“Thực ra chính quyền liên bang và tiểu bang chỉ là những cơ quan khác nhau thay mặt cho nhân dân và được nhân dân ủy thác cho những quyền hạn khác nhau và được thiết lập để thực hiện những mục đích khác nhau.”
James Madison Luận cương Liên bang, Số 46
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 là một trong những cuộc bầu cử gây tranh chấp gay go nhất – và cũng lộn xộn nhất- trong lịch sử Mỹ. Mãi tới một tháng sau khi bầu cử người ta mới biết chắc ứng viên của đảng Cộng hoà George W. Bush sẽ được làm tổng thống thứ 43 của Mỹ. Trong thời gian đó, toàn thể thế giới đã chứng kiến cuộc tranh giành phiếu tại Florida được đưa ra hết từ toà địa phương lên tòa tiểu bang rồi lên tòa liên bang rồi lại trở về toà địa phương. Mãi cho tới khi có phán quyết của tòa Tối cao thì cuộc tranh cãi mới được phân giải. Điều mà nhiều nhà quan sát nước ngoài thấy là khó hiểu là làm sao các tiêu chuẩn bỏ phiếu lại có thể thay đổi như vậy từ địa phương này sang địa phương khác và làm sao mà các viên chức địa phương lại có thể giữ vai trò quan trọng như vậy trong một cuộc bầu cử toàn quốc.
Công dân Mỹ cũng có thể ngạc nhiên về sự khác biệt trong thể thức bầu cử giữa các tiểu bang, nhưng thực ra thì các quan hệ hỗ tương như vậy giữa chính quyền địa phương, tiểu bang, và liên bang không có gì là khác thường cả. Trong cuộc sống hàng ngày của một người dân thường tại Mỹ, rất ít khi mà người dân lại không gặp phải các luật lệ hay biện pháp thuộc về cả ba cấp chính phủ. Quy định về vùng, kiểm soát lưu thông, vệ sinh, hành chánh về giáo dục, tu bổ đường sá và biết bao nhiêu dịch vụ khác chủ yếu là do các viên chức địa phương phụ trách theo sự trao quyền của tiểu bang. Trong số các lãnh vực quan trọng, chính quyền tiểu bang có quyền ấn định chính sách giáo dục, thi hành tư pháp hình sự, ấn định các luật lệ về doanh nghiệp và ngành nghề chuyên môn, y tế công cộng. Còn các hoạt động khác của chính quyền liên bang – từ quốc phòng, ngoại giao cho tới chính sách kinh tế và tiền tệ cũng như là cải tổ an sinh xã hội – đều là phần được chú trọng nhiều nhất trong các tin hàng ngày vì nó có ảnh hưỡng tới tất cả mọi người. Tuy rất ít người nhận ra như vậy, nhưng các ‘pha’ hào hứng xẩy ra trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cũng như biết bao các pha khác xẩy ra hàng ngày nhưng không hào hứng bằng thực ra là đã diễn ra trên sân khấu do các nhà lập ra hiến pháp Mỹ dựng nên trước đây 200 năm. Vì đã là người dân thuộc địa từng chịu ách thống trị từ xa của chính quyền Hoàng gia nước Anh, nên các Nhà Lập quốc đã coi việc trung ương tập quyền là một mối đe dọa cho quyền và tự do của họ. Do đó, vấn đề lớn trước Đại hội Hiến pháp năm 1787 tại Philadelphia là làm sao vừa giới hạn quyền của trung ương mà lại vừa cho trung ương có đủ quyền lực để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là chia quyền cho hai cấp chính quyền quốc gia và tiểu bang. Cái hệ thống chia quyền (division of power) này, tức là thể chế liên bang, được nhiều người công nhận không những là một cống hiến độc đáo cho lý thuyết về chính quyền mà lại còn là một điểm tuyệt tác của chính hệ thống hiến pháp Hoa kỳ.
Định nghĩa thể chế liên bang
Thể chế liên bang là một hệ thống san sẻ quyền hành giữa hai hay nhiều chính quyền cùng cai trị một dân chúng và một vùng địa dư. Hệ thống có một chính quyền, cho tới nay là hệ thống phổ biến nhất trên thế giới, chỉ có một nguồn quyền lực chính tức là chính quyền trung ư ơng. Tuy dân chủ có thể phát triển với bất cứ thể chế nào, nhưng giữa hai thể chế có những điểm khác biệt thực sự và đáng kể. Chẳng hạn nước Anh có hệ thống một chính quyền. Quốc hội có quyền tối hậu về tất cả mọi sự việc xẩy ra trong nước Anh. Tuy Quốc hội có ủy quyền cho chính quyền địa phương nhưng Quốc hội có thể bắt buộc các thành phố và quận hạt làm các điều mà Quốc hội thấy thích hợp; nếu muốn quốc hội còn có thể bãi bỏ hay thay đổi ranh giới của địa phương. Tại Mỹ thì lại khác hẳn. Luật của chính quyền liên bang, tại Washington D.C., áp dụng cho tất cả người dân sống tại Mỹ. Còn luật của từng tiểu bang trong số 50 tiểu bang thì chỉ áp dụng cho tiểu bang đó thôi.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội không có quyền bãi bỏ một tiểu bang và tiểu bang cũng không thể đảm nhận quyền dành riêng cho liên bang. Thực vậy, dưới thể chế liên bang Mỹ, Hiến pháp Mỹ là nguồn quyền lực cho cả chính quyền liên bang lẫn chính quyền tiểu bang. Chính Hiến pháp thì lại phản ánh ý muốn của nhân dân Hoa kỳ, tức là thành phần có quyền tối hậu trong một nền dân chủ. Trong một quốc gia có thể chế liên bang, chính quyền trung ương có những quyền được quy định rõ và có toàn thẩm quyền về ngoại giao. Việc hành xử quyền trong nước thì phức tạp hơn. Theo Hiến pháp, chính phủ Mỹ có độc quyền quy định các luật lệ về mậu dịch giữa các tiểu bang và nước ngoài, về tiền tệ, về việc cho người di cư nhập quốc tịch cũng như là duy trì quân đội hay hải quân và một số các quyền khác.
