fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Luận cương 3

Luận về Những Nguy cơ từ các Thế Lực Ngoại Bang

(Tiếp theo)

John Jay

Dân tộc của bất cứ một quốc gia nào (nếu họ cũng sáng suốt và có đầy đủ thông tin như người dân Mỹ) ít khi nào có những quan điểm sai lầm về quyền lợi của mình, và liên tục bảo vệ những quan điểm đó trong nhiều năm trời. Điều này giải thích tại sao người dân Mỹ vẫn ý thức được rằng cần phải triệt để duy trì sự thống nhất lãnh thổ dưới một chính phủ liên bang, với đầy đủ quyền hạn để đáp ứng những yêu cầu của quốc gia.

Càng để tâm nghiên cứu và suy ngẫm về những lý do đưa đến lập trường này, tôi càng tin tưởng rằng những lý do đó chính đáng và có tính thuyết phục.

Một dân tộc khôn ngoan và tự do cần phải chú tâm vào nhiều mục tiêu, trong đó nhu cầu bảo vệ an ninh là mục tiêu hàng đầu. Tất nhiên, ý niệm an ninh liên hệ đến nhiều hoàn cảnh và những sự cân nhắc khác nhau, và qua đó, cho phép người dân có một tầm nhìn rộng lớn để định nghĩa an ninh một cách chính xác và toàn diện.

Ở đây, tôi sẽ thảo luận về an ninh trên khía cạnh duy trì hòa bình và sự yên bình chống lại những nguy cơ xâm lược võ trang và bành trướng ảnh hưởng phát xuất từ các nước ngoài, cũng như những mối nguy cơ tương tự phát xuất từ những nguồn gốc nội tại. Vì nguy cơ về những đe dọa phát xuất từ các nước ngoài, theo thứ tự là những nguy cơ đầu tiên,  cho nên, đe dọa loại này cần được thảo luận trước tiên. Chúng ta sẽ xem người dân có nhận định đúng không khi họ nói rằng một lãnh thổ thống nhất dưới một chính phủ quốc gia mạnh, là một bảo đảm vững chắc nhất cho nền an ninh chống lại những mưu đồ xâm lược đến từ bên ngoài.

Số lượng những cuộc chiến trên thế giới luôn luôn tương ứng với số lượng cũng như tầm quan trọng của những nguyên do gây chiến, dầu cho đó là những nguyên nhân thật hay chỉ là những cái cớ. Nếu nhận định trên đây xác đáng, thì cần phải tự hỏi liệu một nước Mỹ Thống nhất và một nước Mỹ Không thống nhất nước nào có nhiều lý do chính đáng để gây chiến hơn. Nếu kiểm nhận thấy rằng một nước Mỹ Thống Nhất sẽ có ít nguyên do gây chiến hơn thì phải kết luận rằng một sự thống nhất lãnh thổ sẽ có chiều hướng duy trì hòa bình với các nước khác.

Thông thường, những nguyên do chính đáng để gây chiến phát xuất từ tình trạng vi phạm hiệp ước hay từ đường lối bạo lực trực tiếp tấn công hay xâm chiếm. Hiện nay, Mỹ đã ký kết hiệp ước với sáu nước. Ngoại trừ Prussia, tất cả các nước này đều là cường quốc hải quân và đều có thể phá rối và tấn công chúng ta. Chúng ta có rất nhiều trao đổi ngoại thương với Portugal, Spain và Britain. Thêm vào đó, hai nước sau cùng này còn có lãnh thổ kế cận với chúng ta.

Muốn duy trì hòa bình lãnh thổ, Mỹ phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan hệ với các nước nói trên. Vì nhiều lý do, điều quan yếu, theo ý tôi, là sự tuân thủ luật pháp đó cần phải được hành xử nghiêm minh và chính xác bởi một chính quyền quốc gia duy nhất, hơn là bởi những chính quyền riêng rẽ của mười ba quốc gia biệt lập, hay là bởi ba bốn liên hiệp tiểu bang riêng rẽ.

