fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển VIII

Chương 1

Ai cũng phải đồng ý là nhà lập pháp nên đặt mối quan tâm hàng đầu vào việc giáo dục tuổi trẻ, bởi vì bỏ bê việc giáo dục sẽ gây ra nguy hại cho cơ cấu chính trị và hiến pháp  của một nước. Người công dân phải được giáo dục cho phù hợp với mô hình chính quyền mà họ sinh sống. Mỗi một chính quyền đều có một đặc tính, qua đó, chính quyền được tạo ra và duy trì: đặc tính dân chủ tạo ra chế độ dân chủ; đặc tính quả đầu tạo ra chế độ quả đầu; và theo thông lệ, đặc tính nào tốt hơn sẽ tạo ra chế độ tốt hơn.

Chưa hết, vì việc rèn luyện bất kỳ một năng khiếu hay nghệ thuật nào cũng đòi hỏi phải qua một giai đoạn tập dượt thành thói quen, việc giáo huấn đức hạnh cũng phải như vậy. Và vì cả nước chỉ có một mục đích tối hậu, bởi thế, chỉ nên có một sự giáo dục đồng nhất cho tất cả mọi người, và sự giáo dục này phải là nền giáo dục công lập do nhà nước ấn định, chứ không phải như hiện nay, việc dạy dỗ do tư nhân tự lo liệu lấy cho con em của họ, muốn dạy môn gì tùy thích . Việc huấn luyện nhắm đến những điều mang lại lợi ích chung cho mọi người, thì cũng phải đồng nhất cho tất cả. Ta không thể cho rằng, mỗi một công dân là một thực thể của riêng họ; vì tất cả đều là con dân của một nước, nên mỗi người là một phần tử của đất nước. Sự quan tâm đến từng phần tử, do đó, không thể tách khỏi sự quan tâm đến cả tập thể đất nước. Trong lãnh vực này và một số lãnh vực khác, người Sparta xứng đáng được ca tụng, vì họ đã tốn rất nhiều công sức dạy dỗ con em của họ và ấn định rằng giáo dục là một trách nhiệm của quốc gia.

Chương 2

Sự kiện giáo dục phải là nhiệm vụ của nhà nước và được quy định bởi luật pháp là điều ai cũng phải công nhận. Nhưng đặc tính của nền giáo dục công lập này là gì, và con em của chúng ta sẽ được giáo dục như thế nào hãy còn là đề tài cần phải bàn thảo. Cũng như mọi điều khác, vẫn có sự bất đồng ý kiến về những môn nào cần phải học, như học để trau dồi đức hạnh hay để tạo dựng một một đời sống tốt lành nhất. Một vấn đề khác nữa là nền giáo dục nên quan tâm hơn đến việc đào luyện trí tuệ hay đức hạnh. Còn cách thức mà chúng ta đang sử dụng ngày nay thật là quá rắc rối; không một ai biết ta nên theo nguyên tắc nào và mục đích là gì––có phải dạy những môn học có ích cho đời sống, hay những môn học về đức dục, hay những môn học nhằm đạt tới những kiến thức cao hơn, là mục đích của giáo dục? Trong cả ba quan niệm này, mỗi quan niệm đều có người ủng hộ. Chưa hết, về phương thức cũng không có được sự đồng ý, vì những người khác nhau có những khái niệm khác nhau, thí dụ quan niệm khác nhau về bản chất của đức hạnh, thì đương nhiên sẽ khác nhau về phương pháp rèn luyện. Ai cũng đồng ý trẻ nhỏ nên được học những điều có ích cho đời sống mà cũng là những điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải điều có ích nào cũng học. Nghề nghiệp được chia làm hai loại: nghề dành cho người tự do và nghề dành cho thợ. Đối với trẻ con ta chỉ nên dạy cho chúng những loại kiến thức hữu dụng, mà không làm cho chúng trở nên hạ tiện. Những nghề nào về nghệ thuật hay khoa học khiến cho thể chất hoặc tâm trí của người tự do trở nên kém cỏi khi trau dồi đức hạnh, đều là những nghề hạ tiện của bình dân. Những nghề hạ tiện là những nghề có ảnh hưởng xấu đến thể chất và tất cả những nghề làm có lãnh lương, vì những nghề này làm người ta bị bận rộn tâm trí và thể chất phải lao động vất vả. Có những nghề thích hợp cho người tự do, nhưng cũng chỉ đến một mức độ nào đó thôi, và nếu cố gắng theo đuổi nhằm đạt đến mức tuyệt hảo, thì cũng bị ảnh hưởng xấu. Mục tiêu người ta đặt ra cũng tạo ra sự khác biệt lớn lao. Nếu người ta học hoặc làm một điều gì đó vì bản thân, hay vì người thân, hay để đạt tới điều tốt, thì việc đó không được xem là hạ tiện, nhưng nếu làm cho người khác, thì cũng là hành động đó, nhưng lại bị coi là hạ tiện.  Những môn học như tôi đã trình bày đều có phần dành cho người tự do và phần dành cho người lao động.

