fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tại sao đáng tranh đấu cho dân chủ — ngay bây giờ hơn bao giờ hết

Larry Diamond

Bài này dựa trên diễn văn chính trong hội nghị “Dân Chủ Có Quan Trọng Không?” được đồng tài trợ bởi tổ chức “Foreign Policy Research Institute” và “Kennan Institute” ở Hoa Thịnh Đốn ngày 20 tháng 10 năm 2014.

Đây là một thời điểm quan trọng và nhiều biến động cho dân chủ trên thế giới. Nhiều người đang nghi ngờ về khả năng tồn tại của dân chủ và sự khôn ngoan trong công việc cố gắng quảng bá cho dân chủ.

Tâm trạng phổ biến hiện giờ là hoài nghi, nếu không nói là bi quan, về một tương lai gần của dân chủ. Có quan niệm cho rằng, chúng ta đã cố gắng làm quá nhiều, và chúng ta nên bớt lại đừng nên trông chờ nhiều quá. Nhiều người cho rằng các dân tộc ở châu Phi, Ả Rập, hay Nga chưa sẵn sàng cho dân chủ, không coi trọng một nền dân chủ trong văn hoá, cũng như không có các điều kiện xã hội để làm cho dân chủ thành công. Một số tin rằng việc quảng bá cho dân chủ là việc làm của kẻ ngốc. Một số khác lại cho rằng chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể, và bây giờ là lúc cần ngưng lại. Hoặc là sau 30 năm hết sức quảng bá cho dân chủ, chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào cho hiệu quả, ngoại trừ ở những nơi mà những tiến triển về dân chủ sẽ vẫn phải xảy ra dù muốn hay không.

Và cuối cùng (lúc này) có quan điểm cho rằng chúng ta có nhiều thứ quan trọng khác hơn để đối phó, như là Hồi giáo quá khích ISIS, bịnh dịch Ebola, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự hung hăng của Putin, một Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân, bạo lực ma tuý Mexico, tỷ lệ tử vong trẻ em của tầng lớp nghèo trong xã hội, và nhiều thứ khác nữa. Uớc gì tôi có một tiếng đồng hồ chỉ để phản bác tất cả các quan điểm về sự bi quan, định mạng, và tuyệt vọng này. Nhưng tôi không có thời giờ như vậy, xin hãy cho phép tôi bắt đầu bằng cách ghi chép một cách trung thực và đúng đắn về những gì chúng ta đã đạt được trong nền dân chủ toàn cầu. Phân tích của tôi tuy không lạc quan, nhưng tôi nghĩ cũng không đến nỗi bi đát lắm. Tôi sẽ đề cập đến những thách thức và cơ hội trong việc quảng bá dân chủ, đặc biệt là bởi Hoa Kỳ, trong bước ngoặt quan trọng này cho dân chủ trên toàn thế giới.

Vâng, đây phải nói là giai đoạn khó khăn và rối rắm cho dân chủ và tự do trên toàn thế giới. Chúng ta đang chứng kiến sự khủng hoảng toàn cầu của dân chủ trong vòng một thập niên. Trong 8 năm gần đây, tổ chức Freedom House đã ghi nhận tổng số quốc gia có sự thụt lùi về tự do chính trị và dân quyền nhiều hơn (ít nhất là gấp hai lần) số quốc gia có sự tăng trưởng về tự do. Và điều này đã diễn ra sau khi Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc 15 năm, khi mà đáng lẽ điều ngược lại phải xảy ra mới đúng.

Có rất nhiều sự suy sụp về dân chủ trong thế kỷ này. Thật vậy, tốc độ suy sụp về dân chủ trong vòng 13 năm qua cao hơn 50 phần trăm trong cùng một thời gian trước đó.

