fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Chương 1

Nguyên tắc Tổng quát*

Đoạn 1

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, đây là một câu nói ngắn gọn, mô tả đầy đủ thế nào là hạnh phúc trên cõi đời này. Người nào có hai điều kiện đó không còn gì để mong ước thêm nữa; và kẻ nào thiếu một trong hai điều đó sẽ không hưởng được gì cả. Hạnh phúc hoặc sự khốn khổ phần lớn do chính ta tạo nên. Kẻ nào trí óc kém khôn ngoan thì không bao giờ đi đúng con đường tốt; và kẻ nào có một thân thể gầy gò, yếu đuối sẽ không bao giờ có khả năng đi trên con đường ấy. Tôi công nhận rằng có những người được tạo hoá ban cho một thân thể và một trí óc mạnh mẽ đến độ họ không cần đến sự giúp đỡ của ai khác; nhưng bằng cái thiên tư thiên phú mạnh mẽ của họ, ngay từ khi còn nằm trong nôi, họ được hưởng những gì tốt đẹp nhất; và vì được đặc ân có một thể chất tốt đẹp, họ có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu. Nhưng những mẫu người như vậy thật là hiếm hoi; và tôi có thể nói rằng, qua tất cả những người mà tôi đã gặp, chín mươi phần trăm của những người ta gặp, những người này tốt hay xấu, hữu dụng hay vô tích sự, đều do giáo dục mà ra cả.

Giáo dục tạo nên sự khác biệt giữa các con người. Ngay những cảm giác nhỏ nhoi, có thể gần như không cảm thấy được, mà chúng ta thu nhận được từ thời thơ ấu, có những ảnh hưởng quan trọng và lâu dài. Các cảm giác đầu tìên ấy có thể được ví như những nguồn của các con sông: chỉ cần một sức nhẹ của bàn tay là có thể làm lệch dòng nước ra thành nhiều luồng nước chảy theo nhiều hướng trái ngược nhau; hậu quả là tùy theo hướng được lèo lái ngay từ đầu nguồn, các con sông chảy theo nhiều dòng khác nhau, và cuối cùng chảy đến những nơi xa xôi, hẻo lánh.

Đoạn 32

Nếu những gì mà tôi đã nói ở đầu bài này là đúng – và tôi chắc là như vậy – rằng các sự khác biệt trong tư cách và khả năng của con người là do giáo dục tạo nên hơn là do những gì khác thì chúng ta có lý do để kết luận rằng ta phải rất thận trọng trong việc rèn luyện trí óc của trẻ con, và nếu giáo dục chúng sớm sủa thì sự việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của chúng sau này. Thật vậy, nếu sau này chúng tốt hay xấu, người ta sẽ căn cứ trên giáo dục mà khen hay chê chúng; và khi chúng phạm lỗi, người ta sẽ không khỏi phán xét bẳng câu nói thường tình: “Đó là lỗi do nền giáo dục mà chúng đã nhận được”.

Đoạn 33

Nếu sức mạnh của thân thể giúp ta chịu đựng gian khổ, thì sức mạnh của tinh thần cũng thế, [giúp ta chống lại các cám dỗ]. Cái nguyên tắc, cái căn bản lớn của mọi đức hạnh và giá trị là con người có khả năng từ chối các ham muốn, chống lại các cám dỗ, và hoàn toàn theo con đường tốt nhất mà lý trí dẫn dắt, dù cho các ham muốn kéo đi theo con đường khác.