Chương 3

Thông thường, ta có bốn môn học: (1) đọc và viết, (2) thể dục, (3) âm nhạc, và đôi khi thêm vào (4) hội họa. Trong bốn môn học này, môn đọc, viết, và vẽ được xem là hữu ích cho mục đích của cuộc sống trên nhiều phương diện, còn thể dục được xem là môn học rèn luyện lòng can đảm. Âm nhạc là một môn học mà nhiều người vẫn còn hoài nghi [xem có phải là môn học cần thiết hay không], vì trong thời đại của chúng ta, rất nhiều người học tập âm nhạc để giải trí. Nhưng thực ra, từ đầu âm nhạc đã được đưa vào giáo dục, vì thiên nhiên đòi hỏi con người không những phải làm việc giỏi, mà còn phải biết dùng thì giờ dành cho sự thư nhàn một cách đúng đắn. Điều này tôi phải nhắc lại một lần nữa: nguyên tắc đầu tiên của mọi hành động là thư nhàn.

Cả hai hoạt động trên đều cần thiết, nhưng thư nhàn được xem trọng hơn nghề nghiệp, và chính là cứu cánh của công việc; thành thử câu hỏi cần được đặt ra là: ta nên làm gì trong lúc thư nhàn? Hiển nhiên, ta không nên chỉ dùng thì giờ này để tiêu khiển, vì như vậy, tiêu khiển sẽ trở thành mục đích của cuộc đời, một điều ai cũng thấy không hợp lý. Nhưng sự tiêu khiển cũng cần thiết, nhất là khi người ta phải làm việc nặng nhọc, hơn là những lúc khác (những người càng chú tâm vào công việc bao nhiêu, càng cần được giải trí cho khuây khỏa bấy nhiêu, và sự tiêu khiển giúp cho người ta khuây khỏa, vì nghề nào cũng cần phải gắng sức), cho nên, ta chỉ nên giải trí và tiêu khiển vào những lúc thích hợp. Như vậy, sự tiêu khiển sẽ giống những liều thuốc giúp cho người ta thư giãn, và trong sự thư giãn, ta được nghỉ ngơi.

Nhưng sự thư nhàn tự nó đã là niềm vui thú, hạnh phúc và sự hân hưởng cuộc sống; đó là những điều mà chỉ những người có thì giờ để thư nhàn mới có thể trải nghiệm được. Những người phải làm lụng vất vả không thể trải nghiệm được những điều kể trên, vì còn quá bận tâm về những điều khác mà họ chưa đạt được (như phải kiếm ăn). Nhưng hạnh phúc mới là mục đích, vì mọi người đều cho rằng, hạnh phúc mang lại sự khoái lạc, chứ không phải đau khổ.

Sự khoái lạc này lại khác nhau tùy theo quan niệm mỗi người, và thay đổi theo tập quán của từng cá nhân. Nhưng sự vui thú lớn nhất phải phát xuất từ những gì cao nhã nhất, và điều cao nhã nhất xuất phát từ những bậc cao nhân quân tử. Ta cũng thấy rõ là có những môn học mà ta phải học để đạt được sự thư nhàn là những môn học phải vận động đến trí tuệ, và đó là những môn học tự nó đã có giá trị; còn những loại kiến thức có lợi cho công việc thì được xem là những loại kiến thức cần thiết và là phương tiện mà thôi. Cho nên, những bậc tiền bối của chúng ta đã xếp âm nhạc vào trong giáo dục, không phải vì âm nhạc là điều cần thiết hay mang lại lợi ích, vì thực sự âm nhạc không mang tính chất cần thiết hay hữu dụng như biết đọc hay biết viết––những khả năng có lợi trong công việc kiếm tiền, trong sự quản trị gia đình, hay trong việc thu nhập kiến thức và trong đời sống chính trị––hay như hội họa là môn học có lợi cho sự đánh giá đúng đắn những tác phẩm của nghệ sĩ, hay như môn thể dục là môn học giúp cho thân thể khỏe mạnh. Âm nhạc không đem lại được những ích lợi đó; thành ra, cái “hữu dụng” của âm nhạc là sự hân hưởng của tâm trí trong lúc thư nhàn. Đó mới chính là nguyên nhân mà âm nhạc được đưa vào giáo dục để trở thành một trong những cách thức người tự do dùng để tiêu khiển trong lúc thư nhàn. Như Homer đã nói trong trường ca Odyssey: “Chỉ có những người đó mới được mời tới dự yến diên, đó chính là những nhà thơ với những vần thơ làm mọi người thích thú.” Trong một đoạn khác, Odyssey nói rằng: “Khi người ta đang vui vẻ, không có cách nào để tiêu khiển hay hơn là ngồi trong sảnh đường nghe những ca công cất giọng hát.”

Ta thấy một cách hiển nhiên là có một loại giáo dục mà phụ huynh nên dạy con em mình, không phải vì tính cách cần thiết hay hữu ích, nhưng vì đó là loại giáo dục cao nhã và tự do. Còn loại giáo dục này chỉ có một thứ hay nhiều thứ, và nếu là nhiều thứ, thì là những thứ nào, nên được dạy ra sao, là những điều ta cần phải bàn thêm. Tới đây, ta có thể nói rằng, những bậc tiền bối, trong quá khứ đã ủng hộ cho lập luận của ta: âm nhạc là một trong những môn học truyền thống đã được trao truyền qua bao thế hệ. Một điều hiển nhiên khác nữa là trẻ con nên được dạy những điều hữu ích, thí dụ như học đọc và viết, không những vì hai môn này có ích, mà còn bởi vì qua đó, chúng mới có thể thu thập thêm nhiều loại kiến thức khác nữa. Tương tự như vậy, trẻ con nên được học về hội họa, không phải chỉ để tránh bị sai lầm hay bị lừa gạt khi mua bán đồ vật, mà thực ra là để cho chúng tập được khả năng quan sát, và đánh giá được cái đẹp về hình thể. Cái học mà chỉ nhắm đến cái lợi thì sẽ không giúp cho người ta trở nên tự do và thăng hoa được.

