MICHAEL WATTS
Michael Watts tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh Tế tại Đại học Louisiana năm 1978. Ông hiện là giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Kinh Tế và giáo sư Kinh Tế học của Đại học Purdue tại West Lafayette, Indiana. Ông cũng là một biên tập viên cho Tạp Chí Giáo Dục Kinh Tế. Giáo sư Watts đã xuất bản nhiều nghiên cứu thực nghiệm (sử dụng thống kê học) để hướng dẫn sinh viên và sinh viên dự bị học ngành Kinh Tế học và để đánh giá những chương trình giáo dục cũng như phương tiện giáo dục và giảng viên. Những tiểu luận của ông đã xuất hiện trong Tạp Chí Kinh Tế và Thống Kê và Tạp Chí Giáo Dục Kinh Tế và nhiều tạp chí khác. Giáo sư Watts cũng viết nhiều sách giáo khoa về Kinh Tế học cho trình độ đại học và trung học.
GIỚI THIỆU
Qua quá trình lịch sử, mỗi xã hội đều đối diện với một vấn đề kinh tế cơ bản là quyết định sản xuất sản phẩm nào và cho ai với những nguồn tài nguyên giới hạn. Trong thế kỷ 20, hai hệ thống kinh tế, một cách tổng quát có thể nói là cạnh tranh nhau, đã đưa ra hai câu trả lời khác nhau: những nền kinh tế chỉ huy điều khiển bởi chính quyền trung ương và những nền kinh tế thị trường dựa trên những công ty tư nhân. Cuối thế kỷ 20 thì người dân trên toàn thế giới đã thấy rõ ràng nền kinh tế trung ương chỉ huy đã không làm phát triển được nền kinh tế, không đạt đến mức thịnh vượng hay ngay cả không cung cấp được sự an sinh kinh tế cho người dân.
Thế mà những nguyên tắc căn bản và cơ cấu của nền kinh tế thị trường vẫn còn chưa quen thuộc hay vẫn còn bị hiểu lầm bởi nhiều người, dù những sự thành công của nó đã thể hiện ở nhiều xã hội khác biệt hẳn nhau, từ Tây Âu tới Bắc Mỹ và Á Châu. Một phần là vì nền kinh tế thị trường không phải là một chủ thuyết mà chỉ là một tập hợp những hoạt động và những định chế đã được thử thách với thời gian về cách thức theo đó những cá nhân và xã hội có thể sống và phát triển phồn vinh về phương diện kinh tế. Bản chất tiên quyết của những nền kinh tế thị trường là phân quyền, uyển chuyển, thực tiễn và thay đổi được. Yếu tố trung tâm của những nền kinh tế thị trường nằm ở chỗ nó không có trung tâm. Thật thế, một trong những ẩn dụ cho thị trường tư nhân được gọi là thị trường của “bàn tay vô hình.”
Những nền kinh tế thị trường có thể là thực tiễn nhưng nó cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản là quyền tự do cá nhân: khách hành tự do chọn lựa trong số những sản phẩm hay dịch vụ cạnh tranh nhau; nhà sản xuất tự do khai lập hay mở mang cơ sở kinh doanh và chấp nhận những điều may rủi hay thành công; công nhân viên tự do lựa chọn nghề nghiệp, gia nhập công đoàn lao động hay đổi qua các hãng xưởng khác.
Chính những sự khẳng định của tự do, may rủi và cơ hội này đã kết hợp những nền kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ lại với nhau.
Nền kinh tế thị trường không hẳn là không có những điều bất quân bình và những sai trái – cũng nhiều chuyện nghiêm trọng – nhưng điều không chối cãi được là những cơ sở tư nhân hiện dại và tinh thần doanh nghiệp, cộng với nền dân chủ chính trị đã cung ứng yếu tố tốt nhất để bảo vệ tự do và cung ứng những đường lối rộng rãi nhất dẫn đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
KINH TẾ CHỈ ĐẠO VÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Hiện nay, những sản phẩm như bánh mì, thịt, quần áo, tủ lạnh và nhà cửa được sản xuất và bán ra ở mọi quốc gia trên thế giới. Các phương pháp sản xuất và những nguồn nguyên liệu dùng để tạo ra những sản phẩm đó tương tự nhau trong những quốc gia khác nhau – thí dụ như bánh mì do thợ nướng bánh làm từ bột và nước, thường được thêm vào muối, đường và bột nổi rồi được nướng trong lò. Khi bánh mì được nướng xong, những ổ bánh được bán cho khách tiêu thụ trong những cửa hàng trông rất gần giống nhau, ít ra là ở bề mặt, ngay cả trong những quốc gia với những hệ thống kinh tế khác biệt nhau.
Quyết Định Chỉ Đạo Về Quần Áo
Mặc dù có những điểm tương tự, nếu chúng ta so sánh những nền kinh tế thị trường của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản với những nền kinh tế chỉ huy thấy ở Liên Xô ngày trước, Đông Âu và những phần của Á Châu trong nửa thế kỷ vừa qua, những quá trình dùng để quyết định sản phẩm nào được sản xuất ra, cách sản xuất, giá cả hàng hóa và ai sẽ tiêu thụ chúng trái ngược nhau rất rõ rệt. Để thấy những điều này rõ ràng hơn, chúng ta thử xem qua những cách quyết định về sản xuất và giá cả trong hai hệ thống kinh tế đó trong một sản phẩm tiêu biểu như áo mặc.
Trong những nền kinh tế chỉ huy, những ủy ban của chính quyền gồm những nhà lập kế hoạch kinh tế, những chuyên viên về sản xuất và những viên chức chính trị lập ra những mức độ về sản xuất hàng hóa và chỉ định những hãng xưởng nào sẽ sản xuất ra những hàng hóa đó. Những ủy ban kế hoạch trung ương cũng quy định giá cả của các loại quần áo và tiền lương công nhân viên làm ra chúng. Toàn bộ là các quyết định trung ương quy định về số lượng, phân loại và giá cả của quần áo và nhiều thứ hàng hóa khác.
Có thể tiên đoán được là những sản phẩm dù có ít kiểu mẫu để lựa chọn này sẽ được bán hết nhanh chóng ra khỏi những quầy hàng. Tại sao? Vì có lẽ các cơ sở sản xuất không đáp ứng đủ chỉ tiêu sản xuất, hay vì những nhóm kế hoạch trung ương đã ước lượng không đủ số áo mà dân chúng cần mua ở những giá cả mà họ dự định sẵn. Dù lý do nào đi nữa, những sự khan hiếm sẽ tiếp tục trừ phi những người làm kế hoạch này cho gia tăng số lượng hàng hóa hay gia tăng giá cả hay là gia tăng cả hai.
Khi dân số trong những trong những vùng có nền kinh tế chỉ huy gia tăng cùng với số lượng và mức độ phức tạp của những sản phẩm mới, những người làm kế hoạch càng ngày gặp nhiều khó khăn hơn để tránh không để xảy ra sự khan hiếm của nhiều mặt hàng mà khách hàng muốn có hay loại trừ sự ứ đọng của những thứ không cần. Với nhiều sản phẩm hơn, dân số nhiều hơn và kỹ nghệ sản xuất thay đổi nhanh chóng, những nhà làm kế hoạch trung ương đối diện với một số lượng to tát những sự quyết định cần có và ở nhiều chỗ, nhiều phương diện mà kế hoạch toàn bộ của nền kinh tế quốc gia có thể bị sai lầm.
Hiện tượng này không xảy ra trong những nền kinh tế thị trường, vì hệ thống kinh tế vận hành theo một phương cách khác hẳn. Trước hết, không có bộ trưởng nào của chính quyền quyết định bao nhiêu chiếc áo sẽ được sản xuất hay kiểu nào, màu nào. Bất kỳ ai, cá nhân hay cơ sở nào – cũng có thể sản xuất và bán các loại áo trong nền kinh tế thị trường, và nhiều người sẽ kinh doanh như thế nếu họ tin tưởng rằng họ có thể bán giá đủ cao để bù vào chi phí sản xuất – và kiếm tiền nhiều hơn làm công chuyện khác. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp giữa nhiều hãng xưởng chế tạo và bán sản phẩm, và sự cạnh tranh đó là một trong những lý do chính yếu đưa đến nhiều kiểu, nhiều loại vải vóc, và nhãn hiệu quần áo mà khách hàng có thể lựa chọn trong những nền kinh tế thị trường.
Dĩ nhiên, nếu những khách hành quyết định chỉ mua một kiểu áo quần nào đó tháng này qua tháng kia, năm này qua năm nọ, những nhà sản xuất sẽ nhận thấy điều đó ngay và không có lý do gì lại tiếp tục sản xuất những thứ khác. Nhưng điều đó không xảy ra dễ dàng khi dân chúng được có quá nhiều kiểu quần áo để lựa chọn.
Giá Cả Của Áo
Một điều then chốt về những nền kinh tế thị trường là giá cả của áo quần và những mặt hàng khác bán trong các cửa hàng không phải được qui định bởi một ủy ban kế hoạch của chính quyền nào cả. Mỗi người bán hàng tự do tăng hay giảm những giá cả tùy theo các yếu tố thị trường thay đỗi. Thí dụ như, vào một lúc nào khi một kiểu áo nào đó quá được ưa chuộng và các cửa hàng lo là kiểu áo sẽ bán hết trước khi họ được giao hàng thêm, thì giá cả của kiểu áo đó sẽ tăng lên, ít ra là cho đến đợt giao hàng mới. Sự tăng giá này giải quyết được hai chuyện một lúc: thứ nhất, do giá của kiểu áo này mắc hơn những kiểu áo hay những mặt hàng khác, một số khách hàng sẽ ít lựa chọn mua kiểu áo đó mà mua kiểu khác nhiều hơn. Thứ hai là, công ty sản xuất và cửa hàng bán, chứ không phải là chính quyền sẽ thu nhận giá cao hơn này – giá cao làm tăng lợi nhuận cho những công ty sản xuất và bán kiểu áo đó, giúp cho họ sản xuất và bán nhiều hơn nữa. Những công ty chế tạo sản phẩm khác cũng sẽ nhận thấy lợi nhuận cao của những công ty sản xuất kiểu áo, điều này sẽ đưa đến vài công ty sẽ ngưng sản xuất những loại hàng khác để bắt đầu sản xuất kiểu áo đang được ưa chuộng đó.
Tất cả những lý do này – khách hàng mua ít áo hơn, những công ty đang may áo sẽ sản xuất thêm nhiều áo hơn và những công ty khác cũng quyết định bắt đầu sản xuất áo – chẳng bao lâu sẽ loại trừ bất lỳ sự khan hiếm nào. Nên ghi nhận là không cần ủy ban kế hoạch trung ương ra quyết định nào cả. Thực vậy, quá trình trên xảy ra nhanh chóng hơn, có thể xem như là tự động và chính xác, vì những quyết định của người tiêu thụ và nhà sản xuất được phân quyền [cho từng cá nhân và nhà sản xuất]..
Thị Trường
Những giá cả cao hơn của áo tạo thành những động cơ khiến mỗi khách hàng và mỗi nhà sản xuất đáp ứng như vậy, vì quyết định của họ sẽ thu được lợi nhuận nhưng đồng thời cũng có những chi phí và may rủi theo sau. Thí dụ, các khách hàng nếu chịu trả những giá cao hơn vẫn sẽ có được những chiếc áo được ưa chuộng, nhưng để được thế, họ sẽ phải bỏ thêm tiền ra (và bỏ chịu bớt những món hàng hay dịch vụ khác). Còn trên phương diện sản xuất, những công ty may kiểu áo được nhiều khách hàng ưa chuộng có thể bán áo ở các giá cả cao và thu nhiều lợi nhuận. Những những công ty chế tạo những sản phẩm không thiết dụng hay vận hành không hữu hiệu hay bỏ vốn liếng sản xuất quá nhiều sẽ chịu nhiều phần thua lỗ. Dần dà thì họ phải biết học hỏi cách sản xuất và cạnh tranh hữu hiệu – chế tạo ra sản phẩm được khách ưa chuộng và bán được giá cao – nếu không thì sẽ bị phá sản, và người nào khác sẽ dành lấy các cơ sở của họ cùng với những máy móc hay những nguồn tài nguyên khác. Tóm lại, đó là cách mà những động cơ khích lệ kinh tế hoạt động trong một nền kinh tế thị trường.
