fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 8

Chương VIII

Bây giờ ta hãy tìm hiểu một cách tổng quát về tài sản, và nghệ thuật tích lũy tài sản cũng theo phương thức phân tích và truy nguyên [từ các phần tử tới cái tổng thể và từ sự phát triển từ đầu cho đến kết quả cuối cùng], vì một nô lệ cũng được xem là một phần của tài sản. Câu hỏi đầu tiên là có phải nghệ thuật tích lũy tài sản cũng giống như nghệ thuật quản trị gia đình, hay chỉ là một phần của nghệ thuật này, hay chỉ là phần phụ thuộc. Nếu là phần phụ thuộc, thì nó có giống như [quan hệ] giữa nghệ thuật làm ra con thoi và nghệ thuật dệt vải, hay [quan hệ] giữa nghệ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng. Hai nghệ thuật phụ thuộc này không giống nhau; một đằng là tạo ra dụng cụ, và một đằng là tạo ra vật chất. Vật chất, tôi muốn nói đến ở đây, là sản phẩm được tạo ra từ một công việc, như vậy, sợi len đối với người thợ dệt là vật chất làm nên vải, và đồng đối với người thợ đúc tượng cũng như vậy. Đến đây ta thấy rõ ràng là nghệ thuật quản trị hộ gia đình và nghệ thuật tích lũy tài sản là hai nghệ thuật khác nhau, vì một đằng là sử dụng vật chất đã được đằng kia tích lũy. Nhưng câu hỏi nghệ thuật tích lũy tài sản [nếu không phải là nghệ thuật quản trị hộ gia đình] có phải là một phần của nghệ thuật này hay không, hay hoàn toàn khác, lại đưa đến một câu hỏi khác. Nếu người chịu trách nhiệm đi thu thập tài sản và của cải phải nghiên cứu xem có thể lấy về từ những nguồn khác nhau, thí dụ như từ canh nông, hay từ việc thu giữ và tích trữ thực phẩm, thì ta có xem đó là một nghệ thuật tích lũy tài sản hay không, hay là một loại nào khác nữa? Thêm vào đó, có nhiều loại thực phẩm, và như thế có nhiều đời sống khác nhau, điều này đúng cho thú vật và cũng đúng cho cả con người nữa. Tất cả đều cần có thực phẩm, và các loại thực phẩm khác nhau đưa đến cách sống khác nhau. Thú vật có loại sống theo bầy đàn, có loại sống đơn lẻ; cách sống như thế nào tùy theo khả năng tìm kiếm thực phẩm tốt nhất cho chúng, dù đó là loại ăn thịt, ăn rau, hay ăn tạp: và khả năng này là thói quen đã được thiên nhiên định trước để chúng có thể tìm được thực phẩm dễ dàng nhất. Nhưng, vì các loài khác nhau có những vị giác khác nhau, thành thử cùng một loại thực phẩm chưa chắc đã là loại mà tất cả các loài ưa thích; vì vậy, ngay trong các loài ăn thịt, hoặc ăn rau, lại chia thành nhiều loại khác nhau nữa. Đời sống của con người cũng có những khác biệt lớn lao. Những kẻ lười lao động nhất là những kẻ chăn nuôi, sống một đời nhàn tản, và dùng làm thực phẩm ngay từ những con thú mà họ nuôi; vì đàn thú của họ phải đi tìm những đồng cỏ để ăn, họ cũng buộc phải đi theo chúng, và vô hình trung tạo thành một loại nông trang di động. Những người khác thì lại sinh sống bằng săn bắn; lại còn có những kẻ sống bằng nghề thảo khấu; những kẻ sống gần hồ ao, đầm lầy, hay biển cả thì sống bằng nghề chài lưới, và cũng có những người sống bằng săn bắn chim trời hay thú dữ. Tuy nhiên, phần lớn người ta sống bằng hoa màu từ canh tác đất đai. Đó là tất cả các nếp sống của những người mà thực phẩm