fbpx

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục : Chương 3

Nguyên Tắc Khen Thưởng

Đoạn 51

4.  Nếu một sự nghiêm khắc tột bực đàn áp được đứa trẻ và ngay lúc đó sửa chữa được cá tính vô kỷ luật của nó, thì thường thường điều đó lại tạo ra nơi đứa trẻ một tình trạng tệ hại và nguy hiểm hơn nữa: đó là làm hư đầu óc của nó. Kết quả là thay vào chỗ của một thiếu niên nghịch ngợm, ta có một kẻ rầu rĩ, tinh thần yếu kém, kẻ mà sự điềm đạm phản tự nhiên của nó có thể làm những kẻ ngốc nghếch vui lòng, và những kẻ ca tụng những trẻ em ít hoạt động vì chúng chẳng ồn ào và không quấy phá ai hết; nhưng cuối cùng [sự thụ động này] lại gây khó chịu cho bạn bè của nó, và suốt cuộc đời nó chỉ là một kẻ vô tích sự cho chính mình và tha nhân.

Đoạn 52

Đánh đập và tất cả những hình thức trừng phạt thể xác và làm mất nhân cách không phải là những biện pháp kỷ luật thích ứng trong việc giáo dục đứa trẻ mà ta muốn đào tạo thành một con người khôn ngoan, lương thiện và thành thật; vậy ta nên hạn chế sử dụng chúng và chỉ dùng trong những trường hợp rất cần thiết và cùng cực. Mặt khác, cũng nên thận trọng, tránh không nên nịnh bợ đứa trẻ bằng cách cho nó những gì mà nó thích. Người nào cho con mình trái cây, kẹo bánh, hay những gì giống như thế để dỗ cho nó học bài chỉ khuyến khích khuynh hướng thích thú vui của nó; và làm như vậy là gia tăng xu hướng nguy hiểm mà đáng ra ta phải làm giảm đi và dẹp tan bằng mọi cách. Ta không thể có hy vọng tập cho nó làm chủ khuynh hướng thích thú vui khi mà một bên thì ta cản trở khuyng hướng này, còn bên kia thì lại cho nó được thỏa mãn.

Muốn trở thành một con người tốt, khôn ngoan và có đức hạnh, đứa trẻ phải biết vượt qua sự ham muốn, thắng lòng thèm muốn vật chất hay tránh ăn những gì làm thỏa mãn khẩu vị, v.v…. mỗi khi lý trí khuyên nó làm ngược lại, và khi bổn phận đòi hỏi như vậy. Nhưng khi ta lôi kéo nó làm một việc hợp lý bằng cách cho nó tiền, khi ta thưởng công nó bằng một miếng ăn ngon, khi ta hứa cho nó một cái cà vạt viền đăng ten hay một bộ áo quần đẹp để thưởng nó đã làm vài việc nhỏ, phải chăng khi ta cho các phần thưởng đó ta đã công nhận rằng chúng là những vật mà đứa trẻ nhắm vào, tức là khuyến khích nó phải ham muốn các thứ đó và làm cho nó quen thói tìm hạnh phúc nơi các phần thưởng? Nói một cách tổng quát, để cho trẻ em cố gắng học văn phạm, khiêu vũ hay các môn học đại loại như thế, ít quan trọng cho hạnh phúc và lợi ích của đời sống, cha mẹ đã sai lầm khi sử dụng phần thưởng và trừng phạt; họ hy sinh đức tánh của đứa trẻ, lật ngược các nguyên tắc giáo dục, và dạy nó sự xa hoa, tính tự phụ, sự thèm muốn, v.v… Thật vậy, bằng cách khuyến khích các khuynh hướng sai lầm mà đáng lẽ họ phải kiềm chế hay loại bỏ, cha mẹ đã đặt nền móng cho các tật xấu sau này; những tật xấu mà họ chỉ có thể chống phá bằng cách kiềm chế các thèm muốn của đứa trẻ và sớm tập cho chúng thói quen phục tùng lý trí.

