fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Chương 4

Phương Pháp Tổng Quát

Đoạn 63

Nhưng nếu ta áp dụng đúng các phương pháp giáo dục tốt thì ta không cần đến những loại phần thưởng hay trừng phạt thông thường mà ta thường nghĩ đến hay áp dụng theo thói quen. Thật vậy, các hành động dại dột nhưng ngây thơ, các trò chơi của con trẻ, tất cả phải cho phép đứa trẻ chơi tự do, không hạn chế, chừng nào mà đứa trẻ vẫn tôn trọng những người hiện diện; các lỗi lầm này là những lỗi lầm của lứa tuổi chứ không phải là của chính bản thân đứa trẻ. Và nếu, đúng như ta phải làm,  để cho thời gian, cho sự bắt chước, cho năm tháng chín mùi sửa chữa các lỗi lầm ấy thì đứa trẻ sẽ tránh được các trừng phạt áp dụng không đúng lúc và không có hiệu qủa. Các trừng phạt này hoặc là không đàn áp được các khuynh hướng tự nhiên của đứa trẻ; và nếu cứ lập đi lập lại một cách vô ích thì khi thật sự cần dùng đến chúng sẽ không còn hiệu qủa nữa; hoặc là nếu chúng đủ mạnh để làm giảm niềm vui tự nhiên của tuổi trẻ, chúng chỉ làm hư thể xác và trí óc của đứa trẻ. Nếu khi trẻ con chơi, chúng gây tiếng ồn ào và gây xáo trộn, làm cho người có mặt khó chịu (sự việc này chỉ xảy ra khi cha mẹ có mặt ở đó) thì nếu cha mẹ biết dùng uy quyền của mình, một tiếng nói, một cái nhìn của cha hoặc mẹ cũng đủ làm cho chúng đi chơi chỗ khác hay làm chúng yên lặng một thời gian. Nếu ta muốn kích thích trí óc, gia tăng thể lực và sức khỏe của đứa trẻ thì tốt hơn hết là nên khuyến khích hơn là la mắng, đánh đập, đàn áp cái tâm trạng vui nhộn này mà thiên nhiên dành cho lứa tuổi và tâm tính đứa trẻ vào lúc đó. Nghệ thuật cao nhất là biến tất cả những gì đứa trẻ làm thành những trò chơi thích thú.

Đoạn 64

Ở đây, hãy cho tôi nhấn mạnh đến một lỗi lầm trong phương pháp mà người ta thường dùng trong giáo dục: đó là việc nhồi nhét trí óc đứa trẻ trong mọi trường hợp với những luật lệ và lời giáo huấn mà nó không thể hiểu và sẽ quên ngay. Nếu đó là một việc mà ta muốn đứa trẻ làm, và cứ mỗi lần nó quên đi hay làm không tốt, thì ta hãy bắt nó lập đi lập lại cho đến khi có kết quả tốt. Làm như vậy có hai lợi ích: thứ nhất là nhận xét xem đó có phải là một việc mà trẻ con có khả năng thực hiện được hay không, hay là việc ta muốn trẻ làm có hợp với lứa tuổi của nó hay chưa; bởi vì có nhiều khi ta đòi hỏi nơi đứa trẻ những việc mà sau đó nó không thể làm đuợc; vậy nên phải dạy nó cách làm và tập cho nó làm. Nhưng nguời thầy thấy rằng ra lệnh dễ dàng hơn là dạy bảo! Lợi ích thứ hai là nên bắt đứa trẻ lập đi lập lại một hành động cho đến khi trở thành một thói quen thì đứa trẻ không cần dùng trí óc để nhớ và để suy nghĩ nữa, hai sự việc vượt ngoài lứa tuổi của nó; việc lập đi lập lại làm cho hành động của đứa trẻ trở nên tự nhiên. Vì vậy mà việc cúi gập người để chào hỏi, việc nhìn vào mắt người đang đối thoại, là những việc mà, nhờ đã thành thói quen, một người có giáo dục làm một cách tự nhiên cũng như hít thở vậy, một cách tự nhiên không cần phải suy nghĩ. Nếu ta dùng phương pháp ấy để sửa chữa lỗi lầm của đứa trẻ, nó sẽ không bao giờ phạm lỗi ấy nữa; và từng lỗi, từng lỗi một ta có thể loại hết tất cả để thay vào đó gieo những thói quen tốt mà ta muốn.