Chính quyền liên bang bảo đảm là các chính quyển tiểu bang phải là chính quyền theo chế độ cộng hoà, nghĩa là không một tiểu bang nào có quyền lập một chế độ quân chủ. Đây là những lãnh vực trong đó quyền lợi của quốc gia rõ rệt là phải cao hơn quyền lợi của tiểu bang và do đó phải được giành cho chính quyền quốc gia. Chính quyền quốc gia cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các tiểu bang và giữa các công dân của các tiểu bang khác nhau. Tuy vậy, trong các lãnh vực khác chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang có thể có những sự quan tâm và yêu cầu song song hoặc chồng chéo lên nhau. Trong các lãnh vực này thì cả chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang có thể cùng hành xử quyền của mình. Một trong những quyền song hành này là quyền đánh thuế. Còn trong những lãnh vực mà Hiến pháp không đề cập tới thì tiểu bang có thể hành động miễn là không mâu thuẫn với các quyền hợp pháp của chính quyền trung ương.
Trong những vấn đề lớn và quan trọng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của dân chúng – như giáo dục, xét xử tội phạm, y tế và an toàn – Hiến pháp không có quy định trách nhiệm trực tiếp. Theo các nguyên tắc của chế độ cộng hòa, nhất là theo lý thuyết của John Locke, nhân dân có quyền về các vấn đề này và nhân dân trao quyền đó cho các tiểu bang tùy theo hiến pháp của từng tiểu bang. Các nhà soạn thảo hiến pháp cũng nhận ra sự tranh chấp có thể xẩy ra giữa các cấp chính quyền liên bang và tiểu bang, nhất là trong việc hành xử các quyền song hành vì vậy họ đã đưa ra nhiều phương cách để tránh.
Trước hết, hiến pháp của liên bang được coi là có giá trị tối cao hơn hiến pháp tiểu bang; điều này do tòa án liên bang có nhiệm vụ thi hành. Trong Hiến pháp có điều quy định rằng các hành động của chính quyền liên bang luôn luôn có giá trị tối cao khi việc sử dụng quyền được ấn định trong Hiến pháp mâu thuẫn với các hành động hợp hiến pháp của tiểu bang. Hiến pháp cũng minh thị cấm các tiểu bang hành xử một số quyền đã được dành cho chính quyền trung ương. Trong nỗ lực vận động cho Hiến pháp được phê chuẩn, các nhà soạn thảo hiến pháp đã đồng ý ủng hộ Dự luật về Quyền, và ủng hộ 10 tu chính hiến pháp đầu tiên để giữ cho chính quyền trung ương không can dự vào quyền tự do cá nhân. Hiến pháp cũng đặt ra những quy định về mối liên hệ giữa các tiểu bang bằng cách liệt kê các nghĩa vụ giữa các tiểu bang với nhau, và Hiến pháp cũng tạo điều kiện cho các tiểu bang mới gia nhập cũng có ngang quyền với các tiểu bang gia nhập lúc lập quốc.
Sau hết, các tiểu bang đều được đại diện như nhau trong chính quyền toàn quốc tức là có cùng một số đại biểu trong Thượng viện của Quốc hội. Bằng những thể thức đó, các nhà lập quốc đã tìm cách giảm thiểu sự mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền khác nhau tại Hoa kỳ.