Một điều hiển nhiên nữa là trong việc giáo dục trẻ con, thực hành phải được dạy trước khi dạy lý thuyết, và thể dục được dạy trước trí dục. Cho nên, trẻ con nên được giao cho những huấn luyện viên thể dục để tập luyện cho chúng có thân thể dẻo dai, và sau đó là những giáo đầu dạy chúng võ thuật (môn võ thuật phổ thông của Hy Lạp thời đó là đấu vật).

Chương 4

Trong thời đại của chúng ta, có những nước vẫn thường được xem là chú trọng đặc biệt đến việc huấn luyện trẻ con; một số nước muốn đào luyện con em của họ có thói quen của thể tháo gia, nhưng khi làm như vậy, vô hình trung, họ đã làm hỏng cả hình thể lẫn sự tăng trưởng cơ thể của chúng. Dù người Sparta không phạm phải lỗi lầm này, họ cũng đã hành xác con em của họ bằng những phương pháp huấn luyện thể dục rất vất vả mà họ nghĩ rằng qua đó, trẻ con sẽ phát huy được lòng dũng cảm. Nhưng chân lý, như ta vẫn thường nhắc đi nhắc lại, là giáo dục không chỉ nên chú trọng duy nhất cho việc đào luyện đức tính này. Và ngay cả khi ta chấp nhận mục đích này của người Sparta là đúng đắn, thì trên thực tế, họ cũng không đạt được mục tiêu này. Trong số những dân tộc man rợ và ngay cả trong thế giới loài vật, sự can đảm là một đức tính không có liên quan gì đến tính cực kỳ hung bạo, dã man, mà lại liên quan đến sự nhẹ nhàng giống như tính khí của loài sư tử. Có rất nhiều giống dân lúc nào cũng sẵn sàng giết và ăn thịt người, như dân Achaeans và Heniochi sinh sống ở bờ Hắc Hải; và cũng có những bộ tộc khác sống trong nội địa, cũng xấu xa và hung bạo như thế hay còn tệ hơn nữa. Họ sống bằng cướp bóc, giết người, nhưng lại chẳng có tí lòng can đảm nào.

Còn người Sparta, dù nổi tiếng là rất chuyên cần luyện tập thể dục thể thao và hơn hẳn những dân tộc khác về phương diện này, nhưng họ cũng bị thất trận trên chiến trường và thất bại trên thao trường. Ưu thế của người Sparta của những thời đại trước không phải là kết quả của việc huấn luyện thanh thiếu niên của họ, mà nhờ vào việc họ có huấn luyện, còn kẻ địch của họ thì không. Do đó, ta có thể suy ra rằng, chính những gì cao nhã, chứ không phải sự hung bạo, mới là đức tính cần rèn luyện; không có con sói nào hay dã thú nào đối đầu với sự nguy hiểm cao nhã [do theo đuổi lý tưởng hay công lý]. Đối diện với sự hiểm nguy cao nhã, chỉ có con người can đảm.  Thành thử, nếu phụ huynh chỉ dốc lòng cho con em mình tập luyện thể thao mà sao nhãng việc giáo dục những gì cần thiết, thì đã làm cho chúng trở thành phàm phu tục tử, vì họ chỉ để ý đến huấn luyện cho con em họ có một phẩm chất, dù rằng lý luận đã chứng minh phẩm chất này còn kém xa những phẩm chất khác trong việc tham gia vào việc nước. Ta nên đánh giá người Sparta không phải trên quá khứ [huy hoàng] của họ, mà trên thực tế hiện tại, vì bây giờ, họ có những đối thủ cũng được rèn luyện như họ, điều mà trước đây họ không gặp phải.

Có một nguyên lý đã được mọi người chấp nhận, đó là đặt môn thể dục thể thao trở thành một môn học, và môn học này, đối với trẻ con, nên là những vận động thân thể nhẹ nhàng, tránh những chế độ ăn uống kiêng khem hay hành xác, nếu ta không muốn cho thể chất của chúng bị thương tật. Sự tai hại trong việc huấn luyện quá mức và quá sức tuổi nhỏ đã được minh chứng hùng hồn bằng thí dụ của những lực sĩ chiến thắng kỳ thi Olympic. Trong số những vận động viên đã từng thắng kỳ thi Olympic, chỉ có hai hoặc ba người từng thắng kỳ thi khi còn nhỏ. Đó là vì những cuộc huấn luyện quá mức đã làm những cậu bé kiệt sức. Khi tuổi thiếu niên đã qua, trẻ em nên dành ra ba năm để học những môn khác (như đọc, viết, âm nhạc, hội họa); rồi mới đến giai đoạn rèn luyện thể chất cam go hơn và chế độ ăn uống khắt khe hơn. Ta không nên lao động tâm trí và thể chất cùng một lúc, vì hai loại vận động này đối chọi với nhau. Những hoạt động thể chất làm trì trệ sự suy nghĩ, và những hoạt động tâm trí làm chậm lại những hoạt động thể chất.

