fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 7

Nhà làm luật

 

Hầu tìm được những luật lệ của xã hội thích ứng nhất cho các quốc gia, cần phải có một người có sự thông minh siêu tuyệt để có thể thấu hiểu những nhiệt tình của con người mà vẫn không bị ảnh hưởng của thất tình, lục dục, một con người mà hạnh phúc độc lập với con người nhưng lại quan tâm đến hạnh phúc của con người, một con người mà sẵn sàng làm việc ở đời này cho kết quả ở đời sau.[1] Chỉ có thần thánh mới là một “người” như vậy.

Trong khi Caligula lý luận dựa trên sự kiện thì Plato trong tác phẩm “Politicus” dựa trên luật để định nghĩa quyền căn bản của một con người bình thường hay các vị vua chúa. Nhưng nếu những vị cai trị danh tiếng đã hiếm, thì các nhà làm luật danh tiếng còn hiếm hơn bao nhiêu lần? Nhà cai trị chỉ vận hành theo các đường hướng mà nhà làm luật đặt ra. Nhà làm luật là người kỹ sư phát minh ra cái máy, người cai trị chỉ là người ráp máy và làm cho nó chạy. Montesquieu đã nói: “Lúc ban đầu khi các xã hội được hình thành, các nhà cầm quyền của nền Cộng Hoà đặt ra các định chế, và sau đó các định chế lại định hình các nhà cầm quyền.”[2]

Kẻ nào dám đứng ra tạo thể chế của một dân tộc phải cảm thấy rằng mình có thể làm thay đổi bản tính của con người; có thể biến đổi mỗi cá nhân từ một tổng thể hoàn bị và cô đơn ra thành phần tử của một tổng thể lớn hơn mà từ đó anh ta nhận được đời sống và sự tồn tại của mình; có thể sửa đổi thể trạng của con người để cho nó tốt hơn; có thể thay thế đời sống vật chất và sự độc lập mà tất cả chúng ta nhận được từ thiên nhiên bằng một đời sống chung [với cộng đồng] và đạo đức. Tóm lại, người đó phải lấy ra khỏi con người các sức mạnh mà thiên nhiên cho nó, và thay vào đó là những sức mạnh ngoại tại mà nó chỉ có thể sử dụng các sức mạnh mới này khi có sự giúp đỡ của người khác. Các sức mạnh từ thiên nhiên càng bị hủy diệt hoàn toàn thì các sức mạnh mới nhận được càng lớn và lâu dài và thể chế càng chắc chắn và hoàn hảo hơn; thế nên, vì mỗi cá nhân công dân không là gì cả và không thể làm gì cả nếu không có những người khác trợ giúp, và khi sức mạnh mới nhận được bởi tổng thể bằng hay lớn hơn tổng số sức mạnh thiên nhiên của tất cả mọi người, thì ta có thể nói rằng nền lập pháp đã đạt đến mức hoàn mỹ nhất mà nó có thể đạt được.

Xét trên mọi phương diện, nhà làm luật chiếm một vị trí phi thường trong quốc gia. Phi thường không những vì ông ta là một thiên tài, mà còn vì chức vụ; nhưng chức vụ này lại không thuộc nhà nước cũng không thuộc Hội đồng Tối cao. Chức vụ này tạo nên nền cộng hoà nhưng không ở trong hiến pháp. Đó là một chức vụ đặc biệt không có điểm gì chung với thế giới con người; bởi vì kẻ nào làm chủ con người thì không thể làm chủ luật pháp, và kẻ nào làm chủ luật pháp thì cũng không thể làm chủ con người; nếu không các điều luật của anh ta sẽ chỉ là kẻ thừa hành của xúc cảm và sẽ duy trì các nỗi bất công: các mục đích riêng tư của anh ta chắc chắn sẽ làm hư hỏng tính cách thiêng liêng của công trình của mình.