Việc phát minh ra thể chế liên bang của Hoa kỳ dựa trên một quan niệm mới về chủ quyền, tức là quyền cai trị tối hậu. Trong lý thuyết chính trị của nước Anh và châu Âu, chủ quyền là một điều duy nhất không thể phân chia được. Tuy nhiên suốt trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ hoàng gia dẫn đến việc Hoa kỳ ly khai khỏi nước Anh, các nhà cai trị ở thuộc địa đã lập luận rằng tuy Quốc hội Anh có quyền kiểm soát mọi vấn đề liên hệ tới tất cả đế quốc, nhưng trên thực tế chính các viện lập pháp tại các thuộc địa mới là cơ quan làm luật cho thuộc địa mình. Tuy vậy nhưng các chính phủ đầu tiên của Hoa kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Cách mạng vẫn còn cai trị theo lý thuyết cổ về chủ quyền bất khả phân. Theo các Điều khoản của Liên quốc (1783), tức là hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ, mỗi tiểu bang hay thuộc địa cũ đều có chủ quyền tối cao; các tiểu bang chỉ hợp tác “có tính cách thân hữu” để giải quyết các vấn đề có tính cách toàn quốc. Tuy nhiên, kinh nghiệm về thể chế liên quốc (confederation) không được tốt lắm; thậm chí có người lại còn cho là nguy hiểm. Không những có những bang không cho chính các công dân mình được hưởng tự do mà thường khi họ còn theo đuổi những lợi ích riêng có hại cho lợi ích của cả nước. Vì có nhiều người không hài lòng với Điều khoản của Liên quốc, nên năm 1787 mới có việc triệu tập các đại biểu để thảo hiến pháp mới. Văn kiện mới hình thành bắt đầu bằng câu nổi tiếng: “Chúng tôi, nhân dân của Hợp chúng quốc…” đã chỉ rõ nguồn chủ quyền là xuất phát từ đâu. Hiến pháp do nhân dân lập ra đã không cho chính quyền toàn quốc cũng như chính quyền tiểu bang là những cơ quan có chủ quyền. Cái điều mà trước kia được coi là vô lý, tức là có một chính phủ trong một chính phủ, thì bây giờ lại là điều có thể thực hiện được vì quyền lực của cả chính quyền quốc gia lẫn chính quyền tiểu bang đều là những quyền được nhân dân là những người có chủ quyền tối cao trao cho. Việc trao quyền này được thể hiện trong văn bản của hiến pháp ấn định các vai trò khác nhau cho các cấp chính quyền khác nhau. Chính quyền tiểu bang và chính quyền toàn quốc có thể cùng hoạt động trong một địa bàn và phục vụ cùng một đối tượng dân chúng vì các chính quyền đó đã tập trung vào các lãnh vực khác nhau: tiểu bang phụ trách các vấn đề địa phương còn liên bang lo các vấn đề chung. Cuộc thí nghiệm của Hoa kỳ về thể thức cai trị cho phép cả chính quyền tiểu bang lẫn liên bang đều có thể hoạt động song song mà vẫn giữ tính cách cá biệt và độc lập, mỗi chính quyền làm việc trong một lãnh vực quyền hành riêng, bởi vì cả hai chính quyền đều phục vụ đối tượng chung là nhân dân.
Tìm hiểu quá trình tiến hóa
Thể chế liên bang đã hoạt dộng như thế nào tại Mỹ? Câu trả lời thực không đơn giản. Thể chế liên bang trên thực tế là một cái khung sống động cho chính quyền, và cái đặc tính đó đã rất thích hợp với bản chất luôn thay đổi của chính ngay xã hội Mỹ. Trong 200 năm lịch sử, sự phân chia quyền hành trong thể chế liên bang thay đổi nhiều cả về mặt pháp lý lẫn thực tại. Hiến pháp Mỹ là một văn kiện rất linh động khiến cho quốc gia có thể đáp ứng được với những tình huống mới. Có khi thì các tu chính hiến pháp đã cho chính quyền liên bang và tiểu bang những quyền không có trù liệu trong hiến pháp lúc nguyên thủy; nhưng cũng có lúc tòa án lại diễn giải các vai trò đó nhiều cách khác nhau. Việc giữ quân bằng quyền lực giữa liên bang và tiểu bang luôn luôn là một vấn đề trong chính trị nước Mỹ; tổng thống Woodrow Wilson (1913-20) đã có lần nói [vấn đề này] không thể nào giải quyết được “bằng ý kiến của bất cứ một thế hệ nào”. Ông cũng nói thêm là các sự thay đổi về kinh tế xã hội, các biến thiên về giá trị chính trị cũng như là về vai trò của quốc gia [Mỹ] trên thế giới, đòi hỏi mỗi thế hệ phải coi thể chế liên bang như là “một vấn đề mới.”
Chỉ đọc sơ qua Hiến pháp người ta có cảm tưởng rằng chính quyền trung ương chỉ chịu trách nhiệm về một số nhỏ các chức năng có ảnh hưởng tới các công việc thường xuyên hàng ngày. Trong 100 năm đầu của lịch sử nước Mỹ thì điều đó đúng. Tiểu bang có quyền quyết định hầu hết các các vấn đề ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tiểu bang ấn định các hình phạt cho các tội phạm, ban hành luật về khế ước, quy định về y tế và an ninh công cộng, cũng như đặt các tiêu chuẩn pháp lý về giáo dục, an sinh xã hội và đạo đức.