Đoạn 65

Tôi đã thấy nhiều bậc cha mẹ nhồi nhét vào đầu óc con cái nhiều luật lệ đến nỗi những đứa trẻ đáng thương này không nhớ được một phần mười các luật lệ đó, đừng nói gì đến việc thi hành chúng. Thế nhưng, cha mẹ vẫn trừng phạt con cái bằng rầy la hay đánh đập nếu chúng quên các luật lệ quá nhiều và phi lý ấy. Vậy kết qủa đương nhiên là bọn trẻ không lưu ý gì nữa đến những lời ta nói, vì chúng thấy rằng dù có lưu ý đến mức nào đi nữa thì cũng phạm lỗi và không thoát khỏi sự trừng phạt đi liền theo sau.

Vậy thì hãy cho con cái bạn càng ít luật lệ càng tốt, ít tốt hơn là nhiều, ngay cả các luật lệ mà ta thấy rất cần thiết. Thật vậy, nếu ta đưa ra quá nhiều luật lệ, thì sẽ xảy ra một trong hai trường hợp: hoặc là cần phải trừng phạt đứa trẻ thường xuyên: kết quả sẽ không tốt vì ta sẽ làm cho đứa trẻ lờn với trừng phạt; hoặc là ta để cho đứa trẻ vi phạm vài luật lệ rồi ta bỏ qua đi; làm như vậy, đứa trẻ sẽ quen thói coi thường luật lệ và uy quyền của cha mẹ sẽ bị giảm đi. Vậy chỉ nên đặt ra một số thật ít luật lệ; nhưng một khi luật lệ đã được đặt ra thì bắt buộc con cái phải tuyệt đối tuân hành. Đối với một đứa trẻ ít tuổi thì chỉ cần ít luật lệ; khi nó lớn, và khi luật lệ được thi hành tốt thì ta có thể thêm đìều luật khác.

Đoạn 66

Nhưng, tôi xin qúy vị nhớ rằng ta không giáo dục trẻ con bằng những luật lệ mà chúng không thể nhớ hết được. Tất cả những gì mà chúng cần phải làm, ta nên tạo thành thói quen cho chúng bằng cách bắt thực hành liên tục mỗi khi có cơ hội làm việc đó, và  tạo ra các cơ hội đó nếu cần. Như vậy, trẻ con sẽ hành động một cách dễ dàng và tự nhiên theo thói quen, không cần đến trí nhớ nữa. Nhưng phải lưu ý đến điều này: trước hết hãy tạo các thói quen đó bằng những lời nói ân cần, những lời khuyên dịu dàng làm như là ta muốn nhắc nhở đìều gì mà chúng quên; nên tránh các lời la rầy nghiêm khắc làm như là chúng cố ý phạm tội quên các luật lệ. Một việc nữa là tránh không nên tạo nhiều thói quen cùng một lúc: ta chỉ làm cho trí óc trẻ bị rối ren và không đạt được kết quả gì hết. Chỉ khi nào trẻ quen thói làm việc gì một cách dễ dàng, tự nhiên và không suy nghỉ thì ta mới dạy thêm một thói quen khác.

Phương pháp dạy trẻ con bằng cách bắt lập đi lập lại một hành động dưới sự quan sát và hướng dẫn của người thầy cho đến khi đứa trẻ đạt được thói quen và không phải dùng đến trí nhớ, có quá nhiều thuận lợi – dù xét dưới khiá cạnh nào đi nữa –  đến nỗi tôi không thể tự hỏi rằng tại sao người ta bỏ quên nó. Tôi đưa ra một thuận lợi mà tôi vừa mới nghĩ đến. Bằng phương pháp này ta sẽ xem những gì mà ta đòi hỏi nơi đứa trẻ có thích hợp với khả năng, với thiên tư và với cơ thể của nó không? Một việc ta phải lưu ý đến trong mọi phương pháp giáo dục đúng đắn. Ta không thể hy vọng thay đổi tính tình tự nhiên của đứa trẻ mà không làm cho nó bị tổn thương, như thay đổi một đứa trẻ vui vẻ, hoạt động thành một đứa trầm ngâm, trang nghiêm, hay một đứa trẻ u buồn thành một đứa hoạt động. Thượng đế đã tạo ra mỗi người với những cá tính riêng; các cá tính này cũng như các nét của hình dạng có thể được sửa chữa chút ít nhưng khó có thể sửa chữa hoàn toàn và chuyển đổi qua một hình thức trái ngược.