Bởi lẽ, khi một chính quyền quốc gia hữu hiệu đã được thiết lập, những cá nhân xuất xắc nhất trong nước, không những sẽ tự nguyện phục vụ, mà trong nhiều trường hợp, cũng sẽ được bổ nhiệm để điều hành cơ cấu chính quyền. Một thành phố hay một quận lỵ sẽ có khả năng chỉ định những người lên phục vụ tai các hội đồng tiểu bang, thượng viện, tòa án hay các cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, để phục vụ chính quyền quốc gia cần những người có uy tín và tài năng và việc lựa chọn được những nhân tài này trong phạm vi cả nước không phải là một điều khó khăn như đã từng xảy ra tại một số tiểu bang. Như vậy, việc điều hành guồng máy chính quyền, những hội đồng tư vấn chính trị, các phán quyết tư pháp của chính quyền quốc gia thống nhất sẽ được sáng suốt hơn, có hệ thống và hợp lý hơn, và từ đó, những giải pháp nói trên sẽ đáp ứng được sự trông đợi của chính quyền các nước ngoài, hơn là những quyết định phát xuất từ một tiểu bang riêng biệt. Do đó, một nước thống nhất sẽ trở nên an ninh hơn đối với những nước khác, cũng như sẽ yên bình hơn về mặt đối nội.

Dưới một chính quyền quốc gia, các hiệp ước, luật pháp các quốc gia sẽ luôn luôn được giải thích và thi hành theo một chiều hướng đồng nhất. Trong khi đó, nếu mười ba tiểu bang, hay ba bốn liên hiệp tiểu bang phân tích những văn bản luật pháp này thì không thể tránh được những sự khác biệt và mâu thuẫn trong sự giải thích và áp dụng luật. Những cơ cấu chính quyền khác biệt và độc lập, với những hệ thống tòa án và thẩm phán khác biệt, sẽ bị ảnh hưởng bởi những luật lệ và quyền lợi khác biệt. Vì lẽ đó, sự khôn ngoan của hội nghị đã được thể hiện qua quyết định trao trọng trách giải thích luật pháp và xét xử cho một hệ thống tòa án do một cơ cấu chính quyền quốc gia duy nhất bổ nhiệm, và phải trực tiếp chịu trách nhiệm với cơ cấu chính quyền quốc gia đó. Sự khôn ngoan đó cần phải được tuyên dương đúng mức.

Những người cầm quyền tại vài tiểu bang có thể bị thúc đẩy bởi một quyền lợi hay một sự mất mát trước mắt để đi chệch hướng và không giữ được sự thành tín hay công bằng. [Nhưng] những sự cám dỗ có tính chất địa phương đó sẽ không có, hay có ít, ảnh hưởng đối với một chính quyền quốc gia. Và như vậy sẽ giúp bảo tồn được nền công lý và sự thành tín. Hiệp ước hòa bình với Anh Quốc là một trường hợp điển hình.

Những sự cám dỗ thường là do những hoàn cảnh cá biệt của từng tiểu bang và có thể tác động đến tâm lý của người dân trong tiểu bang đó. Vì thế cho nên, không phải lúc nào một chính quyền địa phương cũng sẽ có khả năng, như ý muốn, để ngăn cản những mưu toan bất chính, hay để trừng phạt những kẻ chủ mưu. Trong khi đó, vì không bị chi phối bởi những hoàn cảnh địa phương, những giới chức chính quyền quốc gia sẽ không bị hoàn cảnh thúc đẩy để có hành động sai trái, hay là không có đủ  quyền lực để, hoặc ngăn chặn, hay trừng phạt người khác phạm những lỗi đó.

Cho đến nay, chính vì sự vi phạm hiệp ước hay luật lệ các quốc gia, dầu cố ý hay vô tình, là nguyên nhân chính đáng đưa đến chiến tranh giữa các nước, cho nên trường hợp này sẽ ít khi xẩy ra đối với một chính quyền chung, hơn là đối với nhiều chính quyền có tầm cỡ nhỏ hơn.

