fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Chính quyền quân chủ

 

Cho đến nay chúng ta xem quân chủ như là một cơ cấu nhân tạo và tập thể, được hợp nhất bởi sức mạnh của luật pháp và quyền hành pháp được [toàn dân] ủy thác trong nhà nước. Bây giờ chúng ta phải xem xét quyền lực này khi nó được tập trung vào tay của một con người tự nhiên, một con người thật sự [bằng xương bằng thịt], là người một mình có quyền sử dụng quyền lực ấy dựa theo luật pháp. Con người ấy được gọi là Quốc Vương hay Vua.

Ngược lại với tất cả các thể chế khác mà ở đấy một cơ cấu tập thể thay cho một cá nhân, trong thể chế này một cá nhân đại diện cho tập thể; ở đây nhà vua là sự hội tụ thống nhất giữa tinh thần và thể chất của cơ quan lãnh đạo, và [do đó] tất cả các tài năng được kết hợp một cách tự nhiên, trong khi ở các thể chế khác thì các tài năng này chỉ được kết hợp lại một cách khó khăn bằng luật pháp.

Vậy ý chí của dân chúng, ý chí của nhà vua, sức mạnh công cộng của quốc gia, và sức mạnh riêng biệt của chính quyền, tất cả đều phụ thuộc vào một động cơ quyền hành duy nhất; tất cả các cơ cấu của cái máy đều do một tay [điều khiển], toàn thể đều hướng về một mục đích; không có những cử động trái ngược để làm mất tác dụng của nhau; và người ta không thể tưởng tượng được một hiến pháp nào [tốt hơn] mà trong đó chỉ cần một động lực nhỏ có thể tạo nên các vận động khác. Trong trí của tôi, hình ảnh Archimedes ngồi yên lặng trên bờ và dễ dàng kéo một chiếc tàu lớn tượng trưng cho một vì vua khéo léo cai trị một vương quốc rộng lớn từ văn phòng của mình, và làm chuyển động mọi thứ trong khi dường như là ngồi bất động tại một chỗ.

Nhưng nếu không có chính quyền nào mạnh hơn chính quyền này thì cũng không có chính quyền nào mà trong đó ý chí riêng biệt lại thống trị và áp đảo các ý chí một cách dễ dàng hơn. Tất cả mọi việc thật sự hướng về một mục đích, nhưng mục đích này không hẳn phải là hạnh phúc công chúng, và ngay sức mạnh của chính quyền cũng luôn luôn có hại cho nhà nước.

Các vua chúa muốn là những người [nắm quyền] tuyệt đối, và từ những chốn xa xôi người dân luôn luôn cho họ biết rằng cách tốt nhất để đạt được điều này là làm cho dân yêu mến họ. Điều này thật là tốt đẹp, và ngay cả rất đúng trong vài khía cạnh, nhưng đáng buồn thay, trong triều đình, việc này luôn luôn bị chế nhạo. Sức mạnh đến từ lòng yêu mến của dân chúng chắc chắn là sức mạnh lớn nhất; nhưng nó có tính cách nhất thời và có điều kiện, cho nên, các vì vua không bao giờ thỏa mãn với nó. Các vì vua anh minh nhất cũng muốn có khi được làm việc xấu mà không mất quyền cai trị; các nhà thuyết pháp chính trị có thể nói bao nhiêu cũng được rằng sức mạnh của dân chúng [chính là] là sức mạnh của vua và quyền lợi của vua là làm cho dân chúng trở nên sung túc, đông đảo và mạnh mẽ; [nhưng] các vị vua biết rõ rằng việc này không đúng. Mối quan tâm đầu tiên của vua là muốn cho dân chúng yếu hèn, khổ sở và không thể chống lại vua. Tôi công nhận rằng, nếu thần dân luôn luôn thần phục vua, thì lợi ích của vua sẽ là làm cho dân chúng được mạnh, để cho sức mạnh này trở nên sức mạnh của chính mình, và làm cho các nước láng giềng khiếp sợ; nhưng vì lợi ích chỉ là thứ yếu và phụ thuộc, và sức mạnh không đồng nghĩa với sự thần phục, các nhà vua đương nhiên luôn luôn chọn lựa nguyên tắc nào có lợi cho họ nhất. Đó chính là điều mà Samuel mạnh dạn nói cho dân Do Thái, và Machiavelli đã chứng minh rõ ràng. Lấy tiếng là giảng dạy cho vua, nhưng chính Machiavelli đang giảng dạy cho dân chúng [về bản chất của vua chúa]. Cuốn sách mang nhan đề Quân Vương là cuốn sách dạy những người Cộng Hoà.[1]

