Ngày 19 tháng 4, 1951
LGT: Đây là một trong những bài diễn văn nổi tiếng của Thống tướng (năm sao) lục quân của Mỹ, người đã chấp nhận lời đầu hàng của Nhật khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt tại Á châu và là Tư lệnh Tối cao quân Đồng minh cai quản Nhật Bản. Ông cũng là tư lệnh quân LHQ trong chiến tranh Triều tiên 1950-1953. Những nhận định của MacArthur về vị trí và vai trò của Trung Hoa tại Thái Bình Dương 67 năm trước đây vẫn còn đúng cho đến ngày nay. Trung Hoa lục địa đã ngang nhiên vạch ra đường biên giới 9 đoạn bất chấp công pháp quốc tế về luật biển (UNCLOS) và lấn chiếm vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như xây cất những hòn đảo nhân tạo trên biển đông. Sự rút lui của Mỹ khỏi biển Đông năm 1973 chính là cơ hội cho sự bành trướng của Trung Hoa cộng sản xuống vùng biển phía nam của Trung Hoa.
***
Thưa Chủ tịch Thượng viện, thưa Chủ tịch Hạ viện, và các vị dân cử đáng kính của Quốc hội:
Tôi đứng trên diễn đàn này với một sự khiêm tốn sâu xa và một sự hãnh diện lớn lao—khiêm tốn vì đây là nơi những nhà kiến trúc sư của đất nước Hoa Kỳ đã đứng; hãnh diện vì ngẫm nghĩ rằng nơi đây là diễn đàn của sự tranh luận lập pháp tiêu biểu cho sự tự do của con người trong tình trạng thuần khiết nhất đã được [các vị tiền bối] tạo nên. Nơi đây là nơi tập trung những niềm hy vọng và khát vọng và niềm tin của toàn thể loài người. Tôi không đứng ở đây để ủng hộ cho bất kỳ chính nghĩa của đảng phái nào, vì những vấn đề [mà tôi sẽ trình bày] rất là cơ bản và vượt quá lãnh vực của đảng phái. Những vấn đề này phải được giải quyết trên tầng cao nhất của quyền lợi quốc gia nếu hướng đi của chúng ta được chứng minh là đúng đắn và tương lai của chúng ta được bảo vệ. Do đó, tôi tin rằng quý vị sẽ chịu khó nghe những điều tôi nói như là sự biểu hiện quan điểm đã được suy nghĩ thấu đáo của một người dân Mỹ.
Tôi thưa chuyện với quý vị, không hiềm thù hay cay đắng trong ánh sáng nhá nhem đang tàn lụi của cuộc đời, mà chỉ với một mục đích trong tâm tư: phục vụ tổ quốc của tôi.[1] Những vấn đề này có tính cách toàn cầu và quá gắn liền với nhau đến nỗi [nếu ta] chỉ chú trọng chúng trong một lãnh vực mà quên chúng trong những lãnh vực khác, là rước lấy thảm hoạ cho toàn thể. Mặc dù Á châu vẫn thường được gọi là Cửa ngõ qua Âu châu, thì ngược lại Âu châu cũng là Cửa ngõ qua Á châu, và sự ảnh hưởng rộng lớn xảy ra bên này không thể không ảnh hưởng đến bên kia. Có những người cho rằng chúng ta không đủ sức để bảo vệ cả hai mặt trận, rằng ta không thể chia nỗ lực của ta làm hai. Tôi không thể nghĩ được một cách nói nào để diễn tả chủ nghĩa chủ bại này. Nếu một [đối thủ] có tiềm năng trở thành kẻ thù và kẻ thù này có thể chia hai lực lượng của họ, thì ta phải phản công nỗ lực của họ. Mối đe doạ của chủ nghĩa Cộng sản là mối đe doạ toàn cầu. Khi họ thành công trong một sự tiến công trên một lãnh vực, thì nó sẽ đe doạ đến sự huỷ diệt mọi lãnh vực khác. Ta không thể nhân nhượng hay đầu hàng chủ nghĩa Cộng sản ở Á châu mà không cùng một lúc làm suy giảm những nỗ lực chặn đứng sự tiến công của cộng sản ở Âu châu.
