tình yêu thương? Cực đoan để duy trì sự bất công hay để mở rộng công lý? Trong quang cảnh bi thảm trên đồi Calvary có ba người bị đóng đinh trên thập giá. Chúng ta không được quên rằng cả ba bị đóng đinh vì phạm cùng một tội–tội quá khích. Hai tên cướp là những kẻ quá khích vì phi đạo đức, do đó, bị rơi xuống vũng bùn tội lỗi. Còn đấng Jesus, kẻ quá khích vì tình yêu thương, chân lý, và điều thiện, nên đã vượt lên khỏi thân phận của mình. Có lẽ miền Nam của chúng ta, quốc gia của chúng ta, và cả thế giới đang cần có những kẻ quá khích đầy sáng tạo.

Tôi đã hy vọng rằng những người da trắng ôn hòa nhận thức được nhu cầu này. Có lẽ tôi hơi quá lạc quan; có lẽ tôi mong mỏi quá nhiều. Lẽ ra, tôi phải nhận thức được là trong sắc dân cai trị chỉ có một vài người có thể hiểu được tiếng rên xiết sâu thẳm và lòng khao khát tự do nhiệt thành của sắc dân bị trị, và có lẽ còn ít người hơn nữa có được viễn kiến để thấy rằng chỉ có hành động quả quyết, kiên trì và mạnh mẽ mới nhổ bật được sự bất công đã bám rễ sâu xa. Tuy nhiên, tôi xin cám ơn là đã có những anh em da trắng ở miền Nam hiểu được ý nghĩa và dấn thân vào cuộc cách mạng xã hội này. Tuy số lượng những anh em này còn ít ỏi, nhưng họ là những người ưu tú. Một số, thí dụ như Ralph McGill, Lillian Smith, Harry Golden, James McBride Dabbs, Ann Braden và Sarah Patton Boyle đã diễn tả cuộc đấu tranh của chúng tôi bằng những lời lẽ hùng hồn và thuyết phục. Những người khác đã cùng bước với chúng tôi trên những con đường không tên của miền Nam. Họ cũng đã bị giam cầm trong những nhà tù bẩn thỉu, đầy chuột bọ, chịu đựng sự hành hạ về thể xác cũng như tinh thần của những viên cảnh sát xem họ là bọn dơ bẩn đi “thương những người da đen.” Không giống những anh chị em ôn hòa khác, những người này nhận thức được tính chất khẩn cấp của phong trào và cảm nhận được nhu cầu phải có một “hành động” mạnh mẽ mới có thể giải độc được căn bệnh phân chủng. Tôi cũng muốn nói về một sự thất vọng lớn lao khác. Tôi cực kỳ thất vọng về giáo hội da trắng và thành phần lãnh đạo của giáo hội. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ đáng ghi nhận. Tôi không thể không ghi nhận sự kiện là mỗi anh em đã có một lập trường rõ ràng về vấn đề này. Tôi xin tuyên dương Mục sư Stalling về lập trường Cơ-đốc-nhân của ngài trong ngày Lễ Chủ nhật vừa qua đã mở rộng cửa nhà thờ đón nhận người da đen vào dự lễ mà hoàn toàn không có sự phân biệt chủng tộc. Tôi xin tuyên dương những linh mục lãnh đạo Công giáo tại tiểu bang này đã hủy bỏ chính sách phân chủng tại Đại học Spring Hill trong những năm trước đây.

Nhưng, dù đã có những ngoại lệ đáng ca ngợi như vậy, tôi phải thành thực nhắc lại rằng tôi đã từng thất vọng vì thái độ của giáo hội da trắng. Tôi không nói điều này như những lời chỉ trích tiêu cực mà người ta vẫn thường dùng để tấn công giáo hội. Tôi nói điều này trong cương vị một mục sư của phúc âm, của một người yêu quý giáo hội, một người đã được giáo hội cưu mang, một người đã giữ vững được tinh thần nhờ vào ân phước được ban và sẽ tiếp tục giữ vững niềm tin chừng nào mà cuống nhau còn được kéo dài.

Khi tôi bất ngờ bị đưa đẩy vào vai trò lãnh đạo cuộc biểu tình tẩy chay xe buýt tại Montgomery, Alabama, vài năm trước đây, tôi cảm thấy rằng chúng tôi sẽ được giáo hội da trắng ủng hộ. Tôi cảm thấy rằng những mục sư Tin lành hay Do thái giáo da trắng của miền Nam sẽ là những đồng minh mạnh mẽ nhất của chúng tôi. Nhưng thay vì vậy, một số đã trở thành những người phản đối kịch liệt, không chịu thông cảm với phong trào tự do và đã xuyên tạc thành phần lãnh đạo của phong trào. Còn rất nhiều những vị khác đã chọn thái độ cẩn trọng hơn là dũng cảm và họ đã im lặng hầu giữ cho cái lương tâm đã tê cứng của họ được yên ổn đằng sau những tấm cửa kính màu của nhà thờ.

