fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Đường dẫn đến Chế độ Nông nô

Bản toát yếu[1]

F. A. Hayek

Tóm lược

  • Có thể tưởng tượng có một thảm kịch nào lớn hơn khi chúng ta nỗ lực xây dựng một tương lai theo những lý tưởng cao đẹp của chúng ta nhưng đã vô tình tạo ra một kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta mong muốn?
  • Cho rằng chỉ có sự độc ác đặc biệt của người Đức mới có thể tạo ra chế độ Đức quốc xã có thể trở thành cái cớ để áp đặt lên chúng ta chính những định chế đã tạo ra sự độc ác đó.
  • Chế độ toàn trị là từ mới ta đã dùng để mô tả những biểu hiện bất ngờ nhưng không thể tách rời khỏi những gì mà trong lý thuyết chúng ta gọi là chủ nghĩa xã hội.
  • Trong một chế độ kế hoạch, chúng ta không thể giới hạn hành động tập thể trong các việc mà chúng ta đồng ý, nhưng phải thỏa thuận về mọi điều thì mới có thể làm bất cứ hành động nào.
  • Nhà nước càng ‘làm kế hoạch’ thì cá nhân lại càng khó lập kế hoạch.
  • Tự do kinh tế – điều kiện tiên quyết của bất kỳ tự do nào khác – không thể là tự do thoát khỏi sự chăm sóc kinh tế mà các nhà chủ trương xã hội chủ nghĩa hứa với chúng ta. Tự do kinh tế chỉ có thể có được bằng cách giải phóng cá nhân khỏi sự cần thiết và sức mạnh của sự lựa chọn: tự do kinh tế phải là quyền tự do hoạt động kinh tế mà, cùng với sự lựa chọn đúng, cũng đi đôi với rủi ro và trách nhiệm.
  • Điều mà thế hệ chúng ta đã quên là hệ thống tài sản tư nhân là sự bảo đảm tự do quan trọng nhất, không chỉ đối với những người có tài sản, mà cũng không kém quan trọng đối với những người không có tài sản.
  • Chúng ta sẽ không bao giờ ngăn chặn được nạn lạm dụng quyền lực nếu chúng ta không sẵn sàng hạn chế quyền lực theo cách mà đôi khi có thể cản trở việc sử dụng quyền lực cho các mục đích mong muốn.
  • Tất cả chúng ta sẽ có lợi nếu chúng ta có thể tạo ra một thế giới thích hợp cho các quốc gia nhỏ sống.
  • Điều cần thiết trước nhất là giải phóng bản thân khỏi hình thức suy nghĩ tối nghĩa tồi tệ nhất đương thời. Hình thức suy nghĩ đó đang thuyết phục chúng ta rằng những gì chúng ta vừa làm trong quá khứ là khôn ngoan hoặc không thể tránh khỏi. Chúng ta sẽ không thể nào khôn ngoan hơn trước nếu chúng ta không nhận ra rằng nhiều điều chúng ta đã làm là rất ngu xuẩn.

Chính mức độ tàn bạo do các người theo chủ nghĩa quốc xã gây ra khiến cho mọi người tin chắc rằng hệ thống toàn trị như vậy không thể xảy ra ở đây được. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng 15 năm trước đây, không những chín phần mười của chính dân Đức, mà ngay cả người quan sát nước ngoài thù nghịch nhất, cũng cho rằng một tình trạng như vậy sẽ xảy ra ở Đức là tuyệt vời.

Có nhiều đặc điểm lúc đó được coi là ‘điển hình của Đức’, mà bây giờ cũng rất quen thuộc ở Mỹ và Anh, và có nhiều triệu chứng tương tự ngày càng phát triển hơn nữa: đó là sự tôn vinh ngày càng tăng đối với nhà nước, coi xu hướng là số mệnh ‘không thể tránh khỏi’, sự nhiệt tình cần phải ‘tổ chức’ mọi việc (mà bây giờ ta gọi là’ lập kế hoạch’).

Điều đáng ngại là mối nguy này, nếu có, lại còn ít được hiểu biết ở đây [Mỹ và Anh] hơn là ở Đức. Điều bi thảm nhất là người ta vẫn chưa nhận ra rằng tại Đức phần lớn chính những người có thiện chí, qua các chính sách xã hội chủ nghĩa của họ, đã dọn đường cho các thế lực áp đặt những chính sách mà chính họ ghê tởm. Ít ai nhận ra rằng sự phát triển của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Marx không phải là một phản ứng chống lại các xu hướng xã hội chủ nghĩa của thời kỳ trước mà là kết quả tất hữu của những khuynh hướng đó. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa là nhiều người lãnh đạo các phong trào này, từ Mussolini trở xuống (và kể cả Laval và Quisling[2]) đều bắt đầu là những người theo xã hội chủ nghĩa nhưng rút cục lại thành người theo chủ nghĩa phát xít hoặc Quốc xã.

Trong các nền dân chủ hiện nay, nhiều người thực sự ghét tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa quốc xã nhưng lại đang hoạt động cho các lý tưởng mà khi thực hiện sẽ đưa đến chế độ chuyên chế ghê tởm. Hầu hết những người có quan điểm ảnh hưởng đến sự phát triển của xu hướng đó đều ít nhiều có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Họ tin rằng sinh hoạt kinh tế nên được định hướng ‘một cách có ý thức’, và chúng ta nên lập kế hoạch kinh tế thay cho hệ thống cạnh tranh. Tuy nhiên, một điều bi thảm lớn không thể tưởng tượng được là trong nỗ lực có ý thức xây dựng tương lai của chúng ta theo những lý tưởng cao xa, trên thực tế chúng ta có nên vô tình gây ra những điều trái ngược với những gì chúng ta đã phấn đấu để có không?

Kế hoạch và quyền lực

Để đạt được mục đích của mình, các nhà làm kế hoạch phải tạo ra quyền lực – quyền lực của người nắm quyền đối với người khác – có mức độ lớn hơn bao giờ hết. Thành công của họ sẽ phụ thuộc vào mức độ họ đạt được quyền lực như vậy. Dân chủ là một trở ngại cho sự kiềm chế tự do mà định hướng tập trung hoạt động kinh tế đòi hỏi. Do đó phát sinh sự xung đột giữa kế hoạch và dân chủ.

Nhiều nhà xã hội có ảo tưởng đáng buồn rằng bằng cách tước đoạt quyền lực mà tư nhân có trong một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và chuyển quyền lực này cho xã hội, thì họ sẽ làm cho quyền lực mất đi. Điều mà họ không thấy là bằng cách tập trung quyền lực để phục vụ cho một kế hoạch duy nhất, thì quyền lực không chỉ đơn thuần được chuyển đổi, mà còn tăng lên vô hạn. Bằng cách tập trung vào một cơ chế quyền lực duy nhất trước đây được nhiều người thực hiện một cách riêng lẻ sẽ tạo ra một quyền lực lớn, đa dạng và sâu rộng chưa từng có.

Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng quyền lực lớn thi hành bởi một ban kế hoạch trung ương ‘không lớn hơn quyền lực tập thể của các ban giám đốc tư nhân’. Trong một xã hội cạnh tranh, không ai có thể thực hiện được dù chỉ một phần nhỏ quyền lực của một ban kế hoạch xã hội chủ nghĩa. Phân tán quyền lực là để giảm sức mạnh tuyệt đối của quyền lực; cạnh tranh là hệ thống duy nhất được thiết kế để giảm thiểu quyền lực của một người đối với người khác. Ai có thể thực sự nghi ngờ rằng quyền lực của một người triệu phú, chủ nhân của tôi, lại ít hơn rất nhiều so với quyền lực mà một quan chức nhỏ nhất – chấp hành lệnh cưỡng chế của nhà nước – có quyền sinh sát đối với tôi?

Theo mọi nghĩa thực tế, một công nhân không chuyên môn có lương tệ hại nhất ở đất nước này [Mỹ và Anh] được tự do về cuộc sống của mình hơn một chủ nhân ở Đức [thời Đức  Quốc xã] hoặc một kỹ sư hay người chủ nhiệm được trả lương cao hơn nhiều ở Nga. Nếu công nhân ấy muốn thay đổi công việc của anh ấy hoặc nơi anh ấy sống, nếu anh ấy muốn nói lên một số quan điểm hoặc dùng thời gian rảnh rỗi của mình một cách nào đó, anh ta hoàn toàn không gặp trở ngại nào cả. Không có nguy hiểm gì tới an ninh cơ thể và tự do bắt buộc anh ta phải làm nhiệm vụ và ở trong môi trường đã được cấp trên giao cho.

Thế hệ chúng ta đã quên rằng hệ thống sở hữu tư nhân là sự bảo đảm tự do quan trọng nhất. Chính vì sự kiểm soát phương tiện sản xuất được chia cho nhiều người hành động độc lập riêng lẻ nên chúng ta có thể quyết định phải làm gì với chính chúng ta. Khi tất cả các phương tiện sản xuất được tập trung vào một bàn tay, dù trên danh nghĩa là của ‘xã hội’ hay của nhà độc tài, bất cứ ai có quyền kiểm soát này đều có toàn quyền lực đối với chúng ta. Trong tay của tư nhân, cái được gọi là quyền lực kinh tế có thể là một công cụ cưỡng chế, nhưng nó không bao giờ kiểm soát toàn bộ cuộc sống của một người. Nhưng khi sức mạnh kinh tế được tập trung thành một công cụ của quyền lực chính trị thì nó tạo ra một mức độ phụ thuộc chẳng khác gì nô lệ. Thật là một điều rất đúng khi nói rằng ở một đất nước trong đó chủ nhân duy nhất là nhà nước thì chống đối có nghĩa là chết đói dần mòn.

Bối cảnh cho hiểm họa

Chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với chủ nghĩa xã hội và tất cả các hình thức khác của chế độ toàn trị, dựa trên sự tôn trọng của Kitô giáo đối với cá nhân và niềm tin rằng con người nên được tự do phát triển năng khiếu và xu hướng cá nhân của họ. Triết lý này, khởi phát trong thời Phục hưng, phát triển và lan rộng vào lãnh vực được coi là văn minh phương Tây. Xu hướng chung của xã hội phát triển là chiều hướng giải thoát cá nhân khỏi các mối quan hệ ràng buộc trong xã hội phong kiến.

