fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển III

Chương  I

Khi ta muốn tìm hiểu về bản chất và đặc tính của các mô hình chính quyền khác nhau, thì việc đầu tiên phải làm là xác định xem “nhà nước là gì?” Cho đến nay đây vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nhà nước [là tác nhân] thực hiện một số công việc nào đó; những người khác thì lại cho rằng không phải là nhà nước mà là chính quyền theo quả đầu hoặc cai trị bởi một bạo chúa. Cũng có người lại cho rằng, một cách tổng quát, mọi hoạt động của nhà lập pháp đều liên quan đến nhà nước; cuối cùng, có người cho rằng một hiến pháp hay một chính quyền là cách thức sắp xếp cơ cấu quyền lực của những người cư ngụ trong nhà nước đó.

Nhưng nhà nước là một hỗn hợp do nhiều bộ phận tạo thành; những bộ phận đó chính là công dân. Hiển nhiên, ta phải bắt đầu bằng câu hỏi, “ai là công dân và từ này có ý nghĩa gì?” Bởi vì, một lần nữa, từ ngữ này cũng có những quan điểm khác nhau. Một người là công dân của thể chế dân chủ thì lại thường không phải là công dân của chế độ quả đầu. Hãy bỏ qua trường hợp những người đã được xem là công dân, hay là những người trở thành công dân vì một hoàn cảnh ngẫu nhiên nào đó, ta có thể nói rằng, trước hết, người công dân không trở thành công dân chỉ vì người đó sinh sống ở một chỗ nào đó, bởi vì ngoại kiều và nô lệ cũng sinh sống trên cùng chỗ đó; cũng như y không trở thành công dân vì có được những quyền do pháp luật quy định như đi kiện hoặc bị kiện mà thôi, bởi vì ngoại kiều cũng có được những quyền này do hiệp ước [giữa hai nước] tạo nên. Nói cho đúng hơn, ngoại kiều ở nhiều nơi cũng không hoàn toàn có được những quyền này, vì họ buộc phải có người bảo trợ, cho nên họ cũng không hoàn toàn được tham gia với đầy đủ tư cách công dân, vì thế ta gọi họ là công dân chỉ với nghĩa hạn chế mà thôi, cũng như khi ta dùng từ này để chỉ những người trẻ chưa đến tuổi ghi danh hay những người già đã được miễn các nghĩa vụ đối với quốc gia. Những người này ta không gọi họ một cách đơn giản là công dân, nhưng phải thêm vào cụm từ vị thành niên trong trường hợp đầu tiên, và lão niên trong trường hợp sau. Từ ngữ chính xác ta dùng thật ra không quan trọng, vì ý nghĩa ta nói đến thật rõ ràng rồi. Còn có những khó khăn tương tự trong những trường hợp mà tôi đã nhắc đến, đó là những người bị tước quyền công dân hay bị lưu đầy. Nhưng công dân, người mà ta đang tìm cách định nghĩa, phải là người công dân theo nghĩa chính xác, tuyệt đối nhất, chứ không phải như những trường hợp ngoại lệ như đã nói ở trên.

Và người công dân chỉ cần có một đặc tính duy nhất là người có quyền tham gia vào việc thực thi công lý và đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền. Các chức vụ chính quyền có nhiều loại; có loại không liên tục (có nhiệm kỳ) và một người không được giữ một chức vụ hơn một lần, hoặc chỉ có thể giữ chức vụ trong một thời hạn cố định nào đó; có loại không có nhiệm kỳ như chức vụ quan tòa hay thành viên quốc hội. Người ta, thực ra, cũng có thể lý luận rằng những chức vụ đó không phải là quan chức, và chức năng của họ không liên hệ gì đến chính quyền. Nhưng nói như vậy thì cũng nực cười như khi ta bảo kẻ có quyền lực lại không phải là người cai trị.[1] Nhưng ta cũng không nên bàn cãi nhiều ở đây, vì đó chỉ là vấn đề chữ nghĩa. Điều ta cần là tìm được một từ ngữ chung nào đó bao gồm cả vị quan tòa và đại biểu quốc hội. Cho nên, để cho dễ phân biệt, ta hãy gọi chức vụ đó là những chức vụ “bất định” và giả định rằng những ai giữ chức vụ đó phải là công dân. Đó là định nghĩa bao hàm và thích hợp nhất cho những ai thường được gọi là công dân.

Nhưng ta không được quên rằng những nguyên lý căn bản tự bản chất khác nhau, cũng như các loại chính quyền khác nhau, hầu như không có điểm nào chung. Ta thấy chính quyền có nhiều loại khác nhau, có loại có phẩm chất tốt hơn, có loại phẩm chất kém hơn, nhất là những loại có cơ cấu khiếm khuyết hay hư hỏng thì chắc chắn phải kém hơn những loại chính quyền được xây dựng hoàn hảo. (Tôi sẽ giải thích thêm thế nào là cơ cấu bị bại hoại trong phần dưới). Công dân, do vậy, nhất thiết phải khác nhau dưới những chế độ khác nhau; và định nghĩa của chúng ta chỉ thích hợp với nền dân chủ, chứ chưa chắc đã phù hợp với các chế độ khác. Bởi vì ở những nước không phải dân chủ, người dân không được công nhận, cũng không có quyền tham dự các cuộc họp định kỳ, mà chỉ trong những trường hợp đặc biệt, và những vụ kiện tụng được phân bố cho các quan chức. Thí dụ tại Sparta, các Giám sát viên lo xử những vụ kiện tụng liên quan đến giao kèo và họ chia nhau xử những vụ kiện này; các trưởng lão thì chuyên về các vụ án mạng, còn những việc khác thì chia cho các quan chức khác. Một nguyên tắc tương tự cũng thịnh hành ở Carthage; ở đó một số quan chức quyết định mọi việc. Thành thử, ta có thể phải điều chỉnh định nghĩa về công dân để bao gồm cả những nước này nữa. Trong những nước này, quan chức là những người giữ những chức vụ được xác định rõ rệt, chứ không giữ nhiều chức vụ một lúc; họ là những nhà lập pháp hay thẩm phán, và những ai giữ các chức vụ xác định thì đều có quyền thảo luận và phán xét về một số việc hay về tất cả mọi việc. Khái niệm về công dân đã bắt đầu trở nên rõ ràng sau khi ta xem xét thêm các trường hợp kể trên.

Ta có thể nói như sau: những ai có quyền tham dự vào các cuộc nghị luận việc công hay  về tư pháp [bất kể có nhiệm kỳ hay không] của bất kỳ nước nào, thì phải được coi là công dân của nước đó. Nói một cách tổng quát, một nhà nước là một cơ cấu gồm tất cả những công dân hợp lại nhằm đạt tới mục đích của đời sống.

 


[1] Chức vụ quan tòa và thành viên của quốc hội đại diện cho quyền tối thượng của nhà nước.