Quá trình cơ bản trên cũng hoạt động như thế trong nhiều loại thị trường, trong đó cụ thể là mọi loại giá cả được tự do lên xuống, kể cả những giá tiền trả cho sức làm việc của mọi người, cho thức ăn của họ và cho món tiền mà họ để dành hay mượn từ các ngân hàng.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường không đưa ra những giải pháp kỳ diệu, và chính quyền cũng đóng vai trò thiết yếu để sửa những sai lầm mà hệ thống các thị trường tư nhân không thể giải quyết được. Hơn nữa, những nền kinh tế thị trường không phải là được miễn nhiễm trước những vấn đề về liên quan đến chính sách công cộng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay – những vấn đề như nạn lạm phát, thất nghiệp, ô nhiễm, nạn nghèo khó và những trở ngại cho nền mậu dịch thế giới. Dầu vậy, nếu so sánh với những tình trạng khan hiếm kinh niên và những sự vô hiệu cố hữu của những nền kinh tế chỉ huy, một hệ thống kinh tế thị trường tự do cung ứng nhiều cơ hội to tát hơn để phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật và sự phồn thịnh.
KHÁCH HÀNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Những khách hàng trong cả hai nền kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy có cùng chung những quyết định: họ mua thức ăn, quần áo, nhà cửa, phương tiện giao thông và giải trí trong phạm vi ngân sách tài chính của mình và mong mỏi có đủ khả năng mua nhiều hơn. Nhưng khách hàng đóng vai trò quan trọng trong sự hoạt động chung của nền kinh tế thị trường hơn là trong nền kinh tế chỉ huy. Thật vậy, những nền kinh tế thị trường thường đuợc mô tả như là hệ thống mà khách hàng có chủ quyền, vì những quyết định tiêu xài hằng ngày của các khách hàng, trong một phạm vi rất lớn, sẽ quyết định những hàng hóa và dịch vụ nào là cần cung cấp cho nền kinh tế. Điều này xảy ra như thế nào?
Mua Cam và Linh Kiện Máy Điện Toán
Giả sử một gia đình – Robert, Maria và hai con – đi chợ mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Ban đầu họ dự trù mua gà, cà chua và cam, nhưng các dự tính của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi giá cả của những hàng hóa ngoài chợ.
Họ có thể thấy giá cam đã tăng lên. Có nhiều chuyện đã làm giá cam lên cao như khí hậu giá lạnh của những vùng trồng cam đã làm thiệt hại phần lớn vụ thu hoạch. Ảnh hưởng của sự giá lạnh đã làm số lượng cam giảm xuống trong khi số lượng khách hàng vẫn như nhau. Với giá cả cũ – thấp hơn – những người bán hàng sẽ không còn cam để bán cho tới mùa sau. Cho nên, sự tăng giá cam sẽ làm khách hàng giảm thiểu số lượng cam họ mua và khích lệ những nhà sản xuất trồng nhiều cam càng nhanh càng tốt.
Có một trường hợp khác là: các công ty cung cấp hàng có thể chọn phương cách nhập cảng nhiều cam từ nước ngoài. Mậu dịch thế giới, khi được hoạt động với tương đối ít những sự cản trở hay thuế nhập cảng có thể giúp cho người tiêu thụ nhiều sự lựa chọn hơn và làm cho các nhà sản xuất phải cung ứng nhiều mặt hàng với giả cả phải chăng hơn, từ các trái cam cho đến xe cộ.
Mặt khác, mùa cam có thể thoát nạn thời tiết giá băng, nhưng những người tiêu thụ quyết định bắt đầu mua nhiều cam hơn và ít mua táo lại. Nói cách khác, thay vì nguồn cung cấp cam thu nhỏ, thì lại có nhu cầu tiêu thụ cam tăng lên. Điều này cũng sẽ làm cho giá cam tăng một thời gian, ít ra là cho tới khi nào những nhà trồng trọt có đủ thời giờ chở thêm cam ra tới chợ.
Dù là lý do gì làm giá cam tăng lên, anh Robert và chị Maria có lẽ đều đáp ứng như ta dễ dàng dự đoán khi họ thấy giá cam cao hơn là họ dự liệu. Họ có thể sẽ phải quyết định mua ít cam hơn là dự tính, hay là mua táo hay trái cây nào khác thay vào đó. Vì nhiều người tiêu thụ khác có cùng lựa chọn, cam sẽ không biến mất hoàn toàn khỏi các quày hàng. Nhưng chúng sẽ mắc hơn, nên chỉ có người nào muốn mua và có thể trả cao giá hơn mới có thể tiếp tục mua cam. Ít lâu sau, khi có nhiều người bắt đầu mua táo hay các loại trái cây khác thay thế cho cam, giá cả của những lại trái cây đó cũng sẽ tăng lên.
Nhưng phản ứng của những người tiêu thụ chỉ mới là một vế, vế bên nhu cầu, của phương trình quyết định giá cả của cam. Còn vế cung cấp bên kia thì xảy ra thế nào? Giá cam lên cao gởi tín hiệu đến cho tất cả những nhà trồng trọt trái cây biết là – dân chúng đang bỏ thêm tiền mua trái cây – điều đó cũng cho những nhà trồng trọt thấy là giá cam cao sẽ giúp họ có thể dùng nhiều nguồn tài nguyên để trồng trái cây nhiều hơn là trong quá khứ. Giá cả cao này cũng sẽ giúp những nhà trồng trọt tìm thêm những địa điểm mới cho các vườn trái cây để trái cây không còn bị hư hại bởi ảnh hưởng của thời tiết xấu. Họ cũng có thể cung cấp chi phí cho những nhà sinh vật học tìm ra những giống trái cây mới chịu đựng nổi khí hậu lạnh, côn trùng và đủ loại bịnh tật xảy ra cho cây trái. Theo thời gian thì tất cả những hoạt động này sẽ làm tăng sản lượng trái cây và hạ giá cả xuống. Nhưng toàn bộ quá trình phụ thuộc trước tiên và tiên quyết vào quyết định căn bản của những người tiêu thụ là dùng một phần khoản tiền thu nhập của họ vừa mua cam và mua cả những loại trái cây khác.
Nếu những người tiêu thụ ngừng mua hay quyết định giảm chi tiêu cho một sản phẩm nào đó – dù là bất kỳ lý do nào – giá cả sẽ hạ xuống. Nếu họ mua nhiều hơn, nhu cầu nâng cao, giá sẽ tăng.
Cần nhớ là những tương tác giữa cung cấp, nhu cầu và giá cả xảy ra ở mọi mức độ của nền kinh tế, không chỉ với hàng hóa bán cho công chúng. Sự tiêu thụ cũng có thể nói đến những hàng hóa trung gian – như đến những vật dụng mà các công ty phải mua để chế tạo ra sản phẩm hay cung cấp dịch vụ. Giá thành của những hàng hóa trung gian hay hàng hóa cần đầu tư này sẽ tác động vào kinh tế thị trường, phải đổi những phương trình cung và cầu ở mỗi mức độ. Thử xem ví dụ về những điện phiến bán dẫn (semiconductor chip), trung tâm của cuộc cách mạng máy điện toán hiện đại. Cũng như trường hợp của những trái cam, các giá cả cao hơn sẽ có khuynh hướng giảm nhu cầu về những điện phiến của máy điện toán và do đó giảm cả nhu cầu mua máy điện toán. Tuy nhiên, theo thời gian, giá cao hơn này sẽ cho những nhà sản xuất linh kiện máy điện toán thấy là có thể có lợi nhuận nếu họ gia tăng mức sản xuất hay cung cấp cho thị trường. Khi giá thành của những linh kiện giảm xuống, thì giá thành của các máy điện toán tất sẽ giảm theo (giả thiết là giá những bộ phận khác không đổi), và nhu cầu về các máy điện toán sẽ tăng.
Nhu cầu về các máy điện toán này sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn là chỉ việc thúc đẩy những nhà sản xuất tăng số lượng sản phẩm của họ. Nó sẽ còn kích thích sự sáng tạo hầu làm cho những linh kiện máy điện toán và máy điện toán chạy được nhanh chóng và hữu hiệu hơn những thế hệ máy ban đầu – sự cạnh tranh về tiến bộ và giá cả xảy ra hầu như trong mọi nền kinh tế thật sự tự do.
Giá Cả và Thu Nhập của Người Tiêu Thụ
Một yếu tố kinh tế khác mà những người tiêu thụ phải chú trọng trong những việc mua hàng hóa và dịch vụ là mức độ thu nhập của họ. Phần lớn họ thu nhập từ việc làm trong các ngành nghề, từ các bác sĩ, thợ mộc, thầy cô giáo, thợ sửa ống nước, công nhân trong dây chuyền sản xuất hay các nhân viên bán ở các cửa hàng bán lẻ. Một số người khác thu nhập từ tiền cho thuê hay bán đất đai hay những nguồn tài nguyên họ làm chủ, hay tiền lời từ những cơ sở kinh doanh hay đầu tư, hay từ tiền lời trong những trương mục tiết kiệm ở ngân hàng hay từ những doanh vụ đầu tư khác.
Chúng ta sẽ trình bày sau về việc giá cả cho những cách trả tiền trên được quy định như thế nào; nhưng điều quan trọng ở đây là: 1) trong một nền kinh tế thị trường, chính cá nhân những người tiêu thụ hay gia đình riêng của họ là chủ nhân của những nguồn tài nguyên căn bản dùng để tạo ra hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu người tiêu thụ; và 2) những tiền lương hay thu nhập mà từng gia đình nhận được từ những phương tiện sản xuất trên có tăng và có giảm – và chính sự giao động đó ảnh hưởng trực tiếp vào số tiền mà những người tiêu thụ chịu chi tiêu cho những hàng hóa và dịch vụ họ muốn, và do đó ảnh hưởng vào mức sản xuất của những hãng xưởng bán những hàng hóa đó.
Hãy xem trường hợp một người nhân viên vừa nghỉ hưu, chỉ còn lãnh 60 phần trăm tiền lương mà bà ta nhận lúc đang làm. Bà ta sẽ cắt giảm sự mua sắm nhiều hàng hóa và dịch vụ, nhất là những thứ đã liên quan đến việc làm cũ, như tiền xe đi làm hay quần áo đi làm – nhưng lại tăng chi tiêu vào những sản phẩm khác như sách vở hay những thứ giải trí đòi hỏi nhiều thời giờ rỗi rãnh, hay có lẽ kể cả chuyện du lịch thăm những nơi chưa từng đến hay thăm các bạn cũ.
Nếu, như trường hợp của nhiều quốc gia ngày nay, số lượng những người tới tuổi về hưu tăng nhanh, những sự thay đổi trong khuynh hướng chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giá cả thị trường và mức độ sản phẩm cần làm ra và những thứ mà những người về hưu có chiều hướng dùng nhiều hơn những người khác, thí dụ như những dịch vụ y tế. Để đáp ứng điều đó, nhiều cơ sở kinh doanh sẽ quyết định cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ hướng đến những yêu cầu và quan tâm của những người về hưu – chừng nào mà họ còn kiếm được lợi nhuận trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho giới tiêu thụ này.
Tóm lại: dù những người tiêu thụ trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, giàu, nghèo hay tầng lớp trung lưu, mỗi đồng tiền (dù là tiền tệ của quốc gia nào) họ chi tiêu cũng là một tín hiệu – một loại phiếu bầu trong nền kinh tế để báo cho những nhà sản xuất biết là loại hàng hóa hay dịch vụ nào họ muốn được cung cấp.
Mức tiêu thụ của khách hàng thể hiện nhu cầu căn bản của các sản phẩm được bán trên thị trường, đó là phân nửa những điều sẽ quyết định các giá cả hàng hóa và dịch vụ. Còn phân nửa kia dựa trên những quyết định của những cơ sở kinh doanh về thứ nào cần sản xuất ra và bằng cách nào.
Kinh Doanh Trong Nền Kinh Tế Thị Trường
Như chúng ta đã thấy, sự thành công của một công ty trong một nền kinh tế thị trường phụ thuộc vào sự làm thỏa mãn khách hàng bằng cách sản xuất ra những gì họ muốn và bán ra ở những giá cả hợp lý trong sự cạnh tranh với những cơ sở kinh doanh khác. Để làm như thế, các công ty cần đưa ra được những câu trả lời cẩn thận cho một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà mọi hệ thống kinh tế đối diện: làm sao một xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ hữu hiệu nhất? Trong kinh tế thị trường, điều đó có nghĩa là làm sao tạo ra được những giá trị lớn nhất từ những nguồn nguyên liệu những nhà sản xuất sử dụng.