Có lẽ kết quả lớn nhất của sự giải phóng năng lực cá nhân này là sự phát triển tuyệt vời của khoa học. Chỉ từ khi tự do công nghiệp đã mở đường dẫn đến việc tự do sử dụng kiến ​​thức mới, chỉ từ khi mọi thứ đều có thể được thử – nếu có ai chấp nhận rủi ro riêng cho mình – thì khoa học mới có những bước tiến lớn làm thay đổi bộ mặt thế giới trong 150 năm qua. Kết quả của sự tăng trưởng này vượt ngoài mọi mong đợi. Bất cứ nơi nào bỏ được các rào cản sự tự do thực hiện các kỹ xảo của con người, thì con người đã nhanh chóng đáp ứng phạm vi ngày càng mở rộng của những ước vọng. Tới đầu thế kỷ hai mươi người làm việc trong thế giới phương Tây đã đạt đến một mức độ thoải mái về vật chất, an ninh và độc lập cá nhân mà 100 năm trước dường như khó có thể có.

Hậu quả của thành công này là tạo ra cho con người một ý nghĩa mới về quyền lực đối với số phận của chính họ, niềm tin vào những khả năng không giới hạn để cải thiện số phận của họ. Những gì đạt được được coi như một sự sở hữu an toàn và bất diệt, một khi đã có thì không bao giờ mất; và tốc độ tiến triển bắt đầu dường như quá chậm. Hơn nữa các nguyên tắc khiến cho có sự tiến bộ này bị coi là đã làm cản trở tiến bộ nhanh hơn, và người ta nóng lòng gạt bỏ các nguyên tắc đó. Có thể nói rằng chính sự thành công của chủ nghĩa tự do đã trở thành nguyên nhân của sự suy tàn của nó.

Không có người sáng suốt nào lại nghi ngờ rằng các nguyên tắc kinh tế của thế kỷ XIX chỉ là một khởi đầu, rằng đã có những khả năng tiến bộ to lớn theo đó chúng ta đã đi. Nhưng theo quan điểm hiện đang chiếm ưu thế, câu hỏi không còn là làm thế nào chúng ta có thể sử dụng tốt nhất các lực tự phát được tìm thấy trong một xã hội tự do. Thực ra chúng ta đã bỏ các lực đó và thay thế chúng bằng định hướng tập thể và ‘có ý thức’.

Điều đáng chú ý là sự từ bỏ chủ nghĩa tự do này, dù thể hiện như chủ nghĩa xã hội ở dạng cấp tiến hơn hoặc chỉ đơn thuần là ‘tổ chức’, hay ‘lập kế hoạch’, đã được hoàn thiện ở Đức. Trong mấy chục năm cuối cùng của thế kỷ XIX và của đầu thế kỷ XX , Đức tiến xa về cả lý thuyết và thực hành chủ nghĩa xã hội, đến nỗi ngay cả bây giờ thảo luận [về chủ nghĩa xã hội] ở Nga phần lớn chỉ là tiếp tục cuộc thảo luận đã bắt nguồn từ  Đức. Người Đức, từ lâu trước khi có Đức Quốc xã, đã đả kích chủ nghĩa tự do và dân chủ, chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa cá nhân.

Rất lâu trước khi có chủ nghĩa quốc xã, các nhà xã hội Đức và Ý cũng đã sử dụng các kỹ thuật mà sau đó các người theo chủ nghĩa Quốc xã và phát xít đã sử dụng có hiệu quả. Ý tưởng về một đảng chính trị chi phối tất cả các hoạt động của cá nhân từ khi sơ sinh đến khi nhắm mắt, và tuyên bố chỉ đạo quan điểm của cá nhân trên tất cả mọi việc, đã được đưa ra thi hành trước nhất bởi các người theo xã hội chủ nghĩa. Không phải những người theo chủ nghĩa phát xít mà là những người theo chủ nghĩa xã hội bắt đầu tập trung các trẻ em trong tuổi thơ ngây vào các tổ chức chính trị để định hướng suy nghĩ của các trẻ em. Không phải là những người theo chủ nghĩa phát xít mà là những người theo chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu nghĩ đến việc tổ chức hoạt động thể thao và trò chơi, bóng đá và đi bộ đường dài, trong các câu lạc bộ của đảng để các hội viên không bị nhiễm bởi các quan điểm khác. Chính những người theo xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu bắt các đảng viên phải tự phân biệt với những người khác bằng cách chào hỏi và xưng hô. Chính họ, bằng cách lập ra những tổ và các công cụ giám sát đời sống riêng tư, tạo ra khuôn mẫu của một đảng toàn trị. Tới khi Hitler lên nắm quyền, chủ nghĩa tự do đã chết trong nước Đức. Và chính chủ nghĩa xã hội đã giết chết nó.

Đối với nhiều người đã theo dõi sát quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít, sự kết nối chặt chẽ giữa hai hệ thống đã trở thành ngày càng rõ ràng, nhưng trong xã hội dân chủ, phần lớn mọi người vẫn tin rằng có thể kết hợp chủ nghĩa xã hội với tự do. Họ không nhận ra rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ, điều không tưởng của vài thế hệ trước, không những không thể thực hiện được, mà nếu phấn đấu tạo ra nó thì sẽ tạo ra một kết quả hoàn toàn khác biệt – đó chính là sự hủy diệt của tự do. Người ta đã nói rất đúng: ‘Sở dĩ nhà nước trở thành địa ngục trần gian chính vì con người đã cố gắng biến trần gian thành thiên đường’.

Điều đáng lo ngại khi thấy ở Anh và Hoa Kỳ ngày nay đang quy tụ những thế lực  hầu như khinh miệt tất cả những gì được coi là tự do theo nghĩa cũ. ‘Chủ nghĩa xã hội bảo thủ’ là khẩu hiệu theo đó một số lớn các nhà văn đã chuẩn bị môi trường cho chủ nghĩa quốc xã thành công. Chính ‘chủ nghĩa xã hội bảo thủ’ là xu hướng chủ đạo trong chúng ta bây giờ.

Cách lập kế hoạch tự do

‘Lập kế hoạch’ được phổ biến chủ yếu là do mọi người, lẽ dĩ nhiên, đều mong muốn  chúng ta nên xử lý các vấn đề chung của mình với tầm nhìn xa nhất có thể. Ngày nay tranh luận giữa các nhà làm kế hoạch và những người tự do không xoay quanh vấn đề chúng ta có nên sử dụng tư duy có hệ thống trong việc hoạch định các vấn đề của chúng ta hay không. Cuộc tranh luận đó là về cách tốt nhất để làm làm kế hoạch. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên tạo điều kiện theo đó kiến ​​thức và sáng kiến ​​của các cá nhân được cho hoạt động trong phạm vi tốt nhất để họ có thể lập kế hoạch thành công nhất; hoặc liệu chúng ta có nên chỉ đạo và tổ chức tất cả các hoạt động kinh tế theo ‘khuôn mẫu chi tiết’, nghĩa là, ‘cố ý chỉ đạo các nguồn lực của xã hội theo quan điểm cụ thể của người làm kế hoạch ấn định người nào nên có gì’.

Điều quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa sự phản đối chống lại loại kế hoạch này với thái độ giáo điều chủ trương ai muốn làm gì thì làm. Lập luận tự do không chủ trương để mọi sự như hiện tại; nó chủ trương sử dụng tốt nhất các lực cạnh tranh như một phương tiện phối hợp các nỗ lực của con người. Nó dựa trên niềm tin rằng, nơi nào có thể tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả, thì đó là một cách hướng dẫn những nỗ lực cá nhân tốt hơn bất kỳ mọi cách khác. Nó nhấn mạnh rằng để cho cạnh tranh hoạt động có lợi cần phải có một khung pháp lý được suy nghĩ cẩn thận, và các quy tắc pháp lý quá khứ lẫn hiện tại đều không phải là không có khuyết điểm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do phản đối việc thay thế cạnh tranh bằng các phương pháp kém hơn trong việc hướng dẫn hoạt động kinh tế. Chủ nghĩa tự do coi cạnh tranh là ưu việt không chỉ vì trong hầu hết các trường hợp đây là phương pháp hiệu quả nhất được biết đến mà vì đây là phương pháp duy nhất không đòi hỏi có sự can thiệp cưỡng chế hoặc võ đoán của chính quyền. Nó bác bỏ nhu cầu ‘kiểm soát xã hội có ý thức’, và cho các cá nhân có cơ hội quyết định xem làm điều gì tạo ra nhiều điều tiện hơn bất tiện không.

Việc sử dụng thành công cạnh tranh không loại trừ một số can thiệp của chính phủ. Hạn chế giờ làm việc, đòi hỏi một số điều kiện vệ sinh nhất định, cung cấp một hệ thống dịch vụ xã hội rộng lớn, tất cả những quy định đó đều thích hợp cho việc duy trì cạnh tranh. Cũng có những lĩnh vực nhất định không thể thực hiện được cạnh tranh. Ví dụ, các tác động có hại của nạn phá rừng hoặc xả khói của các nhà máy không thể chỉ giới hạn đối với chủ sở hữu của tài sản liên hệ. Nhưng việc chúng ta phải dùng đến sự điều tiết trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền trong các lĩnh vực mà cạnh tranh thuần túy không thể thực hiện được không chứng tỏ rằng chúng ta nên ngăn chặn cạnh tranh khi canh tranh có thể làm được. Tạo điều kiện cho cạnh tranh có thể có hiệu quả nhất , như ngăn chặn gian lận và lừa dối, phá vỡ độc quyền – những nhiệm vụ này là một lĩnh vực rộng lớn cần phải có hành động của nhà nước. Điều này không có nghĩa là có thể dung hòa cạnh tranh với kiểm soát từ trung ương, mặc dù lúc đầu nhận định này dường như không có gì hợp lý hơn, và có vẻ hấp dẫn đối với những người suy nghĩ hợp lý.