Chương 5

Liên quan đến âm nhạc, có vài vấn đề ta đã nêu lên trong những chương trước; nay ta có thể trở lại và khai triển thêm; những nhận định này sẽ mở đầu phần thảo luận của chúng ta về đề tài này. Xác định được bản chất của âm nhạc không phải là một điều dễ dàng, cũng như trả lời câu hỏi tại sao ta phải học nhạc? Có một số người cho rằng, chẳng phải mục đích của âm nhạc là để tiêu khiển và thư giãn, giống như một giấc ngủ hay uống rượu, tự nó chẳng đem lại điều gì tốt, nhưng làm cho ta thoải mái và cùng lúc “quên đi rắc rối cuộc đời” như thi sĩ Euripides  đã từng nói hay sao? Cũng vì vậy, người ta xếp âm nhạc giống như ngủ nghê và uống rượu, có người còn thêm cả nhẩy nhót vào cho đủ. Hay là ta sẽ lập luận rằng, âm nhạc dẫn đến việc hình thành đức hạnh, vì âm nhạc có thể uốn nắn được tâm trí và làm cho ta cảm được niềm vui thú thực sự, tương tự như những bắp thịt trong cơ thể của ta được môn thể dục thể thao đào luyện? Hay là theo quan niệm thứ ba cho rằng, âm nhạc góp phần làm cho sự thư nhàn được vui thú hơn và cũng rèn luyện tâm trí nữa? Nhưng ta cũng thấy rõ, không nên dạy cho trẻ con môn học chỉ để làm cho chúng vui thú, vì sự học không phải là vui thú, mà đi kèm với khó nhọc và công sức. Trẻ con cũng chưa thích hợp với việc học nhằm đạt đến niềm vui của sự hiểu biết, vì trí óc của chúng chưa phát triển đến mức đó. Khi khả năng chưa phát triển đầy đủ và còn thô thiển, ta khó lòng đạt được đến mức độ tuyệt hảo hay mục đích tối hậu [trong trường hợp này, sự mở mang trí tuệ là niềm vui và là mục đích của việc học]. Có người lại cho rằng, có lẽ ta nên cho trẻ con học nhạc để chúng biết thưởng thức và tiêu khiển khi thành người lớn. Nếu nói như vậy, tại sao chúng phải tự mình học mà không như những ông hoàng Ba Tư hay vua xứ Media , chỉ cần thưởng thức âm nhạc do những nhạc công chơi? (Chắc chắn những nhạc công nhà nghề phải chơi nhạc hay hơn những người chỉ học vừa đủ). Nếu trẻ em bị buộc phải học nhạc theo kiểu này, thì cùng một lý luận, chúng cũng phải học nấu nướng, một kết luận ngớ ngẩn. Còn về lập luận cho rằng, âm nhạc có thể giúp rèn luyện tính cách, ta vẫn có thể phản bác là: tại sao ta lại phải tự học? Tại sao ta lại không thích thú và biết thưởng thức âm nhạc khi nghe người khác chơi, giống như người Sparta? –– vì họ không cần học nhạc, nhưng cũng biết thưởng thức và đánh giá đúng đắn bản nhạc nào hay, bản nhạc nào dở. Chưa hết, nếu âm nhạc nên được dùng để tạo ra sự vui vẻ và giúp cho tư tưởng được tao nhã, thì sự phản bác vẫn còn nguyên; đó là: tại sao chính ta lại phải học nhạc thay vì thưởng thức những người khác chơi nhạc cho mình nghe? Khái niệm về thần linh của ta có thể giải thích được phần nào. Zeus, chúa tể vũ trụ, khi nghe thi sĩ, ca công hát, không bao giờ tự mình đàn đệm hay hát theo, mà chỉ ngồi nghe. Không những thế, ta còn xem thường những tay biểu diễn nhà nghề là thô lậu; không một người tự do nào mà lại đàn và hát nếu y không bị say sưa, hay đang làm trò cười cho kẻ khác. Nhưng vấn đề này ta tạm ngưng tại đây.

Vấn đề đầu tiên là có nên xem âm nhạc là một phần của giáo dục hay không. Trong số ba điều ta đã nhắc đến ở phần thảo luận, âm nhạc tạo ra được điều gì––để giáo dục, hay để tiêu khiển, hay để tu dưỡng trí tuệ? Ta thấy dường như âm nhạc đều hiện diện và góp phần trong cả ba lãnh vực này. Sự tiêu khiển là để thư giãn, và sự thư giãn là một điều cần thiết ngọt ngào, một phương thuốc trị liệu những đau nhức và mệt mỏi do lao động chân tay gây ra; ai cũng công nhận sự tu dưỡng trí tuệ có một yếu tố không những chỉ tạo nên sự cao nhã, mà còn tạo ra sự khoan khoái trong tâm trí, và vì hạnh phúc gồm cả hai thành phần này. Tất cả mọi người đều công nhận: âm nhạc là một trong những điều khiến cho người ta khoan khoái nhất, dù có đi kèm với tiếng hát hay không, như Musaeus  đã nói: “Đối với con người, âm nhạc là điều ngọt ngào nhất.”