Vậy kẻ nào phụ trách giáo dục trẻ em phải nghiên cứu kỹ lưỡng bản tính và khả năng của chúng; bằng những thực nghiệm thường xuyên xem bản tính và khả năng ấy thiên về khuynh hướng nào và phát triển ra sao; quan sát bản tính của đứa trẻ, làm thế nào để cho nó tốt hơn và thích ứng với cái gì. Người làm giáo dục phải xem trẻ thiếu cái gì, xem chúng có thể đạt được các thứ ấy bằng cách chuyên cần luyện tập không; xem có nên tốn công sức luyện tập không. Vì trong nhiều trường hợp, tất cả những gì mà ta có thể làm, mà ta nhắm đến, là sử dụng một cách tốt nhất những gì thiên nhiên đã cho, hoặc bằng cách ngăn ngừa các tật xấu và các lỗi lầm đến với mỗi tính tình, hoặc phát triển các tính tốt sẵn có. Thiên tư của mỗi người nên được phát triển càng nhiều càng tốt; nhưng nếu ta cố gắng gán cho mỗi người một thiên tư mà nó không có, thì chỉ luống công mà thôi, và chỉ tạo nên cái vỏ bề ngoài cứng ngắc, thô kệch và kiểu cách giả tạo.

Đoạn 71

Sau khi đã nhận xét về tầm ảnh hưởng lớn mạnh của bạn bè và thích bắt chước người khác của tất cả chúng ta – nhất là lúc còn trẻ – tôi muốn lưu ý các bậc phụ huynh một điều: người nào muốn con cái kính trọng và nghe lời mình thì trước hết phải tôn trọng chúng. Maxima debetur pueris revenrentia (ta phải hết lòng kính trọng trẻ con). Trước mặt đứa trẻ ta không nên làm gì mà ta không muốn nó bắt chước làm theo. Nếu chẳng may ta làm điều gì mà  khi đứa trẻ làm ta cho đó là một lầm lỗi, ta có thể chắc chắn rằng, để chạy tội, nó sẽ nói là nó noi gương ta; ta sẽ không dễ dàng gì để bắt lỗi và sửa chữa nó. Nếu ta phạt nó về một hành động mà nó thấy chính ta đã làm, nó sẽ nghĩ rằng sự nghiêm khắc của ta không do tình thương và không phải vì ta lo lắng sửa chữa lỗi lầm của nó; nó chỉ xem đó là do sự cáu kỉnh và sự độc đoán của một người cha không muốn cho con mình tự do hưởng những thú vui mà không có một lý do chính đáng nào. Và nếu ta cho rằng ta có tự do làm bất cứ việc gì vì đã trưởng thành, và rằng con trẻ không có quyền làm như vậy, thì cái gương của ta sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn và càng làm cho hành động của ta thêm hấp dẫn đối với trẻ. Ta phải luôn luôn nhớ rằng trẻ con muốn làm ra vẻ người lớn sớm hơn ta tưởng; và chúng thích mặc quần, không phải vì lối cắt hay hay vì được thoải mái hơn, nhưng vì mặc quần là một dấu hiệu hay một bước tiến đến tuổi trưởng thành. Những gì mà tôi nói về thái độ của người cha trước mặt con cái cũng áp dụng cho tất cả những ai có quyền hành trên đứa trẻ, hoặc những ai ta muốn con trẻ phải kính trọng.