Mặc dầu tiểu bang có vai trò quan trọng như vậy trong cuộc sống hàng ngày, nhưng các vấn đề bức xúc nhất về chính sách công quyền vào thời kỳ trước khi có cuộc Nội chiến tại Mỹ (1861-65) lại là những cuộc tranh luận về tầm mức quyền hạn của chính quyền quốc gia, mà đa số cho là phải giới hạn. Di sản của cuộc Cách mạng, vốn e ngại nạn trung ương tập quyền, đã để lại nhiều ảnh hưởng cũng như là nhiều điều mơ hồ trong các cuộc tranh luận của đại hội hiến pháp và của việc phê chuẩn Hiến pháp. Ngôn từ của Hiến pháp chỉ có tính cách tổng quát và không có nói rõ là tiểu bang có quyền đảm trách tất cả các quyền còn lại ngoài các quyền đã giao cho chính quyền quốc gia hay không. Vấn đề này lại càng phức tạp hơn vì trên thực tế lúc bấy giờ các tiểu bang có thể thực hiện các chức năng chính quyền một cách tốt đẹp hơn là những thời gian sau này, khi càng ngày lại càng có thêm các vấn đề đòi hỏi những giải pháp cần có sự tham gia của nhiểu tiểu bang.
Cuộc Nội chiến, diễn ra vì vấn đề nô lệ, đã giải quyết được cuộc tranh luận về bản chất của khối liên hiệp và tính cách tối cao của chính quyền quốc gia trong khố liên hiệp đó. Nhưng cuộc Nội chiến đã không đưa ra những giải đáp cho các câu hỏi về sự phân chia trách nhiệm thỏa đáng giữa chính quyền trung ương và tiểu bang mặc dầu Tu chính 14, được phê chuẩn vào năm 1868, có cho phép chính quyền quốc gia gia tăng một cách hợp pháp. Nhưng từ đó cái bối cảnh cho cuộc tranh luận đó đã thay đổi. Trong hậu bán thế kỷ thứ 19, Hoa kỳ đã trở thành một nền công nghiệp chế xuất khổng lồ. Sự phát triển này lại còn kèm theo một số các hiện tượng khác như việc hình thành một thị trường nội địa mở rộng, sự xuất hiện của các đô thị lớn, tập trung của cải và các vấn đề xã hội nghiêm trọng. Sự bành trướng của các công ty độc quyền về hàng hóa và dịch vụ vào cuối thế 19 và đầu thế kỷ 20 lại nâng cao cái hiểm họa quyền lực kinh tế vượt ngoài tầm kiểm soát mà phần lớn dân Mỹ đều cho rằng cũng nguy hại chẳng kém gì nạn quyền lực chính quyền không có gì kiềm chế.
Không một tiểu bang hay một tập hợp các tiểu bang nào có thể tạo ra những điều kiện hữu hiệu để vừa thúc đẩy mà lại vừa kiểm soát sự tăng trưởng của nền mậu dịch và các hậu quả của sự tăng trưởng đó. Vì vậy chính quyền trung ương, lúc đó thường được gọi là chính quyền liên bang hơn trước, bắt đầu lãnh cái trách nhiệm đó; lúc đầu thì trách nhiệm này được thi hành theo điều khoản “giao thương giữa các tiểu bang”. Trong số các quyền lực mà Quốc hội được Hiến pháp giao phó là quyền “quy định sự giao thương với nước ngoài và giữa các tiểu bang…” Tới năm 1887, thì đã có xuất hiện các văn bản pháp lý có tính cách toàn quốc để quy định về vấn đề độc quyền chiếu theo quyền lực [của liên bang] về giao thưong giữa các tiểu bang. Trong thời gian 20 năm sau đó, Quốc hội đã thông qua một số luật chi phối nhiều hoạt động từ xổ số quốc gia tới buôn bán rượu và các công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
Mặc dầu các luật đó nhằm ngăn cản các tiểu bang can thiệp vào việc phát triển của ngành công nghiệp, nhưng kết quả là nó đã nới rộng quyền lực của chính quyền quốc gia vào trong một lãnh vực mà trước kia vẫn được coi là trách nhiệm của tiểu bang, đó là lãnh vực bảo vệ sức khỏe và an sinh [xã hội] trong thời kỳ công nghiệp phát triển nhanh. Vào đầu thế kỷ 20, các thành phần tiến bộ, đứng đầu là Tổng thống Theodore Roosevelt (1901-09) không thấy có gì sai trái trong chính sách can thiệp này; các vị đó lập luận rằng các tiểu bang cần có liên bang giúp đỡ để đạt được các mục đích của mình. Mặc dầu tòa Tối cao – lúc đó đã được công nhận là cơ quan trọng tài tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp – cũng chấp nhận và triển khai mục đích đó tuy vẫn muốn hạn chế quyền của chính quyền liên bang. Tuy vậy nhưng chiều hướng chung đã rõ ràng: quyền của liên bang đã gia tăng theo với nhu cầu của quốc gia trong khi đó thì quyền của tiểu bang cũng theo đó mà giảm.