Với lý do chính đáng như thế, âm nhạc được đưa vào trong những buổi hội họp và giải trí, bởi vì âm nhạc làm tâm hồn người ta hân hoan: như vậy, trên cơ sở này mà thôi, ta có thể giả định là giới trẻ của chúng ta nên được học và huấn luyện về âm nhạc. Tất cả những niềm vui trong trắng không những hòa hợp với cứu cánh hoàn hảo của đời sống, mà còn là phương tiện giúp con người thư giãn. Và vì con người ít khi nào đạt được cứu cánh này, nhưng vẫn thường nghỉ ngơi và giải trí, chẳng phải để đạt được mục đích nào hết nhưng chỉ để hưởng sự khoan khoái mà thôi, nên hãy để cho họ tìm sự khoan khoái này trong âm nhạc. Một điều vẫn thường xảy ra với con người là họ lẫn lộn những trò tiêu khiển với mục đích của cuộc sống, vì mục đích cuộc đời cũng có phần hưởng khoái lạc, dù đó chỉ là những khoái lạc thấp hơn hay không phải những khoái lạc thông thường, nhưng họ lầm lẫn những khoái lạc thấp với khoái lạc cao hơn, và khi đi tìm sự khoan khoái thì lại lẫn lộn cái này với cái kia, vì thực ra thì trong mọi sự khoái lạc, chung cục đều có phần giống nhau. Cứu cánh của cuộc đời, tự nó đã là khát vọng của mọi người chứ không phải là phương tiện để đạt tới điều tốt nào ở tương lai; khoái lạc cũng vậy, không nhằm đạt đến điều gì đó ở tương lai, mà lại hướng tới điều đã xảy ra, như để giảm đi những nhọc nhằn của lao động vất vả. Cho nên, ta có thể suy ra lý do tại sao người ta lại tìm hạnh phúc trong khoái lạc.

Nhưng ta dùng âm nhạc, không những chỉ để làm giảm đi những nhọc nhằn của lao động chân tay, mà còn để giải trí. Và ai có thể nói, ngoài sự hữu dụng này, âm nhạc không có một mục đích cao cả hơn? Ngoài sự khoan khoái chung mà âm nhạc đem lại cho mọi nguời (một sự khoan khoái tự nhiên mà lứa tuổi nào, tính tình nào cũng cảm nhận được), liệu âm nhạc có tạo được ảnh hưởng nào trên đức tính và tinh thần của con người hay không? Nếu đức tính chịu sự ảnh hưởng của âm nhạc, thì âm nhạc phải có được ảnh hưởng này. Và ảnh hưởng của âm nhạc trên đức tính đã được minh chứng qua nhiều trường hợp, không phải chỉ qua những tác động của những bản nhạc huấn luyện thế vận Olympus, vì ta thấy một cách hiển nhiên: âm nhạc khích động nhiệt tình, và nhiệt tình là một cảm xúc thuộc về phần đạo đức của tâm hồn. Ngoài ra, khi ta nghe những điệp khúc, dù không cần nghe cả bản nhạc, cảm xúc của ta cũng cùng hòa theo một nhịp.

Vì âm nhạc là một niềm khoan khoái và đức hạnh gồm có sự hân hoan, yêu, ghét đúng cách và đúng chỗ, cho nên, không có gì đáng cho ta quan tâm hơn là tích lũy, rèn luyện được khả năng phán đoán đúng đắn, cũng như cảm nhận được sự hân hoan trong những hành động cao nhã và tâm hồn cao thượng. Tiết điệu và âm điệu của âm nhạc mô phỏng được sự dịu dàng và phẫn nộ, cũng như sự can đảm và tự chủ, cũng như tất cả những tính cách tương phản với những đức tính này, những tính cách rất giống những tình cảm thực sự ta từng cảm nhận được, vì khi nghe những âm điệu như vậy, tâm hồn ta cũng thay đổi theo.

Cái tập quán cảm nghiệm vui thú hay đau khổ khi nhìn ngắm những biểu tượng không khác gì với cảm xúc khi nhìn ngắm thực tế; thí dụ, nếu ta cảm thấy thích thú khi nhìn ngắm vẻ đẹp bức tượng của ai đó, ắt ta sẽ phải thích thú khi nhìn thấy người thật. Đối tượng của những giác quan khác, như xúc giác hay vị giác, có sự tương đồng với những phẩm chất đạo đức; trong những vật thể quan sát được, chỉ có một chút tương đồng với phẩm chất đạo đức, vì có những hình thể chứa đựng tính chất đạo đức, nhưng chỉ tới một chừng mực nào thôi, và tất cả đều không dự phần vào sự tạo nên tình cảm. Tóm lại, hình ảnh và màu sắc không phải là sự mô phỏng, nhưng là dấu hiệu của những tập quán đạo đức, những chỉ dấu tình cảm mà cơ thể biểu hiện.

Mối quan hệ giữa những cảm xúc này với đạo đức cũng không sâu xa gì lắm, nhưng nếu có một chút quan hệ nào đó, thì những thanh niên của chúng ta nên được dạy để xem, không chỉ những tác phẩm của Pauson , nhưng còn của Polygnotus,  hoặc tác phẩm chuyên chở những ý tưởng đạo đức của những họa sĩ hay điêu khắc gia khác. Mặt khác, trong cả những âm điệu bình thường, cũng có sự mô phỏng của đức tính, vì những thể điệu của âm nhạc từ bản chất đã khác nhau, cho nên người nghe cũng bị ảnh hưởng một cách khác nhau. Có những thể điệu làm cho người ta sầu thảm, như thể điệu Mixolydian,  những thể điệu khác làm tâm trí bị suy nhược, như những thể điệu thư giãn, có những loại tạo nên tính khí ổn định và chừng mực, như những đặc tính của thể điệu Dorian; còn thể điệu Phrygian thì gây nên hứng khởi.

