fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Chương 6

Trí Dục

Đoạn 147 

Có thể bạn ngạc nhiên rằng tôi để phần nói về học vấn vào đoạn cuối, nhất là nếu tôi nói rằng đối với tôi đó là phần ít quan trọng nhất của giáo dục. Sự việc này có thể lạ lùng từ miệng của một học giả; và sự mâu thuẫn lại càng lớn hơn khi người ta thường cho rằng học vấn là điều chính, nếu không nói là độc nhất, mà cha mẹ nghĩ đến khi nuôi nấng con cái. Khi tôi nghĩ đến công sức bỏ ra để học một chút tiếng La Tinh hay tiếng Hy Lạp, đến số năm dành ra để học các môn ấy, đến sự ồn ào và sự khó khăn để đi đến con số không, tôi không thể không nghĩ rằng cha mẹ vẫn còn sợ hãi cây roi của thầy giáo, và dưới mắt họ cây roi là dụng cụ duy nhất của giáo dục mà mục đích độc nhất là học được một hay hai thứ tiếng đó. Làm sao giải thích khác được việc cha mẹ xiềng xích con cái như những tên tội nhân chèo thuyền trong bảy, tám năm đẹp nhất của đời chúng nó để bắt chúng học một, hai thứ tiếng; một việc mà tôi cho rằng chúng có thể đạt được một cách dễ dàng hơn với ít thì giờ và công sức hơn, và gần như vừa học vừa chơi.

Hãy thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói rằng tôi mất kiên nhẫn khi thấy một thiếu niên bị ép buộc vào lớp học như một con vật, bắt buộc phải học dưới ngọn roi, ad capiendum ingenii cultum (để trau dồi trí tuệ) nhưng mà người ta sẽ nói, “bạn không muốn đứa trẻ biết đọc biết viết sao? Bạn muốn nó ngu dốt hơn tên thư ký của xứ đạo ta, một tên đã xem Hopkins và Sternhold như là những nhà thơ lớn nhất thế giới; hắn ta còn làm hai nhà thơ này tệ hơn thế nữa bằng cách xướng lên thơ của hai ông ấy.” Xin qúy vị đừng vội. Học đọc, học viết và học vấn nói chung, tất cả những thứ này đều cần thiết. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó là việc chính của giáo dục. Tôi cho rằng bạn có thể xem một người nào đó  là một kẻ ngốc khi anh ta tôn trọng một nhà thông thái danh tiếng hơn là tôn trọng một người đức hạnh và khôn ngoan. Theo tôi học vấn không phải là không ích lợi cho một người mà tâm trí đã phát triển để giúp họ trở nên khôn ngoan và có đức hạnh; nhưng ta phải công nhận rằng, đối với con người tâm trí chưa phát triển, học vấn chỉ làm cho họ ngây ngô hay trở thành người xấu hơn. Tôi nói lên sự việc này để đến khi bạn lo lắng cho sự giáo dục của con cái, khi bạn gửi con đến trường hay tìm một người dạy tại nhà, bạn không chỉ kiếm người biết tiếng La Tinh hay biết môn luận lý như người ta thường làm. Ta cần đến học vấn, nhưng chỉ nên để nó ở hàng thứ yếu, phụ thuộc vào các đức tính cao cả hơn. Vậy hãy nên kiếm một người biết dạy lối cư xử một cách tế nhị; trong tay người đó, bạn có thể bảo đảm sự ngây thơ của con cái bạn, phát triển và nuôi dưỡng các khuynh hướng tốt của chúng, từ từ sửa đổi các thói xấu, và giúp chúng có những thói quen tốt. Đó là điểm quan trọng. Một khi đạt đến đó, học vấn có thể xem là món được tặng thêm; và theo tôi với một cái giá rất hời bằng những phương pháp mà ta suy nghĩ đến.

 