Vào những năm 1930, chương trình kinh tế New Deal (Vận hội Mới) của Tổng thống Franklin Roosevelt lại thách thức cái quan niệm tương đối bảo thủ về việc duy trì sự quân bằng giữa quyền lợi của liên bang và tiểu bang bằng cách đòi quyền quốc gia rộng rãi để đáp ứng với cuộc Khủng hoảng Kinh tế. Các biện pháp của Quốc hội đã mở đường cho việc quản lý toàn quốc về an sinh xã hội (lập ra hệ thống An sinh xã hội), nông nghiệp, mức lương tối thiểu, và quan hệ lao động. Ngoài ra còn có những luật cho liên bang có quyền đặt ra những luật lệ trong các lãnh vực then chốt như vận tải, giao thông, ngân hàng và tài chánh. Với tất cả các biện pháp đó cùng với chương trình cứu trợ và các chương trình xã hội khác, chương trình Vận hội Mới đã đặt ra một cơ cấu quản lý toàn quốc mà sau này lại được củng cố hơn nữa trong cuộc Thế chiến thứ 2 và cuộc Chiến tranh lạnh. Đó là một cuộc cách mạng hiến pháp có tầm mức tối quan trọng: chính quyền nước Mỹ bây giờ đã có quyền hành động trong những lãnh vực – như luật lao động và ngân hàng – mà trước kia hầu như là chỉ dành riêng cho tiểu bang.
Vai trò của chính quyền trung ương trong hệ thống liên bang tiếp tục bành trướng trong hậu bán thế kỷ 20. Tòa Tối cao đã đảo ngược cách giải thích lúc đó đang thịnh hành về Tu chính 14 định nghĩa một cách hẹp hòi về giới hạn của quyền lực quốc gia và nới rộng tầm quán xuyến của chính quyền liên bang trong các lãnh vực như trừng trị tội phạm, an sinh xã hội, quan hệ chủng tộc, và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Tới cuối thế kỷ thì hầu như không có lãnh vực nào mà lại không chịu sự chi phối của liên bang. Hậu quả này thể hiện rõ ràng nhất bằng cách trả lời của dân chúng khi được hỏi về tư cách công dân của mình. Trong lịch sử nước Mỹ, trước kia có một số lớn người bầy tỏ lòng trung thành của họ trước nhất là với tiểu bang, nhưng bây giờ thì họ thường coi tư cách công dân đối với cả nước là có già trị hơn. Cuộc cách mạng trong thể chế liên bang không chấm dứt các cuộc tranh luận về sự phân phối quyền hành thích đáng giữa các tiểu bang và chính quyền quốc gia. Các sự bất đồng ý kiến về vai trò thích đáng của chính quyền quốc gia và chính quyền tiểu bang hãy còn là một phần quan trọng của chính trị Hoa kỳ. Hầu như không có một vấn đề nội bộ nào mà lại không dính dáng tới sự tranh chấp để định xem cấp chính quyền nào có quyền ấn định và thi hành các chính sách liên hệ. Sự phân biệt giữa chức năng của chính quyền liên bang và tiểu bang không cón là một điều dễ dàng nữa bởi vì hệ thống liên bang hiện tại có khuynh hướng pha trộn các trách nhiệm và làm mờ sự khác biệt trong việc đáp ứng với các vấn đề kinh tế và xã hội.
Ưu điểm của việc chia quyền
Ngày nay, sự phân định quyền lực và chính sách được thực hiện trong cái khung cảnh mà các học giả gọi là thể chế liên bang hợp tác. Cái đặc điểm của lối sống Hoa kỳ này đã được kiện toàn đến mức nó vẫn thể hiện ngay cả khi hai cấp chính quyền có tranh chấp. Chẳng hạn như vào những năm 1960, các tiểu bang tại miền Nam tuy chống lại chính sách bắt buộc về hội nhập chủng tộc nhưng vẫn hợp tác trong chương trình xây dựng hệ thống xa lộ liên tiểu bang. Các thể thức hoạt động khiến cho thể chế liên bang hợp tác hoạt động được bao gồm các yếu tố như chia sẻ kinh phí, hướng dẫn của liên bang và hợp tác quản trị. Quốc hội đồng ý chịu một phần kinh phí cho các chương trình có lợi ích cho quốc gia nhưng người dân của một tiểu bang hay một vùng lại được hưởng lợi trực tiếp như xây xa lộ, lập các cơ sở xử lý nước phế thải, phi trường, và các công trình cải thiện hạ tầng cơ sở của địa phương và tiểu bang. Tiền trợ cấp của liên bang được cung cấp cho các tiểu bang cùng với các hướng dẫn mà tiểu bang phải chấp nhận và thi hành. Chẳng hạn như để giải quyết tệ nạn lái xe khi say rượu, mới đây Quốc hội đã ra điều kiện là các tiểu bang phải ra luật lưu thông trong đó có biện pháp giảm lượng rượu trong máu thì mới được liên bang cấp ngân khoản xây xa lộ. Một thể thức nữa là các viên chức của tiểu bang và của địa phương thực hiện các chính sách của liên bang bằng các chương trình do chính họ lập ra và bằng guồng máy hành chính của mình. Điển hình là chương trình đào tạo và huấn luyện lại cho lực lượng lao động: mỗi tiểu bang đều lập ra và quản lý chương trình do liên bang tài trợ để đáp ứng yêu cầu cụ thể của người dân trong tiểu bang.