Đoạn 34

Lỗi lầm lớn nhất mà người ta thường vi phạm trong việc giáo dục con cái là không săn sóc chúng vào đúng lúc; rằng ta không huấn luyện chúng để tuân theo kỷ luật, để có thói quen uốn nắn mình theo lẽ phải ở tuổi mà chúng dễ bảo nhất, dễ thu nhận nhất. Theo luật tự nhiên, cha mẹ yêu thương con cái mình, và nếu lý trí không chế ngự được tình thương này thì có thể biến nó thành sự nuông chiều. Cha mẹ yêu thương con cái đó là bổn phận của họ; nhưng rất nhiều khi, với con người của chúng, họ cũng yêu thương các tật xấu của chúng nữa. Họ nói ta không nên làm con cái phật lòng. Ta phải cho chúng được thỏa chí trong mọi việc; và vì còn thơ ấu, chúng không thể phạm những lỗi lầm lớn lao, cho nên cha mẹ nghĩ rằng có thể chấp nhận sự việc ấy và xem các lỗi lầm này như là những trò chơi thích thú thích hợp với lứa tuổi của đứa trẻ. Nhưng với các bậc cha mẹ ưa nuông chiều con cái, không những không sửa chữa lỗi lầm của chúng mà còn cho lỗi đó không quan trọng, thì nhà lập pháp trứ danh Solon nói rằng: “Phải rồi, đó là việc nhỏ, nhưng để tập thành thói quen là một chuyện lớn”.

Đoạn 35

Đứa trẻ biết đánh, biết chửi vì được nuông chiều; người lớn phải cho nó những gì nó la khóc đòi hỏi; phải làm tất cả  điều nó muốn. Cha mẹ, khi tâng bốc, chiều chuộng lúc con cái còn thơ ấu, hẳn làm hư hỏng các thiên hướng tự nhiên của chúng. Vậy mà họ lại ngạc nhiên vì phải uống nước đắng khi chính họ đã đầu độc giếng nước. Thật vậy, khi con cái khôn lớn, các tật xấu cũng lớn theo . Khi chúng quá tuổi được nuông chiều, và khi cha mẹ không thể xem chúng như là đồ chơi nữa, họ than vãn rằng: con cái cứng đầu và hư hỏng. Họ bị xúc phạm khi thấy chúng ngang bướng. Họ bị quấy rầy bởi những tật xấu mà chính họ đã truyền vào chúng và tạo ra cho chúng. Và bây giờ, có thể là quá muộn rồi. Họ sẽ sung sướng nếu nhổ được nhúm cỏ dại họ đã tự tay trồng lên; nhưng nay thì dễ gì mà bứng đi được khi chúng đã bắt rễ quá sâu. Nếu đứa trẻ đã được tập thói quen muốn gì được nấy khi còn mặc tã, tại sao ta lấy làm ngạc nhiên khi nó vẫn muốn được tiếp tục làm như vậy khi nó đã mặc quần? Thật vậy, nó càng đến gần tuổi trưởng thành, các tật xấu càng nổi bật nên ít có cha mẹ nào mù quáng đến nỗi không nhận thấy các tật xấu đó, cũng như không cảm nhận được các hậu quả xấu do sự khoan dung của mình. Đứa trẻ đã biết bắt bà vú làm tất cả những gì nó muốn truớc khi nó biết nói hay biết đi. Nó điều khiển cha mẹ nó từ khi còn bập bẹ. Nay nó đã lớn khôn, khỏe mạnh hơn và thông minh hơn, tại sao bỗng nhiên nó lại để mình bị ngăn cản hay kiềm chế? Tại sao vào lúc 7, 14, hay 20 tuổ, nó lại bị mất các đặc quyền mà cha mẹ đã cho khi họ khoan nhượng? Hãy thử làm như vậy với chó, ngựa hay với bất cứ con vật nào khác, ta sẽ thấy rằng, sau khi chúng đã lớn, ta không dễ dàng sửa đổi các tật xấu chúng đã nhiễm lúc còn nhỏ. Vả lại, có con vật nào có độ ngang bướng, tự hào, có ý tự làm chủ và làm chủ kẻ khác bằng nửa con người?