Nếu tính từ làn sóng bành trướng dân chủ toàn cầu lần thứ ba bắt đầu cách đây bốn mươi năm, một phần ba các thể chế dân chủ đã thất bại. Phần đông các thất bại này đến từ các quốc gia chiến lược như Nga, Nigeria, Pakistan, và Venezuela. Một số trường hợp như Philipines, nền dân chủ đã được phục hồi. Trong khi đó một số nước khác như Thái Lan, nền dân chủ đã bị vi phạm trầm trọng nhiều lần với hai cuộc đảo chính quân sự trong vòng một thập kỷ. Một số quốc gia khác, như Pakistan, Kenya và Turkey, chế độ nằm trong trong khoảng mập mờ giữa dân chủ do dân bầu và dân chủ độc tài. Nhưng một số quốc gia khác như Turkey, sự nghiêng về phía độc tài ngày càng liên tục, nguy hiểm, và lâu dài đến nỗi hình như đã vượt qua ngưỡng cửa độc tài. Đó là tình trạng đã xảy ra từ lâu ở Sri Lanka và Nicaragua, và đang xảy ra cho Bolivia and Ecuador. Hơn nữa, thay vì đối mặt và lên án tên trùm độc tài của các nước vùng Andes là Venezuela, các nền dân chủ của châu Mỹ Latin lại nhắm mắt trước các lạm dụng đó, và lại còn ủng hộ Venezuela lấy một ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Dân chủ cũng hao mòn đáng kể ở Phi Châu, nơi mà các nhà lãnh đạo do dân bầu ra nghĩ rằng sự bùng nổ trong việc tài trợ và các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp họ thay thế được viện trợ có điều kiện của các nước phương Tây, trong khi cuộc chiến tranh chống khủng bố giúp cho họ có thêm nhiều đòn bẩy khác. [Có nhiều yếu tố góp nhần vào sự hao mòn của dân chủ] như sự sụp đổ của Mùa Xuân Ả Rập; [cộng với] sự tự tin, quyết đoán, và hợp tác của các chế độ độc tài, và câu lạc bộ của các quốc gia độc đoán như Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải; cùng với các cuộc tấn công về pháp lý và ràng buộc đối với xã hội dân sự; [thêm vào đó là] sự chia sẻ và phát triển các dụng cụ kiểm duyệt và đàn áp Internet của các nước chuyên chế; [và sau cùng là] hiệu suất yếu kém của nhiều nền dân chủ tiên tiến, mà bắt đầu là Hoa Kỳ.

Nếu bạn quan tâm đến dân chủ trên thế giới, thì xin thưa chúng ta đang gặp khó khăn.

Nhưng đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái kéo dài, chứ không phải một cuộc khủng hoảng về chính trị. Chúng ta chưa thấy sự bắt đầu của “làn sóng nguợc thứ ba.” Sự tăng trưởng ngoạn mục về con số các nền dân chủ hầu như đã ngừng lại vào năm 2005. Sau đó con số đó không tăng nhưng cũng không giảm đi đáng kể. Nhìn chung trên toàn cầu thì mức độ tự do trung bình chỉ bớt đi chút đỉnh chứ không phải là thảm hoạ.

Quan trọng nhất là không có sự giảm sút đáng kể trong công chúng về việc ủng hộ dân chủ. Thật vậy Cơ quan thăm dò ý kiến của Phi Châu (Afrobarometer) đã liên tục cho thấy có một khoảng cách – trong các nước Phi Châu, một vực sâu – giữa sự đòi hỏi dân chủ của dân chúng và các thể chế cung cấp dân chủ. Đây không chỉ là một khái niệm nông cạn hay mơ hồ như dân chủ là một điều tốt đẹp. Nhiều nguời Phi Châu hiểu được trách nhiệm chính trị, sự minh bạch, tinh thần pháp trị, và sự hạn chế quyền lực. Và họ muốn chính phủ của họ phải có được những tính cách đó.

Một vấn đề là tốc độ phân rã của các chính thể dân chủ không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đối với một số quốc gia mà chúng ta cho là đương nhiên, như Nam Phi chẳng hạn, thật ra chúng ta không nên làm như vậy. Thật vậy, không có một quốc gia nào ở châu Phi mà dân chủ được thiết lập chắc chắn và bền vững như các quốc gia trong làn sóng dân chủ thứ ba như Korea, Ba Lan, hay Chile. Thêm vào nguồn giàu có từ dầu mỏ, như Ghana chẳng hạn, là có thêm một thách thức mới trong chất lượng quản lý của chính quyền. Trong cộng đồng thế giới ủng hộ cho dân chủ, ít người chú ý đến dấu hiệu sự mỏng manh dễ vỡ ngày càng tăng trong các nền dân chủ tự do, ý là chưa nói đến các nền dân chủ ít tự do hơn.