Ngoài việc nêu ra sự thật hiển nhiên tổng quát này, tôi sẽ tiếp tục thảo luận đến những lãnh vực tổng quát khác của Á châu. Trước khi ta có thể đánh giá một cách khách quan tình hình đang hiện hữu tại đó, ta phải hiểu đôi điều về quá khứ của Á châu và những thay đổi mang tính chất cách mạng đã đánh dấu hướng đi của Á châu cho đến ngày hôm nay. Đã từ lâu châu Á bị cái gọi là quyền lực thực dân bóc lột, và chẳng có chút cơ hội nào để đạt được một chút công bằng xã hội, nhân phẩm cá nhân, hoặc tiêu chuẩn sống cao hơn như những tiêu chuẩn cao cả mà chúng ta đã làm tại Philipines, những người dân ở châu Á tìm thấy cơ hội trong chiến tranh vừa qua để quăng đi gông cùm của chủ nghĩa thực dân và bây giờ họ thấy bình minh của cơ hội mới, một nhân phẩm mà từ trước cho tới nay mới nhận được, và sự tự trọng về tự do chính trị.
Với dân số bằng nửa dân số thế giới, và 60 phần trăm của tài nguyên thiên nhiên, những dân tộc này đang nhanh chóng củng cố một thế lực mới, cả về đạo đức lẫn vật chất, để nâng tiêu chuẩn sống và dựng lên những sự mô phỏng về khuôn mẫu tiến bộ hiện đại cho những môi trướng văn hóa khác biệt. Dù ta có đồng ý với khái niệm thực dân hay không, đây là hướng tiến của Á châu, và họ không thể bị chận đứng. Đó là hệ luận của sự chuyển đổi những biên giới kinh tế thế giới khi cả trung tâm của những sự vụ của thế giới quay trở lại lãnh vực từ nơi bắt đầu.
Trong tình trạng này, [vấn đề] trở thành sinh tử cho đất nước chúng ta để định hướng những chính sách của mình cho hoà hợp với điều kiện tiến hoá căn bản này hơn là cứ nhắm mắt trước thực tế là thời đại thực dân đã đi vào dĩ vãng và người dân Á châu thèm muốn có cái quyền định hình định mệnh tự do của họ. Điều mà họ tìm kiếm là sự hướng dẫn thân thiện, thông cảm, và yểm trợ—chứ không phải thái độ hống hách—với tư cách bình đẳng chứ không phải sự xấu hổ vì bị khuất phục. Tiêu chuẩn sống của họ trước chiến tranh đã thấp một cách đáng thương, bây giờ còn vạn lần thấp hơn vì bị sự tàn phá của chiến tranh. Những ý thức hệ trên thế giới chỉ có vai trò nhỏ trong sự suy nghĩ của Á châu. Điều mà người dân tại Á châu muốn vươn tới là cơ hội để tìm thêm thực phẩm cho những cái bụng đói của họ, quần áo tốt hơn một chút mặc trên người, một mái nhà vững chắc hơn để che mưa nắng, và hiện thực hoá khát vọng quốc gia bình thường là có được tự do chính trị. Những điều kiện kinh tế-chính trị này chỉ có ảnh hưởng gián tiếp tới sự an ninh quốc gia của chúng ta, nhưng nó tạo thành bối cảnh cho sự hoạch định kế hoạch hiện tại, những kế hoạch mà ta phải suy nghĩ thận trọng nếu muốn tránh những lỗi lầm của chủ nghĩa phi-hiện thực.
Vấn đề gần gũi và trực tiếp hơn [có ảnh hưởng] đến sự an ninh quốc gia của ta là những thay đổi mang tầm vóc chiến lược đã diễn ra ở Thái bình dương trong trận chiến vừa qua. Trước đó biên giới chiến lược phía tây của Hoa Kỳ nằm ở ven duyên hải của các nước Mỹ châu, với một hòn đảo nổi lên, kéo dài qua Hawaii, Midway, và Guam tới Philippines. Hòn đảo đó đã được chứng minh rằng nó chẳng phải là một tiền đồn của sức mạnh mà là con ngõ của sự yếu đuối, qua đó kẻ thù có thể và đã tấn công.
