fbpx

Tin & Sự Kiện

Giới thiệu Đạo đức Luận – Aristote

Đỗ Khánh Hoan

 Đi vào tác phẩm này, nếu là lần đầu, độc giả sẽ làm quen với nhà tư tưởng phong phú lạ kỳ sống cách chúng ta hai mươi bốn thế kỷ ở phương trời xa lạ tôi hân hạnh giới thiệu sau Platon, thày dạy của ông. Nếu biết ông rồi, độc giả khỏi bận tâm; nếu chưa biết ông,  độc giả cũng đừng thắc mắc mà vui lòng theo dõi lời kể mộc mạc, đơn sơ về thân thế cùng sự nghiệp, người người ngưỡng mộ, mến yêu.

Thưa, ông là người Hy-lạp, tên Aristote, học trò Platon, thầy dạy Alexander, xuất hiện trên trần gian 62 năm, rồi ra đi vĩnh viễn, không bao giờ trở lại, học giới Tây phương hơn hai ngàn năm coi là triết gia khai phóng đã mở đường vạch lối suy tư theo đó tư tưởng con người sau đó cất bước. Ông chào đời ở Stagira, thành phố thuộc Macedonia[1] cách Athens hơn ba trăm cây số về phía Bắc năm 384 tcn. Thân phụ là thân hữu đồng thời ngự y của vua Amyntas xứ Macedonia và ông nội Alexander. Theo lời truyền ông dường như cũng muốn trở thành hội viên gia đình y học, do nuôi dưỡng trong không khí y khoa như nhiều nhà tư tưởng đương thời tắm gội trong môi trường triết học; ông có cơ hội và động lực để phát triển tài năng, song khi phát triển chẳng hiểu sao tài năng lại nghiêng về khoa học; từ đó ông sẵn sàng trở thành người xây dựng khoa học, và là người xây dựng đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Sự nghiệp lừng lẫy, có một không hai, ấy thế mà tiểu sử người sau biết lại rất sơ sài, đôi khi có thể nói mâu thuẫn, bất nhất, chồng chéo, chắp nối, vá víu, thật khó tin. Chuyện kể lúc trẻ tuổi ông sống phóng đãng, gia nhập quân đội để khỏi chết đói, trở về Stagira hành nghề thày thuốc, năm ba mươi tuổi xuống Athens theo học Platon, nghiền ngẫm triết học. Chuyện kể năm mười tám tới Athens, như biết bao thanh niên hiếu học cùng trang lứa muốn tiến thân trên đường đời gập ghềnh, trắc trở, ông chân thành thụ giáo đại sư, thời gian khá lâu; dẫu thế ngay cả chuyện có vẻ thực này, theo G. Grote trong Aristotle (1872) và E. Zeller trong Aristotle and the Earlier Peripa-tetics (Aristote và triết sinh tiêu dao buổi đầu, 1897), người sau vẫn thấy bóng dáng chàng trai khinh suất, sống hấp tấp, liều lĩnh. Tuy nhiên, độc giả sẽ hài lòng khi thấy trong cả hai chuyện bông hoa thác loạn cuối cùng hạ neo cắm sào dừng thuyền trong bến bờ yên tịnh, miệt mài trau giồi trí thức giảng dạy trong Học Viện Platon sáng lập. Chuyện kể thời gian ở Athens ông mở trường dạy học, đặc biệt môn hùng biện nhằm cạnh tranh với Isocrates, diễn giả lừng danh đương thời; trong số học sinh có Hermias gia đình giàu có, bề thế, sau này trở thành nhà độc tài nắm quyền cai trị thành quốc Atar -neus. Sau khi đạt vị thế quyền cao chức trọng Hermias vời ông tới triều đình; năm 344 tcn muốn bày tỏ cảm tình đặc biệt với thày cũ, Hermias gả em gái (hoặc cháu gái) cho ông. Sử gia sau này kể, mặc dù là thiên tài chói lọi, ông sống bình thường và hạnh phúc với phu nhân, trong di chúc để lại cho đời nhắc đến phu nhân ông ngỏ lời âu yếm khác thường. Chuyện kể năm 384 tcn khi Platon bốn mươi ba, Socrates qua đời đã mười lăm năm, Aristote chào đời ở Thrace,[2] mạn đông bắc xa xôi, có thể nói quê mùa, cục mịch so với Athens. Thân phụ là ngự y vua xứ Macedonia. Năm 17 tuổi, như thanh niên tỉnh lẻ ra chốn phồn hoa đô thị tắm gội ánh sáng văn minh, ông được gia đình gửi xuống Athens trau giồi học vấn, theo học Học Viện của Platon, cơ sở văn hóa, trí thức nổi tiếng bấy giờ. Ông tới lúc Platon đang ở Sicile, phía nam Ý-đại-lợi, lo việc giáo dục con trai nhà độc tài hải đảo. Chuyện kể ông ở Học Viện gần hai mươi năm, trước là môn sinh, sau là thày dạy.