Đoạn 73

Bất cứ trẻ con học cái gì, ta cũng không nên tạo thành một gánh nặng cho chúng, hay là bắt chúng xem đó như là một nhiệm vụ. Mọi việc học hành trong những điều kiện đó sẽ gây nên khó chịu; trẻ sẽ thấy chán ngấy dù rằng trước đó chúng có thích hay dửng dưng với việc ấy. Ta hãy ra lệnh cho một đứa trẻ chơi con vụ mỗi ngày vào một giờ nhất định dù nó có muốn chơi hay không; hãy ép buộc nó, chơi nhiều giờ sáng và chiều, xem trò chơi này như là một bổn phận, ta sẽ thấy rằng trẻ sẽ chán ngấy trò chơi ấy cũng như là chán ngán bất cứ trò chơi nào mà nó bị ép buộc chơi trong những điều kiện như vậy. Người lớn không như vậy sao? Những gì mà họ tự làm một cách thích thú chẳng phải đã trở thành gánh nặng khi họ phải làm như là một nhiệm vụ hay sao? Ta nghĩ gì về trẻ con cũng được, nhưng chắc chắn là chúng cũng có lòng kiêu hãnh như người lớn; chúng muốn chứng tỏ rằng chúng có đầu óc tự do, rằng những việc làm tốt là do chính chúng làm và chúng hoàn toàn độc lập, như người lớn chúng ta.  Xin hãy nghĩ về điểm này.

Đoạn 74

  1. Một hệ quả của điều vừa nói trên là ta không nên bắt trẻ con làm ngay cả những việc ta muốn chúng làm, mà chỉ nên bắt chúng làm những việc chúng có sở thích hoặc chú tâm vào. Những người thích đọc sách, viết văn, chơi nhạc, … dư biết rằng có những lúc chính họ cũng không thích thú làm các thứ đó; và nếu vào những lúc đó, họ tự ép mình đọc sách, viết văn, chơi nhạc thì chỉ làm cho họ bực bội và mệt nhọc. Trẻ con cũng vậy. Vậy ta nên chú ý quan sát sự thay đổi tâm trạng nơi đứa trẻ và ta hãy mau mau nắm lấy những cơ hội thuận tiện khi nó sẵn sàng thu nhận những gì mà ta dạy; và nếu khi nó không tự chuẩn bị sẵn sàng thì, ta nên tập cho chúng có những sở thích ấy, trước khi trí óc chúng bị bận vào những việc khác.

Tôi không cho rằng đó là một việc khó khăn đối với một người thầy khôn ngoan; ông ta đã quan sát tính tình của học trò; ông ta sẽ không thấy gì khó khăn tạo nơi trí óc của đứa trẻ những kích thích hầu làm cho nó thích thú học; làm như vậy, ta sẽ tiết kìệm được vô số thời giờ và ít tốn công sức hơn: bởi vì một đứa trẻ thích thú học tập sẽ học được ba lần nhiều hơn, và nó sẽ phải mất gấp đôi thì giờ và công sức để học nếu nó bị ép buộc học hành một cách miễn cưỡng. Nếu việc này được thi hành một cách đúng đắn, ta có thể cho đứa trẻ chơi đùa thỏa thích và lại còn có đủ thì giờ để học những gì thích hợp với lứa tuổi của nó. Nhưng trong phương pháp giáo dục thông thường, người ta không làm và sẽ không làm như vậy. Cái kỷ luật cứng rắn của roi vọt được căn cứ trên những nguyên tắc khác: nó không tìm cách làm cho sự học hành trở nên thích thú, nó không lưu ý đến tâm trạng của đứa trẻ, không tìm kiếm những cơ hội thuận tiện để học hỏi. Và thật vậy, khi mà bằng sự cưỡng ép và bằng roi vọt ta đã làm cho đứa trẻ chán ghét học tập thì thật là lố bịch nếu ta mong nó tự ý ngừng chơi đùa và tự đi kiếm cơ hội để học tập; trong khi nếu ta biết cách làm tốt thì dù rằng ta muốn đứa trẻ học cái gì đi nữa, đứa trẻ sẽ thích thú học như là chơi và chơi như là học. Đối với trẻ con, khi đó sự khó nhọc giữa học và chơi trở nên giống nhau, nhưng chúng không lấy thế làm phiền, vì chúng thích dược náo nhiệt, và những sự thay đổi và nhiều loại khác nhau là những điều khiến chúng vui thích. Dưới mắt đứa trẻ, cái hấp dẫn trong trò chơi là nó hoàn toàn được tự do; nó tự làm khổ tùy theo ý muốn (ta có thể thấy rằng nó không bao giờ sợ phí sức). Ngược lại, học hành là một sự cưỡng ép: người ta gọi nó, người ta ép buộc nó, người ta dùng sức mạnh bắt nó học. Ngay từ đầu đó là những gì làm cho nó ngần ngại và nguội lạnh: nó muốn có sự tự do của nó. Hãy làm sao để chính đứa trẻ xin thầy cho nó học cũng như nó đã nhiều lần gọi bạn bè đi chơi; thay vì để thầy giáo gọi nó đi học, nó sẽ hài lòng thấy mình được tự do trong việc học cũng như trong các việc khác; nó sẽ hăng hái trong việc học cũng như trong lúc chơi; nó sẽ không thấy có sự khác biệt giữa học và chơi. Nếu ta áp dụng phương cách ấy một cách thận trọng, ta có thể hướng dẫn đứa trẻ học tất cả những gì mà ta muốn dạy nó. Tôi công nhận rằng việc khó khăn nhất là giáo dục đứa con cả, nhưng một khi nó đã đi vào con đường ta muốn, thì nhờ nó, ta sẽ dễ dàng thành công với những đứa sau.

