fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Ý nghĩa Đích thực của Lòng Yêu Nước

Có nghĩa là hiểu biết, sống, và giảng dạy về tự do

Lawrence W. Reed

Lòng yêu nước ngày nay giống như lễ Giáng Sinh, nhiều người bị cuốn vào một không khí lễ hội tràn đầy ánh sáng và những màn trình diễn. Chúng ta nghe những lời nhắc nhở về “ý nghĩa thực sự” của lễ Giáng sinh và chúng ta thậm chí có thể lầm bầm một vài từ đầy tội lỗi về những cái đang tác động tới chúng ta, nhưng mỗi người chúng ta lại tốn nhiều thời giờ và bận tâm về tiệc tùng, tặng quà, và những vật dụng linh tinh khác của một ngày lễ đang bị trần tục hóa hơn là suy nghĩ một cách sâu sắc về ý nghĩa thật sự của nó.

Lòng yêu nước thì cũng thế, nhất là vào ngày Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) vào tháng Năm, ngày Quốc Kỳ[1] vào tháng Sáu, và ngày lễ Độc lập vào tháng Bảy. Hãy đi xuống Đại lộ America và hỏi từng công dân xem lòng yêu nước có nghĩa là gì, trừ một vài câu ngoại lệ, bạn sẽ nhận được một mớ những câu trả lời đầy tự mãn nhưng hời hợt và thường là sai trầm trọng. Nếu nhìn thấy chúng ta như hiện nay thì những Nhà Lập Quốc của Hoa Kỳ, những người nam và nữ đã cho chúng ta lý do trở thành người yêu nước từ thuở ban đầu, sẽ nghĩ rằng chúng ta đã lạc đường.

Kể từ cuộc tấn công bỉ ổi ngày 11 tháng 9 năm 2001, người Mỹ, hầu như nhất trí với nhau là cảm nhận “thấy” mình yêu nước. Đối với phần lớn dân chúng, thật là buồn thay, vì họ cho rằng cảm giác đó đủ biến người ta thành một người yêu nước chính cống. Nhưng nếu tôi đúng, thì đã đến lúc để người Mỹ phải đi học bổ túc trở lại về thế nào là ái quốc.

Lòng yêu nước không phải là tình yêu đối với đất nước nếu bạn coi “đất nước” có nghĩa là những cánh đồng lúa chín vàng, những dãy núi uy nghi màu tía và những thứ tương tự. Hầu như nước nào cũng có những dãy núi đá, những cảnh sông nước đẹp đẽ, cùng những thứ [hoa màu] để con người trồng trọt làm lương thực. Nếu lòng yêu nước chỉ có thế, thì người Mỹ có rất ít thứ tuyệt đẹp mà chúng ta có thể cho đó là thứ tình yêu độc nhất hay riêng biệt. Và chắc chắn, lòng yêu nước không thể nào có nghĩa là hy sinh mạng sống con người chỉ vì một dòng sông hay một dãy núi nào đó.

Lòng yêu nước không phải là niềm tin mù quáng vào những điều mà các nhà lãnh đạo của chúng ta làm hay nói với chúng ta. Điều đó chỉ là thay thế một vài khái niệm cao thượng bằng những hành động vô ý thức mang tính phô trương như những bước chân cứng ngắc đang đi duyệt binh. Lòng yêu nước không đơn giản là đi bầu cử. Bạn cần phải biết nhiều hơn nữa điều gì thúc đẩy cử tri trước khi đánh giá lòng yêu nước của anh ta. Anh ta có thể bỏ phiếu bởi vì anh ta chỉ muốn được hưởng điều gì đó nhờ sự ngu ngơ của kẻ khác. Có lẽ anh ta cũng chẳng quan tâm lắm về việc chính khách mà anh ta chọn có được lá phiếu từ đâu. Xin nhớ sự khôn ngoan của Tiến sĩ Johnson khi ông nói: “Lòng yêu nước là nơi trú ẩn cuối cùng của một tên vô lại.”

Phất cờ có thể là một dấu hiệu bên ngoài của lòng yêu nước, nhưng hãy đừng làm giảm giá trị từ “yêu nước” đến mức cho rằng nó cũng chẳng hơn gì một dấu hiệu. Và mặc dù khái niệm đó luôn phù hợp để thương tiếc những người đã mất mạng sống đơn giản chỉ vì họ cư trú trên đất Mỹ, thì điều đó cũng không được định nghĩa là lòng yêu nước.

Dân chúng ở mọi quốc gia và trong mọi thời đại đã bày tỏ cảm xúc về điều gì đó mà chúng ta thản nhiên gọi là “lòng yêu nước,” nhưng điều đó đưa đến một câu hỏi. Lòng yêu nước là gì vậy? Nó có thể trở nên quá rẻ rúng và vô nghĩa đến nỗi một vài cử chỉ và cảm xúc cũng khiến cho bạn trở thành yêu nước hay sao?

Không có trong cuốn sách của tôi

Tôi chấp nhận quan điểm lòng yêu nước bắt nguồn từ những tư tưởng và những tư tưởng này tạo ra một quốc gia; chính vì những tư tưởng này và khi nghĩ về chúng mà tôi cảm thấy yêu nước. Tôi là một người Mỹ yêu nước bởi vì tôi kính trọng những tư tưởng đã thôi thúc những Nhà Lập Quốc và, trong nhiều trường hợp, đã buộc họ đánh cược cuộc sống, vận may, và danh dự thiêng liêng của mình.