Trên tổng quát chúng ta thấy rằng nền quân chủ chỉ thích đáng cho các quốc gia lớn, và việc này đúng khi chúng ta xem xét [bản chất của] chính nó. Nền hành chính công cộng càng lớn thì sự liên hệ giữa nhà vua và dân chúng càng nhỏ, và đi gần đến sự bình đẳng, đến mức tỷ lệ còn là một trên một, hay tuyệt đối bình đẳng như trong chế độ dân chủ; tỷ lệ này gia tăng khi chính quyền thu hẹp lại, và nó đạt đến mức tối đa khi chính quyền nằm trong tay của chỉ một người. Lúc ấy thì khoảng cách giữa nhà vua và dân chúng quá lớn, và quốc gia sẽ thiếu sự hợp nhất. Để tạo một sự hợp nhất như vậy phải có những cấp trung gian, phải có các ông hoàng, các đại thần và các nhà quý tộc. Nhưng tất cả các sự việc này không thích hợp với một quốc gia nhỏ, vì quá nhiều thứ bậc xã hội sẽ dẫn đến tình trạng suy sụp.

Tuy vậy, nếu cai trị tốt một quốc gia lớn đã là khó, thì nó lại càng khó hơn khi được cai trị chỉ bởi một người; và ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra khi các vì vua dùng những quan lại cai trị thay cho mình.

Một nhược điểm cốt yếu và không thể tránh được và khiến cho chính quyền quân chủ không sánh được với chính quyền cộng hoà, đó là trong nền cộng hoà, sự lựa chọn của quần chúng không bao giờ đưa những người không sáng suốt và không có năng lực vào những địa vị cao nhất; trong khi đó những kẻ chiếm địa vị tột bực trong nền quân chủ thường thường là kẻ khờ dại, những tên lừa đảo tầm thường, những kẻ mưu đồ nhỏ nhặt. Những tài mọn vụn vặt ấy giúp cho chúng đạt đến những điạ vị cao cả trong triều đình, nhưng một khi chúng ngồi vào các chỗ đó, các tài mọn ấy chỉ làm cho dân chúng thấy rằng chúng không xứng đáng. Về sự lựa chọn này thì dân chúng ít lầm lẫn hơn vua; và một ngưòi thật xứng đáng trong chính quyền quân chủ cũng hiếm có như là một tên ngu đần cầm đầu một chính quyền cộng hòa. Vậy nên, khi mà nhờ một sự may mắn nào đó, có một người xứng đáng được sinh ra để lèo lái quốc gia trong một nền quân chủ đã bị làm hư hỏng bởi các kẻ vô tài nói trên, thì mọi người đều phải thật là ngạc nhiên trước những thủ đoạn và phương sách mà nhà vua áp dụng, và triều đại này đáng được xem là một kỷ nguyên lớn trong lịch sử xứ sở.

Để cho một quốc gia quân chủ có thể được cai trị tốt, dân số và diện tích phải cân xứng với các khả năng của người cầm quyền. Xâm chiếm dễ hơn là cai trị. Với một đòn bẩy đủ dài, người ta có thể di chuyển quả đất với một ngón tay; nhưng để chống đỡ nó thì phải cần đến hai vai của thần Hercules. Dù quốc gia có nhỏ bao nhiêu, vì vua hầu như không bao giờ có đủ sức cai trị. Mặt khác, khi quốc gia quá nhỏ cho kẻ cai trị – một trường hợp hiếm có – đất nước cũng không được cai trị tốt, vì người cai trị, luôn luôn muốn đạt được các mưu đồ của mình, quên đi các lợi ích của dân chúng. Một nhà vua có quá nhiều tài năng mà dùng không đúng chỗ cũng làm khổ dân như một ông vua kém cỏi, bất tài. Thật ra một vương quốc nên bành trướng hay co cụm lại theo mỗi triều đại, tùy theo khả năng của vị quân vương; nhưng, trong một chế độ cộng hòa, với khả năng tương đối ổn định của thượng viện, quốc gia lúc đó có thể có những biên giới cố định mà sự cai trị vẫn tốt như thường.

