fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Các xã hội đầu tiên

Xã hội kỳ cựu nhất, và là xã hội duy nhất có tính cách tự nhiên, là gia đình, và ngay cả như vậy, con cái chỉ duy trì sự liên hệ với người cha chừng nào mà chúng còn cần để tồn tại. Khi mà nhu cầu này chấm dứt thì sự ràng buộc tự nhiên đó cũng được giải tỏa.

Khi mà con cái giải thoát khỏi sự phục tùng người cha, và người cha không còn bị bắt buộc phải lo cho con cái nữa thì tất cả trở nên độc lập với nhau. Nếu cha con còn sống chung với nhau thì đó không còn là theo tự nhiên nữa mà là với tính cách tự nguyện. Và gia đình, như vậy, được duy trì bởi các quy ước.

Sự tự do chung này là kết qủa của bản chất con người. Điều luật tự nhiên thứ nhất của con người là lo cho sự sinh tồn của nó; những sự quan tâm đầu tiên là nhắm cho cá nhân; và ngay khi đạt đến tuổi khôn ngoan con người trở thành người duy nhất có thẩm quyền tự định đoạt về các phương tiện để sống còn, và do đó trở nên chủ nhân của chính mình. Vậy nên ta có thể xem gia đình như là kiểu mẫu đầu tiên của các xã hội chính trị. Người cầm quyền là hình ảnh của người cha, dân chúng là con cái. Tất cả được sinh ra bình đẳng và tự do, và chỉ chuyển nhượng sự tự do của mình vì lợi ích của họ. Tất cả sự khác biệt là ở chỗ, trong gia đình sự săn sóc mà người cha dành cho con cái được đền bù bằng tình thương cha con, trong khi trong một quốc gia niềm vui thích cầm quyền thay thế cho tình thương, một tình thương mà kẻ cai trị không thể nào có cho đám dân chúng.

Grotius không cho rằng tất cả quyền lực được đặt ra vì lợi ích của kẻ bị trị. Ông ta dùng chế độ nô lệ làm thí dụ. Lối suy luận thông thường của ông là dùng sự kiện thực tế để chứng minh cho sự hiện hữu của quyền [1]. Người ta có thể sử dụng một phương pháp lô-gíc hơn, nhưng không có phương pháp nào có lợi cho các kẻ bạo ngược hơn [phương pháp này].

Theo Grotius, không biết loài người nằm trong tay khoảng một trăm người, hay một trăm người này thuộc về loài người. Ông ta dường như ngả về ý kiến đầu tiên. Đó cũng là suy nghĩ của Hobbes. Như vậy là loài người được phân chia ra làm nhiều bầy như thú vật; mỗi bầy có môt ông chủ gìn giữ bầy để ăn thịt. Và như là người mục đồng có bản chất cao qúy hơn bầy thú của mình, thì kẻ cầm quyền cũng cao qúy hơn dân chúng bị trị. Philo cho chúng ta biết rằng Hoàng Đế Caligula lý luận như thế: Vua là thần thánh, dân là thú vật. Lý luận của Caligula giống như lý luận của Grotius và Hobbes. Aristotle, trước họ, nói rằng con người không tự nhiên bình đẳng, mà một số người sinh ra làm nô lệ và số người kia để thống trị [a].

Aristotle có lý; nhưng ông ta lấy qủa làm nhân. Con người sinh ra trong chế độ nô lệ lại trở thành nô lệ, chắc chắn như vậy. Kẻ nô lệ mất tất cả khi bị xiềng xích, ngay cả ý chí trốn thoát. Chúng yêu thích tình trạng nô lệ của mình, giống như các bạn đồng hành của Ulysses thích thú tình trạng sống như thú vật của họ.[2] Vậy thì nếu tự nhiên mà có kẻ nô lệ, thì bởi vì đã có những nô lệ trái tự nhiên. Sức mạnh tạo ra những kẻ nô lệ đầu tiên, và sự hèn nhát làm cho họ suốt đời nô lệ.

Tôi không đề cập đến Adam và Noah, cha của 3 vì vua vĩ đại, những người đã chia sẻ vũ trụ như con cái của Saturn, mà một trong số những ông vua này đã tự nhận dòng họ. Tôi cảm thấy rằng tôi phải được cám ơn vì sự khiêm nhượng của mình: là một người nối dõi trực tiếp của một trong các vì vua đó, có thể là của ngành cả, làm sao ai biết được rằng, sau khi kiểm chứng các tước vị, tôi không là vị vua hợp pháp của nhân loại? Trong bất cứ trường hợp nào, không thể chối cãi rằng Adam là vua của thế giới cũng như Robinson Crusoe là vua của hòn đảo của anh ta, chừng nào mà anh ta còn là người dân duy nhất của đảo ấy. Và vương quốc này có cái thuận lợi là, nhà vua an toàn trên ngai vàng, không sợ nổi loạn, chiến tranh hay âm mưu lật đổ.

© Học Viện Công Dân 2006

Chú thích

[1] “Các công trình nghiên cứu về công quyền thường chỉ là về những nhũng lạm quyền hành trong quá khứ; và mất công nghiên cứu sâu xa về những chuyện này chỉ là một sự mê muội vô bổ.” (Luận văn về “Hiệp ước về lợi quyền nước Pháp liên quan lới các nước láng giềng” của Hầu tước d’Argenson). Đây chính là cách Grotius làm.

[2] Xem thêm tiểu luận của Plutarch, nhan “Loài vật cũng dùng lý trí.”

[a] Hugo Grotius (1583-1645) là một luật gia, triết gia, kịch tác gia và thi sĩ người Hòa Lan. Grotius đặt nền móng cho Công pháp Quốc tế trên căn bản Luật Thiên nhiên (natural law). Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia người Anh, nổi tiếng với quyển Leviathan, trong đó Hobbes luận giải về sự hình thành nhà nước, công quyền, dân quyền. Hobbes được coi như cha đẻ của triết lý chính trị hiện đại.