Kinh nghiệm của Mỹ đối với thể chế liên bang cho các chính quyền dân chủ ở các nơi khác những bài học gì? Cơ cấu chính quyền liên bang không được phổ cập – phần lớn các quốc gia thiết lập cơ cấu chính quyền thống nhất trong đó quyền hành tập trung vào chính quyền trung ương. Thể chế liên bang cũng không phải là thể chế cốt yếu cho dân chủ như kinh nghiệm của các nuớc theo chế độ đại nghị đã cho thấy. Nhưng nguyên tắc của thể chế liên bang là quan trọng cho các chính quyền dân chủ ở các nơi khác. Đứng đầu trong các nguyên tắc đó là sự chia quyền (division of power) và phân quyền (separation of power) cũng như việc tản quyền (decentralisation) chính sách và chính trị.
Người Mỹ từ lâu vẫn tin rằng tập trung quyền hành là một sự đe doạ cho tự do, và điều mà họ sợ nhất từ xưa đến nay là cách hành xử quyền của một chính quyền quốc gia từ xa. Trao quyền cho hai cấp chính quyền, chia quyền đó ra và cho mỗi cấp chính quyền có thẩm quyền tối cao trong giới hạn của mình là một cách giải quyết vấn đề [nan giải] là làm sao cho chính phủ có đủ quyền cần thiết mà không tập trung quyền hành quá mức đến nỗi làm phương hại tới quyền tự do. Các tiểu bang, tức là cấp chính quyền gần dân nhất, thực ra là để giới hạn quyền của chính quyền quốc gia. Sáng kiến này rất là hợp lý đối với thế hệ của những người lập quốc [Hoa kỳ]. Thực vậy, lý thuyết Mỹ về tư cách đại diện đòi hỏi là người đại diện phải ở ngay cùng một địa phương với những người mà họ đại diện. Tinh thần địa phương vẫn còn hấp dẫn đối với thế hệ ngày nay vì, như một nhà nghiên cứu đã ghi nhận, tinh thần đó làm thỏa mãn cái bản chất tự nhiên [của con người] là thích những gì gần cận, quen thuộc và e ngại những gì ở xa và trừu tượng” “Quyền của tiểu bang”, như người ta thường gọi, dựa trên điều được thừa nhận rằng tinh thần địa phương là quan trọng và người ta thường tin tưởng vào cái chính quyền mà người ta có thể kiểm soát được. Theo trực giác, chính quyền tiểu bang đáp ứng cái yêu cầu này nhiều hơn là chính quyền quốc gia. Vì tin tưởng như vậy nên đa số người Mỹ đều một mặt vẫn muốn địa phương kiểm soát những cơ cấu chính quyền trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của họ như công an, trường học, bệnh viện; mặt khác thì họ lại đòi là quyền công dân phải có tính cách quốc gia và không khác biệt từ tiểu bang nọ sang tiểu bang kia. Trên lý thuyết thì thể chế liên bang đáp ứng cả yêu cầu quốc gia lẫn địa phương trong cái chủ trương là quyền hành phải được giới hạn.
Khả năng của thể chế liên bang đáp ứng với các vấn đề địa phương bằng cách tản quyền các chính sách và chính trị cũng góp phần vào chế độ dân chủ. Hoa kỳ là một nước có địa diện lớn và phức tạp; và cũng là một nước có nhiều di dân trong đó mỗi một sắc dân, mỗi một tôn giáo lại đưa các giá trị văn hoá và đạo đức khác biệt vào các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Cai trị một nước như vậy theo thể chế dân chủ sẽ rất là khó khăn nếu các sự khác biệt đó không được nêu ra và đáp ứng một cách dễ dàng. Các tiểu bang có thể đưa ra các chính sách rất khác nhau để giải quyết cùng một vấn đề, và do đó cho người dân có thể sống trong một tiểu bang có chính sách thích hợp với giá trị văn hóa và đạo đức của họ. Thí dụ như vấn đề đánh bạc. Có tiểu bang cho phép, có tiểu bang không. Chính sách của mỗi một bang đều thích ứng với yêu cầu, kinh nghiệm và giá trị của đa số công dân như đã được thể hiện trong luật của tiểu bang. Trong trường hợp này, cách làm việc của tiểu bang là có lợi vì không có sự đồng thuận khắp trong nước để có được một chính sách chung cho vấn đề này.
Lẽ dĩ nhiên thực hiện chính sách công bằng nhiều phương thức khác nhau cũng không phải là hoàn toàn tốt. Sự đa dạng đó không được làm phương hại tới các quyền và đặc quyền cơ bản của người dân. Chẳng hạn như quyền được xử bằng một bồi thẩm đoàn không thể lệ thuộc vào hoàn cảnh địa dư. Phương thức đa dạng cũng có thể làm nẩy sinh ra sự đối xử không công bằng, chẳng hạn như một tiểu bang nghèo có thể không đủ khả năng tài trợ một chương trình cơ bản như giáo dục bằng một tiểu bang giàu. Nhưng ngoại trừ các vấn đề thuộc quyền cơ bản, khả năng có thể thử các cách giải quyết khác nhau là một đặc điểm đáng quý của thể chế liên bang.
