fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Quyền Tối thượng không thể phân chia được

 

Với cùng một lý luận rằng Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng được, nó cũng không thể phân chia; bởi vì ý chí hoặc là của tập thể, hoặc không thuộc tập thể [6]. Trường hợp đầu, ý chí, khi được ban ra, là một hành động của Quyền Tối thượng và trở thành luật. Trường hợp sau, đó chỉ là ý chí cá nhân hay một hành động của Toà, cùng lắm là một sắc lệnh. Thế nhưng, các lý thuyết gia chính trị của chúng ta, vì không thể phân chia Quyền Tối thượng được trên nguyên tắc nên chia nó theo đối tượng: thành sức mạnh và ý chí, thành quyền lập pháp và hành pháp, thành quyền đánh thuế, tư pháp và chiến tranh, thành hành chính nội bộ và quyền đối ngoại. Có khi, họ lẫn lộn giữa những phần đó và có lúc họ cũng phân biệt chúng rõ ràng. Họ biến Hội đồng Tối cao thành một vật quái dị gồm nhiều mảnh liên kết với nhau: như thể họ cấu tạo một con người với nhiều thân thể, một với mắt, một với tay, một với chân và một không có chi cả. Chúng ta được nghe kể rằng, những tay lang băm bên Nhật Bản có thể cắt một đứa bé thành nhiều mảnh trước mắt khán giả, tung các mảnh ấy lên không và đứa bé rơi xuống, vẫn sống và lành lặn. Trò ảo thuật của các lý thuyết gia chính trị của chúng ta cũng giống như thế. Họ cắt xén cơ cấu chính trị, bằng một màn ảo thuật ngoạn mục có thể đem ra diễn giữa hội chợ, rồi kết hợp chúng lại bằng cách nào chúng ta không biết.

Sai lầm này bắt nguồn từ sự hiểu biết thiếu sót các khái niệm chính xác về quyền lực của Hội đồng Tối cao và đã tham dự vào các thành phần thoát ra từ quyền lực đó. Ví dụ, các hành động tuyên chiến và tạo hoà bình vẫn được xem như là những hành động của Quyền Tối thượng, nhưng thực ra không phải thế, vì các hành động đó không cấu thành luật mà chỉ là sự áp dụng luật, một hành động đặc thù xác định xem luật được áp dụng như thế nào như chúng ta sẽ thấy tường tận khi ý nghĩa gắn liền với chữ “luật” được định rõ.

Nếu xem xét các sự phân chia quyền hành khác một cách chi ly, ta sẽ nhận thấy rằng ta đã lầm lẫn khi nghĩ rằng Quyền Tối thượng bị phân chia; vì các quyền bị phân ra từ Quyền Tối thượng, đều là những quyền phụ thuộc của Quyền Tối thượng, và chính sự hiện hữu của những quyền này chỉ là sự thể hiện một ý chí tối cao đã hiện hữu từ trước mà thôi.

Không thể ước lượng được sự thiếu chính xác trên đây đã làm tối tăm các quyết định của những tác giả viết về quyền chính trị đến mức nào khi họ muốn xét đến các quyền của vua và của dân dựa trên những nguyên tắc mà họ đặt ra. Mỗi người trong chúng ta có thể thấy ở các Chương 3 và 4 trong Quyển Thứ Nhất của Grotius, tác giả, và Barbeyrac, dịch giả, bị vướng mắc và lúng túng như thế nào trong các ngụy biện của họ bởi sợ nói quá ít hay quá nhiều về điều họ nghĩ, và khi nói như thế, họ đụng chạm đến các lợi ích mà họ phải thu phục. Không hài lòng với quê hương của mình, Grotius đã lánh nạn tại Pháp và vì muốn làm đẹp lòng Pháp Hoàng Louis XIII, người mà ông đề tặng quyển sách, đã không ngần ngại tước đoạt mọi quyền lợi của người dân để dâng cho vua tất cả các quyền ấy bằng mọi kỹ xảo có được. Barbeyrac cũng làm thế đối với Anh Hoàng Georges I bằng cách đề tặng nhà vua quyển sách nói trên. Nhưng rủi thay, Vua James II bị truất ngôi, việc mà Barbeyrac cho là ‘thoái vị’, buộc Barbeyrac phải do dự, thay đổi ý kiến, nói quanh co hầu tránh gọi Williams là kẻ soán ngôi. Nếu hai tác giả kể trên chấp nhận những nguyên tắc chính đáng, họ đã tránh được mọi khó khăn và hẳn đã giữ được tính nhất quán trong lý luận; nhưng làm như vậy, họ sẽ phải nói ra sự thực và nói sao cho được lòng dân chúng. Nhưng họ biết sự thực không dẫn đến giàu sang và dân chúng lại chẳng phải là người ban phát các chức vụ đại sứ, các ghế giáo sư hoặc các món trợ cấp nào.

© Học Viện Công Dân 2006

Ghi chú

[6] Ý chí tập thể không nhất thiết phải là sự “nhất trí” của mọi người, nhưng mọi ý kiến đều phải được thu nhận (cả thuận lẫn nghịch). Nếu nhà nước loại trừ một số ý kiến nào đó ra, thì đó không còn là ý chí tập thể nữa.