Nói chung chúng ta biết vì sao dân chủ và tự do đang thụt lùi. Điều mà Francis Fukuyama gọi là khuynh hướng “Tân gia trưởng” (neo-patrimonial)[1] đang trở lại. Các nhà lãnh đạo nghĩ rằng họ có thể tránh được điều đó nhưng thật sự ra họ đang làm xói mòn sự giám sát và cân bằng (check and balances) của dân chủ, làm ruỗng mục các cơ quan trách nhiệm, thay đổi các giới hạn về thời gian tại chức và giới hạn quy chuẩn, và thu thập quyền lực của cải cho chính bản thân, gia đình, bạn bè, khách hàng và đảng phái của họ.

Không gian dành cho các đảng đối lập, xã hội dân sự, và truyền thông đang bị thu hẹp lại, và sự ủng hộ của quốc tế dành cho các thứ này cũng cạn dần. Sự phân chia về sắc tộc, tôn giáo, và các phân chia bản sắc khác tạo ra sự phân cực trong những xã hội mà trong đó thiếu các cơ chế dân chủ hoàn thiện để có thể điều khiển các phân chia đó. Các tổ chức nhà nước thì quá yếu kém và có nhiều lỗ hổng, không thể đảm bảo được trật tự, bảo vệ quyền lợi, đáp ứng các nhu cầu xã hội tối thiểu, hay vượt lên trên tham nhũng, bè phái, và những xung lực trấn áp. Các định chế dân chủ — đảng phái và quốc hội – thường non nớt, và chế độ quan liêu thì thiếu chuyên môn về chính trị, thiếu sự độc lập, tính trung lập, và thẩm quyển để điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Cho nên kết quả là hiệu suất kinh tế yếu kém và sự bất bình đẳng tăng cao.

Vậy phải làm gì đây?

Chúng ta cần bắt đầu bằng cách tách rời vấn đề ra. Hãy lấy hệ thống cấp bậc phát triển của dân chủ và bắt đầu từ trên xuống. Tôi thường thêm vào cuối bài giảng của mình bằng một lời cảnh báo tự phản ánh, “Bác sĩ, hãy chữa bịnh cho mình trước đã.” Nói một cách khác, chúng ta không thể quảng bá dân chủ ở nước ngoài một cách đáng tin và hiệu quả nếu chúng ta không cải thiện các cách thức hoạt động dân chủ ở trong nước trước. Thường thì tôi hay nhắc đến điều đó sau cùng. Nhưng bây giờ nó cần được nói đến đầu tiên.

Cũng giống như nhiều người trong số các bạn đi du lịch nhiều nơi, tôi càng ngày càng lo lắng trước sự nhận thức mỗi ngày mỗi lan rộng và xói mòn trên thế giới – từ cả hai chính thể chuyên chế và dân chủ – cho rằng nền dân chủ Hoa Kỳ đã bị bệnh rối loạn về chức năng và không còn là một mô hình đáng để học hỏi. Cũng may là, có nhiều mô hình khả thi khác nhau, và phần đông các nhà khoa học nghiên cứu về chính trị của Hoa Kỳ không bao giờ đề nghị các nền dân chủ mới bắt đầu lại bắt chước thể chế dùng quyền phủ quyết một cách quá mức như của chúng ta. Nhưng dù sao thì uy tín, niềm ao ước, và động lượng của dân chủ trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ cách nhìn xem dân chủ đang hoạt động như thế nào ở các nền dân chủ hàng đầu. Nếu chúng ta không xúc tiến cải cách chính thể và đổi mới hoạt động để giảm bớt sự phân cực đảng phái, để khuyến khích sự điều độ và thoả hiệp, để thúc đẩy cách thức điều hành, và để giảm thiểu sự ảnh hưởng từ bên ngoài của đồng tiền và các thế lực riêng trong nền chính trị của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể giải quyết hiệu quả các thử thách này ở nước khác được?

Thứ nhì là, chúng ta cần chắc chắn một cách tuyệt đối là chúng ta đã gặt hái và giữ gìn những thứ có thể dễ làm trước. Nghĩa là, chúng ta phải giúp cũng cố các truờng hợp mới thành công hay những trường hợp thành công nhưng không chắc chắn lắm. Một trong những sai lầm lớn nhất mà cộng đồng dân chủ thế giới đã mắc phải trong hơn ba mươi năm qua là loại trừ nhiều quốc gia ra khỏi danh sách các nước dân chủ cần được giúp đỡ, vì chúng ta cho rằng họ có thể tự lo được. Hay là chúng ta tin rằng mười năm hay hai mươi năm giúp đỡ và tương tác là đủ. Tất cả đuợc tóm lại trong một chữ, “tốt nghiệp.” Trong nghề dạy học của tôi, chúng tôi thường chọn dùng chữ “khởi đầu” (commencement) hơn là “tốt nghiệp” (graduation). Đôi khi những người tốt nghiệp vẫn cần và đáng được nhận sự giúp đỡ của chúng ta trong một số lãnh vực nào đó.