Suốt thời gian đắm mình trong không khí triết học, thế giới tư tưởng chắc hẳn ông có viết ít nhiều đối thoại, số sáng tác đó thất lạc hầu như gần hết, ngày nay chỉ còn đoạn dở dang. Theo học giới Tây Âu, các đoạn lẻ tẻ cho thấy tư tưởng ban đầu của ông chịu ảnh hưởng Platon rất đậm nét. Về mặt bút pháp, không những đối thoại mang sắc thái Platon, về mặt nội dung, chẳng hạn kể chuyện linh hồn trong đạo đức luận Eudeme, mà còn đượm hương vị đặc biệt Platon và có vẻ mâu thuẫn với luận thuyết ông khai triển sau này. Vì thế ngày nay có học giả phương trời đó bảo cần nhấn mạnh giai đoạn này, giai đoạn thuần túy Platon, giai đoạn phát triển tài năng, vì thấy ông hình như đối lập, chỉ trích triết thuyết sư phụ đề xướng. Do chống đối tình trạng lãnh đạm, cách biệt của hình trạng (form), Platon hằng rao giảng, buộc lòng phải phủ nhận nhiều sáng tác của sư phụ, song cơ bản và hiển nhiên ông là đệ tử triết phái Platon. Vì thế nên coi sáng tác của ông như cố gắng ‘bày tỏ lần nữa’ nhận thức cơ bản của đại sư. Và giống người từng giảng giải, khai tâm, mở trí, dẫn đường bước vào thế giới tư tưởng, ông luôn luôn quan tâm tới việc trả lời câu hỏi: ‘Đối với con người thế nào là cuộc đời tốt đẹp?’

Sau khi Platon qua đời (348-347tcn) ông rời Học Viện; ông đi thăm thú đó đây mấy năm, song đến năm 343-342 tcn ông được vời trở về Macedonia, đảm nhận việc giáo dục thiếu niên Alexander, con trai Philip vua xứ Macedonia. Chuyện kể có nhiều lý do, lý do khá ư khác biệt, dẫn tới việc triệu gọi. Trước hết, có lẽ Aristote và Philip đã biết nhau từ thiếu thời khi thân phụ Aristote là ngự y triều đình chăm lo sức khỏe thân phụ Philip. Tiếp đến, Aristote là bạn thân của Hermias, người nắm quyền cai trị thuộc địa Hy-lạp ở Tiểu Á và là đồng minh của Philip. Tuy nhiên, ý kiến vừa kể không đủ sức giải thích việc lựa chọn. Bởi lẽ lúc này Aristote đã nổi tiếng là nhà bác học. Hơn thế, sợi dây liên hệ quê hương cũng đủ khiến ông trở thành đối tượng thích hợp lựa chọn để làm thày dạy hoàng tử, sau đó trở thành Alexander Đại đế (356-323), mở mang bờ cõi, chinh phục thành quốc Hy-lạp, Ba-tư, Tiểu Á, Ai-cập tới tận Ấn-độ.

Khi ông tới đảm nhận nhiệm vụ phá ngu, uốn nắn dòng máu hoàng tộc, Alexander là thiếu niên tuổi mới mười ba; tính tình ngỗ nghịch, hung hăng, bị chứng động kinh hành hạ, hầu như ưa uống rượu, rảnh rỗi chỉ thích cưỡi ngựa vui chơi. Với tư cách gia sư hoàng cung, ông tìm cách hạ nhiệt ngọn lửa bồng bột, song vô ích. Tuy thế, trong tác phẩm Parallel Lives hay Plutarch’s Lives (cuộc đời danh nhân) xuất hiện đầu thế kỷ II sau công nguyên, từ năm 105 đến năm 115 kể tiểu sử nhân vật chính trị Hy-lạp và La-mã, Plutar-que hạ bút: ‘Có lúc Alexander tỏ lòng quí mến Aristote chẳng khác  bố đẻ, Alexander nói mặc dù đón nhận từ người này cuộc đời, song người kia đã dạy Alexander cách sống ở đời.’ Trong lá thư gửi Aris-tote, Alexander còn viết: ‘Đệ tử nên phát triển kiến thức về đức hạnh hơn là phát triển quyền bính và biên cương.’

Chuyện cho thấy khó có thể xác định ảnh hưởng giữa hai người,  hai thiên tài đặc biệt thế giới Tây phương sản sinh, một về quân sự, một về triết học, Alexander đối với Aristote và Aristote đối với Ale-xander. Chuyện gợi ý muốn làm vậy chúng ta đừng nên rơi vào chiếc bẫy dớ dẩn, như có nhà phê bình đã dại dột, mà giả dụ hai người nghĩ đến nhau như chúng ta tưởng nhìn từ bối cảnh lịch sử. Dưới mắt Aristote, Alexander chắc chắn không thể là người chinh phục thế giới; có lẽ ông nghĩ Alexander chỉ là thiếu niên bướng bỉnh, cứng đầu. Dưới mắt Alexander, Aristote không phải ‘bậc thày uyên thâm, bác học’ như sau này thi sĩ Dante Alighieri nước Ý khẳng định; có lẽ Alexander nghĩ  ông chỉ là ông thày hay nhắng nhít, thông thái rởm. Rất may liên hệ giữa hai người kéo dài không tới ba năm [về tuổi thọ hai người khác nhau: Alexander tại thế 33 năm, Aristote nấn ná trên cõi đời 62 năm].  Dù sao hành động quân sự của Alexander, chính sách đế quốc khai triển sau này, cũng đối nghịch với quan niệm chính trị của Aristote. Chẳng hạn Aristote chủ trương tổ chức chính trị lớn nhất trong đó giá trị chính trị có thể thực hiện là tổ chức hết sức nhỏ, đó là thành quốc; trái lại, Alexander thiết lập đế quốc bao la trong đó văn minh thành quốc chìm nghỉm. Aristote tin tưởng người Hy-lạp văn minh hơn người ngoại lai, quan niệm đối nghịch với Alexander muốn xây dựng đế quốc gồm chủng tộc hỗn hợp người Tây phương và người Châu Á. Dẫu thế Alexander dường như không quên thày cũ. Chuyển kể có chi tiết thú vị. Trong các cuộc hành quân ở vùng đất xa xôi Alexander ra lệnh chỉ huy và quân lính thu thập cây cỏ, muông thú, chim chóc hiếm có rồi gửi về quê hương cho thày dạy, vì ông ham mê tìm hiểu.

