Luận về Những Nguy cơ từ các Thế Lực Ngoại Bang
John Jay
Cùng đồng bào tiểu bang New York,
Một khi người dân Mỹ ý thức được tầm quan trọng của vấn đề được đặt ra với họ, thì sẽ nhận rõ được trách nhiệm của họ là phải nghiên cứu vấn đề một cách thấu đáo và nghiêm túc. Quyết định của họ, và những hậu quả của quyết định đó, sẽ có một tầm mức ảnh hưởng quan trọng nhất so với những vấn đề mà họ đã từng phải đối phó trước đây.
Chính quyền là một nhu cầu không thể thiếu được. Một điều khó chối cãi được là, dầu cho dưới hình thức nào đi nữa, người dân vẫn phải nhường một số quyền tự nhiên để ủy nhiệm cho chính quyền các quyền lực cần thiết. Vì lẽ đó, thiết tưởng cũng nên suy xét xem quyền lợi của người dân Mỹ sẽ có thể được bảo vệ tối đa nếu đất nước được tổ chức thành một quốc gia duy nhất, dưới một chính thể liên bang duy nhất hay không, hay là họ cần phải tự phân chia ra thành những tiểu bang riêng rẽ, chỉ liên hiệp với nhau, và trao cho cơ cấu chính quyền của tiểu bang những quyền lực mà lẽ ra phải được trao cho chính quyền trung ương.
Cho đến khoảng thời gian gần đây, quan điểm của đa số vẫn cho rằng sự thịnh vượng chung của người dân Mỹ tùy thuộc vào sự đoàn kết liên tục và vững chắc. Ước mơ, nguyện vọng, cũng như nỗ lực của những công dân ưu tú và khôn ngoan nhất đều hướng về quan điểm đó. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số chính trị gia tuyên bố rằng, trông mong vào một thể chế liên hiệp để bảo đảm an ninh và hạnh phúc là một điều sai lầm. Họ đoan quyết rằng cần phải phân chia các tiểu bang ra thành nhiều nhóm liên hiệp riêng rẽ, hay thành những quốc gia biệt lập. Chủ thuyết này có vẻ khác lạ, nhưng cũng đã được nhiều người cổ võ, kể cả một số người trước đây đã chống đối nó. Tìm hiểu những luận cứ nào đã thúc đẩy những người này thay đổi lập trường của họ là một nỗ lực không cần thiết. Tuy vậy, nếu người dân chấp nhận ủng hộ những lập trường chính trị này mà không thực sự tìm hiểu xem lập trường đó có được xây dựng trên những luận cứ chính xác và vũng chắc hay không, thì việc đó lại là một quyết định thiếu khôn ngoan.
Tôi rất vui sướng khi thấy rằng nước Mỹ độc lập không phải là tập hợp của những vùng đất tách biệt và xa cách nhau, nhưng là một vùng đất phì nhiêu, trải rộng và tiếp nối với nhau tạo nên đất nước của chúng ta, những người con của tây phương tự do. Tạo Hóa đã ban phép lành cho vùng đất nước mầu mỡ này đủ loại sản vật để nuôi dưỡng cư dân. Những dải sông nước thuận lợi cho giao thông tạo thành một vòng đai bao bọc lấy vùng đất này. Những con sông hùng vĩ nhất thế giới đã trở thành những tuyến giao thông thuận lợi cho thương mại và sự vận chuyển hàng hóa. Tôi cũng vui mừng nhận thấy rằng Tạo Hóa đã ban cho đất nước này cho một dân tộc đoàn kết – một dân tộc có cùng tổ tiên, được kết hợp bởi một ngôn ngữ chung, có cùng một tín ngưỡng, và cùng hướng về một nguyên tắc tổ chức chính quyền, với những phong tục tập quán giống nhau. Họ đã cùng chung sức chiến đấu sát cánh bên nhau trong một cuộc chiến tranh đẫm máu để xây dựng tự do và độc lập.
Dường như đất nước này đã được Tạo Hóa dành cho người dân Mỹ. Dường như di sản này đã được Tạo Hóa trù định như vậy và dành cho khối dân tộc anh em được gắn bó với nhau bằng những sợi dây vững chắc nhất. Họ không nên tự phân ra thành những cộng đồng chia rẽ, chống phá và biệt lập với nhau. Cho đến thời gian gần đây, tất cả mọi người – mọi tầng lớp người dân chúng ta – đều đồng lòng là phải duy trì sự đoàn kết.