Sự bất lợi được nhận thấy nhiều nhất trong nền quân chủ [so với hai loại chính quyền đã nói ở trên] là sự thiếu liên tục trong cai trị. Khi một vì vua băng hà, người ta cần một vị vua khác; sự tìm kiếm người kế vị tạo ra những quãng thời gian nguy hiểm và đầy giông bão; và trừ khi các công dân có được sự vô tư và ngay thẳng, điều không thể nào có được trong chính quyền quân chủ, thì các mưu đồ và tham nhũng sẽ lan tràn. Thật khó khăn cho kẻ nào mua được quốc gia mà [khi cần lại] không bán nó đi, và lại không bóc lột kẻ yếu hèn để lấy lại số tiền các kẻ cường quyền đã đòi hỏi. Dưới một nền cai trị như vậy, chóng hay chầy, thói mua chuộc sẽ lan tràn khắp nơi, và lúc ấy nền hoà bình mà người dân được hưởng còn tệ hơn sự rối loạn xảy ra giữa các triều đại.

Người ta đã làm gì để tránh các điều tai hại đó? Chức vị vua đã trở nên cha truyền con nối trong vài hoàng gia; và một thứ tự kế vị đã được đặt nên để ngăn ngừa các việc tranh chấp khi vua băng hà. Người ta đã chọn các bất lợi của sự nhiếp chính thay thế cho các rối loạn của việc chọn lựa vua, nghĩa là chọn lựa một sự yên ổn biểu kiến thay cho sự cai trị khôn ngoan. Và người ta đã liều lĩnh chọn con trẻ, các quái thai, các kẻ đần độn làm vua hơn là lựa chọn những vị vua tốt. Ngưòi ta đã không chú ý đến việc rằng, khi ta liều lĩnh chấp nhận chế độ kế vị có thứ tự đó, ta đã đánh một canh bạc lớn với quá nhiều rủi ro. Dionysius[a] đã nói một câu rất hợp lý khi bị cha trách mắng về một việc làm đáng xấu hổ: “Ta làm gương cho con như vậy hay sao?” Dionysius trả lời: “Dạ không, nhưng đó là vì cha của cha không phải là vua.”

Khi một người được huấn luyện để chỉ huy những kẻ khác, người ta cố tình không dạy lẽ phải và công lý, và đã tốn rất nhiều công sức để dạy cho các ông hoàng trẻ nghệ thuật cai trị; nhưng sự dạy dỗ này dường như không đem lại ích lợi gì. Tốt hơn hết là nên dạy cho họ nghệ thuật biết vâng lời. Các vì vua được lịch sử tôn sùng đã không được giáo dục để cai trị, vì cai trị là một khoa học mà càng thực tập ít chừng nào thì lại càng giỏi chừng đó; một khoa học mà qua sự tuân lệnh ta lại học được nhiều hơn là ra lệnh. “Cách tốt nhất và cũng là ngắn nhất để phân biệt cái gì tốt và cái gì xấu là xem cái điều mà ta mong ước có xảy ra hay không nếu kẻ khác chứ không phải ta làm vua.” [2]

Một kết quả của sự thiếu liên tục này là sự bất ổn của chính quyền quân chủ. Chính quyền, khi thì theo kế hoạch này, khi thì theo kế hoạch khác tùy theo cá tính của vị vua trị vì, hay của các quan lại trị vì thay vua, nên về lâu về dài không thể có một đối tượng hay một chính sách cố định, và sự thay đổi này, mà người ta không tìm thấy ở các loại chính quyền khác luôn luôn do một ngườicai trị, gây cho Quốc Gia luôn luôn chuyển từ nguyên tắc này đến nguyên tắc khác, từ kế hoạch này đến kế hoạch kia. Cho nên, nói một cách tổng quát, nếu có nhiều mưu mô hơn trong một triều đình, thì lại có nhiều khôn ngoan hơn trong thượng viện, và chế độ cộng hòa đạt được các mục tiêu của mình bằng những chính sách ổn định hơn và theo sát các chương trình đã được hoạch định; trong khi đó mỗi sự thay đổi trong một bộ của chính quyền quân chủ gây nên một sự thay đổi trong quốc gia, vì một nguyên tắc chung cho tất cả các bộ trưởng, và gần như cho tất cả các vì vua, là làm ngược lại những gì mà người tiền nhiệm đã làm.