Chế Tạo Một Chiếc Xe Đạp
Hãy xem trường hợp một công ty định sản xuất và bán xe đạp. Trước khi bỏ vốn, bất kỳ nhà kinh doanh hay công ty nào cũng phải xem xét một loạt nhiều yếu tố. Trước tiên, số lượng và bản chất của nhu cầu khách hàng đòi hỏi về một hiệu xe đạp mới là gì? Chỉ có một thị trường lớn chung cho vài kiểu xe đạp thông thường? Hay là thị trường xe đạp được chia làm nhiều thị trường nhỏ hơn, chuyên biệt, như những xe đạp đặc biệt cho trẻ em, những xe đạp đua chuyên chế riêng theo yêu cầu của khách hàng, hay những xe đạp cho hai người? Một khuynh hướng mới, như là một cái “mốt” vừa được phổ biến của một loại xe tạm gọi là xe đạp leo núi để chạy nổi trên những đường mòn hoang dã, có thể thu hút những nhà sản xuất mới nhìn thấy cơ hội thu hái lợi nhuận. Mặt khác, những người chế tạo xe đạp tương lai có thể cảm thấy, một cách đơn giản là họ đã phát huy được những phương pháp sản xuất mới cho một loại xe đạp thông thường, hay đã có được một lực lượng lao động rẻ, để có thể bán rẻ hơn những công ty khác đang cạnh tranh trên thị trường mà vẫn còn có lời.
Không chỉ là làm nhiều loại xe đạp mà còn nhiều cách làm xe đạp nữa – từ việc dùng hệ thống dây chuyền gần như tự động để làm ra hàng ngàn bộ phận khác nhau và ráp thành những chiếc xe đạp cho đến dùng nhiều nhân lực và ít máy móc hơn để thiết kế những kiểu xe đạp riêng theo yêu cầu của khách hàng. Một lần nữa, trong nền kinh tế thị trường, một công ty có những quyết định này phải xem xét chuyện nhiều loại giá cả khác nhau có thể tăng hay giảm để đáp ứng với nhu cầu của người mua và bán những sản phẩm của họ.
Thí dụ như những loại giá cả mà một công ty phải trả cho những mặt hàng họ phải mua vào hiển nhiên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định bao nhiêu chất thép, chất nhôm, nhân lực, máy móc, và những vật liệu khác công ty phải dùng để chế tạo xe đạp. Nếu giá của thép tăng và giá của nhôm giảm, nhiều công ty sản xuất xe đạp sẽ tìm ra những phương cách dùng nhiều nhôm hơn và ít thép lại. Tương tự, nếu lương công nhân viên tăng lên giá cao, các công ty sẽ có một động cơ mạnh mẽ để tìm những cách nào dùng nhiều máy móc hay tiền bạc và ít sức lao động. Công ty có thể quyết định mua thêm, thí dụ, xe bốc dỡ kiện hàng để dùng ít công nhân viên hơn trong việc chuyển dời nguyên vật liệu tồn kho trong các kho hàng của công ty.
Hay là họ sẽ dùng nhiều máy hơn cho những đường hàn thường xuyên và lập lại như nhau trên chiếc xe đạp và do vậy sẽ mướn ít công nhân làm các công việc hàn hơn. (Kết quả là số lượng các công nhân trong những nhà máy sản xuất máy hàn dùng trong các cơ xưởng chế tạo xe đạp sẽ gia tăng.)
Đầu tư như thế cũng có phần rủi ro lớn: một kiểu xe đạp mới có thể không hấp dẫn khách hàng, hay những chi phí sản xuất có thể cao một cách không ngờ, giá cả cao làm các xe đạp của công ty này mất thế đứng trên thị trường. Các công ty tự mình phải gánh chịu rủi ro của sự thất bại – và thu đạt những thành công trong kinh doanh, nếu họ lập kế hoạch chính xác và sự đầu tư vào ngành xe đạp được thành công.
Sự cân bằng giữa rủi ro và thành công của các cá nhân hay các công ty tư chỉ ra vai trò cơ yếu của chính quyền trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào là: bảo vệ các quyền tư hữu và thực thi luật lệ về các hợp đồng. Các quyền sở hữu phải được định nghĩa rõ ràng trên pháp lý và các chủ nhân hay những người đầu tư vào các cơ sở kinh doanh phải được đối xử như nhau trước pháp luật và những điều lệ thương mại, dù là họ là công dân trong nước hay là những người có quốc tịch những nước khác.
Chỉ khi nào những quyền sở hữu là tự do không bị chính quyền đe dọa trưng dụng hay bị khai thác cho những quyền lợi chính trị thì các cá nhân hay các công ty tư sẽ sẵn sàng chịu thử may rủi mà bỏ tiền ra để đầu tư vào các cơ sở kinh doanh mới hay khuếch trương thêm. Hơn nữa, họ cần phải được bảo đảm là hệ thống pháp lý sẽ giải quyết những sự tranh cãi trên những điều khoản trong hợp đồng một cách công bằng và nhất quán.
Tóm lại, những nhà kinh doanh, trong hay ngoài nước, phải chịu đối phó với những bất trắc về kinh tế trong những các vụ đầu tư của họ – nhưng tốt hơn là họ không phải đối phó với những bất trắc về chính trị hay pháp lý về tư cách pháp nhân của những cơ sở kinh doanh của họ.
Cạnh Tranh và Năng Lực Sản Xuất
Điều chỉnh theo giá cả của các nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất là một phần quan trọng của vấn đề sản xuất hữu hiệu và cạnh tranh với những hãng chế tạo những sản phẩm tương tự. Những công ty không thể giữ chi phí sản xuất thấp xuống có thể phải nâng cao giá thành của sản phẩm của họ; nhưng làm việc đó thì không giữ được tính cạnh tranh nếu các công ty khác có thể chế tạo ra những sản phẩm có phẩm chất tương tự với chi phí thấp hơn và bán ra với giá rẻ hơn.
Các khách hàng được lợi từ sự canh tranh này giữa các công ty vì họ có được những sản phẩm tốt hơn với những giá cả rẻ hơn. Và nếu phần lớn những hàng hóa và dịch vụ họ mua từ những thị trường mà đặc thù của nó là có mức cạnh tranh cao độ, thì các ngân khoản chi tiêu của họ sẽ rộng rãi hơn để họ có thể mua thêm nhiều sản phẩm hơn từ cùng nguồn thu nhập của họ.
Tuy nhiên, ngay cả trong những thị trường cạnh tranh, không phải mọi công ty nào cũng cần dùng những nguyên vật liệu hay qui trình sản xuất như nhau. Trong nhiều trường hợp, điều đó gây ra sự thể là có nhiều loại xe đạp khác nhau hay nhiều loại hàng hóa khác nhau được họ quyết định chế tạo ra.Thí dụ, các công ty làm xe đạp đơn giản cho trẻ em lái hay cho những người lớn cần xe đạp làm phương tiện đi làm hàng ngày sẽ thường chỉ muốn làm ra một số lượng lớn xe đạp như nhau và ráp chúng lại với nhau với những nguyên vật liệu tiêu chuẩn bằng phương pháp dây chuyền để giữ chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm thấp. Mặt khác thì những công ty chuyên chế những xe đạp đua theo yêu cầu của khách hàng thì thường muốn dùng nhiều nhân lực với những cụ chuyên môn và nhiều loại kim loại mắc tiền, nhưng lại dùng ít hơn những máy móc hay dây chuyền sản xuất để chế tạo các bộ phận giống y như nhau. Giá thành của những chiếc xe đạp chế riêng cho khách này không có gì ngạc nhiên là thường sẽ cao hơn là các xe đạp chế tạo hàng loạt trong các hãng xưởng lớn.
Nói một cách lý tưởng, dĩ nhiên, mọi người đều thích, là mọi món hàng họ mua đều phải được cạnh tranh mạnh mẽ – cho nên sẽ được giữ ở giá thấp – nhưng lại muốn thấy ít hay không có sự cạnh tranh nào từ những ai khác trong việc làm của họ để kiếm tiền – để lương của họ vẫn cao. Một cách tổng quát, hình như ai cũng ủng hộ chuyện lương cao và giá sản xuất rẻ (kể cả chi phí nhân lực, đó là chi phí lớn nhất của hầu hết các công ty), bởi vì điều đó chỉ ra là mọi người sẽ có thể mua sắm nhiều hàng và dịch vụ hơn. Nhưng không có hệ thống kinh tế nào có thể đưa ra được cùng một lúc chuyện lương cao và giá rẻ, bởi vì lương công nhân viên tiêu biểu cho chi phí lao động của hãng xưởng để sản xuất và bán hàng hóa và dịch vụ của nó. Nói một cách khác, nếu chi phí sản xuất và nhu cầu khách hàng không đổi, thì chuyện tăng lương cho mọi người sẽ tăng chi phí sản xuất và giá cả của sản phẩm.
Theo thời gian, dĩ nhiên các công nhân viên và hãng xưởng sẽ có cách giải quyết tình trạng huống tương phản này – đó là lương và lợi nhuận cao hơn mà không làm tăng giá thành sản phẩm mà khách hàng phải trả để mua và do đó không sợ vị mất việc hay mất khách hàng qua những công ty khác đang cạnh tranh với họ. Câu trả lời là phải gia tăng năng lực sản xuất, tức là gia tăng mức độ sản xuất ra sản phẩm mà một ngành kỹ nghệ hay công ty đạt được từ mỗi công nhân viên hay từ mỗi nguồn nguyên vật liệu dùng cho sản phẩm hay dịch vụ của nó. Để gia tăng năng lực sản xuất, các công nhân viên và công ty phải đưa ra thị trường sản phẩm mới, hay chế tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ hữu hiệu hơn là công ty canh tranh với họ, với giá cả rẻ hơn hoặc là với phẩm chất cao hơn. Tóm lại, các sản phẩm của họ phải mới hơn, tốt hơn hay rẻ hơn.
Những mức độ sản xuất cao hơn là lý do giải thích cho mức lương và tiêu chuẩn cuộc sống cao hơn. Năng lực sản xuất cao hơn nghĩa là mỗi công nhân viên làm ra nhiều hàng hơn, thành ra sự phồn thịnh to tát hơn, thể hiện qua đồng lương cao hơn và tiêu chuẩn cuộc sống tốt đẹp hơn. Cắt giảm các chi phí sản xuất và làm việc hữu hiệu hơn là những cách nâng cao năng suất, nhưng trong những nền kinh tế hiện đại dựa trên căn bản kỹ thuật, nghiên cứu và sáng chế cũng cần thiết cho năng suất và sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và thế giới trong thời gian dài. Các tiến bộ trong lãnh vực máy điện toán, thông tin-liên lạc và sinh học di truyền là kết quả của những nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm chứng khoa học. Những tiến bộ này xảy ra liên tục trong những nền kinh tế thị trường khi mà các công ty cố gắng đưa ra những sản phẩm và dịch vụ mới hay là sản xuất những sản phẩm của họ hữu hiệu hơn. Kết quả là: nhiều việc làm mới, nhiều cơ hội khuếch trương, và sự phồn thịnh hơn cho tất cả mọi người. Đây này cũng là cùng một cách mà tất cả công nhân viên và các cơ sở kinh doanh trong một nước có thể nâng cao vị trí cạnh tranh của họ trong nền kinh tế thế giới, và để nâng tiêu chuẩn cuộc sống vật chất trong nước họ lên theo dòng thời gian.
Mậu dịch quốc tế cũng có thể đóng góp phần quan trọng vào năng suất sản xuất và sự thịnh vượng chung. Thử nghĩ qua chuyện anh Robert và chị Maria mua cam. Anh Robert là thợ máy tiện, khéo léo, kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Giả sử thay vì chỉ làm thợ tiện, anh Robert dành chút thì giờ để trồng cam – và người chủ vườn cam, người đã trồng cam và những cây trái khác bao nhiêu năm lại dành thì giờ chế tạo các dụng cụ máy móc. Cả hai đều không thể làm giỏi giang nghề nghiệp thứ hai của mình bằng được nghề nghiệp chánh. Kết quả như dự đoán là: số cam sẽ ít hơn và dụng cụ máy móc sẽ kém phẩm chất hơn cho mọi người. Giống như trường hợp này, kẻ mua và người bán cùng có lợi khi họ buôn bán với nhau những món hàng mà họ làm tốt nhất và hữu hiệu nhất, thì các vùng kinh tế hay các quốc gia cũng sẽ tốt hơn lên nếu họ chuyên môn hóa sản phẩm của mình và tự do giao thương với nhau. Khi các quốc gia giao thương với nhau những hàng hóa và dịch vụ mà họ làm tốt nhất ở giá thấp, lợi nhuận sẽ được chia sẻ đến mọi người dân ở các nước này.