Chỉ theo suy nghĩ thông thường là một hướng dẫn  có thể gây hiểu lầm trong lĩnh vực này. Mặc dù cạnh tranh có thể đi đôi với một số quy định, nhưng nó không thể được kết hợp với làm kế hoạch ở bất kỳ mức độ nào mà chúng ta thích mà không bị mất tác động hiệu nghiệm trong việc hướng dẫn sản xuất. Cả cạnh tranh lẫn chỉ đạo tập trung đều trở thành các công cụ tồi và không hiệu quả nếu chúng không hoàn chỉnh, và sự hỗn hợp của hai phương cách sẽ không hữu hiệu.

Hoạch định và cạnh tranh chỉ có thể được kết hợp bằng cách lập kế hoạch thích hợp cho cạnh tranh, chứ không phải lập kế hoạch chống lại cạnh tranh. Lập kế hoạch mà tất cả những lời chỉ trích của chúng tôi hướng vào chỉ là lập kế hoạch chống lại cạnh tranh.

Điều không tưởng lớn

Hầu hết những người trong các nền dân chủ đòi hỏi một một sự chỉ huy tập trung mọi hoạt động kinh tế vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội và tự do cá nhân có thể được kết hợp. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội đã sớm được nhiều nhà tư tưởng công nhận là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tự do.

Bây giờ rất ít người nhớ rằng chủ nghĩa xã hội ngay từ đầu thực ra là độc đoán. Nó bắt đầu khá công khai là một phản ứng chống lại chủ nghĩa tự do của Cách mạng Pháp. Các nhà văn Pháp đặt nền tảng cho chủ nghĩa xã hội tin chắc rằng ý tưởng của họ chỉ có thể được thi hành bởi một chính phủ độc tài mạnh. Saint-Simon[3], người đầu tiên trong số các nhà chủ trương lập kế hoạch hiện đại, dự đoán rằng những người không tuân theo các hội đồng kế hoạch do ông đề xuất đều được ‘coi là trâu bò’

Không ai nhìn rõ hơn nhà tư tưởng chính trị vĩ đại de Tocqueville[4] rằng nền dân chủ đứng trong một cuộc xung đột không thể hòa giải với chủ nghĩa xã hội: ‘Dân chủ mở rộng phạm vi tự do cá nhân’, ông nói. Năm 1848 ông lại nói, ‘Dân chủ gắn liền tất cả giá trị có thể có với mỗi người, trong khi chủ nghĩa xã hội làm cho mỗi người chỉ là một tác nhân, một con số đơn thuần. Dân chủ và chủ nghĩa xã hội không có gì chung ngoài một từ: bình đẳng. Nhưng hãy nhận rõ sự khác biệt: trong khi dân chủ chủ trương bình đẳng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội chủ trương bình đẳng trong kiềm chế và nô lệ.’

Để xóa tan những nghi ngờ này và để cho [chủ nghĩa xã hội] có thêm sức thu hút chính trị mạnh nhất – lòng khao khát tự do – các nhà xã hội bắt đầu ngày càng hứa hẹn một ‘tự do mới’. Chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại ‘tự do kinh tế’, mà nếu không có nó thì tự do chính trị ‘không đáng có’.

Để cho lập luận này nghe có vẻ hợp lý, từ ‘tự do’ đã phải chịu một sự thay đổi tinh tế trong ý nghĩa. Trước đây từ này có nghĩa là tự do khỏi sự ép buộc, khỏi quyền lực độc đoán của những người khác. Bây giờ nó đã được làm cho có nghĩa là tự do khỏi sự nhu yếu, giải phóng khỏi sự bức xúc không tránh được của hoàn cảnh giới hạn phạm vi lựa chọn của tất cả chúng ta. Tự do theo nghĩa này, tất nhiên, chỉ là một tên khác cho quyền lực hoặc sự giàu có. Do đó, nhu cầu về tự do mới chỉ là một tên gọi khác cho sự đòi hỏi cũ về tái phân của cải.

Lời tuyên bố rằng một nền kinh tế có kế hoạch tạo ra một sản lượng lớn hơn đáng kể so với hệ thống cạnh tranh đang dần bị bỏ rơi bởi hầu hết các người tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, chính hy vọng hão huyền này cũng như bất cứ điều gì khác đã thúc đẩy chúng ta trên con đường tới hoạch định.

Mặc dù lời hứa hẹn tự do lớn của những người theo chủ nghĩa xã hội hiện đại là chân chính và thành thực, nhưng trong những năm gần đây, từ người quan sát này đến người quan sát khác đã bị ấn tượng bởi những hậu quả không lường trước được của chủ nghĩa xã hội, đó là sự tương đồng phi thường trong nhiều khía cạnh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít. Như Peter Drucker[5] đã bày tỏ năm 1939, ‘sự sụp đổ hoàn toàn của niềm tin vào sự đạt được tự do và bình đẳng qua chủ nghĩa Mác đã buộc Nga phải đi trên cùng một con đường hướng tới một xã hội toàn trị không có tự do và bất bình đẳng mà Đức đang theo đuổi. Không phải chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít về cơ bản là giống nhau. Chủ nghĩa phát xít là giai đoạn đạt tới sau khi chủ nghĩa cộng sản cho thấy là một ảo ảnh, và ảo ảnh đó đã diễn ra ở Nga cũng như ở Đức trước thời Hitler.

Không kém phần quan trọng là tầm nhìn trí tuệ của trong hàng ngũ các phong trào cộng sản và phát xít ở Đức trước năm 1933. Ai cũng biết, nhất là các cán bộ tuyên truyền của cả hai phong trào, là sự dễ dàng tương đối mà một người trẻ tuổi cộng sản có thể được chuyển đổi tương đối dễ thành một người phát xít hoặc ngược lại. Những người cộng sản và quốc xã thường đụng độ nhau hơn so với các đảng khác chỉ vì họ tranh giành đối tượng có tâm trí giống nhau nhưng đã căm thù nhau chẳng khác gì những kẻ dị giáo. Cách hành động của họ cho thấy họ có nhiều điểm tương đồng như thế nào. Đối với họ, kẻ thù thực sự, là người mà họ không có điểm chung gì, đó là người theo chủ nghĩa tự do cũ. Phe quốc xã  thấy người theo cộng sản đều là những người có đủ tiêu chuẩn để kết nạp, phe cộng sản cũng thích kết nạp người theo quốc xã, và cả hai phe đều này đều muốn kết nạp người theo xã hội chủ nghĩa, trong khi đó cả hai phe đều biết rằng không thể có sự thỏa hiệp giữa họ với nhau và giữa họ với người thực sự tin vào tự do cá nhân.

Điều được hứa hẹn với chúng ta là Đường đến Tự do trên thực tế là Đường Cao tốc tới Nô dịch. Bởi vì không khó để thấy những gì phải là hậu quả khi dân chủ bắt tay vào một quá trình lập kế hoạch. Mục tiêu của kế hoạch sẽ được mô tả bằng một số thuật ngữ mơ hồ như ‘phúc lợi chung’. Sẽ không có thỏa thuận thực sự nào về mục đích đạt được, và kết quả của việc mọi người đồng ý rằng phải có kế hoạch tập trung, mà không đồng ý về mục đích, sẽ như một nhóm người cam kết cùng nhau thực hiện một hành trình mà không đồng ý về nơi muốn đi tới: kết quả là tất cả có thể phải thực hiện một hành trình mà hầu hết họ không muốn.

Các nghị hội dân chủ không thể hoạt động như các cơ quan kế hoạch. Họ không thể đưa ra thỏa thuận về mọi thứ – toàn bộ định hướng của tài nguyên của quốc gia – vì số lượng các đường lối hành động có thể sẽ rất nhiều. Ngay cả khi một quốc hội có thể, bằng cách tiến hành từng bước và dung hòa từng điểm, đồng ý với một kế hoạch nào đó, cuối cùng chắc chắn kế hoạch sẽ không làm hài lòng tất cả mọi người.

Đưa ra một kế hoạch kinh tế theo cách này thậm chí còn ít khả thi hơn, ví dụ, là lập kế hoạch cho một chiến dịch quân sự bằng thủ tục dân chủ. Cũng như trong chiến lược, không thể tránh khỏi việc giao nhiệm vụ cho các chuyên gia. Và ngay cả khi, theo cách làm việc ứng biến này, một nền dân chủ thành công trong việc lập kế hoạch cho mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng nó vẫn sẽ phải đối mặt với vấn đề hội nhập các kế hoạch riêng biệt này thành một thể thống nhất. Sẽ có một yêu cầu càng ngày càng mạnh hơn là một hội đồng hoặc một cá nhân nào đó phải được trao quyền để thi hành trách nhiệm của họ. Nhu cầu phải có một nhà độc tài kinh tế là một giai đoạn đặc trưng trong phong trào hướng tới kế hoạch.

Do đó, hoạt động của cơ quan lập pháp sẽ chỉ là để lựa chọn những người thực sự có quyền lực tuyệt đối. Toàn bộ hệ thống sẽ có xu hướng hướng tới chế độ độc tài, trong đó người đứng đầu chính phủ thỉnh thoảng được xác nhận chức vụ của mình bằng cách phổ thông đầu phiếu, nhưng người đó nắm tất cả quyền lực của mình để khiến cuộc bỏ phiếu sẽ đi theo hướng mà người đó mong muốn.

Lập kế hoạch dẫn đến chế độ độc tài bởi vì chế độ độc tài là công cụ cưỡng chế hiệu quả nhất và, do đó, rất cần thiết nếu muốn có một kế hoạch trung tâm trên quy mô lớn. Không có sự biện minh nào cho niềm tin phổ biến rằng quyền lực được trao bằng thủ tục dân chủ thì không thể độc đoán; không phải là nguồn quyền lực ngăn cản nó võ đoán; để khỏi lâm vào tình trạng độc tài, quyền lực cũng phải bị giới hạn. Một ‘chế độ chuyên chế vô sản thực sự’, ngay cả khi dưới hình thức dân chủ, nếu nó thi hành hệ thống kinh tế chỉ đạo tập trung, có thể sẽ phá hủy hoàn toàn tự do cá nhân như mọi chế độ chuyên chế đã từng làm.