Khoảng năm 335 tcn Aristote trở lại Athens. Tuổi đời đã năm mươi ba, theo bước sư phụ khả kính, khả ái, ông lập trường dạy học, trường mang tên Lykeion (Học Xã), tiếng Pháp dịch là Lycée, tiếng Anh dịch là Lyceum. Học sinh ùn ùn kéo tới, nghe nói đông như kiến. Cảnh tượng khiến có người nghĩ có lẽ phải áp đặt kỷ luật nghiêm trị nhằm gìn giữ trật tự học đường. Nhưng không! Học sinh tự quyết định tổ chức, cứ mười ngày lại bầu một người làm trưởng giáo. Học Xã không phải áp dụng kỷ luật khe khắt, không ngồi ì bất động trong lớp; thay vì thế người sau thấy đó là cộng đồng tự quản, môn sinh ăn chung, vui chung với thày, thày hòa đồng với môn sinh khi giảng dạy cũng như lúc phô diễn đề tài; trong các buổi học hỏi, giảng dạy như thế, tất cả quanh quẩn suốt Lối Mòn dài rộng chạy theo sân vận động thể dục từ đó Học Xã mang tên.[3] Trường mới không rập khuôn trường Platon để lại. Học Viện của đại sư Platon chuyên về toán học, triết lý chính trị và triết học thuần túy; Học Xã của đệ tử Aristote nghiêng về sinh vật học và khoa học tự nhiên.

Ra đi chinh phục châu Á, Alexander để lại sau lưng, trong các thành quốc Hy-lạp, chính quyền thân thiện, song dân chúng thù hận. Từ lâu sống trong không khí tự do bây giờ bị khuất phục, dân Athens coi thực trạng đất nước là điều vô cùng hổ nhục. Lửa phẫn nộ nhen nhúm khắp nơi. Diễn từ lời lẽ thấm thía biết nhường nào ngân vang tới tận trời xanh, Demosthenes khiến Hội đồng Thành quốc nổi loạn chống lại ‘Bọn Macedonia’ đang nắm quyền cai trị. Năm 334 tcn, sau thời gian thăm dân cho biết sự tình, Aristote trở lại Athens; tình thế lúc này sôi động, không khí ngột ngạt, hậu họa khôn lường; dĩ nhiên ông ủng hộ nhóm Macedonia và không quản ngại bảy tỏ cảm tình với đường lối cai trị thống nhất của Alexander. Đọc những gì ông viết, trong lúc suy tư hay khi nghiên cứu, mười hai năm cuối đời ông làm gì, người sau thấy ngoài việc tổ chức, điều hành học xã, công việc bề bộn, đồng thời phối hợp kho tàng hiểu biết phong phú, ngoại cảnh không êm ả để theo đuổi sự thật, tâm trí không thư thái để trầm tư mặc tưởng, ông ý thức rõ ràng bầu trời chính trị u ám, vần vũ, mây đen nhiều hơn mây trắng, có thể thay đổi bất chợt bất cứ lúc nào, phong ba bão táp lập tức chấm dứt cuộc đời suy tư triết học. Ông đã sống qua thời gian như thế – bất an,bất ổn và bất định. Nếu hiểu tình thế lúc đó chúng ta sẽ hiểu triết lý chính trị của ông, cùng cái chết bi thương ông tự mình kinh qua.

Có lẽ trong thời gian này ông sáng tác phần lớn tác phẩm còn truyền lại tới ngày nay. Như chúng ta thấy đó là khái luận về luận lý, siêu hình, vật lý, sinh vật, đạo đức, khí tượng… Nội dung thường lặp đi lặp lại, đôi khi bỗng dưng đứt đoạn, nhiều lúc cho thấy dữ kiện thu thập vội vã. Ngày nay không ai biết sáng tác đó được biên soạn như thế nào. Giả thiết hữu lý hơn hết có lẽ là khái luận gồm ý tưởng Aristote ghi chú để giảng dạy cho môn sinh. Phần lớn ghi chú đó, đôi khi sơ sài, đôi lúc kỹ lưỡng, đệ tử và thân hữu ghi chép, thu thập, do quí mến nhân cách đĩnh đạc, thán phục kiến thức siêu đẳng, nhận định thâm thúy, nhận thức sâu sắc của đại sư, rồi ấn hành sau khi ông qua đời.  Kết quả là, sáng tác của ông về đề tài nào đó, như siêu hình học chẳng hạn, trải dài nhiều năm, trong thời gian đó quan điểm của ông đổi thay, phát triển một cách tự nhiên, thu thập lại thành khái luận mang tên đơn giản Siêu hình học truyền lại đến ngày nay.