Thái bình dương (TBD) là một vùng có tiềm năng để cho bất cứ lực lượng nào có tà tâm tấn công vào đất liền. Tất cả những điều này đã thay đổi nhờ sự chiến thắng của chúng ta tại Thái bình dương. Biên giới chiến lược của ta đã chuyển sang toàn bộ TBD, cũng giống như một cái hào mênh mông để bảo vệ chúng ta khi nào ta còn giữ khu vực này. Thực ra, TBD đóng vai trò như tấm khiên bảo vệ cho tất cả những nước Mỹ châu và tất cả những vùng đất tự do trong khu vực TBD. Chúng ta kiểm soát vùng này cho đến bờ biển của Á châu bằng một chuỗi những hòn đảo kéo dài từ vòng cung Aleutians tới Mariannas do ta hay những đồng minh tự do kiểm soát. Từ chuỗi những hòn đảo này ta có thể khống chế, bằng không lực hay hải lực, mọi hải cảng ở Á châu từ Vladivostok tới Singapore và ngăn chận bất cứ động thái thù địch tại TBD.
Bất cứ một cuộc tấn công có tính chất chiếm đóng xuất phát từ Á châu phải là một nỗ lực thuỷ-bộ. Không có một lực lượng thuỷ-bộ nào có thể thành công được nếu không kiểm soát được hải đạo và không phận trên những tuyến đường tiến công. Với ưu thế về hải quân và không quân và những bộ phận quân đội vừa phải trên đất liền để bảo vệ những căn cứ, bất kỳ cuộc tấn công chủ yếu nào xuất phát từ lục địa Á châu nhằm vào chúng ta hay bạn hữu của chúng ta ở TBD sẽ đón nhận sự thất bại.
Dưới những điều kiện như vậy, TBD không còn là con đường đe doạ cho những kẻ xâm lấn trong tương lai. Thay vào đó, ta phải nghĩ đến khía cạnh thân thiện của TBD trở thành một cái hồ hoà bình. Tuyến phòng thủ của ta là tuyến phòng thủ thiên nhiên và có thể được duy trì bằng những nỗ lực quân sự và chi phí tối thiểu. Tuyến phòng thủ này không nhằm tấn công bất cứ ai, hay tạo ra những đồn luỹ thiết yếu cho những cuộc tấn công, nhưng khi được duy trì đúng đắn, sẽ trở thành những nơi phòng thủ vô địch chống lại sự xâm lược. Giữ vững tuyến phòng thủ duyên hải ở phía tây TBD tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc giữ vững tất cả những thành phần ở đó; bất kỳ một sự rạn nứt lớn lao nào do thế lực bất thân thiện gây ra trên phòng tuyến này cũng sẽ làm cho phòng tuyến bị tổn thương trước những sự cố ý tấn công vào những phần tử chính yếu khác.
Đây là một ước tính quân sự mà tôi chưa tìm được một người lãnh đạo quân sự nào mà lại không chấp nhận ước tính này. Vì lý do đó, tôi đã khẩn thiết đề nghị trong quá khứ, vì đó là một vấn đề quân sự khẩn thiết, là dưới bất cứ điều kiện nào cũng không để Đài Loan[2] lọt vào sự kiểm soát của cộng sản. Một kết quả như thế sẽ ngay lập tức đe doạ đến sự tự do của Philippines và sự mất mát của Nhật Bản và có thể sẽ đẩy biên giới phía tây của ta trở về lại California, Oregon và Wahington.[3]
Để hiểu được những thay đổi đang xảy ra tại Trung Hoa lục địa, ta phải hiểu những thay đổi về đặc tính và văn hoá Trung Hoa trong 50 năm vừa qua. Trung Hoa, cho tới 50 năm trước đây, hoàn toàn là môt quốc gia không thuần nhất, bị chia thành nhiều nhóm chống phá lẫn nhau. Cái khuynh hướng gây ra chiến tranh hầu như không hiện hữu, vì họ vẫn còn theo những nguyên tắc của lý tưởng của Khổng Tử: một văn hoá hoà bình. Khi bắt đầu vào thế kỷ 20, dưới chế độ của Trương Tác Lâm,[4] những nỗ lực tiến tới một xã hội thuần nhất hơn đã dẫn đến sự khao khát chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa này được phát triển thành công hơn dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, nhưng dưới chế độ hiện hữu thì trở nên thành công hơn tới mức đã trở thành một chủ nghĩa quốc gia thống nhất càng lúc càng có khuynh hướng thống trị và hung hăng.