Đoạn 53

Tuy nhiên, tôi không nói là ta phải cấm đoán không cho trẻ con hưởng những tiện nghi hay thú vui của cuộc sống, miễn rằng các thứ đó không phương hại đến sức khỏe hay đức hạnh của chúng. Trái lại, tôi muốn đời sống của chúng được càng thích thú càng dễ chịu càng tốt, với sự hưởng thụ bất cứ cái gì làm chúng ưa thích một cách vô hại; tuy nhiên với điều kiện là chúng phải thấy đó là những kết quả tự nhiên của lòng thương mến mà cha mẹ hay nhà giáo dục dành cho chúng; ta không bao giờ nên thưởng cho trẻ khi chúng làm việc gì một cách miễn cưỡng hay chỉ làm để hy vọng được thưỏng.

Đoạn 54

Nhưng nếu một bên ta không dùng roi vọt, và bên kia ta không cho những thứ để làm cho trẻ thích thú thì làm thế nào để giáo dục đứa trẻ? Lấy đi hy vọng được thưởng và sợ hãi bị phạt thì không còn kỷ luật nữa. Tôi nhìn nhận rằng sự tốt hay sự xấu, phần thưởng hay trừng phạt là những động cơ duy nhất đối với một con người có lý trí, [mà ta có thể ví] như là những cái đinh thúc ngựa, những dây cương hướng dẫn con ngựa; đó cũng là những động cơ cũng hướng dẫn toàn thể nhân loại. Vì vậy ta phải dùng đến chúng và – tôi yêu cầu qúy vị phụ huynh và thầy giáo ghi nhớ điều này – ta phải xem trẻ con như là những con người có lý trí.

Đoạn 55

Đúng vậy, tôi công nhận phần thưởng và trừng phạt phải được dùng với trẻ nếu ta muốn dạy dỗ chúng. Tôi nghĩ rằng lỗi là ở chỗ ta chọn sai những gì mà ta thường sử dụng. Các thú vui và những đau đớn thể xác không cho kết quả tốt khi ta dùng chúng như những phần thưởng và trừng phạt để tỏ quyền lực của ta với đứa trẻ; vì, như tôi đã nói ở trên, ta chỉ làm gia tăng các khuynh hướng của đứa trẻ, trong khi ngược lại, việc chính là phải kiếm chế chúng. Ta đã dạy cho đứa trẻ nguyên tắc đức hạnh nào khi mà ta không cho nó hưởng một thú vui này nhưng lại thay bằng một thú vui khác? Việc này chỉ có kết quả là làm gia tăng lòng ham muốn của nó và dạy cho nó ham muốn nhiều thứ hơn nữa. Nếu đứa trẻ khóc lóc để đòi một trái cây độc hại và nguy hiểm, ta lại mua chuộc sự yên lặng của nó bằng cách cho nó một món đồ ngọt ít độc hại hơn. Làm như vậy có thể bảo vệ sức khoẻ của nó nhưng ta đã làm hư hỏng trí óc nó và ta càng làm cho nó rối loạn hơn nữa. Thật vậy, ở đây ta chỉ thay đổi vật đứa trẻ muốn nhưng vẫn nuông chiều lòng ham muốn của nó; ta đã cho phép nó tự thỏa mãn và, như tôi đã nói, đây là nguồn gốc của sự lầm lỗi; và cho đến khi ta thành công trong việc làm cho đứa trẻ chấp nhận rằng sự ham muốn cuả nó không được thỏa mãn, thì trong lúc này, nó có thể yên lặng và ngoan ngoãn, nhưng ta chưa chữa được căn bệnh. Và khi làm như vậy, ta chỉ khích động và nuôi nấng nơi nó cái mầm mống của tất cả mọi tật xấu; và ta có thể chắc chắn rằng mầm mống này sẽ nổ tung dữ dội hơn nữa khi có cơ hội thuận tiện sớm nhất, làm cho đứa trẻ có những ham muốn mạnh mẽ hơn và cho gây cho ta nhiều phiền muộn hơn.