Những ý kiến phổ thông nhất ủng hộ chính sách giới hạn tự do mậu dịch – như thuế nhập cảng hay giới hạn lượng hàng hóa nhập cảng – cho rằng bảo vệ việc làm trong vài ngành kỹ nghệ là điều tốt cho một quốc gia bởi vì các công nhân viên và các chủ nhân trong những ngành kỹ nghệ đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và sẽ chi tiêu hầu hết số tiền đó trong phạm vi nước họ. Điều này cũng có chi tiết đúng sự thật, nhưng chỉ mới là một phần của câu chuyện. Bảo vệ vài nhà sản xuất và các công nhân viên của họ cũng có thể đồng nghĩa với các giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ cao hơn. Đó là tin xấu cho người tiêu thụ, xấu cho những nhà sản xuất mà nguồn nguyên vật liệu là những sản phẩm đó và xấu cho nhiều công ty bị giảm lượng hàng hóa bán ra vì nhiều khách hàng đã phải trả thêm tiền cho những sản phẩm được bảo vệ nói trên.
CÔNG NHÂN VIÊN TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Dòng người công nhân viên đi làm việc hàng ngày trông rất giống như nhau trong cả hai nền kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy với cùng mức độ công nghiệp hóa. Nhưng một lần nữa, bên trong cung cách hai hệ thống kinh tế đó vận hành vẫn có sự khác biệt tiềm ẩn, quan trọng hơn là vẻ giống nhau rõ ràng bên ngoài.
Những Sự Chọn Lựa
Trở lại ví dụ của gia đình trên đi chợ mua cam – cùng với táo vì giá cam hơi cao hơn họ dự liệu. Sau khi ăn tối và các con đã ngủ, anh Robert, như đã nói, làm thợ máy tiện và chị Maria, cô giáo, bàn bạc với nhau về những cơ hội nghề nghiệp trước mắt họ. Điều này không xảy ta thường xuyên, nhưng ở vài thời điểm then chốt nào đó trong cuộc đời, những công nhân viên trong nền kinh tế thị trường phải có những quyết định quan trọng cho sự nghiệp của họ. Tại sao? Vì không ai quyết định những điều đó cả giùm cho họ cả, vì không có cơ quan kế hoạch trung ương nào quyết định ai sẽ làm ở đâu, và được lãnh bao nhiêu tiền lương.
Anh Robert lo lắng là cơ hội thăng tiến trong nghề thợ máy tiện thì hạn chế, và anh ta muốn học thêm môn thảo chương điện toán, ngành mà có thể cung ứng nhiều cơ hội rộng rãi hơn. Chị Maria cũng có cơ hội để thăng tiến lên một chức vụ quản trị khó khăn hơn trong hệ thống học đường.
Hàng ngàn công nhân viên đối phó với những quyết định kinh tế này mỗi năm. Các câu trả lời của anh Robert và chị Maria được quyết định trên nhiều yếu tố, cá nhân lẫn kinh tế. Thí dụ, một cặp vợ chồng trung lưu có con cái sẽ có những quyết định khác một người độc thân vừa học xong trung học hay đại học, hay cũng khác người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Câu hỏi cho chị Maria là có muốn đổi sự thoải mái trong nghề dạy học để giữ chức vụ quản trị cao lương hơn, nhưng cũng căng thẳng hơn và làm nhiều giờ hơn.
Anh Robert cũng đối diện với câu hỏi cơ yếu là có nên ghi danh học cao đẳng hay một chương trình huấn nghệ nào đó với hy vọng là có thêm những kinh nghiệm mới để đòi lương cao hơn và nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Đối với anh Robert, trong quan niệm kinh tế, đây có phải là một sự đầu tư đúng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
Anh Robert sẽ kiếm thêm được bao nhiêu bây giờ, nếu không có thêm trình độ học vấn hay được huấn nghệ thêm? Lương hiện tại của anh càng cao thì thu nhập của anh phải thiệt thòi càng nhiều, nếu anh bỏ việc thợ máy tiện mà học tiếp xong cao đẳng hay một chương trình huấn nghệ.
Học phí và những phí tổn khác để theo học cao đẳng hay huấn nghệ về máy điện toán cao chừng nào? Những chi phí này càng cao, thì chuyện đầu tư cá nhân này càng ít có lợi, và sẽ có ít người, như anh Robert, ghi danh theo học những chương trình đó.
Chương trình học hay huấn nghệ kéo dài bao lâu để đạt được những thành tựu cho công việc. Anh Robert có thể sẽ thấy là sáu tháng huấn nghệ nhẹ nhàng sẽ được đền bù nhiều hơn là một chương trình cao học nặng nề ở trường đại học.
Tuổi tác của anh Robert cũng là một yếu tố cần nói. Các công nhân viên trẻ hơn hiển nhiên sẽ có nhiều năm làm để kiếm lại số tiền mà họ đã thất thu khi bỏ việc làm, và cả những món tiền học phí.
Anh Robert sẽ kiếm được bao nhiêu sau khi huấn nghệ về máy điện toán? Sự cách biệt giữa số lương đó và lương hiện tại càng lớn, thì chắc là anh ta sẽ trù liệu chín chắn để ghi danh vào một chương trình huấn nghệ như thế.
Khả năng mà anh Robert có thể tìm được việc làm trong ngành nghề này sau khi tốt nghiệp sẽ thế nào?
Những yếu tố này thay đổi rất khác biệt cho từng người, đó là lý do mà không phải ai cũng đi học ở trường cao đẳng hay theo học các khóa huấn nghệ cả, ít ra là trong ý nghĩa của sự đầu tư tài chính hợp lý cho sự nghiệp của họ. Đối với nhiều người thì chi phí quá cao so với quyền lợi mong đợi. Đối với nhiều người khác – kể cả những học sinh trẻ sáng dạ nhưng không được việc làm lương cao bây giờ – cao đẳng hay những chương trình huấn nghệ hầu như luôn luôn là chuyện đầu tư “kinh doanh” tốt.
Như trong trường hợp của anh Robert và chị Maria, những quyết định này dựa trên nhiều yếu tố hơn là chỉ chuyện tài chánh. Nhưng giống như những công ty xem xét chuyện đầu tư vào những cơ xưởng và dụng cụ mới, các công nhân viên trong nền kinh tế thị trường phải gách vác những chi phí và rủi ro rõ ràng để nhận được thêm kiến thức học vấn hay huấn nghệ. Và thật sự thì nhiều chuyện đầu tư như thế không thu nhập được gì, bởi vì không phải tất cả ai đi tới trường cũng học được, hay sau khi tốt nghiệp sẽ thành công ngoài thị trường nghề nghiệp. Đối với nhiều người, việc làm dù lương thấp nhưng ổn định vẫn rất hấp dẫn hơn, vì có thì giờ quý báu và cơ hội lo cho gia đình, hay cho người khác và theo đuổi những chuyên môn khác. Đối với phần lớn các công nhân viên trong nền kinh tế thị trường, chấp nhận may rủi cho chuyện học vấn và huấn nghệ cũng là điều đáng làm trong vài thập niên qua và đang gia tăng những năm gần đây khi nền kinh tế trở thành kỹ thuật hóa và phức tạp hơn lên.
Những Công Nhân Viên và Chủ Nhân
Thí dụ về anh Robert và chị Maria và hàng triệu người như họ cho thấy một điều khác nữa trong các nền kinh tế thị trường. Vì không có sự hiện diện của một ủy ban kế hoạch trung ương, các công nhân viên và chủ nhân của họ xác định mối quan hệ của họ với nhau qua những quyết định độc lập. Điều này không có nghĩa là họ luôn luôn thương lượng bình đẳng nhau, hay là các công nhân viên luôn luôn vui vẻ với việc làm và hài lòng với mức lương của mình. Nhưng có một sự kiện hiển nhiên là các công nhân viên và chủ nhân có nhiều sự tự do để quyết định sự bắt đầu, thay đổi hay chấm dứt mối quan hệ của họ. Điều đó đặt ra một câu hỏi căn bản: điều gì ràng buộc người nhân viên và hãng xưởng với nhau trong một nền kinh tế thị trường hay dẫn đến chuyện thay đổi sự quan hệ đó?
Như trường hợp của anh Robert và chị Maria cho thấy rằng, công việc của một công nhân viên trong một nền kinh tế thị trường phụ thuộc đầu tiên và trước nhất vào sở thích cá nhân, huấn nghệ và kỹ năng sở trường. Dân chúng tự do theo đuổi lựa chọn bất kỳ ngành nghề nào, nhưng chỉ có những người có thể hội đủ tiêu chuẩn cơ bản để làm công việc họ lựa chọn mới có thể được vào bảng lương của người chủ. Trong những thị trường cạnh tranh, các công ty không thể trả lương cho các công nhân viên không thể hay sẽ không thể làm công việc họ được mướn để làm. Nhưng cũng cùng chung tiêu chuẩn đó, những công nhân viên nào đóng góp phần quan trọng vào việc sản xuất sản phẩm hay dịch vụ cho một công ty là những công nhân viên sáng giá mà những công ty khác cũng thích mướn họ về làm.
Để giữ những công nhân viên này, các công ty phải chịu cung ứng lương bổng và hợp đồng xứng đáng hợp lý so với những công ty khác. Sự cạnh tranh đó giữa các công nhân viên tìm việc làm tốt và những hãng xưởng tìm các công nhân viên giỏi là một hoạt động không ngừng trong hầu hết mọi thị trường nhân lực.
Mức lương mà các công ty sẽ trả cho các công nhân viên chủ yếu dựa trên năng lực sản xuất của họ và theo sự khan hiếm hay dư thừa của các khả năng chuyên môn của các công nhân viên. Nói chung thì, những công nhân viên nào làm được nhiều thứ khách hàng ưa thích và chỉ có một số lượng nhỏ những người có khả năng này, sẽ đòi được mức lương cao nhất.
Tuy nhiên cũng có vài yếu tố khác ảnh hưởng đến sự khan hiếm đó. Thí dụ như những điều kiện làm việc không thoải mái hay nguy hiểm sẽ đưa đến mức lương bổng khác hơn cho các công nhân viên làm việc đó vì nhiều người không chịu làm. Công nhân mỏ thường lànm nhiều tiền hơn là thơ ký văn phòng; thợ làm sắt thép cho những cao ốc chọc trời sẽ lãnh lương cao hơn công nhân đào đất làm nền cho những cao ốc đó.
Học Vấn và Huấn Nghệ
Công việc đòi hỏi nhiều huấn luyện và học vấn thường đưa đến sự đòi hỏi lương cao hơn, nếu ta giữ những thứ khác ngang nhau, bởi vì, như anh Robert biết, nhiều công nhân viên bỏ việc ngang sau bao nhiêu năm làm để học thêm những kỹ năng cho những công việc lương cao hơn – và vì học vấn tự nó cũng đòi hỏi sự thông minh và cần cù mới xong được. Bổ đồng ra thì kỹ sư và kiến trúc sư được trả lương cao nhất trong hầu hết những nền kinh tế thị trường – phần nhiều cũng là do những nguyên nhân này.
Huấn nghệ, giáo dục và siêng năng có thể ảnh hưởng đến mức thu nhập, nhưng một điều rất quan trọng nữa là nhu cầu của xã hội về một kỹ năng hay công việc đặc biệt nào đó. Những người thợ sửa ống nước hay thợ điện với kỹ năng cao có thể đòi tiền lệ phí cao hơn những người thợ mộc hay thợ sửa xe; nhưng một người thợ mộc cao tay nghề làm kệ tủ hay một thợ máy xe hơi lâu năm cũng có thể đòi lương cao xứng với kỹ năng của người đó.
Vế cung cấp của phương trình cũng tác động kiểu tương tự trong thị trường nhân lực. Thí dụ như trong phần lớn các trường đại học trong nền kinh tế thị trường, giáo sư ngành triết học và ngôn ngữ học có lương thấp hơn là giáo sư ngành kỹ thuật hay khoa học trong nhiều thập niên qua, đơn giản là vì có quá nhiều giáo sư ngành đó so với nhu cầu đòi hỏi. Rất nhiều người có thể đủ khả năng làm nhân viên bán hàng trong các cửa hàng, đó là lý do mà lương của những việc làm này có khuynh hướng thấp hơn so với những công việc mà người đủ khả năng làm ít hơn.
Giá Cả và Lương bổng
Vấn đề học vấn và huấn nghệ cũng cho thấy là những quyết định của công nhân viên trong các thị trường nhân lực, một lần nữa, bị ảnh hưởng mạnh mẻ bởi nhiều loại giá cả khác nhau và đặc biệt là mức lương bổng. Ngược lại, các giá trị của lao động bị ảnh hưởng bởi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ mà các công nhân viên được mướn để làm. Kết quả là tiền lương bổng trong những nghề nghiệp khác nhau tăng hay giảm theo thời gian phần nhiều là do sự thay đổi trong giá cả của hàng hóa và dịch vụ cho khách hàng. Thí dụ như, khi những chiếc xe hơi đã thay thế các con ngựa trong những năm đầu của thế kỷ 20, thì lương của những người thợ rèn và thợ làm yên ngựa giảm khủng khiếp, trong khi lương của các thợ cơ khí xe hơi tăng lên.
