fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Luận cương 4

Luận về Những Nguy cơ từ các Thế Lực Ngoại Bang

(Tiếp theo)

John Jay

Trong bài tham luận trước, tôi đã trình bầy một số luận cứ chứng minh tại sao một liên bang thống nhất là một cơ cấu hữu hiệu để bảo đảm an ninh chống lại mối đe dọa chiến tranh do ngoại quốc phát động vì nguyên do chính đáng.[1]Những luận cứ này đã chứng minh là một liên bang thống nhất sẽ giảm thiểu được những nguyên do gây chiến, những mâu thuẫn nếu có, cũng dễ được giải quyết ổn thỏa bởi một chính quyền quốc gia hơn là bởi những chính quyền tiểu bang, hay là bởi những chính quyền liên hiệp tiểu bang như đã được đề nghị.

Nền an ninh của nhân dân Mỹ không những tùy thuộc vào khả năng loại bỏ các điều kiện để nước ngoài gây chiến với ta bằng những nguyên do chính đáng, mà còn ở chỗ không tự đặt mình vào những trường hợp có thể gây nên tình trạng thù địch hoặc bị các nước khác hạ nhục. Cần phải lưu ý rằng những nguyên do gây chiến tranh còn gồm có cả những nguyên do chính đáng cũng như những nguyên do giả tạo được vận dụng ra để gây chiến.

Ta cũng phải công nhận một sự thật hiển nhiên, dù khá phũ phàng, là từ bản chất của con người, các nước sẵn sàng đánh nhau nếu thấy được khả năng thủ lợi qua cuộc chiến. Thật ra, những ông vua chuyên chính thường tuyên chiến ngay cả trong những trường hợp không thấy được lợi ích của cuộc chiến cho vương quốc của mình mà chỉ vì những mục tiêu cá nhân như lòng khao khát danh vọng quân sự, sự trả thù về những mối nhục cá nhân, lòng tham vọng, hoặc những cam kết tư thông để bành trướng thế lực, cũng như là để hỗ trợ cho những liên hệ gia đình hay phe phái. Những ý đồ nói trên, cộng với một số ý đồ khác thuộc suy tư thầm kín sẽ thúc đẩy ông vua đó gây nên những cuộc chiến tranh không được biện minh bởi nhu cầu công lý hay quyền lợi của người dân. Những ý đồ này cần phải được chúng ta lưu ý. Tuy nhiên, ngoài những ý đồ của các ông vua như đã nêu trên, cũng còn nhiều yếu tố thúc đẩy khác cũng tạo ảnh hưởng đến nền an nguy của đất nước. Một số yếu tố này phát xuất từ những điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta.

Pháp và Anh Quốc là hai nước chuyên cạnh tranh với chúng ta về ngư nghiệp. Chúng ta có thể cung cấp hải sản cho họ với giá cả rẻ hơn họ có thể cung cấp cho nhau, mặc dầu họ cũng có những cố gắng của họ để cạnh tranh bằng những nguồn cung cấp của chính họ, và bằng cách đánh thuế trên hải sản do nước ngoài cung cấp.

Chúng ta là đối thủ của hai nước này cũng như các nước Âu châu khác trong lãnh vực hoạt động hàng hải và chuyển vận đường biển; chúng ta sẽ tự lừa dối mình nếu nghĩ rằng họ vui mừng về những thành quả phồn thịnh của chúng ta. Vì lẽ sự gia tăng hoạt động kỹ nghệ hàng hải của chúng ta sẽ ảnh hưởng tiêu cực vào những hoạt động tương tự của họ, vì vậy, quyền lợi của họ đòi hỏi họ phải ngăn cản, thay vì hỗ trợ, hoạt động giao thương của chúng ta.

Hoạt động giao thương của chúng ta với Trung quốc và Ấn độ xen lấn vào hoạt động ngoại thương của nhiều quốc gia, vì lẽ những hoạt động thương mại của chúng ta đã xâm nhập vào những hoạt động mà trước đây họ vẫn coi là thuộc lãnh vực độc quyền của họ, do việc chúng ta đã tự cung cấp lấy những hàng hóa mà trước đây chúng ta đã phải mua của họ.

Sự tăng trưởng của hoạt động ngoại thương của chúng ta trên những thương thuyền do chúng ta sở hữu không thể làm vừa lòng bất cứ một nước nào có chủ quyền trên những lãnh thổ ở trên, hay ở gần, lục địa này. Sản phẩm của chúng ta có chất lượng cao và giá rẻ. Địa thế thuận lợi của chúng ta đã giúp cho những thương gia và ngành hàng hải của chúng ta có nhũng lợi thế tại các lãnh thổ này, ở một mức độ cao hơn, so với sự mong muốn và chủ trương của những nước Âu châu.