Khi Lycurgus làm luật cho xứ sở của ông ta, việc ông làm trước nhất là từ bỏ ngai vàng. Phần lớn các thành phố Hy Lạp có tục lệ giao cho người ngoại quốc làm luật cho mình. Các Cộng Hoà ở Ý thời nay thường bắt chước làm như vậy; Cộng Hoà Genève cũng theo gương như thế và thấy có kết quả tốt.[3] La Mã, trong thời kỳ thịnh vượng nhất, đã phải khổ sở, và lắm lúc gần như bị sụp đổ vì tội ác của các bạo chúa lại xảy ra, khi quyền lập pháp và quyền tối thượng nằm trong tay một người.

Tuy nhiên ngay cả các thành viên trong Hội Đồng 10 người (decemvirs) không bao giờ đòi quyền tự đưa ra luật pháp. Họ tuyên bố với dân chúng: “Những gì mà chúng tôi đề nghị không bao giờ trở thành luật nếu đồng bào không đồng ý. Hỡi dân La Mã, hãy tự mình là những nhà làm luật để đem lại hạnh phúc cho chính mình.”

Vậy nên kẻ làm luật không có hay không được có thẩm quyền lập pháp nào, và ngay cả dân chúng, khi muốn cũng không được từ bỏ cái quyền không thể chuyển nhượng này, bởi vì theo khế ước căn bản chỉ có ý chí tập thể mới ràng buộc được các cá nhân; và không có gì bảo đảm rằng ý chí của một cá nhân sẽ đồng thuận với ý chí tập thể cho đến khi nó được đưa ra để dân chúng đầu phiếu tự do. Tôi đã nói đến việc này rồi nhưng nó vẫn đáng được lập lại.

Vì vậy trong việc làm luật chúng ta thấy có hai việc mà dường như không tương hợp với nhau: thứ nhất đó là một công tác quá khó khăn cho sức người, và thứ hai là một chính quyền không có thẩm quyền để làm luật.

Còn có một khó khăn khác đáng cho chúng ta lưu ý. Các nhà thông thái, nếu dùng ngôn ngữ của mình để nói với người dân thường, thay vì dùng ngôn ngữ bình dân, sẽ khó làm cho người dân hiểu hết những tư tưởng của mình, vì có cả hàng ngàn tư tưởng không thể chuyển tải được bằng ngôn ngữ bình dân. Những khái niệm quá tổng quát và những sự vật quá xa vời cũng ở ngoài tầm hiểu biết của họ: mỗi cá nhân- thường không quan tâm đến bất cứ kế hoạch nào của chính phủ ngoài những gì thích hợp cho quyền lợi riêng tư của mình-khó nhận thức được các lợi ích mà anh ta có thể rút tỉa được từ những luật lệ tốt được ban hành. Để cho một dân tộc mới được thành lập có thể hưởng ứng một cách nhiệt tình những nguyên tắc khôn ngoan của chính trị và tuân theo các luật lệ căn bản của quốc gia thì hiệu quả phải trở thành nguyên nhân; tinh thần xã hội phải là điều kiện tiên quyết để tạo ra các thể chế, và con người, phải là những con người có tinh thần xã hội trước khi luật pháp được tạo thành, và lại phải chịu sự chi phối của pháp luật. Vậy thì nhà làm luật, vì không thể sử dụng được sức mạnh hay lý luận, phải cần có một quyền lực từ một cơ chế khác để ép buộc mà không dùng võ lực và làm cho người ta tin mà không cần phải chứng minh.

Đó cũng là lý do tại sao mà, từ trước đến nay các nhà lập quốc phải nhờ đến các Đấng Thiêng Liêng và tôn vinh các thần thánh đã cho họ có sự khôn ngoan [khi làm luật], để cho dân chúng quy phục luật lệ của quốc gia cũng như luật của thiên nhiên; và chấp nhận quyền lực này trong sự hình thành của con người và của thị quốc (City), [có như vậy] thì người dân mới tự tuân phục luật lệ và ngoan ngoãn khoác lên mình cái ách của hạnh phúc công cộng.