Một nhà nước có năng lực và vững mạnh; một nền pháp trị thật sự, được chống đỡ bằng một hệ thống tư pháp trung lập và có năng lực; những định chế hiệu quả và có trách nhiệm giải trình hàng ngang;[2] hệ thống hành chánh địa phương đủ khả năng và trung thực; một xã hội dân sự đa nguyên và tháo vát; một văn hoá khoan dung, thận trọng, và có trách nhiệm dân sự – những thứ này và những nền tảng khác cho một nền dân chủ tự do bền vững không phải một sớm một chiều mà có được. Có nhiều thứ xuất hiện dần dần cùng với sự phát triển về kinh tế. Trong các nền kinh tế đã phát triển lâu năm, thì chúng phát triển nhanh hơn. Thế nhưng nhiều nước nằm trong danh sách các quốc gia “trên trung lưu” của Ngân Hàng Thế Giới vẫn còn có nguy cơ tan rã về dân chủ – như Nga và Venezuela cách đây một thập niên rưỡi.

Danh sách các quốc gia “trên trung lưu” bao gồm Argentina, đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng kinh tế và chính trị trầm trọng; Turkey, nơi mà AKP đã trở thành một đảng độc quyền, báo chí hoạt động trong nỗi sợ hãi, và các đảng đối lập bị phân tán; Romania, một nước thuộc EU, đang bị bệnh dịch tham nhũng làm suy yếu nền dân chủ và bộ máy chính quyền. Nam Phi, một nước mà thành phần lãnh đạo tham nhũng chẳng thể hiện chút nào sự thượng tôn luật pháp và các giá trị tự do; Thailand, nơi giờ đây đang nằm trong vòng kềm kẹp của một chính thể quân sự độc tài tàn bạo ứng xử như đang là một chính quyền chuyển tiếp; Lybia, nơi đã có một cuộc nổi dậy cách mạng chống lại Qaddafi, và sau đó là chính quyền sụp đổ; và Tunisia, nơi đáng lẽ trở thành một câu chuyện thành công của Mùa Xuân Ả Rập, thì giờ vẫn còn đối mặt với những thử thách nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và an ninh.

Một chiến lược lâu dài để gây dựng dân chủ cần phải có những điều sau đây:

Khi một quốc gia (và đặc biệt một nước thuộc thành phần trung lưu) đạt được hay đổi mới nền dân chủ của họ, chúng ta cần phải làm tất cả những gì chúng ta có thể để giúp nước đó giữ vững và củng cố vị trí của nó một cách lâu dài. Có nghĩa là khi một chính phủ chuyển tiếp của Libya mới lên và yếu ớt xin chúng ta viện trợ về an ninh (viện trợ, chứ không mang quân chiếm đóng) chúng ta không nói, “xin lỗi bạn, chúng tôi đã giúp bạn đến được nơi đây, giờ là lúc hãy để người khác giúp bạn ở lại nơi đây.” Có nghĩa là chúng ta cần đến gặp chính phủ dân chủ mới được bầu lên của Tunisia và hỏi họ cần gì. Chúng ta có thể giúp khôi phục nền kinh tế và đổi mới các dòng chảy về du lịch và đầu tư được không? Ngoài các chương trình hiện có về huấn luyện đảng phái, quan sát bầu cử, và các chương trình trợ giúp khác, chúng ta có thể làm gì để ủng hộ các sáng kiến mới về theo dõi và huấn luyện cho xã hội dân sự, củng cố nền báo chí độc lập và các “think tank,” nâng cao sự giáo dục về dân sự dân chủ trong học đường và truyền thông, ủng hộ các tổ chức phụ nữ, sinh viên, và đấu tranh cho nhân quyền, và các sáng kiến khác để xây dựng một văn hoá và cơ sở hạ tầng dân sự để duy trì dân chủ?

