fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 10

Chương X

Vẫn còn một khó khăn nữa liên quan đến ai sẽ nắm giữ quyền lực tối cao của nhà nước: là quần chúng, giới giàu có, người có đức độ, kẻ tài năng, hay là một bạo quân? Bất kỳ trường hợp nào nêu trên cũng đưa đến những kết quả không hay. Chẳng hạn, nếu như quần chúng nắm quyền, bởi vì họ là số đông, rồi chia nhau của cải của người giàu, thì điều đó có công bằng hay không? Công bằng chứ (họ sẽ trả lời), vì quyền lực tối cao muốn như vậy mà! Nhưng nếu điều này chẳng phải là bất công, thì điều nào mới là bất công đây? Thêm nữa, sau khi chia của lần đầu tiên xong, và đa số lại quyết định chia tiếp tài sản của thành phần thiểu số, và việc này cứ tiếp diễn liên tục, chẳng phải quốc gia sẽ bị tiêu hủy hay sao? Nhưng đức hạnh chẳng thể nào làm hư hoại được những gì tốt đẹp, cũng như công bằng không thể nào làm hủy hoại quốc gia, do đó, luật lệ cưỡng chiếm tài sản hiển nhiên là luật lệ bất công. Bởi vì nếu luật này mà được xem là công chính thì, nhất thiết, mọi hành vi của bạo quân đều phải được xem là công chính; bạo quân sẽ nói là nhân danh quyền lực tối cao mà cưỡng bách mọi người, cũng giống như đa số cưỡng bách những người có của. Như thế có công bình không khi  một thiểu số và những kẻ giàu có trở thành nhà cai trị? Và nếu họ, cũng theo lối lập luận đó, ăn cướp và ăn cắp của nhân dân, thì như thế có được coi là công chính không? Nếu mà như vậy, thì mọi trường hợp khác cũng phải được coi là công chính. Nhưng hiển nhiên, [ta biết rằng] những điều như vậy là sai lầm và bất công.

Như thế, ta nên chọn những người có đức độ ra nắm quyền lực tối cao? Nhưng nếu thế thì tất cả những người khác sẽ bị gạt ra ngoài guồng máy quyền lực và như thế sẽ cảm thấy nhục nhã. Vì người ta quan niệm rằng các chức vụ trong chính quyền là nơi được vinh dự, và nếu một nhóm người luôn luôn nắm giữ những chức cụ này, thì sẽ không còn chỗ cho số người còn lại. Như thế liệu ta có nên chọn một người đức độ nhất để cai trị không? Như vậy cũng không được, vì số người không được tham gia chính sự lại còn đông hơn nữa. Thêm vào đó, một số người chủ trương chọn nhân trị không bằng pháp trị, vì con người còn bị chi phối bởi thất tình lục dục. Thế nhưng nếu luật pháp lại bị thiên về dân chủ hay quả đầu thì sao? Chọn lựa pháp trị cũng không giúp thêm được gì trong trường hợp này. Những hậu quả đã bàn đến cũng sẽ xảy ra y hệt như vậy trong trường hợp này.