fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Chương 2

Nguyên Tắc Kỷ Luật

Đoạn 43

Sau khi đã giải thích một cách tổng quát phương pháp phải theo, bây giờ ta phải xét chi tiết hơn các phương cách kỷ luật phải dùng đến. Tôi đã nói quá nhiều về sự cần thiết hướng dẫn trẻ em một cách cứng rắn để có thể bị nghi ngờ rằng tôi không lưu ý đến tuổi trẻ và thể chất yếu đuối của chúng. Nhưng sự nghi ngờ này sẽ tan biến nếu bạn nghe tôi nói tiếp. Thật ra, tôi nghĩ rằng trong việc giáo dục trẻ con, những sự trừng phạt quá nghiêm khắc không có kết quả tốt mà còn có những kết quả xấu; và tôi tin rằng, trong cùng điều kiện như nhau (caeteris paribus), những trẻ em nào bị trừng phạt nhiều nhất có rất ít khả năng trở thành những con người tốt. Tất cả những gì mà tôi muốn nói từ trước đến nay là, dù ta áp dụng sự nghiêm khắc đến độ nào đi nữa, ta chỉ nên dùng nó khi đứa trẻ càng nhỏ càng tốt. Và khi sự nghiêm khắc này được áp dụng một cách đứng đắn đã đem đến kết quả thì tốt hơn là giảm nhẹ nó đi và thay thế bằng một thứ kỷ luật nhẹ nhàng hơn.

Đoạn 44

Nếu, với một sự hướng dẫn cương quyết cha mẹ làm cho ý chí đứa trẻ trở nên dễ phục tùng, dễ uốn nắn trước khi chúng có thể nhớ được chúng bị đối xử như thế nào, thì chúng xem việc ấy như là tự nhiên mà có và sự việc này sẽ tác động trên chúng như là đến từ tự nhiên; làm như thế sẽ chặn trước mọi cơ hội chống đối hay phàn nàn. Chỉ có một điều đáng lưu ý là phải làm việc này rất sớm và phải tỏ ra không nhân nhượng cho đến khi sự sợ hãi và sự kính trọng trở nên quen thuộc với đứa trẻ và cho đến khi ta nhận thấy nó phục tùng và vâng lời một cách dễ dàng. Một khi thói quen kính trọng đó đã được thiết lập và ta phải đạt được việc này rất sớm nếu không ta sẽ gặp nhiều khó khăn, phải cần nhiều trận đòn để thiết lập lại nó, và sự khó khăn càng nhiều nếu ta càng để lâu hơn nữa. Ta sử dụng thói quen này để hướng dẫn đứa trẻ khi nó càng ngày càng hiểu biết, chứ không dùng đến roi vọt, la mắng hay những sự trừng phạt làm mất nhân phẩm khác. Ta có thể tỏ ra khoan dung ít hay nhiều trong sự đối xử với đứa trẻ tùy theo mức kính trọng mà nó dành cho ta.

Đoạn 45

Việc ta làm trên đây sẽ được dễ dàng chấp nhận hơn khi ta xét xem một nền giáo dục chân thật là gì và mục đích của nó là gì?

1 – Kẻ nào mà không làm chủ được các sở thích của mình, không biết cách chống lại sự thôi thúc của khoái lạc hay đau khổ hiện tại để làm theo những gì lý trí cho là phải, những kẻ đó thiếu hẳn các nguyên tắc chân thực của đức hạnh và sự siêng năng, và có nguy cơ trở thành những con người vô tích sự. Tính tình này dù trái ngược với bản chất tự nhiên, do vậy, cần phải được nuôi dưỡng đúng lúc. Tính tình này chính là căn bản thực sự của hạnh phúc và của khả năng trong tương lai cần phải được in sâu vào trí óc của đứa trẻ càng sớm càng tốt, ngay khi đứa trẻ bắt đầu hiều biết; sau hết, những người có trách nhiệm về giáo dục phải quan tâm khai triển thêm tính tình này bằng mọi phương tiện có thể đuợc.

Đoạn 46

2 –  Mặc khác nếu trí óc đứa trẻ bị kiềm chế quá chặt chẽ, bị xúc phạm quá nhiều, nếu tinh thần đứa trẻ bị suy nhược vì bị đàn áp bởi một thứ kỷ luật quá cứng rắn thì đứa trẻ sẽ mất lòng hăng hái, mất năng lực và có thể rơi vào tình trạng tệ hại hơn tình trạng nói trên. Thật vậy, những đứa trẻ hoang đàng nhưng có sức sống và có trí óc, nhiều khi có thể được sửa đổi và trở thành những con người có khả năng hoặc ngay cả những vĩ nhân, nhưng những đứa trẻ có tinh thần suy yếu, nhút nhát bạc nhược khó có thể trỗi dậy được và hiếm khi làm được gì. Tránh được cả hai trở ngại đó là một nghệ thuật lớn. Người nào tìm đuợc phương pháp làm cho đứa trẻ giữ được tính tình dễ dãi, linh hoạt, phóng khoáng và cùng một lúc tránh được những ham muốn có thể đem lại cho nó những tình huống khó khăn, người đó, theo tôi, đã biết cách hoà hợp được các điều trái ngược nhau và đã tìm đuợc bí mật thật sự của giáo dục.

