fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Sự đầu phiếu

Qua phần trước, ta có thể thấy rằng phương cách điều hành việc công nói lên một cách khá rõ ràng tình trạng thực sự của tinh thần và sức mạnh của cơ cấu chính trị. Càng có sự đồng lòng trong các buổi họp thì ý kiến càng tiến gần đến sự thống nhất và ý chí tập thể càng mạnh. Ngược lại, những sự tranh cãi kéo dài, những sự bất đồng ý kiến và những xáo trộn là dấu hiệu của các quyền lợi riêng tư và sự suy tàn của quốc gia.

Sự việc này ít rõ ràng hơn khi có hai hay nhiều giai cấp ở trong cơ cấu chính trị, ví dụ như giai cấp qúy tộc và thường dân ở La Mã; ngay trong những ngày huy hoàng nhất của nền Cộng hoà các cuộc tranh cãi giữa hai giai cấp đó thường xuyên xảy ra và làm rối loạn các buổi hội nghị. Nhưng ngoại lệ đó có tính chất hình thức hơn là sự thực; bởi vì do các khuyết điểm cố hữu thuộc cơ cấu chính trị, có thể nói là La Mã có hai quốc gia trong một quốc gia, điều gì không đúng cho cả hai thì lại đúng cho mỗi quốc gia riêng biệt. Thật vậy, trong những thời kỳ sóng gió nhất, khi Nguyên Lão Thượng Viện không can thiệp, cuộc trưng cầu dân ý luôn luôn diễn ra một cách êm thắm và với một đa số lớn. Các công dân chỉ có một quyền lợi; dân chúng cùng chung một ý chí.

Ở một thái cực khác, sự thống nhất được lập lại; đây là trường hợp xảy ra khi các công dân bị rơi vào vòng nô lệ và mất cả tự do lẫn ý chí. Lúc đó, sự sợ hãi và sự nịnh bợ biến các cuộc đầu phiếu thành những cuộc hoan hô; không còn có sự nghị luận nữa mà chỉ còn có sự tôn sùng hay nguyền rủa. Nguyên Lão Thượng Viện đã phát biểu ý kiến của mình một cách hèn nhát như vậy dưới thời các Hoàng Đế. Đôi khi việc đó xảy ra với nhiều sự thận trọng lố bịch. Tacitus[a] nhận xét rằng, dưới thời Otho, các lão thượng nghị viên, trong khi vừa nguyền rủa Vitellius thì vừa làm ầm ĩ lên; mục đích là để nếu Vitellius trở nên người cầm đầu thì ông ta không biết ai đã nói gì.

Từ những nhận xét trên nẩy ra những phương châm mà theo đó người ta quy định các thể thức đếm phiếu và so sánh các ý kiến tùy theo việc nhìn nhận ý chí tập thể một cách dễ hay khó, và tùy theo quốc gia suy kém đến mức nào.

Chỉ có một điều luật, từ bản chất của nó, đòi hỏi mọi người phải nhất trí đồng ý. Đó là khế ước xã hội; bởi vì sự hợp ước dân sự là một hành động có tính cách tự nguyện nhất trong mọi hành động. Mỗi người được sinh ra tự do và tự làm chủ lấy mình; không ai, dưới bất cứ một lý do nào, có thể bắt một kẻ khác phải thần phục mình mà không có sự đồng ý của người đó. Quyết định rằng con của một kẻ nô lệ được sinh ra để làm nô lệ là quyết định rằng kẻ đó không phải được sinh ra để làm người.

Nếu có những kẻ chống đối khi khế ước xã hội được tạo nên, sự chống đối đó không làm cho khế ước trở nên vô hiệu, mà chỉ ngăn chận không cho những kẻ đó trở thành những phần tử của khế ước. Họ là những người ngoại quốc sống giữa các công dân. Khi quốc gia được hình thành, sự cư trú đồng nghĩa với sự đồng ý: sống trong lãnh thổ là chịu phục tùng Quyền Tối Thượng.[1]

Ngoài khế ước nguyên thủy đó, lá phiếu của đa số luôn luôn bắt buộc tất cả những người còn lại phải tuân theo. Sự kiện này là kết qủa của chính khế ước. Nhưng ta có thể hỏi làm sao mà một người vừa có tự do vừa phải thuận theo những ý chí không phải của chính mình? Làm sao mà phe [thiểu số] đối lập vừa tự do vừa phải tuân theo những luật lệ mà họ không chấp thuận?