Chúng ta đã hành động như một dân tộc. Mỗi người công dân chúng ta ở khắp mọi nơi đều được hưởng dụng những quyền công dân đồng đều, và cùng được bảo vệ và hưởng thụ những quyền lợi đồng đều. Như một quốc gia đoàn kết, chúng ta đã cùng chiến đấu và đạt được hòa bình. Như một quốc gia, chúng ta đã tạo được những liên minh, kết ước và thỏa hiệp với các nước ngoài.
Từ rất sớm, quốc dân đã thiết lập được một chính phủ liên bang để bảo vệ và duy trì những giá trị và đặc quyền của sự thống nhất. Người dân đã thực hiện được sự thống nhất đó ngay từ những buổi đầu của sinh hoạt chính trị, từ khi mà nhà của họ vẫn còn đang rực cháy, và máu người dân đang phải đổ ra. Tuy nhiên, khói lửa chiến tranh và sự tàn phá không tạo được một trạng thái thích hợp cho những suy tư chín chắn và trưởng thành cần thiết cho việc thiết lập một chính quyền khôn ngoan và công bằng cho một dân tộc yêu chuộng tự do. Vì lẽ đó, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi mà một chính quyền được thiết lập trong những điều kiện và trong thời điểm nói trên nay đã tỏ ra không hữu hiệu và bất lực.
Dân tộc này vốn thông minh sáng suốt đã nhận thấy rằng chính quyền đó không có đủ khả năng và sự hữu hiệu để đáp ứng những yêu cầu đã được đề ra cho nó. Dù tiếp tục gắn bó với sự thống nhất và yêu chuộng tự do, họ cũng nhận thấy rằng sự thống nhất đang bị đe dọa bởi một mối nguy cơ có tiềm năng hủy hoại tự do. Vì họ ý thức được rằng cả hai – nền thống nhất và tự do – chỉ có thể được bảo vệ trong khuôn khổ một chính quyền trung ương được thiết lập một cách khôn ngoan hơn, cho nên, một Hội nghị tại Philadelphia đã được triệu tập để thảo luận về vấn đề trọng đại này.
Những đại biểu có mặt tại Hội nghị là những người đã được sự tín nhiệm của dân chúng. Nhiều vị đến tham dự đã được vinh danh về lòng ái quốc của họ, về đức độ và sự khôn ngoan mà họ đã chứng tỏ trong những giai đoạn đầy thử thách khó khăn nhất của đất nước. Hội nghị đã nỗ lực thực hiện thiên chức được trao phó. Trong khung cảnh hòa bình, bằng những khối óc không bị chi phối bởi những lo nghĩ khác, họ đã trải qua nhiều tháng ngày để bàn thảo và nghị luận với nhau trong một bầu không khí hòa nhã. Cuối cùng, qua những cuộc nghị luận không bị chi phối bởi một quyền lực hay áp lực nào, ngoại trừ mối ưu tư mà họ dành cho đất nước, những đại biểu này đã đồng tâm hiệp lực thực hiện được một phương án mà họ đề nghị với người dân – bản Dự thảo Hiến pháp.
Phương án này được xác nhận chỉ là một đề nghị chứ không phải là một sự áp đặt. Tuy nhiên xin hãy lưu ý, bản dự thảo này không được đề ra như là một phương án cần được chấp nhận, hay bị gạt bỏ, một cách mù quáng. Ngược lại, phương án này được đưa ra để được thảo luận một cách trầm tĩnh và với thái độ cởi mở thích ứng với tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, như đã được nhấn mạnh trước đây, đó là một điều ước muốn nhiều hơn là một điều trông đợi. Kinh nghiệm trước đây cho chúng ta thấy rằng không nên có một thái độ quá lạc quan. Hãy nhớ lại những việc đã xẩy ra vào năm 1774. Vào lúc đó, người dân Mỹ nghĩ một cách đúng đắn rằng họ đang phải đối phó với một mối nguy cơ trước mắt. Họ đã triệu tập một Quốc Hội vào năm 1774. Cơ cấu này đã đề xuất một số biện pháp mà sau đó đã được chứng tỏ là rất khôn ngoan. Tuy nhiên vào ngay thời điểm đó, báo chí đương thời cũng đã có phản ứng chống đối qua những bích chương và khẩu hiệu phản đối mãnh liệt trên mặt báo. Rất nhiều lời kêu gọi từ nhiều phía quần chúng đã liên tục đòi hỏi phải bãi bỏ những biện pháp do Hội nghị những người ái quốc này đề ra. Nhiều đại biểu quần chúng đã ngả theo áp lực của những nhóm quyền lợi riêng tư. Nhiều người đã có những tiên đoán sai lầm về hậu quả của những biện pháp đề ra. Nhiều người đã bị lôi cuốn bởi những quyền lợi cá nhân phe nhóm, hoặc giả còn nuôi dưỡng những tham vọng và mục tiêu không phù hợp với lợi ích chung. Mặc dầu có một số người đã bị lôi cuốn theo, đa số quần chúng đã suy nghĩ chín chắn và quyết định sáng suốt. Sau này nhìn lại, họ đã thấy rằng mình đã quyết định đúng.