Trong 50 năm vừa qua, người Trung Hoa, do đó đã bắt đầu quân sự hoá những khái niệm trong lý tưởng của họ. Họ đã huấn luyện những binh sĩ tuyệt hảo, cùng với bộ tham mưu và những vị tư lệnh có năng lực. Điều này đã tạo ra một lực lượng mới thống trị ở châu Á, mà, cùng với những mục tiêu của chính họ, là đồng minh cùa Liên-xô nhưng theo kiểu riêng theo những khái niệm và phương pháp của họ và đã trở thành [lực lượng] mang tính chất đế quốc và hung hãn, cùng với sự khao khát bành trướng và gia tăng quyền lực thông thường tới mức trở thành đế quốc.
Trong đời sống của dân Trung Hoa khái niệm đế quốc này hầu như không có ảnh hưởng gì mấy. Tiêu chuẩn sống quá thấp và sự tích luỹ tư bản đã bị chiến tranh làm tiêu tan khiến cho đám đông quần chúng bị tuyệt vọng và sẵn lòng đi theo bất cứ một sự lãnh đạo nào mà có vẻ hứa hẹn làm giảm bớt cho họ sự khó khăn tại địa phương.
Từ ban đầu tôi đã tin rằng sự ủng hộ của Trung Hoa cộng sản cho Bắc Hàn là sự ủng hộ mang tính chất lấn át. Những quyền lợi của họ, hiện nay, song song với những quyền lợi của Xô-viết. Nhưng tôi tin rằng thái độ hung hăng Trung Hoa vừa thể hiện không phải chỉ ở Bắc Hàn mà còn ở vùng Đông Nam Á và Tây Tạng và có tiềm năng hướng về phía nam. Thái độ này chủ yếu phản ảnh cùng một sự thèm khát bành trướng quyền lực, một sự khao khát đã làm cho mọi kẻ muốn đi chinh phục phấn khởi từ thuở sơ khai.
Người Nhật, kể từ khi chiến tranh [chấm dứt], đã trải qua một sự cải cách vĩ đại trong lịch sử hiện đại. Với ý chí đáng khen ngợi, sự say mê học hỏi, và khả năng thấu hiểu thật rõ rệt, họ đã, từ đống tro tàn của chiến tranh còn sót lại, đã dựng nên một công trình nguy nga dành cho sự tối cao của tự do và nhân phẩm cá nhân; và trong tiến trình sau đó đã xây dựng lên một chính quyền thực sự là đại biểu của người dân với quyết tâm xiển dương đạo đức chính trị, tự do kinh tế, và công bằng xã hội.
Về phương diện chính trị, kinh tế, và xã hội Nhật Bản ngày nay sánh vai cùng nhiều nước tự do trên thế giới và sẽ không làm phụ niềm tin cùa thế giới. Sự kiện ta có thể tính Nhật là một nước đáng tin để sử dụng ảnh hưởng có ích lợi sâu xa của họ trên tiến trình những biến cố ở Á châu là một điều đã được chứng thực bởi tích cách cao thượng, qua đó người Nhật đã đối phó với những thử thách của chiến tranh, bất ổn, và sự rối loạn bao quanh họ từ bên ngoài và kiềm chế được chủ nghĩa cộng sản trong nước mà không lúc nào quên lãng, dù chỉ một ít, tiến trình hướng về tương lai. Tôi đã gửi bốn sư đoàn đang chiếm đóng Nhật Bản sang mặt trận Triều Tiên mà chẳng có một chút băn khoăn nào về tình trạng có khoảng trống quyền lực tại Nhật. Những kết quả cho thấy niềm tin của tôi là chính đáng. Tôi không biết có nước nào trầm tĩnh, trật tự, và siêng năng hơn nước Nhật, hay có những niềm hy vọng cao hơn nhằm xây dựng những dịch vụ tương lai có tính cách xây dựng cho sự tiến bộ của loài người.