là do sức lao động tạo ra chứ không do trao đổi hay buôn bán với nhau, các nếp sống này gồm có: mục đồng, nông phu, ngư phủ, liệp hộ, hay thảo khấu. Có những người tạo nên đời sống thoải mái hơn bằng cách phối hợp hai nghề với nhau, thêm vào những khiếm khuyết của nghề này bằng nghề khác: nếp sống du mục có thể cộng thêm nghề thảo khấu, nghề nông có thể cộng thêm nghề săn thú. Ngoài ra còn có những cách thức phối hợp khác tùy theo nhu cầu con người đòi hỏi. Tài sản, hiểu theo nghĩa những gì cần thiết cho sự sống, dường như đã được thiên nhiên cung ứng đầy đủ cho mọi người, từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn. Có những loài động vật mà thiên nhiên đã cung cấp đầy đủ thực phẩm cho chúng từ khi mới sinh ra đến khi chúng tự túc được như những loài côn trùng hoặc loài đẻ trứng; loài có vú cũng có đầy đủ thực phẩm dự trữ cho con cái của chúng qua sữa mẹ. Như vậy ta có thể suy ra rằng, sau khi có loài động vật, cây cỏ là thực phẩm của chúng, và các loài động vật được thuần hóa (gia súc) là thực phẩm của con người, còn các loài dã thú vừa được dùng làm thực phẩm vừa được dùng làm quần áo hay các dụng cụ khác. Vì thiên nhiên chẳng làm điều gì phí phạm và không trọn vẹn, ta phải suy ra rằng tất cả mọi loài động vật được tạo ra cho loài người sử dụng. Như vậy, ta cũng có thể suy diễn rằng “nghề” chiến tranh cũng là một nghệ thuật tích lũy tài sản giống như là nghề săn bắn để săn bắt các loài dã thú, và để bắt những người mà thiên nhiên tạo ra để bị cai trị nhưng lại không chịu khuất phục. Chiến tranh [nhằm thống trị] được xem là chiến tranh công chính hiểu theo nghĩa tự nhiên. Trong các nghệ thuật tích lũy tài sản, có một loại [hình thức săn bắn] được coi là một bộ phận tự nhiên của nghệ thuật quản trị hộ gia đình; đây là một nghệ thuật mà [qua đó] người quản trị gia đình phải sẵn sàng cung ứng và dự trữ  trong kho lẫm các vật dụng nhu yếu cho đời sống và hữu dụng cho cả gia đình hay quốc gia. Những vật dụng nhu yếu này là của cải đích thực [của cải đích thực có kích thước giới hạn, nhằm phục vụ cho mục đích của cộng đồng]; số lượng của cải đích thực này (cần thiết cho đời sống tốt đẹp) không phải là vô giới hạn, dù Solon[1] trong một bài thơ đã viết rằng:

“Đối với con người chẳng có giới hạn nào là đủ cho việc thu thập của cải.”

Nhưng có một giới hạn cố định cho những của cải cần thiết do nghệ thuật quản trị hộ gia đình mang lại, cũng giống như giới hạn cho các nghệ thuật khác, vì những dụng cụ dùng trong các nghệ thuật đều có giới hạn, không về kích thước thì cũng về số lượng, và của cải có thể được định nghĩa bằng số lượng các dụng cụ được sử dụng trong gia đình hoặc quốc gia. Và như vậy, ta thấy có một nghệ thuật tích lũy của cải tự nhiên và được người quản trị hộ gia đình hay nhà lãnh đạo một nước thực thi. Lý do cho sự hiện hữu của nghệ thuật này cũng rõ ràng vì theo luật tự nhiên người ta sẽ dùng những gì mà thiên nhiên cung cấp cho họ.


[1] Solon là một trong 7 nhà hiền triết Hy Lạp, gồm có Solon, Chilon, Thales (cũng là nhà toán học với định lý Thales nổi tiếng), Bias, Cleobulus, Pittacus, và Periander.