Tương tự, trong vài năm qua, nhu cầu đòi hỏi nhiều công nhân viên với bằng cấp cao đẳng tăng lên nhanh chóng trong mọi nền kinh tế thị trường, phần nhiều là do hầu hết các cơ sở kinh doanh ngày nay làm việc với nhiều kỹ thuật phức tạp hơn xưa. Robert thích làm việc máy điện toán, một phần cũng vì anh ta thấy đó là ngành đang đi lên có nhu cầu cần người làm tương đối nhiều, tất sẽ dẫn đến lương cao.
Mậu dịch thế giới cũng có thể là yếu tố quan trọng để quyết định nhu cầu chung. Kỹ nghệ và các công ty có thể cạnh tranh nhau thành công và xuất cảng qua các thị trường ngoại quốc sẽ mở ra nhiều việc làm và cơ hội nghề nghiệp cho các công nhân viên – cũng như nhập cảng từ những quốc gia cung cấp chúng, như là những người tiêu thụ, nhiều loại hàng hóa hơn ở những giá cả hợp lý.
Những công nhân viên nào chuẩn bị những nghề nghiệp đáp ứng được sự lớn mạnh của nhu cầu việc làm sẽ hưởng lợi nhờ vào tầm nhìn trước của họ. Những người nào cố bám víu vào những công việc trong thị trường đang xuống dốc, không còn cần những kỹ năng cũ sẽ thường bất mãn và có khi bị sa thải. Họ cần huấn nghệ thêm qua những nguồn trợ giúp của riêng họ, của chính quyền hay của các hãng xưởng họ làm. Nhưng điều đó cũng là một bộ phận của hệ thống vững mạnh của những động cơ khích lệ để hướng dẫn đưa thêm các nguồn trợ giúp – cụ thể là trợ giúp nguồn nhân lực – vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà những người tiêu thụ cần nhất, và rút bớt nguồn trợ giúp cho những quá trình sản xuất khác không còn có nhu cầu đòi hỏi.
Qua thời gian, sự khẳng định cố hữu về việc sản xuất ra món hàng nào mà khách hàng muốn là lý do căn bản nhất giải thích tại sao nguồn nhân lực và các nguồn nguyên vật liệu khác thì quá là phát triển trong những nền kinh tế thị trường. Bài học thì rõ ràng: để được phồn thịnh, sản xuất thứ mà người dân muốn và cần.(phần in nghiêng của HVCD để nhấn mạnh).
CÁC VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH TRONG MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Trong các thị trường hàng hóa, dịch vụ và lao động, giá cả thì được biểu hiện qua đơn vị tiền tệ hay đồng tiền. Nhưng bản thân đồng tiền cũng được đổi chác trong các nền kinh tế thị trường, bởi vì nhiều người thì muốn để dành tiền để tiêu dùng trong tương lai, trong khi những người khác – kể cả những cở sở kinh doanh – thì muốn mượn tiền để tiêu dùng ngay. Giá phải trả để dùng tiền như thế – gọi là mức lãi xuất – thì được quyết định bởi những thị trường mà các nguồn tiền bạc được trao đổi.
Trong tầm nhìn rộng rãi hơn, các ngân hàng và các công ty trong ngành tài chính của một nền kinh tế thị trường là gạch nối quan trọng nhất giữa những người có nguồn tài chính để dự trữ và đầu tư với những người có những yếu tố thích đáng nhất để sử dụng những nguồn tài chính đó và chịu trả tiền cho việc sử dụng đó. Qua các nền kinh tế này, những quyết định về việc đầu tư các nguồn tái chính đó thế nào và ở đâu, , cũng như các quyết định về sự sản xuất và tiêu thụ thì được tản ra trong những thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Để Mua Căn Nhà
Hãy nhìn lại gia đình anh Robert và chị Maria vài năm sau khi họ nói về đổi việc làm và học thêm. Thật vậy, chị Maria đã nhận làm công việc quản trị cho nhà trường và anh Robert theo học huấn nghệ chuyên sâu hơn về thảo chương máy điện toán và đã tìm được việc trong một ngành mới dang phát triển. Từ đó, anh Robert và chị Maria nhờ có lương bổng cao hơn trước đã có thể tiết kiệm tiền hầu để mua món hàng lớn nhất mà bình thường mỗi một người chưa từng mua: căn nhà.
Ở đây, vai trò của các cơ quan tổ chức chuyên về tài chánh thì thiết yếu. Các ngân hàng thực hiện hai chức năng. Một bên, họ giữ tiền cho những người như chị Maria và anh Robert – những người muốn để dành tiền bạc an toàn và có thu lợi nhuận. Mặt khác, họ đưa tiền cho những người cần vay tiền khi những người này có thể chứng minh là họ có khả năng tài chánh để trả lại số tiền vay mượn đó sau này. Những người mượn và người cho mượn không phải chỉ là những cá nhân mà còn là những công ty muốn để dành tiền hay muốn mượn tiền để đầu tư vào những cơ sở kinh doanh mới hay bành trướng thêm ra.
Trong một nền kinh tế thị trường, những cá nhân như chị Maria va anh Robert tùy lúc có thể đóng vai trò của người để dành và người mượn. Để thu hút tiền của những người để dành như chị Maria và anh Robert, các ngân hàng đưa ra mức lãi xuất cạnh tranh được với những ngân hàng hay các cơ quan ngân quỹ tiết kiệm khác. Còn bây giờ, chị Maria và anh Robert lại tìm đến ngân hàng chủ ý là vay nợ, muốn mượn số tiền để có thể mua nhà. Nếu ngân hàng thấy họ có thể trả lại tiền vay hằng tháng trong một khoảng thời gian vài năm, ngân hàng sẽ cho họ mượn tiền. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ lấy mức lãi xuất cao khi cho người ta vay hơn là mức lãi xuất trả cho tiền để dành của họ: sự sai biệt là tiền lời mà ngân hàng thu được để cung cấp các dịch vụ tài chánh.
Vay Mượn và Đầu Tư
Quá trình tương tự cũng xảy ra trong các cơ sở kinh doanh tìm kiếm các nguồn ngân quỹ đầu tư cho hãng xưởng, cửa hàng hay dụng cụ mới. Và cũng như mọi ngành kỹ nghệ khác trong một nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng giúp cho mức lãi xuất thấp vừa phải trong khi các ngân hàng vẫn có mức lời đủ để vận hành tốt đẹp và hữu hiệu. Hơn nữa, vì ngân khoản tiền có thể cho mượn cũng giới hạn cho nên những người mượn – tư nhân hay công ty – sẽ cạnh tranh nhau để được ngân hàng chấp thuận. Sự cạnh tranh này bảo đảm là những món nợ ngân hàng sẽ đưa đến những vốn đầu tư nào với khả năng hoàn trả lại cao nhất một cách hữu hiệu hơn là nếu tự chính quyền ra những quyết định về chuyện vay mượn đó.
Các cơ sở kinh doanh cần những tiền vay vốn này cho những cơ xưởng hay máy móc mới để tăng sản lượng sản xuất và bán ra. Những công ty này nghĩ là họ sẽ thu lợi nhuận ở những sự đầu tư mới này trong nhiều năm, cho nên họ sẵn sàng trả tiền lời cho những ngân quỹ họ dùng để mua những trang bị mới và bắt đầu sản xuất ngay bây giờ chớ không phải cho sau này.
Đương nhiên, nếu tiền lời họ phải trả cao hơn tiền lời họ nghĩ là sẽ thu vào, các cơ sở kinh doanh sẽ không vay mượn. Và thật vậy, nếu một công ty không có dự định đầu tư nào để thu lời cao hơn mức lãi xuất trên tiền vay mượn, thì họ sẽ để dành tiền đó, tốt hơn là mượn thêm ngân quỹ. Và có lẽ là công ty này sẽ thử chuyển nguồn tài nguyên của mình qua hướng làm ăn mới nơi mà họ đã nhận diện ra là tiền lời thu vào sẽ cao hơn tiền lời vay mượn. Điều đó đơn giản chỉ là một cách khác để điều chỉnh các nguồn tài nguyên vào những công ty có hy vọng thu lời cao nhất từ các nguồn tài nguyên đó – như chúng ta đã thấy ở trên, dựa vào chuyện cung cấp những thứ mà khách hàng muốn nhiều nhất ở giá cả bằng hay rẻ hơn giá cả của các sản phẩm tương tự cung ứng từ các công ty khác đang cạnh tranh với mình.
Ở đây, mậu dịch thế giới cũng có thể quan trọng. Cũng như khi các quốc gia trao đổi hàng hóa, các nước này cũng có thể trao đổi các dịch vụ tài chánh và các ngân quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư ngoại quốc có thể tăng số tiền, hay vốn dành cho các cơ sở kinh doanh vay mượn và đầu tư. Các quỹ đầu tư ngoại quốc cạnh tranh với các ngân hàng hay các cơ quan tổ chức tài chánh nội địa cũng có thể giúp làm mức lãi xuất – hay giá trị của tiền tệ – thấp.
Sự đầu tư của ngoại quốc nếu được xem là ảnh hưởng quá mức sẽ tạo ra những mối lo ngại là vài bộ phận của nền kinh tế không còn trong tầm điều khiển của một quốc gia. Điều lo ngại đó hầu như luôn luôn không vững chắc, phần nhiều là vì sự năng động của một nền kinh tế thị trường áp dụng đồng đều cho những đầu tư và hoạt động kinh doanh quốc tế cũng như quốc gia. Sự đầu tư của ngoại quốc, cũng như các loại đầu tư khác, là một lá phiếu tín nhiệm về sự phát triển kinh tế. Sự đầu tư của ngoại quốc đem vào một nguồn ngân quỹ mới thường thường làm tăng mức hiệu quả, có thêm kinh nghiệm quản lý và giúp giữ mức lãi xuất giảm.
Các Thị Trường Chứng Khoán và Đầu Tư
Như chúng ta đã thấy trong thí dụ về anh Robert và chị Maria, những ngân hàng thành công có tiền thu nhập nhờ đứng trung gian giữa những người để dành và những người vay mượn và đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế bằng cách đem những người này lại với nhau để các ngân quỹ để dành được có thể đầu tư trở lại.
Trong một nền kinh tế thị trường lớn, còn có những cách kinh doanh chuyên môn hơn trong lãnh vực tài chánh. Giả sử trong vài năm, anh Robert và chị Maria muốn mở ra một cơ sở kinh doanh nhỏ dựa trên những kinh nghiệm và kỹ năng của họ trong các lãnh vực giáo dục và thảo chương máy điện toán cộng chung lại. Họ cùng nhau sản xuất ra một chương trình nhu liệu giáo dục cho học đường, và họ cần tiền để tạo dựng cơ sở kinh doanh này, gọi là Nhu Liệu Giáo Dục R&M. Họ trở lại ngân hàng để xin vay vốn, như họ đã vay cho căn nhà. Hay là họ có thể bán ra những cổ phần hay còn gọi là các chứng khoán công ty kinh doanh của họ hàng trăm hay hàng ngàn người tin tưởng là công ty Nhu Liệu R&M có khả năng thâu lợi nhuận. Những nhà kinh doanh nhỏ như chị Maria và anh Robert, cũng như các công ty lớn nhất thế giới đưa ra bán các cổ phần chứng khoán đó qua những người trung gian môi giới chuyên về trao đổi các cổ phần chứng khoán trên toàn cầu.
Những người mua cổ phần chứng khoán chịu đầu tư chút tiền của riêng họ vào những cơ sở kinh doanh để đổi lấy một phần chia trong số tiền lợi nhuận trong tương lai của các cơ sở kinh doanh đó. Những người này, trên pháp lý trở thành những chủ nhân của các công ty và có các quyền bầu cử dựa trên số cổ phần họ sở hữu. Những điều đó cho họ tiếng nói về hoạt động của công ty và quyết định ai sẽ làm những giám đốc hay những quản trị viên của công ty.
Họ cũng chia sẻ luôn những rủi ro của công ty. Nếu công ty Nhu Liệu Giáo Dục R&M hoạt động yếu kém hay thất bại luôn, các người đầu tư sẽ lỗ một phần hay toàn bộ số tiền đầu tư của họ. Còn nếu công ty thành công, những người đầu tư đó sẽ có cơ hội kiếm được lợi nhuận từ sự đầu tư của họ, dù họ chọn giữ cổ phần của họ dài hạn hơn hay bán ra ở giá trị nhiều lần cao hơn giá trị ban đầu.