Aristote điều hành Học Xã, thời gian kéo dài mười hai năm, tới khi Alexander qua đời năm 323 tcn. Tuy nhiên, Alexander vừa ra đi,  làn sóng bài Macedonia lan tỏa khủng khiếp, cảm nghĩ phẫn nộ dồn nén suốt thời kỳ Macedonia bá chủ bán đảo như sóng triều dâng cao, rồi bùng nổ dữ dội. Vì thế Aristote phải rời Athens, náu thân trong quân trại để binh sĩ Macedonia bảo vệ tính mạng. Ông qua đời ở đó năm sau. Trong cuốn Aristotle, trang 320, Oxford, Clarendon Press xuất bản, 1934, W. Jaeger ghi:  Người ta kể, giải thích việc ra đi như thế, Aristote nói ông không muốn người Athens phạm tội ác lần nữa đối với triết học.[4] Ông ý thức rõ ràng việc lưu vong, song ông muốn bày tỏ thái độ triết học đối với lời lẽ thóa mạ, sỉ nhục bất xứng kẻ thù trút đổ trong thời gian ông vắng mặt. Ông viết thư cho Antipater, bạn ông hiện là nhiếp chính của Alexander ở Hy-lạp: ‘Về chuyện họ bỏ phiếu ở đền Delphi và chuyện họ tước bỏ danh dự của tôi, tôi cảm thấy thương hại, song không cực kỳ thương hại, tiên sinh ạ.’ Di chúc của ông còn lưu lại; nội dung cho thấy bản chất lôi cuốn khác thường, chồng chất tư tưởng, cảm nghĩ cân nhắc, chọn lọc đối với gia đình, tình cảm thân thương đối với bằng hữu, thái độ khoan dung, quảng đại đối với nô lệ, và tình cảm tràn trề đối với phu nhân qua đời từ lâu, ông yêu cầu mai táng bản thân bên cạnh.

Sáng tác của Aristote kể có hàng trăm. Ngày trước có người bảo bốn trăm, có người bảo một nghìn. Số lượng còn lại chỉ là phần nhỏ. Tuy thế số lượng cũng cho thấy đó là thư viện đồ sộ, nhìn từ độ dầy cũng như chiều cao, chưa kể tới thực chất. Như đã nói ông đi vào luận lý, khoa học, đạo đức và triết học, nhất là siêu hình. Có học giả bảo đó là cuốn Bách khoa Tự điển Hy-lạp sở đắc cách nay hơn hai ngàn năm: trong đó mọi vấn đề thay nhau, tuần tự triển diễn dưới ánh sáng và xung quanh mặt trời; song học giả đó cũng bảo trong đó Aristote có nhiều sai lầm và phi lý hơn nhiều triết gia từng sáng tác. Sáng tác luận lý (lô-gích) môn sinh Học Xã Tiêu Dao thu thập, ấn hành, tất cả mang tên Organon, nghĩa là cơ năng hay dụng cụ suy tư chính xác. Nội dung cho thấy kiến thức và luận thuyết tổng hợp như thế quả thực hi hữu con người chưa hề đạt tới từ trước tới giờ. Át cả chiến thắng tàn bạo và lừng lẫy của Alexander, đây là cuộc chinh phục thế giới, cuộc chinh phục vô hình, mặt nổi cũng như mặt chìm. Học giả Will Durant ghi trong cuốn The Story of Philosophy (Câu chuyện Triết học), trang 65: Nếu triết học là truy lùng, tìm kiếm cái duy nhất, Aristote xứng đáng danh hiệu cao cả hai mươi thế kỷ dành cho ông: Triết gia. Nguyên văn Will Durant viết thế này: If philoso-phy is the quest of unity Aristotle deserves the high name that twenty centuries gave him – Ille philosophus: The Philosopher.

Tuy nhiên, dù muốn cũng đừng đòi hỏi Aristote quá nhiều, nhất là văn chương óng ả như sóng triều tràn ngập trang sách triết gia kiêm kịch gia Platon thể hiện trong các đối thoại. Thay vì đem đến cho độc giả văn chương đậm đà trong đó thầm lặng thể hiện triết học, bằng huyền thoại hay ảnh tượng, Aristote trao tay độc giả khoa học khô khan, nặng tính kỹ thuật, trừu tượng và cô đọng. Nếu đến với ông để giải trí tìm vui, khuây sầu khỏa muộn, độc giả sẽ thất vọng. Thay vì đưa ra từ ngữ văn vẻ, như Platon thường làm trong sáng tác, ông đơn thương độc mã xây dựng từ ngữ khoa học và triết học. Nghĩ ra tư tưởng tiếp theo ông còn phải nghĩ ra từ ngữ để diễn tả tư tưởng đó! Việc làm quả thực gian nan, song độc đáo. Ông hoàn tất cả hai. Ngày nay phô diễn cảm nghĩ hay tư tưởng về hai môn đó, trong hai địa hạt đó, bất kỳ ở đâu trên trái đất, con người không tài nào tránh khỏi sử dụng từ ngữ ông đã sáng tạo. Bắt buộc! Trong giới khảo cứu triết học, đa số công nhận số từ ngữ đó chẳng khác gì hóa thạch lởn vởn trong địa tầng ngôn ngữ nhân loại sử dụng khi đi vào môi trường vừa kể. Chẳng hạn: khả năng, trung điểm, châm ngôn, phạm trù, năng lực, động lực, cứu cánh, phương tiện, nguyên nhân, hậu quả, nguyên tắc, tiền đề, phản đề, tổng đề, quy nạp, diễn dịch, tam đoạn luận, biện chứng pháp… đồng tiền cần thiết để tiêu dùng trong thị trường triết học đầu óc ông hun đúc thuở đó.