Đối với Philippines,[5] vùng lãnh thổ của ta trước đây, ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng tình trạng bất ổn hiện tại sẽ được chỉnh đốn và một quốc gia mạnh mẽ, khoẻ mạnh sẽ phát triển sau những sự tàn phá của chiến tranh. Chúng ta phải kiên nhẫn, thông cảm và đừng làm họ thất vọng—vì trong lúc chúng ta cần đến họ, họ đã không làm ta thất vọng. Là một nước theo đạo Ki-tô, Phillipines đứng như một bức tường thành của Thiên Chúa giáo ở Viễn Đông và khă năng của nước này đạt được sự lãnh đạo đạo đức cao ở Á châu là vô giới hạn.
Về Đài Loan, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã có cơ hội để bác bỏ bằng hành động phần lớn những điều thêu dệt có ác ý nhằm làm suy giảm sức mạnh của thành phần lãnh đạo đối với Trung Hoa lục địa. Người dân Đài Loan đang sống dưới một chính phủ công bình và khai minh với sự đại diện của đa số trong những cơ quan chính quyền, và họ đang tiến lên về chính trị, kinh tế, và xã hội trên những con đường xây dựng.
Qua sự nhận định ngắn về những khu vực xung quanh, tôi trở lại với cuộc xung đột tại Triều Tiên. Dù tôi không được hỏi ý trước khi Tổng thống quyết định can thiệp để yểm trợ Hàn quốc, cái quyết định đó, trên quan điểm quân sự, là một quyết định sáng suốt, như chúng ta—như tôi đã nói, là đã được chứng tỏ là một quyết định sáng suốt, khi chúng ta quăng những kẻ xâm lược trở lại [vị trí ban đầu của chúng] và đã tiêu diệt lực lượng quân sự của kẻ thù. Chiến thắng của chúng ta là chiến thắng hoàn toàn, và mục đích của chúng ta nằm trong tầm tay với, khi Trung Hoa Đỏ can thiệp vào cuộc xung đột với lực lượng bộ binh đông hơn gấp bội.
Điều này tạo thành một cuộc chiến tranh mới và một tình hình hoàn toàn mới, một tình hình mà chưa được suy nghĩ thấu đáo khi lực lượng của chúng ta được sử dụng để chống lại quân xâm lược Bắc Triều Tiên; một tình hình đòi hỏi có những quyết định mới trong lãnh vực ngoại giao để tạo cơ hội cho sự điều chỉnh thực tế chiến lược quân sự.
Những quyết định như vậy vẫn chưa được ban hành.
Dù chẳng có kẻ nào có đầu óc tỉnh táo lại cổ vũ cho việc tiến quân vào lục địa Trung Hoa, và việc đưa quân vào đó cũng chưa được nghĩ tới, tình thế mới cấp thiết đòi hỏi chúng ta phải có sự duyệt lại một cách sâu rộng kế hoạch chiến lược nếu mục đích chính trị của chúng ta là đả bại kẻ thù mới này như đã từng đánh bại kẻ thù cũ.