Đoạn 36

Thông thường, chúng ta khá khôn ngoan để bắt đầu giáo dục thú vật khi chúng còn nhỏ để ghép chúng vào kỷ luật nếu chúng ta muốn sử dụng chúng nhưng lại lơ đểnh trong nhiệm vụ này với chính con cái của chúng ta. Sau khi đã tạo chúng thành những đứa trẻ xấu, ta lại có ý nghĩ điên rồ muốn chúng trở nên những con người tốt. Nếu mỗi lần ta làm cho đứa trẻ vui khi nó muốn ăn nho hay kẹo bánh, thay vì để nó khóc hay hờn giận, thì tại sao khi nó khôn lớn, ta lại không chiều ý khi nó muốn uống rượu hay đàn bà? Đó là những sở thích của lứa tuổi thanh niên, cũng như kẹo bánh là sở thích của con trẻ. Lỗi lầm không phải do những ham muốn thích ứng với thị hiếu của mỗi lứa tuổi mà là không biết bắt chúng lệ thuộc vào kỷ luật và sự hạn chế của lý trí. Sự khác biệt không phải là ở việc có hay không có những đam mê, nhưng là ở chỗ có hoặc không có khả năng làm chủ lấy mình và từ khước các đam mê đó. Khi còn trẻ, mà đã không tập thói quen để ý chí của mình phục tùng lý trí của những kẻ khác, thì sẽ gặp khó khăn khi đến tuổi tự mình buộc ý muốn tuân theo lý trí. Một đứa trẻ được giáo dục như vậy sẽ trở thành một con người như thế nào? Thật dễ dàng suy đoán.

Đoạn 37

Dường như đó là những thiếu sót mà bất kỳ ai muốn lo lắng giáo dục con cái thường phạm phải. Nhưng nếu xét đến phương thức hướng dẫn trẻ em thường áp dụng, ta sẽ có lý do để hỏi rằng: có phần nào dành cho sự giáo dục về đức hạnh không, khi ta nghe những lời phán xét về sự khiếm khuyết trong các cách hành xử? Tôi muốn biết tật xấu nào mà cha mẹ và những người săn sóc đứa trẻ không dạy cho nó, tật xấu mà hạt giống đã được gieo mầm trong trí óc đứa trẻ ngay khi nó vừa có khả năng thu nhận? Nói như vậy không có nghĩa là không có các gương tốt, các mẫu mực mà người ta đưa ra trước mắt đứa trẻ, nhưng những điều đó chỉ vừa đủ để khuyến khích nó; điều mà tôi muốn đề cập nơi đây là người ta dạy cho đứa trẻ những tật xấu, và dẫn nó rời xa con đường đức hạnh.

Ngay khi đứa trẻ còn chập chững, người ta truyền đạt cho nó bạo lực, báo thù và độc ác.  “Đánh cho bố một cái đi, rồi bố đánh nó cho con,” là bài học mà phần đông trẻ con nghe mỗi ngày. Người ta nghĩ rằng việc ấy không đáng gì, vì tay trẻ con chưa đủ sức để gây đau đớn nhưng tôi tự hỏi: xử sự như vậy có làm hư hỏng trí óc trẻ con không? Ta có đưa ra trước mắt nó sự thực hành bạo lực không? Nếu từ khi nó còn nhỏ, ta dạy nó đánh hay gây thương tích cho kẻ khác qua tay một người nào, nếu ta khuyến khích nó vui sướng khi làm cho kẻ khác đau đớn, và nếu ta tập cho nó quen nhìn người khác đau đớn, chẳng phải là ta đã chuẩn bị cho nó hành động như vậy khi nó đủ mạnh để đánh thực sự và thấy đòn của mình có hiệu quả sao?

