fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Bầu cử

Việc bầu cử người cầm quyền và các quan chức là một việc phức tạp như tôi đã nói; có hai cách thức làm: đó là sự lựa chọn và sự rút thăm. Cả hai phương pháp đều được sử dụng ở nhiều nền cộng hoà, và một sự pha trộn hỗn hợp quá rắc rối của cả hai phương pháp này đang còn được sử dụng để bầu quan tổng trấn (doge) thành phố Venice.

Montesquieu đã nói: “Bầu cử bằng rút thăm là bản chất của nền dân chủ” (The spirit of laws, II: 2). Tôi đồng ý, nhưng như thế là thế nào? Ông ta nói tiếp: “Rút thăm là một cách lựa chọn không làm buồn phiền ai cả; mọi công dân đều có một hy vọng hợp lý để phục vụ quốc gia.” Đó không phải là lý do chính đáng.

Nếu ta cho rằng sự bầu cử các người cai trị là một công việc của chính phủ chứ không phải của Hội đồng Tối cao, ta sẽ thấy rằng tại sao sự rút thăm là một phương pháp tự nhiên hơn cho nền dân chủ, trong đó sự cai trị càng tốt nếu số đạo luật càng ít.

Trong mọi nền dân chủ thực sự, chức vụ không phải là một lợi lộc mà là một gánh nặng mà người ta không thể áp đặt một cách hợp lý trên một người này thay vì một người khác. Chỉ có luật pháp mới có quyền áp đặt chức vụ trên người rút thăm trúng.  Bởi vì hoàn cảnh mọi người đều như nhau, và sự lựa chọn không tùy thuộc vào ý chí của một người nào cả, cho nên không có một sự đề nghị riêng biệt nào để sửa đổi tính cách phổ thông của luật này.

Trong nền quý tộc, vị hoàng đế chọn hoàng đế; chính phủ tự tồn tại và đây là chỗ mà các lá phiếu được sử dụng một cách thích đáng.

Cuộc bầu cử của tổng trấn thành phố Venice là một ví dụ xác nhận thay vì phủ nhận sự khác biệt nói trên: phương pháp hỗn hợp này thích ứng cho một chính phủ hỗn hợp. Nếu ta cho rằng chính quyền của thành phố Venice là chính quyền quý tộc thì ta lầm. Nếu dân chúng không tham dự phần nào trong chính phủ, giới quý tộc chính là dân chúng. Những người Barnabotes – thành phần quý tộc nghèo ở vùng phố Saint Barnabe –  không bao giờ được giữ các chức vụ, và thật ra chỉ mang cái danh trống rỗng là “Điện hạ” và có quyền tham dự vào Đại Hội Đồng. Người tham dự Đại Hội Đồng này cũng đông đảo như trong Tổng Hội Đồng của chúng ta ở Geneve, các thành viên danh tiếng ấy cũng không có quyền hành gì  hơn các thường dân ở Geneve. Thật ra thì, ngoài sự khác biệt giữa hai nền cộng hoà, giai cấp tư sản của Geneve thật sự tương đương với giới qúy tộc của Venice; thổ dân và cư dân của chúng ta tương đương với dân phố và dân chúng của Venice; các dân quê của ta là các thần dân của Venice. Trừ diện tích ra, nếu ta xét đến cộng hoà Venice dưới khía cạnh nào chăng nữa, chính phủ của thành phố đó cũng không có gì là quý tộc hơn Geneve. Toàn thể sự khác biệt là ở chỗ chúng ta không có người cai trị vĩnh viễn nên chúng ta không cần đến sự bắt thăm.

Trong một nền dân chủ thật sự, cuộc bầu cử bằng bắt thăm có vài sự bất lợi; vì ở nơi mà ai cũng đồng đều với nhau về tinh thần và tài năng cũng như về nguyên tắc và tài sản, thì người ta gần như hờ hững với sự lựa chọn. Nhưng như tôi đã có nói một nền dân chủ thật sự chỉ là một ý niệm lý tưởng.

Khi có sự bầu cử bằng phiếu và sự bầu cử bằng bắt thăm kết hợp với nhau, các chức vụ đòi hỏi những tài năng đặc biệt, như là các cấp chỉ huy quân đội, phải được bầu ra. Sự bắt thăm có thể dùng cho các chức vụ về tư pháp trong đó cần đến các đức tính như sự khôn ngoan, sự công bằng và tính liêm khiết, và khi một quốc gia được thành lập một cách hoàn hảo thì tất cả các công dân thường có các đức tính ấy.

Trong một chính phủ quân chủ không thể có sự bắt thăm hoặc sự đầu phiếu. Dựa trên quyền hành của mình, vị vua là người cai trị và quan chức độc nhất; vua là người duy nhất chọn lựa các phụ tá của mình. Khi Abbé de Saint Pierre[a]đề nghị tăng số lượng các Hội Đồng của vua Pháp và các thành viên nên được bầu cử, ông ta không ngờ rằng ông đang đề nghị thay đổi hình thức của chính quyền.

Bây giờ tôi đề cập đến thể thức bỏ phiếu và đếm phiếu trong các buổi nghị hội của dân chúng; nhưng có lẽ một ít lịch sử chính trị La Mã về vấn đề này sẽ giải thích rõ rệt hơn những gì mà tôi muốn nói. Độc giả sáng suốt sẽ thấy rằng thì giờ mình bỏ ra là xứng đáng để tìm hiểu thêm về cách giải quyết các công việc công cũng như tư trong một Hội đồng gồm hai trăm ngàn thành viên.

© Học Viện Công Dân 2007

Ghi chú:

[a] Charles Irénée Castel de Saint Pierre, còn được gọi là Abbé de Saint Pierre, là một triết gia có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của Rousseau. Có lẽ ông là người đầu tiên đề nghị thành lập một tổ chức gìn giữ hòa bình thế giới. Dù tên gọi có chữ Abbé (cha giám tỉnh một nhà dòng), nhưng ông không phải là linh mục hay tu sĩ.