Đoạn 148

Khi trẻ biết nói, đấy là lúc bắt đầu tập cho nó đọc. Nhưng về điểm này, hãy để tôi nhắc lại việc mà người ta thường quên: ta phải lưu ý tránh làm cho việc tập đọc trở thành một công việc cho đứa trẻ, và tránh cho đứa trẻ xem đó là một công việc. Như tôi đã nói, ngay từ thuở còn nằm nôi, chúng ta yêu mến tự do một cách tự nhiên và chúng ta ghét vô số chuyện mà không cần có lý do, chỉ vì ta bị ép buộc. Tôi luôn luôn nghĩ rằng việc học có thể trở thành một trò chơi, một thú tiêu khiển đối với trẻ con; và ta có thể làm cho trẻ thích học, nếu trẻ xem sự học như là một việc đáng trọng, một trò giải trí thích thú hay như là một phần thưởng vì đã làm xong một cái gì; và nếu ta không bao giờ la rầy hay sửa chữa chúng vì đã lơ là việc học hành. Cái làm cho tôi vững tin nơi ý kiến này là, đối với người Bồ Đào Nha, việc học đọc, học viết là một thời trang, một sự ganh đua cho trẻ con, người ta thấy chúng dạy cho nhau đọc, viết, sốt sắng đến nỗi không ai cấm chúng được. Tôi nhớ rằng một ngày nọ, tôi đến chơi nhà một người bạn. Đứa con trai út, một đứa bé còn mặc váy, không chịu học đọc với mẹ nó. Tôi liền tìm cách làm cho nó xem việc học không phải là một việc bị bắt buộc. Sau khi bàn bạc với cha mẹ nó, chúng tôi trò chuyện làm như không chú ý đến nó. Chúng tôi nói rằng việc đi học là một đặc ân, là một mối lợi cho các người thừa kế, cho con trai trưởng để trở nên những nhà thông thái; rằng việc học sẽ giúp trở thành những nhà qúy tộc tài giỏi, được mọi nguời mến chuộng, rằng đối với những đứa con thứ thì việc học là một ưu đãi; rằng dạy cho chúng đọc và viết là một chuyện vượt ngoài tầm dành cho chúng; nếu chúng muốn, chúng có thể trở thành ngu dốt như những tên nhà quê vụng về, hay những tên hề. Câu chuyện này gây một ấn tượng sâu sắc đến nỗi sau đó đứa trẻ tự ý đi tìm mẹ nó để học, và chỉ ngưng làm phiền bà vú khi bà ta đã nghe nó trả bài. Tôi không nghĩ rằng người ta không thể sử dụng những phương cách khác với những đứa trẻ khác; và một khi đã biết được tính tình chúng, ta có thể gieo trong óc chúng những ý tưởng hầu làm cho chúng tự thích việc học hành, tìm xem sự học cũng như một trò tiêu khiển. Nhưng, như tôi đã nói, không bao giờ nên ép buộc việc học như là một công việc, cũng như làm phiền đứa trẻ với việc học. Người ta có thể dùng những con lúc lắc hay những đồ chơi khác trên đó có khắc chữ để cho trẻ con vừa học chữ cái vừa chơi; ta có thể bày ra vài chục lối dạy học như vậy, thích ứng với các tính tình khác nhau để làm việc học trở thành trò chơi.

Đoạn 167

…Có một lý do khác nữa để cho người thầy tránh không gây thêm khó khăn cho học trò, mà trái lại, phải giúp làm cho con đuờng học vấn dễ dàng hơn và giúp trẻ vưọt qua các chướng ngại. Trí óc trẻ con yếu kém, hẹp hòi, thường thường chỉ chứa đựng được mỗi lần một ý tưởng. Khi đứa trẻ có một ý tưởng gì trong óc thì nó hoàn toàn bị ý đó xâm chiếm, nhất là khi có sự đam mê trong đó. Sự khéo léo và nghệ thuật của  người thầy là loại bỏ mọi ý tưởng khỏi trí óc đứa trẻ trước khi dạy nó một cái gì, trí óc của nó phải được dọn dẹp trống trải để có thể thâu nhận các kiến thức mới; nếu không có điều kiện này thì kiến thức sẽ không in sâu trong đầu đứa trẻ. Trong tâm trạng tự nhiên của trẻ con, trí óc không được tập trung. Chúng thích cái gì mới, thấy cái gì mới là chúng muốn hưởng thụ ngay và cũng mau chán. Chúng chán làm một việc gì lâu dài và cảm thấy thích thú trong sự thay đổi với những điều khác nhau.  Vì thế ta đi trái với tâm trạng tự nhiên của đứa trẻ khi ta muốn cố định các ý tưởng lang bang của nó. Dù cho đó là ảnh hưởng của tâm trạng trí não hay là do sự thay đổi mau chóng và sự bất ổn định của trí óc động vật, khi mà trí tuệ chưa hoàn toàn làm chủ thì chắc chắn là thật khó khăn cho đứa trẻ phải tập trung ý tưởng của nó vào một việc. Một sự chú ý lâu dài và liên tục là một việc khó mà ta có thể đòi hỏi nơi đứa trẻ; vì vậy, nếu ta muốn trẻ chú ý đến một việc gì thì hãy cố gắng làm cho việc ấy trở nên càng thích thú càng tốt; ít nhất là thận trọng không nên gieo vào óc đứa trẻ một ý tưởng khó chịu hay đáng sợ nào. Nếu đứa trẻ không cảm thấy thích thú chút nào khi cầm cuốn sách, ta không nên ngạc nhiên thấy ý nghĩ của nó tách xa khỏi cái làm cho nó khó chịu và liên tưởng đến những điều mà trí tưởng tượng của nó khiến chúng thích thú hơn.