Đó là những ý tưởng gì vậy? Hãy đọc Tuyên ngôn Độc lập lần nữa. Hoặc, nếu bạn giống như hầu hết người Mỹ hiện nay, hãy đọc bản tuyên bố đó tối thiểu lần đầu tiên. Tất cả nằm ở trong đó cả đấy. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được Đấng Tạo hóa, chứ không phải chính quyền, ban tặng những quyền bất khả chuyển nhượng. Đứng đầu trong những quyền đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính quyền phải bị giới hạn trong việc bảo vệ hòa bình và gìn giữ các quyền tự do của chúng ta, và hành vi của chính quyền phải được sự đồng ý của người dân. Đó là quyền của một dân tộc tự do để dẹp bỏ đi cái chính quyền đã huỷ hoại những mục đích chính của chính quyền, như những Nhà Lập Quốc của chúng ta đã thực hiện qua một hành động cao cả của dũng khí và thách thức [nước Anh] từ hơn hai trăm năm trước.

Gọi điều đó là sự tự do. Gọi điều đó là quyền tự do. Gọi điều đó là bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng đó là nền tảng trên đó quốc gia này được thành lập và chúng ta sẽ gặp nguy hiểm nếu đi ra khỏi nền tảng này; Đó là những điều xác định chúng ta là người Mỹ. Đó là những gì hầu hết những người từng sống trên hành tinh này đã khao khát được hưởng. Nó làm cho cuộc đời này đáng sống, có nghĩa là quyền tự do ấy đáng cho chúng ta chiến đấu để giành lấy và hy sinh mạng sống để gìn giữ.

Khái niệm kiểu Mỹ

Tôi biết rằng khái niệm về lòng yêu nước này là một khái niệm kiểu Mỹ. Nhưng tôi không biết làm thế nào để trở nên yêu nước đối với Uganda hay Paraguay. Tôi hy vọng người Uganda và người Paraguay có lý tưởng cao cả mà họ ca tụng khi họ cảm thấy yêu nước, nhưng họ có lý tưởng hay không lại là một câu hỏi bạn phải hỏi họ mới biết được. Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết lòng yêu nước có nghĩa là gì đối với tôi, một người Mỹ.

Tôi hiểu rằng nước Mỹ từ trước tới nay thường không hiểu hết những tư tưởng cao siêu được bày tỏ trong bản Tuyên ngôn. Điều đó không hề làm tôi bớt tôn trọng những tư tưởng đó, cũng chẳng làm lu mờ niềm hy vọng trong tôi rằng những thế hệ tương lai của người Mỹ sẽ tìm lại được nguồn hứng khởi từ những tư tưởng này.

Thực ra, loại chủ nghĩa yêu nước này giúp tôi vượt qua được những thời khắc cam go nhất và hoài nghi nhất. Lòng yêu nước của tôi không bao giờ bị ảnh hưởng bởi thất bại của bất kỳ một chính trị gia nào, hoặc bởi bất kỳ khuyết điểm trong chính sách nào đó của chính phủ, hoặc bởi bất kỳ sự suy thoái nào trong nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán. Tôi chưa bao giờ ngưng cảm giác “phấn khởi” khi nhìn thấy lá Quốc kỳ phất phới bay trong gió, cho dù những thế hệ hôm nay đã hiểu sai ý nghĩa nguyên thủy của những ngôi sao và đường kẻ [trên quốc kỳ] như thế nào. Không có kết quả bầu cử nào, dù tệ đến đâu, làm cho tôi giảm đi nhiệt tình dành cho những lý tưởng mà những Nhà Lập quốc đã viết nên năm 1776. Thật vậy, với nhiều kinh nghiệm của cuộc sống, với tôi, sự thông thái mà những vĩ nhân như Jefferson và Madison ban tặng cho chúng ta trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi được tiếp thêm lửa như chưa từng có để giúp người khác đánh giá đúng những điều tương tự.

Trong một chuyến viếng thăm gần đây tại vùng đất của tổ tiên tôi tại Scotland, tôi tình cờ bắt gặp một vài dòng chữ rất cổ xưa khiến tôi dừng lại. Mặc dù những dòng chữ đó xuất hiện trước bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta 456 năm, [ở một nơi] cách xa Hoa Kỳ ba ngàn dặm, tôi khó có thể nghĩ được có điều nào viết ra ở đây [mà có thể] làm dấy lên mạnh mẽ hơn nữa trong tôi lòng yêu nước tôi đã định nghĩa ở trên. Năm 1320, trong một lần cố gắng giải thích lý do tại sao tổ tiên tôi đã trải qua trận chiến đẫm máu, vào 30 năm trước, để trục xuất người Anh xâm lược, những nhà lãnh đạo Scotland đã kết thúc Tuyên ngôn Độc lập của Arbroath với dòng chữ này: “Chúng ta chiến đấu không phải vì danh dự hay vinh quang hay sự giàu có mà chỉ vì tự do, không có người tốt nào chịu từ bỏ tự do, trừ phi phải chết.”

Tự do — hiểu biết về nó, sống với nó, dạy về nó, và hỗ trợ những người đang giáo dục người khác về các nguyên tắc của nó. Điều đó, hỡi những đồng bào Mỹ của tôi, mới là ý nghĩa của lòng yêu nước với mỗi người chúng ta hôm nay.

Michelle Phạm chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Feb 2016

Lawrence W. (“Larry”) Reed trở thành chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (FEE) vào năm 2008 sau khi ông giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tổ chức này vào thập niên 1990, ông còn là tác giả của những bài viết và diễn văn cho Tổ chức Giáo dục Kinh tế từ cuối thập niên 1970.

Nguồn: http://fee.org/resources/the-true-meaning-of-patriotism/

 

[1] Ngày Quốc Kỳ (Flag Day) kỷ niệm ngày Quốc Kỳ Mỹ được quốc hội thứ hai biểu quyết chấp thuận năm 1777.