fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 17

  Thành lập chính quyền

Vậy thì ta phải quan niệm việc thành lập chính quyền như thế nào? Tôi tuyên bố ngay rằng đây là một hành vi phức tạp vì nó bao gồm hai việc làm khác nhau: việc thành lập luật pháp và việc thi hành luật pháp.

Qua việc làm thứ nhất, Hội đồng Tối cao ra sắc lệnh rằng sẽ có một cơ cấu cầm quyền dưới hình thức này hay hinh thức nọ; việc làm này rõ ràng là một đạo luật.

Qua việc làm thứ hai, dân chúng bổ nhiệm các viên chức có trách nhiệm điều hành chính quyền vừa được thành lập. Sự bổ nhiệm này, vì rõ ràng là một hành động đặc thù, cho nên không thể được xem là đạo luật thứ hai, mà chỉ là kết quả của đạo luật thứ nhất và là một nhiệm vụ của chính quyền.

Điều khó hiểu là làm thế nào lại có một hành vi xuất phát từ chính quyền trước khi có chính quyền, và tại sao dân chúng, hoặc chỉ là Hội đồng Tối cao hoặc chỉ là thần dân mà trong một số trường hợp nhất định, có thể trở thành nhà cầm quyền hay quan chức.

Chính ở điểm này ta có thể thấy một trong những đặc tính của cơ cấu chính trị: đặc tính này có thể hoà giải những hành động bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau; sự kiện này được hoàn thành bằng sự chuyển hoá đột ngột từ Quyền Tối Thượng thành ra dân chủ; cho nên, không cần có một sự thay đổi rõ rệt và chỉ bằng một sự quan hệ mới giữa tất cả mọi người với nhau, các công dân trở thành những quan chức, và chuyển từ các hành động tổng quát đến các hành động đặc thù, từ việc làm luật qua việc thi hành luật.

Sự thay đổi mối quan hệ này không phải là một [kết quả của] suy luận có tính cách lý thuyết, và chưa từng được thực hiện. Điều này là việc thường xảy ra trong Quốc hội nước Anh: Hạ Viện, trong một số trường hợp nhất định, trở thành Ủy Ban để thảo luận công việc cho có hiệu quả; và như vậy, [Hạ Viện] có khi là cơ cấu có quyền tối thượng, khi khác lại trở thành một ủy ban bình thường; thành ra ủy ban này lại phúc trình cho chính mình, lúc này là Hạ Viện, kết quả của sự thảo luận trong Ủy Ban, và một lần nữa các vấn đề đã được quyết định dưới danh nghĩa này (Ủy ban) lại được đưa ra thảo luận dưới danh nghĩa khác (Hạ Viện).

Thật vậy đây là một lợi ích đặc biệt của chính quyền dân chủ vì chính quyền này có thể được thành lập chỉ bằng một hành vi đơn giản của ý chí tập thể. Sau đó, chính phủ tạm thời này tiếp tục cầm quyền nếu hình thức đó được chấp thuận, hay là nhân danh Hội đồng Tối cao thành lập một [mô hình] chính quyền khác theo như luật định; và như vậy toàn thể sự việc tiến hành trong trật tự. Ta không thể thành lập một chính quyền hợp pháp nào mà lại không theo các thể thức vừa kể và không phù hợp với các nguyên tắc đã nêu trên.

© Học Viện Công Dân 2007