Đoạn 47

Phương cách dễ dàng và mau chóng nhất là khiển trách và roi vọt, một phương pháp duy nhất mà các nhà giáo dục thường biết và nghĩ đến; [nhưng] phương cách ấy kém thích ứng nhất trong các phương cách được dùng trong giáo dục bởi vì nó có khuynh hướng dẫn đến hai mối nguy hại như tôi đã trình bày ở trên; hai mối nguy hại này, nếu thiên về bên nào thì, cũng giống như hai con thủy quái Charybdis và Scylla sẽ phá hủy những con tàu đụng vào chúng dù đến từ bất cứ phía nào.[1]

Đoạn 48

  1. – Loại trừng phạt này không giúp gì hết trong sự khắc phục khuyng hướng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm những thú vui vật chất trong hiện tại, và tránh đau đớn bằng bất cứ giá nào; ngược lại, sự trừng phạt lại còn khuyến khích đi tìm kiếm lạc thú và làm cho khuynh hướng đó trở nên mạnh mẽ hơn và từ đó nẩy ra mọi hành động xấu xa và các sai lầm trong cuộc sống. Thật vậy, ngoài việc muốn có một cảm giác thích thú khi ăn một trái cây độc hại mà nó thích hoặc muốn tránh sự đau đớn vì bị đòn, còn có cách nào khác khiến đứa trẻ học bài một cách miễn cưỡng? Trong trường hợp này nó chỉ chọn lựa sự thích thú lớn nhất hay tránh né nỗi đau đớn lớn nhất. Và tôi tự hỏi đó không phải là ta đã gieo rắc các lý do ấy trong đầu óc đứa trẻ hay sao, trong khi công việc của chúng ta là bứng đi và phá tan các lý do đó? Và như vậy, tôi không nghĩ rằng sự trừng phạt có ích lợi cho đứa trẻ khi sự xấu hổ vì bị trừng phạt không có ảnh hưởng nhiều hơn là sự đau đớn.

Đoạn 49

  1. – Lối sửa đổi kiểu này tự nhiên tạo ra một phản cảm đối với điều mà người thầy phải làm cho trẻ nhỏ ưa thích. Chẳng phải ta đã từng thấy trẻ em có ác cảm với những điều mà trước đây chúng vui vẻ chấp nhận, chỉ vì chúng bị đánh mắng hay chế diễu vì những điều đó. Ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy chúng hành xử như vậy, vì cả người lớn cũng không chấp nhận bị đối xử như thế. Ai mà không chán ghét những trò chơi mà mình không ưa nhưng cứ bị bắt phải làm? Điều này thực ra rất là tự nhiên, bởi vì những hoàn cảnh làm ta khó chịu thường ảnh hưởng xấu đến những gì trong trắng nhưng dính dấp đến hoàn cảnh đó: chẳng hạn như khi nhìn thấy một cái chén đã được dùng đựng loại thuốc đắng cũng đủ làm ta buồn nôn, dù rằng bây giờ chén đó có sạch sẽ, đẹp đẽ và được làm bằng vật liệu tốt nhất.

Đoạn 50

  1. – Sau hết, một kỷ luật mù quáng tạo nên những cá tính nô lệ. Đứa trẻ phục tùng và giả bộ vâng lời chừng nào mà nó còn sợ hãi roi vọt; nhưng ngay khi nó thoát khỏi sự đe dọa này và không còn ở dưới mắt của ông thầy nữa và khi nó tự cho là mình sẽ không bị trừng phạt nữa thì nó mở rộng cửa cho các khuynh hướng tự nhiên của nó; các khuynh hướng này, thay vì bị làm yếu đi bởi các trừng phạt thì ngược lại được gia tăng mạnh mẽ hơn và nổ tung mãnh liệt hơn nữa; còn một giả thuyết khác nữa mà tôi sẽ nói sau.

[1] Scylla và Charybdis là 2 con thủy quái trong thần thoại Hy Lạp nằm ở hai bên bờ eo biển Messina giữa Sicily và Ý đại lợi. Charybdis là con gái của Thần biển Poseidon, nhưng sau khi bị Zeus trừng phạt vì đánh cắp đàn súc vật của Hercules, bị hóa thành thủy quái tạo thành những vũng nước xoáy. Scylla là thủy quái 6 đầu ăn thịt người. Tàu bè vượt qua eo biển này rất khó khăn vì đi quá về bên nào cũng bị nguy hiểm. Từ đó, Scylla và Charybdis trở thành một thành ngữ chỉ tình trạng khó xử, ở trong một gọng kềm.