fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Chương III

Tới nay ta đã thấy nhà nước do nhiều hộ gia đình tạo nên; cho nên, trước khi bàn về nhà nước, ta phải bàn về sự quản trị của hộ gia đình.[1] Thành viên của hộ là tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, và một hộ đầy đủ gồm có nô lệ và những người tự do. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu xem xét một hộ từ những thành tố đơn giản nhất, và các thành tố đơn giản nhất và cơ bản nhất là quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, giữa chồng và vợ, và giữa cha mẹ với con cái. Chúng ta phải xét bản chất của từng mối quan hệ và các phẩm chất cần có trong từng mối quan hệ xem như thế nào. Như vậy có ba yếu tố cần xem xét: thứ nhất là mối liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ; kế đến là quan hệ hôn nhân (không có chữ nào khác hơn để mô tả chính xác sự kết hợp giữa chồng và vợ), và cuối cùng là quan hệ phụ tử (quan hệ này cũng không có tên gọi riêng [theo tiếng Hy lạp thời đó]). Ngoài ba yếu tố này còn có một yếu tố thứ tư nữa, cái gọi là “nghệ thuật làm giàu,” một yếu tố mà theo những người khác lại là phần chính yếu của một hộ gia đình. Chúng ta cũng xem xét bản chất của nghệ thuật này trong các phần dưới.

Trước hết hãy nói về chủ nhân và nô lệ, chú trọng vào nhu cầu của đời sống thực tiễn và tìm xem có thể có một lý thuyết nào hay hơn các lý thuyết hiện hành không. Một số người quan niệm rằng sự cai trị của người chủ là một khoa học, và sự quản trị một hộ, chức vụ làm chủ nô lệ, và phương thức cai trị chính trị hay cai trị một vương quốc, như tôi đã trình bày phần đầu, đều giống nhau. Một số khác lại khẳng quyết rằng sự cai trị của chủ nhân đối với nô lệ đi ngược lại với tự nhiên, và việc phân định sự khác nhau giữa nô lệ và người tự do là do luật định, chứ không phải do quy luật tự nhiên; và như thế, can thiệp vào quy luật tự nhiên là không công bằng.


[1] Hộ gia đình bao gồm tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, chứ không nhất thiết chỉ là các thành viên có liên hệ huyết thống.