Dù những giấc mơ của tôi đã bị tan vỡ, tôi đã đến Birmingham với hy vọng rằng hàng giáo phẩm da trắng tại địa phương này thấy được chính nghĩa của chúng tôi và, với một mối quan tâm đạo đức sâu xa, sẽ là một ống dẫn để chuyển những ta thán chính đáng của chúng tôi tới trung tâm quyền lực. Tôi đã hy vọng rằng mỗi một anh em sẽ thông cảm cho chúng tôi. Nhưng một lần nữa tôi lại bị thất vọng.

Tôi đã nghe nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo miền Nam buộc những tín đồ của họ phải tuân theo quyết định chấm dứt phân chủng bởi vì đó là luật, nhưng tôi rất muốn nghe những mục sư da trắng tuyên bố rằng: “Hãy tuân theo quyết định này vì hợp nhất chủng tộc là một điều đúng đắn về đạo lý và bởi vì người da đen là những người anh em của chúng ta.” Giữa những bất công trắng trợn mà người da đen phải chịu đựng, tôi đã thấy những tín đồ da trắng đứng bên lề và tuôn ra những lời đạo đức suông và vô giá trị. Giữa cuộc đấu tranh mãnh liệt để tẩy rửa sự bất công về chủng tộc và kinh tế của quốc gia chúng ta, mà đã có những mục sư nói rằng: “Đó là những vấn đề xã hội, không có liên quan gì đến phúc âm.” Và tôi cũng đã thấy có nhiều giáo phái đi theo một thứ tôn giáo nào đó phân biệt một cách lạ kỳ giữa thể xác với linh hồn, giữa thế tục và linh thiêng.

Tôi đã đi khắp cùng tiểu bang Alabama, Mississippi và tất cả những tiểu bang miền Nam. Trong những ngày hè cháy bỏng và những sáng mùa thu lạnh giá, tôi đã thấy những nhà thờ đẹp đẽ với những tháp nhọn chĩa thẳng lên trời. Tôi đã chiêm ngưỡng vẻ nguy nga của những tòa chủng viện hùng vĩ. Và tôi luôn luôn tự hỏi rằng: “Những người đi thờ phượng nơi đây là ai? Ai là Thượng đế của họ? Tiếng nói của họ ở đâu khi Thống đốc Barnett[6] đưa ra những lời phản đối và tuyên bố luật liên bang vô hiệu lực? Họ ở đâu khi Thống đốc Wallace[7] công khai kêu gọi bất tuân luật liên bang và cổ võ thù hận? Tiếng nói ủng hộ của họ ở đâu khi những người Da đen bị bầm dập và mỏi mệt đã quyết định đứng lên từ những ngục thất tối tăm của tự mãn để tiến tới những ngọn đồi sáng chói của sự phản kháng đầy sáng tạo?”

Vâng, những câu hỏi này vẫn còn đầy ắp trong tâm trí tôi. Trong nỗi thất vọng sâu xa tôi đã khóc vì tình trạng lơ là của giáo hội. Nhưng quý anh em phải tin rằng những giọt nước mắt của tôi là nước mắt của tình yêu. Không thể có niềm thất vọng sâu xa nếu không có được tình yêu sâu thẳm. Vâng, tôi yêu thương giáo hội. Vì làm sao mà tôi có thể làm khác đi được? Tôi ở trong một tình trạng khá là độc đáo, là con, cháu, chắt của những vị mục sư. Vâng, tôi xem giáo hội như chính là Thân thể Chúa Jesus. Nhưng, than ôi! Vì sao nhãng những bổn phận xã hội và e sợ bị mang tiếng là không tuân theo giáo luật, chúng ta đã làm cho mình thánh Chúa bị ô uế và mang đầy thương tích.