Những người đó đã kết luận rằng Quốc Hội 1774 gồm những người giầu kinh nghiệm và khôn ngoan. Họ đến từ nhiều miền đất nước để đóng góp những thông tin và kinh nghiệm quý giá. Trong khi cùng nhau thảo luận về những quyền lợi trọng đại của đất nước, họ đã thâu thập được nhiều kiến thức chính xác về những vấn đề được bàn luận. Mỗi người đại biểu đã tỏ ra gắn bó với quyền tự do và sự phú cường của tập thể. Và vì những lý do đó, họ đã quan niệm rằng bổn phận và trách nhiệm của họ đòi hỏi họ phải đề nghị, sau khi đã bàn thảo cặn kẽ vấn đề, những ý kiến thận trọng và thích hợp nhất.
Những sự cân nhắc này đã thuyết phục quần chúng tin tưởng vào sự phán đoán và sự liêm chính của Quốc Hội, và chấp nhận những đề nghị do Quốc Hội đề ra, mặc dầu có rất nhiều những nỗ lực và xảo thuật được đưa ra để ngăn cản. Nhưng nếu toàn thể dân chúng đã tin tưởng vào các đại biểu của mình, dù rằng không ít người chưa từng kinh qua những thử thách và chưa được nhiều người biết đến vào lúc đó, thì ngày nay, người dân lại càng có nhiều lý do hơn để tin tưởng những gì mà Hội nghị đề ra, vì Hội nghị gồm có một số những thành viên xuất sắc nhất của Quốc Hội, những người mà nay đã kinh qua thử thách và lòng ái quốc và khả năng của họ đã được cả nước công nhận, và cả những bậc lão thành về chính trị. Tất cả những vị này đã tích hợp được kiến thức và kinh nghiệm chính trị để đóng góp trong Hội nghị.
Tất cả mọi hội nghị, kể cả Hội nghị Lập hiến vừa qua, đã cùng hợp ý với người dân trong quan niệm cho rằng sự thống nhất là điều kiện đem đến sự phú cường cho nước Mỹ. Củng cố và duy trì sự thống nhất là mục tiêu của người dân khi triệu tập hội nghị để soạn thảo Hiến Pháp được đề ra để người dân phê chuẩn. Bởi lẽ đó, đâu là sự thích đáng và những nguyên do đích thực đằng sau những nỗ lực đương thời để làm suy giảm tầm quan trọng của sự thống nhất? Tại sao lại có đề nghị thiết lập ba hay bốn liên hiệp các tiểu bang như là một giải pháp tốt hơn là nếu chỉ có một? Tôi tin tưởng rằng người dân vẫn luôn luôn suy nghĩ đúng đắn về vấn đề này. Sự gắn bó phổ quát và đồng nhất của người dân đối với một liên bang duy nhất được dựa trên một căn bản rộng lớn và những lý do xác đáng. Tôi sẽ phân tích và trình bầy những lý do đó trong những bài tham luận tiếp theo. Những người cổ võ cho việc thay thế một liên bang duy nhất như Hội nghị Lập hiến đã đề nghị, bằng cách thiết lập một số liên hiệp tiểu bang riêng rẽ, đều ý thức được rằng làm như vậy sẽ đưa đến việc phá hủy sự thống nhất hiện hữu. Tôi thành tâm ước mong rằng mỗi người dân ý thức được rằng, nếu nền thống nhất bị giải tán, nước Mỹ sẽ có lý do để tuyên bố, theo lời của một thi sĩ, rằng “Xin Vĩnh Biệt và Chia Tay Mãi mãi Tổ quốc Cao quý của Tôi.”