Đoạn 81

Một việc có thể gây ngạc nhiên là tôi đề nghị lý luận với đứa trẻ; nhưng thật ra, tôi thấy đó là phương cách tốt nhất để đối xử với trẻ con. Chúng hiểu lý luận ngay khi chúng biết nói; và nếu tôi không lầm thì chúng thích được đối xử như những sinh vật có lý trí sớm hơn là ta tưởng. Ta nên nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh đó ở chúng, và ta phải sử dụng càng nhiều càng tốt niềm kiêu hãnh đó như là một dụng cụ để hướng dẫn chúng.

Nhưng khi tôi nói đến lý luận, tôi chỉ muốn đề cập đến các loại lý luận thích hợp với khả năng và sự hiểu biết của đúa trẻ. Không ai có thể nghĩ rằng ta có thể lý luận với một đứa trẻ lên ba hay lên bảy như với một người trưởng thành. Các bài diễn văn dài dòng, các lý luận triết lý chỉ là cho nó ngạc nhiên và bối rối chứ không dạy dỗ gì được. Khi tôi nói phải đối xử với trẻ con như là những sinh vật có lý trí, tôi cho là ta phải làm cho nó hiểu được bằng những cử chỉ dịu dàng của ta, bằng thái độ trầm tĩnh khi ta sửa chữa nó, rằng cái gì ta làm là hợp lý, ích lợi và cần thiết cho nó; rằng không phải là do ta bốc đồng, xúc động mà ta bắt nó làm cái này hay cấm cái kia. Trẻ con có thể hiểu được việc này; và tôi không nghĩ rằng ta có thể khuyên bảo trẻ con chấp nhận một tính tốt hay tránh xa một tật xấu; nhưng ta phải dùng những lý luận thích ứng với sự hiểu biết và tuổi tác của chúng, và phải giảng giải một cách rõ ràng, ngắn gọn. Các nguyên tắc căn bản của bổn phận, các cội rễ của sự phải và sự trái mà từ đó sinh ra bổn phận, tất cả những việc này cũng không phải dễ dàng mà giải thích ngay cả cho người lớn, khi họ không quen trừu tượng hoá suy nghĩ của họ từ các ý kiến thông thường mà họ nhận được. Trẻ con lại càng không thể lý luận trên những nguyên tắc xa vời. Chúng không có khả năng suy luận dài dòng. Các lý luận mà chúng chấp nhận đuợc là những lý luận quen thuộc, ngang tầm với suy nghĩ của chúng, những suy luận, mà ta có thể nói, phải giống như những gì chúng cảm được và sờ được. Nhưng tuy nhiên, nếu ta lưu ý đến tuổi tác, đến tâm trạng và sở thích của đứa trẻ, không bao giờ ta thiếu những động cơ đủ mạnh để thuyết phục nó. Và nếu ta không tìm được một động cơ nào đặc biệt hơn, thì vẫn có một việc khiến cho nó xa lánh lỗi lầm mà nó có thể phạm phải, đó là dạy cho nó biết xấu hổ trước những việc làm sai quấy và làm ta phật lòng.