Cũng cần nói, rất có thể sáng tác mang tên Aristote không hoàn toàn là sáng tác của ông, mà phần lớn do môn sinh và thân hữu thu thập, sau khi ghi chép, lưu trữ khóa giảng hay học trình ông truyền đạt. Sinh thời dường như ông không xuất bản tác phẩm nào trừ vài luận cương về luận lý và tu từ; sáng tác ngày nay độc giả thấy là do người sau ấn hành. Ngay cả bút pháp cũng khiến người sau tranh luận. Bởi thế xuất hiện phong trào nghi ngờ, chẳng khác vấn đề người ta đặt ra từ lâu mà đến nay vẫn không có câu trả lời thỏa đáng: Homer có phải tác giả hai trường ca IliadOdyssêy không. Dẫu thế, xin thưa, trộm nghĩ độc giả chẳng cần tham dự phong trào, vừa mất thì giờ, vừa tốn công vô ích. Dù sao, độc giả có thể vững tin Aristote là cha đẻ dứt ruột, tác giả tinh thần số sáng tác mang tên ông: bàn tay trong vài trường hợp có thể là bàn tay người khác, song khối óc và trái tim nhất định là khối óc và trái tim ông. Người khác không tài nào làm nổi. Chắc chắn! Bây giờ, trước khi dứt lời thô thiển, xin chân tình và thân ái, nếu thảnh thơi, nhàn rỗi, mời độc giả thong thả cất bước đi vào. Thưa, nếu không lầm, tôi thấy dường như ông có ý trông chờ. Cầu mong cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp.

Tác phẩm của Aristote

  1. Luận lý: Phạm trù, Bàn về diễn giải, Phân tích thứ nhất, Phân tích thứ nhì, Chủ đề và phủ định học thuyết ngụy biện. Số sáng tác này xuất hiện dưới nhan đề Organon
  2. Vật lý và Siêu hình: Bàn về sinh thành và hủy diệt, Bàn về lịch sử súc vật, Bàn về các bộ phận súc vật, Bàn về sinh thành của súc vật, Bàn về bước đi của súc vật, Bàn về chuyển dịch của súc vật, Bàn về linh hồn, Bàn về cảm giác và những thứ nhạy cảm, Bàn về ký ức và hồi tưởng, Bàn về ngủ và thức, Cơn mộng, Đoán độ qua cơn mộng, Bàn về sống lâu và chết yểu, Bàn về tuổi trẻ và tuổi già, Bàn về hô hấp, khí tượng, Bàn về Bầu trời, Vật lý, Siêu hình.
  3. Luân lý và Chính trị: Đạo đức luận Nicomaque, Đạo đức luận Eudeme, Đạo đức Đại luận, Chính trị luận, Cơ chế Athens.
  4. Nghệ thuật ngôn từ: Nghệ thuật Hùng biện, Nghệ thuật Thi ca

Tôi không rõ trong số sáng tác vừa kể đã có bao nhiêu dịch phẩm  tiếng Việt, song tôi biết Tiến sĩ Nông Duy Trường đã hoàn tất cuốn Chính trị luận, Học viện Công dân (ICEVN), Houston, TX. USA xuất bản, 2011; và tôi biết ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ công trình này, thế hệ nối tiếp thế hệ, nhiều người đã thực hiện đầy đủ, và thực hiện tốt đẹp nhiều lần từ lâu. Nếu được phép nói ý nghĩ cá nhân, trong trường hợp này, tôi không ngần ngại thưa, thực tình tôi không hiểu vì sao người mình lại có vẻ vô cảm, thờ ơ đối với vẻ đẹp khó kiếm và kho tàng giá trị như thế. Hy vọng cố gắng tương tự cũng diễn ra và sẽ diễn ra ở nước ta, dù muộn còn hơn không. Phần riêng, rất mong thức giả bốn phương gia công góp phần xây dựng tủ sách quí báu để đồng bào bây giờ và thế hệ mai sau thưởng lãm. Được vậy chắc hẳn sinh hoạt văn hóa của chúng ta sẽ thêm phần thú vị.

Dữ kiện Lịch sử

490-479 tcn. Chiến tranh Mê-đi (giữa Ba-tư và Hy-lạp). Macedonia liên kết với Hy-lạp; Ba-tư thất trận, sau đó thù nghịch xuất hiện đưa đồng minh trước kia tới chỗ thù nghịch bây giờ.