Sự tan rã mới đây của một tổ chức dân chủ phi-chính-phủ (NGO) mang tính lịch sử của Nam Phi là Idasa là một điều đáng để chúng ta suy gẫm. Đây là một trong những tổ chức tiên phong từ thiểu số người da trắng để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và giúp tạo điều kiện cho sự chuyển tiếp một cách hoà bình qua đàm phán. Và tổ chức này đã làm việc để thúc đẩy các công cuộc giáo dục về dân chủ dân sự, và dân chúng giám sát quốc hội và chính phủ. Những năm sau khi Nelson Madela được bầu làm tổng thống và Nam Phi có vẻ đã xây đắp được một nền dân chủ tự do với một hiến pháp khẳng định nhân quyền, cộng đồng thúc đẩy dân chủ quốc tế nói rằng, “Nam Phi đã thành công và là một nước khá giàu. Bây giờ họ có thể tự mình làm được và không cần sự giúp đỡ về dân chủ nữa, nên chúng ta sẽ tài trợ Idasa để giúp cho nền dân chủ ở các nước Phi Châu khác”.

Việc các xã hội dân sự từ các nền dân chủ mới trưởng thành tham gia vào các hoạt động xuyên biên giới để xây dựng các tổ chức dân chủ và quy tắc trong khu vực của họ là một điều rất tốt, nhưng việc không quan tâm đến các vấn đề ngay trong xã hội của họ là rất tệ. Tôi không tranh biện về tất cả những thành quả cũng như các chướng ngại mà Idasa gặp phải về phương diện tổ chức, hay cho rằng họ không có trách nhiệm gì trong sự sụp đổ của mình. Nhưng tôi muốn biết: làm sao một tổ chức xã hội dân sự làm việc giám sát và đôi khi thách thức chính quyền đương nhiệm, có thể kiếm được nguồn tài lực từ ngay trong trong xã hội khi mà hầu hết các nguồn lực vật chất đều nằm trong tay của giới thương gia và các công ty rất dễ bị thương tổn dưới các biện pháp trừng phạt chính trị nếu họ ủng hộ các hoạt động “chống đối chính phủ.”

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này cứ được lặp đi lặp lại ở các quốc gia được cho là quá giàu, hay có quá nhiều kinh nghiệm về dân chủ, để biện minh cho sự tiếp tục ủng hộ cho các tổ chức xã hội dân sự. Những người chỉ trích cho rằng, những tổ chức này cần phải được “dứt sữa” bằng cách cắt nguồn tài trợ từ quốc tế. Họ cần phải tự phát triển nguồn tài chính cho riêng họ. Thông thường nói một cách khác là họ cần phải làm ăn kiếm tiền bằng các hoạt động khảo sát hay tư vấn, hoặc tìm các dự án từ các cơ quan chính phủ mà họ đang giám sát, hay cần tìm các trợ cấp để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế và xã hội từ nguồn chính. Không có hoạt động nào kể trên thực sự phù hợp với bản chất của các tổ chức này, và điều dó tách rời các tổ chức này khỏi sứ mệnh ban đầu của họ là xây dựng và giám sát dân chủ. Nếu không có các tổ chức làm những công việc này, thì dân chủ sẽ gặp nguy. Vấn đề xã hội dân sự đang bị thu hẹp đóng vai trò quan trọng trong sự dễ vỡ và tan rã của các nền dân chủ đang lên, mà các nhà quảng bá dân chủ không quan tâm đầy đủ.

Tôi biết có lập luận đối lập: Tiền thì chỉ có bao nhiêu đó. Làm sao chúng ta có thể giúp những người hoàn toàn không có gì cả – không có nguồn lực về tài chính, không có sự bảo vệ nhân quyền, có ít hay không có dân chủ – nếu chúng ta phân tán nguồn tài trợ dân chủ cho các nước khác có trình trạng tương đối tốt hơn. Đây là các câu trả lời của tôi:

Thứ nhất là, tôi không đồng ý với quan niệm cho rằng tổng số các nguồn lực để thúc đẩy dân chủ là cố định. Có thể tổng số nguồn lực cho các cam kết quốc tế hay phát triển kinh tế là cố định. Nhưng chúng ta cần phải tính lại về việc đâu là đòn bẩy tốt nhất để thúc đẩy và cũng cố các trường hợp thành công. Chúng ta cần có mục đích rõ ràng để đạt được và giữ được sự phát triển của những trường hợp thành công. Và điều đó đòi hỏi một quy trình quản trị tốt, và nhất là một quy trình quản trị theo hình thức dân chủ.