Ngoài nhu cầu quân sự, như tôi đã thấy, nhằm vô hiệu hóa sào huyệt trú ẩn của kẻ thù ở bờ bắc sông Áp-lục, tôi cảm thấy có một sự cần thiết về quân sự mà khi tiến hành chiến tranh tạo ra: thứ nhất, tăng gia cường độ sự phong tỏa kinh tế đối với Trung Hoa; thứ hai, tiến hành phong tỏa dọc theo bờ biển Trung Hoa; thứ ba, bỏ hết những giới hạn khi tiến hành do thám bằng máy bay trên vùng duyên hải của Trung Hoa và Mãn châu; thứ tư, dỡ bỏ sự giới hạn việc sử dụng lực lượng của Trung Hoa Dân quốc trên đảo Đài Loan bằng việc yểm trợ hậu cần để cho họ có thể đóng góp hữu hiệu hơn chống lại kẻ thù chung.
Khi tôi đưa ra những quan điểm này, những quan điểm mà đã được hoạch định một cách chuyên nghiệp để yểm trợ lực lượng của ta đang hiện diện tại Triều Tiên và để chấm dứt những hành vi thù địch mà không bị trì hoãn và để tiết kiệm xương máu của không biết bao nhiêu quân nhân Mỹ và Đồng minh, tôi đã bị chỉ trích nặng nề, từ những người không biết gì về quân sự, nhất là từ những người ở ngoại quốc, mặc dù theo sự hiểu biết của tôi, về khía cạnh quân sự của những quan điểm trên đã được chia sẻ đầy đủ trong quá khứ với những nhà lãnh đạo quân sự quan tâm tới chiến dịch Triều Tiên, gồm cả Bộ Tham mưu Liên quân của ta.
Tôi yêu cầu được tăng viện nhưng được cho biết là không có sẵn tăng viện. Tôi đã nói rõ rằng nếu không được phép huỷ diệt những căn cứ của kẻ thù trên sông Áp-lục, nếu không được phép sử dụng lực lượng Trung Hoa thân thiện khoảng 600.000 từ Đài Loan, nếu không được phép phong toả bờ biển của Trung Hoa để ngăn ngừa Trung Hoa Đỏ nhận được trợ giúp từ bên ngoài, và nếu không có một hy vọng về những sự tăng viện quan trọng nào, vai trò chỉ huy như vậy trên quan điểm quân sự không cho phép ta đạt được chiến thắng.
Ta có thể giữ được Hàn quốc bằng sự thay đổi chiến thuật thường xuyên và trên khoảng diện tích mà những sự tiện lợi về tiếp liệu của ta tương đương với sự thiếu tiện lợi về tiếp liệu của quân địch, nhưng [làm như thế] ta có thể hy vọng nhiều lắm là một chiến dịch mà chưa biết ai thắng ai thua vì sự tiêu hao thường xuyên lực lượng của ta nếu địch quân tận dụng khả năng quân sự của họ. Tôi đã liên tục yêu cầu có những quyết định chính trị mới rất cơ bản để tìm một giải pháp.
Đã có nhiều người xuyên tạc quan điểm của tôi. Người ta đã nói rằng, đại loại, tôi là kẻ hiếu chiến.Không có điều nào sai sự thật cho bằng điều này. Tôi biết (chữ in nghiêng của người dịch) chiến tranh như thế nào, cũng như chỉ có vài người còn sống biết nó, và đối với tôi không có gì làm cho ta kinh tởm hơn chiến tranh. Đã từ lâu tôi kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn chiến tranh, vì chính bản chất hủy diệt của nó trên cả bạn lẫn thù đã khiến nó trở thành vô dụng như một khí cụ nhằm giải quyết những xung đột quốc tế. Thật vậy, trong ngày mùng hai tháng Chín năm 1945, khi tham dự lễ đầu hàng của nước Nhật trên chiến hạm Missouri, tôi đã long trọng cảnh báo như sau:
Loài người từ thuở ban đầu đã tìm kiếm hoà bình. Nhiều phương pháp khác nhau qua các thời đại đã được người ta thử để tạo ra một tiến trình quốc tế nhằm ngăn chận hay giải quyết tranh chấp giữa những quốc gia. Từ ban đầu người ta đã tìm ra những phương thức có thể hữu hiệu mà những cá nhân công dân quan tâm đến, nhưng cơ chế có tầm vóc quốc tế lớn hơn vẫn chưa được tìm thấy. Những liên minh quân sự, cân bằng quyền lực, Hội Quốc Liên, tất cả đều theo nhau thất bại, chỉ để lại mỗi một con đường là qua lò lửa của chiến tranh. Sự huỷ diệt hoàn toàn của chiến tranh nay chặn đứng con đường chúng ta tìm phương pháp khác. Chúng ta đã có cơ hội cuối cùng. Nếu chúng ta không thiết lập được một hệ thống rộng lớn hơn, công bằng hơn, thì trận chiến huỷ diệt nhân loại sẽ ở ngay trước mặt chúng ta. Vấn đề này cơ bản thuộc về thần học và liên quan đến sự hồi phục về tâm linh và cải thiện nhân cách để cho đồng bộ với những sự phát triển, hầu như không thể theo kịp, của khoa học, nghệ thuật, văn chương, và tất cả những sự phát triển về vật chất và văn hoá cùa 2000 năm qua. Nếu ta muốn giữ được xương thịt, thì phải dùng đến tâm linh.
