Làm sao ngăn chận các sự lấn quyền của chính quyền
Những gì mà ta vừa nói trên đây xác nhận Chương 16, và rõ ràng cho thấy rằng việc thành lập chính quyền không phải là một khế ước, nhưng là một điều luật; và những người được giao phó quyền hành pháp không phải là những chủ nhân ông của dân chúng mà chỉ là những kẻ thừa hành; dân chúng có thể đưa họ lên và cách chức họ tùy theo ý muốn; đối với họ, không có chuyện khế ước mà là tuân thủ, và rằng khi lãnh trách nhiệm trong những chức vụ mà quốc gia giao cho họ, họ không làm gì khác hơn là làm tròn bổn phận công dân mà không có quyền bàn cãi gì hết về các điều kiện [mà họ phải tuân theo].
Khi mà dân chúng thành lập một chính quyền cha truyền con nối, dù đó là quân chủ và hạn chế trong một dòng họ, hay là qúy tộc và hạn chế trong một giai cấp, đó không phải là một lời giao ước mà chỉ là một hình thức tạm thời được giao cho chính quyền cho đến khi dân chúng có một sự lựa chọn khác.
Đúng là những sự thay đổi [thể chế] ấy luôn luôn nguy hiểm, và ta không nên đụng đến chính quyền đã được thành lập trừ khi chính quyền ấy không còn thích hợp cho phúc lợi công nữa; nhưng sự thận trọng đó là một phưong châm chính trị chứ không phải một quy tắc luật pháp, và quốc gia không bị bó buộc phải giao quyền hành dân sự cho những viên chức, hay giao quyền hành quân sự cho các tướng lãnh.
Cũng đúng rằng, trong các trường hợp tương tự, ta không thể quá thận trọng để làm theo đúng quy cách hầu phân biệt đâu là một hành vi đúng đắn và hợp pháp với những hành vi gây rối của một vụ nổi loạn, và phân biệt đâu là ý chí của một dân tộc và đâu là tiếng ồn ào của một phe phái. Nhưng trên hết, ta phải tránh không nhượng bộ thêm những đòi hỏi mang lại bất lợi cho xã hội ngoài những gì mà việc áp dụng luật pháp một cách nghiêm cẩn cho phép. Từ sự bó buộc này kẻ cầm quyền có được một lợi thế lớn để duy trì quyền lực của mình bất chấp dân chúng mà không ai có thể nói là họ đã cưỡng chiếm quyền ấy; bởi vì trong khi có vẻ như chỉ là sử dụng quyền hạn của mình, kẻ cầm quyền nới rộng các quyền ấy ra một cách dễ dàng, và với lý do bảo đảm trật tự công cộng, họ ngăn ngừa các đám đông tụ họp để tái lập trật tự. Với sự im lặng vừa được áp đặt lên quần chúng, nhà cầm quyền dùng điều này, như một bằng chứng, để tuyên bố là được sự ủng hộ của quần chúng (những người không dám lêm tiếng vì sợ sệt,) và dùng những rối ren do chính họ gây ra để làm cái cớ trừng trị những người dám lên tiếng phản đối. Đó cũng là những gì mà nhóm Thập Nghị Viên (Decemvirs) đã làm: được bầu lên trong thời hạn một năm, và tự lưu nhiệm thêm một năm nữa. Họ đã muốn cầm quyền vô hạn định bằng cách cấm các ủy ban nhóm họp. Bằng phương pháp đơn giản này mọi chính quyền trên thế giới, một khi đã nắm quyền hành, sớm hay muộn sẽ tiếm quyền tối thượng [của Hội đồng Tối cao].
Những buổi nghị hội [của toàn dân] theo định kỳ mà tôi đã nêu trước đây có mục đích ngăn chận tệ hại này, nhất là khi dân chúng không cần phải được triệu tập theo thủ tục. Như vậy, kẻ cầm quyền không thể ngăn chận các buổi nghị hội ấy mà không khỏi tự công khai nhận mình là kẻ vi luật và là một kẻ thù của quốc gia.
Trong phần khai mạc của các buổi nghị hội đó – mà mục tiêu duy nhất là duy trì khế ước xã hội – có hai đề nghị mà không ai có thể bác bỏ được và phải được bỏ phiếu hai lần riêng biệt.
Đề nghị thứ nhất: “Hội Đồng Tối Cao có vui lòng giữ lại hình thức hiện có của chính quyền không?”
Đề nghị thứ hai: “Dân chúng có vui lòng giao quyền cai trị cho những kẻ hiện đang nắm giữ nó không?”
Ở đây, tôi cho rằng tôi đã chứng minh được điều là trong một quốc gia không có điều luật căn bản nào mà lại không thể thu hồi được, ngay cả khế ước xã hội. Nếu tất cả các công dân tụ họp lại và đồng lòng xé bỏ khế ước đó, thì không còn nghi ngờ gì nữa, khế ước đó bị hủy bỏ một cách hợp pháp. Grotius còn cho rằng mỗi công dân còn có thể từ bỏ quốc gia của mình và lấy lại sự tự do thiên nhiên và của cải của mình khi đi ra khỏi nước.[1] Thật là vô lý nếu tất cả các công dân tụ họp lại mà không thể làm được điều mà một công dân đơn độc có thể riêng rẽ làm được.
© Học Viện Công Dân 2007
Ghi chú:
[1] Đương nhiên là không kể trường hợp người công dân ra đi để tránh bổn phận của mình, hay là tránh phục vụ tổ quốc khi cần thiết. Việc ra đi trong những trường hợp đó là phạm tội và đáng bị trừng phạt. Đó không phải là rút lui mà là đào ngũ.