fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 11

Chương XI

Phần lớn những vấn đề này lẽ ra nên được dành cho một trường hợp khác. Cái nguyên tắc cho rằng số đông nên được xem là ưu việt hơn một thiểu số tài giỏi nhất là một nguyên tắc nên được giữ lại, và, mặc dù không phải là không có những khó khăn, nguyên tắc này dường như vẫn chứa đựng một phần của chân lý. Mỗi một người trong số đông chỉ là một người [có khả năng] bình thường, nhưng khi họp nhau lại trong một tập thể, thì rất có nhiều cơ hội tập thể này sẽ khá hơn một thiểu số người giỏi; cũng giống như một bữa tiệc do nhiều người đóng góp sẽ phong phú hơn là một bữa ăn chỉ do một người khoản đãi. Mỗi một cá nhân trong số đông người có một phần đức hạnh và sự khôn ngoan, và khi họ họp lại cùng nhau, thì trở thành một người có nhiều tay, chân và giác quan; một “con người” có tâm trí và tâm tính. Như thế, số đông sẽ có khả năng thẩm định tốt hơn là một người về phương diện âm nhạc và thi ca, vì một số người hiểu phần này, một số khác hiểu phần khác, và cùng với nhau, họ sẽ hiểu cả toàn bộ. Trong số những người tài giỏi, cũng có một sự kết hợp các phẩm cách tương tự như vậy; họ khác với những cá nhân của số đông, cũng giống như người đẹp khác với người không đẹp, hay những tác phẩm nghệ thuật khác với những tác phẩm tầm thường, bởi vì trong bản thân họ những phần tử rời rạc được kết hợp lại [thành một đơn vị] mà nếu tách rời ra thì đôi mắt của họ (hay một bộ phận nào khác) chưa chắc đã đẹp hơn mắt của người khác. Nhưng liệu nguyên tắc này có áp dụng được cho mọi nền dân chủ và cho tất cả mọi người hay không thì vẫn chưa rõ lắm; bởi vì có một số trường hợp nguyên tắc này không thể áp dụng được: theo lý luận, nếu nguyên tắc đã áp dụng chung cho tất cả mọi người thì phải áp dụng luôn cho cả đàn thú. [Sở dĩ như vậy vì] có những đám người mà chỉ có sức mạnh thể chất chứ thiếu khôn ngoan. Và nếu như thế, ta đã giải quyết được cả hai vấn nạn – đã được đề cập đến trong chương trước – nghĩa là, nhà nước nên chia sẻ quyền lực như thế nào cho đại khối những người tự do và công dân, nhưng lại không có của cải và tài năng gì hết, bằng cách cho tất cả mọi người tham gia vào chính sự. [Dĩ nhiên] vẫn có điều nguy hiểm khi cho toàn thể tham gia chính sự, vì sự dốt nát sẽ đưa đến sai lầm và sự bất lương sẽ đưa đến tội phạm; nhưng còn có một sự nguy hiểm hơn nếu không cho toàn thể tham chính, vì trong một nước mà đa số công dân là những người nghèo lại không được tham chính, thì những người đó sẽ trở thành kẻ thù của quốc gia. Phương thức duy nhất để tránh sự nguy hiểm này là trao cho họ một số quyền lập pháp và tư pháp. Vì lý do này mà Solon và một số các nhà làm luật khác đã cho những công dân thuộc giai cấp bình dân quyền bầu ra các quan chức và bắt các quan chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình khi tại chức, nhưng cá nhân họ không được giữ chức vụ nào hết. Khi toàn thể công dân (cả ngưởi xấu lẫn tốt) họp nhau lại, họ đã có được một sự nhận thức khá tốt, và cùng với giai cấp tốt hơn, toàn thể sẽ giúp ích cho đất nước (cũng giống như những thức ăn không được hoàn toàn tinh khiết khi trộn chung với thức ăn tinh khiết đôi khi tạo nên một thức ăn nhiều chất bổ dưỡng hơn cả một số ít thức ăn tinh khiết), nhưng mỗi cá nhân riêng rẽ sẽ có những nhận thức bất toàn.