Nhưng một khi ta buộc phải tham gia chiến tranh, không có sự thay thế nào khác hơn là áp dụng mọi phương tiện sẵn có để chấm dứt chiến tranh một cách mau chóng.
Mục đích duy nhất của chiến tranh là chiến thắng, chứ không phải là sự do dự kéo dài.
Trong chiến tranh không có gì thay thế được sự chiến thắng.
Có một số người, mà vì nhiều lý do khác nhau, sẽ nhượng bộ Trung Hoa Đỏ. Họ bị mù trước bài học rõ ràng của lịch sử, vì lịch sử dạy ta với một sự nhấn mạnh rằng sự nhượng bộ sẽ dẫn đến cuộc chiến mới và khốc liệt hơn. Lịch sử không đưa ra một thí dụ nào cho [lập luận] cứu cánh biện minh cho phương tiện, và [cho thấy] sự nhượng bộ dẫn đến một sự hoà bình giả mạo. Giống như thư tống tiền, nó tạo ra một cơ sở cho những đòi hỏi mới và nhiều hơn, cho đến khi bạo lực trở thành biện pháp duy nhất.
“Tại sao,” những người lính của tôi hỏi, “[chúng ta] lại bỏ đi những thuận lợi quân sự cho kẻ thù ngoài chiến trường?” Tôi đã không trả lời được câu hỏi này.
Một số người có thể nói rằng: để tránh sự lan rộng của cuộc xung đột thành một cuộc chiến tranh-toàn diện với Trung Hoa; những người khác lại nói, để tránh không cho Xô-viết xen vào. Cả hai sự lý giải này đều không có giá trị, vì Trung Hoa đang đương đầu với chúng ta với sức mạnh tối đa mà họ có thể tung ra, và Xô-viết sẽ không mắc míu những hành động của họ với những chiến lược của ta. Giống như con rắn hổ mang, bất cứ một kẻ thù mới nào cũng rất có thể đánh ta bất cứ khi nào chúng thấy tính chất tương đối về quân sự hay những tiềm năng khác thuộc về họ trên bối cảnh toàn thế giới.
Bi kịch của Hàn quốc lại càng thê thảm hơn vì sự kiện là những hoạt động quân sự của họ bị hạn chế trong lãnh thổ của họ. Những hoạt động quân sự của chúng ta hầu cứu viện cho họ lại buộc họ phải gánh chịu sự đau khổ vì chịu những tác động tàn phá của những cuộc oanh kích của hải và không quân của ta trong khi những sào huyệt của kẻ thù lại được hoàn toàn bảo vệ không bị những cuộc oanh kích như vậy.
Trong tất cả những quốc gia trên thế giới, chỉ có một mình Hàn quốc, cho tới nay, là nước duy nhất đã đặt cược tất cả để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Sự tuyệt vời, tráng lệ của lòng can đảm và nghị lực của người dân Hàn quốc không có bút nào tả nổi.
Họ đã chọn chấp nhận rủi ro có thể bị chết thay vì làm nô lệ. Những lời cuối cùng họ nói với tôi, như sau: “Đừng bỏ đi khỏi TBD!”