Một mặt, Tây ban nha đã nghĩ rằng sẽ có lợi hơn nếu quyết định không cho ta qua bờ sông Mississippi nằm trong quyền kiểm soát của họ. Trong khi đó, Anh quốc ngăn chặn sự có mặt của chúng ta tại lưu vực sông Saint Lawrence. Cả hai nước này đều ngăn cấm chúng ta sử dụng những tuyến sông giữa lãnh thổ của hai nước và lãnh thổ của chúng ta để nối liền giao thương và vận chuyển hàng hóa.

Qua những hành động đó, chúng ta rất dễ hiểu được thái độ ganh đua và không thoải mái ngày càng gia tăng trong nội bộ chính quyền của các nước đó đối với chúng ta. Chúng ta cũng không thể mong mỏi rằng họ sẽ có thể có thái độ vô tư và tự chế để nhìn những thành công thương mại và sự phú cường của chúng ta, cũng như sự hợp quần và gia tăng quyền lực của chúng ta, trên đất liền cũng như trên biển cả.

Người dân Mỹ hiểu rằng tình trạng đó sẽ có triển vọng dẫn tới chiến tranh, cùng với một số nguyên nhân khác, hiện nay chưa rõ rệt. Một khi những nguyên nhân nói trên có cơ hội bùng phát, sẽ không thiếu gì lý cớ được đặt ra để biện minh cho việc phát động bạo lực. Vì những lý do đó, sự hợp quần và một chính quyền quốc gia tốt là những điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn, thay vì khuyến khích chiến tranh. Một thế phòng thủ hữu hiệu nhất tùy thuộc vào tiềm năng của chính quyền, vũ khí và tài nguyên của quốc gia.

Vì nền an ninh của tập thể là quyền lợi của tập thể. Nền an ninh đó không thể được bảo đảm nếu không có chính quyền, dù một hay nhiều chính quyền. Trong bối cảnh đó, liệu một chính quyền duy nhất có hữu hiệu hơn một số nhiều chính quyền hay không.

Một chính quyền duy nhất có khả năng vận dụng tài năng và kinh nghiệm của những cá nhân xuất sắc nhất, dầu cho họ ở đâu trong một lãnh thổ thống nhất. Một chính quyền duy nhất sẽ có thể thiết lập, và hành động theo những nguyên tắc và chính sách thuần nhất. Một chính quyền duy nhất có thể dung hòa, hội nhập và bảo vệ các đơn vị của tập thể, và phát triển những lợi ích của khả năng tiên liệu và bảo vệ cho từng đơn vị lãnh thổ. Khi soạn thảo hiệp ước, một chính quyền quốc gia sẽ lưu tâm đến quyền lợi của tập thể cũng như quyền lợi cá biệt của từng đơn vị lãnh thổ trong tập thể. Chính quyền này có thể dễ dàng và nhanh chóng vận dụng phương tiện và quyền lực của tập thể để bảo vệ một phần lãnh thổ trong tập thể hơn là để cho chính quyền của một đơn vị cá lẻ hay một liên hiệp tiểu bang riêng rẽ, vì những cơ cấu này sẽ thiếu vắng sự hợp quần của hệ thống. Lực lượng quân sự địa phương sẽ được điều động bằng một hệ thống chỉ huy hợp nhất với một tập hợp chỉ huy đặt dưới quyền một tổng tư lệnh, và như vậy, có thể biến nó thành một tập thể quân sự phối hợp, hữu hiệu hơn là mười ba tổ chức quân đội cấp tiểu bang, hoặc ba hay bốn tổ chức quân đội cấp liên hiệp tiểu bang riêng rẽ.

Thử hình dung lực lượng quân sự của Vương quốc Anh sẽ ra sao nếu quân đội Anh Quốc chỉ tuân theo lệnh của chính phủ Anh, quân đội Scotch chỉ tuân lệnh chính phủ Scotland, và quân đội Welsh chỉ nghe lệnh của chính phủ Wales? Nếu bị xâm lược, ba chính quyền đó sẽ phải đối phó ra sao (ngay như trong trường hợp cả ba chính phủ này có thể đồng lòng với nhau) liệu cả ba chính quyền này có khả năng điều động lực lượng chống lại kẻ thù một cách hữu hiệu như trong trường hợp chỉ có một chính quyền Anh Quốc duy nhất hay không?

Sức mạnh của hải quân của Anh Quốc đã được nhiều nước biết đến. Với thời gian, nếu chúng ta đủ sự khôn ngoan, lực lượng hải quân Mỹ cũng sẽ được thế giới chú tâm. Tuy nhiên nếu chính quyền quốc gia của Anh Quốc không quy định được hoạt động hàng hải, biến nó thành một cái nôi đào tạo thủy quân – nếu không có một chính quyền quốc gia vận dụng phương tiện và tài nguyên của quốc gia để thành lập những hạm đội đó – thì những thành quả và uy lực của nó sẽ không được tán tụng như hôm nay. Hãy để cho Anh Quốc sở hữu những hạm đội của họ – hãy để cho Scotland sở hữu những hạm đội của họ – hãy để cho Wales sở hữu những hạm đội của họ – hãy để cho Ireland sở hữu những hạm đội của họ – hãy để cho bốn thực thể của Đế quốc Anh Hoàng nói trên đặt trực thuộc quyền điều động của bốn chính quyền biệt lập, chúng ta sẽ có thể thấy ngay là cả bốn thực thể đó sẽ nhanh chóng tàn lụi vào một vị thế không đáng lưu tâm.