Tự do cá nhân không thể hòa giải được với quyền tối cao của một mục đích duy nhất mà toàn bộ xã hội phải vĩnh viễn phục tùng. Ở một mức độ hạn chế, bản thân chúng ta trải nghiệm thực tế này trong thời chiến, khi sự phụ thuộc của hầu hết mọi thứ vào nhu cầu cấp thiết và cấp bách là cái giá mà chúng ta phải trả để giữ gìn sự tự do của mình trong dài hạn. Các câu người ta thường nói làm vì mục đích hòa bình bằng những điều chúng ta đã làm cho mục đích chiến tranh là hoàn toàn sai, vì tạm thời hy sinh tự do để an toàn hơn trong tương lai là hợp lý, nhưng hy sinh tự do vĩnh viễn vì lợi ích của một nền kinh tế kế hoạch là một điều hoàn toàn khác.

Đối với những người đã theo sát quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa phát xít, sự kết nối giữa hai hệ thống rất rõ ràng. Thực hiện chương trình xã hội chủ nghĩa có nghĩa là phá hủy tự do. Chủ nghĩa dân chủ xã hội, điều không tưởng lớn trong vài thế hệ vừa qua, hoàn toàn không thể thực hiện được.

Tại sao thành phần tồi tệ nhất lại lãnh đạo

Chắc chắn là một hệ thống ‘phát xít’ Mỹ hoặc Anh sẽ khác rất nhiều so với các mô hình của Ý hoặc Đức; chắc chắn là nếu quá trình chuyển đổi được thực hiện mà không có bạo lực, chúng ta có thể mong đợi có được một loại lãnh tụ tốt hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chế độ phát xít của chúng ta sẽ rất khác biệt hoặc ít tệ hại hơn với các nguyên mẫu. Có những lý do mạnh để tin rằng các tính năng tồi tệ nhất của các hệ thống toàn trị là những hiện tượng mà chủ nghĩa toàn trị sớm hay muộn sẽ sinh ra.

Giống như các chính khách dân chủ đặt kế hoạch cho đời sống kinh tế sẽ sớm phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc nắm quyền lực độc tài hoặc từ bỏ kế hoạch của mình, nhà lãnh đạo toàn trị cũng sẽ sớm phải lựa chọn giữa không tôn trọng đạo đức hoặc thất bại. Chính vì lý do này mà những kẻ gian hùng có khả năng thành công hơn trong một xã hội có xu hướng tiến tới toàn trị. Ai không nhìn thấy điều này là chưa nắm bắt được tất cả chiều rộng của vịnh ngăn cách giữa chủ nghĩa toàn trị với nền văn minh có tính chất chủ nghĩa cá nhân của phương Tây.

Nhà lãnh đạo toàn trị phải tập hợp xung quanh ông ta một nhóm sẵn sàng tuân theo một kỷ luật mà họ sẽ áp đặt bằng vũ lực đối với những người khác. Chủ nghĩa xã hội đó – chỉ có thể thực hiện được bằng các phương pháp mà hầu hết các người theo chủ nghĩa xã hội không tán thành – tất nhiên, là một bài học nhiều nhà cải cách xã hội đã học được trong quá khứ. Các đảng xã hội cũ đã bị ức chế bởi chính lý tưởng dân chủ của họ; họ không có sự tàn nhẫn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đã chọn. Một đặc điểm là cả ở Đức và ở Ý, sự thành công của chủ nghĩa phát xít đã xảy ra sau khi các đảng xã hội chủ nghĩa đã từ chối đảm nhận trách nhiệm của chính phủ. Họ không sẵn lòng muốn sử dụng các phương pháp mà họ đã chỉ ra. Họ vẫn hy vọng vào phép màu của đa số người đồng ý về một kế hoạch cụ thể để tổ chức toàn xã hội. Những người khác đã học được bài học rằng trong một xã hội có kế hoạch, câu hỏi có thể không còn là đa số người dân đồng ý gì mà là nhóm nào là nhóm lớn nhất có các thành viên đồng ý đủ để đưa ra sự chỉ đạo thống nhất cho tất cả các vấn đề.

Có ba lý do chính tại sao một nhóm đông như vậy, với quan điểm khá giống nhau, lại không có khả năng được hình thành bởi những thành phần tốt nhất thay vì bởi những thành phần tồi tệ nhất trong bất kỳ xã hội nào.

Trước hết, trình độ học vấn và trí thông minh của các cá nhân càng cao thì thị hiếu và quan điểm của họ càng khác biệt. Nếu chúng ta muốn tìm thấy một mức độ đồng đều cao trong quan điểm, chúng ta phải đi xuống các tầng lớp có tiêu chuẩn đạo đức và trí tuệ thấp hơn, trong đó bản năng sơ đẳng hơn chiếm ưu thế. Điều này không có nghĩa là phần lớn mọi người có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là nhóm người lớn nhất có giá trị rất giống nhau là những người có trình độ thấp.

Thứ hai, vì nhóm này không đủ lớn để cung cấp đủ thế lực cho những nỗ lực của người lãnh đạo, người này sẽ phải tăng số người của nhóm bằng cách chiêu mộ thêm nhiều người có cùng một tín điều đơn giản. Người đó phải có được sự ủng hộ của những người ngoan ngoãn và cả tin, những người bản thân không có niềm tin chắc chắn nhưng sẵn sàng chấp nhận một hệ thống giá trị có sẵn được thường xuyên hét vào tai họ. Do đó, chính những người có ý tưởng mơ hồ và không hoàn hảo, dễ bị lung lay và có những đam mê và cảm xúc dễ bị khích động sẽ làm tăng hàng ngũ của đảng toàn trị.

Thứ ba, để củng cố một đoàn thể hỗ trợ chặt chẽ, người lãnh đạo phải khêu gợi một điểm yếu chung của con người. Con người dường như dễ đồng ý với một chương trình tiêu cực – căm ghét kẻ thù, đố kị với người hơn mình – hơn một nhiệm vụ tích cực.

Sự tương phản giữa ‘ta’, và ‘họ’, do đó, luôn luôn được sử dụng bởi những người muốn có sự trung thành của số đông. Kẻ thù có thể ở bên trong, như ‘người Do Thái’ ở Đức hoặc ‘kulak’ ở Nga, hoặc có thể ở ngoài. Trong mọi trường hợp, kỹ thuật này có lợi thế lớn là giúp nhà lãnh đạo có tự do hành động hơn so với hầu hết các chương trình tích cực.

Thăng tiến trong một nhóm hoặc đảng toàn trị phụ thuộc phần lớn vào sự sẵn sàng làm những việc vô đạo đức. Nguyên tắc  ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’, trong đạo đức cá nhân được coi là sự phủ nhận tất cả các đạo đức, nhưng trong đạo đức tập thể nguyên tắc đó phải nhất thiết trở thành quy tắc tối cao. Theo nghĩa đen, không có gì mà người theo chủ nghĩa tập thể trước sau như một lại không sẵn sàng làm nếu nó phục vụ ‘lợi ích chung’, bởi vì đối với anh ta đó là tiêu chí duy nhất cho những điều phải làm.

Một khi thừa nhận rằng cá nhân chỉ đơn thuần là một phương tiện để phục vụ mục đích của thực thể cao hơn được gọi là xã hội hoặc quốc gia, thì hầu hết các đặc điểm của chế độ toàn trị mà chúng ta kinh tởm nhất thiết sẽ là hậu quả. Từ quan điểm không khoan nhượng của phe tập thể và đàn áp tàn bạo đối với bất đồng chính kiến thì lừa dối, rình mò, coi thường hoàn toàn cuộc sống và hạnh phúc của cá nhân là điều cần thiết và không thể tránh khỏi. Những hành vi khiến cho chúng ta ghê tởm, như bắn chết con tin hoặc giết chết người già hoặc bệnh tật, đều được coi là vấn đề đơn thuần là hành động quyền nghi; việc bắt buộc tản cư và vận chuyển hàng trăm ngàn người trở thành một công cụ chính sách được hầu hết mọi người chấp nhận trừ các nạn nhân.

Do đó, để trở thành một trợ lý hữu ích trong việc điều hành một nhà nước toàn trị, một người phải sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc đạo đức mà anh ta từng biết nếu điều này có vẻ cần thiết để đạt được mục đích tối hậu cho anh ta. Trong bộ máy toàn trị sẽ có những cơ hội đặc biệt cho những kẻ tàn nhẫn và gian hùng. Cả Gestapo[6] và ban cai quản một trại tập trung, cả Bộ Tuyên truyền lẫn SA hay SS[7] (hoặc các đối tác Nga của họ) đều không phải là nơi thích hợp để thực hiện tình nhân đạo. Tuy nhiên, chính những chức vụ như vậy là con đường dẫn đến những chức vụ cao nhất trong nhà nước toàn trị.

Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, Giáo sư Frank H. Knight, nhận xét chính xác rằng chính quyền của một nhà nước tập thể ‘sẽ phải làm những việc này dù muốn hay không: và xác suất những kẻ nắm quyền lực mà là những người không thích có và thi hành quyền lực ở cùng một mức độ với xác suất của một người cực kỳ hiền từ làm công việc cai phu trong một đồn điền nô lệ’.

Một điểm nữa cần nêu lên ở đây: chủ nghĩa tập thể có nghĩa là sự cáo chung của sự thật. Để làm cho một hệ thống toàn trị hoạt động hiệu quả, không phải chỉ cần bắt buộc mọi người phải phục vụ cho các mục đích do kẻ nắm quyền lựa chọn; điều cần thiết là mọi người phải coi những mục đích này là mục đích của chính họ. Điều này được thực hiện bởi tuyên truyền và kiểm soát hoàn toàn tất cả các nguồn thông tin.