Tôi đã bỏ lại những người con cùa quý vị đang chiến đấu tại Hàn quốc. Họ đã gặp tất cả những thử thách ở đó, và tôi có thể báo cáo lại với quý vị rằng họ là những chiến sĩ tuyệt vời trong mọi hoàn cảnh.
Đây là nỗ lực liên tục của tôi để bảo vệ họ và chấm dứt cuộc xung đột dã man này trong danh dự và nhanh chóng, với sự hy sinh mạng sống một cách tối thiểu. Sự khốc liệt và máu đổ gia tăng đã khiến cho tôi chịu một sự thống khổ và lo lắng sâu xa.
Những người dũng cảm đó sẽ luôn ở trong tâm trí và những lời cầu nguyện của tôi.
Tôi khép lại 52 năm phục vụ trong quân đội. Khi tôi tham gia quân đội, ngay cả trước khi thế kỷ 20 bắt đầu, đó là sự thể hiện hoàn toàn tất cả những hy vọng và ước mơ của tôi. Thế giới đã thay đổi nhiều lần từ khi tôi tuyên thệ tại vũ đình trường tại trường võ bị West Point, và những niềm hy vọng và ước mơ từ lâu đã tan biến, nhưng tôi vẫn nhớ đến điệp khúc của một bài ba-lát rất phổ thông thuở ấy, bài hát đã rất hãnh diện tuyên bố rằng “những người lính già không bao giờ chết; họ chỉ mờ dần đi thôi.”
Và cũng như người lính già của bài hát đó, hôm nay tôi khép lại sự nghiệp quân sự của mình và trở nên mờ dần, một người lính già đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ của mình như Thượng đế đã cho y ánh sáng để thấy được nghĩa vụ của mình.
Tạm biệt quý vị.
© Học Viện Công Dân Apri 2018
Nông Duy Trường chuyển ngữ.
Nguồn: http://www.americanrhetoric.com/speeches/douglasmacarthurfarewelladdress.htm
[1] Thống tướng Mac Arthur (5 sao) vừa bị Tổng thống Truman cách chức khoảng hơn một tuần trước khi ông đọc diễn văn này tại Quốc Hội. Ông bị cách chức vì công khai bất tuân lệnh Tổng thống Truman cũng là tổng tư lệnh quân đội, khi tuyên bố là ông sẽ trực tiếp tấn công Trung Hoa. Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ 1950-1953, đây là lần đầu quân đội Liên HIệp Quốc và quân Mỹ do Tổng tư lệnh Mac Arthur chỉ huy đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Cộng. Quân Trung Cộng phải rút về sau biên giới của Tàu và Bắc Hàn. Mac Arthur đòi truy đuổi nhưng Tổng thống Truman không đồng ý. Cuộc chiến chấm dứt bằng một hiệp định ngưng bắn, chứ không phải một hiệp định chấm dứt chiến tranh (có bên thắng bên thua).
[2] Dưới thời Mac Arthur, Đài Loan còn được gọi là Formosa.
[3] Những tiểu bang nằm ở bờ tây của nước Mỹ.
[4] Một lãnh chúa tại Mãn châu. Từ 1916-1928 là Đại nguyên soái của Lục quân Hải quân của Trung Hoa Dân quốc. Trương ủng hộ đế chế của Viên Thế Khải và sau bị Tưởng Giới Thạch đánh bại.
[5] Philippines là thuộc địa của Tây-ban-nha và nước này nhường lại cho Mỹ sau cuộc chiến giữa hai nước năm 1898. Sau cuộc chiến này và Hiệp định tại Paris, Tây-ban-nha đồng ý nhường cho Mỹ quyền kiểm soát Cuba, Puerto Rico, Guam, và những đảo thuộc Philppines, Mỹ đồng ý bồi thường cho Tây-ban-nha 20 triệu Mỹ kim. Mỹ trao trả độc lập hoàn toàn cho Tây-ban-nha ngày 4 tháng Bảy năm 1946.