fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Chương II

Nếu ta xem xét sự vật từ ngọn nguồn, dù sự vật đó là một nhà nước hay cái gì đi nữa, ta sẽ có được nhận thức rõ ràng nhất về sự vật đó. Thoạt kỳ thủy phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau. Giống đực và giống cái phải kết hợp để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như chúng; hành vi này không phải do ý thức, nhưng do bản năng tự nhiên có sẵn trong các loài động vật cũng như thực vật. Thứ đến, phải có sự kết hợp giữa các phần tử cai trị một cách tự nhiên và các phần tử bị trị một cách tự nhiên. Những phần tử có khả năng, nhờ sự khôn ngoan biết tính toán, lo xa, dĩ nhiên trở thành phần tử cai trị, còn những phần tử mà khả năng chỉ do sức mạnh của thể chất mang lại, để làm những gì mà phần tử kia hoạch định, là phần tử bị trị; do đó, đương nhiên ở trong tình trạng nô lệ. Sự kết hợp giữa chủ nhân và nô lệ được lập thành vì cả hai có chung quyền lợi [chủ và tớ làm đủ cho nhau]. Thiên nhiên phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa phụ nữ và nô lệ, và thiên nhiên không hà tiện như gã thợ rèn kia khi đánh con dao Delphi đa dụng dùng được vào nhiều việc;[1] thiên nhiên tạo ra mỗi vật cho một mục đích, và mỗi dụng cụ sẽ được tạo thành tốt nhất để sử dụng cho một mục đích chứ không phải cho nhiều mục đích.  Thế nhưng trong đám những kẻ man rợ [và điều này trái với trật tự tự nhiên], phụ nữ và nô lệ được coi như nhau–Lý do là vì không có phần tử cai trị nào trong bọn họ, và sự kết hợp vợ chồng trở thành cuộc kết hợp giữa người nô lệ nữ và người nô lệ nam. Do đó mà các thi sĩ của chúng ta đã nói:

“Cũng là xứng đáng thế thôi,

Cho người man rợ làm tôi Hy Lạp”

Vì họ nghĩ rằng các kẻ man rợ và nô lệ trời sinh ra như nhau.

Từ quan hệ giữa nam và nữ và quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ  Hesiod đã nói: “Có nhà, có vợ, có trâu đi cày.”

Con trâu có thể coi như là nô lệ của người nghèo vậy. Gia đình là sự quần tụ được thiên nhiên thiết lập nhằm cung ứng cho con người các nhu cầu thường ngày, và thành viên của gia đình được Charondas gọi là “những người ăn cùng mâm,” và được Epimenides, người đảo Crete, gọi là “những người uống chung máng.” Nhưng khi nhiều gia đình tụ họp lại, và sự quần tụ này nhằm đến mục tiêu cao hơn là cung cấp cho các nhu cầu hàng ngày, thì xã hội đầu tiên-làng mạc-được thành lập. Và hình thức tự nhiên nhất của làng mạc là một nhánh từ gia đình, gồm có các con và các cháu “cùng bú chung bầu sữa.” Và đó cũng là lý do tại sao các thị-quốc Hy Lạp (city-state)-cũng như dân các xứ man rợ khác hiện nay-được cai trị bởi các vị vua. Các thị quốc được thành lập từ những người đã từng được cai trị dưới vương quyền [nghĩa là, họ tụ họp lại từ những gia đình và làng mạc], và gia đình thì luôn có đặc tính quân chủ vì mọi sự do người tộc trưởng quyết định. Làng mạc cũng vậy, vì làng mạc cũng do nhiều gia đình tạo nên, nên cũng được cai trị bởi người lớn tuổi trong gia tộc. Mối quan hệ gia tộc đơn sơ này được Homer miêu tả trong đoạn thơ về người khổng lồ một mắt (Cyclopes), khi con người còn sống rải rác thành từng nhóm nhỏ, hệt như những con người thời cổ: “Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con.”[2] Sự kiện con người thời cổ do vua cai trị, và thời nay một số dân vẫn còn được vua cai trị, khiến cho ta xác nhận được là các vị thần thánh cũng được cai trị bởi một ông vua, vì họ tưởng tượng ra không những hình ảnh của thần thánh, mà còn cách sống của thần thánh theo như cách họ sinh sống.

Khi nhiều làng mạc liên kết lại với nhau thành một cộng đồng duy nhất và toàn vẹn, một cộng đồng đủ lớn để có thể tự túc được, thì nhà nước (polis) được khai sinh từ những nhu cầu cơ bản của đời sống, và tiếp tục tồn tại cho một đời sống tốt đẹp. Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính “tự nhiên” của sự vật chính là chung cục của nó. Vì ta gọi là tự nhiên khi một sự vật được phát triển đầy đủ tới dạng cuối cùng của nó, dù đó là một con người, một con ngựa, hay một gia đình. Ngoài ra, kết quả cuối cùng của một vật là cái tốt nhất, và đạt đến tự túc là kết quả cuối cùng [của một polis] và là cái tốt nhất.[3]

Từ những nhận định trên, nhà nước hiển nhiên nằm trong họ những vật hiện hữu tự nhiên, và con người, là một động vật mà do bản tính tự nhiên  phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị). Nếu có kẻ nào vì bản tính tự nhiên, chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn người. Đó là kẻ mà Homer đã lên án là “kẻ đãng tử, vô gia cư, vô luật pháp.” Những người như vậy là những kẻ hiếu chiến, chẳng khác nào một con chốt cô đơn trên bàn cờ.