Đề tài này đã được các triết gia bàn thảo cặn kẽ về ảnh hưởng của âm nhạc trong giáo dục, và những lý luận của họ đã được chứng minh bằng dữ kiện cụ thể. Cùng một nguyên tắc cũng áp dụng cho tiết điệu; một số tiết điệu có khoảng lặng, tiết điệu khác là những chuyển động,và trong những tiết điệu này có loại cao nhã, có loại thô tục. Ta đã trình bày đủ lý lẽ để chứng minh rằng, âm nhạc có khả năng tạo thành cá tính, và nên được đưa vào chương trình giáo dục trẻ con. Âm nhạc là môn học thích hợp cho tuổi thanh thiếu niên, vì những người trẻ tuổi sẽ không, nếu họ có thể tránh được, chịu đựng những gì không đem lại ngọt ngào hay thích thú, và âm nhạc tự nó đã có sẵn sự ngọt ngào. Dường như trong mỗi người chúng ta đã có sẵn một mối đồng cảm với những thể điệu và tiết điệu của âm nhạc, đến nỗi có những triết gia đã bảo rằng, tâm hồn con người là máy chỉnh âm, hay có khả năng chỉnh âm.

Chương 6

Và bây giờ ta phải quyết định vấn đề đã nêu lên là có nên để cho trẻ con tự học hát và chơi đùa hay không? Rõ ràng là có một sự khác biệt đáng kể trong việc hình thành cá tính khi trẻ con thực tập nghệ thuật hát. Ta phải thấy rằng, thật là khó, nếu không muốn nói là bất khả, cho những ai chưa từng tập qua một ngành nghệ thuật nào, lại có thể trở thành người chấm điểm đúng đắn sự biểu diễn của người khác trong ngành đó. Thêm nữa, ta nên có việc để trẻ con làm, và phải công nhận cái lúc lắc của Archytas mà ta cho trẻ con chơi quả là một phát minh quan trọng, vì khó mà bắt chúng tự ngồi yên.

Cái lúc lắc là một đồ chơi thích hợp với trẻ nít, và giáo dục là cái lúc lắc hay đồ chơi thích hợp cho trẻ con lớn hơn. Ta kết luận rằng, trẻ con nên được dạy âm nhạc không phải chỉ để thưởng thức, mà còn để biểu diễn nữa.

Câu hỏi “điều gì thích hợp hay không thích hợp đối với những lứa tuổi khác nhau” cũng dễ trả lời, và trả lời sự phản bác của những người cho rằng âm nhạc là môn học thô lậu, cũng không khó khăn gì lắm. Để trả lời phần một, ta thấy rõ những ai muốn trở thành người đánh giá, phải tự mình là người đã thực tập và biểu diễn, và những người thực tập phải tập từ nhỏ, dù khi lớn lên, họ không cần thực hành nhiều nữa; họ đã phải học để đánh giá và biết thưởng thức những điều hay của âm nhạc, và đó là nhờ vào kiến thức họ thu nhận được hồi còn nhỏ.

Còn phần hai là trả lời câu hỏi về tính chất thô lậu mà một số người đã gán cho âm nhạc. Câu hỏi này cũng không khó trả lời, khi ta xét xem những người tự do khi được trau dồi vể đức hạnh chính trị theo đuổi nghệ thuật âm nhạc tới mức độ nào, những âm điệu và tiết điệu nào họ được phép sử dụng và họ được dạy sử dụng những nhạc khí nào; vì nhạc khí cũng tạo nên sự khác biệt. Câu trả lời cho sự phản bác dựa trên những sự khác biệt này; vì rất có thể một số phương pháp nào đó dùng để dạy và học nhạc tạo nên ảnh hưởng biến âm nhạc thành thô lậu. Ta thấy rõ là việc học nhạc không nên ngăn trở sự học của những năm trưởng thành sau này, hay làm cho cơ thể bị tổn hại, hay không còn thích hợp cho sự huấn luyện dân sự và quân sự nữa, cả về phương diện huấn luyện thể chất ngay bây giờ, hoặc cho việc học sau này.

Để đạt được mức độ đúng đắn, học sinh nên thôi học nhạc khi đến trình độ thi đua chuyên nghiệp, và đừng nên tập những ngón nghề tuyệt diệu thường thấy trong những kỳ thi chuyên nghiệp, những thứ đang được đưa vào chương trình giáo dục. Hãy để cho học sinh thực tập âm nhạc như ta đã trình bày, cho đến khi họ có thể cảm nhận được sự hân hoan trong những âm điệu và tiết điệu cao nhã, chứ không phải chỉ trong phần thông tục của âm nhạc mà những người nô lệ, hoặc trẻ con, hay ngay cả thú vật cũng thấy là vui thú.

Từ những nguyên tắc này ta có thể suy ra là nên dùng nhạc khí nào trong việc dạy nhạc. Sáo hay bất cứ nhạc khí nào cần đến những kỹ năng cao, thí dụ như thụ cầm, không nên đưa vào chương trình nhạc, nhưng chỉ nên dành cho những học sinh có năng khiếu âm nhạc, hay trong những phần khác của giáo dục. Ngoài ra, sáo không phải là loại nhạc khí để rèn luyện đạo đức, vì nó khiến cho người nghe dễ xúc động và phấn khích.