Thứ nhì là, chúng ta cần xem xét lại cách phân chia nguồn tài trợ dân chủ và quản trị cho các chương trình, công cụ chính sách, và tổ chức ở các nuớc khác nhau.  Một số mang lại hiệu quả hơn một số khác. Công cụ chính sách nào là có hiệu quả nhất cho các tổ chức nhà nước, hay ngược lại cho các tổ chức xã hội dân sự? Chúng ta có đủ các công cụ chính sách để trợ giúp cho sự ra đời của một nền truyền thông độc lập mà thường cần vốn ban đầu rất lởn hay không? Vai trò đúng đắn của các đồng sự vị lợi (for profit) là gì? Tại sao chúng ta không chuyển nguồn tài lực từ các chương trình dân chủ và quản trị lãng phí, vô ích, thậm chí còn phản tác dụng – như các chuơng trình mà Melinda Haring chỉ ra ở Azerbaijan – đến các nước và các vùng có nhiều triển vọng hơn?

Thứ ba là, vấn đề không phải chỉ ở những quốc gia mà chúng ta đến làm việc, mà là những giới hạn và cách suy nghĩ mà chúng ta mang đến.  Chúng ta cần luôn giám sát và thẩm định các luồng viện trợ. Nhưng khi các tổ chức xã hội dân sự dân chủ đã gặt hái được thành tích lâu dài trong việc giám sát hiệu quả, giáo dục công dân, phân tích vấn đề, cải cách chính sách và vận động công dân sinh hoạt chính trị, họ nên đứng đơn để nhận các trợ giúp tài chính mà không gắn liền với chu kỳ trợ cấp liên tục. Họ nên xin các trợ cấp cả gói để trang trải chi phí cho các hoạt độngthiết yếu và cho công việc chống tham nhũng và để bảo vệ và cải thiện dân chủ. Có quá nhiều tổ chức dân chủ dân sự bỏ ra quá nhiều thời giờ để liên tục viết những đề xuất xin trợ cấp cho những dự án cụ thể, ngay cả khi mà việc làm, sự phán đoán, và khả năng thực hiện của họ ai cũng biết.

Tôi muốn đề cập sơ lược đến ba vấn đề khác. Một là cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên toàn cầu. Hai là cuộc đấu tranh bảo vệ tự do trên toàn cầu. Và ba là nhu cầu thúc đẩy các giá trị về tự do phổ cập.

Thật khó mà kiếm ra một ví dụ về tan rã dân chủ mà nguyên nhân chính không phải là tham nhũng. Ở một mức độ nào đó, việc tham nhũng lan tràn là một chuyện thường xảy ra ở giai đoạn đầu trong tiến trình dân chủ hoá. Tổng cộng số tham nhũng có thể không tăng lên, nhưng khi nhiều người tham gia thì càng cần nhiều tiền để trang trải cho các cuộc thi đua bầu cử để nắm quyền lực. Nhưng nguồn lực dành cho tham nhũng lặt vặt không bao giờ đủ, và sẽ không bao giờ đủ để người ta cảm thấy mình có phần trong đó và cuộc sống tốt hơn. Hơn nữa, tham nhũng không bao giờ tự nhiên dừng lại. Khi tiêu chuẩn bị sụp đổ, sự chiếm đoạt bắt đầu và cạnh tranh tăng lên, thì tham nhũng luôn có khuynh hướng biến thành cướp đoạt.

Bất kỳ một chiến dịch lâu dài nào để thúc đẩy và củng cố các tiến bộ dân chủ trên toàn cầu phải bao gồm một trong những yếu tố chính là chống tham nhũng. Điều đó đòi hỏi những cố gắng táo bạo, toàn diện và rõ ràng trên tất cả mọi lĩnh vực: thay đổi các quy tắc hành xử công, xây dựng ý thức và khả năng của công chúng trong việc giám sát và tổ chức; giúp xây dựng dịch vụ dân sự và cảnh sát có khả năng, trả lương tốt, thu hút nhân tài;  giúp xây dựng và huấn luyện các tổ chức chính thức có trách nhiệm giải trình để giám sát và kiểm tra các chi tiêu và hoạt động của chính phủ cũng như tài sản cá nhân của các công chức; khuếch tán các tiêu chuẩn, công cụ số, và những cách thực hành tốt nhất cho một chính quyền công khai, có quyền tiếp cận thông tin, và minh bạch trong ngân sách. Ngoài ra, chúng ta cần phải theo dõi nơi chốn và sự chuyển lưu trong tài sản của các quan chức tham nhũng; đặt ra các luật lệ thực hành mới trong hệ thống ngân hàng quốc tế, và đặt ra ngoài lề các ngân hàng mà sẵn sàng chứa chấp các loại tiền dơ bẩn từ các quan chức tham nhũng, buôn lậu thuốc phiện, hay khủng bố.