Đã có một thời giáo hội rất là mạnh mẽ–thời của những Cơ đốc nhân đầu tiên hoan hỉ khi được công nhận là xứng đáng để chịu đựng những đau đớn vì đức tin của họ. Trong những ngày đó, giáo hội không phải chỉ là cái nhiệt kế để đo xem tư tưởng hay nguyên lý nào được quần chúng ủng hộ mà là cái điều-nhiệt-kế làm thay đổi cả luân lý của xã hội. Khi những Cơ đốc nhân đầu tiên đến một thành phố nào, thì những kẻ cầm quyền cảm thấy bị quấy rầy và lập tức tìm cách kết tội họ là những kẻ “phá rối trật tự” và là những “kẻ xui giục đến từ bên ngoài.” Nhưng những Cơ đốc nhân này vẫn tiến bước, với một niềm tin họ là “con dân của thiên đàng,” chỉ nghe theo mệnh lệnh của Chúa chứ không phải của con người. Số người thì ít ỏi, nhưng quyết tâm của họ thì vĩ đại. Họ đã quá say Chúa đến nỗi chỉ có những sự đe dọa long trời lở đất mới làm cho họ chùn bước. Qua những nỗ lực và những hành động  cho người khác noi theo, họ đã chấm dứt được những điều ác của thời cổ như giết trẻ con và sát nhân trong những giác đấu trường. Tinh thần đó nay đã đổi thay. Giáo hội thời hiện đại quá yếu đuối chỉ cất lên được những tiếng nói yếu ớt và run rẩy. Và đã quá nhiều lần giáo hội đã trở thành tác nhân triệt để bảo vệ cho tình trạng xã hội hiện nay. Thay vì khó chịu vì thái độ hiện tại của giáo hội, cơ chế quyền lực trong những cộng đồng lại được sự im lặng của giáo hội biểu đồng tình, và khi lên tiếng, thì lại để công nhận giữ nguyên tình trạng xã hội.

Nhưng Chúa sẽ phán xét giáo hội một cách nghiêm khắc mà chúng ta chưa từng thấy. Nếu giáo hội ngày nay mà không tìm lại được tinh thần hy sinh của những hội thánh tiên khởi, thì giáo hội sẽ đánh mất đi bản chất thật của mình, sẽ làm mất đi sự trung tín của hàng triệu tín đồ, và sẽ bị đào thải như một hội đoàn và chẳng còn ý nghĩa gì trong thế kỷ 20 nữa. Ngày nào tôi cũng gặp những thanh niên mà sự thất vọng với giáo hội đã biến thành sự ghê tởm.

Có lẽ tôi lại trở nên quá lạc quan thêm một lần nữa. Có phải những tôn giáo có hệ thống tổ chức đã quá bị ràng buộc với nguyên trạng xã hội để có thể cứu rỗi đất nước chúng ta và thế giới không? Có lẽ tôi phải quay đức tin của mình về giáo hội linh thiêng trong nội tâm, một giáo hội ở trong giáo hội, để tìm một nhà thờ và hy vọng đích thực cho thế giới. Nhưng một lần nữa tôi lại cảm tạ Chúa vì đã có những tâm hồn cao nhã từ bỏ hàng ngũ của tôn giáo có tổ chức, phá bỏ xích xiềng của sự quy phục đã làm người ta tê liệt để gia nhập hàng ngũ với chúng tôi và trở thành những thành viên tích cực tranh đấu cho tự do. Họ đã từ bỏ sự an toàn của hội thánh của họ và cùng bước trên đường phố tại Albany, Georgia, với chúng tôi. Họ đã đi trên những xa lộ miền Nam trên những chuyến xe gập ghềnh để tranh đấu cho tự do. Vâng, họ đã cùng vào tù với chúng tôi. Một số mục sư đã bị khai trừ khỏi hội thánh của họ, mất sự ủng hộ của những giám mục và mục sư đồng nhiệm. Nhưng họ đã hành động trong đức tin rằng làm điều phải mà thất bại thì vẫn còn mạnh mẽ hơn sự chiến thắng của cái ác. Sự làm chứng của họ đã là những hạt muối tâm linh để duy trì ý nghĩa đích thực của phúc âm trong thời đại gian truân này. Họ đã đào một con đường hầm hy vọng xuyên qua ngọn núi tối tăm của tuyệt vọng. Tôi hy vọng toàn thể giáo hội sẽ cùng nhau đương đầu với sự thử thách trong giờ phút quyết định. Nhưng nếu giáo hội không đến góp tay vào giúp đỡ cho công lý, tôi vẫn không tuyệt vọng về tương lai. Tôi không e ngại gì hết về kết quả của cuộc tranh đấu của chúng tôi tại Birmingham, dù cho ngay bây giờ chính nghĩa của chúng tôi đang bị hiểu lầm. Chúng tôi sẽ đạt được mục đích tự do tại Birmingham và trên toàn quốc, bởi vì mục đích của nước Mỹ là tự do. Dù cho bây giờ chúng tôi đang bị bạc đãi và khinh bỉ, định mệnh của chúng tôi gắn liền với định mệnh của Hoa Kỳ. Trước khi những người di dân đặt chân lên Plymouth, chúng tôi đã có mặt ở đây. Trước khi ngòi bút của Jefferson viết lên những dòng chữ oai nghiêm trong Tuyên Ngôn Độc Lập, những dòng chữ đã in hằn trên những trang lịch sử, chúng tôi đã ở đây. Hơn hai thế kỷ, ông cha chúng tôi đã làm lụng vất vả không lương trên đất nước này; họ đã tạo nên những ông vua bông vải; họ đã xây nhà cho chủ nhân của họ trong khi chịu đựng sự bất công và lăng mạ khủng khiếp. Nhưng dưới đáy thẳm của sự sống họ tiếp tục phấn đấu và phát triển. Nếu sự tàn bạo không bút mực nào tả xiết được của sự nô lệ đã không thể làm chúng tôi dừng bước, thì những chống đối chúng tôi đang phải đối diện ngày hôm nay cũng sẽ thất bại. Chúng tôi sẽ giành được tự do bởi vì di sản thiêng liêng của quốc gia chúng ta và ý chỉ trường tồn của Thượng đế đã được thể hiện trong những tiếng đòi hỏi đang vang vọng của chúng tôi.