Thêm nữa, sự hay thay đổi [chính sách] này đã phản bác một lối ngụy biện rất quen thuộc của các lý thuyết gia bảo hoàng, không những khi họ so sánh việc điều hành chính quyền với sự điều hành một gia đình, và so sánh vị vua với người cha-sự lầm lẫn này đã bị phản bác-mà còn rộng lượng gắn cho vua tất cả các đức hạnh mà ông ta đáng lẽ phải có, và vì luôn giả định như thế, bất kỳ nhà vua nào cũng có đầy đủ mọi đức hạnh phải có.[b] Trên giả thuyết này, chính quyền quân chủ rõ ràng hơn hẳn các chính quyền khác, vì không thể chối cãi được nó là chính quyền mạnh nhất, mà chỉ còn thiếu một ý chí đoàn thể phù hợp hơn với ý chí tập thể để trở thành một mô hình chính quyền tốt nhất.

Nhưng nếu, theo Plato, một người mang thiên mệnh để làm vua là một sự hiếm hoi, thì đã bao lần thiên nhiên và số mệnh cùng họp nhau lại để lập ông ta lên ngôi vua? Và nếu sự giáo dục hoàng gia làm hư hỏng những ai hấp thụ nó, thì ta hy vọng gì ở người được giáo dục để trị vì? Cho nên ta tự dối lấy mình khi đánh đồng chính quyền quân chủ với chính quyền của một vị minh quân. Để thấy được thực chất của chính quyền quân chủ, ta phải xem xét nó dưới sự trị vì của những vị vua đồi bại hay bất tài: bởi vì hoặc các vì vua ấy là những người bất tài hay đồi bại khi lên ngôi, hay chính là ngai vàng làm cho họ trở nên như vậy.

Các tác giả của chúng ta không phải không thấy các khó khăn ấy nhưng họ không băn khoăn, họ cho rằng liều thuốc chữa bệnh là vâng lời, không một lời phản đối: Trời cho chúng ta những vì vua xấu khi Người đang tức giận, vậy chúng ta phải chấp nhận họ như là những sự trừng phạt của trời. Lý luận kiểu này thật là thông sáng; nhưng nó đúng ở một bục giảng [trong nhà thờ] hơn là trong một cuốn sách về chính trị. Chúng ta nghĩ gì về một bác sĩ khi ông ta hứa hẹn những phép lạ, trong khi toàn bộ tài nghệ của ông ta lại chỉ kêu gọi người bệnh nên kiên nhẫn? Chúng ta tự biết rằng chúng ta phải chịu đựng một chính quyền xấu khi không có sự lựa chọn nào khác; câu hỏi là làm sao tìm ra được một chính quyền tốt.

 

© Học Viện Công Dân 2007

____

[1] Machiavelli là một con người đứng đắn và một công dân tốt, nhưng vì dính dáng với triều đính Medici nên ông ta bắt buộc che dấu lòng yêu tự do trong khi xứ sở của ông bị đàn áp. Sự lựa chọn nhân vật chính đáng ghét, Cesare Borgia chỉ rõ mục đích ngầm của ông; và sự trái ngược giữa các lời khuyên dạy trong cuốn “Prince” và trong cuốn “Discourses on Livy” và “History of Florence” cho ta thấy rằng nhà chính trị sâu sắc này cho đến nay chỉ được nghiên cứu bởi những độc giả phiến diện và thối nát. Triều đình Rome nghiêm cấm sách của ông, tôi tin vào chuyện này; vì chính triều đình này đã được Machiavelli tả trong sách ấy.

[2] (Tacitus, Histories, Quyển I).

[a] Antiochus VI Dionysus là vua của xứ Seleucid thuộc Hy-lạp. Thân phụ của Dionysus là Alexander Balas, một người bình dân được vua Antiochus IV nhận làm con và sau đó được nối ngôi. Sau khi phụ hoàng Balas qua đời, Dionysus được tướng Diodotus Tryphon đưa lên ngôi nhưng chỉ để làm vì; quyền lực nằm cả trong tay Diodotus. (HVCD)

[b] Tam đoạn luận này như sau: (1) Vua là người có đủ mọi đức hạnh, (2) A là vua, (3) Vậy A có đủ mọi đức hạnh. Tiền đề (1) không phải là một định đề mà chỉ là một ước muốn, cho nên tam đoạn luận này không có giá trị. (HVCD)