Thứ nhì là, chúng ta không thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ trừ phi chúng ta cũng tranh đấu mạnh mẽ cho tự do và nhân quyền. Có quá nhiều chính phủ trên thế giới – không những chỉ các chế độ chuyên quyền trắng trợn mà còn cả các thể chế độc tài được bầu lên, những nền dân chủ phi tự do, và ngay cả những nền dân chủ mà chúng ta nghĩ tự do – đang thụt lùi khi hạn chế và trừng phạt các quyền tự do ngôn luận, tự do trên mạng, tự do hội họp, và tự do nhận các khoản trợ cấp và hợp tác với các tổ chức dân chủ quốc tế. Chúng ta cần sử dụng các công cụ của chúng ta về ngoại giao truyền thống, ngoại giao công cộng, quan hệ viện trợ và thương mại và các hình thức đòn bẩy khác để kêu gọi và lên án những sự thoái bộ này, và cố gắng bảo vệ các cá nhân và tổ chức đang dũng cảm làm việc để xã hội của họ tự do hơn và có trách nhiệm hơn. Đây không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là một mệnh lệnh địa-chính trị nếu chúng ta muốn giữ cho cuộc suy thoái dân chủ không bị xoắn ốc xuống thành một cuộc khủng hoảng. Những người chuyên quyền phải biết rằng đàn áp không phải là miễn phí, mà ngay cả khi chúng ta theo đuổi lợi ích chung, chúng ta sẽ lên tiếng cho các giá trị của mình và tính gộp cả những giá trị này khi chúng ta cân nhắc mối quan hệ song phương.

Có một điều thật sự sai lầm và thất sách khi nghĩ rằng, trong thời đại của sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hung hăng hiếu chiến của Nga, chúng ta không còn đòn bẩy nào để dùng trên toàn thế giới. Trong nhiều quốc gia có sự phản đối xã hội để chống lại sự gia tăng quyền lực độc tài và thế lực ngoại bang thối nát. Đặc biệt là ở châu Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm nhiều nguời rất lo lắng. Không thể hiểu được sự mở cửa về chính trị của Burma nếu không đặt trong bối cảnh này. Ở Phi Châu và Á Châu, chúng ta có nhiều cách để giúp các xã hội dân sự và ngay cả các chính phủ cân bằng lại một Trung Quốc đang thúc đẩy quá mạnh, và công cuộc tìm phương thức cải cách dân chủ có thể cung cấp một nền tảng chung cho cố gắng này.

Cuối cùng hãy luôn nhớ một điều, trên cả mọi thứ khác là: chúng ta có một hệ ý tưởng tốt đẹp hơn. Dân chủ có thể thụi lùi trên thế giới, nhưng nó vẫn là kim chỉ nam cho các giá trị và khát vọng của con người. Một số người có thể chấp nhận sự cai trị độc tài như là một trật tự chính trị cần thiết ở một thời điểm lịch sử hay trong một giai đoạn phát triển nào đó. Nhưng ngoài các nhà cai trị và các chính thể cai trị chỉ lo phục vụ cho quyền lợi của họ, rất ít người trên thế giới ngày nay lại ca tụng chế độ độc tài như là một hệ thống đạo đức ưu việt, một đích đến tuyệt đối, một dạng chính quyền tốt nhất.

