fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Luật pháp

Với khế ước xã hội, chúng ta đã tạo nên và đem lại sự sống cho cơ cấu chính trị: bây giờ ta phải đem lại sinh hoạt và ý chí cho nó qua luật pháp. Bởi vì hành động nguyên thủy cấu tạo và kết hợp cơ cấu này chưa xác định nó phải làm gì để tự bảo tồn.

Cái gì tốt và đúng với trật tự của thiên nhiên là do bản chất của sự vật chứ không do quy uớc của con người. Mọi công lý đến từ Đức Chúa Trời, và Ngài là nguồn gốc duy nhất của Công Lý; nhưng nếu chúng ta mà biết cách tiếp nhận nguồn công lý cao siêu như vậy, thì chúng ta sẽ chẳng cần đến chính phủ và cả đến luật pháp. Hiển nhiên là phải có một loại công lý có tính phổ cập đến tất cả mọi người, và từ lý trí mà ra; nhưng muốn được chúng ta chấp nhận, thì công lý này phải có tính tương hoán giữa người với người. Cứ theo bản tính của con người mà nói thì luật pháp của công lý thiên nhiên không có hiệu quả với con người, vì thiếu tính chế tài; chúng chỉ làm lợi cho kẻ xấu, và làm hại người công bằng, vì người công bằng tôn trọng luật pháp với tất cả mọi người, trong khi đó kẻ xấu thì lại bất tuân luật lệ.

Vậy thì phải có những quy ước và những luật pháp để kết hợp quyền lợi với bổn phận và đem công lý về với đối tượng của nó. Trong trạng thái thiên nhiên khi mà mọi sự là của chung, tôi không nợ ai điều gì khi tôi không hứa gì với họ cả; tôi công nhận rằng chỉ những cái gì không ích lợi cho tôi mới thuộc về người khác. Sự việc không phải như vậy trong xã hội văn minh, mà ở đó quyền của mọi người được ấn định bởi luật pháp.

Vậy thì rốt cuộc luật pháp là gì? Nếu chúng ta chỉ cố gắng định nghĩa từ này bằng những ý niệm siêu hình, thì ta sẽ tiếp tục tranh luận mà không đi đến sự đồng thuận với nhau, và ngay cả khi ta đã định nghĩa được luật của thiên nhiên là gì, thì không chắc lúc ấy ta đã thấu hiểu luật của quốc gia là gì.

Tôi đã nói rằng không có một ý chí tập thể dành cho một đối tượng riêng rẽ. Một đối tượng như vậy phải nằm trong hay nằm ngoài quốc gia. Nếu nó ở ngoài quốc gia, thì đối với nó, ý chí tập thể là một ý chí khác biệt; nếu đối tượng này nằm ở trong quốc gia thì nó là một phần tử của cộng đồng, và như vậy tạo ra một quan hệ giữa hai phần tử tách biệt, gồm có phần tử này là một cơ cấu, và tổng thể trừ phần tử này ra là một cơ cấu khác. Nhưng một tổng thể mà lấy một phần tử ra thì không còn là một tổng thể nữa, và khi mà sự tương quan này còn tồn tại thì không có tổng thể nữa mà chỉ có hai phần không bằng nhau; từ đó ta có thể nói rằng ý chí của một phần không còn là tổng thể đối với phần kia.

Nhưng khi toàn thể dân chúng ra sắc luật cho toàn thể dân chúng, đó chỉ là nghĩ đến chính mình; và nếu có một quan hệ nào xảy ra thì đó là việc giữa hai khía cạnh của một tổng thể toàn diện chứ không phải một sự việc phân chia tổng thể. Trong trường hợp này, khi một đạo luật được tạo thành và phản ảnh được cả tập thể dân chúng cũng như ý chí tập thể, thì đạo luật này được tôi gọi là luật pháp.

Khi tôi nói rằng đối tượng của các điều luật luôn luôn là tổng quát, tôi muốn nói rằng luật pháp được áp dụng cho toàn thể các thành viên của tập thể và các hành động được hiểu một cách trừu tượng, chứ luật không áp dụng cho riêng một cá nhân nào hay vì một hành động đặc thù nào. Vì vậy, luật pháp có thể ấn định rằng sẽ có những đặc quyền, nhưng không thể ban đặc quyền ấy cho một cá nhân nào với tên tuổi rõ ràng; luật pháp có thể tạo nhiều giai cấp công dân, ngay cả ấn định những tiêu chuẩn để xếp loại những giai cấp đó, nhưng luật pháp không thể chỉ định người này hay người kia thuộc vào một giai cấp này hay giai cấp khác; luật pháp có thể thiết lập một nền quân chủ với việc cha truyền con nối nhưng không thể chọn một vị vua hay chỉ định một hoàng tộc. Tóm lại, tất cả mọi chức vụ liên hệ đến một đối tượng riêng rẽ đều không thuộc thẩm quyền của lập pháp.