Tôi trả lời rằng câu hỏi đó đã được đặt sai. Người công dân chấp thuận mọi luật lệ gồm cả các luật lệ được thông qua dù anh ta không đồng ý, và ngay cả các luật lệ trừng phạt anh ta nếu anh ta vi phạm các luật lệ đó. Ý chí bất biến của tất cả các thành viên của quốc gia là ý chí tập thể; qua ý chí đó, họ là những công dân tự do.[2] Khi một đạo luật được đề nghị trong một buổi họp của dân chúng, điều mà người ta hỏi không phải là sự chấp thuận hay bác bỏ đề nghị đó, mà có phải là đề nghị đó thích hợp với ý chí tập thể hay không, tức là ý chí của dân chúng. Mỗi người khi bỏ phiếu là cho ý kiến của mình trên vấn đề đó; và ý chí chung được thể hiện bằng số phiếu đếm được. Do đó, khi mà ý kiến trái với ý kiến của tôi được thông qua, sự việc đó không nói gì khác hơn là tôi đã lầm, và cái mà tôi nghĩ là ý chí tập thể thực sự không phải như vậy. [Trong trường hợp tôi lầm, và] nếu ý kiến của tôi thắng, [thì điều đó có nghĩa là] tôi đã đạt được những gì trái với ý nguyện của tôi; và như vậy là tôi không có tự do.

Về việc này, ta phải giả định trước rằng tất cả các đặc tính của ý chí tập thể vẫn ở trong đa số: khi không còn như thế nữa, dù người ta đứng ở phía nào chăng nữa thì vẫn không còn tự do.

Trước kia, trong phần đề cập đến việc làm sao mà ý chí riêng tư thay thế cho ý chí tập thể trong các cuộc nghị luận công cộng, tôi đã nêu lên đầy đủ thể thức để tránh sự lạm dụng đó, và tôi sẽ có dịp đề cập đến vấn đề ấy sau này. Tôi cũng đã nêu ra các nguyên tắc để xác định tỷ lệ phiếu để chấp thuận ý chí đó. Sự khác biệt của một phiếu làm mất sự cân bằng;[b] một tiếng nói phản đối phá hủy sự đồng thuận; nhưng giữa sự cân bằng và sự đồng thuận, có nhiều thứ bậc phân chia không đồng đều; ở mỗi thứ bậc người ta có thể ấn định một con số tùy theo tình trạng và nhu cầu của cơ cấu chính trị.

Ta có thể dùng hai điều luật tổng quát để ấn định các tỷ lệ này. Trước hết, vấn đề được tranh luận càng quan trọng thì ý kiến đem đến thắng lợi phải gần sự đồng nhất. Thứ hai, vấn đề tranh luận càng cần được giải quyết mau chóng thì số khác biệt trong tổng số phiếu phải càng nhỏ càng tốt; trong những cuộc tranh luận mà ta cần phải có quyết định ngay tức khắc; đa số hơn một phiếu là đủ. Điều thứ nhất nêu trên thích hợp cho luật pháp; đìều thứ hai cho công việc thường ngày. Trong mọi trường hợp, chính là sự hoà hợp của cả hai điều trên cho ta tỷ lệ tốt nhất để ấn định đa số cần thiết.

© Học Viện Công Dân 2007

Ghi chú:

[1] Điều này chỉ đúng trong các nước tự do, vì trong các nước không có tự do, các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, tài sản, bạo lực của chính quyền, hay không có nơi nào khác để di cư có thể khiến một cư dân phải ở lại trong nước đó trái với ý nguyện của mình; trong trường hợp này sự cư ngụ của một người trong đất nước đó không còn đồng nghĩa với sự chấp nhận hay vi phạm khế ước xã hội nữa.

[2] Tại Genoa, chữ Libertas (tự do) được đóng trên cửa các nhà tù và trên những cái gông của tội nhân. Việc dùng khẩu hiệu này theo cách nói trên thật là tuyệt hảo và đúng đắn, vì chính những kẻ bất lương đã khiến cho những công dân khác không được tự do. Trong một nước mà tất cả những kẻ bất lương đều bị đóng gông hết, thì mọi người mới được hưởng hoàn toàn tự do.

[a] Publius Cornelius Tacitus (56-117) là một sử gia nổi tiếng và cũng là Nguyên lão Nghị Viên của Cổ La Mã. Tác phẩm về lịch sử còn lưu lại đến ngày nay là Biên niên SửSử Ký ghi chép lịch sử triều đại của 3 vị Hoàng đế La Mã: Tiberius, Claudius, và Nero; cũng như thời kỳ hỗn loạn Tứ Đế của La Mã sau khi Nero bị buộc phải tự sát. Chỉ trong vòng 1 năm rưỡi từ tháng 6 năm 68 đến tháng 12 năm 69, La Mã trải qua 4 đời vua: Galba, Otho, Vitellius và Vespasian.

[b] Trường hợp hai phe ngang phiếu nhau thì chỉ cần một phiếu cũng thay đổi tình trạng bế tắc này.