Hãy áp dụng những sự kiện nói trên trong trường hợp của chúng ta. Hãy chia nước Mỹ thành mười ba, hay là, nếu quý vị muốn, thành ba hay bốn liên hiệp tiểu bang biệt lập với nhau. Thử hỏi những thực thể riêng biệt đó sẽ huy động và nuôi được những quân đội như thế nào? Họ sẽ có thể hy vọng thành lập được những hạm đội như thế nào? Nếu một lực lượng bị tấn công, liệu những lực lượng khác có xông đến tiếp trợ, đổ máu và tiền của mình để bảo vệ kẻ bị tấn công hay không? Hay là nhũng thế lực ngoại bang lại có thể ve vãn và thuyết phục những liên hiệp tiểu bang riêng biệt này đứng trung lập bằng những lời hứa hẹn hòa bình để khiến cho họ lo ngại cho nền an ninh và hòa bình của bản thân và bỏ mặc nước láng giềng bị đe dọa – những nước láng giềng mà, rất có thể, sự thành công của những nước này khiến họ ganh ghét và muốn thấy bị tiêu vong. Mặc dầu thái độ đó thiếu khôn ngoan, nhưng đó là một thái độ bình thường. Lịch sử Hy lạp và một số nước khác cũng có nhiều trường hợp tương tự. Và trong những hoàn cảnh tương tự, những trường hợp này có lẽ cũng sẽ còn xẩy ra.

Hãy đặt giả thiết những tiểu bang lân bang sẵn sàng đến cứu giúp tiểu bang hay liên hiệp tiểu bang bị xâm lược. Cách thức, thời điểm và phương tiện tiếp trợ nào sẽ định đoạt tỷ lệ tài chính và nhân lực mỗi đơn vị phải đóng góp? Ai sẽ là người chỉ huy lực lượng đồng minh? Ai sẽ là người định đoạt những điều kiện chấm dứt chiến tranh? Nếu xẩy ra tranh chấp, ai sẽ là người làm trọng tài và áp đặt giải pháp? Tình hình sẽ trở nên khó khăn và phức tạp do sự nẩy sinh của những vấn đề nói trên. Trong trường hợp chỉ có một chính quyền duy nhất, chính quyền này sẽ có thể kiểm soát được quyền lợi chung của tập thể, huy động được quyền lực và phương tiện của tập thể, sẽ không phải đương đầu với những vấn đề nói trên và bảo đảm được một mức độ an ninh cao hơn cho quần chúng.

Dầu cho chúng ta ở trong trường hợp nào đi nữa – một chính quyền quốc gia duy nhất hay nhiều liên hiệp tiểu bang riêng rẽ – điều chắc chắn là những thế lực ngoại bang sẽ nắm vững được tình hình của chúng ta và sẽ có lối hành xử thích nghi. Nếu họ thấy rằng chính quyền quốc gia của chúng ta hữu hiệu và được điều hành tốt đẹp, nền ngoại thương của chúng ta được quy định đúng đắn và cẩn trọng, lực lượng quân sự của chúng ta được tổ chức hữu hiệu và có kỷ luật, những tài nguyên và nguồn tài chính của chúng ta được quản lý kín đáo, thế tín dụng của chúng ta được phục hồi, dân chúng của chúng ta được tự do, sống thỏa mãn và đoàn kết, thì những nước ngoài sẽ tỏ ra sẵn sàng hơn để phát triển mối liên hệ hữu nghị với chúng ta hơn là khiêu khích sự bất hòa với chúng ta. Mặt khác, nếu nước ngoài nhận thấy rằng chính quyền của chúng ta thiếu hữu hiệu (từng tiểu bang hoạt động riêng rẽ, dầu đúng hay sai, tùy thuộc vào ý muốn của người lãnh đạo) hay là bị chia rẽ ra thành ba hay bốn liên hiệp hay cộng hòa biệt lập, mà có thể là bất hòa với nhau – hoặc có đơn vị thì nghiêng theo Anh quốc, cái thì ngả theo Pháp quốc, cái thứ ba lại ngả theo Tây ban nha, và rất có thể là bị ba đế quốc kia tìm cách xúi giục để lũng đoạn lẫn nhau – thì tình trạng đó quả sẽ cho họ nhìn nước Mỹ bằng một con mắt khinh thường! Nước Mỹ không những sẽ bị họ xem thường mà còn bị họ sỉ nhục. Một kinh nghiệm mà chúng ta đã phải trả giá rất đắt đã cho chúng ta biết rằng khi một dân tộc hay một gia đình bị chia rẽ, nhất định sẽ đưa đến thảm trạng xâu xé nội bộ.


[1] Nguyên nhân chính đáng để gây chiến giữa các quốc gia đã được đề cập tới trong Tham Luận 3.