Đoạn 95

Nhưng hãy trở lại phương pháp của chúng ta. Tôi có nói rằng sự kính trọng mà người cha tạo nên trong trí óc đứa trẻ bằng dáng vẻ nghiêm trang là điều kiện thiết yếu của một nền giáo dục tốt; tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ta không nên tiếp tục cư xử như thế với trẻ dù khi  chúng còn ở dưới sự giám hộ của ta. Ngược lại, tôi cho rằng ta phải giảm bớt sự nghiêm khắc này khi tuổi, sự khôn ngoan và hạnh kiểm của chúng cho phép ta làm như vậy. Khi đứa trẻ lớn lên và có thể hiểu được thì người cha nên trò chuyện thân mật với con, như là hỏi ý kiến hay trao đổi ý kiến về những gì mà nó biết. Làm như vậy, ngưòi cha đạt được hai việc, cả hai rất quan trọng. Một là chuẩn bị trí óc đứa trẻ cho những suy nghĩ quan trọng; như vậy tốt hơn là dẫn nó đến đó bằng những luật lệ, lời khuyên. Ta càng cư xử với nó như là một người lớn càng sớm, thì nó càng mau trở thành người lớn: và nếu đôi khi ta cho phép nó tranh luận với ta về những vấn đề nghiêm trọng, ta vô tình nâng cao trí óc nó lên trên những trò chơi và những công việc vặt vãnh của tuổi trẻ. Thật vậy, ta dễ dàng nhận thấy nhiều thanh niên tiếp tục nghĩ và nói như là những đứa học trò nhỏ sau khi chúng đã qua tuổi đó chỉ vì cha mẹ luôn luôn xa cách chúng và giữ mãi chúng trong hạng tuổi đó bằng mọi lối cư xử của mình.

Đoạn 118 

Sự tò mò của trẻ em mà tôi đã có dịp đề cập đến trong đoạn 108 chì là sự mong muốn hiểu biết; nó nên được khuyến khích, không phải vì tò mò là một dấu hiệu tốt, nhưng đó còn là một dụng cụ quan trọng mà thiên nhiên cung cấp để đánh tan sự dốt nát mà ta có khi sinh ra đời, một sự dốt nát mà, nếu không có tính tò mò đó, sẽ làm chúng ta trở nên những con người đần độn và vô ích. Để khuyến khích tính tò mò, để giữ cho nó luôn luôn sinh động, ta nên dùng các phương cách sau:

  1. Ta không nên loại bỏ, coi thường bất cứ câu hỏi nào của đứa trẻ; không để cho người khác chế nhạo nó; nhưng nên trả lời tất cả các câu hỏi của đứa trẻ; giảng dạy cho nó những gì mà nó muốn biết một cách dễ hiểu, thích ứng với tuổi và trỉnh độ hiểu biết của nó. Nhưng đừng làm nó rối trí bởi những lời giảng dạy, những khái niệm vượt quá khả năng của nó, hay bẳng quá nhiều khái niệm không liên hệ gì đến vấn đề nó muốn biết. Trong câu hỏi của đứa trẻ, hãy chú ý đến điểm mà nó muốn biết và đừng để  ý đến ngôn ngữ nó sử dụng: khi ta đã giảng giải cho nó và nó đã được thỏa mãn ta sẽ thấy trí óc của nó tự mở mang ra, và bằng những câu trả lời chính xác và thích hợp ta có thể dìu dắt trí óc nó đi xa hơn là ta tưởng. Đó là bởi trẻ con thích thú với sự hiểu biết, cũng như con mắt thích thú với ánh sáng. Trẻ con say mê hiểu biết và thích thú khi đạt được sự hiểu biết, nhất là khi thấy người khác để ý đến các câu hỏi của chúng, rằng sự mong muốn hiểu biết được khuyến khích và tán thưởng. Và tôi không nghi ngờ chút nào rằng lý do lớn nhất khiến cho trẻ con quên mình trong các môn giải trí ngớ ngẩn và phí thời giờ trong những trò chơi vô vị là bởi vì cha mẹ chúng thiếu khéo léo, trách mắng sự tò mò của chúng và lơ là không trả lời các câu hỏi của chúng. Nhưng nếu ta săn sóc, thương mến con trẻ nhiều hơn, nếu ta trả lời các câu hỏi của chúng một cách đứng đắn để thoả mãn chúng, tôi chắc chắn rằng trẻ con sẽ thích thú nhiều trong việc học tập, cũng như gia tăng sự hiểu biết với những đề tài mới lạ dưới nhiều dạng thức khác nhau; những sự việc này làm cho chúng thích thú hơn là luôn luôn phải trở về với cùng một trò chơi và những món đồ chơi giống nhau.