Đoạn 56

Các phần thưởng và trừng phạt mà ta sẽ dùng để giữ cho đứa trẻ biết làm bổn phận của mình thuộc vào loại khác, và chúng sẽ có ảnh hưởng mạnh đến nỗi mà, một khi ta đã áp dụng thành công thì tôi chắc rằng ta không cần làm gì  nữa. Danh dự và hổ thẹn là hai trong những động cơ mạnh mẽ nhất đối với tâm trí, khi tâm trí [bắt đầu] biết cảm nhận chúng. Nếu ta biết cách tạo cho đứa trẻ lòng yêu mến danh dự và sự hiểu biết thế nào là nhục nhã thì ta đã đặt trong trí óc đứa trẻ các nguyên tắc chân chính thật sự để luôn luôn dìu dắt chúng đến việc tốt. Nhưng làm sao mà làm được việc ấy?

Tôi phải thú nhận rằng, khi mới nghĩ, ta thấy công việc này chẳng phải dễ dàng gì; nhưng tôi nghĩ điều này cũng bõ công cho chúng ta tìm kiếm (và thực tập những nguyên tắc này khi đã tìm ra chúng), vì đó chính là một bí quyết vĩ đại của giáo dục.

Đoạn 57

Trước tiên, trẻ con––việc này xảy ra sớm hơn là ta tưởng––rất nhạy cảm với các lời khen, lời tán dương. Chúng thích được coi trọng, thương mến, đặc biệt bời cha mẹ và bởi tất cả những ai mà chúng phải nương tựa. Nếu người cha vuốt ve và khen ngợi con khi nó làm điều tốt, hay tỏ vẻ lạnh lùng, hờ hững khi chúng làm điều xấu, và cùng một lúc mẹ nó và tất cả những người chung quanh cũng làm như vậy, thì trong một thời gian ngắn đứa trẻ sẽ cảm thấy sự khác biệt; tôi chắc rằng phương pháp này, nếu được xử dụng liên tục, sẽ có ảnh hưởng trên trí óc đứa trẻ hơn là roi vọt và đe dọa; các loại trừng phạt kiểu này dần dần mất hiệu lực vì đứa trẻ sẽ nhờn đi và sẽ không có hiệu quả gì nữa khi nó không còn cảm thấy xấu hổ; như vậy ta không bao giờ nên áp dụng các loại trừng phạt đó, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt tôi sẽ nói tới trong các phần sau.

Đoạn 58

Nhưng mặt khác, để cho ý niệm danh dự và hổ thẹn thấm sâu vào đứa trẻ và để cho ý niệm này mạnh hơn, những việc khác vừa thích thú vừa khó chịu phải được tiến hành song song cùng một lúc; không phải là những phần thưởng hay trừng phạt đặc biệt dành cho hành động này hay hành động khác của đứa trẻ, nhưng là những hậu quả cần thiết luôn luôn đến với đứa trẻ khi mà việc làm của nó đáng bị trừng phạt hay đáng được khen thưởng. Bằng phương pháp này, đứa trẻ dễ dàng hiểu ra rằng trẻ con nào đã cố gắng làm tốt thì đương nhiên được thương mến và nuông chiều bởi tất cả mọi người; trái lại, đứa trẻ mất lòng yêu mến của cha mẹ vì đã lầm lỗi và đã làm mất niềm tin của cha mẹ, đương nhiên phải hứng chịu sự lơ là và chê cười và kết quả là không được hưởng những gì có thể làm cho nó vui lòng và thích thú. Bằng phương cách này, những vật làm cho đứa trẻ ham muốn trở thành những thứ trợ giúp cho hạnh kiểm của nó, [nhất là] khi mà kinh nghiệm được hình thành từ thưở nhỏ dạy cho nó rằng những gì mà nó thích chỉ được dành cho và thuộc về những trẻ con ngoan ngoãn. Nếu bẳng những phương cách ấy ta thành công trong việc làm cho đứa trẻ biết hổ thẹn về hành động của mình (và tôi không muốn thấy có một trừng phạt nào khác) và làm cho nó thích được mến trọng, ta có thể làm cho nó trở thành tất cả những gì mà ta muốn, và nó sẽ yêu thích tất cả mọi mặt của đức hạnh.