Cách hiệu quả nhất để khiến mọi người chấp nhận các giá trị đó là chân chính mà họ phải phục vụ là thuyết phục họ rằng các giá trị đó thực sự giống như những gì mà họ vẫn tin tưởng nhưng trước kia chưa được hiểu hoặc nhận đúng. Và kỹ thuật hiệu quả nhất cho mục đích này là sử dụng các từ cũ nhưng thay đổi nghĩa của chúng. Ít có đặc điểm của chế độ toàn trị rất khó hiểu đối với người quan sát hời hợt nhưng lại là những đặc trưng của toàn bộ môi trường trí tuệ như sự hủ hóa hoàn toàn về ngôn ngữ này.

Nạn nhân đau khổ nhất trong trường hợp này là từ ‘tự do’. Đó là một từ rất thông dụng trong các quốc gia chuyên chế cũng như ở những nơi khác. Thật vậy có thể nói rằng, gần như bất cứ nơi nào tự do như chúng ta hiểu đã bị phá hủy, thì sự phá hủy đã được thực hiện nhân danh một tự do mới được hứa với người dân. Ngay cả trong số chúng ta, có những người lập kế hoạch hứa với chúng ta một sự ‘tự do tập thể’, đó là điều sai lầm như bất cứ mọi điều tuyên bố của các chính trị gia toàn trị. ‘Tự do tập thể’, không phải là tự do của các thành viên trong xã hội, mà là quyền tự do không giới hạn của người lập kế hoạch làm bất cứ điều gì mà anh ta thích làm đối với xã hội. Đây là sự cố ý tột độ đánh lận tự do với quyền lực.

Không khó để tước đi tư tưởng độc lập của đa số. Nhưng cũng phải khiến cho thiểu số còn lại có khuynh hướng phê phán phải im lặng. Phải đàn áp những lời chỉ trích công khai hoặc thậm chí bày tỏ sự nghi ngờ vì chúng có xu hướng làm suy yếu hậu thuẫn của chế độ. Như Sidney và Beatrice Webb[8] viết về tình trạng của các người làm việc trong mọi xí nghiệp Nga: ‘Trong khi việc đang được tiến hành, bất kỳ biểu hiện nào công khai nghi ngờ sự thành công của kế hoạch đều là một hành động không trung thành và thậm chí là phản bội vì nó có thể ảnh hưởng đến ý chí và nỗ lực của các nhân viên khác.’

Sự kiểm soát mở rộng ngay cả đến các đối tượng dường như không có ý nghĩa chính trị. Chẳng hạn, thuyết tương đối đã bị đả kích như một cuộc ‘tấn công của dân Do Thái vào nền tảng của khoa vật lý Kitô giáo và Bắc Âu’, và bởi vì nó ‘mâu thuẫn với chủ nghĩa duy vật biện chứng và giáo điều Mácxít’. Mọi hoạt động phải được biện minh là xuất phát có ý thức từ mục đích xã hội. Không được có hoạt động tự phát, không có hướng dẫn, bởi vì nó có thể tạo ra kết quả không thể lường trước và không có trong kế hoạch.

Nguyên tắc này áp dụng cho cả các trò chơi và trò giải trí. Tôi xin để người đọc đoán xem người chơi cờ [ở chế độ nào] đã được chính thức khuyến cáo rằng ‘chúng ta phải dứt khoát và vĩnh viễn chấm dứt tôn chỉ trung lập trong cờ vua. Chúng ta phải dứt khoát lên án tất cả công thức chơi cờ hoàn toàn vì nghệ thuật.’

Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là thái độ khinh miệt tự do trí tuệ không phải chỉ phát sinh khi hệ thống toàn trị được thiết lập, mà có thể thấy rất phổ biến trong số những người tin theo chủ nghĩa tập thể. Sự áp bức tồi tệ nhất cũng được tha thứ nếu nó được thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Không chấp nhận các ý tưởng đối lập được công khai cổ võ. Điều bi thảm của tư tưởng tập thể là lúc đầu nó tôn vinh lý trí, nhưng kết cục nó phá hủy lý trí.

Một khía cạnh của sự thay đổi các giá trị đạo đức do sự thắng thế của chủ nghĩa tập thể khiến chúng ta đặc biệt suy nghĩ. Đó là những đức tính được tôn trọng ngày càng ít ở Anh và nước Mỹ lại chính là những đức tính mà người Anglo-Saxons tự hào và họ thường được công nhận là xuất sắc trong các đức tính đó. Những đức tính này là tinh thần độc lập và tự chủ, sáng kiến ​​cá nhân và trách nhiệm địa phương, trông đợi thành công vào hoạt động tự nguyện, không can dự vào cuộc sống của người láng giềng, bao dung sự khác biệt, và hoài nghi lành mạnh đối với quyền lực và chính quyền.

Hầu như tất cả các truyền thống và thể chế đã hun đúc tính cách dân tộc và toàn bộ môi trường đạo đức của Anh và Mỹ là những đặc điểm đang dần bị phá hủy bởi tiến trình của chủ nghĩa tập thể và khuynh hướng tập trung của nó.

Kế hoạch so với Pháp chế

Không có gì phân biệt rõ ràng một quốc gia tự do với một quốc gia dưới chính phủ độc đoán hơn là việc tuân thủ các nguyên tắc vĩ đại trước đây được gọi là pháp chế. Không đi vào chi tiết kỹ thuật, các nguyên tắc này có nghĩa là tất cả các hành động của chính phủ đều bị ràng buộc bởi các quy tắc đã được định rõ và công bố trước – các quy tắc giúp có thể thấy trước một cách chắc chắn và công bằng thể thức chính quyền sẽ sử dụng các quyền lực cưỡng chế của mình trong các trường hợp cụ thể và cá nhân có thể lập kế hoạch của mình trên cơ sở về sự hiểu biết này. Do đó, trong giới hạn của các quy tắc đã biết của trò chơi, cá nhân có thể tự do theo đuổi mục đích cá nhân của mình, và yên tâm rằng các quyền lực của chính phủ sẽ không được sử dụng một cách có chủ ý để gây khó dễ cho những nỗ lực của anh ta.

Kế hoạch kinh tế xã hội chủ nghĩa nhất thiết đi ngược lại chính điều này. Cơ quan lập kế hoạch không thể tự buộc mình trước các quy tắc chung ngăn chặn sự độc đoán.

Khi chính phủ phải quyết định sẽ nuôi bao nhiêu con lợn hoặc chạy bao nhiêu xe buýt, mỏ than nào sẽ hoạt động, hoặc giá giày nào sẽ được bán, những quyết định này không thể được ấn định trước trong thời gian dài. Các quyết định đó nhất định phải phụ thuộc vào hoàn cảnh của thời điểm, và trong việc đưa ra các quyết định như vậy, sẽ luôn luôn cần phải cân bằng, cái này với cái kia, cân bằng lợi ích của nhiều người và các nhóm khác nhau.

Cuối cùng, một số quan điểm của người khác sẽ phải quyết định lợi ích của ai quan trọng hơn và những quan điểm này phải trở thành một phần của đất nước. Do đó, thực tế mà ai cũng biết là nhà nước càng có nhiều kế hoạch thì càng khó lập kế hoạch cho cá nhân.

Sự khác biệt giữa hai loại quy tắc là quan trọng. Nó giống như sự khác biệt giữa việc cung cấp các biển chỉ dẫn và ra lệnh mọi người đi đường nào.

Hơn nữa, trong hoạch định tập chung chính phủ không thể vô tư. Nhà nước không còn là một bộ máy thực dụng nhằm giúp các cá nhân phát triển toàn diện nhất cá tính của họ mà trở thành một tổ chức cố tình phân biệt đối xử giữa các nhu cầu cụ thể của những người khác nhau và cho phép một người làm những gì mà người khác không được làm. Nhà nước phải đặt ra một quy tắc pháp lý quy định những người nào có thể khá hơn và những người khác được phép có những gì.

Pháp trị, trong đó không có đặc quyền pháp lý cho những người được chính quyền chỉ định, là chế độ bảo vệ sự bình đẳng đó trước pháp luật trái ngược với chính quyền độc đoán. Điều quan trọng là các người theo xã hội chủ nghĩa (và quốc xã chủ nghĩa) luôn phản đối ‘công lý hình thức’ đơn thuần, rằng họ phản đối luật không quy định người nào nên được khá giả hơn, rằng họ đã đòi ‘xã hội hóa luật pháp’ và đả kích sự độc lập của các thẩm phán.

Trong một xã hội có kế hoạch, luật pháp phải hợp pháp hóa những quy định hoàn toàn có tính cách độc đoán. Nếu luật pháp nói rằng một hội đồng hoặc cơ quan có thẩm quyền nào đó có thể làm những gì nó thích, thì bất cứ điều gì hội đồng quản trị hoặc cơ quan đó làm đều hợp pháp – nhưng hành động của họ chắc chắn không phải tuân theo quy tắc của pháp trị. Bằng cách trao cho chính phủ quyền lực vô hạn, thì một quy định độc đoán nhất vẫn có thể được công nhận là hợp pháp; và theo cách này, một nền dân chủ cũng có thể thiết lập chế độ chuyên quyền hoàn toàn nhất có thể tưởng tượng được.

Chế độ pháp trị đã được cố ý phát triển trong thời đại tự do và là một trong những thành tựu lớn nhất của thời đại đó. Đó là hiện thân pháp luật của tự do. Như Immanuel Kant đã nói, ‘Con người là tự do nếu anh ta không cần tuân theo ai mà chỉ tuân theo   luật pháp.’

Có phải ’không thể tránh khỏi’ kế hoạch hóa?

Người ta được biết rằng rất ít người làm kế hoạch ngày nay hài lòng khi nói kế hoạch tập trung là điều nên làm. Hầu hết trong số họ khẳng định rằng chúng ta hiện đang bị ép buộc bởi những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Một lập luận thường được nghe thấy là sự phức tạp của nền văn minh hiện đại tạo ra những vấn đề mới mà chúng ta không thể hy vọng giải quyết hiệu quả trừ khi có kế hoạch tập trung. Lập luận này dựa trên sự hiểu sai hoàn toàn về hoạt động cạnh tranh. Sự phức tạp của các tình trạng hiện đại khiến cho cạnh tranh trở thành phương pháp duy nhất để có thể phối hợp các vấn đề một cách thỏa đáng.