431-404. Chiến tranh Peloponnesos. Năm 404 Athens (Nhã Điển) đầu hàng Sparta. Athens suy thoái thảm hại về chính trị và kinh tế.

384. Aristote chào đời ở Stagira (Macedonia). Nicomaque, thân phụ làm ngự y trong triều đình Amyntas III, thân phụ Philip II. Thân mẫu người Chalcis, thuộc địa Hy-lạp trong vùng Ionia, trên đảo Euboa, mạn tây Tiểu Á.

Khoảng 366.  Aristote xuống Athens, vẫn là trung tâm trí thức của Hy-lạp. Trước tiên ông tham dự học khóa về hùng biện trong trường Isocrates tổ chức; tiếp theo, ông bám sát học viện do Platon điều hành. Xuất bản đầu tiên: luận lý, tu từ; nghiên cứu nguyên tắc đầu tiên (siêu hình) và luân lý đạo đức.

Khoảng 357/6. Philip II lên ngôi vua năm 359, chiếm Amphipolis, thuộc địa của Athens không xa Stagira bao nhiêu.

347. Platon qua đời. Cháu Speusippus tiếp nối sự nghiệp điều hành Học Viện. Aristote thăm viếng Eolide (Tiểu Á) và trở thành cố vấn của Hermias, bạn cũ bây giờ là vua Atarneus và Assos. Bắt đầu thời kỳ gọi là Assos: tìm hiểu nguyên tắc thế giới tự nhiên và thể chế chính trị.

Khoảng 345/3.  Lật đổ và có lẽ xử tử Hermias, do Artaxerxès III, vua Ba-tư quyết định. Aristote kết hôn với Pythias, cháu hay con nuôi Hermias, rồi trở về Mytilene. Viết về súc vật và thảo mộc.

Khoảng 343/2. Aristote được Philip II vời về quê hương, trao phó việc giáo dục con trai Alexander.

340-338.  Philip hoàn tất việc chinh phục thành quốc Hy-lạp. Thiếu niên Alexander tham dự trận đánh Cheroney, trong đó người Athens và người Thebes đại bại.

336. Philip bị ám sát; triều đại Alexander bắt đầu. Pythias qua đời, để lại cho Aristote con gái cùng tên. Aristote tục huyền, vợ mới là Herpillis, một lần nữa quyết định rời xứ xuống Athens.

335.Aristote lập trường dạy học ở Athens, Học Xã. Bắt đầu giai đoạn sung mãn, sáng tác đạo đức luận Nicomaque, nghiên cứu chế  độ chính trị, siêu hình, tâm lý và hùng biện. Con thứ hai ra đời, Nico-maque.

324. Trở thành nguyên soái bá chủ đế quốc bao la, Alexander làm ra vẻ được người Hy-lạp quí mến, tôn kính, trọng vọng như thần linh; Alexander hạ lệnh xử tử Callisthenes, cháu và học trò Aristote, vì đã chế giễu đại đế lầm tưởng bản thân là thần thánh.

323. Alexander qua đời. Phong trào bài trừ, chống đối Macedonia ở Athens dâng cao. Bị hăm dọa là báng đạo, vô thần Aristote phải lẩn trốn về Chalcis.

322. Aristote qua đời. Quân đội Macedonia đánh tan, đè bẹp vĩnh viễn sức kháng cự của Athens.

Đức độ

Trong tâm trí người Hy-lạp ngày xưa ý niệm đức độ là lối sống thực tiễn, cụ thể; ý niệm đó phát xuất từ chữ ethos, tự căn nguyên nghĩa là thói quen, phong tục, cách cư xử thông thường, biểu lộ đặc tính một người, hay nói chính xác hơn, thể hiện quan hệ một người duy trì với bản thân hay trao đổi với người khác. Trong quan điểm của Aristote, đức độ hàm ngụ hiểu biết vừa lý thuyết vừa thực hành;  đức độ đồng nghĩa với chính trị, vì chính trị theo đúng nghĩa nhằm mục đích đức độ tổng quát. Tìm kiếm đức độ cá nhân và đức độ tổng quát vì thế khó tách rời; người hiểu biết, chừng nào còn hiểu biết, phải tham dự công cuộc tìm kiếm cái tốt đẹp mọi người đều muốn chia sẻ. Aristote quan niệm việc điều hành bản thân và việc quản lý tha nhân là hiểu biết duy nhất và tương tự, không thể tách rời thành lý thuyết và thực hành. Do đó người ta hiểu, về mục đích, chính trị nhắm cái sung sướng, cái ngoạn mục, cái công bình, cái vui thú, cái đau khổ, cái hay, cái dở hiểu theo nghĩa tuyệt đối, tâm hồn con người; và do đó người ta cũng hiểu tại sao triết gia, thay vì khép mình trong trầm tư mặc tưởng mơ hồ, trừu tượng, xa lánh cõi đời, tách biệt thế nhân, phải cố gắng sở đắc khoa học hay nghệ thuật của nhà làm luật đòi hỏi không những tìm hiểu sâu sắc, mà cả kinh nghiệm cụ thể công việc thành quốc.