Các tiểu bang thường được gọi là các phòng thí nghiệm dân chủ. Thực vậy, những sáng kiến về chính sách từ an sinh xã hội tới cải tổ giáo dục cho tới các luật lệ về y tế và an toàn thường xuất phát từ chính quyền tiểu bang. Một thời gian lâu trước khi chính quyền quốc gia thi hành thì một số các tiểu bang đã thi hành một số các cải tổ như bãi bỏ chế độ nô lệ, nới rộng quyền đi bầu cho phụ nữ, cho người da đen và cho thiếu niên 18 tuổi, và áp dụng thể thức bầu nghị sĩ trực tiếp. Các hành động này của tiểu bang đã nới rộng sự hứa hẹn của dân chủ vào lúc mà chưa có một biện pháp cải tổ như vậy được đa số tán thành trên toàn quốc. Hiểu như vậy thì các tiểu bang có vai trò vừa là cải tổ chính trị vừa là hoà giải chính trị; các tiểu bang vừa thử nghiệm các ý tưởng mới và vừa giúp tìm phương thức dung hòa mà các tiểu bang và đa số dân chúng toàn quốc có thể chấp nhận.
Hệ thống liên bang cũng mở rộng sự tham gia vào chính trị và chính quyền. Càng có nhiều cấp chính quyền thì lại càng có cơ hội bỏ phiếu và làm chức vụ trong chính quyền. Các chính quyền tiểu bang và địa phương bầu ra hàng ngàn viên chức dân cử, trong khi đó ở cấp liên bang chỉ có tổng thống và phó tổng thống là hai viên chức dân cử. (Về phuơng diện pháp lý thì, tuy thực sự là bầu cử toàn quốc nhưng cả hai chức vụ này cũng không phải do cử tri toàn quốc bầu ra mà là do cử tri đoàn do cử tri trong mỗi tiểu bang đề cử.) Nhiều chức vụ ở cấp tiểu bang và địa phương là môi trường đào tạo các lãnh đạo toàn quốc trong tương lai. Chẳng hạn, trong số 5 tổng thống gần đây thì chỉ có một người, ông George Bush (1989-1993), là không từng giữ chức vụ nào tại tiểu bang. Các tổng thống Carter, Reagan, Clinton, và George W. Bush đều đã từng có chức vụ tại tiểu bang. Tuy phần lớn các viên chức dân cử tại tiểu bang hay địa phương không làm các chức vụ toàn quốc, nhưng họ đều có được các bài học quý giá về vai trò của chính quyền trong một xã hội dân chủ; và những bài học đó rốt cuộc giúp tăng cường quan hệ giữa chính quyền và người dân. Xã hội cũng có lợi vì số người có đủ khả năng và kinh nghiệm để đảm nhiệm các chức vụ cao hơn cũng nhiều hơn là nếu không có các cấp chính quyền tiểu bang và địa phương.
Có thêm cấp chính quyền cũng giúp giúp người dân tiếp cận tới với việc làm quyết định ngoài việc nắm giữ chức vụ. Ảnh hưởng của các nhóm lợi ích có thể bị một cấp chính quyền này ngăn chặn nhưng lại được cấp chính quyền khác đón nhận. Trong những năm 1950 và 1960 những người tranh đấu cho quyền công dân gặp phải sự chống đối mạnh của các tiểu bang miền Nam chống hội nhập chủng tộc nhưng họ lại được chính quyền liên bang ủng hộ các nỗ lực của họ để thực hiện bình đẳng chủng tộc. Đầu thế kỷ thứ 20, các người cổ võ cho luật lệ về lao động và môi trường thường thành công trong việc vận động các tiểu bang thông qua các đạo luật nhưng lại bị chính quyền liên bang làm cho trở ngại. Do đó, thể chế liên bang có tiềm năng khiến cho chính quyền có thể đáp ứng với các lợi ích khác nhau, và đôi khi trái ngược nhau, của các tiểu bang. Vì vậy, thể chế liên bang khuyến khích và giúp cho việc điều hành một chế độ dân chủ đa phương trong một nền cộng hòa lớn. Trong số các nhà soạn thảo Hiến pháp, James Madison đánh giá cao việc có nhiều nhóm lợi ích vì điều này ngăn chặn việc hình thành lâu dài một nhóm đa số có khả năng uy hiếp quyền của thiểu số.
Sau hết, thể chế liên bang phát huy dân chủ bằng cách cung cấp một diễn đàn để phê bình và chống đối một cách hữu hiệu các chính sách và hành động của chính quyền. Một đảng không nắm được quyền cai trị trong chính quyền quốc gia vẫn có thể nắm được quyền tại tiểu bang và địa phương để có thể thách thức các ưu tiên hay quyết định của chính quyền quốc gia. Tuy một số các sự chống đối đó có thể là do quyền lợi của một phe nhóm, nhưng chắc hẳn phần nhiều là biểu thị những e ngại về tính cách sáng suốt của một chính sách hay đường lối hành động. Do đó thể chế liên bang bảo vệ quyền tự do của dân chúng chống lại chính sách quốc gia mà họ thấy là sai lạc; như vậy thể chế này giúp phát triển sự phê bình cần thiết và hữu hiệu về chính quyền và giúp kiện toàn nền dân chủ.