Sẽ không có khó khăn gì về kiểm soát hiệu quả hoặc lập kế hoạch nếu những tình trạng đơn giản đến mức một người hoặc hội đồng quản trị có thể trắc định tất cả các sự kiện. Nhưng khi phải kể tới tất cả các yếu tố thì công việc trở nên vô cùng phức tạp, không một trung tâm nào có thể theo dõi hết tất cả. Các tình trạng thay đổi liên tục của cung và cầu của các mặt hàng khác nhau không bao giờ có thể được biết đến đầy đủ hoặc nhanh chóng phổ biến bởi bất kỳ một trung tâm nào.

Trong cạnh tranh – và không trong một trật tự kinh tế nào khác – hệ thống giá sẽ tự động ghi lại tất cả các dữ liệu liên quan. Các doanh nhân, bằng cách theo dõi sự chuyển động của một số giá tương đối ít, như một kỹ sư xem một vài đổng hồ kiểm soát, có thể điều chỉnh các hoạt động đối với những người bạn hàng của họ.

So với phương pháp giải quyết vấn đề kinh tế này – bằng cách không tập trung cùng với điều phối tự động qua hệ thống giá – thì phương pháp định hướng tập trung là vô cùng vụng về, thô sơ và rất hạn hẹp. Sẽ không quá lời khi nói rằng nếu chúng ta phải dựa vào kế hoạch tập trung để phát triển công nghiệp, thì nó sẽ không bao giờ đạt đến mức độ thẩm sát và linh hoạt đã đạt được. Nền văn minh hiện đại đã có được chính bởi vì nó không phải được tạo ra một cách có ý thức. Sự phân công lao động đã vượt xa những gì kế hoạch có thể làm được. Bất kỳ sự gia tăng phức tạp nào trong lãnh vực kinh tế, không những không làm cho cho tập trung kế hoạch trở nên cần thiết hơn, mà lại làm cho việc sử dụng kỹ thuật cạnh tranh không phụ thuộc vào kiểm soát có ý thức quan trọng hơn bao giờ hết.

Người ta cũng lập luận rằng những thay đổi trong công nghệ đã khiến cho không thể có cạnh tranh trong một số lĩnh vực không ngừng phát triển và sự lựa chọn duy nhất của chúng là giữa độc quyền tư nhân khống chế sản xuất và sự chỉ đạo của chính phủ. Tuy nhiên, gia tăng độc quyền dường như không phải là hậu quả tất hữu của sự tiến bộ công nghệ do kết quả của các chính sách theo đuổi ở hầu hết các quốc gia.

Nghiên cứu đầy đủ nhất về tình huống này là của Ủy ban Kinh tế Quốc gia Tạm thời[9], là ủy ban chắc chắn không thể bị buộc tội là thiên vị tự do quá mức. Ủy ban kết luận:

Hiệu quả vượt trội của các cơ sở lớn chưa được chứng minh; những lợi thế được cho là tiêu diệt cạnh tranh đã không thể hiện ở nhiều lĩnh vực … kết luận rằng lợi thế của sản xuất quy mô lớn chắc chắn sẽ dẫn đến việc bãi bỏ cạnh tranh không thể được chấp nhận

… Hơn nữa cần lưu ý là sự độc quyền thường đạt được qua cấu kết và được thúc đẩy bởi các chính sách công.

 

Khi các thỏa thuận này bị vô hiệu hóa và các chính sách này bị đảo ngược, các điều kiện cạnh tranh có thể được khôi phục.

Bất cứ ai quan sát làm thế nào các người có tham vọng độc quyền luôn luôn tìm sự trợ giúp của nhà nước để cho sự khống chế của họ có hiệu quả có thể biết chắc rằng không phải là không thể tránh được sự phát triển này. Tại Hoa Kỳ một chính sách bảo hộ cao đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các độc quyền. Ở Đức, sự phát triển của các cartel từ năm 1878 đã được thúc đẩy một cách có hệ thống bởi chính sách có chủ ý. Chính tại đây, với sự giúp đỡ của nhà nước, thí nghiệm lớn đầu tiên trong ‘lập kế hoạch khoa học’ và ‘tổ chức công nghiệp có ý thức’ đã khiến tạo ra các độc quyền khổng lồ. Việc đàn áp cạnh tranh lúc đó là vấn đề chính sách có chủ ý ở Đức, được thực hiện để phục vụ cho một lý tưởng mà ngày nay chúng ta gọi là lập kế hoạch.

Nguy hiểm lớn nằm ở chính sách của hai nhóm quyền lực – tư bản có tổ chức và lao động có tổ chức – hỗ trợ cho tổ chức công nghiệp độc quyền. Sự gia tăng gần đây của độc quyền phần lớn là kết quả của sự hợp tác có chủ ý giữa tư bản có tổ chức và lao động có tổ chức, trong đó các nhóm lao động đặc quyền chia sẻ lợi nhuận độc quyền gây thiệt hại cho cộng đồng và đặc biệt thiệt hại cho những người làm việc trong các ngành công nghiệp kém tổ chức.

Tuy nhiên, không có lý do để tin rằng phong trào này là không thể tránh khỏi. Phong trào hướng tới lập kế hoạch là kết quả của hành động có chủ ý. Không có yếu tố bên ngoài buộc chúng ta phải làm như vậy.

Lập kế hoạch có thể giải phóng chúng ta khỏi chăm sóc?

Hầu hết các nhà hoạch định xem xét nghiêm túc các khía cạnh thực tế về việc làm của họ tin rằng một nền kinh tế có định hướng phải được điều hành theo đường lối độc tài, và cũng tin rằng hệ thống phức tạp của các hoạt động liên quan với nhau phải được chỉ đạo bởi các nhân viên gồm các chuyên gia, cùng với quyền lực tối cao trong tay một tổng tư lệnh có quyền hành động không bị ràng buộc bởi thủ tục dân chủ. Các nhà hoạch định nói cho chúng ta yên tâm là cách chỉ huy độc đoán này ‘chỉ’ áp dụng đối với các vấn đề kinh tế. Luận điệu trấn an này thường đi đôi với gợi ý rằng, bằng cách từ bỏ tự do trong các khía cạnh ít quan trọng hơn trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được tự do trong công cuộc theo đuổi các giá trị cao hơn. Vì lý luận này, những người ghê tởm độc tài chính trị lại thường mong muốn có một nhà độc tài trong lĩnh vực kinh tế.

Lập luận đó hấp dẫn đối với bản năng tốt nhất của chúng ta. Nếu kế hoạch thực sự khiến chúng ta khỏi bận tâm về những vấn đề ít quan trọng hơn và đem đến cho chúng ta một cuộc sống bình dị và tư duy cao, thì ai lại có thể coi thường một lý tưởng như vậy?

Đáng tiếc là các cứu cánh thuần túy kinh tế không thể tách rời khỏi các cứu cánh khác của cuộc sống. Cái được gọi lầm là ‘động lực kinh tế’ chỉ có nghĩa là mong muốn có cơ hội tổng quát. Nếu chúng ta phấn đấu vì tiền, đó là vì tiền mang lại cho chúng ta sự lựa chọn rộng nhất trong việc tận hưởng thành quả của những nỗ lực của chúng ta – một khi có tiền, chúng ta có thể tự do tiêu tiền như chúng ta muốn.

Vì tiền thu nhập giới hạn, chúng ta cảm thấy bị gò bó do hoàn cảnh tương đối nghèo áp đặt lên chúng ta, nên nhiều người đã ghét tiền, cho tiền là biểu tượng của những hạn chế này. Thật ra, tiền là một trong những công cụ tự do vĩ đại nhất mà con người đã phát minh. Trong xã hội hiện tại chính tiền đã mở ra một phạm vi lựa chọn đáng ngạc nhiên cho người nghèo – một phạm vi lớn hơn phạm vi đã mở ra cho những người giàu trước đây một vài thế hệ.

Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng về công dụng của tiền bạc nếu chúng tưởng tượng sự gì thực sự sẽ xẩy ra nếu, như nhiều người theo chủ nghĩa xã hội đề xuất, thay thế ​​‘động lực tiền tệ’ phần lớn bởi ‘khuyến dụ phi kinh tế’. Nếu tất cả các thù lao, thay vì bằng tiền, được cung cấp dưới dạng tuyên dương, hoặc đặc quyền, hoặc chức quyền đối với người khác, nhà ở hoặc thực phẩm tốt hơn, cơ hội đi du lịch hoặc giáo dục, thì điều này có nghĩa là người nhận sẽ không còn được lựa chọn nữa, và người cho phần thưởng sẽ ấn định không những mức độ thưởng mà cả cách thưởng nữa.

Cái gọi là tự do kinh tế mà các nhà hoạch định hứa với chúng ta có nghĩa chính xác là chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề kinh tế của chính chúng ta và chúng ta không còn phải khổ tâm lựa chọn vì đã có người khác lựa chọn giùm. Vì trong điều kiện hiện tại, chúng ta phải phụ thuộc vào hầu hết các phương tiện mà người khác cung cấp, hoạch định kinh tế sẽ định hướng gần như toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Hầu như không có khía cạnh nào trong cuộc sống – từ nhu cầu thiết yếu của chúng ta đến mối quan hệ của chúng ta với gia đình và bạn bè, từ tính chất công việc đến việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của chúng ta – mà lại không được người làm kế hoạch ‘lưu tâm chi phối’.

Quyền lực của người lập kế hoạch đối với cuộc sống riêng tư của chúng ta cũng hầu như không bớt chặt chẽ nếu trên danh nghĩa người tiêu dùng được tự do chi tiêu thu nhập của mình theo ý muốn, vì chính quyền vẫn còn kiểm soát sản xuất.

Sự tự do lựa chọn của chúng ta trong một xã hội cạnh tranh dựa trên thực tế rằng, nếu một người từ chối thỏa mãn mong muốn của chúng ta, thì ta có thể chuyển sang một người khác. Nhưng nếu chúng ta đối mặt với một nhà độc quyền, chúng ta hoàn toàn bị người đó chi phối. Một cơ quan chỉ đạo toàn bộ hệ thống kinh tế sẽ là cơ chế độc quyền mạnh nhất có thể tưởng tượng được.