 Bên cạnh Đạo đức Đại luận (Grande Éthique, Grande Morale, Magna Moralia) có hai tác phẩm đạo đức luận mang tên Aristote: đạo đức luận Nicomaqueđạo đức luận Eudeme. Có người bảo cuốn trên là bài giảng do con trai triết gia tên Nicomaque ghi chép, cuốn dưới là giáo trình môn sinh triết gia thu thập; cuốn trên gồm 10 quyển, cuốn dưới 8 quyển; tiếng Pháp dịch là Éthique à Nicomaque, hay Éthique nicomachéenne, và Éthique à Eudème hay Éthique eudé -mienne; tiếng Anh theo tiếng La-tinh dịch là Ethica Nicomachea và Ethica Eudemea. Nhưng vấn đề nan giải xuất hiện trong hai khái luận: ba quyển chính của mỗi khái luận giống nhau, tình trạng trùng hợp như thế giải thích thế nào? (đạo đức luận Nicomaque quyển 5 = đạo đức luận Eudeme quyển 4, đạo đức luận Nicomaque quyển 6 = đạo đức luận Eudeme quyển  5, đạo đức luận Nicomaque quyển 7 = đạo đức luận Eudeme quyển 6). Phần đó thuộc hai tác phẩm khác nhau hay một tác phẩm, tác phẩm này hay tác phẩm kia? Vấn đề lại càng phức tạp do sự kiện có hai khái luận bàn về vui thú trong đạo đức luận Nicomaque (quyển 7 = đạo đức luận Eudeme quyển 6), và quyển 10). Thực tình mà nói nhan đề ba khái luận là điều bí ẩn học giới Tây Âu mất công tìm hiểu, thời gian kể khá lâu, kết quả rất mong manh. Nhiều giả thiết đưa ra nhằm giải thích tên gọi không hề thấy xuất hiện trong Aristote. Hai Đạo đức luận gây nên nhiều giả thiết. Cicéron bảo Nicomaque, con Aristote là tác giả khái luận vì thế mang tên đương sự, giả thiết không chứng minh, nên bị bác bỏ. Có người bảo Eudeme người đảo Rhodes đúng là tác giả khái luận mang tên đó, còn đạo đức luận Nicomaque là sáng tác của Aristote; nhưng làm sao giải thích tên gọi này? Có người bảo Nicomaque và Eudeme là người biên tập, xuất bản hai giảng khóa; có người bảo Nicomaque và Eudeme là đối tượng nhận thông điệp; giả thiết này cũng bị bác bỏ! Có người bảo đó là khái luận theo Eudeme và khái luận theo Nicomaque (selon Eudème, selon Nicomaque). Có người đoán có lẽ đó là người biên tập và người được đề tặng, nhưng trong cả hai trường hợp lại có hai ứng viên: Nicomaque bố Aristote và Nicomaque  con Aristote, vậy Nicomaque nào? Eudeme đảo Chypres và Eudeme đảo Rhodes! Thử hỏi Eudeme nào? Ngay cả tên dịch tiếng Pháp cũng khó hiểu, à Nicomaqueà Eudeme, éthique nico-machéenneéthique eudémienne nghĩa là thế nào? Thế rồi ở Pháp, khi chuyển ngữ tác phẩm, Jean Voilquin lại dịch là Éthique de Nico-maque (ông dùng chữ de Nicomaque chứ không dùng chữ à Nico- maque), Librairie Garnier Frères, Paris, 1940, G.F. Flammarion tái bản 1965, 1986! Khác nhau như thế nghĩa là thế nào?Chưa ra khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại chúng ta lại lạc vào vòng luẩn quẩn tiếp theo, vậy còn vòng luẩn quẩn nào nữa không? Có người đề nghị, có lẽ đạo đức luận Eudeme tặng Eudeme đảo Chypres, đạo đức luận Nicomaque tặng Nicomaque Bố. Giả thiết vẫn đưa đến kết luận mù mờ! Chẳng ai đáp lời. Bởi thế xin độc giả thông cảm tên tác phẩm tôi dịch vô cùng khiên cưỡng, rất mong độc giả hiểu cho dù sao cũng chỉ là tên gọi, và nếu là tên gọi, hay hay dở, nôm na hay văn vẻ, bình dân hay quí tộc, thì đặt thế nào cũng được. Trong The Aristotelian Ethics (đạo đức luận Aristote), trình bày vấn đề tỉ mỉ, công phu, A. Kenny kết luận: đạo đức luận Nicomaque xuất hiện trước đạo đức luận Eudeme; mấy quyển trùng hợp thuộc đạo đức luận Eudeme; đạo đức luận Eudeme sử dụng và chỉnh sửa nhiều đoạn trong đạo đức luận Nicomaque (1220b; 1244b).