Dân chủ vẫn còn lại là một hình thức chính phủ chính thống duy nhất trên thế giới, và ngày càng có nhiều người khát khao – kể cả trong các chính thể độc tài như China, Iran, Cuba, hay Việt Nam – muốn tìm hiểu về dân chủ, và muốn biết dân chủ được cấu trúc như thế nào để hoạt động hiệu quả. Chúng ta cần đáp ứng và khuyết khích sự ham muốn tìm hiểu về dân chủ đó. Chúng ta cần nỗ lực toàn diện để dịch sang các ngôn ngữ thông dụng những công trình về triết học, lịch sử và phân tích về ý nghĩa và các thể loại dân chủ, nền văn hoá dân chủ, sự chuyển biến dân chủ, sự sáng tạo hiến pháp dân chủ, hệ thống bầu cử, đảng phái chính trị, xã hội dân sự, hệ thống trách nhiệm giải trình, quan hệ giữa dân sự và quân sự, và nhiều thứ khác. Chúng ta nên sắp xếp để phân phối các tác phẩm chuyển ngữ này miễn phí trên Internet, phân loại các chỉ dẫn về dân chủ cho công dân cho các trình độ hiểu biết và mục đích khác nhau, và cung cấp nhiều lớp học online cho nhiều đề tài và vấn đề khác nhau về dân chủ trên một phạm vi mở rộng.

Hãy nghĩ cách làm thế nào để biến điện thoại di động thành một công cụ chính dùng để phân phối kiến thức; làm thế nào để việc học hỏi về dân chủ trở nên vui và thích thú hơn đối với giới trẻ ở các nền văn hoá khác nhau; làm thế nào để tạo khả năng cho người dân có thể vượt qua được sự kiểm duyệt của Internet nhiều hơn; và làm thế nào để chúng ta có thể dùng các phương tiện truyền thông quốc tế của mình một cách rộng rãi và hiệu quả hơn để chống lại các tuyên truyền độc tài và để mở rộng lưu lượng tin tức, thông tin và các ý tưởng về dân chủ.

Chúng ta nên đặt trọng tâm lên cuộc chiến về thông tin và ý tưởng. Đây là cuộc chiến mà chúng ta có thể thắng. Lá bài chủ tuyệt đối mà chúng ta có được là khắp thế giới đều công nhận dân chủ là một hình thức chính phủ lý tưởng, và là nền tảng duy nhất để cầm quyền một cách hợp pháp. Điều đó làm cho các chính thể độc tài lâm vào một tình trạng nước đôi khó xử. Nếu họ cố đóng khung trong cơ chế cũ kỹ của sự cai trị tập trung và độc đảng, thì họ sẽ ngồi trên một thể chể mong manh và dễ vỡ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Nếu họ chấp nhận một hình thức giả tạo bên ngoài của dân chủ – đa đảng, bầu cử quốc hội và tổng thống, nền hiến pháp có sự giám sát và cân bằng quyền lực (check and balance) – là họ đã thừa nhận dân chủ là một hệ thống tốt nhất, và sau đó những phong trào hay sự kiện nào đó có thể bộc lộ họ là kẻ gian dối. Nếu họ tiếp tục tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế phi thường – như Trung Quốc bây giờ — họ sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu đa nguyên mạnh mẽ mà tầng lớp này sẽ muốn thêm nhiều quyền tự do và tự quyết. Nếu họ ngừng sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, thì tầng lớp mới lên này sẽ thấy giấc mơ của họ tan tành và sẽ tức giận đòi thêm tiếng nói về chính trị.

Chính trị toàn cầu phụ thuộc nhiều vào các nhận thức về năng động và động lượng. Đó là một phần trong cái gọi là “zeitgeist”, hay là linh hồn của thời đại. Nhưng tinh thần độc tài không thể biểu lộ được ao ước căn bản của nhân loại về tự do, lòng tự trọng, và sự tự quyết. Chúng ta cần tìm kiếm những phương thức mới, nguồn năng lực mới, sự tự tin mới để lấy đó làm lợi thế. Trên hết là, chúng ta cần đẩy mạnh tinh thần dân chủ.

Phong Thanh Dương chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, July 2020

Tác giả: Larry Diamond là thành viên cao cấp của Viện Hoover và  Học Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Viện Đại học Stanford.

Nguồn: http://www.foreignpolicy.com/articles/2014/10/24/chasing_away_the_democracy_blues

[1] Francis Fukuyama định nghĩa neopatrimonialism là cách thức tuyển lựa viên chức chính quyền dựa theo quen biết gia tộc và cách hành xử “co vay có trả.”

[2] Giải trình hàng ngang (horizontal accountability) do những định chế nhằm giám sát một cơ quan chính quyền, và để kiểm soát và cân bằng quyền lực. Thí dụ quốc hội giám sát các cơ quan chính quyền, hay tổng thanh tra trong mỗi bộ.