Sau đây là một phương pháp quen thuộc của các thầy giáo để làm cho học trò lưu ý và tập trung trí óc chúng vào những gì đang được giảng dạy; họ khiển trách và trừng phạt học trò một khi chúng không tập trung tư tưởng vào việc học. Nhưng sự đối xử như vậy đưa đến kết quả ngược lại. Lời nói thậm tệ, roi vọt làm cho đứa trẻ kinh sợ; trí óc nó bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi, và không còn chỗ cho các ý tưởng khác nữa. Tôi chắc rằng qúy vị độc giả có thể nhớ lại trí óc của mình đã bối rối như thế nào khi nghe các lời nóng nảy, đầy uy quyền của cha mẹ, với hậu qủa là không thể hiểu ai nói gì hoặc là mình nói gì nữa. Lúc đó, đứa trẻ không còn thấy vấn đề mà đáng ra chúng phải để ý đến; trí óc của đứa trẻ đầy bối rối và bị xáo trộn, và trong tình trạng đó, nó không còn có thể chú ý vào điều gì nữa.

Dĩ nhiên, cha mẹ và người thầy đặt quyền uy của mình trên sự sợ hãi, và dạy dỗ trẻ con dựa trên nguyên tắc đó: nhưng một khi đã tạo được uy thế rồi thì nên sử dụng một cách dè dặt, và tránh đừng làm cho mình trở thành những “ông kẹ”  làm trẻ con run sợ. Một sự nghiêm khắc như vậy có thể giúp công việc dạy dỗ dễ dàng hơn cho cha mẹ và người thầy nhưng không giúp ích gì cho trẻ con. Chúng không thể học được gì khi mà trí óc chúng bị một xúc động mạnh làm xáo trộn, nhất là bởi sự sợ hãi; sự sợ hãi gây một ấn tượng mạnh mẽ nhất trên trí óc còn non nớt và yếu đuối của trẻ con. Hãy giữ trí óc của trẻ trong một trạng thái thoải mái, yên tĩnh, nếu ta muốn nó học những gì mà ta dạy và thâu thập những kiến thức mới. Ta không thể viết những chữ đẹp và đều đặn lên một trí óc đang run sợ cũng như là viết trên một trang giấy đang rung động.

Tài khéo lớn nhất của người thầy là biết cách gây nên và giữ sự chú ý của học trò; với sự chú ý của học trò người thầy có thể dạy thật mau tùy theo khả năng hấp thụ của đứa trẻ; [Khi học trò không chú ý, thì] dù thầy giáo có hối hả, kêu gào đến đâu chăng nữa, đứa trẻ cũng chẳng học được gì. Muốn được sự chú ý của đứa trẻ, ông ta phải làm cho nó hiểu – càng nhiều càng tốt – sự ích lợi của những điều nó học được, và làm cho nó thấy rằng nhờ có học mà nó có thể làm những điều mà trước nay nó không làm được; rằng nó đã có được những hiểu biết để giúp nó có một năng lực và hơn hẳn những kẻ còn ngu dốt. Thêm vào đó, ta phải dịu dàng trong việc dạy dỗ để tỏ cho đứa trẻ biết rằng ta yêu thương nó, rằng ta chỉ muốn sự tốt cho nó. Ấy là cách duy nhất để cho đứa trẻ tin yêu ta, làm cho nó nghe lời giảng dạy của người thầy và yêu thích những gì ông ta dạy.

Chỉ có sự bướng bỉnh ngoan cố mới cần đến sự đối xử độc đoán và cứng rắn. Ta nên sửa chữa các lỗi lầm khác một cách dịu dàng. Đối với một đứa trẻ có bản chất tốt, những lời nói dịu dàng, hấp dẫn có một hiệu quả tốt và chắc chắn hơn, cũng như  ngăn ngừa được rất nhiều tai hại mà kỷ luật độc đoán và cứng rắn có thể gây ra cho tâm hồn những đứa trẻ tốt và ngoan ngoãn. Đúng vậy, sự bướng bỉnh và các lỗi lầm cố ý phải được răn dạy, ngay cả bằng roi vọt. Nhưng tôi tin rằng sự hư hỏng của đứa trẻ nhiều khi chỉ là hậu qủa của sự khắc nghiệt của người thầy; và rằng phần đông trẻ con không đáng bị đánh, chỉ vì sự nghiêm khắc không cần thiết và hình phạt áp dụng không đúng chỗ của thầy giáo đã khiến cho chúng nghĩ xấu và ghét người thầy cùng với tất cả những gì liên quan  đến ông ta.