Khi những người giữ cổ phần chứng khoán còn nghĩ là công ty sẽ hoạt động tốt đẹp, họ sẽ giữ cổ phần đó để được chia những phần lợi nhuận của công ty sau này hay là có thể mua thêm nhiều cổ phần nữa. Nhưng nếu người giữ cổ phần chứng khoán không hài lòng với tương lai công ty về lượng hàng hóa bán ra và các lợi nhuận sẽ bán cổ phần của họ trên một thị trường chứng khoán qua những công ty chuyên môn trong lãnh vực tìm cả người mua và kẻ bán các cổ phần chứng khoán của hầu hết các công ty chủ yếu của một nền kinh tế. Những công ty này gọi là những cơ sở môi giới trung gian và là một nhóm những công ty họp nhau lại thành những thị trường chứng khoán chủ yếu ở nhiều địa điểm toàn cầu như New York, Paris hay London.
Giống như kỹ nghệ ngân hàng, các thị trường chứng khoán này đã xuất hiện để đóng vai trò quan trọng trong những nền kinh tế quốc gia và mậu dịch thế giới. Chúng giúp những người giữ cổ phần chứng khoán và những người khác quyết định sự kinh doanh của họ, đánh giá mức hữu hiệu của các công ty và định mức thời tiết kinh tế nói chung. Điều này có được là nhờ giá cả cổ phần của hàng ngàn công ty trao đổi nhau hàng ngày, tăng hay giảm giá tùy theo sự thay đổi điều kiện kinh doanh của từng công ty riêng, các công ty cạnh tranh với nó, và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Quá trình đầu tư tạo cho những cá nhân để dành tiền và những người đầu tư sự tự do rộng rãi và cơ hội quyết định phần may rủi và những dự án đầu tư nào cần nắm bắt. Họ sẽ thu lợi rất lớn nếu họ để dành và đầu tư khôn ngoan; nhưng họ có thể cũng tổn thất nhiều nếu các sự đầu tư của họ không hợp lý lắm. Đó là lý do mà hầu hết các người đầu tư không chịu dồn tất cả vốn đầu tư của mình cho một dự án hay một công ty, nhưng thay vào đó là giữ một phần vốn liếng trong vài công ty hay trương mục rất là an toàn, kiểu “đã thử nghiệm đúng.” Chỉ có những ai muốn đánh bạc lớn và đổ dồn tất cả tài sản vào một số ít dự án kinh doanh có tính cách liều lĩnh thì thường sẽ mất một cơ nghiệp lớn, hay ngược lại, tạo được một cơ nghiệp lớn, trong các thị trường tài chính.
Thế kỷ vừa qua, ta thử so sánh kết quả của những sự đầu tư tư nhân trong sự chế tạo ra những sản phẩm hay kỹ thuật mới và sự đầu tư của chính quyền của các quốc gia, đặc biệt là những nước có nền kinh tế kế hoạch hóa từ trung ương sẽ thấy rõ thêm. Kết quả của những sự đầu tư tư nhân, dù có những giai đoạn thất bại, vẫn rõ ràng là trội hơn hẳn. Tại sao? Một lần nữa, nhiều lý do chỉ đến bản chất tự nhiên cố hữu của những nền kinh tế thị trường: một quá trình tản quyền để một số đông nhiều người có những quyết định đầu tư và vay mượn nhằm đáp ứng với các điều kiện kinh tế thay đổi, chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ trong chính quyền trung ương. Hơn nữa, những sự quyết định của những người trên tiền bạc của chính bản thân họ bỏ ra – chắc chắn là những động cơ thúc đẩy mạnh mẽ để có sự lựa chọn cẩn thận và sâu sắc khôn ngoan.
CHÍNH QUYỀN TRONG MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Nếu các thị trường và các hệ thống thị trường rất là hữu hiệu, tại sao lại để chính quyền đụng chạm vào hoạt động của chúng làm gì? Tại sao lại không áp dụng một chính sách chắc chắn của điều gọi là “thả tự do” và cho phép các thị trường tư nhân hoạt động không cần sự can dự của chính quyền bất cứ kiểu nào. Có nhiều lý do mà các kinh tế gia và các nhà quan sát xã hội đã nhận diện, có thể minh họa bằng vài thí dụ quen thuộc. Trong hầu hết các trường hợp, vai trò của chính quyền không phải là để thay thế thị trường mà là để phát huy sự vận hành của một nền kinh tế thị trường. Hơn nữa bất kỳ quyết định nào để điều chỉnh hay can dự vào vai trò của những tác động thị trường phải cẩn thận giữ cân bằng giữa những chi phí phải trả cho sự điều chỉnh đó và những lợi ích mà sự can dự đó sẽ mang đến.
Quốc Phòng và Lợi Ích Công Cộng
Quốc phòng là một thí dụ mà vai trò của chính quyền được xem là thiết yếu. Tại sao? Bởi vì sự phòng vệ cho một quốc gia là một loại lợi ích công cộng hoàn toàn khác hẳn những thứ như các trái cam, các máy điện toán hay nhà cửa: dân chúng không trả tiền cho từng phần họ dùng, nhưng phải góp mua chung cho cả quốc gia. Cung cấp sự phòng vệ cho một cá nhân không có nghĩ là những người khác được sự phòng vệ kém đi, vì thực tế thì tất cả mọi người nhận được những sự phòng vệ cùng với nhau. Thực vậy, những công việc phòng phủ quốc gia cũng được cung cấp cho cả những người không muốn chúng, vì thật tế thì không có một cách nào hữu hiệu để không nhận các “dịch vụ” này! Các quốc gia có đủ khả năng chế tạo các chiến đấu cơ; làng xã hay bản thân các cá nhân không thể có khả năng này.
Lợi ích loại này gọi là lợi ích công cộng, vì không có cơ sở kinh doanh tư nhân nào có thể bán việc phòng thủ quốc gia cho những người công dân của một nước và tồn tại được mà kinh doanh. Đơn giản là chúng ta không thể bán dịch vụ phòng vệ cho những người nào muốn có và không bảo vệ những người nào từ chối sự giúp đở việc trả cho các chi phí đó. Và nếu người ta vẫn được bảo vệ mà không cần trả lệ phí thì ai mà chịu trả? Đây là vấn đề “sử dụng miễn phí” và đó là lý do chánh yếu tại sao công việc quốc phòng phải được quản trị bởi chính quyền và được trả qua tiền thuế.
Không có nhiều lắm những lợi ích công cộng – lợi ích mà có thể tiêu thụ chung nhau và phải chịu nhiều nan đề về “sử dụng miễn phí” – nên đó là lý do tại sao mà phần lớn lợi ích và dịch vụ trong những nền kinh tế thị trường được sản xuất và bán ra bởi các công ty tư nhân trong các thị trường tư nhân. Những thí dụ khác về lợi ích công cộng bao gồm những chương trình chống ngăn lụt lội và côn trùng, và ngay cả việc phát sóng truyền thanh và truyền hình. Mỗi một sản phẩm đó có thể được nhiều khách hàng đồng thời tiêu thụ chung nhau và cũng phải chịu nan đề “sử dụng miễn phí” ở một chừng mực nào đó. Tuy nhiên, trong dịch vụ phát hình hay phát thanh, các chương trình đó có thể sản xuất ra bằng phương tiện tư nhân và nhằm thu lợi nhuận bằng cách bán ra giờ phát sóng cho mục quảng cáo. Hay trong vài trường hợp, các tín hiệu phát ra có thể được làm nhiễu loạn để các công ty tư nhân có thể kiếm tiền bằng cách cho thuê những thiết bị giải mã cho những người nào muốn xem các chương trình phát sóng đó.
Nạn Ô Nhiễm và Các Phí Tổn Phụ Trội
Hãy xem thí dụ về một công ty sản xuất ra các sản phẩm bằng giấy – từ giấy viết cho đến các thùng giấy cứng – ở một cơ xưởng trên một con sông. Vấn đề là công ty phải đổ các chất hóa học ô nhiễm, sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, xuống sông. Nhưng không có cá nhân hay cơ quan nào làm chủ con sông, nên không bắt buộc công ty đó ngưng việc gây ô nhiễm đó. Hơn nữa vì việc thanh lọc dòng sông tốn tiền, công ty có thể bán các sản phẩm giấy của nó với giá rẻ hơn là nếu nó phải cộng thêm các chi phí chống ngăn ô nhiễm. Kết quả là công ty giấy có thể tăng được mức hàng bán ra thêm nữa nhờ vào nhu cầu tương đối cao hơn do giá thành rẻ hơn, dẫn đến nhiều chất phế thải và ô nhiễm đổ ra từ cơ xưởng của nó. Bởi vì gây ô nhiễm mà không bị phạt, công ty này có lẽ được lợi thế một cách bất công hơn các công ty cạnh tranh với nó vì các sản phẩm giấy của chúng có cộng vào tiền công lắp ráp các thiết bị chống ngăn ô nhiễm.
Đây là thí dụ điển hình của điều gọi là những phí tổn phụ trội không phản ảnh vào giá thành trong sự hoạt động bình thường của thị trường. Công ty giấy lẫn những người tiêu thụ không ai phải gánh chịu giá thành thực sự của giấy sản xuất ra; thay vào đó, một phần phí tổn – yếu tố ô nhiễm – đã chuyển qua cho những người dân sống hay làm việc dọc theo dòng sông và những người đóng thuế vì ngân khoản chi phí cho cho sự thanh lọc môi trường.
Như những sự phụ trội khác, nạn ô nhiễm thường thường xảy ra khi chủ nhân của nguồn tài nguyên – ở đây là dòng sông – không phải là những cá nhân hay cơ quan tư nào cả. Đất đai công cộng và các lề đường thường bị xả rác nhiều hơn là sân cỏ trước nhà người ta vì không ai là chủ nhân của đất đai công cộng và chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh và phạt những ai làm hư hại chúng. Phần lớn sự ô nhiễm là thải vào không khí, các đại dương và những dòng sông, chính là vì không có chủ nhân riêng của các nguồn tài nguyên đó để có động cơ khích lệ mạnh mẽ để buộc tội những người gây ô nhiễm về những hư hại họ làm ra. Trong khi cũng có một số người chịu tốn thì giờ và phiền toái để đưa ra xử phạt những người gây ra ô nhiễm như thế, nhưng không có nhiều động cơ kinh tế để khích lệ người khác làm theo.
Vai trò của chính quyền trong tình trạng này là cố gắng điều chỉnh sự bất quân bình này. Để can thiệp, chính quyền có thể bắt buộc các nhà sản xuất hay các người tiêu thụ sản phẩm phải trả cho khoản chi phí thanh lọc môi trường. Vai trò này của chính quyền thực chất đơn giản chỉ là những người nào hưởng lợi nhuận từ việc bán và tiêu thụ một sản phẩm nào đó phải trả cho tất cả tiền chi phí để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đó.
Không may, rất hiếm khi thấy chính quyền dễ dàng quyết định bao nhiêu là đáng trong những trường hợp này. Một điều là thường thì khó và tốn kém để biết chắc chắn nguồn ô nhiễm hay là ô nhiễm gây tổn thất cho xã hội bằng một con số chắc chắn là bao nhiêu. Vì những khó khăn này, chính quyền phải chắc chắn từ đầu là không áp đặt thêm số tiền chi phí cho việc giảm thiểu ô nhiễm nhiều hơn là sự tổn thất mà ô nhiễm gây ra cho xã hội. Làm như thế rõ ràng là vô hiệu quả và lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá.
Một khi mà chính quyền đã thiết lập một mức độ ô nhiễm chấp nhận được hay tối thiểu là tạm dung được, họ có thể dùng những luật pháp, điều lệ, tiền phạt, án tù hay những thứ thuế đặc biệt để giảm thiểu sự ô nhiễm. Họ có thể thử, vào tận căn bản của vấn đề hơn, thiết lập quyền sở hữu cho các nguồn tài nguyên bị ô nhiễm đó rõ ràng hơn, sẽ đưa đến định những giá cả, dựa trên tình hình thị trường, cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên đó và buộc những người gây ô nhiễm phải trả các chi phí thiệt hại đó. Điều cốt yếu giữa bao nhiêu phương cách này là phải hiểu vai trò cơ bản của chính quyền – đó là sửa chữa những sự dư thừa trong sản xuất và trong tiêu thụ có thể dẫn đến những tổn phí phụ trội.
Học Vấn và Những Lợi Tức Phụ Trội
Khi anh Robert trở lại trường học để làm một người soạn thảo chương máy điện toán, anh ta chỉ tìm cách làm cho anh ta và gia đình khá hơn, không hẳn là để cộng đồng xã hội phát triển nói chung. Nhưng nhờ vào học vấn cao hơn, anh Robert đã thành một thành viên thành thạo nghề nghiệp hơn và có năng suất làm việc cao hơn cho xã hội. Anh ta bây giờ có được những kỹ năng mới và đã lập ra một cơ sở kinh doanh mới, thành ra trở lại, cung cấp nhiều việc làm và cơ hội cho những người khác.