Chúng ta mặc áo quần để khỏi bị xấu hổ, để được ấm áp và để che chở thân thể, nhưng có một số cha mẹ vì thói xấu hay vì điên rồ mà gán cho quần áo những mục tiêu khác. Họ biến quần áo thành những đồ vật để khiêu gợi lòng kiêu căng, đua đòi. Người ta làm cho một đứa trẻ say mê một bộ y phục vì bộ y phục ấy mới và đẹp. Khi một cô bé được mặc một chiếc áo mới và tóc được cắt theo đúng thời trang, có khác gì bà mẹ đã dạy cho nó tự ngưỡng mộ bằng cách gọi nó là “hoàng hậu bé nhỏ của mẹ,” “công chúa nhỏ bé của mẹ.” Như vậy, trẻ con học thói quen hãnh diện về quần áo của mình trước khi chúng có thể tự mặc lấy áo quần. Làm sao chúng lại không tiếp tục hãnh diện phô trương cái bề ngoài-và chúng cũng không biết rằng đó là công sức của những thợ may-khi chính cha mẹ chúng đã dạy như vậy từ khi chúng còn thơ ấu?

Cha mẹ tập cho con cái nói dối, nói lập lờ, xin lỗi mà thật sự không khác gì nói dối. Đứa trẻ, như người tập sự học nghề, được khuyến khích làm như vậy khi cha mẹ hay chủ nhân có lợi trong việc đó. Và khi  được khuyến khích nói dối để làm lợi cho chủ, thì tại sao  trong tương lai đứa trẻ sẽ không làm như vậy khi có lợi cho chính nó?

Chỉ vì tài chánh yếu kém, mà giới bình dân không khuyến khích con cái họ ăn uống thừa mứa, không dụ dỗ chúng với kẹo bánh, không xúi giục chúng ăn uống quá mức cần thiết. Khi họ có cơ hội, chính họ lại nêu gương xấu: không phải vì họ không tham ăn hay ghét uống, nhưng vì họ không có phương tiện. Ngoài ra, nếu nhìn vào gia thế những kẻ giàu có, ta thấy họ xem sự ăn uống như là cái gì quan trọng nhất và hạnh phúc nhất trong đời; con cái của họ, nếu không được ăn uống như vậy, sẽ cảm thấy như bị bỏ rơi. Các món xốt, các món ragu, các món ăn đủ loại được xảo thuật của nghề nấu ăn làm cho ngon miệng là những gì mà người ta xử dụng để kích thích khẩu vị khi đã no; bấy giờ, vì sợ dạ dày quá đầy, người ta lấy cớ đó để mời thêm một ly rượu, nói là giúp tiêu hoá nhưng thật sự chỉ làm cho sự tiêu hóa khó khăn hơn mà thôi.

Nếu cậu chủ nhỏ của ta hơi bị ể mình, câu hỏi đầu tiên mà ta hỏi cậu là: “Con ơi, con muốn ăn gì? Cha (mẹ) có thể làm gì cho con đây?” Người ta luôn luôn thúc giục ăn uống, dùng mọi xảo thuật để tìm ra một món ăn ngọt ngào, ngon lành hầu tránh cho đứa trẻ biếng ăn. Thế nhưng, thiên nhiên đã gợi lên sự biếng ăn ngay khi ta bắt đầu bị bệnh để bệnh khỏi nặng thêm: mục đích giúp cho bao tử không nặng nề vì làm việc nhiều để thiên nhiên có đủ thời gian sửa đổi và kiềm chế tình trạng bệnh hoạn.

Ngay cả khi cha mẹ săn sóc con cái, không để chúng ăn uống bừa bãi, cũng thật là khó khăn khi bắt chúng điều độ theo phương cách ẩm thực giản dị và thanh đạm, để chúng tránh được những ảnh hưởng tai hại đầu độc tâm tư chúng. Vì được chăm lo ăn uống điều độ, trẻ con có sức khoẻ tốt; nhưng thường khi các ham muốn của chúng phải thích ứng với các bài học về thuật sành ăn mà chúng vẫn nghe được. Các lời khen ngợi về các món ăn ngon mà người lớn thốt ra trước mặt chúng ở khắp mọi nơi không ngớt là những kích thích tố có hiệu lực cho một đam mê tự nhiên và hướng chúng đến sự yêu chuộng một bàn ăn đầy sơn hào hải vị. Đây không phải là cái mà mọi người, ngay cả những ai chê trách tật xấu này, gọi là biết cách sống ư? Và có ai dám phản đối gì trước một quần chúng đồng tình như vậy? Làm sao ta có thể hy vọng rằng ý kiến của ta được chấp thuận bởi ta tố cáo thói quen ăn uống như vậy là xa hoa, khi mà sự xa hoa đó được hoan nghênh nhiệt liệt và được toàn thể giới thượng lưu tôn sùng?

