fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển II

Chương 1
 

Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng được[e]

Hậu quả đầu tiên và quan trọng nhất của các nguyên tắc đã được nêu ra trước đây là chỉ có ý chí của tập thể mới có thể điều khiển Nhà Nước đạt đến cứu cánh của mình là công ích: bởi lẽ nếu các tranh chấp về quyền lợi cá biệt khiến việc thành lập xã hội trở nên cần thiết thì sự thoả thuận về chính các quyền lợi đó giúp cho sự thành lập này khả thi. Yếu tố chung nằm trong các quyền lợi khác biệt là sợi dây liên kết tạo nên xã hội và nếu không có điểm đồng thuận giữa các quyền lợi ắt sẽ không có một xã hội nào được hình thành. Chính phải dựa vào quyền lợi chung đó mà xã hội được cai trị.

Do đó, theo tôi, vì bản chất của Quyền Tối thượng không là gì khác hơn sự thi hành ý chí của cả tập thể nên Chủ quyền Tối thượng không thể được chuyển nhượng; và rằng, Hội đồng Tối cao, vì là một cơ cấu tập thể nên chỉ có thể được đại diện bởi chính nó mà thôi; cho nên, quyền hành có thể được uỷ nhiệm, nhưng ý chí thì không được.

Thực ra, ý chí một người có thể đồng thuận trên một điểm nào đó với ý chí tập thể nhưng sự đồng ý này không trường tồn và bất biến; bởi ý chí cá nhân, theo bản chất tự nhiên, hay thiên vị trong lúc ý chí tập thể hướng tới sự công bằng. Không thể có một bảo đảm nào cho cam kết này dù rằng sự bảo đảm phải luôn hiện diện; chẳng qua đó là hiệu quả của rủi may chứ không phải của toan tính. Hội đồng Tối cao có thể nói rằng: ‘Bây giờ, cái gì người ấy muốn, tôi cũng muốn, hoặc ít nhất, tôi muốn cái gì anh ta nói rằng anh ta muốn’; nhưng Hội đồng Tối cao không thể nói: ‘Cái gì mà ngày mai người ấy muốn, tôi cũng sẽ muốn’ bởi vì, thực hết sức vô lý nếu ý chí bị trói buộc vào tương lai; cũng như không một ý chí nào có bổn phận phải đồng ý về một điều gì không tốt cho người đó. Vậy nếu dân chúng chỉ đơn thuần hứa tuân lệnh thì chính hành động đó sẽ làm họ tan rã và đánh mất luôn đặc tính của mình; khi một người làm chủ, Hội đồng Tối cao sẽ không còn và kể từ lúc đó, cơ cấu chính trị không tồn tại nữa.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mệnh lệnh của nhà cầm quyền không được xem như đại diện cho ý chí tập thể, nếu Hội đồng Tối cao, tuy có tự do chống lại các mệnh lệnh đó, lại không làm gì cả. Trường hợp này, sự im lặng của toàn thể được xem như là sự đồng ý của cả dân tộc. Việc này sẽ được giải thích thêm sau.

Ghi chú

[e] Trong “Manuscrit de Geneve” (1.I, Chap. IV) Rousseau định nghĩa quyền tối thượng như sau “Trong quốc gia (État) có một sức mạnh chung chống đỡ nó, một ý chí tập thể điều khiển sức mạnh đó, và chính sự áp dụng của cái này lên cái nọ làm nên quyền tối thượng.”