Ở đây, học vấn của anh Robert đã có những lợi tức mà những người thụ hưởng không phải là các nhà sản xuất hay những người tiêu thụ hàng hóa hay dịch vụ. Học vấn thường được đánh giá là cung ứng những lợi tức phụ trội cho một quốc gia, vì những công nhân viên có trình độ học vấn thì dễ dàng thích ứng hơn và có năng suất làm việc cao hơn và ít bị thất nghiệp hơn. Điều đó có nghĩa là những chi phí cho học vấn bây giờ, rút cuộc, sẽ có thể đưa đến sự tiết kiệm những ngân khoản công cộng hay tư nhân để chống tội phạm, nạn nghèo khó và những nan đề xã hội, đồng thời sẽ gia tăng được kỹ năng, sự thích ứng và năng xuất của lực lượng sản xuất.
Khi đến phạm vi mà một sản phẩm nào đó đã tạo ra nhiều những lợi tức phụ trội hay dư thừa đáng kể, chính quyền có thể định chuyện trợ cấp vào hay khuyến khích sự tiêu thụ, sản xuất hay cả hai để giá trị của những lợi tức phụ trội đó được bao gồm trong giá cả thị trường và trong lượng hàng hóa sản xuất ra. Ngay khi mà giá cả của các lợi tức phụ trội hay dư thừa dẫn ra sự sản xuất thặng dư cho một mặt hàng hóa nào đó, thì sự tồn tại của các lợi tức phụ trội sẽ đưa đến sự thiếu hụt trong sản xuất những mặt hàng hóa hay những dịch vụ khác.
Học vấn của công chúng có lẽ là thí dụ lớn nhất và ý nghĩa nhất về chi phí của chính quyền và sự hỗ trợ cho một công việc xem như là có nhiều lợi tức phụ trội đáng kể. Tuy nhiên, cũng có, dù tương đối ít, trường hợp mà chính quyền can dự vào để định mức các giá cả, dù bằng các quỹ trợ cấp hay thuế má, để khuyến khích những lợi tức phụ trội đó. Tổng quát lại thì, sự mở rộng các quyền sở hữu và một hệ thống của giá cả, dựa trên tình hình thị trường, thường có lẽ là những biện pháp hữu hiệu nhất cho chính quyền để có thể chỉnh sửa được những sự mất quân bình tạo ra bởi những chi phí hay lợi tức phụ trội.
Một Cơ Chế Pháp Lý và Xã Hội
Những nền kinh tế thị trường, dù có những thí dụ rõ rệt về sự bị lạm dụng, cũng không phải là nơi cho phép sự bóc lột hay cướp đoạt xảy ra. Thực vậy, rất ít giao thương trong những thị trường mà các quyền lợi hợp pháp của những người tiêu thụ và những người sản xuất để làm chủ và buôn bán những nguồn tài nguyên kinh tế mà không được xác nhận rõ ràng và không được bảo vệ. Đó là lý do tại sao mà các chính quyền trong các nền kinh tế thị trường giữ hồ sơ của các khế ước chủ quyền đất đai và nhà cửa, và thực thi các hợp đồng giữa những người mua và bán trên hầu như là mọi sản phẩm. Những người mua muốn biết những thứ mà họ mua từ những người bán là thật sự của họ để bán ra; và cả hai bên những người mua và những người bán muốn biết rằng khi mà họ đồng ý trao đổi điều gì đó, sự đồng ý phải được thực hiện. Điều này cũng đúng cho các công nhân viên, qua tư cách cá nhân hay tập thể trong các công đoàn, đồng ý về lương bổng và điều kiện làm việc với các chủ nhân. Nếu những sự bảo đảm đó không được thi hành đúng mức và hữu hiệu, và nếu không có được một hệ thống pháp lý công bằng và không thiên vị thì các thương lượng trong thị trường trở nên rất tốn kém và khó mà hoàn tất.
Các chính quyền trong các nền kinh tế thị trường phải thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và quyền thụ hưởng những thành quả kinh tế từ việc sử dụng các sở hữu đó. Nếu không có những sự bảo đảm như thế, ít người dám liều bỏ thì giờ và tiên bạc vào những kinh doanh mà phần thưởng có thể chạy vào tay quốc gia hay một nhóm nào khác. Thí dụ, như khi anh Robert và chị Maria dự tính lập ra công ty Nhu Liệu Giáo Dục R&M, họ biết là họ đã chấp nhận sự may rủi của sự thất bại về mặt kinh tế; nhưng họ cũng biết là nếu họ thành công, các luật lệ bảo vệ quyền tư hữu sẽ làm cho họ có thể thâu gặt được những phần thưởng kinh tế của sự thành công đó.
Sự bảo vệ của chính quyền đối cho những sở hữu tư nhân hiển nhiên đã mở rộng áp dụng cho đất đai, hãng xưởng và những thứ hàng hóa cụ thể hữu hình, nhưng nó cũng mở rộng ra tới những điều gọi là sở hữu trí tuệ: sản phẩm của trí óc con người thể hiện qua các sách vở và những công trình viết lách khác, những tác phẩm hội họa, phim ảnh, những phát minh khoa học, thiết kế kỹ thuật, thuốc men và những chương trình cho máy điện toán. Sẽ chẳng có nhà kinh doanh hay các công ty nào sẽ đầu tư trong những ngành nghiên cứu thường tốn kém và tốn thì giờ cho những loại thuốc chống bịnh tật, những chương trình máy điện toán hay cả việc xuất bản một quyển truyện mới, nếu những công ty cạnh tranh với họ có thể chỉ đơn giản chiếm đoạt và đem rao bán ra công trình của họ mà không phải trả tiền bản quyền tác giả hay những lệ phí khác đáng với chi phí tạo ra những sản phẩm đó.
Để bảo vệ và khuyến khích các khoa học gia và các nghệ sĩ, chính quyền cấp phát những đặc quyền, gọi là những bản quyền, để bảo vệ vài loại sở hữu trí tuệ như các sách vở, nhạc phẩm, phim ảnh, các chương trình máy điện toán; hay gọi là những bằng phát minh khi họ bảo vệ những loại phát minh, thiết kế, sản phẩm hay những quy trình công nghệ khác. Những đặc quyền này tạo cho những người mang giữ chúng, dù là các cá nhân hay các công ty, những đặc quyền để bán hay không thì rao bán các sản phẩm hay những thành quả của họ trên thị trường trong một khoảng thời gian qui định nào đó. Như Tổng Thống Abraham Lincoln đã nói, những điều đó đã đổ thêm “nguồn hứng khởi vào ngọn lửa của thiên tài”.
Bằng sự định nghĩa và thực thi các quyền sở hữu và duy trì một hệ thống pháp lý hữu hiệu, chính quyền có thể xây dựng nên một môi trường xã hội để cho các thị trường tư nhân, với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ, được vận hành hữu hiệu và được sự ủng hộ rộng rãi của mọi người.
Sự Cạnh Tranh
Mỗi tháng, anh Robert và chị Maria đều đặn trả các hóa đơn cho các công ty địa phương cung cấp tiền nước và điện thoại. Không giống như hầu hết các ngành kinh doanh khác trong một nền kinh tế thị trường, cả hai công ty nước và điện thoại không phải cạnh tranh với những công ty cung cấp nước hay cung cấp dịch vụ điện thoại nào khác.
Lý do là vì cả hai dịch vụ đó được gọi là những công ty “độc quyền đương nhiên” khi dịch vụ họ cung cấp được coi là tiết kiệm nhất, theo quan niệm kinh tế, nếu các dịch vụ này được cung cấp bởi một công ty duy nhất. Cho phép hai đường ống nước, hay hai hệ thống đường dây điện thoại hay dây điện lực hoàn toàn biệt lập nhau là hoang phí và vô hiệu quả tột độ. Thay cho việc điều khiển vấn đề giá cả hay tăng hiệu quả cao nhất qua sự canh tranh, các cơ quan chính phủ sẽ điều chỉnh giá cả và dịch vụ của các công ty này hầu bảo đảm là họ cung ứng cho khách hàng giá cả tốt nhất có thể được mà vẫn có được mức độ thâu nhập hợp lý chấp nhận được cho những sự đầu tư của họ.
Con số những công ty “độc quyền đương nhiên” như thế thật ra rất nhỏ và chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn hộ hoạt động kinh tế trong hầu hết các nền kinh tế thị trường. Một vấn đề phổ biến hơn và, trên nhiều phương diện, phức tạp hơn nảy sinh trong ngành kỹ nghệ mà chỉ có một vài công ty lớn khống chế. Điều thực sự nguy hiểm là các công ty này có thể cấu kết nhau để định giá cả cao hay hạn chế sự xuất hiện của các công ty mới đang cạnh tranh. Để giảm thiểu những sự độc quyền hay cấu kết như thế và duy trì được một mức độ cạnh tranh hiệu quả trong hệ thống kinh tế, những hình luật gọi là chống nạn độc quyền kinh doanh đã được phê chuẩn trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, kể cả Hoa Kỳ.
Hạn chế cạnh tranh có thể xảy ra trong vài lãnh vực kỹ nghệ, như hàng không, vì mức độ nhu cầu của thị trường chỉ đủ để giúp vài công ty lớn hoạt động – với những kỹ thuật sản xuất hữu hiệu nhất cho các sản phẩm đó. Các chính trị gia phải quyết định xem sự cạnh tranh giữa một số ít các công ty lớn sản xuất những sản phẩm đó có đủ để giữ đuợc giá thành và lợi nhuận ở mức độ hợp lý và chất lượng sản phẩm cao. Nếu không, họ một lần nữa sẽ chuyển hướng qua việc điều chỉnh giá cả và dịch vụ, hay phân tán vài công ty lớn đó thành ra nhiều công ty nhỏ hơn một cách hợp pháp, nếu điều đó có thể làm mà không làm giá thành sản phẩm tăng quá đáng. Nếu chuyện đó không thành, các nhà làm luật ít nhất cũng làm cho vấn đề cấu kết thông đồng nhau giữa các công ty lớn đó là việc làm phi pháp và thực thi những luật lệ để bảo đảm có sự canh tranh trực tiếp giữa các công ty này càng nhiều càng tốt.
Không may, nhiều điều lệ và chính sách chống độc quyền kinh doanh của chính quyền thay vì làm gia tăng, trong thực tế lại làm giảm đi sự cạnh tranh. Những chính sách này bao gồm những giấy phép độc quyền để sản xuất hàng hóa hay dịch vụ, những chỉ tiêu giới hạn sự nhập cảng các hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài, và những đòi hỏi về giấy phép hành nghề hay những khoản lệ phí cho những công nhân viên nhà nghề và chuyên nghiệp. Vài chính sách như thế, thí dụ như cấp phát bằng phát minh và bản quyền, có thể được biện minh trên nền tảng kinh tế. Tuy nhiên, còn những giới hạn khác không hợp lý lắm, được chấp nhận chỉ vì chúng tạo ra lợi nhuận cao cho thành viên của những nhóm đặc quyền đặc lợi nào đó. Do phí tổn cho những sự giới hạn này trải quá rộng ra cho toàn bộ dân chúng, chúng ít bị hay không bị công chúng bất bình.
Bình quân lại thì, dù có những khiếm khuyết thường xuyên, các kinh tế gia trong các nền kinh tế thị trường hầu như cùng đồng ý rằng cho phép các công ty lớn (hay tổ hợp các công ty cấu kết nhau) để đạt được những vị trí độc quyền trong các ngành kỹ nghệ then chốt sẽ mang lại thiệt hại lớn lao. Những thiệt hại này đủ cao để biện minh cho vai trò của chính quyền trong việc giới hạn và đề ra những luật lệ để duy trì sự cạnh tranh.
Thu Nhập và Trợ Cấp Xã Hội
Nhiều người không có kỹ năng hay các nguồn thu nhập nào khác để sinh sống trong một nền kinh tế thị trường. Những người khác hưởng lợi nhờ vào việc thừa hưởng của cải tài sản hay tài lộc, hay nhờ vào những mối quan hệ trong kinh doanh, xã hội, chính trị của gia đình hay bạn bè họ.
Chính quyền trong các nền kinh tế thị trường tất phải đề xướng những chương trình để phân phối lại khoản tiền thu nhập và họ thường làm thế với chủ ý rõ ràng qua các chính sách thuế và sự phân phối khoản tiền thu nhập sau khi cắt trừ thuế một cách công bằng hơn.