Đoạn 119

  1. Không những ta phải trả lời một cách nghiêm chỉnh các câu hỏi của trẻ con và dạy cho chúng những gì mà chúng muốn biết, như thể đó là những điều mà chúng xem là quan trọng và thật sự muốn biết, mà ta lại còn phải khuyến khích thêm cái tính tò mò ấy. Trước mặt những người mà chúng kính nể, ta nên ngợi khen trẻ về những hiểu biết của chúng; và vì, ngay từ thưở còn nằm trong nôi, chúng ta ai cũng là những sinh vật tự phụ và kiêu hãnh, nên ta hãy ngợi khen lòng tự hào của chúng bằng những gì có thể làm cho chúng tiến bộ; và hãy để cho sự hãnh diện  hướng những hoạt động của chúng về những điều có thể làm lợi cho chúng. Nếu áp dụng những nguyên tắc này, ta sẽ thấy rằng không có một động cơ nào khiến trẻ con ham học những gì mà ta muốn lại mạnh mẽ cho bằng việc giao cho chúng dạy lại cho các em nhỏ những gì chúng biết.

Đoạn 120

  1. Ta không bao giờ nên coi thường các câu hỏi của trẻ con, nên ta phải cẩn thận không bao giờ cho chúng những câu trả lời thiếu chính xác và giả dối. Trẻ con dễ dàng nhận thấy khi chúng bị lơ là hay bị lừa dối; và chúng mau chóng học thói xao lãng,  giấu giếm và lừa dối khi chúng thấy người khác làm như vậy. Bổn phận của chúng ta là phải tôn trọng sự thật, nhất là khi nói chuyện với trẻ con; vì nếu ta không thành thật với chúng, không những ta không đáp ứng các mong đợi,  ngăn chặn sự hiểu biết của chúng, mà ta còn làm hỏng sự thơ ngây và dạy cho chúng những tật xấu tệ hại nhất. Trẻ con như là những du khách mới đến một xứ hoàn toàn xa lạ; vậy chúng ta phải để tâm đừng lừa dối chúng. Và nhiều khi các câu hỏi của trẻ con có vẻ như là không đáng kể, ta cũng phải trả lời đứng đắn; vì đối với chúng ta, những người đã biết câu trả lời từ lâu, các câu hỏi ấy có vẻ như không đáng được đặt ra, nhưng với đứa trẻ chưa biết gì câu hỏi ấy rất quan trọng. Những gì quen thuộc với chúng ta thật ra vẫn còn xa lạ với trẻ con; tất cả những điều đến với chúng là những gì mới mẻ, cũng như đối với ta trước kia: hạnh phúc thay những ai gặp được những người văn minh, thấy được sự dốt nát của mình và giúp mình thoát khỏi sự ngu dốt đó!

Đoạn 133

Đây là những gì tôi suy nghĩ về phương pháp tổng quát để giáo dục một thiếu niên gia giáo, có tư cách và học thức;[1] và theo tôi, tuy rằng phương pháp này có chút ảnh hưởng đến toàn bộ giáo dục của anh ta, nhưng tôi không cho rằng phương pháp đó chứa đựng tất cả các đặc thù mà sự khôn lớn và tính tình anh ta đòi hỏi. Nhưng sau khi trình bày các tiền đề tổng quát này, sau đây tôi sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh của giáo dục một cách chi tiết hơn.

[1] Trong nguyên tác Locke dùng từ “gentleman.” Từ này theo Anh ngữ thời của Locke chỉ những người thuộc dòng dõi quý tộc hay những người có của ăn của để (từ điền sản hoặc từ của hương hỏa) và không phài làm lụng vất vả để kiếm sống. Hiểu theo nghĩa hiện đại, từ này chỉ những người có tư cách và học thức.