Thời điểm thích hợp để dùng sáo là khi sự trình diễn không nhắm vào việc giảng dạy, mà để giải tỏa nhiệt tình. Còn một sự phản bác khác nữa; đó là: thổi sáo sẽ làm trở ngại việc sử dụng giọng nói và khiến nó mất giá trị giáo dục. Người thời cổ, do đó, đã có lý khi ngăn cấm dạy thổi sáo cho thanh niên và người tự do, dù đã có lúc họ cho phép việc này. Đó là khi trở nên giàu có, họ có khuynh hướng hưởng thụ nghiêng về thư nhàn và có những ý tưởng cao xa hơn về sự kiệt xuất; họ quá hãnh diện về sự thành công của mình trước và sau cuộc chiến tranh với Ba Tư, và với nhiệt tình thay vì dùng sự khôn ngoan, họ mưu tìm mọi thứ kiến thức, vì thế, đã đưa môn thổi sáo vào giáo dục.

Tại Sparta từng có người ca trưởng hướng dẫn ca đoàn bằng tiếng sáo, và tại Athens, cây sáo đã trở thành một nhạc cụ quá phổ thông, đến nỗi hầu hết những người tự do đều có thể sử dụng nhạc khí này. Sự phổ thông của sáo được ghi trong văn bản mà Thrasippus  đã đề tặng khi tập luyện ca đoàn trình diễn cho Ecphantides.  Những kinh nghiệm sau này khiến người ta có thể phán đoán được những nhạc khí nào thực sự giúp cho sự phát triển đức tính, và người ta đã dẹp bỏ cả sáo lẫn một số những nhạc khí lỗi thời khác, tỷ như đàn thụ cầm của xứ Lydia, đàn lyre nhiều dây, đàn ‘thất giác’, ‘tam giác’, đàn ‘sambuca’,  và những loại tương tự¬—¬những loại nhạc khí tạo hân hoan khoan khoái cho người nghe, và đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật cao.

Còn một ý nghĩa khác trong thần thoại cho thấy người Athenes đã sáng chế ra cây sáo như thế nào rồi lại vất đi, không dùng nữa. Cách giải thích của họ cũng không phải là không hay khi cho rằng, Nữ thần Athena không ưa nhạc khí này, vì nó làm cho khuôn mặt trở nên xấu xí; nhưng thêm lý do nữa, ta còn có thể nói rằng, Nữ thần không chấp nhận cây sáo vì khả năng tập luyện để thổi sáo không giúp gì cho sự phát triển tâm trí, vã lại, Nữ thần là biểu tượng của kiến thức và nghệ thuật.

Như thế, ta không chấp nhận những nhạc khí chuyên nghiệp cũng như cách thức dạy nhạc chuyên nghiệp (khi dùng từ chuyên nghiệp, ta muốn nói đến những môn được chấp thuận trong những cuộc thi đua), vì người biểu diễn không tập luyện để trau dồi đức tính mà chỉ để mua vui cho người khác, và chính đó là điều thô lậu. Vì lý do này, sự biểu diễn loại nhạc như vậy không phải là cung cách của người tự do mà là của nhạc công chơi nhạc vì tiền. Kết quả: người chơi nhạc trở nên thô lậu,vì mục đích họ nhắm tới là một mục đích xấu. Sự thô lậu của người xem có khuynh hướng làm giảm đặc tính của âm nhạc, và qua đó, làm giảm giá trị của những người chơi nhạc; họ phải quan sát người nghe—họ phải thay đổi cách biểu diễn cho phù hợp với ý thích của người nghe, ngay cả phải uốn éo thân mình, nếu người nghe muốn như vậy.

Chương 7

Ta cũng đã nhận định về tiết điệu và thể điệu của âm nhạc và cách thức sử dụng những điều này trong giáo dục. Ta có nên phân biệt thành hai môn riêng rẽ hay dùng hết cả hai thứ? Và có nên áp dụng sự phân biệt này đối với những người tập luyện âm nhạc để dùng trong giáo dục, hay để dùng trong những mục đích khác? Ta thấy rằng, âm nhạc được tạo thành bởi âm điệu và tiết điệu, và ta nên biết ảnh hưởng của mỗi phần trong giáo dục như thế nào, để xem nên chú trọng vào âm điệu hay tiết điệu khi dạy học. Vì đề tài này, thực ra, đã được nhiều nhạc sĩ thời nay và những triết gia giàu kinh nghiệm về giáo dục âm nhạc bàn luận cặn kẽ, đó là những người được xem là chuyên gia trong đề tài này. Ta sẽ chỉ bàn đến đề tài này trên nguyên tắc chung, theo cách nhìn của nhà lập pháp.

Ta chấp nhận sự phân chia âm điệu, theo ý kiến của một số triết gia, thành những loại âm điệu đạo đức, âm điệu hành động, nồng nhiệt hay phấn khích tinh thần. Mỗi loại âm điệu có một thể điệu riêng. Nhưng hơn thế nữa, ta khẳng định rằng âm nhạc nên được nghiên cứu, không phải chỉ vì lợi ích của một, mà vì lợi ích của nhiều người; nghĩa là, cho những mục đích (1) giáo dục, (2) tinh luyện tinh thần (tạm thời ta chưa giải thích từ này, nhưng khi bàn về thi ca, ta sẽ giải thích cặn kẽ hơn), (3) thưởng thức, thư giãn, và giải trí sau khi làm việc vất vả. Như vậy, ta thấy là nên sử dụng tất cả mọi thể điệu, nhưng không phải sử dụng mọi thể điệu theo cùng một cách như nhau. Trong giáo dục, những thể điệu nào mang tính chất đạo đức nhất nên được sử dụng ưu tiên, nhưng khi nghe nhạc, ta cũng có thể chấp nhận những thể điệu hành động và nồng nhiệt.

