fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển IV

Chương 1

Ý chí tập thể không thể bị tiêu diệt

 

Bất cứ khi nào một nhóm người họp lại và tự xem mình là một đoàn thể duy nhất thì họ chỉ có một ý chí duy nhất hướng về sự bảo tồn và hạnh phúc chung. Trong trường hợp đó, tất cả mọi động lực của quốc gia đều mạnh mẽ và giản dị, và các luật lệ rõ ràng và sáng sủa; không có những rắc rối hay xung đột vì tư lợi; lợi ích chung hiển nhiên ở khắp mọi nơi, và chỉ cần có lương tri là nhận thấy ngay. Hòa bình, đoàn kết, bình đẳng là kẻ thù của những xảo quyệt chính trị. Chính nhờ ở tính tình hồn nhiên mà những người thẳng thắn và đơn giản khó thể bị lừa; những mồi bẫy, những luận thuyết khéo léo không đánh lừa họ được, vì thật ra họ không đủ sắc xảo để bị những xảo ngôn lừa bịp. Khi, trong số các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, ta thấy những nhóm nông dân [tụ họp lại để] giải quyết công việc quốc gia dưới gốc cây sồi, và bao giờ họ cũng hành động một cách khôn ngoan, thì làm sao mà ta không khinh miệt các biện pháp tinh xảo của các quốc gia khác, những biện pháp đã làm cho họ trở nên nổi tiếng và [cũng] khốn khổ vì xảo thuật và các điều thần bí?

Một quốc gia được cai trị như vậy cần rất ít luật lệ; và khi nào ai cũng thấy cần phải có luật lệ mới thì lúc ấy luật lệ mới sẽ được ban hành. Người đầu tiên đề nghị ban hành các luật lệ ấy chỉ cần nói ra những gì mà tất cả đều nhận thấy, khi người đó chắc chắn rằng mọi người đều sẽ hành động như mình, thì [lúc đó] không cần đến âm mưu, tài hùng biện để thông qua những điều mà mọi người đã quyết ý làm.

Các nhà lý luận bị nhầm lẫn vì chỉ thấy các quốc gia bị tổ chức sai lầm ngay từ đầu, nên không thể áp dụng một chính sách tương tự như thế được. Họ cười khi tưởng tượng đến tất cả những điều rồ dại mà một kẻ ranh mãnh khôn ngoan hay một tay ăn nói khéo léo có thể làm cho dân chúng các thành phố Ba Lê hay Luân Đôn tin tưởng. Nhưng họ không biết rằng Cromwell lẽ ra đã bị dân thành phố Berne “buộc chuông vào cổ”[a] và quận công de Beaufort bị dân thành phố Geneve “buộc vào cái cối xay.”[b].

Nhưng, khi sự đoàn kết xã hội bắt đầu lỏng lẻo và quốc gia bắt đầu suy yếu, khi những quyền lợi riêng tư bắt đầu xuất hiện vì những phe nhóm trong xã hội ảnh hưởng đến xã hội chung, thì lợi ích chung thay đổi và gặp phải những chống đối: không còn có sự đồng ý chung nữa; ý chí tập thể không còn là ý chí của tất cả mọi người; mâu thuẫn và tranh luận xảy ra, và ý kiến hay nhất cũng không được chấp thuận mà không bị tranh cãi.

Cuối cùng, khi quốc gia, trước ngưỡng cửa của sự suy vong, chỉ còn là một hình thức, hão huyền và vô ích, khi trong tâm trí mọi người mối dây liên hệ xã hội đã bị đứt, khi quyền lợi đê tiện nhất đã trơ tráo mang tên cái danh thiêng liêng: “lợi ích công cộng,” thì ý chí tập thể im tiếng: mọi người đều bị hướng dẫn bởi những lý do thầm kín, không còn phát biểu ý kiến của mình với tư cách là công dân nữa, làm như là quốc gia không bao giờ hiện hữu; và những sắc lệnh bất công chỉ phục vụ cho quyền lợi riêng tư được thông qua như là những luật lệ.

Từ đó ta có thể cho rằng ý chí tập thể bị tiêu diệt hay bị làm hư hỏng không? Tuyệt đối không: nó luôn luôn bền vững, không thay đổi và trong sạch; nhưng nó bị lệ thuộc vào những ý chí khác mạnh hơn nó. Mỗi cá nhân, khi tách quyền lợi riêng của mình ra khỏi quyền lợi chung nhận thấy mình không thể hoàn toàn tách ra được, nhưng phần [lỗi] của mình trong cái xấu chung dường như không đáng kể, so với cái tốt mà anh ta muốn chiếm làm độc quyền. Ngoài cái tốt riêng rẽ này, ý chí muốn chiếm cái tốt chung để làm của riêng của người này cũng mạnh mẽ như ý chí của các người khác. Ngay cả khi bán lá phiếu của mình để lấy tiền, anh ta không dập tắt ở nơi mình cái ý chí tập thể mà chỉ trốn tránh nó. Cái lỗi anh ta vi phạm là thay đổi bản chất của câu hỏi và trả lời khác đi câu hỏi được đặt cho anh ta. Khi bỏ phiếu, thay vì nói: “lá phiếu này làm lợi cho quốc gia,” thì anh ta nói: “lá phiếu này làm lợi cho người này hay đảng này để cho việc này được thông qua.” Vậy thì luật về trật tự công cộng trong các buổi họp không phải chính là để gìn giữ ý chí tập thể mà để bảo đảm rằng luôn luôn có câu hỏi được đặt ra và luôn luôn có câu trả lời theo chiều hướng đã được vạch sẵn.

Ở đây, tôi có thể đưa ra nhiều ý tưởng về quyền bỏ phiếu trong mọi hành động của Quyền Tối Thượng – một quyền của công dân mà không ai có thể tước bỏ được – và các quyền phát biểu ý kiến, đưa đề nghị, phân tách và tranh luận, những quyền mà chính quyền luôn luôn cẩn thận chỉ dành cho thành viên của mình. Nhưng cần có một cuốn sách dành riêng cho mục quan trọng này, và tôi không thể nói hết được trong cuốn sách này.

 

© Học Viện Công Dân 2007

_________

[a] Thành phố Berne có lệ buộc chuông vào cổ những tù nhân được đi làm lao dịch ngoài nhà tù (theo ghi chú của Maurice Cranston).

[b] Thành ngữ của Genève, có nghĩa là kỷ luật dành cho những tên láu cá đang bị nhốt trong tù (theo ghi chú của Maurice Cranston).