Về vấn đề này, ta thấy ngay rằng không cần phải hỏi ai là người làm luật bởi vì đó là hành động của ý chí tập thể; cũng không cần phải hỏi người cầm quyền có ở đứng trên luật pháp hay không vì nguời ấy là thành viên của quốc gia; cũng không cần phải hỏi liệu luật pháp có công bằng hay không, vì chẳng có ai mà lại đi bất công với chính mình; cũng không hỏi vì sao mà ta vừa được tự do vừa phải tuân theo luật pháp, bởi vì luật pháp chỉ là những gì thể hiện ý chí của chúng ta.

Nhìn xa hơn ta còn thấy rằng, vì luật pháp kết hợp tính chất chung của ý chí với tính chất chung của đối tượng, cho nên, điều gì mà một người – bất kể là ai – dùng quyền của mình để ra lệnh thì đó không phải là luật; điều gì mà Hội đồng Tối cao đưa ra về một đối tượng riêng rẽ cũng không phải là điều luật, nhưng đó chỉ là một sắc lệnh, không phải là một đạo luật của quyền tối thượng mà là một hành vi của chính quyền.

Vậy theo tôi, từ “Cộng Hòa” là dành cho bất cứ quốc gia nào đuợc cai trị bằng luật pháp, dù dưới bất cứ hình thức hành chánh nào: vì chỉ chính trong môi trường đó mới có sự cai trị của quyền lợi công, và cái gọi là “công vụ” [a] mới trở thành một hiện thực. Tất cả mọi chính quyền hợp pháp là cộng hòa [1]: tôi sẽ giải thích chính quyền là gì trong các phần sau.

Nói rõ hơn, luật pháp chỉ là những quy ước của sự kết hợp dân sự. Dân chúng chịu quyền của luật pháp nên cũng phải là những người làm ra luật; quyền này chỉ thuộc những người kết hợp lại để thành lập xã hội: nhưng họ điều hòa bằng cách nào? Có phải bằng một sự thỏa thuận chung, hay bằng một cảm hứng đột khởi? Cơ cấu chính trị có một cơ quan để đưa ra các ý chí chung không? Ai cho cơ cấu này sự viễn kiến cần thiết để làm ra những đạo luật và tuyên cáo trước [cho dân biết]. Hay làm sao để thông báo luật lệ đến dân chúng khi cần? Làm sao mà một đám đông mù loà thường không biết mình muốn gì và ít khi biết cái gì tốt cho mình lại có thể đảm nhận một công việc lớn lao và khó khăn như là hệ thống lập pháp? Dân chúng luôn luôn muốn cái tốt cho chính mình, nhưng ít khi họ thấy được những cái tốt đó là gì. Ý chí tập thể luôn luôn đúng, nhưng sự phán đoán để đưa đến các hành động thường không phải lúc nào cũng sáng suốt . Nó phải thấy các sự vật dưới thực chất hiện tại của chúng, và đôi khi cũng phải nhận diện được là tình trạng hiện tại của chúng chưa đạt đến điều cần có; nó phải được hướng dẫn đến con đường tuyệt hảo mà nó đang đi tìm và bảo đảm rằng nó sẽ không bị những ảnh hưởng của các ước muốn cá nhân quyến rũ; nó phải được hướng dẫn để nhận thấy không gian và thời gian như là một chuỗi dài nối tiếp nhau; và nó phải biết cân nhắc những quyến rũ trước mắt và lợi ích hiện tại với những nguy hiểm và những tai họa đang rình rập trong tương lai. Các cá nhân nhìn thấy cái tốt mà rồi lại từ bỏ đi; quần chúng muốn cái tốt nhưng mà lại không thấy. Cả hai bên đều cần sự hướng dẫn. Cá nhân phải buộc ước muốn tuân theo lẽ phải; và quần chúng phải được dạy bảo để biết mình muốn gì. Nếu việc đó được thực hiện, sự sáng suốt của quần chúng sẽ dẫn đến sự kết hợp giữa sự thông cảm và ý chí của cơ cấu xã hội: từ đó các phe phái sẽ làm việc chặt chẽ với nhau và tổng thể sẽ được nâng lên mức mạnh nhất. Sự kiện này cho thấy cần phải có nhà làm luật.

 


[1] Tôi không dùng chữ này để chỉ một chế độ quý tộc hay dân chủ, mà tổng quát mọi chính phủ được hướng dẫn bởi ý chí tập thể, tức là luật pháp. Để được hợp pháp, chính phủ không phải là Hội đồng Tối cao, nhưng là người thừa hành; như vậy, ngay cả một nền quân chủ cũng là một Cộng Hòa. Sự kiện này sẽ được nói rõ hơn trong cuốn sau.

[a] “Res publica” là một thuật ngữ tiếng La-tinh, đã được sử dụng từ thời Cổ Hy Lạp và La Mã, nghĩa căn bản là tất cả những gì thuộc về “của công;” nghĩa bóng chỉ một hệ thống các cơ quan của nhà nước, hay vắn tắt hơn, chỉ nhà nước. Cicero trong tác phẩm De re publica (thế kỷ thứ nhất trước công nguyên) đã dùng res publica để chỉ các “việc công” và chính trị.