Bây giờ, tật xấu này lớn mạnh được nhiều người ủng hộ đến nỗi tôi không biết nó được kể như một đức tính tốt đẹp không, và người ta có thể bị xem như là một tên dở hơi hay là một kẻ không sành điệu khi dám mở miệng chỉ trích nó. Và tôi ngờ rằng các lời phê phán của tôi về việc này có thể bị chỉ trích như là một sự châm biếm hơi lạc đề, nếu tôi không nhấn mạnh rằng tôi nói như vậy nhằm cảnh giác các bậc cha mẹ để họ gia tăng săn sóc giáo dục con cái, bằng cách cho họ biết rằng họ bị bao vây tứ phía, không những bởi những sự cám dỗ có thể làm hư hỏng con cái họ, mà còn bởi các vị thầy dạy tật xấu, trong số đó có cả những người được xem như có bổn phận phải bảo vệ đứa trẻ.

Tôi không muốn dài dòng thêm nữa về đề tài này, cũng như không muốn đề cập đến tất cả những chi tiết về những cố gắng mà người ta làm để nuông chiều trẻ con và tập tành cho chúng những tật xấu; nhưng tôi muốn xin các bậc cha mẹ hãy điềm tĩnh xem xét có tật xấu hoặc bất thường nào mà ta đã không dạy con cái; phải chăng, cha mẹ nên khôn ngoan và có bổn phận phải chỉ dạy cho chúng những điều khác hơn?

Đoạn 38

Tôi thấy rõ rằng: nguyên tắc của mọi đức hạnh là chúng ta có khả năng từ chối việc thoả mãn các ham muốn mà lẽ phải không cho phép. Khả năng này, ta có và trau dồi được qua thói quen khiến nó trở nên dễ dàng và quen thuộc bằng cách luyện tập từ khi còn nhỏ. Vậy nếu có thể làm cho người ta lắng nghe, tôi sẽ nói rằng, trái với phương pháp thông thường, trẻ em phải tập thói quen kiềm chế các thèm muốn và bỏ qua những đòi hỏi ngay khi còn nằm trong nôi. Việc đầu tiên ta phải dạy chúng rằng, bất cứ cái gì ta cho chúng, không hẳn để làm chúng vui lòng nhưng vì điều ấy có ích cho chúng. Sau khi cung cấp tất cả những gì chúng cần, nếu ta không bao giờ cho chúng những gì chúng đòi hỏi bằng cách khóc lóc thì chúng sẽ không cần đến những thứ ấy nữa: chúng sẽ không còn la khóc, hờn giận để đòi hỏi. Sau cùng, chúng sẽ bớt đi một nửa sự làm phiền bản thân và làm phiền người khác nếu chúng được dạy dỗ như vậy từ khi còn nhỏ. Khi chúng không còn nôn nóng đòi hỏi cho bằng được theo sở thích thì chúng sẽ không bao giờ sụt sùi vòi vĩnh này nọ, như khi chúng la khóc để đòi mặt trăng.