Câu hỏi chủ yếu chạy suốt bề dầy tác phẩm thứ nhất (đạo đức luận Nicomaque) là câu hỏi về hạnh phúc, tình trạng sung sướng ở đời con người tìm kiếm, mong chờ muôn thuở. Trong điều kiện nào, tới mức độ nào sinh vật ẻo lả, mỏng manh như con người có thể gọi là hạnh phúc hay sung sướng? Thế nào là sung sướng? Sung sướng nghĩa là gì? Theo truyền thống tư tưởng, còn hiển hiện tới ngày nay, hạnh phúc nghĩa là thời gian nhân cách, cá tính con người nẩy nở, hạnh phúc là thực hiện bản thể của chúng ta ở trên cõi đời. Chữ Hy-lạp arêté người Pháp thường dịch là vertu, người Anh virtue chỉ lối sống trong đó vật thể đạt mức hoàn hảo hay toàn bích về thực chất của nó: đức hạnh của con mắt là độ nhìn toàn bích, đức hạnh của con ngựa là mức chạy hoàn hảo, đức hạnh của đề kháng là mềm dẻo. Theo bối cảnh này câu hỏi về hạnh phúc đồng nghĩa với câu hỏi về đức hạnh hay đức độ. Đức hạnh của con người là thế nào? Làm thế nào xây dựng đức hạnh? Làm sao có thể sở đắc đức hạnh? Có người nghĩ tuyệt điểm của con người là sống cuộc đời trong vui thú; có người bảo tuyệt điểm của con người là sống trong giàu sang phú quí, của cải, địa vị, tiếng tăm; có người nghĩ khác, theo họ tuyệt điểm trong đời con người là sống công bằng, can đảm, khoan dung, quảng đại, nhân từ. Quan niệm khác biệt như thế làm sao diễn giải cho đúng nguyên nghĩa độ tuyệt vời, mức ưu tú, bậc toàn thiện của con người? Trong mười quyển cấu thành Đạo đức luận Nicomaque Aristote đề cập tất cả câu hỏi vừa kể nhằm xác định bản chất đức hạnh. Trực diện quan niệm và làn sóng triết học đương thời, ghi nhận ưu điểm cùng nhược điểm, mặt phong phú, mặt nghèo nàn, thể hiện trong quan niệm và làn sóng, khai triển ý kiến và quan niệm đó, đưa ra ý kiến mới, quan niệm mới, ông xây dựng tổng hợp độc đáo. Nếu dùng tiếng Pháp để diễn tả ý này, ở đây tôi mạn phép nói: Il cons-truit des synthèses originales. Vâng, đúng thế. Bây giờ đã đến lúc mời độc giả quá bộ, tác phẩm đang nôn nóng chờ đợi, để xem sự thật có phải vậy hay không.

Biệt chú:

  1. Vì ý tưởng diễn tả trong tác phẩm phần lớn trừu tượng, ngày trước và ngày nay có thể khác nhau, vì thế, nhằm tránh ngộ nhận hay hiểu lầm, tôi chua thêm tiếng Pháp và tiếng Anh ghi ở dưới trang sách. Làm vậy chủ yếu chỉ muốn xác định nghĩa chữ tôi sử dụng tương đương với ngoại ngữ như thế, chứ không hề nhằm gì khác. Hơn nữa, mỗi khi gặp ý tưởng có vẻ đối nghịch hay tương tự, tôi dẫn lời dịch khác nhau để độc giả tự mình nhận định.
  2. Thực hiện việc chuyển ngữ triết phẩm, trách nhiệm hoàn toàn về phần mình, muốn học hỏi thêm, đồng thời tránh lỗi lầm có thể phạm phải, tôi có xem bản dịch của người thực hiện công trình trước tôi, bản tiếng Pháp và tiếng Anh.

      Dịch phẩm tiếng Pháp: Éthique de Nicomaque của Jean Voilquin (1986); Éthique à Nicomaque của René Antoine Gauthier & Jean Yves Jolif (1970); Éthique à Nicomaque của J. Tricot (1990); Éthi-que à Nicomaque của J. Barthélemy Saint-Hilaire, Alfredo Gomez-Muller hiệu đính (1992).

Dịch phẩm tiếng Anh: Ethica Nicomachea của William David Ross (1930); The Nicomachean Ethics của F.H. Peters (1893).

Xin kể tên từng trường hợp để độc giả rộng đường tham khảo và tra cứu, nếu muốn hay cần. Bây giờ, trước khi tạm biệt chia tay, trân trọng kính mời độc giả quá bộ đi vào triết phẩm đang im lặng đợi chờ. Rất mong ngày gặp lại quí vị không xa.

 Toronto ngày 15.12. 2016

[1]Còn gọi là Macedon; vùng đất thuộc bán đảo Balkan, mạn Bắc Hy-lạp; vùng đất mạn Nam châu Âu nằm giữa Hy-lạp, Bulgari và Nam-tư.

[2] Vùng đất mạn Đông bán đảo Balkan, có thời là thuộc địa La-mã, bây giờ chia ra giữa Hy-lạp và Thổ-nhĩ-kỳ, tây Thrace thuộc Hy-lạp, đông Thrace thuôc Thổ-nhĩ-kỳ.

[3] Lối Mòn (The Walk) gọi là Peripatos; peripatein, đi tới đi lui, peripatetikos, triết sinh của Aristote, dự khóa không ngồi trong lớp mà đi đi lại lại khắp Lối Mòn, do đó tên sau này gọi là Tiêu Dao Học Xã (tiếng Pháp dùng chữ École peripatétique, tiếng Anh: the Peripatetic School). Sân vận động thể dục chiếm một phần dải đất trên đó có đền thờ Apollo Lyceus, người bảo vệ bầy đàn chống lại sói dữ (lycos).

[4] Có lẽ ám chỉ tội ác lần trước khi quyết định xử tử Socrates.

© Học Viện Công Dân January 2019