fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 9

Chương IX

Ta hãy bắt đầu xem xét những định nghĩa chung của quả đầu và dân chủ, và sự khác biệt trong khái niệm về công bằng và công lý của hai chế độ này. Vì người ta ai cũng muốn được đối xử công bằng, nhưng khái niệm của họ về công bằng lại khiếm khuyết và không diễn tả được hết ý nghĩa. Thí dụ, [cả quả đầu lẫn dân chủ đều cho rằng] công bằng là bình đẳng về phương diện tham gia chính quyền, nhưng [theo người dân chủ], đó là sự bình đẳng giữa những người đồng đẳng, chứ không phải bình đẳng cho tất cả mọi người. Còn trong chế độ quả đầu, sự bất bình đẳng [về phương diện tham gia chính quyền], lại được xem là công bằng, nhưng đó là sự công bằng giữa những người không đồng đẳng. Cả hai phe đều không để ý đến một yếu tố quan trọng, đó là khi áp dụng nguyên tắc bình đẳng, họ vừa là đối tượng vừa là người phán xét. Và người ta, khi dính dáng đến [quyền lợi của] chính mình, đều không thể nào phán xét cho công minh được. Trong khái niệm về sự công bằng chứa đựng một mối quan hệ đến con người cũng như vật chất, và một sự phân phối công bằng, như tôi đã nói đến trong cuốn Đạo Đức, cũng hàm ý rằng có cùng một tỷ lệ giữa con người và vật chất. Cả hai phe đồng ý về sự bình đẳng vật chất, nhưng  tranh cãi về sự bình đẳng giữa con người; cũng chỉ vì lý do mà tôi đã đưa ra, họ vừa là đối tượng vừa là người phán xét. Thứ hai, cả hai phe chỉ có một khái niệm giới hạn về sự công bằng, nhưng lại tưởng là mình đang bàn về một sự công bằng tuyệt đối. Vì thế, đối với một phe, nếu con người không bình đẳng về một phương diện, về tài sản chẳng hạn, thì họ bị coi như bất bình đẳng về mọi phương diện; còn đối với phía bên kia, nếu người ta được coi như bình đẳng về một phương diện, thí dụ như sinh ra là người tự do, thì họ coi như được bình đẳng về mọi phương diện.

Nhưng cả hai phe đều bỏ qua một điểm trọng yếu. Nếu con người quần tụ lại trong xã hội chỉ nhằm đến việc tích lũy tài sản, thì phần thưởng của nhà nước cho họ [chức quyền hay danh vọng] cũng phải tỷ lệ với tài sản họ đóng góp. Hiểu theo ý này thì lý thuyết của phe quả đầu thắng thế. [Hiển nhiên,] không thể có sự công bằng khi kẻ đóng góp một đồng minae lại được hưởng vinh dự như kẻ đóng góp một trăm đồng. Thế nhưng, quốc gia hiện hữu là nhằm đạt đến một đời sống “tốt đẹp,” chứ không phải chỉ để sống còn: nếu chỉ để sống còn, thì nô lệ và ngay cả súc vật cũng có thể tạo thành nhà nước, nhưng chúng không thể làm được việc đó, vì chúng không thể chia sẻ với nhau sự hạnh phúc, hay sống một đời sống có sự tự do chọn lựa. Tương tự như thế, một quốc gia không hiện hữu chỉ để tạo nên liên minh bảo đảm an ninh chống lại các sự bất công, hay để trao đổi mậu dịch; vì nếu như thế thì dân Estrucan và dân Carthage cùng với dân của tất cả những nước nào có quan hệ mậu dịch với nhau, phải là công dân của một nước. Dù những nước này đều có giao ước về xuất-nhập cảng và cam kết là thực thi các giao ước này, cũng như có hiệp ước liên minh với nhau; nhưng không có một quan chức nào chung giữa các nước giao ước với nhau để bảo đảm việc thi hành những giao ước này; những nước khác nhau có các quan chức khác nhau. Thêm nữa chẳng có nước nào cần biết công dân của nước khác có phải là người tốt hay không, miễn hồ công dân nước khác không làm phương hại đến công dân nước mình, về phương diện mậu dịch chẳng hạn. Trong khi đó, những ai quan tâm đến một chính quyền tốt phải quan tâm luôn đến cả những thói hư, nết tốt của dân trong nước. Do đó, ta có thể suy ra rằng để xứng đáng được gọi là một nước thì nước đó phải đặc biệt quan tâm đến đạo đức. Không có mục tiêu phát huy đức hạnh thì sự kết hợp chính trị chỉ là liên minh của những phần tử sống gần nhau so với liên minh của những phần tử sống cách xa nhau. Còn luật pháp thì trở thành một quy ước, như biện sĩ Lycophron nói, “sự bảo đảm quyền của kẻ này đối với kẻ khác,” chứ không phải theo như đúng nghĩa của nó là những quy luật cuộc sống để cho dân trở thành người tốt và công chính.