Cách lập luận cao siêu này vượt qua khỏi sự hiểu biết của con người thường, và cũng là cách mà nhà làm luật nói rằng các quyết định của họ là do thần thánh truyền dạy; họ dùng thần quyền để kềm chế những kẻ mà sự khôn ngoan của con người vẫn không thuyết phục được.[4] Nhưng không phải ai cũng có thể nói rằng các thần thánh phát biểu như vậy, hay có thể tự cho mình là người thông dịch của thần linh. Chính tâm hồn cao cả của nhà làm luật mới thật sự là phép lạ chứng minh cho sứ mệnh của mình. [Vì thực ra], ai cũng có thể khắc những tấm bia đá, hay mua một lời tiên tri, hay rêu rao là đã được giao dịch bí mật với một vị thần nào đó, hay huấn luyện một con chim để nói thì thầm vào tai anh ta, hoặc bày ra những trò hoa hòe hoa sói để gây ấn tượng với người khác. Nhưng kẻ nào chỉ biết làm những việc như vậy có thể tụ tập quanh hắn ta một đám đông khờ dại, và sẽ không bao giờ lập được một quốc gia, và các trò ngông cuồng của hắn sẽ mau chóng tàn lụi. Những trò gian trá màu mè và vô bổ chỉ tạo nên một mối quan hệ phù phiếm, chỉ có sự khôn ngoan mới làm cho mối quan hệ trở nên lâu dài. Luật Do Thái, mà hiện nayvẫn còn tồn tại qua hậu duệ của Ishmael, đã thống trị trên một nửa thế giới từ 10 thế kỷ nay và vẫn còn tuyên xưng các vĩ nhân đã làm ra các luật đó; và mặc dù sự kiêu ngạo của triết học hay sự mù quáng của bè phái chỉ xem những vĩ nhân này là những kẻ giả danh may mắn, thì các nhà chính trị chân chính, qua các định chế đã được kiến tạo, ngưỡng mộ thiên tài vĩ đại của những bậc đã kiến tạo nên các công trình bền vững với thời gian.

Dù sao, ta cũng không nên kết luận như Warburton, rằng chính trị và tôn giáo có chung một mục đích, nhưng trong những thời điểm khởi đầu khi lập quốc, yếu tố này được sử dụng như là một phương tiện cho yếu tố kia.

 

Ghi Chú

[1] Một dân tộc chỉ nổi tiếng khi nền luật pháp của họ bắt đầu thoái hoá. Chúng ta không biết hệ thống của Lycurgus giúp dân thành Sparta được hạnh phúc trong bao nhiêu thế kỷ trước khi phần còn lại của Hy Lạp biết được chuyện này.

[2] Montesquieu ‘’The Greatness and Decadence of the Romans” ch.i

[3] Những người chỉ biết Calvin như là một nhà thần học đánh giá quá thấp thiên tài của ông ta. Ông đã dự một phần lớn trong việc soạn thảo các sắc lệnh, và công việc này đem lại cho Calvin nhiều danh dự như cuốn ‘’Institute” không biết thời gian có đem lại thay đổi gì cho tôn giáo của chúng ta không, nhưng chừng nào mà tinh thần ái quốc và tự do còn sống trong chúng ta thì ông ta vẫn còn được tưởng niệm và tôn trọng.

[4] Machiavelli nói: ‘’Thật ra, ở bất cứ xứ nào, không bao giờ có một nhà làm luật phi thường nào mà lại không cần đến Chúa; nếu không làm như vậy, luật của ông ta không bao giờ được chấp nhận: thật ra, có những sự thật ích lợi mà nhà làm luật hiểu được tầm quan trọng; và các sự thật đó mang trong chúng những bằng chứng hiển nhiên để có thể thuyết phục kẻ khác.” (Discourses on Livy, Bk.v, ch.xi)