Đến đây ta thấy, một cách hiển nhiên, con người là một sinh vật chính trị, và là một sinh vật chính trị ở mức độ cao hơn loài ong hay các loài thú sống bầy đàn khác. Thiên nhiên, như ta thường nói, không làm điều gì vô ích, và con người là sinh vật duy nhất được ban cho tiếng nói. [Đọc thêm Rousseau: Nguồn gốc của ngôn ngữ loài người (HVCD)]. Mọi loài đều có khả năng tạo được âm thanh để diễn đạt đau đớn hay sướng khoái: thiên nhiên cho chúng khả năng cảm nhận đau đớn hay sung sướng và có thể truyền đạt những cảm nhận này đến đồng loại của chúng; nhưng chỉ đến thế mà thôi. Ngôn ngữ của con người dùng để chỉ ra điều lợi, điều hại, và cũng tương tự như thế điều gì là công chính và thế nào là bất công. Đặc biệt hơn nữa, chỉ con người mới có được ý thức về thiện và ác, về công bằng và bất công, và về các đức tính khác nữa. Sự phối hợp các sinh vật có ý thức này tạo nên gia đình và nhà nước.

Đến đây ta có thể lý luận thêm rằng [mặc dù cá nhân và gia đình hiện hữu trước theo thứ tự thời gian] nhà nước lại hiện hữu trước hơn cả cá nhân và gia đình theo thứ tự tự nhiên. Lý do của điều này như sau: cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cá thể [theo tự nhiên]. Nếu cả cơ thể bị tiêu hủy, thì sẽ chẳng còn cái chân hay cái tay nữa, ngoại trừ theo cái nghĩa mơ hồ mà người ta thường dùng cùng một từ để chỉ các vật khác nhau, như khi ta nói về một cái tay bằng đá; vì một cái tay khi bị tiêu hủy [khi cả thân thể bị tiêu hủy] thì có hơn gì một cái tay bằng đá đâu? Mọi điều có được đặc tính thiết yếu của chúng là nhờ ở chức năng và khả năng của nó. Từ đó ta có thể suy ra là nếu điều gì đã mất khả năng thực thi chức năng của nó, thì ta không nên nói là nó vẫn là vật như cũ, mà phải nói là, bởi vì sự không chính xác [của ngôn từ], chúng vẫn còn tên gọi giống nhau.

Như vậy, ta thấy nhà nước hiện hữu bởi tự nhiên và có trước cá nhân. [Chứng cứ của cả hai lập luận này là sự kiện nhà nước là tổng thể, còn cá nhân là cá thể]. Mọi cá nhân không thể nào tự túc được khi sống cô lập, bởi vì mọi cá nhân là vô vàn các cá thể cùng lệ thuộc vào cái tổng thể, là cái mà chỉ có nó mới đem lại sự tự túc cho tất cả.  Một người sống biệt lập, hoặc là vì không có khả năng chia sẻ các phúc lợi do sự quần tụ chính trị đem lại, hoặc không cần chia sẻ gì hết vì hắn đã tự đạt được sự tự túc rồi, thì không còn là một thành phần của nhà nước nữa, và, như vậy, phải hoặc là thú hoặc là thần mà thôi. [Dù] bản năng xã hội đã được thiên nhiên ban cho con người [từ lúc mới sinh], tuy nhiên, kẻ nào đầu tiên thiết lập nhà nước vẫn phải được coi là người có công lớn nhất. Con người, khi toàn hảo, là động vật tốt đẹp nhất, nhưng nếu hắn bị cách ly khỏi luật pháp và công chính, thì lại trở nên một động vật xấu xa nhất. Bất công trở nên tệ hại hơn khi đó là sự bất công được vũ trang, vì con người sinh ra có được đôi tay [cũng như ngôn ngữ] để làm cho con người tốt hơn về đạo đức, nhưng đôi tay cũng có thể được dùng để làm những chuyện xấu xa. Đó là lý do tại sao nếu con người không có đức hạnh, hắn sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo nhục dục. Sự công chính [chính là sự cứu rỗi của con người] thuộc về nhà nước; vì công chính–sự phân biệt thế nào là công bằng, là lẽ phải–là trật tự của một xã hội chính trị.


[1] Delphic knife: một loại dao đa dụng được sản xuất tại Delphi, vùng đất được coi là thánh địa của cổ Hy Lạp nơi các thần thánh tương giao với con người qua các sấm truyền. Dân Hy Lạp lũ lượt đi hành hương về Delphi biến nơi này thành một thị tứ, do đó các thợ rèn tại Delphi đã làm ra loại dao đa dụng này (một hình thức dao pha của ta)

[2] Homer, trường ca Odyssey.

[3] Hy lạp thời Aristotle không phải là một nước như ta hiểu ngày nay mà bao gồm nhiều thành phố tự trị (thị quốc); tiếng Hy lạp là polis, mang đặc tính một cộng đồng chính trị, hơn là một nhà nước theo nghĩa hiện đại; tuy nhiên, từ chữ polis, các từ liên hệ khác  là politikos (statesman) để chỉ các nhà lãnh đạo chính trị của nhà nước, và politics để chỉ chính trị.