fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 9

Quyền sở hữu bất động sản

Ngay khi cộng đồng được thành lập, mỗi thành viên đều tự hiến mình cho nó cùng với tài nguyên và của cải mình đang có. Hành động trao tay này không làm thay đổi bản chất quyền sở hữu khiến trở thành tài sản cộng đồng; nhưng vì sức mạnh cộng đồng quá lớn lao so với sức mạnh mỗi cá nhân, cho nên tính công hữu đương nhiên mạnh hơn, nếu không nói là hợp pháp hơn và không thể hủy bỏ được, ít ra là dưới nhãn quan của người ngoại cuộc. Vì Quốc Gia, trong sự liên hệ với các thành viên, là chủ tất cả của cải qua khế ước xã hội. Đối nội, khế ước này là căn bản của tất cả các quyền; nhưng trong mối liên hệ với các cường quốc khác, nó chỉ có giá trị bằng vào quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên mà Quốc Gia nắm giữ từ các thành viên của mình.

Quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên, cho dù thực tế hơn quyền của người mạnh nhất, chỉ trở thành quyền thực sự khi quyền sở hữu được thiết lập. Mỗi người vốn dĩ được quyền có những gì cần thiết cho mình nhưng chính sự chứng thực anh ta sở hữu một cái gì đó cũng sẽ loại trừ anh ta ra khỏi những cái khác. Nhận được phần của mình rồi, anh ta phải biết chỉ có thế thôi và không có quyền đòi hỏi gì thêm nơi cộng đồng nữa. Đó là lý do tại sao quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên, yếu kém trong tình trạng tự nhiên, lại được tôn trọng trong xã hội dân sự. Với quyền này, chúng ta không hẳn tôn trọng cái thuộc về người khác mà còn tôn trọng cả cái không thuộc về chúng ta nữa.

Một cách tổng quát, để xác minh quyền của kẻ chiếm cứ đầu tiên trên một mảnh đất, cần có các điều kiện sau đây: thứ nhất, phải là một mảnh đất không người ở; thứ hai, chỉ chiếm một diện tích vừa đủ để sinh sống; thứ ba, mảnh đất không phải được chiếm bằng một nghi thức trống rỗng mà bằng lao động và canh tác, dấu chỉ duy nhất của quyền sở hữu được người khác tôn trọng, mặc dủ không có giấy tờ hợp pháp.

Khi chấp nhận quyền chiếm hữu đầu tiên qua nhu cầu và lao động, chúng ta thực ra có đi quá xa không? Có thể giới hạn quyền ấy được chăng? Có phải chúng ta chỉ cần đặt chân lên một mảnh đất công nào đó để có thể tuyên bố ngay rằng mình là chủ của nó? Có thể nào trong một lúc nào đó, chỉ cần sức mạnh xua đuổi những kẻ khác đi rồi xác minh rằng mình có quyền không bao giờ cho họ trở lại? Làm thế nào một cá nhân hay một dân tộc có quyền chiếm cứ một lãnh thổ bao la và giữ riêng nó cho mình, nếu không phải là một sự sang đoạt đáng bị trừng phạt? Làm như thế, những kẻ khác bị cướp mất nơi cư ngụ và các phương tiện sinh sống mà thiên nhiên đã cho họ. Khi Nunez Balboa, đứng trên bờ biển nhân danh vương triều Castile, tuyên bố chiếm hữu các Biển phía Nam và toàn vùng Nam Mỹ… sự kiện này có đủ để truất quyền sở hữu của toàn thể cư dân đương thời và ngăn cấm các thân vương trên thế giới không được bén mảng đến đấy? Các nghi thức tương tự cứ thế tiếp tục và từ nơi làm việc của mình, ông Vua Công Giáo đã tức khắc chiếm cứ cả thế giới ngoại trừ những vùng đất thuộc quyền sở hữu của những vì vua khác.

Ta có thể tưởng tượng, làm thế nào những mảnh đất tư nhân giáp ranh nhau được kết hợp lại và trở thành đất công; làm sao quyền của Cộng Đồng, đi từ người dân qua điền thổ của họ bổng chốc trở nên thực sự tư hữu? Làm được vậy, các chủ đất bị lệ thuộc hơn và chính sức mạnh làm chủ bảo đảm lòng trung thành của họ. Dường như không nhận ra các lợi điểm đó, các vị vua ngày xưa của Persia, Scythia, Macedonia vẫn xem mình là những người thống trị dân hơn là chủ nhân của đất nước. Các vị vua thời nay như vua Pháp, vua Tây Ban Nha, vua Anh v.v….khéo léo hơn vì trong khi giữ đất, họ tin chắc giữ được thần dân trong tay mình.

Sự kiện khác thường trong việc chuyển nhượng này là, khi nhận của cải từ các thành viên, thay vì tước đoạt, cộng đồng lại bảo đảm họ được sở hữu một cách hợp pháp, thay thế sự chiếm đoạt bằng một quyền thực sự và sự thụ hưởng thành quyền tư hữu. Như thế, các chủ đất giờ được xem như người giữ của công, được tất cả các thành viên tôn trọng quyền sở hữu của mình và được toàn bộ sức mạnh của Quốc Gia bảo vệ chống ngoại xâm. Bằng một chuyển nhượng vừa có lợi cho tập thể vừa có lợi cho chính mình, ta có thể nói các chủ đất thu lại được hết tất cả những gì họ đã hiến tặng. Mâu thuẫn này được giải thích một cách dễ dàng bởi sự khác biệt về các quyền lợi mà Cộng Đồng và sở hữu chủ có trên cùng một mảnh đất như chúng ta sẽ thấy sau này.

Có thể xảy ra việc con người bắt đầu kết hợp nhau trước khi họ sở hữu cái gì đó và khi họ chiếm được một vùng đất rộng đủ cho tất cả, họ sẽ cùng thụ hưởng hay cùng chia cho nhau, hoặc đồng đều hoặc theo kích thước do Cộng Đồng ấn định. Tuy nhiên, dù được sở hữu cách nào chăng nữa, quyền của mỗi cá nhân trên mảnh đất lúc nào cũng tùy thuộc quyền cộng đồng có trên tất cả mọi người. Không thế, sự liên hệ xã hội sẽ không vững chắc cũng như Cộng Đồng sẽ không có sức mạnh thực sự.

Tôi sẽ kết thúc chương này của quyển sách bằng sự lưu ý về một yếu tố được dùng làm căn bản cho toàn bộ hệ thống xã hội: đó là, thay vì hủy bỏ sự bất bình đẳng tự nhiên thì trái lại, khế ước căn bản thay thế sự bất bình đẳng trên hình thức mà thiên nhiên có thể đã tạo ra giữa người với người bằng một sự bình đẳng hợp pháp có tính đạo đức. Cho nên, bất cứ kẻ nào không được bình đẳng trong sự thông minh và sức mạnh, sẽ trở nên bình đẳng qua khế ước và quyền lợi về pháp luật. [5]

Ghi Chú

[5] Dưới các chính quyền tồi tệ, sự bình đẳng này chỉ có tính cách biểu kiến, và chỉ nhằm mục đích giữ kẻ nghèo ở mãi trong sự nghèo khốn của họ, và kẻ giàu cứ ở trong vị thế đè đầu cỡi cổ đã tiếm đoạt được. Thực tế là luật pháp luôn luôn có lợi cho những kẻ có của và thiệt hại cho những kẻ bạch đinh. Từ đó ta có thể suy ra rằng trạng thái xã hội chỉ có lợi cho con người khi mọi người cùng có của cải, và không ai có quá nhiều của cải hơn những người khác.