fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 8

Chương VIII

Nhưng có những khó khăn [trong việc phân loại] các hình thức chính quyền và ta cần phải bàn sâu thêm về bản chất của từng loại, bởi vì những ai muốn nghiên cứu thấu đáo theo phương pháp triết học, chứ không phải chỉ về phương diện thực dụng mà thôi, cần phải xem xét mọi khía cạnh và không được bỏ sót một điều nào, và tìm cho ra chân lý trong từng trường hợp cá biệt. Chế độ bạo quân, như tôi đã nói, là một quân vương áp dụng quyền lực của chủ nhân trên xã hội; chế độ quả đầu là khi giai cấp tư sản nắm chính quyền trong tay; chế độ dân chủ, ngược lại, là khi những kẻ bần cùng nắm chính quyền. Và tại điểm này ta gặp một vấn nạn liên quan đến sự phân định ta vừa nêu trên. Vì chế độ dân chủ còn được hiểu là chính quyền thuộc về số đông, nhưng nếu số đông đó lại là những người có tài sản thì đó là loại chế độ gì? Tương tự như vậy, chế độ quả đầu thường được hiểu là chính quyền nằm trong tay một thiểu số, nhưng nếu thiểu số này lại thuộc thành phần nghèo thì sao? Trong hai trường hợp này sự phân định các loại chính quyền ta đề ra trước đây không còn đúng nữa. Hãy giả thiết thêm một lần nữa là nếu ta cho thành phần thiểu số có tài sản và thành phần đa số là dân nghèo và đặt lại tên như sau: quả đầu là chế độ thành phần thiểu số giàu có nắm quyền, còn dân chủ là chế độ do đa số dân nghèo nắm quyền, thì ta cũng vẫn còn gặp một vấn nạn. Bởi vì ta vẫn không biết gọi như thế nào một chế độ mà trong đó đa số là người giàu và thiểu số là người nghèo.

Lý luận trên cho thấy một điều là trong trường hợp quả đầu hay dân chủ, con số những người nắm quyền, đa số trong trường hợp dân chủ và thiểu số trong trường hợp quả đầu, chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên vì theo lệ thường không có nhiều người giàu còn người nghèo thì đông vô số. Nhưng nếu đúng như vậy thì đó chính là yếu tố tạo nên sự lầm lẫn trong việc phân biệt sự khác nhau giữa hai loại này. Sự khác biệt thật sự giữa dân chủ và quả đầu nằm ở chỗ nghèo và giàu. Do đó, bất kỳ ở đâu khi những người cai trị là những người giàu có, bất kể đó là số ít hay nhiều, đó chính là chế độ quả đầu; còn nếu người nghèo cai trị, thì đó là chế độ dân chủ. Sự kiện trong một xã hội có ít người giàu và có đông người nghèo là một thực tế, nhưng cả hai thành phần này đều là những người tự do, và như thế, tài sản cũng như sự tự do mới là căn bản thực sự cho hai phe quả đầu và dân chủ dùng để tranh thủ quyền lực chính trị.