Sự sơ xuất, tính hay quên, sự nhẹ dạ và tính hay thay đổi ý kiến, đấy là những lỗi lầm tự nhìên của tuổi trẻ. Vậy thì khi trẻ con không có ý phạm lỗi, ta chỉ nên đề cập đến một cách dịu dàng và để cho thời gian sửa chữa các lỗi đó. Nếu mỗi lỗi lầm trong các loại nói trên làm cho ta nổi giận và trừng phạt thì các cơ hội để trừng phạt và la rầy sẽ xảy ra nhiều đến nỗi cha mẹ hay người thầy sẽ là một đối tượng làm cho đứa trẻ kinh hãi và khó chịu; và sự kiện này đủ để làm cho nó không thu thập được các bài học và vô hiệu hóa tất cả sự dạy dỗ.

Vậy thì người thầy phải làm cho học trò biết nể sợ bằng những cử chỉ, lời nói đầy yêu thương, tốt lành để cho tình thương thúc đẩy chúng làm tròn bổn phận và giúp cho chúng được thoải mái để tuân lời ông ta. Ta sẽ thấy chúng vui vẻ đến với thầy; chúng sẽ nghe lời thầy như nghe một người bạn đang bỏ công sức để làm tốt cho chúng; tất cả thời gian mà chúng ở với thầy, tâm trí chúng thảnh thơi và yên tĩnh: một tâm trạng thiết yếu để thu thập những kiến thức mới, và để thu nhận những ấn tượng mạnh mẽ lâu dài; không có những ấn tượng này, tất cả những gì thầy trò làm sẽ là công cốc; cả hai đều đã tốn nhiều công sức mà chẳng đạt được tí gì.

Đoạn 177

Nhưng cha mẹ nên giao con cái mình cho ai dạy dỗ trong tuổi ấu thơ của chúng? Đây là một điều chắc chắn. Người thầy phải là người xem việc học tiếng La-tinh hay ngôn ngữ là thứ yếu trong việc giáo dục con trẻ; là người biết rằng đức hạnh và tâm tính tốt còn quan trọng hơn bất kỳ môn học nào và xem việc rèn luyện đức tính là nhiệm vụ chính của giáo dục: khi đã có được đức tính, dù các môn học khác có bị xao nhãng đi chăng nữa, cuối cùng, người học sinh ấy cũng sẽ bù lại được; còn nếu mà không rèn luyện được đức tính, để tránh những thói hư, tật xấu, thì những môn ngôn ngữ hay khoa học hay bằng cấp nọ kia cũng chẳng ích gì, vì nó có thể tạo nên một con người xấu xa hay nguy hiểm hơn cho xã hội.

 

Kết Luận

 

Đoạn 217

Tuy rằng bây giờ tôi đến phần cuối của các nhận xét về giáo dục, tôi không muốn để lại cảm tưởng rằng đây là một luận án về đề tài này. Có hàng ngàn việc khác mà ta cần phải lưu ý đến, nhất là nếu ta muốn cứu xét đến các loại tính tình, các khuynh hướng khác nhau, các tật xấu đặc thù mà ta thấy nơi đứa trẻ để tìm những liều thuốc thích ứng. Đề tài này đa dạng đến nỗi phải cần đến cả một cuốn sách, có khi vẫn còn không đủ. Mỗi con người có những tính tình riêng biệt; các tính tình này cùng với những nét của diện mạo làm người này khác với người kia; và không thể nào có hai đứa trẻ mà ta có thể dạy dỗ bằng cùng một phương pháp. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng một vị hoàng tử, một nhà quý tôc và một người thường dân phải được giáo dục khác nhau. Nhưng tôi chỉ muốn trình bày trong cuốn sách này một vài nhận xét tổng quát liên hệ đến mục tiêu chính của giáo dục. Ngoài ra, các nhận xét này nhằm đến con một nhà quý tộc bạn của tôi; về tuổi tác của nó, tôi xem đó như là một trang giấy trắng hay là một miếng sáp mà tôi có thể uốn nắn theo ý mình. Vậy nên tôi chỉ đề cập đến những điểm thiết yếu, đến những gì mà tôi xem như cần thiết cho việc giáo dục một đứa trẻ trong các điều kiện ấy. Và bây giờ tôi cho công bố những ý tưởng mà tôi có mỗi khi tôi suy nghĩ đến vấn đề giáo dục, tuy rằng đây không phải là một luận án đầy đủ về đề tài này. Tôi không nghĩ rằng mỗi người sẽ tìm ra trong đó những cái gì thật thích hợp cho con cái mình, nhưng tôi hy vọng rằng các suy nghĩ của tôi có thể đem đến vài ánh sáng nho nhỏ cho tất cả những ai ưu ái đến con cái mình. Và trong việc giáo dục con cái, họ sẽ xét hỏi lý trí của chính họ thay vì hoàn toàn dựa vào những phương pháp giáo dục lỗi thời.