Trong một số người, những tình cảm như sợ hãi, thương xót, hay phấn khởi hiện diện rất mãnh liệt và có ảnh hưởng không nhiều thì ít trên tâm tính của họ. Một số trở nên cuồng nhiệt về tôn giáo, đó là những người bị ảnh hưởng của những âm điệu thiêng liêng––khi họ đã sử dụng những âm điệu làm kích động tâm hồn tới mức cuồng nhiệt thần bí––như vừa được chữa trị và thanh tẩy tâm hồn. Những người bị ảnh hưởng của sợ hãi hay thương xót, hay bởi mọi tình cảm tự nhiên, phải có cùng một kinh nghiệm như nhau, và cả những nguời khác nữa, khi nào mỗi người còn chịu ảnh hưởng của tình cảm, thì tất cả, theo một cách nào đó, được thanh tẩy tâm hồn và trở nên sung sướng.

Những nhạc điệu thanh tẩy, tương tự như vậy, tạo nên sự hân hoan trong trắng cho cả nhân loại. Những ai biểu diễn những thể điệu và âm điệu như vậy tại hý trường, nên được khuyến khích để thi đua. Nhưng vì khán giả cũng có hai loại––một là những người tự do, có học, và loại thứ hai là đám đông thô lậu gồm thợ thuyền, công nhân, và những nghề tương tự––nên có những cuộc thi đua và triển lãm dành để giải trí cho giai cấp thứ hai. [Làm điều này,] âm nhạc sẽ tương ứng với tâm trí của họ, vì tâm trí của họ đã bị suy thoái, không còn ở trạng thái tự nhiên nữa, và cũng có những thể điệu đã bị suy thoái và những âm điệu giật gân mang màu sắc bất thường.

Người ta hưởng sự khoan khoái từ những điều đối với họ là tự nhiên, và vì thế, những nhạc công chuyên nghiệp nên được cho phép trình diễn loại nhạc cấp thấp này cho những khán giả thuộc giai cấp thấp. Nhưng còn đối với mục đích giáo dục, như tôi đã trình bày, ta nên dùng những thể điệu và âm điệu có tính chất đạo đức, như thể điệu Dorian chẳng hạn, mặc dù ta cũng có thể bao gồm những loại khác như các triết gia có học về âm nhạc đã chuẩn thuận.

Socrates, trong cuốn Cộng Hòa Luận, đã sai lầm khi chỉ giữ lại thể điệu Phrygian cùng với thể điệu Dorian, và lý do là vì ông không chấp nhận dạy thổi sáo trong giáo dục. [Sự sai lầm ở chỗ,] thể điệu Phrygian đối với các thể điệu khác, cũng tương tự như cây sáo đối với các nhạc khí khác––cả hai đều có tính chất sôi nổi và sướt mướt. Thi ca đã chứng minh điều này, vì sự cuồng nhiệt của Bacchus  và tất cả những tình cảm tương tự đều có thể diễn tả thích hợp nhất bằng sáo theo thể điệu Phrygian hơn là bằng những thể điệu khác. Tiết điệu dithyramb chẳng hạn, thuộc về thể điệu Phrygian, một sự kiện đã được những tay sành âm nhạc chứng minh. Thí dụ như Philoxenus, khi định sáng tác bản Mysian  với tiết điệu dithyramb theo thể điệu Dorian, đã thấy không thể được, và đành phải quay lại với tự nhiên là dùng thể điệu Phrygian. Ai cũng đồng ý nhạc Dorian là loại nhạc đầy nam tính và nghiêm trang nhất. Vì ta đã bàn rằng, nên tránh những gì quá đáng và chọn cái trung dung, và vì Dorian là thể điệu trung dung giữa tất cả những thể điệu, ta thấy rõ, con em chúng ta nên được dạy nhạc theo thể điệu Dorian.

Có hai nguyên tắc ta cần nhớ: đó là những điều có thể xảy ra, và những điều đang xảy ra; ta nên luôn tuân theo hai nguyên tắc này. Nhưng những điều này cũng tương đối theo tuổi tác; người lớn tuổi, sức khỏe kém, không thể hát ở giọng cao, và định luật của thiên nhiên cho thấy là họ thích hợp với những loại nhạc thoải mái hơn. Vì thế, những nhạc sĩ vẫn thường trách Socrates, mà trách cũng hợp lý, là đã loại bỏ thể điệu nhẹ nhàng, thoải mái trong giáo dục, như thể đó là những điều độc hại làm người ta say sưa, không phải say sưa do men rượu làm người ta điên đảo, nhưng là một loại say khiến người ta không còn khí lực gì nữa. Như thế, tùy theo tuổi tác, khi con người bắt đầu già,họ nên tập những thể điệu và nhạc điệu nhẹ nhàng hơn cũng như những loại tương tự khác, thí dụ như Lydian là thể điệu thích hợp nhất cho trẻ nhỏ và gồm đủ cả yếu tố về giáo dục lẫn kỷ cương. Như thế, ta thấy rõ là giáo dục nên được đặt trên ba nguyên tắc: trung dung, những điều có thể xảy ra, và những điều sẽ xảy ra.

***