Đoạn 39

Không phải là tôi nói chúng ta không nên nuông chiều đứa trẻ một chút nào, hay là hy vọng nó xử sự khôn ngoan như một quan toà. Tôi xem nó như là một đứa trẻ, một đứa trẻ mà ta phải đối xử một cách dịu dàng, nó phải được chơi đùa và phải có đồ chơi. Cái mà tôi muốn nói là, mỗi khi nó muốn một cái gì hay muốn làm một điều gì không thích hợp với nó, thì ta không nên cho nó thỏa mãn; đừng nghĩ rằng vì nó còn nhỏ nên nó muốn như thế: không phải vậy, ngược lại, mỗi khi nó nhõng nhẽo đòi hỏi một cái gì thì ta phải làm cho đứa trẻ hiểu rằng cũng vì nó nhõng nhẽo đòi hỏi mà ta từ chối. Tôi đã nhìn thấy trẻ con ở bàn ăn. Có đứa thì, dù có thức ăn đặt trước mặt đi nữa, nó cũng không đòi hỏi gì hết, và chỉ ăn những gì được cho. Còn đứa khác thì la khóc, đòi hỏi tất cả những gì có trên bàn; người ta phải cho nó tất cả các món ăn, lại còn phải dọn cho nó ăn trước tiên nữa. Tại sao có sự khác biệt như thế? Đó là vì đứa này đã quen thói la khóc đòi hỏi, còn đứa kia thì quen thói chịu nhịn. Trẻ càng nhỏ thì ta càng phải khống chế tính thèm ăn vô kỷ luật, vô trật tự của chúng. Chúng càng ít lý trí, chúng lại càng phải hoàn toàn phục tùng và tuân theo những người chăm lo cho chúng. Từ việc này, tôi nhận thấy rằng chỉ nên cho những người khôn ngoan gần gũi trẻ. Nếu làm ngược lại, thì tôi chịu. Những điều tôi nói ở đây là những gì mà tôi thấy người ta cần phải làm. Nếu việc này đã được áp dụng, tôi thấy không cần phải làm phiền người khác với những lời nhận xét của tôi nữa. Tuy nhiên, tôi chắc rằng nếu suy nghĩ kỹ càng về việc này, tôi không phải là người độc nhất cho rằng ta càng sớm cho trẻ vào khuôn phép thì càng tốt cho cha mẹ và cho chính đứa trẻ. Và ta phải xem như là một châm ngôn bất di bất dịch rằng, một khi ta đã từ chối trẻ một cái gì, thì ta không bao giờ nhường nhịn nó dù nó la khóc hay nài nỉ ta, trừ trường hợp ta muốn tập cho nó trở thành những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn và khó chịu bằng cách thỏa mãn khi nó đòi hỏi như vậy.

Đoạn 40

Vậy cha mẹ muốn giáo dục con cái thì phải bắt buộc chúng phục tùng ý chí của mình ngay từ khi chúng còn nhỏ. Nếu ta có một đứa con trai và muốn nó vâng lời sau thời kỳ thơ ấu, thì ta hãy cố gắng thiết lập quyền làm cha từ khi đứa trẻ biết phục tùng và có khả năng hiểu biết nó phụ thuộc vào ai. Nếu ta muốn nó kính trọng ta thì hãy dạy đứa trẻ việc này từ khi nó còn thơ ấu; và nó càng lớn dần đến tuổi thành niên thì ta cho nó gần gũi, thân mật với ta. Làm như vậy, ta sẽ có một đứa con biết vâng lời khi còn nhỏ và một người bạn thân thiết khi đứa trẻ đã lớn. Bởi vì theo ý tôi, thật rất lầm lẫn khi ta khoan dung và thân mật với trẻ khi chúng còn nhỏ và ngược lại nghiêm khắc và xa cách lúc chúng trưởng thành. Tự do và khoan dung không tốt cho trẻ em: vì chúng chưa đủ óc xét đoán, nên chúng cần được hướng dẫn và kỷ luật. Ngược lại, nghiêm khắc, độc đoán không phải là cách đối đãi tốt với người lớn: họ có đủ lý trí để tự biết xử sự. Tôi không nghĩ rằng quý vị có những đứa con mà khi lớn lên chúng sẽ chán ngán quý vị và nói thầm với nhau rằng: “Bố ơi, lúc nào thì bố chết đây?”