Trước khi kết thúc, tôi buộc phải nhắc tới một điều trong bản thông báo của quý anh, một điều khiến cho tôi phải bứt rứt không nguôi. Quý anh nồng nhiệt ca ngợi cảnh sát ở Birmingham về những hành vi “giữ gìn trật tự” và “ngăn cản bạo động” xảy ra. Tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không còn nồng nhiệt ca ngợi nữa nếu quý anh thấy tận mắt họ để cho chó ngoạm hàm răng sắc lẻm vào da thịt những người tay không, bất bạo động Da đen. Tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh mục kích cách đối xử vô nhân đạo và tàn tệ đối với người Da đen ngay tại trong nhà ngục này; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát, nếu quý anh thấy họ xô đẩy và chửi rủa những phụ nữ và bé gái Da đen; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh thấy họ đánh đập những thanh thiếu niên Da đen; tôi nghĩ rằng quý anh sẽ không vội vã khen ngợi cảnh sát nếu quý anh thấy họ không cho chúng tôi thức ăn chỉ vì chúng tôi cùng nhau cầu nguyện tạ ơn. Tôi không thể cùng với quý anh ca ngợi lực lượng cảnh sát tại Birmingham được.

Tôi cũng phải công nhận là lực lượng cảnh sát đã tỏ ra là có kỷ luật khi đối phó với những  người biểu tình. Nghĩa là họ đã tỏ ra cho công chúng thấy những hành vi của họ có thể được coi là “phi bạo lực.” Nhưng làm như vậy để làm gì? Để duy trì một hệ thống phân chủng ác độc. Trong những năm vừa qua tôi đã kiên trì rao giảng rằng những phương thức đấu tranh bất bạo động cũng phải trong sạch như những mục đích mà ta đòi hỏi. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sử dụng những phương tiện vô luân cho những cứu cánh đạo đức là sai lầm. Nhưng bây giờ tôi cần phải nhấn mạnh một điều nữa là sử dụng những phương tiện đạo đức để duy trì những mục đích vô luân lại còn là những điều sai lầm hơn nữa. Có lẽ ông Connor và những cảnh sát viên của ông ta đã không dùng tới phương tiện ‘bạo lực” nơi công cộng, cũng giống như Cảnh sát trưởng Pritchett ở Albany, Georgia, nhưng họ đã sử dụng những phương tiện đạo đức phi-bạo lực chỉ để nhằm duy trì cái cứu cánh phi luân của bất công sắc tộc. Như thi sĩ T. S. Eliot đã từng nói: “Điều cám dỗ cuối cùng là sự phản bội ghê gớm nhất: làm một việc đúng vì một lý lẽ sai.”