Cơ chế đó sẽ có toàn quyền quyết định những gì chúng ta được và với những điều kiện nào. Không những nó chỉ quyết định những mặt hàng và dịch vụ nào sẽ có và với số lượng bao nhiêu mà nó còn có thể chỉ đạo phân phối giữa các vùng và các nhóm; và nếu muốn, có thể phân biệt đối xử giữa những cá nhân ở bất kỳ mức độ nào nó thích. Không phải quan điểm riêng của chúng ta, mà là quan điểm của người khác sẽ xác định những gì chúng ta nên thích hoặc không thích, và những gì chúng ta được nhận.

Ý chí của chính quyền sẽ định hình và ‘hướng dẫn’ cuộc sống hàng ngày của chúng ta thậm chí nhiều hơn khi chúng ta ở vào vị trí là nhà sản xuất. Đối với hầu hết chúng ta, thời gian chúng ta dành cho công việc là một phần lớn trong toàn bộ cuộc sống của chúng ta và công việc của chúng ta thường quyết định nơi ở và những người mà chúng ta chung sống. Do đó có khi tự do trong việc lựa chọn công việc của chúng ta có lẽ còn quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta hơn là tự do chi tiêu thu nhập và tự do tiêu khiển trong những giờ giải trí của chúng ta.

Ngay cả trong thế giới tốt nhất, sự tự do này sẽ bị hạn chế. Rất ít người từng có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có một số lựa chọn, chúng ta không hoàn toàn bị ràng buộc với một công việc đã được chọn cho chúng ta, và nếu một công việc trở thành không thể chịu đựng được nữa, hoặc nếu chúng ta thích một việc khác, thì với một người có khả năng và nếu chịu thiệt một chút, có thể đạt được ý muốn của mình. Không gì làm cho hoàn cảnh không thể chịu đựng được hơn khi biết rằng không làm thế nào để thay đổi nó. Có thể chán nản khi chỉ là một răng bánh xe trong một guồng máy nhưng sẽ vô cùng chán nản hơn nếu không còn có thể thoát khỏi nó, nếu ta bị kẹt với công việc và với cấp trên đã được nguời khác chọn cho chúng ta.

Trong thế giới hiện tại của chúng ta, có rất nhiều điều có thể được thực hiện để cải thiện cơ hội lựa chọn của chúng ta. Nhưng ‘lập kế hoạch’ thì chắc chắn sẽ đi theo hướng ngược lại. Lập kế hoạch là phải kiểm soát việc tham gia vào các ngành nghề và nghề nghiệp khác nhau, hoặc kiểm soát mức thù lao, hoặc cả hai. Trong hầu hết tất cả các trường hợp đã biết về lập kế hoạch, những biện pháp đầu tiên được thực hiện là kiểm soát và hạn chế.

Trong một xã hội cạnh tranh, hầu hết mọi thứ đều có thể có bằng cách trả giá. Thường là trả một giá cao tàn nhẫn. Phải hy sinh cái này để có một cái khác. Tuy nhiên, nếu không muốn trả giá thì không phải là được tự do lựa chọn, mà là phải tuân theo các mệnh lệnh và cấm đoán.

Không là điều ngạc nhiên khi con người ta không muốn phải làm sự lựa chọn cay đắng do thực tế phũ phàng thường áp đặt lên họ. Nhưng ít ai muốn tránh làm việc đó bằng cách để người khác lựa chọn cho họ. Người ta chỉ ước rằng không cần lựa chọn chút nào. Họ chỉ rất sẵn sàng tin rằng sự lựa chọn thực ra không cần thiết, mà chỉ do hoàn cảnh kinh tế áp đặt. Thực ra, điều họ oán trách là khó khăn kinh tế.

Ảo tưởng cho rằng thực sự không còn khó khăn kinh tế đã được phổ biến bởi luận điệu rằng một nền kinh tế kế hoạch sẽ tạo ra một sản lượng đáng kể lớn hơn so với hệ thống cạnh tranh. Tuy nhiên luận điệu này đang dần bị các nhà nghiên cứu từ bỏ. Ngay cả nhiều nhà kinh tế có quan điểm xã hội chủ nghĩa bây giờ cũng chỉ hy vọng rằng một xã hội có kế hoạch sẽ có hiệu quả bằng một hệ thống cạnh tranh. Họ chủ trương lập kế hoạch vì nó giúp đảm bảo phân phối của cải công bằng hơn. Và không thể chối cãi rằng nếu chúng ta muốn quyết định ai sẽ có cái gì thì chúng ta phải lập kế hoạch cho toàn bộ hệ thống kinh tế.

Nhưng câu hỏi vẫn còn là liệu cái giá chúng ta phải trả cho việc thực hiện lý tưởng công lý của một người nào đó sẽ không ràng buộc và áp bức hơn hệ thống – bị chê trách – để cho các lực kinh tế hoàn toàn chi phối.

Vì khi một chính phủ nắm quyền phân phối của cải, thì họ theo nguyên tắc nào hoặc phải được chỉ đạo như thế nào? Có một câu trả lời chắc chắn nào cho vô số câu hỏi sẽ được đặt ra về giá trị tương đối [của hai hệ thống đó] không?

Chỉ có một nguyên tắc chung chung, một quy tắc đơn giản, sẽ cung cấp một câu trả lời cho các câu hỏi đó: sự bình đẳng tuyệt đối của tất cả các cá nhân. Giả dụ đây là mục tiêu thì ít nhất nó sẽ cho một ý niệm mơ hồ về phân phối theo công lý có ý nghĩa rõ ràng. Nhưng nói chung không ai coi loại bình đẳng máy móc này là điều đáng mong muốn, và chủ nghĩa xã hội không hứa hẹn bình đẳng hoàn toàn mà là ‘bình đẳng hơn’.

Trả lời kiểu công thức này thực ra không trả lời được các câu hỏi. Nó không giúp chúng ta tránh khỏi sự cần thiết phải quyết định trong mọi trường hợp cụ thể giữa giá trị của các cá nhân hoặc giữa các nhóm, và nó không giúp ích gì trong quyết định đó. Thực ra tất cả những gì nó nói với chúng ta là lấy của cải của người giàu càng nhiều càng tốt. Khi phải phân phối các của cải chiếm hữu đó, thì vấn đề cũng khó khăn như lúc chưa có công thức ‘bình đẳng hơn’.

Người ta thường nói tự do chính trị là vô nghĩa nếu không có tự do kinh tế. Quả thực như vậy, nhưng chỉ đúng theo một ý nghĩa gần như ngược lại với cụm từ sử dụng bởi các nhà hoạch định của ta. Tự do kinh tế – điều kiện tiên quyết của bất kỳ tự do nào khác – không thể là tự do không phải làm sự lựa chọn kinh tế mà các nhà xã hội hứa hẹn. [Thực ra] tự do đó [theo nghĩa của các nhà xã hội] chỉ có thể có được bằng cách tước đoạt quyền tự do lựa chọn của chúng ta. Tự do hoạt động kinh tế, cùng với quyền lựa chọn, cũng đi đôi với rủi ro và trách nhiệm của quyền đó.

Hai loại bảo đảm

Giống như ‘tự do kinh tế’ giả hiệu – và nói công bằng hơn – bảo đảm kinh tế thường được coi như một điều kiện không thể thiếu của tự do thực sự. Theo một nghĩa cả hai điều này đều đúng và quan trọng. Độc lập về tâm trí hoặc cá tính hiếm khi tìm thấy trong số những người không thể tự tin rằng họ sẽ tự làm theo cách của mình.

Nhưng có hai loại bảo đảm: bảo đảm nếp sống tối thiểu cho mọi người và bảo đảm một mức sống nhất định trong vị trí tương đối mà một người hoặc một nhóm được hưởng so với những người khác.

Không có lý do tại sao, trong một xã hội đã đạt đến mức độ thịnh vượng chung như của chúng ta, loại bảo đảm thứ nhất lại không được duy trì cho tất cả mọi người mà không gây nguy hại cho tự do chung; đó là: thực phẩm, chỗ ở và quần áo tối thiểu, đủ để bảo vệ sức khỏe. Cũng không có lý do tại sao nhà nước lại không nên giúp tổ chức một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện đối với những mối gian truân thường gặp trong cuộc cuộc sống mà ít ai có thể có đủ sức đối phó.

Chính lập kế hoạch cho loại bảo đảm thứ hai là loại bảo đảm có hại ngầm đối với tự do. Đó là kế hoạch được thiết kế để bảo vệ các cá nhân hoặc nhóm chống lại thu nhập bị giảm.

Nếu – điều này ngày càng trở nên đúng – các thành viên của mỗi ngành nghề có điều kiện khá hơn được phép loại trừ những người khác để dành cho mình hưởng hết tất cả điều lợi dưới hình thức tiền lương hoặc lợi nhuận cao hơn thì những người trong các ngành nghề mà mức cầu đã giảm không có nơi nào để đi, và mọi thay đổi đều dẫn đến thất nghiệp lớn. Chắc chắn rằng phần lớn do hậu quả của việc phấn đấu cho có bảo đảm bằng các cách này mà trong những thập kỷ qua nạn thất nghiệp và, do đó sự bất an, đã tăng lên nhiều như vậy.

Trong một xã hội đã trở thành cứng ngắc, tình trạng hoàn toàn vô vọng của những người bị gạt ra ngoài phạm vi nghề nghiệp được che chở chỉ có những người đã trải qua nó mới cảm thấy thấm thía. Chưa bao giờ có sự bóc lột một giai cấp bởi một giai cấp khác tàn nhẫn hơn trường hợp các thành viên kém may mắn bị bóc lột bởi nhóm các nhà sản xuất khá giả. Điều này đã xảy ra do ‘quy định’ cạnh tranh. Rất ít khi có một từ khóa đã gây ra nhiều tác hại như lý tưởng ‘ổn định’ giá cả hoặc tiền lương, trong khi đảm bảo thu nhập của một số người, lại khiến cho tình cảnh của những người khác ngày càng trở nên bấp bênh.