Những người đề nghị việc “tái phân phối rộng rãi” biện luận là vai trò này của chính quyền giới hạn được vấn đề tập trung sự giàu có và giữ một mức độ phân bố tiềm lực kinh tế rộng rãi hơn ra cho nhiều gia đình, cũng như các hình luật chống nạn độc quyền kinh doanh được đề ra là nhằm duy trì sự cạnh tranh và sự phân bố tiềm lực và nguồn tài nguyên giữa các nhà sản xuất. Còn những người chống đối các chương trình tái phân phối chủ yếu thì phản đối là việc tăng thêm thuế cho những gia đình có thu nhập cao sẽ làm giảm động cơ khích lệ họ làm việc, để dành và đầu tư, tất yếu sẽ dẫn đến sự tổn thất cho toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Sự tranh luận về vấn đề tái phân phối tiền thu nhập dẫn dắt đến những ý kiến căn bản của người dân về sự công bằng và hợp lý. Và trong lãnh vực đó, không có nhà kinh tế nào hay chuyên gia nguyên cứu về vấn đề đó lại có được một thế đứng đặc biệt nào cả.
Tất cả điều mà họ có thể làm là thu thập tài liệu về những gì đã xảy ra cho vấn đề phân phối tiền thu nhập và của cải qua dòng thời gian trong nhiều loại hệ thống kinh tế khác nhau và dùng các tin tức đó để cố gắng nhận diện các chính sách khác nhau ảnh hưởng thế nào đến các biến số như các mức sản xuất của quốc gia, tiền để dành và tiền đầu tư.
Trong thế kỷ này, một sự đồng thuận xã hội đã phát sinh, từ tình nhân ái giữa con người và từ sự công bằng, là chính quyền trong hầu hết các nền kinh tế thị trường nên đóng một vai trò trong việc trợ cấp cho những gia đình cần giúp nhất trong nước và giúp họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Chính quyền trong tất cả mọi nền kinh tế thị trường đều trợ cấp cho những người thất nghiệp, chăm sóc y tế cho người nghèo, tiền hưu bổng cho những người về hưu. Góp chung lại với nhau, những chương trình này thường được gọi là “mạng lưới an sinh xã hội.”
Trong 40 năm qua, những chương trình xã hội này đã phát triển nhanh chóng trong những chính sách thâu thuế và chi tiêu của hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa. Cho nên sự tranh luận hiện tại về những chương trình này không phải là về vấn đề chúng có nên tồn tại hay không, mà là về vấn đề chúng nên tồn tại trong phạm vi chừng mực nào và những chương trình tái phân phối này có thể quản lý được bao nhiêu tiền thu nhập mà vẫn tiếp tục gìn giữ được các động cơ khích lệ mỗi cá nhân làm việc và để dành.
Các Chính Sách Tài Chánh và Tiền Tệ của Chính Quyền
Các chính quyền trong những nền kinh tế thị trường đóng những vai trò thiết yếu trong việc thiết lập những điều kiện kinh tế để thị trường của những cơ sở kinh doanh tư nhân vận hành hữu hiệu.
Một trong những vai trò đó là lưu hành tiền tệ vững vàng và được công nhận rộng rãi để loại trừ những hệ thống đổi chác phiền toái, vô hiệu quả, và duy trì giá trị của đồng tiền bằng những chính sách giới hạn nạn lạm phát (sự gia tăng toàn bộ các giá hàng hóa và dịch vụ).
Trong quá trình lịch sử, nền kinh tế thị trường thường bị tác động theo chu kỳ bởi những giai đoạn mức giá hàng tăng quá nhanh, hay có lúc thì mức thất nghiệp quá cao, hay đôi khi bởi những giai đoạn mà mức độ lạm phát và thất nghiệp đều cao.
May mắn thay, những tình huống thế này thường chỉ nhẹ nhàng thoáng qua không quá một năm. Một ít giai đoạn khác thì kéo dài và trầm trọng hơn nhiều, như tình trạng “siêu lạm phát” ở nước Đức trong thập niên 1920 và nạn thất nghiệp toàn thế giới trong thập niên 1930, thường được biết đến qua cụm từ “Thời Kỳ Đại Suy Thoái.”
Chỉ trong thế kỷ này, những nhà kinh tế và những sách lược gia của chính quyền mới đưa ra những chính sách tiêu chuẩn ổn định hóa – gọi là chính sách tài chánh và tiền tệ – để chính quyền các quốc gia có thể dùng để điều hòa (hay một cách lý tưởng là loại trừ) những tình huống như thế.
Các chính sách tài chính sử dụng tài khoản chi tiêu của chính quyền và những kế hoạch thuế má để kích thích nền kinh tế quốc gia những khi nạn thất nghiệp cao và mức lạm phát thấp, hay kiềm hãm nó lại khi mức lạm phát cao và nạn thất nghiệp hạ thấp. Để khích thích toàn bộ mực độ chi tiêu, năng suất và tạo ra việc làm, tự chính quyền cũng phải chi tiêu nhiều và giảm thuế, ngay cả nếu điều này làm ngân sách thâm thủng. (Lúc nào đó trong tương lai, cũng sẽ có chuyện thặng dư tạo ra để bù lại thiếu hụt này).
Để kiềm hãm lại nền kinh tế đang phát triển quá mạnh mẽ – khi mà hầu như mọi người cần việc đều có việc làm nhưng mức chi tiêu và giá cả cũng lên cao quá nhanh – chính quyền cũng cần vài biện pháp để giữ giá hàng hóa không tiến lên quá cao. Họ có thể cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hay cả hai, để làm giảm toàn bộ mức tiêu xài và sản xuất.
Chính sách tiền tệ bao gồm những thay đổi trong nguồn tiền tệ luân lưu và tín dụng của quốc gia. Để gia tăng khả năng chi tiêu trong những lúc nạn thất nghiệp cao và mức lạm phát thấp, các sách lược gia tăng nguồn tiền tệ luân lưu để giảm mức lãi xuất (nghĩa là giảm giá trị của đồng tiền), làm ngân hàng cho vay dễ dàng hơn. Điều này khuyến kích sự tiêu thụ vì xem như là đưa thêm tiền vào tay dân chúng. Mức lãi xuất thấp cũng kích thích sự sử dụng tiền vào đầu tư vì các cơ sở kinh doanh tìm cách khuếch trương và mướn thêm nhiều công nhân viên.
Ngược lại, trong giai đoạn mà mức lạm phát cao và nạn thất nghiệp thấp, các sách luợc gia có thể làm chậm nền kinh tế bằng cách tăng mức lãi xuất, do đó sẽ giảm nguồn tiền tệ luân lưu và giảm nguồn tín dụng. Từ đó, với ít tiền tệ luân lưu trong nền kinh tế để chi tiêu và mức lãi xuất gia tăng, sự chi tiêu và cùng với giá cả sẽ có khuynh hướng giảm xuống hay ít ra là tăng chậm lại. Kết quả là cả hai nguồn hàng sản xuất ra và việc làm sẽ có khuynh hướng co lại với nhau.
Các chính sách tài chánh và tiền tệ thì chưa được sử dụng rộng rãi để ổn định hóa được sự lên và xuống của những chu kỳ kinh doanh quốc gia trước thập niên 1960. Ngày nay, ngoại trừ những trường hợp tai biến to lớn do tự nhiên hay xã hội – như chiến tranh, lụt lội, động đất hay hạn hán – những chính sách ổn định hóa này có thể dùng để tránh được những chu lỳ thất nghiệp và lạm phát trầm trọng. Nhưng sự hữu hiệu của các chính sách này thì ít chắc chắn hơn khi dùng để chống lại những sự chao đảo ngắn hạn hay yếu hơn trong hoạt động của nền kinh tế quốc gia hay để đương cự với tình trạng khi cả nạn thất nghiệp và lạm phát đều gia tăng.
Có nhiều lý do về sự không chắc chắn đó, bao gồm thời gian trước khi nhận thức rõ ràng vấn đề xảy ra, rồi soạn thảo một loạt chính sách để giải quyết vấn đề đó và cuối cùng còn đợi xem các chính sách đó tác dụng thế nào. Một sự rủi ro có thật là khi mà các chính sách của chính quyền vừa có hiệu quả, thì vấn đề ban đầu có thể sẽ tự điều chỉnh xong hay đã chuyển hoàn toàn qua một hướng khác rồi. Trong trường hợp đó, các chính sách ổn định có thể xem là vô ích hay ngay cả phản tác dụng.
Khi nạn thất nghiệp và lạm phát tăng lên đồng thời, chính quyền phải đương đầu với một tình huống tiến thối lưỡng nan. Lý do là vì các chính sách tiền tệ và tài chính được soạn thảo ra để điều chỉnh mức độ tiêu thụ trong một quốc gia, nhưng không thể đối phó với nguồn nguyên vật liệu giảm thiểu tương đối đột ngột, điều này có thể làm gây ra đồng thời nạn lạm phát và thất nghiệp. Tình trạng đó có thể xảy ra khi nào? Một trường hợp xảy ra trong thập niên 1970 khi việc cấm vận áp đặt lên ngành xuất cảng dầu hỏa của những nước sản xuất dầu làm giá cả cao lên khủng khiếp, mà ảnh hưởng lan tràn ra những nền kinh tế của những nước công nghiệp hóa. Sự giảm thiểu nguồn nguyên vật liệu đó làm tăng giá cả trong khi lại giảm mức sản xuất và nguồn việc làm.
Để giải quyết những khủng hoảng về nguồn nguyên vật liệu đó cho một nền kinh tế quốc gia, chính quyền có thể thử tăng cường các động cơ khích lệ dân chúng sản xuất, để dành và đầu tư, gia tăng mức cạnh tranh hữu hiệu trong nước bằng cách giảm bớt sự độc quyền; hủy bỏ những ứ đọng ở những nguồn tài nguyên then chốt, dù là vật liệu như dầu hỏa, hay vài loại nguồn nhân lực có khả năng chuyên môn như kỹ sư. Như trong trường hợp hạn chế xuất cảng dầu hỏa ở trên, một nước có thể khuyến khích gia tăng sản xuất dầu nội địa, tạo ra các động cơ khích lệ vấn đề sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn và đầu tư vào những nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, phần lớn những điều gọi là các chính sách cung cầu thường có khuynh hướng tác động một cách chậm rãi qua những giai đoạn nhiều năm hơn là những giai đoạn chỉ vài tháng.
Dù chính quyền không thể cung ứng những phương thuốc mầu nhiệm để chống đỡ lâu dài vấn đề lạm phát và thất nghiệp trong những nền kinh tế thị trường, họ vẫn có thể điều chỉnh hữu hiệu các ảnh hưởng của những nan đề này.
Phần lớn các kinh tế gia ngày nay đều công nhận vai trò quan trọng của chính quyền trong vấn đề chống nạn thất nghiệp và lạm phát bằng những chính sách ổn định kinh tế dài hạn, kể cả ổn định tốc độ gia tăng trong việc luân lưu tiền tệ hay những kế hoạch chi tiêu của chính quyền, tự động tăng lên khi nền kinh tế bị trì trệ hay giảm lại khi kinh tế phục hồi (thí dụ như tiền trả cho các công nhân viên thất nghiệp) và những kế hoạch thâu thuế, để tăng trợ cho những kế hoạch chi tiêu tự động trên, bằng cách thâu thuế những người tiêu thụ và công nhân viên ít lại khi thu nhập của họ giảm và thâu nhiều hơn khi thu nhập tăng.
Những chính sách tiền tệ và ngân sách ngắn hạn áp dụng bởi những sách lược gia để đối phó với những gia tăng tạm thời nhưng đôi khi quá nhanh chóng của nạn thất nghiệp và lạm phát, thường được sử dụng trong nhiều nền kinh tế thị trường, mặc dầu nhiều kinh tế gia bất đồng ý kiến nhiều hơn về sự kịp thời đúng lúc và cả sự hữu hiệu của những chính sách này.
Sau cùng, trong mọi nền kinh tế, kể cả kinh tế thị trường, điều quan trọng cần nhận thức là có những vấn đề tồn tại mà không thể giải quyết được một cách hoàn toàn hay vĩnh viễn. Những vấn đề này phải được nghiên cứu từng trường hợp một cách thực tiễn, cẩn thận xem xét nhiều động lực kinh tế và chính trị tác động lên chúng. Và chính ở điểm này mà một hệ thống chính trị tự do – là hệ thống cổ động sự thảo luận mở rộng về những bất đồng ý kiến về các vấn đề công cộng – có thể cống hiến hữu hiệu nhất vào sự vận hành của một nền kinh tế thị trường.
© Học Viện Công Dân 2008
Nguồn: WHAT IS A MARKET ECONOMY, Michael Watts, posted September, 1998
http://usinfo.state.gov/products/pubs/market/
Tiểu luận này được thực hiện với sự cộng tác của Hội Đồng Giáo Dục Kinh Tế Hoa Kỳ