Còn đối với trường hợp chiến tranh chính đáng gây ra do các hành vi bạo lực phi pháp và trực tiếp tấn công đến đất nước chúng ta, tôi thấy một cách hiển nhiên, là một chính quyền quốc gia tốt có nhiều khả năng bảo vệ an ninh chống lại nguy cơ đó hơn là từ các tiểu bang.

Những hành vi bạo lực thường được gây ra bởi xúc cảm quá độ hay quyền lợi của từng bộ phận riêng rẽ chứ không phát xuất từ tập thể, của chỉ một hoặc hai tiểu bang chứ không phát xuất từ Liên bang. Chưa hề có một cuộc chiến nào với thổ dân Da Đỏ do chính quyền Liên bang hiện hữu, dù rất yếu đuối, gây ra; nhưng có rất nhiều trường hợp sự thù nghịch của người Da Đỏ đã bị khơi động vì những hành vi sai trái của vài tiểu bang riêng rẽ; những tiểu bang này đã hoặc là dung túng hoặc là không đủ khả năng để trừng phạt những kẻ làm bậy, và đưa đến kết quả là việc thảm sát nhiều cư dân vô tội.

Khu vực lân cận với những lãnh thổ của Spain và Britain giáp ranh với một vài tiểu bang, những việc xích mích, do đó, thường chỉ xảy ra ở những tiểu bang giáp ranh và giới hạn trong khu vực này mà thôi. Những tranh chấp dẫn đến xung đột bạo lực, nếu có, thường là do cảm giác bị  xúc phạm, hay bị tổn thương hay vì một mối lợi nào đó mà tạo nên chiến tranh với hai nước này. Không có một thực thể nào có thể ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh trong trường hợp này hữu hiệu hơn là một chính quyền quốc gia mà sự cẩn trọng và khôn ngoan sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc và quyền lợi của những phe liên hệ. Không những một chính quyền quốc gia sẽ ít khi gây ra những cuộc chiến tranh chính đáng, mà còn có nhiều quyền lực hơn để giải quyết những tranh chấp này trong tình hữu nghị. Một chính quyền quốc gia còn điềm tĩnh và hòa nhã hơn, và với những đặc tính đó, sẽ có nhiều khả năng hơn để hành động khôn ngoan hơn là những chính quyền địa phương của từng tiểu bang.

Do thái độ tự kiêu của các tiểu bang, cũng như của từng con người, khuynh hướng tự nhiên là tìm cách biện minh cho hành động của mình, và không thừa nhận đã có những hành động sai trái, để sửa sai những hành vi đó. Một chính quyền quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng bởi thái độ kiêu hãnh loại này, do đó, sẽ hoạt động một cách cẩn trọng và điềm tĩnh để suy xét và lấy quyết định chọn những biện pháp thích hợp để giải quyết những hoàn cảnh khó khăn và đầy nguy hiểm.

Ngoài ra, một chính quyền quốc gia hợp quần và mạnh sẽ dễ thành công trong những cuộc điều đình thương lượng bồi thường hơn là một chính quyền địa phương nhỏ và yếu. Đối phương thường dễ chấp nhận những giải pháp bồi thường và hòa giải nếu do một chính quyền quốc gia đề xuất, trong khi đó, cũng chính những giải pháp hòa giải này lại có thể bị bác bỏ nếu do một chính quyền tiểu bang, hay một liên hiệp tiểu bang nhỏ và có ít quyền lực đề xuất.

Vào năm 1685, tiểu quốc Genoa, sau khi xúc phạm Hoàng đế Louis XIV, đã phải nỗ lực giảng hòa với Hoàng đế Pháp. Vị vua này đòi Genoa phải cử vị Trưởng Viện Pháp Lý (Doge) cùng với bốn đại biểu Thượng Viện Dân Cử (Cenate) sang Pháp quốc để chịu lỗi và tiếp nhận những điều kiện cầu hòa. Tiểu quốc Genoa đã phải chấp thuận đòi hỏi đó để cầu hòa. Liệu vị quân vương Pháp quốc này có thể ép buộc được Đế quốc Tây ban nha hay Anh quốc, hoặc bất cứ một quốc gia cường mạnh nào khác, chấp nhận những hình thức hạ nhục tương tự hay không?

PUBLIUS