Ở Anh và Mỹ, các đặc quyền đặc biệt, nhất là dưới hình thức ‘quy định’ cạnh tranh, ‘ổn định’ giá cả và tiền lương, đã có tầm quan trọng ngày càng tăng. Với mỗi sự bảo đảm như vậy cho một nhóm, thì tình trạng bấp bênh của những nhóm khác nhất thiết phải tăng lên. Nếu ta đảm bảo cho một số người một phần cố định của một chiếc bánh có kích thước thay đổi, phần còn lại cho những người khác chắc chắn sẽ dao động với tỷ lệ lớn hơn so với tỷ lệ dao động của cả chiếc bánh. Và yếu tố cơ bản của bảo đảm mà hệ thống cạnh tranh mang lại, nghĩa là rất nhiều cơ hội khác nhau, càng ngày càng giảm. Nỗ lực chung để đạt được bảo đảm bằng các biện pháp hạn chế, được nhà nước hỗ trợ, theo với thời gian đã càng ngày càng tạo ra sự biến thái của xã hội – một sự biến thái trong đó, như trong rất nhiều cách khác – Đức đã dẫn đầu và các nước khác đã làm theo. Sự thay đổi này đã được thúc đẩy bởi một hiệu ứng khác của học thuyết xã hội chủ nghĩa, sự cố ý coi khinh các hoạt động liên quan đến rủi ro kinh tế và sự đả kích về mặt đạo đức đối với lòng ham lợi khiến người ta chấp nhận rủi ro nhưng chỉ có vài người có thể giành phần thắng.

Chúng ta không thể chê trách những người trẻ khi họ thích công việc ổn định được trả lương thay vì rủi ro của kinh doanh vì ngay từ thuở ban đầu của tuổi thanh xuân họ đã nghe nói công việc ổn định được trả lương là nghề cao quý hơn, không ích kỷ và vô vị lợi. Thế hệ trẻ ngày nay đã lớn lên trong một thế giới, trong đó trường học và báo chí mô tả kinh doanh thương mại là xấu xa, chạy theo lợi nhuận là vô đạo đức, người  thu dụng 100 nhân viên bị coi là bóc lột còn người chỉ huy 100 người được coi là vinh dự.

Người lớn tuổi có thể coi đây là nói quá đáng, nhưng kinh nghiệm hàng ngày của giảng viên đại học khiến người ta thấy rằng, do kết quả của tuyên truyền chống tư bản, cho đến nay các giá trị đã thay đổi rất nhiều trước sự thay đổi của các định chế . Câu hỏi đặt ra là, bằng cách thay đổi các định chế của chúng ta để đáp ứng nhu cầu mới, liệu chúng ta có vô tình phá hủy các giá trị mà chúng ta vẫn trân trọng không.

Điều mâu thuẫn mà chúng ta phải giải quyết là một vấn đề cơ bản giữa hai loại hình tổ chức xã hội không thể dung hòa thường được mô tả là thương mại và quân sự. Trong cả hai loại tổ chức đó sự lựa chọn và rủi ro đều do cá nhân quyết định nếu không anh ta sẽ chẳng có sự lựa chọn nào cả. Trong quân đội, công việc và người làm việc đều do giới chức có thẩm quyền phân bổ, và đây là hệ thống duy nhất mà cá nhân có thể hoàn toàn có được bảo đảm kinh tế. Tuy nhiên, sự bảo đảm này không thể tách rời khỏi các hạn chế về tự do và đẳng cấp của cuộc sống quân ngũ – đó là sự bảo đảm trong một doanh trại.

Trong một xã hội quen có tự do, rất có thể nhiều người sẽ không mua sự bảo đảm với giá này. Nhưng các chính sách được theo đuổi hiện nay đang nhanh chóng tạo ra các điều kiện trong đó việc cố gắng có bảo đảm có xu hướng trở nên mạnh hơn sự yêu chuộng tự do.

Nếu chúng ta không muốn phá hủy tự do cá nhân, thì phải để cạnh tranh hoàn toàn hoạt động. Bằng mọi cách phải bảo đảm một mức tối thiểu đồng nhất cho mọi người; nhưng đồng thời chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng phải gạt bỏ tất cả các đòi hỏi bảo đảm đặc quyền của một giai cấp nào đó, và bác bỏ bất cứ một cớ nào cho phép các nhóm nào đó ngăn cản các người mới chia sẻ sự thịnh vượng tương đối của họ để duy trì tiêu chuẩn đặc biệt của riêng họ.

Hiển nhiên bảo đảm đầy đủ chống lại sự khốn cùng sẽ phải là một trong những mục tiêu chính của chính sách của chúng ta. Nhưng không có gì nguy hiểm hơn trào lưu hiện tại của các nhà lãnh đạo trí thức đề cao sự bảo đảm tuyệt đối bằng cách hy sinh tự do. Điều cần thiết là chúng ta nên học lại để thẳng thắn đối mặt với thực tế rằng tự do chỉ có thể có được với một giá và mỗi người chúng ta phải chịu cam go hy sinh vật chất để bảo tồn nó.

Chúng ta phải lấy lại niềm tin theo đó quyền tự do ở các quốc gia Anglo-Saxon đã được xây dựng mà Benjamin Franklin đã diễn tả trong một câu áp dụng cho cá nhân chúng ta không kém cho một quốc gia: ‘Những người từ bỏ quyền tự do thiết yếu để mua một chút an toàn tạm thời không xứng đáng được hưởng tự do cũng như an toàn.’

Hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn

Để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải có can đảm bắt đầu một khởi điểm mới. Chúng ta phải xóa đi những trở ngại mà sự điên rồ của con người gần đây đã làm trở ngại con đường của chúng ta và giải phóng năng lượng sáng tạo của các cá nhân.

Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ chứ không phải ‘lập kế hoạch tiến bộ’.

Không phải những người hô hào gia tăng ‘lập kế hoạch’, là những người tỏ ra có can đảm cần thiết, cũng không phải những người rao giảng ‘Trật tự Mới’ – thực ra chỉ là sự tiếp nối của những xu hướng trong 40 năm qua, và chỉ cho rằng không có gì tốt hơn là bắt chước Hitler. Thực vậy, những người hô hào lớn nhất đòi có một nền kinh tế có kế hoạch, lại là những người hoàn toàn bị chi phối bởi những ý tưởng đã tạo ra cuộc chiến này và gây ra hầu hết các tệ nạn khiến chúng ta đau khổ.

Nguyên tắc chỉ đạo trong mọi nỗ lực tạo ra một thế giới của những người tự do phải là: chính sách tự do cho cá nhân là chính sách duy nhất thực sự tiến bộ.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân August, 2020

F. A. Hayek

Friedrich Hayek (1899 – 1992) là một nhà kinh tế và triết gia, tác giả của những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đã thay đổi lịch sử trí tuệ. Ông đã được giải thưởng Tưởng niệm Nobel về khoa Kinh tế học cho các tác phẩm tiên phong trong lý thuyết về tiền tệ và biến động kinh tế cũng như phân tích sâu sắc về sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng kinh tế, xã hội và định chế. Ông dạy học ở Vienna, London và Chicago.

[1] Bản gốc The Road to Serfdom: Condensed Edition (March 1944) – Foundation for Economic Education

https://fee.org/resources/the-road-to-serfdom-condensed-edition/

Các ghi chú là của người dịch.

[2] Pierre Laval, (1883-1945, Paris), chính trị gia và chính khách người Pháp lãnh đạo chính phủ Vichy thi hành chính sách hợp tác với Đức trong Thế chiến II. Ông đã bị xử tử vì tội phản quốc.

Vidkun Quisling, (1887-1945), sĩ quan Na Uy cộng tác với Đức khi Đức chiếm Na Uy trong Thế chiến II.

[3] Louis de Rouvroy, Duke de Saint-Simon, (1675 – 1755), quân nhân và nhà văn, được biết đến như là một trong những người viết hồi ký tuyệt vời của Pháp. Tác phẩm Mémoires của ông là một tài liệu lịch sử quan trọng của thời đại ông.

[4] Alexis de Tocqueville, (1805 – 1859), nhà khoa học chính trị, nhà sử học và chính trị gia, nổi tiếng với tác phẩm Democracy in America, (Nền Dân chủ ở Mỹ, 4 quyển) phân tích sâu sắc về hệ thống chính trị và xã hội của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19.

[5] Peter Ferdinand Drucker (1909 – 2005) chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn Management Challenges for 21st Century, 1999 (Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21).

[6] Gestapo: mật vụ chính trị của Đức Quốc xã.

[7] SA một lực lượng bán quân sự hoạt động chủ yếu để đe dọa các đối thủ chính trị trong thời kỳ đầu của Đảng Quốc xã. Lực lượng này thường được gọi là Stormtroopers hoặc Brownshumps (Lực lượng Sơ mi Nâu)

SS là nhóm vệ sĩ cho Adolf Hitler. Sau vụ thanh trừng nội bộ năm 1934, SS (Lực lượng Sơ mi Đen) trở thành lực lượng bán quân sự tinh nhuệ ở Đức Quốc xã. Lực lượng này nằm dưới quyền chỉ huy của Heinrich Himmler và chỉ nhận lệnh trực tiếp của  chính Hitler.

 [8] Sidney và Beatrice Webb:  Sidney James Webb (1859 -1947) Beatrice Webb(1858 -1943). Hai ông bà là các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa Anh (chồng và vợ), đồng sáng lập viên London School of Economics and Political Science (Trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn). Hai ông bà đều là những người đi tiên phong trong cải cách xã hội và kinh tế và là các sử gia nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng xã hội và thể chế ở Anh.

[9] Ủy ban Kinh tế Quốc gia Tạm thời (Temporary National Economic Committee, TNEC) do Quốc hội Mỹ thành lập vào tháng 6 năm 1938 để phân tích hiệu suất của nền kinh tế Mỹ. Ủy ban được tạo ra theo khuyến nghị của Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm đánh giá lại chính sách đối với cuộc suy thoái năm 1937 – 1938 và cuộc Đại Khủng hoảng.