Chương XII
Mục đích tối hậu của tất cả các ngành khoa học và nghệ thuật là đạt tới “cái tốt” cao độ nhất, và cái tốt cao độ nhất, cái tối hảo trong khoa học chính trị là công lý, và công lý bao gồm những gì tạo nên lợi ích chung. Ai cũng nghĩ công lý cũng tương tự như bình đẳng, và nhận định này, trên một số trường hợp, cũng tương đồng với những kết luận của đạo đức học. Vì ý kiến chung cho rằng công lý có liên quan đến con người, và đã là những người đồng đẳng thì ắt phải được bình đẳng. Nhưng ta vẫn còn có một vấn nạn, đó là, bình đẳng và bất bình đẳng về phương diện nào? Vấn nạn này buộc ta phải có những suy tư triết học về chính trị. Rất có thể sẽ có một số người cho rằng các chức vụ của nhà nước không thể được bổ nhiệm một cách đồng đều cho mọi người, mà phải tùy theo tài năng cao thấp của từng người, dù rằng người đó và những người khác trong cộng đồng chẳng có gì khác nhau về các mặt khác. Lập luận này dẫn đến kết luận những ai khác với người khác về bất cứ một phương diện nào, sẽ có những quyền khác với những người khác. Nhưng, nếu ta chấp nhận lập luận này, thì chẳng phải kẻ nào có nước da sáng sủa hay chiều cao hơn người khác, hay có bất kỳ ưu điểm nào khác sẽ được hưởng nhiều quyền chính trị hơn những người khác hay sao? Sự lầm lẫn này thật hiển nhiên và ta có thể bác bỏ bằng các thí dụ từ các nghệ thuật hoặc khoa học khác. Khi có một số các nhạc sĩ thồi sáo tài nghệ tương đương với nhau, thì không có lý do gì những người nào được sinh ra trong gia đình danh giá hơn lại được sử dụng cây sáo tốt hơn, vì họ cũng sẽ không thổi hay hơn với cây sáo tốt hơn, và cây sáo tốt nhất nên được dành cho người nào thổi hay nhất. Nếu điều tôi vừa nói vẫn còn chưa rõ lắm, thì khi ta tiếp tục bàn luận sẽ trở nên rõ ràng hơn. Giả thử có một nghệ nhân thổi sáo siêu tuyệt nhưng lại là con nhà bần dân và lại chẳng có ngoại hình đẹp đẽ-gốc gác gia thế và ngoại hình có thể là những yếu tố được đánh giá cao hơn là tài thổi sáo-nhưng cây sáo tốt nhất vẫn phải được giao cho nghệ nhân này mới hợp lý; trừ phi ta cho rằng những ưu điểm về gia thế và tài sản có thể khiến cho người ta thổi sáo hay hơn, nhưng ta thấy điều này không phải như vậy.
Hơn nữa, nếu ta áp dụng nguyên tắc này, thì mọi “điều tốt” đều có thể so sánh được với nhau. Giả sử chiều cao [của con người] ở một mức nào đó, được xem là trội hơn các đức tính khác, thì chiều cao, một cách tổng quát, cũng phải được so sánh với tài sản hay gia thế. Như thế, nếu anh A có chiều cao hơn anh B, dù B có đức hạnh hơn A, thì A phải được xem là trội hơn B.[1] Nhưng ta không thể so sánh như vậy giữa lượng với phẩm; cho nên, đó là lý do tại sao trong chính trị cũng như trong nghệ thuật, ta không thể lấy bất kỳ sự vượt trội nào để làm cơ sở cho việc nắm giữ quyền lực chính trị. Nếu có kẻ chậm và nguời nhanh, thì cũng không vì thế mà kẻ nhanh có nhiều [quyền lực], còn kẻ chậm có ít. Trong cuộc tranh tài thể thao thì sự trổi vượt như vậy sẽ được tưởng thưởng, nhưng trong việc nắm giữ những chức vụ trong chính quyền, thì chỉ có những ai có được những phẩm chất tạo nên quốc gia mới được bổ nhiệm. Như vậy, các nhà quý tộc, những người tự do, hay kẻ giàu có là những người có thể nắm giữ chức vụ trong chính quyền; bởi vì quan chức phải là những người tự do và là người đóng thuế [tức là những người có của cải], lý do là một nước không thể nào được hình thành gồm toàn những người nghèo khổ hay nô lệ. Nhưng, nếu của cải và tự do là những điều kiện cần cho sự hiện hữu của một nước, thì công lý và lòng dũng cảm cũng là những điều kiện cần thiết. Hai điều kiện đầu cần thiết cho sự hiện hữu của một nước, hai điều kiện sau tạo nên đời sống tốt đẹp của đất nước.
[1] Ernest Barker giải thích lý luận này như sau: nếu ta cho rằng 5/8 của một vóc dáng toàn hảo tốt hơn x/8 của một đức tính toàn hảo, thì ta cũng phải công nhận rằng ½ của vóc dáng cũng tương đương với ½ của đức hạnh. Nhưng khi so sánh như thế, ta đã phạm sai lầm là xem lượng với phẩm giống như nhau.