Sự căng thẳng sáng tạo
Trong hơn 200 năm, thể chế liên bang đã tạo nên một cái khung cho sự phát triển dân chủ tại Mỹ. Các sự đòi hỏi của chính quyền liên bang và các đòi hỏi của chính quyền tiểu bang luôn luôn có sự dằng co căng thẳng lẫn nhau ngay cả cho tới bây giờ. Giải quyết cái sự căng thẳng đó đòi hỏi phải luôn luôn chú ý tới cái vai trò của chính quyền và xét lại sự phân chia quyền hành hợp lý giữa hai cấp chính quyền. Sự cân bằng luôn luôn thay đổi và thường có tính cách sáng tạo này, dựa trên cái nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân. Vì vậy các cuộc tranh luận về thể chế liên bang là cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề là chính quyền nào, liên bang hay tiểu bang, phản ánh ý nguyện cùa nhân dân nhiều hơn. Cuộc tranh luận đó cũng cho thấy giá trị nào được thịnh hành nhất trong cái thị trường của các tư tưởng chính trị. Đối với các vấn đề này sẽ không bao giờ có được câu trả lời dứt khoát và sự căng thẳng cố hữu trong thể chế liên bang sẽ không bao giờ biến mất. Trong cuộc dằng co giữa các cấp chính quyền, tuy trên thực tế nhiều khi rất rắc rối lộn xộn, người dân Mỹ có lẽ đã nhận ra rằng đó là cách bảo đảm tự do của họ tốt thứ nhì ngoài việc luôn luôn cảnh giác bảo vệ tự do. Chắc hẵn đây cũng là điều mà các nhà lập quốc kỳ vọng. Như James madison đã viết vào năm 1792: “ Nếu sự cải thiện trong lý thuyết về chính quyền tự do này không bị thất bại trong khi thi hành, thì có lẽ nó sẽ là di sản tốt nhất mà các nhà làm luật đã để lại cho quốc gia, và các điểm ích lợi của nó có lẽ sẽ là bài học hay nhất cho thế giới”. Đối với các quốc gia đang đi tìm một hình thức chính quyền thuận lợi cho tự do, thì cái di sản của thể chế liên bang cũng là một điều đáng xem xét.
© Học Viện Công Dân 2006
==================
Tài liệu đọc thêm
James Madison, Alexander Hamilton, and John Jay, The Federalist Papers [Luận cương về Liên bang] (Penguin, 1987)
Michael Les Benedict, The Blessings of Liberty: A Concise Constitutional History of the United States [Ân huệ của Tự do: Lược sử Hiến pháp Hoa kỳ] (D.C. Heath and Company, 1996)
Daniel J. Elazar, American Federalism: The View from the States [Thể chế liên bang Mỹ dưới nhãn quan của các tiểu bang] (3rd ed., Harper & Row, 1984) Daniel J.
Elazar, Exploring Federalism [Tìm hiểu thể chế liên bang] (University of Alabama Press, 1987)
ack P. Greene, Peripheries and Center: Constitutional Development in the Extended Polities of the British Empire and the United States, 1607-1788 [Ngoại vi và Trung tâm: sự phát triển cùa Hiến pháp trong các hình thức tổ chức chính trị mở rộng của Đế quốc Anh và Mỹ, 1607-1788] (University of Georgia Press, 1986)
Michael Lienesch, New Order of the Ages: Time, the Constitution, and the Making of Modern American Political Thought [Trật tự mới trong các thời đại: Thời gian, Hiến pháp và sự hình thành của các tư tưởng chính trị hiện đại tại Hoa kỳ] (Princeton University Press, 1988)
Paul C. Nagle, One Nation Indivisible: The Union in American Thought [Đất nước bất khả phân: Thể chế liên hiệp trong tư tưởng Mỹ] (Oxford University Press, 1964)
Peter Onuf, The Origins of the Federal Republic [Nguồn gốc của Cộng hoà Liên bang] (University of Pennsylvania Press, 1983)
James T. Patterson, The New Deal and the States [Vận hội mới và các tiểu bang] (Princeton University Press, 1969)
Jack N. Rakove, Original Meanings: Politics and Ideas in the Making of the Constitution [Ý nghĩa nguyên thủy: Chính trị và Tư tưởng trong sự hình thành của Hiến pháp] (Vintage Books, 1997)
Tác giả:
David J. Bodenhamer là giáo sư và giám đốc điều hành trung tâm Polis Center tại Indiana University-Purdue University, Indianapolis. Ông là tác giả và chủ biên của 6 tác phẩm trong đó có cuốn Fair Trial: Rights of the Accused in American History [Quyền của bị cáo trong Lịch sử Mỹ] (1992) và The Bill of Rights in Modern America: After 200 Years [Luật Nhân quyền trong nước Mỹ hiện đại] (1993), viết cùng với James W. Ely, Jr.