Tôi ước gì quý anh em đã ca ngợi sự can đảm đáng kính của những người Da đen biểu tình và ngồi lì tại Birmingham, sự sẵn lòng chịu đau khổ và tinh thần kỷ luật chưa từng thấy khi bị bao vây và khiêu khích. Một ngày kia, miền Nam sẽ công nhận ai là những anh hùng thực sự của họ. Đó sẽ là những anh em gia đình James Meredith, những người mà ý thức cao nhã về mục đích của họ đã giúp họ đối diện với những lời chế nhạo của một đám đông thù nghịch, và chấp nhận nỗi cô đơn thống khổ của những người đi tiên phong. Đó sẽ là những người đàn bà Da đen già yếu, bị đàn áp tả tơi, điển hình là một người đàn bà bảy mươi hai tuổi ở Montgomery, Alabama, người đã đứng lên vì nhân phẩm và đã cùng với đồng bào của bà tẩy chay những chuyến xe buýt phân chủng, và cũng là người đã trả lời câu hỏi về sự mệt nhọc của bà một cách thâm thúy như sau: “Đôi chân tôi mệt mỏi, nhưng tâm hồn tôi được yên nghỉ.” Đó sẽ là những học sinh và sinh viên đại học, những mục sư trẻ và cha anh của họ, những người đã can đảm và ngồi yên bất động tại những quầy ăn trưa và sẵn lòng đi tù vì tiếng nói của lương tâm. Một ngày kia miền nam sẽ biết rằng khi những người con bị tước quyền thừa kế của Chúa ngồi xuống quầy ăn trưa, thực ra là họ đang đứng lên đòi hỏi phần tốt đẹp nhất của ước mơ Hoa Kỳ và những giá trị thiêng liêng nhất của di sản Cơ đốc, và qua hành động đó đưa cả dân tộc tộc trở về với giếng nước dân chủ vĩ đại đã được những nhà quốc phụ khơi nguồn qua bản Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc lập.

Tôi chưa bao giờ viết một lá thư dài như thế này. Tôi sợ nó dài quá làm mất thì giờ quý báu của quý anh em. Tôi có thể đoan chắc với quý anh em là lá thư này sẽ ngắn hơn nhiều nếu tôi được ngồi viết thoải mái trên bàn, nhưng tôi có thể làm được gì hơn, khi phải ở một mình trong phòng giam chật hẹp, là viết những lá thư dài, nghĩ những điều cao xa và gửi lên chúa những lời cầu nguyện. Nếu trong lá thư này tôi đã nói những điều quá sự thực và tỏ ra thiếu kiên nhẫn một cách không hợp lý, tôi xin quý anh em tha thứ cho tôi. Nếu tôi đã nói bớt đi về sự thực và nói những điều tỏ ra là tôi không chấp nhận giải quyết vấn đề trong tình huynh đệ, tôi xin Chúa tha tội cho tôi.

Tôi hy vọng lá thư này đến với quý anh em trong đức tin. Tôi cũng hy vọng là hoàn cảnh sẽ thay đổi để cho tôi có thể gặp mặt quý anh em, không phải trong cương vị một người đấu tranh cho sự hợp chủng hay một nhà lãnh đạo dân quyền, mà là trong cương vị một mục sư đồng nghiệp và là một người anh em trong Chúa. Xin chúng ta hãy cùng hy vọng là những đám mây đen của kỳ thị chủng tộc sẽ chóng bay đi và lớp sương mù dày đặc của sự hiểu lầm sẽ không còn che khuất những cộng đồng đang chìm trong sợ hãi của chúng ta, và trong một tương lai không xa, những ngôi sao rực rỡ của tình yêu thương và huynh đệ sẽ chiếu sáng trên quê hương vĩ đại của chúng ta với muôn ngàn vẻ đẹp lung linh.

Trong Tình Huynh đệ và chính nghĩa Hòa bình, nay kính,

Martin Luther King, Jr.

—-

© Học Viện Công Dân 2011

Nguồn: http://www.africa.upenn.edu/Articles_Gen/Letter_Birmingham.html

 

[1] Phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1954 trong vụ án do Oliver Brown kiện Học khu Topeka, bang Kansas về sự phân chủng trong học đường tại Topeka là vi hiến (Brown v. Board of Education, 1954).

[2] Nhà thần học người Mỹ gốc Đức (1886-1965) có ảnh hưởng sâu xa đến hệ thống thần học của đạo Tin Lành.

[3] Trong Kinh thánh của Do Thái, sách Daniel chép rằng Vua Nebuchadnezzar ra lệnh mọi người phải quỳ lạy bức tượng của vua khi có nhạc tấu lên. Hình phạt cho tội bất tuân là bị nướng cho đến chết. Ba anh em Shadrach, Meshach và Abednego không tuân theo lệnh này vì quỳ lạy thần tượng là phạm vào điều răn của Thiên Chúa.

[4] Tea Party

[5] Amos là một trong số tiên tri trong Kinh thánh Cựu Ước.

[6] Ross Barnett là thống đốc tiểu bang Mississippi (1960-1964).

[7] George Wallace là thống đốc của Alabama (1963-1967).