Ta có thể nhận thức điều này một cách rõ ràng như trong trường hợp các nơi hoàn toàn riêng biệt như Corinth và Megara[1] chẳng hạn. Giả sử như hai thị quốc này có được xếp kề sát bên nhau, thì cũng không vì thế mà tạo thành một quốc gia được, kể cả khi mà công dân của hai nước được phép lấy nhau-một đặc quyền mà chỉ có công dân của một nước mới được hưởng. Thêm vào đó, nếu người dân sống cách xa nhau, nhưng không xa quá đến nỗi không thể có quan hệ nào với nhau, và có những luật lệ chung bảo đảm việc thương mại, thì điều đó cũng không tạo thành một quốc gia. Thí dụ, một người làm nghề mộc, người khác làm nghề nông, người khác nữa làm nghề đóng giày, vân vân, và cứ thế nhân lên mười ngàn lần, thì nếu họ không có điều gì chung ngoại trừ mậu dịch, liên minh, hay những điều tương tự, thì điều đó không đủ để tạo thành một quốc gia. Tại sao lại như thế? Chắc chắn không phải vì khoảng cách: giả sử họ có thể gặp nhau ở cùng một chỗ, nhưng mỗi người vẫn xem căn nhà của mình như thể đó là quốc gia riêng của mình và họ liên kết lại chỉ để ngăn ngừa những kẻ làm bậy, thì nhà tư tưởng đúng đắn vẫn không thể nào coi đó là một quốc gia được khi quan hệ của họ đối với nhau, trước và sau khi kết hợp, vẫn chẳng có gì thay đổi.

Ta thấy rõ ràng một quốc gia không chỉ đơn thuần là một xã hội, có chung một chỗ, được thành lập nhằm ngăn ngừa tội phạm và nhằm mục đích giao thương. Đó là những điều kiện cần thiết mà không có nó thì một quốc gia không thể hiện hữu, nhưng gom hết những điều đó lại vẫn chưa đủ tạo thành một quốc gia: một cộng đồng gồm các gia đình được kết hợp lại trong hạnh phúc nhằm đạt tới một đời sống toàn hảo và tự túc. Những cộng đồng như vậy chỉ có thể được thành lập giữa những người sinh sống tại cùng một chỗ và có quan hệ qua hôn nhân. Trong những thành phố như vậy, các quan hệ gia đình, tình huynh đệ, sự sẻ chia hoạn nạn, cùng những niềm vui gắn kết họ lại với nhau. Nhưng đó mới chỉ là do quan hệ hữu nghị tạo nên, vì tình hữu nghị chính là ý muốn sống chung trong đời sống xã hội; còn mục đích tối hậu của quốc gia là nhắm tới một đời sống “tốt đẹp” và các định chế xã hội chỉ là phương tiện nhằm đạt tới mục đích này. Một quốc gia, như vậy, là sự kết hợp của gia đình và làng mạc thành một đời sống toàn hảo và tự túc, và đó là điều mà ta gọi là một đời sống hạnh phúc và đức hạnh.

Kết luận lại, một xã hội chính trị hiện hữu nhằm tạo ra môi trường cho các hoạt động cao thượng chứ không phải chỉ cho tình hữu nghị. Vì thế, những ai đóng góp nhiều nhất cho quốc gia phải được tưởng thưởng nhiều hơn những người bình đẳng hoặc trội hơn về gốc gác quý tộc hay tự do, hoặc bình đẳng hay trội hơn về tài sản nhưng đức hạnh chính trị kém hơn. Từ những điều vừa được trình bày, ta thấy rõ ràng là cả hai phe ủng hộ dân chủ hoặc quả đầu chỉ mới nắm được một phần của khái niệm về công bằng và công lý mà thôi.

 


[1] Corinth là một thị quốc nằm ở eo biển Corinth nối liền khu vực Peloponnese với Hy Lạp. Peleponnese là đất của các thị quốc thời Cổ Hy Lạp như Sparta, Corinth, Argos. Megara cũng là một thị quốc nằm gần Corinth