Đoạn 41

Tôi nghĩ mọi người đều xem điều sau đây hợp lý: con cái, khi chúng còn nhỏ, xem cha mẹ như những vị chúa tể toàn quyền và kính sợ cha mẹ; ở một tuổi lớn hơn chúng xem cha mẹ như những người bạn, những người chúng tin cậy được và vì vậy nên chúng yêu mến và kính trọng họ. Phương pháp mà tôi đề nghị, nếu tôi không lầm, là phương cách tốt nhất để đạt những mục đích ấy. Ta phải nhớ rằng, một khi đứa trẻ lớn lên, nó giống hệt chúng ta, với cùng những đam mê, cùng những ham muốn. Chúng ta muốn kẻ khác xem ta là những con người có lý trí; và chúng ta có tự do; ta không muốn bị khiển trách, nạt nộ, cũng như không muốn người chung quanh bực bội và xa lánh ta. Kẻ nào khi đến tuổi thành niên mà bị đối xử như vậy thì nên mau chóng tìm kiếm một đám bạn bè khác, những người bạn có thể làm cho họ thoải mái. Cho nên, nếu ngay từ đầu ta nghiêm khắc với trẻ vì chúng còn dễ dạy, và yên lặng phục tùng vì không biết làm cách nào khác; và khi chúng biết suy nghĩ, ta đối xử với chúng bớt nghiêm khắc hơn và từ từ bớt xa cách hơn, thì lúc đó, sự nghiêm khắc mà chúng chịu đựng trước kia sẽ làm tăng tình yêu mến của chúng, vì chúng nhận thấy rằng cha mẹ làm như vậy là vì yêu thương chúng; và sự giáo dục như vậy làm cho chúng xứng đáng với tình thương của cha mẹ và sự qúy mến của mọi người khác.

Đoạn 42

Đó là những luật lệ tổng quát mà cha mẹ nên theo để chứng tỏ quyền uy của mình đối với con cái. Sự sợ hãi và sự kính trọng cho cha mẹ cái quyền đầu tiên trong óc đứa trẻ. Sau đó quyền ấy được duy trì bằng tình thương và tình bạn: vì sẽ đến lúc không còn roi vọt và trừng phạt nữa, và khi đó nếu tình thương không đủ làm cho đứa trẻ vâng lời và trói buộc nó với bổn phận, nếu lòng yêu mến đức hạnh và thể diện không giữ nó trên con đường tốt thì cha mẹ sẽ dùng ảnh hưởng gì để bắt chúng cư xử tốt? Có thể nó sợ rằng không được chia đúng phần gia tài nếu nó làm phật lòng cha mẹ nên giả bộ tuân theo ý muốn của họ, nhưng việc đó không cản nó trở thành người xấu khi nó chỉ có một mình; ngoài ra sự ràng buộc trên sẽ không kéo dài mãi được. Vào một lúc nào đó, bất cứ người nào cũng phải là chính mình và phải tự biết xử sự, và chỉ có con người đó mới là con người có đức hạnh, tốt và có khả năng, và sự việc này chỉ xảy ra tự trong bản thân của họ mà thôi. Cho nên những gì mà trẻ thu nhận được từ giáo dục, những gì ảnh hưởng đến suốt đời nó, ta phải cho nó từ thuở nhỏ: tôi muốn nói đến các thói quen tốt đã được đan kết lại thành những nguyên tắc hành xử một cách tự nhiên, chứ không phải cái bề ngoài giả dối được tạo ra bởi sự sợ hãi vì muốn tránh sự tức giận nhất thời của người cha hoặc vì sợ bị truất phần gia tài.

* Tựa của mỗi phần do HVCD đặt.