Về phương diện khác, chính quyền dân chủ cũng có nhiều khó khăn nhất định. Trước hết, [khi cho người dân có quyền xét xử quan chức], ta thấy có lập luận phản đối như sau: người có thể xét xem một người bệnh đã được chữa khỏi hay chưa, phải chính mình là một y sĩ, và điều này cũng áp dụng cho các ngành nghề khác. Như thế, vì một y sĩ chỉ có thể được xét xử bởi các y sĩ khác, người ta, nói chung, nên được xét đoán bởi những người có trình độ tương đương. Nhưng y sĩ cũng có ba loại: loại chữa bệnh thông thường, loại y sĩ chuyên khoa, và loại những người chuyên nghiên cứu về y thuật (trong mọi ngành nghề khác đều có những bậc thầy như vậy) và họ cũng có đủ tư cách để xét đoán như hai hạng kể trên. Thứ hai, chẳng phải nguyên tắc này cũng được áp dụng cho bầu cử hay sao? Một cuộc bầu cử đúng đắn chỉ có thể được thực hiện bởi những người có kiến thức; cũng giống như những người biết hình học sẽ chọn đúng ai là nhà hình học, và những ai biết lái tàu sẽ chọn đúng người hoa tiêu; và nếu có một ngành nghề nào mà những người không chuyên nghiệp có quyền lựa chọn, thì sự lựa chọn của họ chắc chắn không thể hay hơn những người chuyên môn về lãnh vực đó. Như vậy, căn cứ theo lý luận này thì cả việc bầu cử lẫn xét xử quan chức không nên trao cho đa số quần chúng. Tuy vậy, những điều phản bác này đã được ta trả lời rồi, vì nếu nhân dân không bị thoái hóa quá độ, và dù riêng mỗi cá nhân họ có thể không xét đoán giỏi giang như những chuyên viên, thì khi họp nhau lại thành một đơn vị, họ cũng có thể giỏi bằng hay hơn cả các chuyên viên. Thêm vào đó, có những nghề mà sản phẩm không chỉ được đánh giá đúng nhất hay thuần túy bởi người làm ra sản phẩm đó, thí dụ có những sản phẩm được đánh giá đúng nhất bởi người sử dụng chứ không phải bởi người làm ra, như trường hợp xây nhà chẳng hạn. Người sử dụng căn nhà, hay nói đúng hơn, chủ căn nhà mới là người đánh giá căn nhà xấu tốt thế nào đúng hơn người xây nhà, và người hoa tiêu mới là người đánh giá cái bánh lái đúng đắn hơn người thợ làm ra bánh lái, và thực khách mới là những giám khảo đánh giá bữa ăn ngon hay dở đúng hơn người đầu bếp.

Điều khó khăn này xem ra đã được trả lời đầy đủ, nhưng còn một vấn đề khác cũng tương tự như vậy. Để cho người dở có quyền quyết định những vấn đề trọng đại hơn là những người giỏi có vẻ là một điều lạ lùng, vì chẳng phải quyền bầu cử và quyền xét xử các quan chức là những quyền cao hơn hết thảy? Và điều này, như tôi đã nói, là những chức năng được dành cho nhân dân tại một số nước, vì quốc hội mới là tối cao trong mọi lãnh vực. Thế nhưng, người dân ở bất kỳ tuổi nào, có chút ít tài sản, cũng đủ tiêu chuẩn trở thành nghị viên để bình nghị và phán xét, dù rằng các viên chức cao cấp khác của nhà nước như bộ trưởng tài chánh hay tướng tá lại phải có tiêu chuẩn cao hơn, tỷ như có nhiều tài sản hơn, mới được lựa chọn. Điều khó khăn này cũng có thể được giải quyết tương tự như điều khó khăn trong đoạn trên theo cách thức dân chủ. Đó là vì quyền lực không nằm trong tay một nghị viên hay một quan tòa nào hết mà nằm trong tòa án, và nghị viện, trong đó mỗi quan tòa hay nghị viên chỉ là một phần tử. Chính vì lý do này mà đa số có thể nói rằng có quyền lực cao hơn một thiểu số, vì những cơ quan này gồm có nhiều người mà nếu tính tổng cộng lại thì tài sản [của chung] sẽ nhiều hơn tài sản của riêng từng quan chức. Nhưng đến đây, ta cũng bàn đủ về vấn đề này.

Còn về vấn nạn thứ nhất-quyền lực tối cao nên nằm trong tay những người có khả năng chuyên môn, hay nằm trong tay quần chúng nói chung-đưa ta đến kết luận rõ ràng sau đây: chỉ có luật pháp đúng đắn mới là tối thượng; và quan chức chỉ đưa ra những phán quyết về những vấn đề mà luật pháp không thể nêu lên một cách chính xác vì các nguyên tắc tổng quát bao gồm quá nhiều trường hợp cá biệt.[1] Nhưng thế nào là luật pháp đúng đắn vẫn chưa được giải thích rõ ràng, và vấn nạn ta gặp phải ở cuối chương trước vẫn còn nguyên [tức là khi luật pháp có thể thiên vị một giai cấp nào đó]. Sự việc luật pháp tốt hay xấu, công chính hay bất công, tùy theo hiến pháp của một nước. Đó là điều hiển nhiên rằng luật pháp phải thích hợp với hiến pháp. Từ đó ta có thể suy ra rằng một chính quyền được thiết lập đúng đắn sẽ nhất thiết có luật pháp công chính, còn những chính quyền được thiết lập sai lầm, thì sẽ có những luật pháp bất công.


[1] Đây là trường hợp quan tòa “giải thích” và áp dụng luật pháp vào các trường hợp cá biệt.